Friday, November 19, 2010

Chán

Mở email ra, thấy cái thư của ông hiệu trưởng trường đại học của mấy đứa con thông báo về việc tăng tiền học phí lên 8%. Đóng thêm 822 đô cho một sinh viên. Hai đứa 1,6000 đô. Chán.

Lương không tăng, tiền học cứ tăng đều đều. Hai mươi năm trước, học phí ở Viện Đại Học California (University of California) khoảng hơn hai ngàn đô. Bây giờ, hơn 11 ngàn đô. Trường công lên học phí nhanh hơn trường tư. Nếu tư nhân hoá, không bao cấp nửa,hệ thống UC, đặc biệt hai trường UC Berkeley và UCLA, mình lại càng thê thảm hơn.

Mà nếu bỏ việc để đủ điều kiện hưởng sự trợ cấp của trường,tiền đâu để sống, để ăn, để con mình tiếp tục học. Xin được vài ngàn, kiếm đâu ra chục ngàn cho con ăn học.

Đã quá già để nhảy job, kiếm thêm chút đỉnh.

Đã quá già, để đủ sức chấp nhận rủi ro, mất mác, để đi buôn.

Đã quá trể, để ở lại bon chen làm "quan" như mấy tên bạn học ngày xưa hiện nay. Nói cho vui, chứ "không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Chán.

Thursday, October 14, 2010

Trò chuyện với Lê Thị Ý: Tác giả ‘Ngày Mai Ði Nhận Xác Chồng’

Thực hiện: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt

Nhà thơ Lê Thị Ý.
(Hình: trích từ tác phẩm Tuyển tập thơ-văn "Quê Hương và Kỷ Niệm")

Cuối thập niên 70, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc "Tưởng Như Còn Người Yêu" do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Lê Thị Ý gây xúc động lớn lao cho người nghe.

Nhà thơ Lê thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị.

Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954.

Nhân dịp từ Virginia đến California ra mắt tác phẩm mới tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu của nhật báo Người Việt, bà đã dành cho biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái cuộc nói chuyện thân mật sau đây.

-ÐQAThái: Tình khúc "Tưởng Như Còn Người Yêu", thơ của bà, Phạm Duy phổ nhạc; tựa đề khởi thủy của bài thơ là gì ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc bấy giờ vào năm 1970, tôi viết 10 bài thơ trong tập thơ "Mười Bài Thương Ca"; bài mà Phạm Duy phổ thành ca khúc là "Thương Ca 1".

-ÐQAThái: Phải chăng chính bà là người góa phụ đi nhận xác chồng trong bài thơ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: (cười thoải mái) Không. Cho tới bây giờ tôi vẫn độc thân.

-ÐQAThái: Vậy, bà lấy cảm xúc từ đâu để viết nên bài thơ bất hủ này?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình.

-ÐQAThái: Bài "Thương Ca 1", Phạm Duy phổ nhạc, ngay khi được phổ biến, đã chiếm tâm hồn người nghe. Nhưng cũng có người lên án bài này "phản chiến"; bà nghĩ sao ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi tôi làm thơ, tôi xúc cảm thế nào thì tôi viết ra như thế. Thế thôi. Tôi không nghĩ gì khác cả. Bài thơ được phổ biến cũng là một sự ngẫu nhiên.

Một người bạn của anh Vương Ðức Lệ tôi đến nhà chơi, thấy bài thơ bèn đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh - người trụ trì sinh hoạt "Ðàm Trường Viễn Kiến" ở nhà cụ tại Sài Gòn quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo - Cụ Quỳnh đọc, thấy hay bèn đưa cho ông Phạm Duy phổ nhạc. Cho nên, bài thơ của tôi được mọi người thương hoặc cho là phản chiến thì cũng là việc tình cờ thôi, may mắn thôi, chứ tôi không chủ ý trước việc phổ biến bài thơ.

-ÐQAThái: Khi phổ thành ca khúc, hình như Phạm Duy có sửa vài lời trong bài thơ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Ðúng vậy. Có lẽ ông Phạm Duy sửa vài chữ cho nó hòa hợp với âm điệu bài nhạc hơn. Có câu ông Phạm Duy cắt bớt. Thí dụ câu tôi viết, "Chiếc quan tài phủ cờ màu, hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng" thì Phạm Duy sửa thành "Bây giờ anh phủ mầu cờ" và cắt đi câu thơ kế tiếp.

-ÐQAThái: "Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng", tại sao lại phũ phàng ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi đau đớn thì cái gì cũng phũ phàng cả. Phũ phàng là hình ảnh đau đớn, quằn quại.

-ÐQAThái: Khi nhạc sĩ Phạm Duy đổi chữ và cắt bớt câu thơ như vậy, là tác giả, bà có thấy mất đi nguyên ý khi cảm xúc sáng tác không?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi không nghĩ gì và cũng không thắc mắc, không để
ý chuyện đó, vì khi tôi làm thơ, tôi theo vần điệu của thơ, còn ông Phạm Duy làm nhạc thì ông cảm hứng theo nốt nhạc.

-ÐQAThái: Hỏi câu này bà thứ lỗi cho, bà có người yêu là lính không?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: (ngập ngừng..., cười) Chắc cũng phải có chứ ạ!

-ÐQAThái: Bài thơ "Thương Ca 1" do bà sáng tác và Phạm Duy phổ nhạc, đã từ lâu trở thành của quần chúng. Nghĩa là, người ta hát say sưa mà không còn nhớ tới tên tác giả. Nếu tình cờ, ở một nơi chốn nào đó, bỗng nhiên nghe có người hát, có người nói tới bài thơ này, tâm trạng của bà sẽ ra sao?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi vui chứ ạ. Vì tôi thấy tôi may mắn có người biết đến thơ của mình; mà thực sự khi làm thơ, tôi làm vì tôi thấy cần làm thôi, chứ không mang ước vọng có con mắt nào đó để ý đến thơ mình (cười).

-ÐQAThái: Bà có thể đọc cho nghe nguyên văn bài "Thương Ca 1".

-Nhà thơ Lê Thị Ý:
"Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai."

-ÐQAThái: Nếu dùng thơ để kết thúc cuộc phỏng vấn này, bà sẽ chọn những câu thơ nào?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi muốn dùng hai câu thơ cuối của bài "Thương Ca 1" là "Mùi hương cứ tưởng hơi chồng, nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai", để nói lên tâm trạng người góa phụ trong chiến tranh, trong nỗi đau tận cùng, cảm xúc như mình vẫn còn người mình yêu.

-ÐQAThái: Cám ơn bà đã nhắc nhớ lại một bài thơ bất hủ nói lên nỗi đau của con người và đất nước Việt Nam thời còn chinh chiến.

Monday, October 04, 2010

Gởi Ban Biên Tập trang web Nữ Vương Công Lý (NVCL)

Cách đây mấy hôm, nhân đọc bài bình luân của NVCL “Ngôi nhà TGP TP. Hồ Chí Minh của giáo hội hay cơ quan của đảng, nhà nước XHCN?” tôi có ý kiến như sau:

http://tgp-tphcm.cesti.gov.vn/ chỉ là địa chỉ internet (URL) chứ không phải tên miền (Domain). cesti.gov.vn là tên miền của Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ Thành phố Sài Gòn. Phần đầu tgp-tphcm là host name. Nếu ngưòi ta đặt một cái địa chĩ thí dụ như http://nuvuongcongly.cesti.gov.vn/ hay http://nuvuongcongly.chinhphu.vn/ chỉ về địa chỉ 66.147.240.196 hay http://www.nuvuongcongly.net/, vậy thì Nữ Vương Công Lý là cơ quan nhà nước à?

Hôm sau tôi vào xem lại, biến mất.

Thôi được, cứ cho là vì lý do kỷ thuật nên ý kiến của mình bị xoá nhầm. Mình đăng lại.

