Wednesday, May 07, 2025

HIỆN TƯỢNG “NGUYỄN THÙY TRANG” (BS Trần Văn Tích)

HIỆN TƯỢNG "NGUYỄN THÙY TRANG" (BS Trần Văn Tích )
April 12, 2020

Trên internet thỉnh thoảng thấy xuất hiện những bản tin do Thùy Trang hay Nguyễn Thùy Trang công bố. Tất cả các bản tin đó có chung một đặc tính : chúng là những bản tin độc đáo, dị thường. Khi chiếc máy bay Mã Lai Á mất tích, Thùy Trang khẳng định chiếc phi cơ đó đã hạ cánh an toàn ở một vùng bí mật trên lãnh thổ Hoa Lục vì dính dáng đến một điệp vụ tình báo. 

Thùy Trang đưa tin viên tướng Việt cộng Phùng Quang Thanh và một số cận vệ bị bắn tử thương hay bị bắn trọng thương trên một con đường ở Paris.

Trong bài viết nhan đề Dương Văn Minh, một Việt cộng nằm vùng (…) Thùy Trang đưa ra những kiến giải hàm hồ, sai nhầm, thậm chí hỗn láo, xấc xược. Câu văn sau đây trích nguyên văn từ bài viết đó là một triệu chứng đặc trưng (signe pathognomonique) của bệnh án Thùy Trang: "Năm 1962 Dương Văn Minh đột nhập vào các cơ quan tình báo của Việt Nam Cộng Hoà, Binh vận Trung Ương Cục, Tình báo, An ninh T4 (Sài Gòn-Gia Định)".

 Năm 1962, Ông Dương Văn Minh mang cấp bậc Trung tướng. Một vị trung tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà lại đi "đột nhập" vào các cơ quan tình báo của Việt Nam Cộng Hoà là nghĩa lý gì?

 Thùy Trang liệt kê lung tung, loạn xạ, chẳng cần theo một trật tự, một phân loại, một phương hướng nào cả. Binh vận Trung ương Cục nếu có chỉ có thể là một cơ quan an ninh tình báo thuộc cấp lãnh đạo cao nhất, chung cho cả nước, của Việt Cộng, vậy mà Tướng Dương Văn Minh đã "đột nhập" được vào cơ quan này ư? Trong khi đó thì An ninh T4 (Sài Gòn-Gia Định) lại chỉ có thể là một tổ hay một nhóm an ninh tình báo địa phương cũng vẫn của Việt Cộng, một vị trung tướng Việt Nam Cộng Hoà làm sao lại nhè "đột nhập" vào đó và "đột nhập" vào đó để làm gì? Khoa chẩn đoán tâm thần gọi tình trạng bệnh lý này một cách hết sức tổng quát là dislogie, chứng loạn ngôn.

 Trong vụ Vũng Áng, Thùy Trang sử dụng đầy đủ tên họ và cả học vị : "Nguyễn Thùy Trang, Tiến sĩ Sinh vật/Hoá học". Qua nội dung bài viết, Thùy Trang khơi khơi chủ trương Formosa không chế tạo thép mà tinh luyện titan. Hai chữ sinh vật trong Việt ngữ là một danh từ, một tên gọi chung các vật sống, bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật. Không có khoa học chuyên môn nào gọi là khoa sinh vật cả, mà chỉ có khoa sinh học hay khoa sinh vật học. Một vị tiến sĩ lại không thể gọi tên chuyên khoa mình tốt nghiệp cho đúng! Vẫn là triệu chứng bệnh lý tâm thần học loạn ngôn. Vả lại, khoa sinh học là tổng thể các khoa học về thế giới hữu sinh và về các quá trình của sự sống trong khi khoa hoá học chuyên nghiên cứu về cấu tạo, tính chất và sự biến hoá của các chất vô sinh; cho nên trong thực tế, không có cá nhân nào được đào tạo theo hai chuyên khoa đối nghịch như vậy.

 Thoạt tiên, Tiến sĩ Thùy Trang – cũng có khi Thùy Trang tự xưng là bác sĩ – còn huê dạng cho biết rằng mẫu nước Vũng Áng đã được một phòng thí nghiệm ở Châu Âu phân tích nhưng không hề nghĩ đến chi tiết đơn giản nhất là nói rõ phòng thí nghiệm tên gì, ở tại thành phố nào, ở quốc gia nào thuộc Châu Âu! Nhưng rồi qua cơn khủng hoảng tâm thần, Thùy Trang phần nào tỉnh trí lại và nhận ra tính chất vô lý của cung cách loan tin nên Thùy Trang chủ động xoá chi tiết bảo rằng mẫu nước Vũng Áng đã được phân tích ở Châu Âu!

 Khi cô Nancy Nguyen về Việt Nam và bị giặc bắt giữ, Thùy Trang đưa tin một cách ly kỳ là cô Nancy Nguyen đã bị Tổ Phản gián A, Đội Biệt động B giam cầm thẩm vấn. Vài ngày sau, cô Nancy Nguyen được tha và kể lại rằng Cô đã bị bắt mang về công an phường X rồi bị giam ở trại Y. Có thế thôi!

Mới đây nhất, Thùy Trang tung tin Hoa Kỳ và Trung Cộng lâm chiến tại Biển Đông, phi cơ hai nước bắn nhau loạn xà ngầu. Cựu Trung Tá Trần Đình Phúc tức Matthew Tran nêu câu hỏi trên mạng lưới với Thùy Trang đại khái là tin động trời như thế mà sao không thấy giới truyền thông báo chí quốc tế loan tin. Tiện dịp tôi bèn trả lời vị cựu trung tá. Tôi trình lên Trung Tá là tôi dự đoán Thùy Trang sẽ có hai cách phúc đáp. Cách thứ nhất là giữ im lặng, không thèm trả lời. Cách thứ hai là trả lời một cách rất "hoành tráng", đại khái như sau: Thùy Trang chỉ biết phục vụ Sự Thật, Thùy Trang không phải là nhà nghiên cứu sử hay phóng viên chiến trường. Trong vụ phi chiến Mỹ-Tàu ở Biển Đông, cả hai bên đều vì nhu cầu chiến lược toàn cầu mà giấu giếm rất kỹ lưỡng. Phía Hoa Kỳ thì Toà Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài, Cơ quan Trung ương Tình báo CIA, v.v. đều quyết định không để lộ tin tức ra ngoài. Phía Trung Cộng từ bọn chóp bu cho đến bọn tép riu cũng hành động y như vậy. Cho nên báo chí, radio, v.v. làm sao mà biết được! Chỉ một mình Thùy Trang vì quyết tâm phát hiện và bảo vệ Chân Lý nên mới sử dụng những nguồn tin toàn cầu, liên quốc để theo dõi thời sự quốc nội và quốc ngoại. Những nguồn tin đặc biệt và độc đáo của Thùy Trang không ai có thể thu thập được hết. Đó là độc quyền của Thùy Trang. Không tin cứ chờ tương lai trả lời, khi các tài liệu bí mật quốc gia được giải mã thì sẽ thấy; vân vân và vân vân, bla bla bla…

 * * *

Có người nghi ngờ Thùy Trang là điệp viên nhị trùng. Có người phỏng đoán Thùy Trang là tay sai ViXi chuyên tung tin hoả mù để làm hoang mang dư luận. Ngộ nghĩnh hơn nữa, có người hồn nhiên chuyển tiếp thêm, phổ biến rộng các tin tức theo kiểu Thùy Trang!