Hôm nay, tôi vào xem NVCL: không đăng. Không đăng là vì tôi:

1. Không viết dấu tiếng Việt theo quy định?
2. Ngôn ngữ khiếm nhã với các hàng giáo sĩ, hồng y, giám mục, linh mục trong Giáo Hội?
3. Không đúng ý của nhóm chủ trưong NVCL

Trang mạng NVCL là một trang mạng tôi ưa thích, thường xuyên theo dõi. Là một ngưòi ham đọc và tương đối thoáng, tôi thường thích đọc nhũng thông tin đa phương để rút ra cho chính mình một bài học, một suy nghĩ độc lập. Với nhũng tiêu cực trong Giáo Hội chúng ta noi gương Chúa Giêsu:
Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. (Gioan 2, 14-16)

nhưng không có nghĩa là vì quá nhiệt thành cộng với sự thiếu hiểu biết mà chúng ta trở thành lạc giáo.

Đây không phải là lần thứ nhất tôi bị xoá bài. Tôi bị xoá ít nhất hai lần. Một lần tôi góp ý về với một đọc giả nào đó trên trang NVCL “đòi phải cho giáo dân góp ý kiến trong việc chọn giám mục”, tôi nêu ý kiến kèm theo các dẩn chứng các chọn giám mục chung ở khắp nơi trên hoàn vũ như ở Hoa Kỳ, Canada… Ý kiến của tôi bị xoá. Lần thứ hai, góp ý về “Thư của Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam nhân dịp Năm Thánh 2010″: Xoá. Rút kinh nghiệm tôi viết riêng ra ở trang blog của tôi. Lần này tôi cẩn thận chụp hình (screen shot)

Nhưng thôi, trang web của quý vị. Quí vị muốn làm gì thì làm. Cho đăng, tốt. Không cho, xoá bài cũng chả sao. Tôi không cần XIN để đươc CHO. Mình có trang blog riêng của mình cũng như nhiều diễn đàn và trang web khác để phát biểu ý kiến của mình.

Thân ái trong Đức Kitô
FreeVN

Friday, September 24, 2010

Bài Giảng Lễ Giỗ Lần Thứ VIII ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận

Lm Jos Nguyễn Văn Thiên

Theo cái nhìn trên phương diện tự nhiên, thì ngày mà một người sinh ra cũng chính là ngày mà họ bắt đầu lên đường bước vào một cuộc hành trình đi về sự chết.

Dường như cuộc đời của chúng ta cứ mãi lẩn quẩn trong cái vòng xoay của cuộc sống, cứ phải tuân theo một chu kỳ của 'Sinh- Bệnh- Lão- Tử'. Để rồi cái mục đích mà chúng ta bước ra khỏi lòng mẹ là để đi vào lòng đất.

Và nếu như mà cuộc sống của loài người chúng ta sẽ kết thúc đơn giản bằng cái chết như thế, thì quả thực sự sống này quá phi lý, quá bất công, và vô nghĩa.

Vì ở đời, mỗi người một lẽ sống, mỗi người một cách sống, cho dù là tốt hay xấu, nhưng không ai lại muốn sống để rồi cuối cùng lại đi vào cõi tiêu diệt, cõi hư vô.

Chúa Giê su Kitô của chúng ta giải toả sự phi lý ấy khi công bố ý nghĩa của sự chết: "Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt."

Niềm tin Kitô Giáo của chúng ta, xác tín rằng: sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, vì lẽ - chết không phải là hết, không phải là dấu chấm tận. Bởi vì thập giá Đức Kitô - đã trở thành một nhịp cầu nối liền hố thẳm của sự chết, để dẫn vào sự sống mới, sự sống vĩnh cửu. Sự sống ấy vững chắc hơn, cao cả hơn và chân thực hơn so với sự sống tạm bợ ở đời này.

Như thế có thể nói: đời sống của mỗi người chúng ta là một cuộc hành trình, là một chuyến đi, và mục đích của cuộc hành trình ấy, là chúng ta đi kiếm tìm hạnh phúc và là để chuẩn bị cho mình một đời sống vô tận.

Ai đã một lần xa nhà, hẳn cũng đã có kinh nghiệm mong chờ ngày sum họp với gia đình, được về thăm quê hương, về bên cạnh những người thân của chúng ta.

Đời sống của người Kitô hữu chúng ta cũng vậy, chúng ta sống là để mong chờ ngày trở về với Thiên Chúa, trở về với người Cha nhân hậu của mình. Sống với niềm xác tín đó, chúng ta chẳng những không lo ngại, không e sợ cái chết, mà còn mơ ước, mong chờ và tích cực chuẩn bị cho ngày sum họp tràn đầy hạnh phúc đó.

Hạnh phúc ấy – sẽ không chỉ diễn ra sau khi chết, nhưng đã được khai mở từ ngày chào đời của mỗi người chúng ta. Để giúp chúng ta chuẩn bị chu đáo hơn và kỹ lưỡng hơn cho cuộc sống vĩnh hằng, cuộc sống không bao giờ tàn lụi.

Quả thật, Bàn tay Thiên Chúa đã rộng mở cho đời ta nơi ba mẹ, nơi người thân trong gia đình, nơi bạn bè trong khu xóm, nơi những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời,…những người ân cần bảo bọc, đỡ nâng, và hết tình dìu dắt, an ủi, những người sẵn sàng đồng hành với chúng ta trên nẻo đường tiến về quê Trời.

Trên con đường ấy, lắm lúc đường xa sức yếu, gối mỏi chân chồn, nhưng chúng ta vẫn có thể đi tới đích, vì Thiên Chúa luôn ở cùng và đồng hành với chúng ta.

Điều quan trọng là mỗi người chúng ta có nhận ra được và biết tích cực cộng tác với ơn Chúa, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời đại để chuẩn bị thật tốt, thật chu đáo cho cuộc gặp gỡ thần linh ấy hay không.

Đây hẳn là điều mà Đức Cố Hồng Y Franxicô của chúng ta đã cảm nghiệm thật sâu xa – và đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng, thật chu đáo, trong suốt đời sống của Ngài.

Ngay từ khi Ngài còn là một cậu giúp lễ, rồi khi trở thành linh mục, giám mục, những năm tháng Ngài bị giam cầm trong nhà tù cộng sản, và rồi những ngày tháng lưu vong nơi đất khách quê người, cả những năm tháng sống và làm việc trong giáo triều Roma với cương vị là một Hồng Y, và là chủ tịch hội đồng tòa thánh bộ Công Lý và Hòa Bình. Và nhất là trong những chặng cuối cùng của cuộc hành trình trần thế của Ngài.

Ngài đã đón nhận và xử dụng mỗi phút giây, mỗi biến cố vui buồn trong cuộc sống, trong mọi hoàn cảnh và môi trường để cảm tạ Thiên Chúa và để chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu mà giờ đây chúng ta tin tưởng rằng Ngài đang vui xướng tận hưởng vinh quang với Thiên Chúa.

Hôm nay, GĐ AC Hùng- Cẩm Anh là con cháu của Ngài mời gọi chúng ta cùng hiệp dâng Thánh Lễ để tưởng nhớ 8 năm ngày Ngài được đòan tụ với Thiên Chúa.

Thông thường mà nói, việc chúng ta dâng thánh lễ Giỗ, là để chúng ta cầu nguyện cho người quá cố, là để chúng ta xin Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm, những thiếu xót mà họ đã mắc phải trong cuộc sống trần gian, mà sau khi chết họ không thể đền bù được. Qua thánh lễ chúng ta dâng, qua lời cầu nguyện và những việc lành của chúng ta, chúng ta xin được đền thay cho họ.

Thánh Lễ giỗ mà giờ đây chúng ta dâng lên để tưởng nhớ Đức Cố Hồng Y, lại mang một ý nghĩa khác. Chúng ta dâng thánh lễ này đúng hơn là để tạ ơn Thiên Chúa vì đã tặng ban cho chúng ta một con người sứ giả anh hùng của tin mừng Chúa Kitô.

Niềm vui này không chỉ dành riêng cho những người thân trong gia đình của Đức cố HY, mà là cho cả giáo hội công giáo hoàn vũ nói chung và cách riêng là giáo hội Việt Nam, và đặc biệt hơn là cho mỗi con người việt nam chúng ta.

Trong lịch sử của Giáo hội, chúng ta đã từng tự hào với giáo hội hoàn vũ vì con số đông các anh hùng tử đạo đã anh dũng đổ máu mình ra chứng minh cho đạo Chúa trên quê hương việt nam chúng ta. Bài ca hào hùng ấy đã vang dội từ đầu thế kỷ thứ 17, và đã không ngừng trải qua muôn thế hệ.