Thùy Trang không phải Việt Cộng. Thùy Trang là người gốc quốc gia. Thùy Trang có thể là sĩ quan hay hạ sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đang sống lưu vong. Thùy Trang thuộc thế hệ thứ nhất, không có chuyên khoa nghề nghiệp vững chắc để hội nhập thuận lợi và thành công vào xã hội phương tây. Trình độ văn hoá của Thùy Trang ở mức suýt soát trung bình, có nhiều phần chắc dưới trung bình. Thùy Trang không có khả năng lý luận khoa học. Trước 1975, có lẽ Thùy Trang ít nhiều từng dính dáng đến các cơ quan an ninh tình báo của Miền Nam nhưng chỉ là nhân viên cấp thừa hành và nhất là không thuộc các cơ cấu chuyên nghiên cứu sách lược hay lập kế hoạch hành động.

Về hình thức, cung cách trình bày các bản tin của Thùy Trang, xét dưới khía cạnh tâm thần học, rất hữu ích cho giới y khoa. Chúng ta gặp nơi Thùy Trang nhiều triệu chứng, nhiều hợp chứng thác loạn ngôn ngữ (aphasie). Thùy Trang dùng những chữ vô nghĩa (Binh vận Trung ương Cục, Tiến sĩ Sinh vật/Hoá học). Thùy Trang bố trí từ hỗn loạn, bất chấp luận lý, bất tuân cú pháp, Thùy Trang xếp cạnh nhau những chữ không có liên quan ngữ nghĩa. Về nội dung, người bệnh Thùy Trang mang chứng hoang tưởng tự đại hay vĩ cuồng (mégalomanie). Chứng bệnh này rất phổ biến trong cộng đồng tỵ nạn và chỉ là một hậu quả gần như đương nhiên của hội chứng hậu chấn thương tâm thần, post traumatic syndrome. Bên cạnh Thùy Trang có thể kể rất nhiều ví dụ khác. Có người tự phong cho mình chức thủ tướng chính phủ Quốc gia Lâm thời. Có người tự xem mình là nhân vật lãnh đạo quần chúng. Có người mạo nhận là Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ đến tham gia một buổi sinh hoạt cộng đồng. Có vị cựu đại tá hiện ở Pháp khi nói chuyện với đồng bào tại Bad Kreuznach (Đức quốc) đã lớn tiếng tiên đoán quả quyết rằng Võ Nguyên Giáp sẽ lên ngôi nay mai (khi họ Võ còn sống). Có cả kẻ tự xưng là hậu duệ Việt Nam Cộng Hoà gọi điện thoại nói chuyện với người gõ những dòng này để quả quyết là ngày mai sẽ có biến chuyển ở Ba Đình, "Chú không tin thì rán chờ coi!" Ngay những người xuất thân từ lò xã hội chủ nghĩa cũng mắc cùng chứng bệnh. Có kẻ tự coi như mình ra nước ngoài là để làm minh chủ cho đám dân vong quốc. Có người tự giao cho mình trọng trách dạy dỗ lũ viết lách cách làm báo để kết hợp trong ngoài nước. Có bà đe dọa kiện Việt Cộng trước nền công lý nhân loại một cách "hoành tráng". Vân vân. Thật ra không thể kể xiết.

 * * *

Bệnh án (Nguyễn) Thùy Trang chỉ là một bệnh án hàm thụ. Nó có rất nhiều hạn chế nhưng nó không luận ẩu nói càn như Thùy Trang. Nó có cơ sở khách quan khoa học.

Người thiết lập bệnh án không hề có ý nghĩ xúc phạm Thùy Trang; trái lại, kẻ gõ các dòng này rất kính trọng bệnh nhân Thùy Trang, như từng và vẫn kính trọng tất cả bệnh nhân mà mình đã có cơ may tiếp xúc, điều trị. Vả lại, người bệnh tâm thần Thùy Trang là một người bệnh rất dễ thương. Trong khoa tâm thần học vốn vẫn có những hạng bệnh nhân như vậy. Họ sống cho mình, với mình, vì mình. Họ không gây tai hại cho tha nhân. Họ không phải là một mối nguy cho xã hội. Họ chỉ đứng trên công luận, họ chỉ tách khỏi tập thể, họ chỉ không chấp lý lẽ.

Ai đọc Thùy Trang chỉ nên xem như đọc một mẩu tin vui, đừng bắt tội người gửi và đọc xong thì chỉ nên ngồi trước máy mà cười tủm tỉm một mình.

BS Trần Văn Tích

Friday, May 02, 2025

TRẦN HOÀI THƯ - Ngày người tù binh trở về

TRẦN HOÀI THƯ

Minh trở lại cùng Huế. Minh đứng ở bờ Hữu Ngạn, gọi Huế, gọi dòng sông, gọi những con sáo nội thành in cánh đen trên những nhành phượng vĩ. Dòng sông vẫn hiền lành, nước vẫn xanh lơ, chảy về Kim Long, qua cầu Bạch Hổ, chảy ngược về Vĩ Dạ, khuất dưới những bờ tre xanh. Huế ơi. Giọt nước mưa mùa đông, hay là giọt nước mắt. Minh về, nhìn lại bóng mình xao động trên mặt nước. Bên kia bờ là Đông Ba, là thành phố, là vỉa hè Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, là dấu chân chập chùng một thời tuổi trẻ. Mới đó, bây giờ đã mười bốn năm. Bao nhiêu điều mà anh đã thêu dệt về một quê nhà, trước khi cầm tờ giấy phóng thích, giờ đây trở thành tan vỡ. Hình như Huế đã không còn là của anh nữa. Huế đã thay đổi quá nhanh. Huế hấp tấp, hối hả, tranh dành như đám xe xích lô hay xe đạp thồ đang đón khách đi. Huế ảm đạm, câm nín như cả bầu trời xám, và những người cúi đầu xuống lầm lũi. Huế với những ngôi nhà mới cất như những dinh thự tương phản cùng nỗi nghèo nàn cơ cực.

Anh đã ôm  bị hành trang, bước đi. Đây là con đường Lê Lợi cũ, sẽ qua chiếc cầu ga, qua trường Bình Minh, qua đại học luật khoa, qua trường Quốc Học, Đồng Khánh…Không, đâu còn cái tên Đồng Khánh nữa. Mà là Trưng Trắc. Trời ơi, mười bốn năm. Nhắm mắt lại, nhớ gì, anh thử nhìn xem bên trong ngôi trường cũ. Cổng trường được quét vôi lại, những dãy lầu vẫn màu ngói đỏ, vươn lên trong bốn bờ tường sạm rêu.  Tự nhiên anh nhớ đến giáo sư Thịnh. Thầy Thịnh. Thầy không biết là hơi thở của thầy có lần do tôi định đoạt. Thầy không hiểu thầy còn sống sót cho đến ngày hôm nay là từ một tích tắc khơi động của lương tâm, và của tình thầy trò. Để cuối cùng, thầy có cơ hội trở thành một kẻ chiến thắng cao ngạo như bây giờ.

Mười bốn năm. Thời gian quá lâu cho một cấp bậc đại úy. Tại sao anh lại không nằm trong huyệt đất nào lấp vùi như  những người xấu số khác. Anh đã chấp nhận mà. Anh  chẳng muốn làm anh hùng, cũng chẳng muốn làm một tên tuẫn đạo. Nhưng anh muốn đứng thẳng. Một khi con người đã chấp nhận một định phần oan nghiệt, hắn không còn gì để còn bận tâm lo lắng nữa. Bất quá là đem hắn ra phÁp trường. Anh không vượt ngục, không phạm nội qui. Anh chỉ có một tội là không-nhận-tội mà phe thắng trận đã gán cho anh. Thế thôi. Và cứ thế, từ đêm này qua đêm khác, dưới bóng cây đèn bão, cả tổ làm kiểm điểm, phê bình. Phải ăn năn hối cải để mau về đoàn tụ với gia đình. Ăn năn. Anh làm gì để mà ăn năn. Ngay cả một người như  ông Thịnh, nổi tiếng trong biến cố năm Mậu Thân mà anh còn tha mạng, thì làm sao anh lại hối cải được. Anh em tù chịu thua. Cán bộ hằn hộc, dọa nạt, răng nghiến kèn kẹt. Anh vẫn còn ngoan cố. Tội của anh, trời không dung, đất không tha. Anh trả lời, cán bộ bắt tôi khai những điều tôi không làm, làm sao tôi lại khai được. Chúng tôi chưa bao giờ bắt một con gà, con heo, chưa bao giờ hãm hiếp, mổ mật, mổ tim cách mạng… Ra trận, nếu chúng tôi không bắn cách mạng thì cách mạng bắn chúng tôi…Đó là luật chiến tranh…Anh đã nói như vậy, trong khi các anh em tù cùng tổ nhìn anh, như thể nói quaánh mắt. Minh, mày dại mày biết không? Không những mày làm mày khổ mà cả anh em phải khổ vì mày. Mày dại. Ai cũng cùng chung một bản án treo sẵn, đâu phải riêng mày. Dù là lính văn phòng hay là lính đánh giặc…Dù là y sĩ tiền tuyến hay là y sĩ hậu cứ… Tất cả cặp mắt nhìn chăm chăm vào anh để chờ anh nhận tội. Nhưng lần nào cũng thế, những giờ kiểm điểm dài dằng dặc, với quản giáo ngồi chồm hỗm phía trên, và đám tù viên ngồi đến độ muốn còng xương sống ở phía dưới, thì anh lại phủ nhận tội trạng đã gán  cho anh. Quản giáo lại một phen lạnh lùng, tiếp tục nói: Anh Minh vẫn còn chưa thấm nhuần chính sách của cách mạng, chứng tỏ anh vẫn chưa học tập tốt. Anh cần được sự giúp đỡ của anh em. Và hắn nhường lại lời cho tổ trưởng. Cả tổ lại tiếp tục chờ đợi anh "ăn năn hối cải".

Ăn năn. Anh muốn lợm mửa khi nghe những người bên cạnh  mỗi ngày phải sáng tác thêm tộiác của họ. Số người bị giết nhiều hơn. Số gà vịt bị bắt nhiều hơn. Số nhà cửa bị đốt nhiều hơn. Trời ơi, anh không thể tin lại có một tay nguyên là phi công L19 thú tội là hắn đã giết trên hai trăm ngàn quân cách mạng, khiến cả phòng phải bàng hoàng sững sờ…Hắn chiết tính chi tiết từng lần hướng dẫn pháo binh hay phản lực oanh tạc. Một con nai ngờ nghệch hay bởi vì hắn muốn chứng tỏ hắn đã thm nhuần chính sách của cách mạng, để sớm được cách mạng khoan hồng. Lòng anh như bị cứa ra từng khúc. Thương hại hắn hay là ghê tởm hắn. Anh cũng không biết nữa. Đôi khi, vì một miếng mồi nhử, con người quên hết liêm sỉ làm ăng ten, hay còng lưng dạ dạ xưng em với quản giáo…

Cuối cùng cai tù cũng phải nản, quản giáo cũng phải chịu thua. Cuối cùng, cửa trại cũng phải mở. Sau mười  bốn năm. Cái giá quá đắt. À, cuối cùng, các ông tha tôi. Vâng, nếu các ông tha, thì tôi ra. Thì tôi trở lại nhà. Lòng anh bây giờ đã quá nguội lạnh. Mười bốn năm đủ để dạy một con người học được bài học.

oOo

Anh trình diện phường công an, xin được về quê ngoại tại ngoại ô Huế. Nhưng gã công an, dường như đã được báo cáo về con người của anh, nên dứt khoát:

– Trong lý lịch, anh khai có vợ con. Anh phải về ở với vợ con, để làm tròn trách nhiệm làm chồng làm cha…

– Nhưng vợ tôi đã bỏ tôi từ lâu?

– Đó là chuyện của gia đình anh. Chúng tôi phải làm đúng theo qui định.

Anh biết là anh sắp bước chân vào một nhà tù mới nữa. Họ sẽ bắt anh chứng kiến sự thật của một người thua cuộc. Họ sẽ làm anh phải cuồng trí. Nhà của anh. Nhưng bây giờ đã không còn là nhà của anh nữa. Vợ của anh nhưng cũng không còn là vợ của anh nữa. Con đĩ. Anh về để nhìn nó. Trời ơi… Làm sao anh có thể ngờ một ngày anh phải đối diện với một con đĩ, một con vợ lăng loàn, mà bất lực như thế này.

Mưa xứ  Huế. Mưa ơi, mưa nhòa cả mặt mũi, tóc tai của anh. Mưa giăng đầy sông. Mưa khóc hay lòng anh khóc.

oOo

May mà anh còn có đứa con gái của anh. Nhờ nó mà anh có thể cắn răng nuốt khối căm hờn tủi nhục. Ngày anh vào tù,  nó mới  biết bò và ngày anh ra tù, nó mười lăm tuổi. Nó đã ôm anh mà khóc, thương cảm cha, oán thù mẹ. Nó rưng rưng nước mắt nhìn chỗ trú ngụ của cha nó ngoài hè. Nó đau đớn nhìn cha nó ngồi ở đấy, lầm lì, đốt từ điếu thuốc này sang điếu thuốc khÁc. Nó thầm thì cùng cha: "Mong ba can đảm mà sống. Thế nào ba con mình cũng thoát khỏi nơi này…Con nghe tin về chương trình  HO "

Phải. Tin tức về chương trình HO đã làm xôn xao những người cựu tù không ít. Phường xả đã ra thông cáo. Càng ở tù lâu càng được Mỹ bốc đi sớm. Có thật vậy không? Anh vẫn còn nghi ngờ. Anh muốn tự mình quyết định lấy đời mình. Đã bị lừa gạt một lần, anh không thể bị lừa gạt thêm một lần nữa.