Ngày nay, giữa một thế giới mà tiền bạc và sở hữu được nhiều người xem là một thứ bảo đảm duy nhất, thì cuộc đời của ĐHY lại là một minh chứng cho sức mạnh của tình yêu thương và niềm tin. Ngài đã làm chứng cho chúng ta bằng chính cuộc sống của Ngài rằng: khi mọi cánh cửa của cuộc sống bị đóng kín, thì con người vẫn có thể vượt qua mọi trở ngại và lớn lên giữa dòng đời - nếu người ấy biết sống trong yêu thương và được yêu thương.

Đó là những hạt lúa mì đã rơi vào lòng đất, đã chết đi và đã sinh nhiều bông hạt cho đời sống đức tin của chúng ta.

Tấm gương sáng ngời của một tình yêu và lòng nhiệt huyết trong tinh thần phục vụ vì tình yêu và cho tình yêu. Tình yêu quê hương, yêu đồng bào Việt Nam, của DHY càng cao vời càng sâu đậm và tha thiết hơn trong thời gian Ngài bị lưu đày xa xứ.

Trong suốt quãng đời còn lại, tuy Ngài bị ngăn cấm không được về thăm quê hương thân yêu của mình, nhưng không ai có thể ngăn cấm hay xóa đi được tình yêu đó trong khối óc và quả tim của Ngài.

Theo lẽ thường tình, nếu như bằng một lý do nào đó khi mà tình yêu của chúng ta bị cưỡng chế, bị ngăn cấm không được về thăm quê hương, thăm thân nhân. Chúng ta sẽ dễ dàng biến cái tình yêu trong sáng đó, thành lời oán hận, than trách.

Đối với con người của DHY, tình yêu của Ngài khi bị ngăn cấm lại càng trào dâng tha thiết nhưng không mang một lời oán hận. Chúng ta có thể nhận ra được tình yêu đó của Ngài được diễn tả qua bài thơ mà Ngài đã lưu lại cho chúng ta.

Con có một Tổ Quốc: Việt Nam
Quê hương con yêu quý ngàn đời
Con hãnh diện và Con vui sướng
Con yêu non sông gấm vóc, Con yêu lịch sử vẻ vang
Con yêu đồng bào cần mẫn - Con yêu chiến sĩ hào hùng
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn,
Núi cao cao xương cất cao hơn
Đất tuy hẹp nhưng chí lớn- Nước tuy nhỏ nhưng danh vang
Con phục vụ hết tâm hồn- Con trung thành hết nhiệt huyết
Con bảo vệ bằng xương máu- Con xây dựng bằng tim óc
vui niềm vui đồng bào, Buồn nỗi buồn dân tộc
Một nước Việt Nam- Một dân tộc Việt Nam
Một tâm hồn Việt Nam, Một văn hóa Việt Nam, Một truyền thống Việt Nam.

Hôm nay, trong khi chúng ta dâng thánh lễ này, bên cạnh niềm tự hào về con người của DHY, chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của DHY ban ơn cho chúng ta cũng biết học hỏi, bắt chước theo gương sống của Ngài.

Cuộc đời của ĐHY được gắn liền một cách tuy huyền nhiệm nhưng rất thựctế với máu của các vị tử đạo đã đổ máu trong những thế kỷ qua. ĐHY đã học nơi các vị tử đạo bài học xin vâng. Một sự xin vâng vô điều kiện và vô giới hạn đối với tình yêu Chúa. Nhưng đồng thời cũng là một lời phủ nhận những sự dua nịnh, những sự thỏa hiệp bất công, cho dù là với mục đích cứu vãn chính cuộc sống của mình. Đây không những là một sự anh hùng, nhưng còn là một sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo.

Ông bà anh chị em thân mến, Đó là một trong những bài học quý giá về tình yêu và lòng trung thành mà mỗi người chúng ta cần phải noi theo khi đang sống nơi viễn xứ. Nghĩa là chúng ta cần phải học hỏi và bắt chước nơi Ngài. Đây là một gia sản cần được đón nhận trong mỗi ngày sống của chúng ta hôm nay, tuy đầy khó khăn nhưng chúng ta có thể làm nó trở nên chan hòa yêu thương và dịu hiền.

Vâng tình yêu đó đã được phú bẩm đã được tặng ban cho chúng ta qua những vị anh hùng tử đạo. Nhưng tình yêu đó phải được lớn lên và phải được trau dồi bằng chính những nỗ lực bản thân của mỗi người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

Hôm nay, khi chúng ta nhìn lại quãng đời mà Đức Cố HY của chúng ta đã đi qua, mỗi người chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhìn ra và khẳng định rằng Ngài là một người có tài và có đức. Vì vậy trước khi lìa trần, Ngài là một trong những ứng cử viên trong danh sách những vị sẽ thay thế Đức Cố GH JPII.

ĐHY đã ra đi trong tình yêu và trong sự tiếc nuối của tất cả mọi người. Các thân nhân của Ngài. Giáo Hội yêu quí của Ngài tại Việt Nam, và toàn thể dân tộc Việt Nam. Tòa Thánh cũng khóc thương Ngài.

Như vậy chúng ta có thể nói rằng sự ra đi của Ngài là một sự ra đi trong chiến thắng hào hùng, một sự thanh thản ra đi trong yêu thương và bình an.

Vậy lý do nào đã khiến Ngài làm thay đổi cái lý thường tình mà nhà văn Nguyễn Du, trong tác phẩm 'truyện kiều' nổi tiếng của mình, khi ông đưa ra một định luật chung, 'chữ tài chữ mệnh sao mà sánh duyên'.

Rõ ràng khi ông mô tả về cái tài và cái đức của hai nhân vật Thúy Kiều và Kim Trọng và về cái chết đau thương của họ. Chính bản thân ông cũng không tránh khỏi sự ngạc nhiên khi nhận ra một điểm chung trong cuộc sống 'chữ tài liền với chữ tai một vần'.

Nhà văn Nguyễn Du đã dùng sự sống và cái chết của hai nhân vật Thúy Kiều và Kim Trọng, để minh chứng cho lập luận của ông là những người có tài thì cho dù cuộc sống của họ có tốt đến mấy đi nữa thì rồi cuối cùng họ cũng sẽ gặp phải tai bay vạ gió, và cái chết của họ sẽ rất thảm thương.

Cuộc đời của DHY Franxicô của chúng ta thì lại hoàn toàn khác biệt, Ngài đã vượt ra khỏi cái chân lý đời thường của con người. Vì Ngài đã biết sử dụng đúng lúc và đúng chỗ cho cái tài và cái đức của mình.

Ngài đã biết vận dụng một văn hóa Việt Nam, một truyền thống Việt Nam vào đời sống xã hội và cả đời sống tâm linh của Ngài. Thưa cái văn hóa đó, cái truyền thống đó văn học Việt Nam chúng ta gọi là 'Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa'.

Đây cũng là một chân lý sống của Đức cố Hồng Y mà chúng ta cần phải biết thụ hưởng, phải làm duy trì và làm phát triển trong chính cuộc sống chúng ta.

'Thiên thời', Đối với Thiên Chúa, Ngài đã biết dành thời gian để yêu thương và phục vụ Người. 'Địa lợi', Ngài đã biết sử dụng đúng vào cái lợi điểm của tùy hoàn cảnh, của mỗi địa phương cho phép để làm phát triển đời sống tâm linh cho chính mình và cho người khác. 'Nhân Hòa', Đối với tha nhân đồng loại, Ngài đã phục vụ mọi người bằng tất cả tình yêu thương ôn hòa và nhân hậu.

Tất cả những bí quyết của ĐHY là lòng tín thác kiên cường nơi Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm và đau khổ mà Ngài đã chấp nhận với lòng yêu mến.

Thật vậy, chỉ khi nào biết sẵn sàng hy sinh bản thân, Người Kitô hữu mới có thể góp phần vào việc cứu độ trần thế. Đó là điều mà ĐHY, người cha, người thầy đáng kính của chúng ta đã thực hiện.