oOo

Một ngày con anh mang tin về một chuyến vượt biên. Một người bạn cũ vì cảm thương hoàn cảnh anh nên cho cha con anh hai chỗ trong tàu. Hai cha con  cùng nhau ra vườn. Con anh huyên thuyên như chim sáo. Lần đầu tiên, anh thấy nó vui.  Mắt nó long lanh, và đôi má hồng vì phải đạp xe một khoảng đường xa. Nó hỏi anh về Mỹ, về tuyết, về những chiếc áo đỏ thắm có nơ dài xuống chân. Nó lại cầm tay anh: "Kể từ hôm ni, ba con mình nhớ cầu nguyện Trời Phật cho mọi sự bình yên nghe ba ". "Vâng. Ba nghe lời con. Ba tin Trời Phật không bao giờ bỏ cha con mình đâu."

oOo

Chuyến đi không ngờ lại êm xuôi ngoài điều dự tính. Người chủ tàu đã biết đút lót các trạm công an dọc tuyến ra cửa. Chiếc ghe dài 15 thước đâm mũi ra khơi, như một chiếc lá côi cút. Nhưng tiếng máy không thể át nổi tiếng đập của từng con tim. Cầu cho biển lặn sóng êm. Cầu cho chuyến đi không gặp những tàu tuần duyên CS. Cầu cho máy tàu, chân vịt, xăng dầu, mọi sự đều êm thắm. Đằng sau, phía quê nhà, mặt trời hừng đỏ. Càng lúc dấu hiệu của đất liền càng khuất dần. Trời vẫn còn bốc đầy sương. Minh ngồi bên con gái. Nó lạnh run. Bàn tay nó nắm chặc bàn tay anh. Anh cũng siết chặc tay con như  chuyền lại sức mạnh vào tấm thân yếu đuối. Tàu cứ  chạy. Máy cứ nổ rì rầm. Lâu lắm. Hình như cả một ngày. Rồi một tiếng nói trên boong vọng xuống lòng khoang: "Đến hải phận quốc tế rồi bà con ơi".  Cả lòng khoang tự dưng bật òa lên những tiếng la gào cuồng nhiệt. "Tự do rồi bà con ơi. Tự do rồi."

Anh nắm lấy tay con, nói khẽ: "Mình cùng cảm tạ Trời Phật đi con. Mình thoát địa ngục rồi. Ra hải phận quốc tế, không ai có quyền bắt mình đâu."

oOo

Đến ngày thứ  hai, những trận gió khác thường thổi đến. Chỉ trong thoảng chốc cả một bầu trời về chiều trở nên đen kịt. Rồi những tia chớp cứ tiếp tục loé sáng kèm sau đó là những tràng sấm ì ầm nổi dậy. Ánh chớp như mở màn cho một trò chơi trên biển. Từ Đông sang Tây. Từ Nam qua Bắc. Rồi mưa ào xuống. Rồi gió vần vũ. Rồi cả một mặt biển xôn xao chuyển động. Sóng đẩy ghe lên cao. Thân ghe chạm sóng cựa mình đau răng rắc. Tiếng la thất thanh dưới khoang. Nước tràn vào ghe! Con gái anh bưng mặt, mếu máo: "Có sao không ba. Con sợ quá".

Anh bỏ con, nhập vào những người thanh niên tát nước. Trong khi đó, nước cứ ào vào, không biết từ đâu. Từ trên boong đổ vào hay từ những đường nức do những cơn sóng bổ vào thành ghe quá mạnh. Một cặp vợ chồng trẻ đã dành hai thùng can ôm vào lòng. Cả gia đình chủ tàu quỳ trên boong cầu nguyện. Những bộ quần áo được đem ra thấm dầu đốt tiếp. Tấm vải trắng được viết bằng chử sơn đỏ S.O.S được căng lên bị cuốn thốc bởi những cơn gió mạnh. Vài con tàu sắt khổng lồ thấy hiện từ xa nhưng càng lúc càng mất dần. Chiếc ghe lại chồm lên và hụt xuống giữa lòng biển tối như một con vật điên khùng say rượu. Chỉ nghe tiếng kinh cầu, và át bởi tiếng sóng cuồng nộ. Trong sự tuyệt vọng ấy, chỉ có mỗi một mình anh là đứng thẳng. Như ngày nào anh đứng thẳng trên chiến trường. Cổ họng anh khan, anh gào, thét, thúc dục đám thanh niên. Và họ tát cuồng điên.

Và cũng nhờ vậy, chiếc ghe mới bình yên sau nửa giờ vật lộn cùng cơn bão biển.

oOo

Đến ngày thứ ba, tàu bị hải tặc tấn công. Những tên hải tặc trơ tấm lưng nhầy nhụa mồ hôi bóng lưởng. Chúng nhảy rầm rập trên boong. Chúng vung những lưỡi dao, mả tấu. Chúng tru gào. Chúng lỏa lồ man rợ. Chúng cầm những trái lựu đạn như sẳn sàng rút chốt. Và cả con thuyền nín thinh thít  nhìn chúng hả hê ăn thịt uống mÁu…Thanh niên bó tay. Người lớn cúi đầu nhẫn nhục… Và một tên đã nhào tới đứa con gái của Minh. Minh kéo con về phía sau. Và anh đứng chắn ngang cản đường lũ quỉ. Rõ ràng có một tiếng gọi bắt một người cha phải vùng dậy hành động để bảo vệ con mình. Anh thét như nổ tung cả phổi. Anh nhào tới, bất ngờ, dùng hai bàn tay chụp lấy cổ họng thằng cướp. Thằng cướp bị ngả nhào, nằm gục xuống, và mắt trợn trừng. Rồi anh chụp lấy cái chai xì dầu, đập bể đít, dí vào mặt nó. Nhưng một đứa khác đã đâm trúng anh, trúng ngay chỗ huyệt. Anh gục ngay xuống khoang tàu.

Anh gục ngay trước mắt đứa con gái của anh. Anh gục ngay trước những người bất lực vì sợ hãi.

Đại uý Minh đã chết ngay trên bờ đất của sự sống.

Amen.

Wednesday, April 30, 2025

Bong Lau - DIỄN BINH Ở WASHINGTON DC

> DIỄN BINH Ở WASHINGTON DC
> Hoa kỳ là một quốc gia gởi quân tham chiến khắp nơi nhiều nhứt trên thế giới đến nổi bị phong cho danh hiệu không mấy đẹp là "sen đầm quốc tế". Tuy nhiên người dân Mỹ không mấy thích cảnh xe tăng máy bay lính tráng đi rầm rập ở thủ đô vì đó là hình ảnh chiến tranh mà họ không mấy thích cho lắm.
> Lần cuối có diễn binh ở thủ đô Washington DC là cách đây 34 năm. Vào năm 1991 khi liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo với chiến dịch "Bão Sa mạc", đã giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lược của nhà độc tài Saddam Hussein. Và trước đó nữa là cuộc diễn binh cách đây 80 năm sau khi Thế Chiến Thứ 2 kết thúc vào năm 1945.
> Cuộc nội chiến Bắc Nam ở Hoa Kỳ 1861-1865 có khoảng 700 ngàn binh sỹ 2 bên tử trận. Miền Bắc đã thắng miền Nam mặc dù binh sỹ miền Nam phần đông là nông dân rất thiện chiến. Nhưng tuyệt nhiên không có diễn binh chào mừng chiến thắng và nhờ đó Hoa Kỳ đã mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh để đoàn kết thành một và xây dựng nên một quốc gia phú cường ngày hôm nay.
> Trong đoàn quân diễn hành trong đoạn phim này cũng tương tự như các cuộc diễn hành trong các quân trường. Binh sỹ Mỹ từ tốn bước đi nhịp nhàng đánh tay vừa phải và súng đeo nơi vai một cách thoải mái, không quá hung hăng trong tư thế chĩa súng tấn công. Họ là những chiến binh dày dạn chiến trường nên không cần thiết phải khoe khoang răn đe quần chúng đang ở một hậu phương thanh bình.
> Cũng trong đoạn phim này có quay cảnh một số người biểu tình chống chiến tranh. Xã hội Mỹ tự do và mọi người có quyền bày tỏ quan điểm. Chỉ khi một số người biểu tình leo lên xe tăng M2 Bradley Fighting Vehicle thì mới được cảnh sát mời xuống.
> Chi phí cuộc diễn binh "Bão Sa mạc" năm 1991 là 12 triệu đô la. Tiền thuế của dân đóng là 7 triệu. Phần còn lại 5 triệu đô là do các công ty tư nhân và cá nhân đóng góp.

Tuesday, April 15, 2025

TRẦN HOÀI THƯ - NGÀY TÀN CỦA MỘT ÔNG TƯỚNG

Tác giả: TRẦN HOÀI THƯ

Ông nói gái Hà nội đẹp tự nhiên bởi vì mỗi ngày họ đều ăn một quả trứng ngỗng, còn gái Sài Gòn vì thiếu ăn đói rách nên da mặt xanh xao, phải ngụy trang bằng đánh phấn má hồng. Bài nói chuyện của ông khiến sinh viên, công nhân viên miền Nam phải nín thở, phải hít hà. Thì ra thiên đàng đâu cần tìm ở đâu xa, mà ngay tại Hà Nội này. Họ vỗ tay. Họ hoan hô cách mạng. Ít ra, cách mạng phải mang những điều tốt đẹp hơn trước, nếu không, thì cách mạng cái quái gì. Họ làm sao biết khi ông nói về những điều này lòng ông cảm thấy bất an. Ông phải chứng tỏ ông là một đứa con trung kiên của Đảng, để đám cán bộ xung quanh không thể có chứng cớ nào để buộc tội được ông. Ông cũng đã viết thư qua Mỹ, dạy hai đứa em của ông, phải sống như người lương thiện. Thằng em nhận thư, đọc xong, nổi giận viết thư trả lời: Anh ở trong hàng ngũ bất lương mà lại dạy tôi phải sống như người lương thiện.

Buổi trưa nóng như lò lửa. Ngồi trong nhà, ông Ba Thi có thể nhận ra những những tàn cây bông sứ im lìm không lay động, con đường bên ngoài hàng rào như chảy nhựa, và những mảng nắng lay động trên chiếc hồ nuôi cá đặt trong vườn đến nhức mắt. Mặc dù chiếc quạt máy đã mở tối đa, nhưng hơi nóng như theo gió táp vào da thịt ông. Tự nhiên, ông nhớ lại hơi mát lạnh tỏa ra từ chiếc máy điều hòa không khí chạy suốt đêm ngày trong văn phòng ông đã làm việc suốt gần hai năm, kể từ sau khi bộ đội ông tiếp thu thị xã. Ông nhớ đến chiếc bàn làm việc bằng gỗ láng bóng, khung cửa kính có treo màn, và căn phòng phía sau cánh cửa, với chiếc giường nệm êm ả để ông tìm đến khi cần một chỗ đặt lưng. Ông nhớ đến nỗi êm ái thật dịu dàng khi ông ngồi trên chiếc ghế nệm, trước mặt là điện thoại, và lá cờ quân đội nhân dân, trên vách treo tấm hình của Bác, thêm những tấm hình chụp chung với anh Văn, người mà ông xem như người anh đỡ đầu của ông trong suốt quãng đời binh nghiệp. Ông nhớ đến những người lính phục vụ, buổi sáng không quên mang vào bình trà, và buổi trưa mùa hè, không quên mang vào những chai bia ngoại, cùng chiếc cốc đầy nước đá…Họ bước vào khúm núm, rời phòng khúm núm. Có khi họ biết ý ông, lại mang vào gói thuốc ngoại như Camel, Craven A, hoặc 555. Không biết họ lấy ở đâu loại thuốc quí hiếm như thế này. Mặc kệ. Ông không bao giờ thắc mắc. Ông chỉ biết tận hưởng, như cả Đảng ông, từ trung ương xuống hạ tầng đang điên cuồng tận hưởng. Mà tại sao lại không. Những biệt thự nguy nga sang trọng mà Mỹ ngụy để lại, với bao nhiêu đồ đạc tiện nghi, những ngôi nhà vắng mà chủ của chúng đã bỏ chạy ra nước ngoài, những chiếc xe bóng loáng, những tủ lạnh, máy truyền hình, những thảm, bàn ghế, máy may…ê hề, dư dật, no nê, sẵn sàng chờ tiếp thu….Không chụp thì dại. Ông biết điều ấy, nhưng ông không thể nhanh tay hơn đám trung ương ngoài Bắc. Họ đã đánh hơi trước ông. Họ đã chặn đầu ông bằng cách cho người mau mắn vào Nam kiểm kê vơ vét tất cả để chở mang ra Bắc. Ông đã bó tay. May mà ông giành được một ngôi nhà bên con phố chính của thành phố. Nếu không, giờ này ông đâu còn được ngồi trong căn phòng với điện nước xài thả dàn, quạt máy quạt tối đa, tủ lạnh cũng chạy suốt cả đêm lẫn ngày để sản xuất những bịch đá cục mà ông bám vào để sống trong lúc: Đầu đường đại tá vá xe. Cuối đường thiếu tá bán chè đậu đen… như số phận của hầu hết những anh hùng Điện Biên bị về vườn khác…