Ngài đã giã từ chúng ta, nhưng tấm gương của Ngài vẫn tồn tại. Đức tin của chúng ta cho phép chúng ta khẳng định rằng Ngài không chết, nhưng Ngài đã bước vào một đời sống vĩnh cửu không bao giờ tàn lụi.

Đây chính là hạt lúa mì đã được gieo vào lòng đất Việt Nam của chúng ta, đã được chết đi trong giáo hội của chúng ta, và đã nảy sinh hoa trái trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta.

Trong chúc thư cuối đời của mình, ĐHY quả quyết: "Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse". Chúc thư tinh thần của ngài kết thúc với ba lời nhắn nhủ: "Hãy yêu mến Đức Mẹ, hãy tín thác nơi Thánh Giuse, hãy trung thành với Giáo hội, hãy đoàn kết và yêu thương tất cả mọi người".

Đây chính là tổng hợp bí quyết trọn cuộc sống của ĐHY. Đây cũng là bài học vô giá Ngài đã để lại cho mỗi người chúng ta. Amen

Lm Jos Nguyễn Văn Thiên
http://danchuausa.net/suy-niem/bai-giang-le-gio-lan-thu-viii-dhy-phanxico-nguyen-van-thuan/

Friday, September 17, 2010

Có thực mới vực đươc đạo.

Theo dõi tình hình giáo hội Việt Nam hiện nay, nhữg giáo dân có lòng với giáo hội, với đất nước thực sự băn khoăn lo lắng. Đó đây có hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nử đã để "thói đời" chen vào đời sống giáo hội. Thay vi can đảm làm chứng cho Đức Tin, rao giảng Tin Mừng, cổ vỏ công lý, hoà bình, họ thoả hiệp với kẻ gian ác, im lặng trước bất công. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã im lặng khi Thánh Giá, biểu tượng Đức Tin, bị đập phá, tu sĩ giáo dân bị tù đầy áp bức vì lương tâm. Đấng bản quyền của một Tổng Giáo Phận để cho linh mục tham gia vào Quốc Hội làm Tổng Đại Diện, linh mục có vợ con làm chánh xứ, giám mục phụ tá nói hành, nói tỏi giáo dân, để cho ban nhạc của địa phận hát nhạc tuyên truyền chính trị. Giám mục một địa phận không dám treo cờ Hội Thánh, cho rước tượng họ Hồ chung với Thánh Tượng Đức Mẹ. Ở một địa phận khác, giám mục không dám bảo vệ con chiên của mình trước nanh vuốt chó sói. Ở nước ngoài, có tự do dân chủ, nhưng có linh mục ngăn cấm giáo dân chào quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ. Vậy chúng ta phải làm gì?

1. Cầu nguyện: Nhờ lời cầu nguyện, lần hạt Mân Côi theo mệnh lệnh Fatima của Đức Mẹ, mà nước Nga trở lại và khối cộng sản tan vở vào thập niên 1990.

2. Hành động: "Đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2,26).

* Gởi ý kiến, nguyện vọng lên các đấng bản quyền địa phương (giám mục chánh toà) về các linh mục. Với các giám mục, chúng ta trình lên Toà Thánh. Toà Thánh sẽ không bao giờ phong chức Giám Mục cho một linh mục Tổng Đại Diện như Huỳnh Công Minh khi hồ sơ năm 1975 về hành vi khiếm nhã với Đức Khâm Sứ Toà Thánh còn đó. Phần lớn các giám mục thưòng là các linh mục Tổng Đại Diện, giám đốc chủng viện, chánh xứ nhà thờ Chánh Toà,...Và với giám mục có quá nhiều ý kiến tranh cải, phê bình và không đủ uy tín để cai quản một giáo phận liệu Toà Thánh để vị ấy tiếp tục trông coi địa phận ấy hay cất nhắc lên vị trí cao hơn?

* Tẩy chay không dâng lể, xin lể cầu nguyện với các linh mục, giám mục bất xứng, chăn thuê cho thế quyền

* Tẩy chay không đóng góp hay dâng cúng. Hảy chuyển số tiền đóng góp, dâng cúng trong các thánh lể Chúa Nhật hay PSA cho địa phận sang các tổ chức từ thiện khác, thí dụ như Catholic Relief Services hay các giáo xứ, giáo phận nghèo ở Việt Nam.

* Cổ vỏ những tấm gương sáng của các vị mục tử chân chính như Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đức Hồng y Trịnh Như Khuê, Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn, Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, TGM Nguyễn Kim Điền, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo, Đức cha Cao Đình Thuyên, Đức cha Hoàng Đức Oanh,...


Nếu giáo dân Việt Nam ở địa phận Phoenix không đóng góp tài chánh, liệu linh mục Nguyễn Văn Thuận có thể tiếp tục làm chánh xứ không? Và khi các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục các giáo phận có đông giáo dân gốc Việt tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu, Âu Châu,... thấy phản ứng chúng ta, họ sẽ giúp chúng ta lên tiếng với Toà Thánh.

Tại sao giám mục gốc Việt đầu tiên ở hải ngoại không từ Pháp mà từ Hoa Kỳ, Gia Nã Đại? Tại sao trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vừa qua, Toà Thánh và Tổng Giáo Phận Sydney Úc Đại Lợi đứng về phía giáo dân gốc Việt ở hải ngoại? Phải chăng sức mạnh của cộng đồng giáo dân Việt?

Và khi giáo dân chúng ta cùng hành động, các giám mục chân chính nhân lành trong HĐGMVN sẽ không để cho thiểu số tiếp tục múa gậy vườn hoang nửa.

Ước mong các tổ chức phong trào giáo dân Việt Nam ở Hải Ngoại, các trang mạng: Diễn Đàn Giáo Dân (http://www.diendangiaodan.com/), Lương Tâm Công Giáo (http://luongtamconggiao.com/), Nữ Vương Công Lý (http://www.nuvuongcongly.net/), Ba Cây Trúc (http://www.bacaytruc.com/), Sài Gòn Echo (http://saigonecho.com/), các blog của giáo dân... cùng góp một bàn tay cho cao trào Cầu Nguyện và Hành Động trên để bảo vệ Giáo Hội Việt Nam.

FreeVN

Sunday, September 12, 2010

Ý kiến về Thư của Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam nhân dịp Năm Thánh 2010

Hôm nay ghé NuVuongCongLy.com để xem, thấy bài "Thư của Cộng đồng Dân
Chúa Việt Nam nhân dịp Năm Thánh 2010" (http://www.nuvuongcongly.net/xa-hoi/ban-doc-viet/b%E1%BA%A1n-d%E1%BB%8Dc-vi%E1%BA%BFt-th%C6%B0-c%E1%BB%A7a-c%E1%BB%99ng-d%E1%BB%93ng-dan-chua-vi%E1%BB%87t-nam-nhan-d%E1%BB%8Bp-nam-thanh-2010/)

Nội dung bức thư này đúng đắn nhưng nhân danh Cộng đông Dân Chúa Việt Nam là KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN. Phải chăng người viết lá thư ngỏ này cũng đi vào vết xe của nhóm Mục tử chăn thuê hay cái thiểu số đang cai trị ưa nhân danh tập thể?

Nói lên những băn khoăn, âu lo trước những vấn nạn của đất nước, giáo hội là điều cần nhưng phải dưới sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đừng biến Giáo Hội của Chúa như một tổ chức trần thế.

Xin đừng kể tôi vào cái gọi là "Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam" này.

Friday, August 06, 2010

CÔNG GIÁO KHÔNG THAM GIA CHÁNH TRỊ ?

Hà Minh Thảo


Ngày 21.05.2010, Radio Vatican truyền thanh bài 'Đức Thánh Cha khuyến
khích Giáo dân dấn thân chính trị' bằng kêu gọi các tín hữu Công giáo
dấn thân trong lãnh vực chính trị và chứng tỏ rằng đức tin giúp họ đọc
các thực tại một cách mới mẻ và biến đổi chúng. Đức Thánh Cha Biển Đức
16 khẳng định rằng: Giáo hội không có sứ mạng huấn luyện chuyên môn
cho các nhà chính trị. Đã có nhiều tổ chức khác theo đuổi mục đích ấy.
Sứ mạng của Giáo hội là « đưa ra một phán đoán luân lý cả về những
điều liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền căn bản của con
người và phần rỗi các linh hồn đòi hỏi.. và Giáo hội chỉ sử dụng những
phương thế phù hợp với Tin Mừng và thiện ích của mọi người, theo thời
đại và hoàn cảnh khác nhau » (GS, 76).

Trong khi đó, lang thang trên xa lộ thông tin, chúng tôi đọc được câu sau:

« Mới đây trên DVD Thúy Nga Paris By Night, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã có
cuộc phỏng vấn với vị Tân Giám mục người Việt tại Toronto (Canada) là
Đức cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức cha
Hiếu có nói rằng: 'Người Công giáo không làm chính trị!' »

Nếu chúng ta thông biết Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium Et Spes)
và Giáo luật thì hai lời nói trên hoàn toàn không có gì mâu thuẫn, xin
mời chúng ta cùng phân tích.

I. KHÁI NIỆM VỀ CHÁNH TRỊ.

A. Công dân Việt-Nam.

Mọi người trong chúng ta khi sinh ra đã có quốc tịch Việt-Nam và là
công dân nước Việt, có nhiệm vụ tôn trọng luật lệ Việt-Nam và được
luật lệ Việt-Nam bảo vệ. Tham gia sinh hoạt chánh trị là quyền bẩm
sinh của mỗi công dân.

B. Hành vi Chánh Trị.

Trên Quê Hương Việt-Nam, người cộng sản gieo vào đầu óc đồng bào một
hiểu biết sai lầm về chánh trị, luôn phải sợ hãi khi nghe đến từ
'chính trị' hay khi không ưa ai thì cứ gắn cho người đó 'làm chánh
trị' một cách vô trách nhiệm và bất công.

Ở đây, chúng tôi đề nghị chúng ta đơn giản vấn đề như thế nầy:

Chế độ cai trị nào cũng cũng tự hào là Dân Chủ, tức là dân làm chủ Đất
Nước. Như vậy, Chủ quyền Đất Nước thuộc về toàn dân, tức mỗi công dân
sở hữu 1/56.252.543 Chủ quyền Đất Nước (đây là số cử tri ghi danh bầu
cử Quốc hội khóa 2007-2011). Thí dụ, quyền Lập pháp được giao cho Quốc
hội. Trong tòa nhà Quốc hội cũng như việc thảo luận và biểu quyết dự
luật rất không thể thực hiện được, nên phải tổ chức bầu cử 493 đại
biểu.

Khi tham gia tuyển cử, mỗi công dân dùng lá phiếu, tương đương với
1/56.252.543 quyền làm luật của mình, chọn và ủy quyền cho các ứng cử
viên trong đơn vị mình đầu phiếu để, khi đắc cử, trở thành đại biểu,
thay mình làm luật tại Quốc hội. Rất tiếc, vì số ứng cử viên bị giới
hạn bởi Mặt trận Tổ quốc khiến vô số người tài đức không thể hiện diện
tại Nghị trường.

Trong trường hợp nầy, những cử tri làm một hành vi chính trị công dân.
Tại Quốc hội, người đại biểu cần phải thảo luận và biểu quyết các dự
luật theo như họ đã hứa với cử tri. Đó là một hành vi chánh trị Lập
pháp cho quốc gia, nhằm phụng sự Công Ích, chứ không vì mị dân hay
đảng phái.

II. TÍN HỮU CÔNG GIÁO.

Người công dân Việt-Nam trở thành người Công giáo Việt-Nam sau khi tự
do xin lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Kết quả tức thì, người công dân có
quyền có những hành vi chánh trị dựa theo những qui chiếu do Phúc Âm
Đức Kitô, Giáo huấn xã hội Công giáo và Giáo Luật mang lại.

Ngày 05.07.2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong sứ điệp gởi cho
tổ chức Vatican 'Centesimus Annus-Pro Pontifice', đã nhắc người giáo
dân: « Những hoàn cảnh thê thảm thế giới ngày nay phải chịu chứng tỏ
tính thời sự thường trực của Học thuyết Xã hội của Giáo hội và sự cần
thiết khởi sự từ một viễn ảnh đúng, tập trung vào sự thật con người,
một sự thật do lý trí khám phá và được Tin Mừng Chúa Giêsu củng cố và
cổ võ giá trị chân chính và ơn gọi xã hội tự nhiên của con người ».

Về vấn đề này, Đức Gioan Phaolô II giải thích rằng Giáo huấn Xã hội
của Giáo hội cống hiến những chỉ dẫn cho 'sự cổ võ những nhân quyền,
sự bảo vệ gia đình, sự phát triển những cơ chế dân chủ đích thực và
góp phần chính trị, một nền kinh tế phục vụ con người, một trật tự
quốc tế mới bảo đảm công lý và hoà bình, và một thái độ trách nhiệm
đối với tạo vật.'

1. Tin Mừng Đức Kitô cần được chấp nhận như là Đại Hiến chương của
những Kitô-hữu hợp thành Giáo hội Công giáo, gồm bốn sách đầu tiên của
Tân Ước theo các Thánh Sử Matthêu, Máccô, Luca và Gioan, có tính ưu
việt trên hết, vì là những chứng từ tuyệt vời về cuộc đời và lời giáo
huấn của Ngôi Lời nhập thể, Đấng Cứu Độ chúng ta.

Công đồng Vaticanô II đã coi các sách Tin Mừng như những chứng từ
thành văn của các Tông Đồ hay của những vị đã sống bên các Tông Đồ ghi
chép lại do ơn linh hướng của Thánh Thần và đã long trọng khẳng định
lịch sử tính của các sách Tin Mừng vì trung thành truyền lại những gì
Đức Giêsu thực sự đã làm và đã dạy, luôn truyền đạt cho chúng ta những
điều chân thật về Đức Giêsu. Phúc Âm vừa là chứng từ về Đức Giêsu lịch
sử, vừa là chứng từ về niềm tin của các Tông Đồ sau Chúa phục sinh.

2. Giáo huấn xã hội Công giáo.

Ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, với trách vụ Chủ tịch Hội
đồng Giáo Hoàng Công lý và Hoà bình, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn
Thuận, Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, đã ký ban hành 'Sưu Tập những
Bản Văn của Huấn Quyền về Học thuyết Xã hội Công giáo'. Trong đó, Đức
cha đã thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn về xã
hội và viết thành 11 chương về các đề tài: Bản chất Học thuyết Xã hội
Công giáo, Con Người, Gia Đình, Trật tự Xã hội, Vai trò Nhà Nước, Kinh
tế, Lao Động và Tiền Lương, Sự Nghèo đói và Đức Bác ái, Môi trường,
Cộng Đồng Quốc tế và Chương Kết. Văn kiện này được dùng làm căn bản
cho việc hoàn thành « Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo hội ».

Qua 'Lời Giới Thiệu' của Đức Hồng y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa
Thánh, gởi Đức Hồng y Renato Raffaele Martino, Chủ tịch Hội đồng Giáo
Hoàng Công lý và Hoà bình, đã viết: « … 2. Tài liệu này cũng trình bày
giá trị của Học thuyết Xã hội Công giáo như một phương tiện để rao
giảng Tin Mừng (x. Centesimus Annus, số 54), vì tài liệu này đặt con
người và xã hội trong mối tương quan với ánh sáng Tin Mừng. Những
nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo đặt nần tảng trên luật tự
nhiên, vì thế được xác nhận và cũng cố trong niềm tin của Giáo hội nhờ
Tin Mừng của Đức Kitô… »

Khi khai mạc một cuộc hội thảo quốc tế về 'Chính trị, hình thức đòi
hỏi của đức ái' (La politique, forme exigeante de la charité) ngày
20.06.2008 qui tụ khoảng 60 chuyên viên tại Roma, Đức Hồng y Renato R.
Martino nói: « Giáo hội không làm chính trị, nhưng có một học thuyết
về chính trị, hầu có thể chu toàn sứ mệnh của mình, để phục vụ công
thiện công hảo… Duy trì và cổ võ nơi lương tâm mọi người, ý thức về
phẩm giá siêu việt của nhân vị: đó là sự đóng góp đầu tiên và cốt yếu
mà Giáo hội cống hiến cho cộng đồng chính trị. Trong 'sứ điệp' của Đức
Ki-tô do Hội thánh loan truyền, cộng đồng nhân loại có thể tìm thấy
sức mạnh để yêu tha nhân như chính mình, để chiến đấu chống lại tất cả
những gì phản nghịch sự sống, để chấp nhận sự bình đẳng căn bản giữa
mọi người, để tranh đấu chống lại mọi hình thức kỳ thị, để vượt qua
một nền luân lý hoàn toàn cá nhân… Nếu chính trị có tham vọng hành
động như Thiên Chúa không hiện hữu thì cuối cùng chính trị sẽ trở nên
cằn cỗi và mất ý thức về tính bất khả xâm phạm của nhân vị. »