Ông nhớ lại những ngày tháng đầu tiên sau giải phóng. Ông đã trở lại thành phố nơi ông đã ra đời, và đã trải qua những năm tuổi thơ đến tuổi trưởng thành. Ông trở về, bộ quân hàm tướng trên cổ áo, ngồi xe díp Mỹ, có lính hầu, lính phục vụ, và cả một đại đơn vị dưới quyền. Ông trở về như một người hùng. Ông đã ngồi lại chỗ ngồi của viên tướng ngụy tự sát, nhìn lại cái bản đồ còn sót lại trước khi Mỹ cút ngụy nhào, để cám ơn Bác, Đảng, cám ơn đại tướng đã tiến cử ông,… Rõ ràng ông đã sống như cơn mơ. Ông bấy giờ chẳng khác bậc lãnh chúa.. Ông còn hơn cả những người đảng viên tập kết khác. Như lão Sáu Bồng, giữ chức viện trưởng Viện Đại Học, lão Tám Minh, giữ chức Bí Thư Tỉnh ủy. Ông nắm quyền số một của ủy ban Quân Quản, là người muốn tha ai là tha, và bắt ai là bắt. Ông thi hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng, lùa sĩ quan ngụy vào rọ, đập tư sản mại bản, đổi tiền, đốt hủy văn hoá đế quốc, truy kích tàn dư. Họ gọi ông là anh Ba, tâng bốc ông lên tận mây xanh. Họ đọc tên ông đầu tiên trong các bài diễn văn, trong các buổi họp…Ông ngồi ở hàng ghế danh dự, ban huấn thị. Họ xem ông là một tấm gương cho một người lính công bộc trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Nhưng ông có nỗi lo buồn không ai có thể hiểu nổi. Cả gia đình ông, trừ ông, đều là đại phản động. Một thằng em của ông nguyên là trung tá, hiện đang nằm trong trại cải tạo. Và hai đứa em khác đã chạy qua Mỹ vào tháng 4 năm 1975. Tàn tích Mỹ ngụy rõ ràng quá sâu đậm trong dòng họ ông mà những người thèm chức vụ của ông thì quá nhiều và những kẻ ganh tị với ông thì cũng không ít. Bọn họ đang chờ chực cơ hội để giành lấy chức vụ béo bở… Bởi vậy, ông càng chứng tỏ là một người không có dính líu gì đến cái huyết thống giai cấp đầy nợ máu. Mặc mẹ ông đã từng khóc lóc khi nói về thằng em đang cơ cực trong trại cải tạo… Hãy để cách mạng giáo dục dạy dỗ nó nên người. Ông luôn luôn nói với bà như thế. Nó đã phạm quá nhiều tội ác đối với nhân dân. Mặc bà luôn luôn kể về những năm huy hoàng cũ, chưa bao giờ bà biết cơm độn khoai độn sắn, với những bữa cơm lúc nào cũng thịt, cá ê hề. Ông nghe bà than thở, chỉ biết nói: "Đất nước mình còn nghèo, mới thoát ra từ chiến tranh, má à. Không bao lâu, Nhật bò ta chạy, nhà nhà đều có tủ lạnh, có đài." Ông đã lặp lại những lời của tổng bí thư Lê Duẩn, để động viên bà. Nhưng ông đã bị bà mỉa mai bằng một câu quá đau: "Chờ đến ngày ấy, người dân đói quá làm sao mà chạy được hả con ?".

Khi ban huấn thị hay nói về những đề tài liên quan đến chính trị, ông thao thao bất tuyệt, ca ngợi chế độ, ca ngợi Bác, Đảng lên tận mây xanh. Ông say sưa kể về một thủ đô Hà Nội không có một cô gái điếm, nhân dân được tự do đến nỗi chuông nhà thờ Hà Nội còn đổ sớm hơn chuông nhà thờ Rô Ma. Ông không quên nói về người con gái Hà Nội xinh đẹp, má khỏi cần đánh phấn hồng như cô gái miền Nam. Ông nói gái Hà nội đẹp tự nhiên bởi vì mỗi ngày họ đều ăn một quả trứng ngỗng, còn gái Sài Gòn vì thiếu ăn đói rách nên da mặt xanh xao, phải ngụy trang bằng đánh phấn má hồng. Bài nói chuyện của ông khiến sinh viên, công nhân viên miền Nam phải nín thở, phải hít hà. Thì ra thiên đàng đâu cần tìm ở đâu xa, mà ngay tại Hà Nội này. Họ vỗ tay. Họ hoan hô cách mạng. Ít ra, cách mạng phải mang những điều tốt đẹp hơn trước, nếu không, thì cách mạng cái quái gì. Họ làm sao biết khi ông nói về những điều này lòng ông cảm thấy bất an. Ông phải chứng tỏ ông là một đứa con trung kiên của Đảng, để đám cán bộ xung quanh không thể có chứng cớ nào để buộc tội được ông. Ông cũng đã viết thư qua Mỹ, dạy hai đứa em của ông, phải sống như người lương thiện. Thằng em nhận thư, đọc xong, nổi giận viết thư trả lời: Anh ở trong hàng ngũ bất lương mà lại dạy tôi phải sống như người lương thiện. Rồi đến cả lời chúc Tết của nó trên đài Hoa Kỳ nhân danh một nhân sĩ hải ngoại đúng vào nửa đêm giao thừa. Nó mạt sát chế độ. Nó lại còn hẹn một ngày về trong vinh quang… Đúng là thằng ngoan cố phản động. Trời ơi, ông rủa thầm. Giữa lúc cuộc đời của ông lên như diều gặp gió thì tiếng nói của nó trên đài nước ngoài như một cái điềm tai ách. Tay chân ông rụng rời. Vợ ông, người đàn bà mà ông cưới ngoài Bắc, thì đau khổ không ít. Bà linh cảm được cái tương lai u ám trước mặt. Sẽ không còn cái mộng làm một bà tướng của quân đội nhân dân. Sẽ hết cái mộng tậu thêm một căn nhà có vườn ăn trái, có cả một cây đàn dương cầm cho con gái hay cho con cái bà qua Mỹ du học như đám con của các cán bộ cao cấp khác…

Và cái ngày ấy đã đến. Trước hết, vai trò của Đại tướng bị hạ bệ từ chức tổng trưởng quốc phòng xuống chức ngồi chơi xơi nước. Dù sao người anh nuôi của ông vẫn còn được may mắn. Còn ông và đám bạn bè cùng lứa thì từng người một ôm khăn gói về vườn. Mà vườn thì chẳng có để mà an hưởng tuổi già. Thôi thì cả bọn chỉ biết tụ họp tại câu lạc bộ kháng chiến để ngồi lại mà nhớ thời dĩ vãng vàng son. Nhưng cuối cùng Đảng cũng không chịu buông tha. Câu lạc bộ cũng bị đóng cửa dẹp tiệm nốt.

Nhục. Hèn. Ông nhắm mắt nhìn tuổi già trôi qua hiu hắt. Đời của một ông tướng cuối cùng như vậy sao?
oOo
-Ông Ba, còn nước đá cục không ông Ba !
Giọng của thằng bé hàng xóm như hét ngoài cổng, khiến ông phải bỏ dở giòng ý tưởng đang tuôn trào trên ngòi viết. Ông tháo cặp kính lão bỏ xuống bàn viết rồi mở tủ lạnh nhìn vào. Còn khoảng ba bịch đá. Ông mở cửa, nói vọng ra:
– Còn, mua mấy bịch ?
– Dạ, mười bịch, ông Ba.
Ông nhìn thằng nhỏ. Nó là một khách hàng quen thuộc với ông. Nó lại hỏi, giọng có vẻ xấc xược:
– Tôi kêu mấy lần mà ông không nghe. Bộ ông ngủ hở?
– Ừ thì tao ngủ.
Ông trả lời, lòng tê tái. Ông hỏi thằng bé:
– Hôm nay nhà mày có khách hay đình đám mà mày mua nhiều thế?
– Dạ, có khách Việt kiều. Cô Năm của tôi, thêm con trai của cổ. Ảnh là bác sĩ.
– Từ Mỹ về ?
– Dạ. Cô về mang nhiều quà. Cổ cho tôi chiếc quần cao bồi…
– Nhà cô Năm chắc gần đây?
– Cổ là con ông Tám Lợi.
– Tao biết rồi.
– Ông vào nhà lấy nước đá đi ông. Kẽo người ta chờ…Tiệc lớn lắm ông Ba.
– Tao biết…
Ông nói.. Phải ông đã biết. Biết thế nào là một sự phũ phàng của lịch sử. Ông đã trả cái giá quá đắt cho cả đời của ông, tuổi trẻ của ông, hoài bão của ông, và lý tưởng của ông nữa.
– Ông biết cô Năm của tôi không?
– Không. Nhưng tao biết ông Tám Lợi.
Thằng bé nhận lấy ba bịch nước đá rồi vụt chạy. Ông trở vào nhà, ngồi lại trước bàn. Bản thảo về bộ quân sử mà đại tướng nhờ ông viết nằm trước mặt. Đó là niềm vui trong những ngày còn lại của ông, và của đại tướng. Đó là bát tro tàn của quá khứ làm của tự hào. Nhưng hôm nay ông cảm thấy bất an. Danh dự của ông đã bị tổn thương. Ngay một đứa con nít vẫn còn sai ông chạy. Nó đâu cần biết quá khứ của ông. Nó chỉ biết cô nó, một Việt kiều trở về để nó có quyền hãnh diện cùng bạn bè, hàng xóm, và cả ông nữa.