Đề cập về đa nguyên dân chủ và những giá trị căn bản, Đức Hồng y đã
nhắc lại rằng những quyền lợi mang tính cá nhân và ích kỷ, ở ngoài
khung cảnh sự thật, tình liên đới và trách nhiệm, sẽ phá hủy nền dân
chủ và đưa vào những yếu tố phân tán và đối đầu nhau. Vào một thời đại
như thời đại chúng ta bị ghi dấu bởi những thái độ phản chính trị. Một
nền dân chủ chân chính phải cần đến sự trợ lực của tâm hồn, một giá
trị vô điều kiện của nhân vị hướng về tha nhân và Thiên Chúa trong sự
thật và sự thiện.

3. Giáo Luật.

Tông hiến "Sacrae Disciplinae Leges", được Đức Gioan Phaolô II ký ngày
25.01.1983 để ban hành Bộ Giáo Luật hiện hành.

… Thực vậy, Chúa Kitô không muốn phá hủy gia sản kỳ cựu của lề luật và
các tiên tri đã được thành hình dần dần qua giòng lịch sử và kinh
nghiệm của dân Chúa trong Cựu Ước. Đúng ra, Ngài đã kiện toàn nó (xem
Mt 5,17), để cho gia sản ấy trở thành, dưới một hình thức mới mẻ và
cao thượng hơn, một phần của gia sản Tân Ước…

… Bộ Giáo Luật này hoàn toàn phù hợp với bản chất của Giáo hội, cách
riêng đã được trình bày do giáo huấn chính thức của Công đồng Vatican
II xét trong toàn bộ và nhất là trong học thuyết về Giáo hội. Thực
vậy, phần nào Bộ Giáo Luật mới có thể được coi như một cố gắng phi
thường để diễn dịch đạo lý của Công đồng về Giáo hội ra ngôn từ pháp
lý…

Trong điều 207 Giáo Luật, số 1 phân biệt tín hữu Giáo dân với Giáo sĩ
và Tu sĩ như sau: « Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu
trong Giáo hội, có các thừa tác viên có chức thánh, trong luật được
gọi là các Giáo sĩ; còn các người khác được gọi là Giáo dân. »

Số 2 của điều luật trên phân biệt Giáo dân với Tu sĩ như sau: « Trong
cả hai thành phần vừa nói, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa
một cách đặc biệt và đóng góp vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo hội bằng
việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm qua lời khấn hoặc qua mối giây
ràng buộc thánh thiện khác, được Giáo hội công nhận và phê chuẩn. Hàng
ngũ của họ tuy không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, nhưng
thực sự thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội. »

Như vậy:

- Giáo sĩ là tín hữu có chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục.
Nhưng chỉ có Linh mục và Giáo mục được gọi là tư tế thừa tác và được
quyền Tế Lễ. Phó tế là những thừa tác viên được truyền chức thánh để
lo công tác phục vụ trong Giáo hội.

- Tu sĩ là người tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa
để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên Phúc Âm (khiết tịnh, khó nghèo
và vâng phục) hoặc có giây ràng buộc thánh thiện khác được Giáo hội
công nhận và phê chuẩn. Đây là bậc sống thánh hiến dành cho những
người có ơn gọi sống những linh đạo hay đặc sủng đặc biệt của nhiều
Dòng Tu hay Tu Hội khác nhau.

- Giáo dân được Giáo Luật định nghĩa theo tinh thần Hiến Chế Tín Lý về
Giáo hội 'Aùnh Sáng Muôn Dân' số 31, như sau: « Danh hiệu Giáo dân, có
nghĩa là tất cả các Kitô hữu không thuộc thành phần chức thánh, hay
bậc tu trì được Giáo hội công nhận, nghĩa là các Kitô hữu đã được phép
Rửa Tội sáp nhập vào thân thể Chúa Kitô, được nhập tịch Dân Chúa, được
trở thành người tham gia, theo cách của mình, vào chức vụ tư tế, chức
vụ rao giảng Lời Chúa, và chức vụ vương giả của Chúa Kitô, là những
người thi hành sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu trong Giáo hội và giữa
trần thế theo nhiệm riêng của mình. » Do đó, chỉ Giáo dân là những
người có phận vụ không ai có thể thay thế trong môi trường chính
trị-xã hội.

Như vậy, Giáo hội thật rõ ràng: Giáo sĩ không phận vụ trong môi trường
chính trị-xã hội. Do đó, Giáo Luật ấn định:

Điều 285: (1) Các Giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp
với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.

(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa
lạ không thích hợp với bậc Giáo sĩ.

(3) Cấm các Giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc
hành sử quyền bính dân sự.

(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, Giáo sĩ không được nhận
làm Quản Lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần
thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo
chứng cho dù dựa vào tài sản riêng của mình nếu không tham khảo ý kiến
của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam kết những khế ước bảo
lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.

Điều 287: (1) Các Giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa
đồng giữa mọi người, dựa trên nền tảng công bằng.

(2) Các Giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính
trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo
phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội, việc bảo vệ
quyền lợi của Giáo hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.

III. GIÁO DÂN DẤN THÂN CHÍNH TRỊ.

1.- Đức Phaolô VI, Giám mục Giáo hội Công giáo và các Giám mục khác,
họp Công Đồng Chung Vaticanô II, ngày 07.12.1965, ký ban hành Hiến Chế
'Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium Et Spes', chúng ta
đọc nơi số 76:

Cộng đoàn chính trị và Giáo hội. Điều rất quan trọng là cần nhận thức
chính xác về mối tương quan giữa cộng đoàn chính trị và Giáo hội, nhất
là trong một xã hội gồm nhiều thành phần. Cũng cần phải phân biệt minh
bạch giữa những hành động của các tín hữu hoặc cá nhân hoặc đoàn thể
với danh nghĩa công dân dưới sự hướng dẫn của lương tâm Kitô giáo và
những hành động của các tín hữu khi họ nhân danh Giáo hội và hợp nhất
với các vị chủ chăn của họ.

Vì lý do chức vụ và thẩm quyền của mình, Giáo hội không cách nào bị
đồng hóa với một cộng đoàn chính trị, và cũng không hề cấu kết với bất
cứ hệ thống chính trị nào vì Giáo hội vừa là dấu chỉ vừa là đảm bảo
cho tính cách siêu việt của con người.

Cộng đoàn chính trị và Giáo hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình,
đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dầu dưới danh hiệu khác nhau, cả hai
cũng đồng phục vụ cho con người trong sứ mệnh cá nhân và xã hội. Tùy
theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác
lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu
hiệu hơn. Bởi vì con người không phải chỉ thu hẹp trong nhãn giới trần
gian. Nhưng tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người vẫn mang một
sứ mệnh trường cửu. Được thiết lập trong tình yêu của Chúa Cứu Thế,
Giáo hội có sứ mệnh làm cho công bằng và bác ái lan tràn trong mỗi dân
tộc và giữa các dân tộc. Khi rao giảng chân lý Phúc Âm và lấy giáo lý
và chứng tá của cuộc sống các Kitô hữu soi sáng mọi lãnh vực của sinh
hoạt con người, Giáo hội cũng tôn trọng và cổ võ tự do chính trị cũng
như trách nhiệm của các công dân.

Và được sai đi để loan báo Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế cho mọi người,
các Tông Đồ và các Đấng kế vị cũng như những cộng tác viên của các
ngài đều dựa vào quyền lực của Thiên Chúa để làm việc tông đồ; còn
Thiên Chúa thường tỏ rõ sức mạnh của Phúc Âm trong chính sự yếu hèn
của các chứng nhân. Vậy bất cứ ai hiến thân phục vụ lời Chúa đều phải
dùng đến đường lối cũng như phương thế riêng của Phúc Âm. Những đường
lối và phương thế này khác biệt ở nhiều điểm với đường lối và phương
thế của trần gian.