oOo

Buổi chiều, ông Ba Thi đạp xe đạp trở về nhà mẹ ông. Ông cần lấy vài cuốn sách trong tủ sách gia đình của thằng em ở Mỹ để lại. Vừa bước vào nhà, bà Năm, mẹ của ông đã nói:
– Con Năm con của chú Tám Lợi ở Mỹ về, mới ghé nhà. Nó có mang ít quà của thằng Sáu gởi về má.
– Bộ con Năm có quen biết thằng Sáu?
– Nó nói gặp thằng Sáu hoài.
Rồi bà lại khóc tấm tức.
– Dù sao em con vẫn còn biết thương má. Tuy ở xa, nó vẫn còn biết má ho mà gởi về hộp thuốc ho…
Bà không nói hết, nhưng ông Ba biết là bà đang gián tiếp trách ông.
Ông nói với bà:
– Má có thể nói giùm cho con được gặp cô Năm được không?
– Để má sẽ nói cho. Gia đình mình và gia đình chú Tám Lợi thân thiết từ xưa nay. Ngày xưa ba con và chú Tám vẫn hay đánh tứ sắc chung…
– Con nhớ.

oOo

Buổi tối ông Ba đạp xe đến nhà chú Tám. Ông nhớ lại căn nhà mà thời tuổi trẻ, trước khi ông ra Hà Nội học, ông vẫn thường ghé qua. Ông cũng có thể nhớ lại đứa con gái mà ngày xưa vẫn hay rụt rè, với đôi mắt to đen như hai hòn bi. Bây giờ cô bé ấy đã trở thành quá lạ. Cô ta không rụt rè như trước nữa, mà trái lại đã nói huyên thuyên khi ông mới bước vô nhà:
– Anh Hai, anh còn nhớ em không. Em là Thương đây.
Cô líu lo nói, mừng rỡ như thể gặp lại một người thân xa cách từ lâu:
– Em nhớ có lần anh Hai đến nhà học bài chung với anh Hai Minh của em… Má em sai em nấu nước pha cà phê cho hai anh uống…
Lòng ông Ba Thi ấm lại. Ông ngậm ngùi nói, lòng dâng lên xúc động:
– Anh nhớ. Anh nhớ hết em Năm. Anh làm sao quên được. Anh cũng nhớ đến bên kia đường, tên mật thám Tây bị bọn anh bắn nằm trước cổng nhà.
– Bộ anh bắn sao?
– Anh ở trong toán công tác nội thành mà.
– Sao ngày ấy em thấy anh hiền khô không à.
Ông Ba cười. Rồi ông hỏi tiếp:
– Em có thường liên lạc với thằng Sáu em của anh không?
– Dạ, thỉnh thoảng anh Ba.
– Gia đình nó thế nào ?
– Dạ thưa khá lắm. Con cái ảnh đều thành tài hết.
– Năm à. Cho anh tâm sự với em điều này.
Ông ngưng lại, như lấy can đảm. Mắt ông đỏ, ngấn lệ:
– Anh vẫn nhớ ngày nó còn nhỏ anh vẫn hay cõng nó đi chơi. Chiều chiều, anh hay dẫn nó ra bờ sông, anh em cùng tắm lội…Có lần anh tập nó chạy xe đạp, anh phải chạy theo nó kẻo sợ nó té. Tại sao nó vẫn không hiểu anh.
Giọng của ông trở nên tha thiết hơn:
– Anh mong em nếu trở lại Mỹ gặp nó thì nói lại là anh lúc nào cũng thương cũng nhớ nó. Nói với nó anh bây giờ anh khổ lắm. Anh cần nó gởi cho anh một ít quà hay thuốc men. Anh bây giờ là một ông tướng bán nước đá…Nhục lắm. Nhục lắm…
Đôi vai ông bật run lên và giọng nói của nghẹn trong cổ họng. Chừng như ông đã mất hết bình tĩnh. Cái bình tĩnh cố hữu của một ông tướng ngoài mặt trận.

TRẦN HOÀI THƯ

Friday, January 24, 2025

Fwd: NHÌN KỸ LỊCH SỬ, ĐỂ MỞ MANG TRÍ ÓC Một... - Nguyễn Chương-Mt



Tác giả: Nguyễn Chương-Mt

NHÌN KỸ LỊCH SỬ, ĐỂ MỞ MANG TRÍ ÓC

Một bạn trẻ hỏi (qua inbox): "Ủa, Sài Gòn là Thủ đô của cả nước Việt Nam từ hồi nào?". Đến lượt tôi phải ngỡ ngàng, bây giờ giảng dạy cho giới trẻ kiểu gì vậy, cái gì CÓ thì nói CÓ (rồi, thể hiện quan điểm chính trị như "miệt thị", "chỉ trích", tùy), vậy mới thiệt đúng tinh thần khoa học của bộ môn lịch sử.
A/ Hồi cuối tháng 6 năm 1949, một thể chế với danh xưng "Quốc gia Việt Nam" với cờ vàng ba vạch đỏ nằm song song - đã được thành lập theo Hiệp ước Élysée, quản lý cả ba miền nam, trung, bắc; thủ đô đặt tại Sài Gòn.
B/ Trong năm 1950 sau đó, có 35 quốc gia công nhận nền độc lập của Quốc gia Việt Nam (QGVN, Quốc trưởng Bảo Đại) - mà theo quan điểm từ phía VNDCCH, vào lúc đó dời chính phủ lên Việt Bắc (thủ đô kháng chiến tại Tuyên Quang), thì chính phủ QGVN là "tay sai" của thực dân Pháp.
Còn chính phủ VNDCCH? Đầu năm 1950 nhà cầm quyền Bắc Kinh (Trung quốc) trở thành quốc gia đầu tiên công nhận và đặt bang giao với thể chế VNDCCH, kế đó mới tới Liên bang Soviet rồi khối cộng sản Đông Âu, cả thảy khoảng 10 quốc gia công nhận VNDCCH.
C/ Chính phủ QGVN lúc bấy giờ là thể chế duy nhứt từ VN được mời tham dự Hội nghị San Francisco 1951, do Thủ tướng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn. Tại Hội nghị này, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã tuyên cáo hùng hồn trước quốc tế - lần đầu tiên - về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa!
Ngay một cơ quan báo chí trong nước hiện nay, là "Tạp chí Quốc phòng toàn dân", cũng đăng bài đề cập Hội nghị San Francisco 1951 ghi rõ ràng ông Trần Văn Hữu, "Thủ tướng chính quyền Bảo Đại", đã tuyên bố trước quốc tế về chủ quyền HS-TS thuộc Việt Nam.
Cũng trong bài báo này, đọc thấy đoạn sau: "có ý kiến bổ sung đòi thừa nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa cùng những đảo xa hơn nữa ở phía Nam, nhưng đã bị Hội nghị bác bỏ hoàn toàn (với số phiếu áp đảo 46/51 phiếu)" ( http://tapchiqptd.vn/.../hoa-uoc-san.../7521.html... )
D/ Còn "có ý kiến bổ sung" đòi giao Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung quốc, quí bạn có biết "ý kiến bổ sung" đó là của ai không?
Đó là ý kiến của ông Andrei Gromuko, đại diện của Liên bang Soviet tại Hội nghị San Francisco. Soviet bộc lộ quan điểm không thừa nhận chủ quyền của người VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa!
Quí bạn fb nào muốn tìm hiểu kỹ hơn về sự kiện này, lên mạng Google tìm kiếm, gõ dòng chữ: "Treaty of San Francisco 1951".
Tư cách pháp nhân tham dự Hiệp ước là "quốc gia", có 51 quốc gia (trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Liên bang Soviet...), không có "Liên hiệp Pháp" (bởi vì, xin nhắc lại, tư cách tham dự theo qui định là và chỉ là quốc gia)./.
-----------------------------------------------------------
Quang cảnh Hội nghị San Francisco 1951.