Thực thế, các thực tại trần thế và những thực tại siêu phàm nơi con
người đều liên kết mật thiết với nhau. Giáo hội cũng xử dụng các thực
tại trần thế tùy mức độ mà sứ mệnh riêng của mình đòi hỏi. Tuy nhiên,
Giáo hội không cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền. Hơn thế nữa,
Giáo hội cũng sẽ từ chối việc xử dụng một số quyền lợi đã được hưởng
một cách chính đáng khi thấy rằng việc xử dụng những quyền lợi đó làm
cho người ta nghi ngờ về lòng thành thực muốn làm chứng nhân của mình,
hoặc trước những hoàn cảnh mới đòi hỏi phải xử sự cách khác. Tuy
nhiên, bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào, Giáo hội cũng phải được tự do
rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết xã hội của mình cũng như được
dễ dàng chu toàn sứ mệnh của mình giữa loài người. Giáo hội cũng phải
được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên
quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay
phần rỗi các linh hồn đòi hỏi. Nhằm mục đích trên, Giáo hội xử dụng
mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Phúc Âm và
lợi ích của mọi người tùy theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau.

Trung thành theo sát Phúc Âm và thi hành sứ mệnh của mình trong thế
giới, Giáo hội phải cổ võ và nâng cao bất cứ điều gì là chân, thiện,
mỹ trong cộng đoàn nhân loại. Làm như thế tức là Giáo hội xây dựng hòa
bình cho con người để làm vinh danh Thiên Chúa.

Tinh thần của số 76 này đã được Đức Gioan Phaolô II nhắc lại nhiều lần
và Đức Biển Đức XVI nói với các Giám mục Việt-Nam trong các lần tiếp
kiến chung mỗi dịp Ad Limina trong các lần cuối vừa qua [hy vọng chúng
ta sẽ có dịp xem lại trong một lần khác.]

Đối với Giáo dân, điều 76 này nhắc: Giáo hội Công giáo, vì chức vụ và
thẩm quyền của mình, không thể bị đồng hóa với một cộng đoàn chính trị
(Nhà nước, chính đảng…) và không hề cấu kết với bất cứ chế độ chính
trị nào vì Giáo hội vừa là dấu chỉ vừa là đảm bảo cho tính cách siêu
việt của con người, được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Người và
được cứu chuộc bởi sự chết và sống lại của Ngôi Hai Thiên Chúa. Nhưng
vì Giáo hội và Nhà nước đều phục vụ cho con người trong sứ mệnh cá
nhân và xã hội, nên nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành
mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu
hơn. Tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người vẫn mang một sứ mệnh
trường cửu.

Khi dấn thân chính trị, Giáo dân có những qui chiếu do Phúc Âm Đức
Kitô và Giáo huấn xã hội Công giáo thêm vào các luật lệ Việt-Nam.
Người Giáo dân không cần xưng danh tôn giáo, tinh thần phục vụ và khả
năng của mình mới là điều kiện để đồng bào, cử tri tín nhiệm chúng ta.

2.- Một Kinh nghiệm.

Ngày 01.04.1967, Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa Việt-Nam được ban hành với
các đặc điểm:

- Ba cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp được phân nhiệm và phân
quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền được phối hợp và
điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản
Tự Do, Dân Chủ và Công Bằng Xã Hội (Điều 3).

- Quyền Tư pháp được ủy nhiệm cho Tối cao Pháp viện và được hành xử
bởi các Thẩm Phán xử án (Điều 76). Tối cao Pháp viện có thẩm quyền
giải thích Hiến Pháp, phán quyết về tiùnh cách hợp hiến hay bất hợp
hiến của các đạo luật, sắc luật; tính cách hợp hiến và hợp pháp của
các sắc lệnh, nghị định và quyết định hành chánh (Điều 81 khoản 1).
Nhờ thế, giới cầm quyền không thể hình thành một Hiến Pháp với những
điều khoản đầy hứa hẹn dân chủ, pháp trị, nhưng, trong thực tế, Quốc
hội biểu quyết các đạo luật bất hợp hiến hay Chính phủ ban hành các
nghị định và quyết định hành chánh bất hợp hiến hay/và bất hợp pháp
như ngày nay.

- Người dân có quyền tự do giáo dục và được hưởng 'nền giáo dục cơ bản
có tính cách cưỡng bách và miễn phí'. Nếu công dân có khả năng theo
học cao hơn mà không có phương tiện, quốc gia sẽ nâng đỡ (Điều 10).

Căn cứ vào Hiến pháp, cuộc tuyển cử Nghị sĩ Thượng nghị viện đã được
tổ chức ngày 03.09.1967. Có 48 liên danh với 480 ứng cử viên thuộc các
chánh đảng (Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Duy Dân…), tôn giáo (Cao
đài, Hòa hảo, Phật giáo, Công giáo), xã hội (quân nhân, trí thức, khoa
bảng…) hiện diện tranh cử.

Kết quả, 6 liên danh đắc cử: về đầu, liên danh 'Nông Công Binh' do cựu
Tướng Trần văn Đôn làm thụ ủy gồm các quân nhân và nghiệp đoàn viên;
liên danh Bông Lúa, do ông Nguyễn ngọc Kỷ, tín hữu Cao đài, làm thụ ủy
về hạng 5; các liên danh 'Công Ích và Công Bình Xã Hội', 'Đại Đoàn
Kết', 'Trời Việt' và 'Đoàn kết để Tiến bộ' do các ông Nguyễn văn
Huyền, Nguyễn gia Hiến, Huỳnh văn Cao và Trần văn Lắm đứng thụ ủy đều
là những Giáo dân Công giáo chiếm các hạng còn lại.

Thượng nghị viện khóa đầu tiên có 26 người Công giáo trong số 60 Nghị
sĩ, có 11 Công giáo trong số 13 luật gia trong Viện Lập pháp này. Đặc
biệt, luật sư Nguyễn văn Huyền, một nhân sĩ danh tiếng trong giới Công
giáo và giới chánh trị, một chánh khách hiếm hoi của nền Đệ Nhị Cộng
hòa, đã được bầu vào chức Chủ tịch Thượng nghị viện. Ông đã xây dựng
uy tín cho Thượng nghị viện, xứng đáng với lòng kính nể của người dân
Việt trong việc phát biểu về các vấn đề: tướng lãnh tham nhũng (ngày
20.04.1970), chống độc diễn của liên danh Nguyễn văn Thiệu - Trần văn
Hương (ngày 22.09.1971). Ngoàụi ra, chúng ta còn nhớ một tối trong
tháng 05.1970, sau khi Thượng nghị viện phản đối 'Sắc luật Thuế kiệm
ước' của Chánh phủ, Chủ tịch Nguyễn văn Huyền đã lên án sự vi hiến của
Sắc luật này trên màn ảnh Truyền hình Việt-Nam. Sau đó, nhờ tài hùng
biện của một Nghị sĩ Công giáo khác, luật sư Nguyễn văn Chức, ngày
30.06.1970, Tối cao Pháp viện tuyên bố tiêu hủy 'Sắc luật Thuế kiệm
ước' vì vi hiến.

Tuy nhiên, năm 1974, sau khi một số Nghị sĩ Công giáo thuận theo ý
Tổng thống Nguyễn văn Thiệu để tu chính cho phép ông ứng cử nhiệm kỳ
thứ ba, luật sư Nguyễn văn Huyền từ chức Nghị sĩ bằng đăng báo xin
phép cử tri đã tín nhiệm ông. Khi người Công giáo không đồng tâm, đại
sự gặp nguy.


Hà Minh Thảo

http://vietcatholic.net/News/Html/82559.htm

Sunday, August 01, 2010

HỢP TÁC HAY KHÔNG HỢP TÁC ?