Tuesday, September 26, 2023

“ANH HÙNG BÀN PHÍM” Lâu nay thấy xuất... - Nguyễn Hưng Quốc | Facebook


https://m.facebook.com/hungquoc.nguyen.771/posts/2467775623498735?wtsid=rdr_0WWUgZmPrNQfC4Xh7

ANH HÙNG BÀN PHÍM"
Nguyễn Hưng Quốc

Lâu nay thấy xuất hiện cụm từ "anh hùng bàn phím" với hàm ý mỉa mai: Chỉ giỏi nói. Một số người, đi xa hơn, thách thức: Có giỏi thì làm đi, hoặc, đưa ra một chương trình hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả đi.
Với tôi, thách thức ấy khá vô duyên. Nó cũng giống như việc thách thức các nhà bình luận hoặc huấn luyện viên bóng đá phải nhảy ra sân tranh tài với các cầu thủ.
Nói vậy, tưởng khôn, thật ra, lại dại.
Họ không phân biệt được tính chất chuyên môn hoá trong xã hội, trong đó có vai trò của trí thức: phê phán. Họ không hiểu được tầm quan trọng của sự phản biện: để tìm ra những giải pháp tối ưu. Họ không ý thức được những tai hại của một chính quyền độc tài vốn xuất phát từ việc không chấp nhận thảo luận và không biết lắng nghe ý kiến của người khác: Tất cả những bế tắc của Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc hiện nay đều gắn liền với sự thiếu minh bạch và tranh luận kéo dài ít nhất từ cuộc hội nghị Thành Đô vào năm 1990 đến nay. Tất cả những thất bại về kinh tế, xã hội, văn hoá và giáo dục cũng vậy: Cũng do thiếu ý kiến đóng góp của mọi người, đặc biệt giới trí thức.
Không có một chính phủ hay chế độ nào hoàn hảo hay tương đối hoàn hảo mà lại thiếu những tiếng nói tranh biện hay phản biện. Các quốc gia phát triển cao ở Tây phương sở dĩ tiến bộ nhanh và mạnh chủ yếu là nhờ có… đối lập. Ở nhiều nước (trong đó có Anh và Úc!), phe đối lập được trả lương hậu hĩnh chỉ để chống lại nhà cầm quyền!

Monday, September 18, 2023

Nguyen Ken · BIẾT NÓI THẾ NÀO ĐÂY?


Hình ảnh tôi đưa ra đây là hình ảnh chữa cháy của Sài Gòn cách nay 51 năm 11 tháng dưới thời Đệ Nhị Cộng Hoà của VNCH vào ngày 24/10/1971, thành phố Sài Gòn của VNCH náo loạn vì cầu Ông Lãnh bốc cháy và được trực thăng vận tải CH-47 Chinook chữa cháy hoàn tất giảm thiệt hại nặng nề cho dân.
Trực thăng CH-47 "Chinook" của Mỹ có khả năng chở 7,6m3 nước mỗi lần. Đây ban đầu là một chiếc trực thăng vận tải quân sự hạng nặng được chuyển đổi thành trực thăng chữa cháy. Trực thăng CH-47 là phương tiện chữa cháy tiên tiến nhất thế giới lúc bấy giờ. Phải mất nhiều chuyến trực thăng "đổ nước" mới khống chế được đám cháy.
Nhưng ở Hà Nội ngày 13/9/2023, tức gần 52 năm sau của VNCS thời đại Hồ Chí Minh do người đứng đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng lại để chết cháy 56 người vì cơ quan phòng cháy chữa cháy không vào được đường hẻm chật hẹp! Thật vô lý cho thời đại mà ông TBT gọi chưa có bao giờ đất nước ta có thế và lực như hôm nay!
Biết nói thế nào đây? 

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI CHỮ "LIÊN LẠC", VÀ "LIÊN HỆ"

Wo Wang is with NgocAnh Truong and Vickie Vu.
January 22, 2019  · 

Theo sự yêu cầu của anh Bao-Huan Nguyen muốn WW bàn về sự khác biệt giữa hai chữ "Liên Lạc", và "Liên Hệ", nên WW xin được mạo muội viết ngắn gọn về những chữ này theo sự hiểu biết có giới hạn của WW, và nếu có điều gì sai sót, WW mong quý anh chị em hãy góp ý thêm, để mọi người trong đây cùng học hỏi hén  

聯係 = Liên hệ: Có nghĩa là có sự liên kết ràng buộc (dính dáng) với nhau. Chữ liên có nghĩa là làm cho liền lại nhau, và chữ hệ thì có nghĩa là dính dáng nhau qua huyết thống hay gì đó. Ví dụ: Cô A và cô B có liên hệ với nhau vì là chị em con chú, con bác. Ví dụ 2: Thằng C, con D có liên hệ vợ chồng với nhau.

聯络 = Liên lạc: Tuy chữ lạc (络) riêng một mình có nghĩa là quấn quanh, và chữ lạc này có bộ mịch (糸) kèm kề bên có nghĩa là sợi tơ nhỏ  quấn quanh nhau (contact), cho nên liên lạc đây là để chỉ việc làm cho liên kết với nhau, chứ không do tự nhiên mà có được như liên hệ.

Ngày nay bên VN, chúng ta đọc thấy đầy những bảng cáo, có ghi những chữ xin liên hệ số điện thoại xxx-xxx-xxxx, thay vì xin liên lạc, đọc thấy mà ớn cái ngu của bọn khỉ rừng!

https://www.facebook.com/groups/910606849005609/posts/2099279746804974/