Cố Lm. OP Đỗ Văn Lực/Viết ngày: 29.07.2007

Thế kỷ 20 ít có vĩ nhân nào có thể sánh với Mẹ Têrêsa Calcutta. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Javier Pérez de Cuéllar từng vinh danh Mẹ : "Bà là Liên Hiệp Quốc. Bà là hòa bình thế giới." Năm 1985, trong Đại Sảnh Đường LHQ, trước khoảng một ngàn cử tọa nổi tiếng, ông TTK trịnh trọng tuyên bố về Mẹ : "Tôi xin giới thiệu với Quý Vị người phụ nữ quyền lực nhất thế giới." [1]

Ai cũng biết Mẹ Têrêsa là một phụ nữ nhỏ nhắn và ốm yếu. Nhưng sự nghiệp của Bà vượt ngoài sức tưởng tượng. Năm 1979, Mẹ Têrêsa đã lãnh giải Hòa Bình Nobel, "vì đã hoạt động để khắc phục sự nghèo khổ và khốn cùng, nguyên nhân đe dọa nền hòa bình." Lúc qua đời, Mẹ Têrêsa đã trối lại một gia tài kếch sù cho Giáo Hội để phục vụ nhân loại : hơn 4,000 nữ tu Thừa Sai Bác Ái, nhóm liên hiệp huynh đệ với 300 thành viên, và trên 100,000 thiện nguyện giáo dân, hoạt động trên 610 tụ điểm truyền giáo trong 123 quốc gia.[2]

Đứng trước những những công việc và thành quả lớn lao đó, ĐGH Gioan Phaolô II tự hỏi và trả lời : "Bởi đâu Mẹ Têrêsa tìm thấy sức mạnh và bền chí hiến mình hoàn toàn phục vụ tha nhân ? Trong thầm lặng, Mẹ đã tìm thấy sức mạnh trong lời cầu nguyện và chiêm niệm Đức Giêsu Kitô, Dung nhan Chí Thánh, Trái Tim Cực Thánh của Chúa."[3] Đức Hồng Y O'Connor, Tổng Giám Mục Nữu Ước, cũng công nhận : "Đối với Mẹ, tất cả quyền lực đều ở nơi Chúa Giêsu, qua Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu. Sức mạnh của Mẹ chính là sức mạnh của cầu nguyện , của hoàn toàn tuân phục thánh ý Thiên Chúa, của tình yêu dành tất cả cho đời sống con người."[4]

Gương Mẹ Têrêsa Calcutta có giúp GHCGVN tìm một hướng đi mới cho công cuộc phục vụ dân tộc không ? Nếu xác tín và sống như Mẹ, chúng ta có đủ ánh sáng cần thiết để chọn lựa con đường hợp tác hay không hợp tác với chế độ hiện tại không ? Làm sao có đủ sức mạnh thi hành sứ mệnh giữa bao nhiêu thách đố hôm nay ?

CẦU NGUYỆN LÀ LẼ SỐNG

Trong đêm tối trần gian, Chúa Giêsu chiếu sáng lên hình ảnh Thiên Chúa như vị Từ Phụ ân cần lắng nghe và đáp cứu con người khi họ cầu nguyện. Cầu nguyện là lẽ sống. Kết quả không phải là những ân huệ vật chất, nhưng là chính Thánh Linh (x. Lc 11:13). Có Thánh Linh là có tất cả. Chính nhờ Người, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và cứu độ nhân loại. Người là tất cả sức mạnh của Thiên Chúa. Thánh Linh là món quà tuyệt vời Chúa Cha ban cho những ai tin tưởng và kiên trì cầu nguyện. Nhận được món quà vô cùng quý giá này, con người sẽ có thể làm mọi sự.

Không cầu nguyện, con người không thể làm gì trên trần gian. Quả thế, "cầu nguyện là một nhu cầu sống còn. Bằng chứng, nếu không để Thánh Linh hướng dẫn, chúng ta sẽ rơi vào ách nô lệ tội lỗi. Làm sao Thánh Linh có thể trở thành 'sự sống' chúng ta, nếu lòng ta xa Người ?"[5] Không có Thánh Linh, tất cả ngôn hành đều là những trò múa rối. Không cầu nguyện, chúng ta không thể nào tồn tại, chứ đừng nói làm được việc gì. Nhưng làm sao cầu nguyện, nếu không có đức tin. Do đó, Chúa Giêsu đưa hai dụ ngôn về người bạn quấy rầy ban đêm và về người cha trần gian so sánh với Cha trên trời. Cả hai dụ ngôn đều ngầm khuyến khích chúng ta phải có lòng kiên nhẫn và tin tưởng vào lòng từ phụ của Thiên Chúa. Đúng như thánh Giacôbê nói : "Đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn." (Gc 1:3)

Trong thực tế, nhiều lúc chúng ta thiếu kiên nhẫn, vì đức tin không đủ mạnh. Nếu đức tin mạnh đủ, chúng ta có thể thưởng thức được tất cả hương vị ngọt ngào và sự sống chan hòa trong lời cầu nguyện. Có thể hiểu phần nào bản chất lời cầu nguyện, vì cầu nguyện có nhiều nét giống chiêm niệm. Mẹ Têrêsa nói : "Theo tôi, chiêm niệm không phải là im lặng trong đêm tối, nhưng là để Chúa Giêsu sống cuộc khổ nạn, tình yêu, và đầy khiêm tốn trong chúng ta, cầu nguyện với chúng ta, hiện hữu với chúng ta, thánh hóa qua chúng ta." [6]

Như vậy, cầu nguyện và chiêm niệm làm cho con người ngày càng giống và nên một với Chúa Kitô. Không sống với Người, chúng ta không thể thấu hiểu bản chất và những đòi hỏi của tình yêu. Tất cả bản lãnh và sức mạnh phục vụ đều bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ Chúa Kitô trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện là bước vào cuộc sống của Chúa, để có thể nhìn thấy và phục vụ anh chị em đang đau khổ trong mọi cơ chế bất công.

CÁCH MẠNG NHUNG

Bất công là nguyên nhân sinh ra mọi tệ trạng xã hội. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới từng nhận định : "Mặc dù không phân tích sâu xa hiện trạng thế giới, nhưng chúng tôi có thể nhận thấy những bất công nghiêm trọng đang thiết lập một hệ thống khống chế, đàn áp và lộng hành khắp nơi để bóp nghẹt tự do và làm cho phần lớn nhân loại không thể tăng trưởng và không có một thế giới công bình và huynh đệ hơn." [7]

Cũng như Mathêu, Luca đặt ở phần mở đầu Kinh Lạy Cha lời cầu xin cho "Triều Đại Cha mau đến." (Lc 11:2) Đây là cốt lõi mọi vấn đề trong Kinh Lạy Cha và là sứ điệp căn bản của Chúa Giêsu và các môn đệ trong Tin Mừng Nhất Lãm. Đó cũng là chủ đề nòng cốt trong lời giảng các Tông đồ (ví dụ Cv 8:12; 19:8). Nước Thiên Chúa không phải chỉ là chủ đề duy nhất được đề cập đến trong Tin Mừng Mathêu, nhưng còn là chủ đề quan trọng trong Tin Mừng Luca nữa.

Dưới ngòi bút Luca, con cháu Abraham (ví dụ Lc 13:10-17; 19:1-10) và những người thừa hưởng lời hứa của Thiên Chúa là chính những "người nghèo của Thiên Chúa," nạn nhân của những cơ chế bất công trong đạo cũng như ngoài đời. Mối phúc thứ nhất dành cho người nghèo Nước Thiên Chúa. Họ nghèo thực sự, chứ không phải chỉ có tinh thần nghèo khó. Nhờ gặp gỡ Chúa Kitô trong lời cầu nguyện các Kitô hữu tiên khởi đã chia sẻ tài sản với những người túng bấn (Lc 6:17-49). Như thế, rõ ràng Nước Thiên Chúa đã có ảnh hưởng sâu xa tới nước trần gian. Giáo hội đã phục vụ Nước Thiên Chúa một cách hữu hiệu trong việc biến cải và thay đổi xã hội.

Khi cầu nguyện cho "Triều Đại Cha mau đến," môn đệ Chúa Kitô đang thực hiện một cuộc cách mạng biến đổi thế giới.[8] Quả thế, "thế giới hôm nay nổi bật với tội bất công nặng nề. Chúng ta vừa nhận thức trách nhiệm, vừa thấy mình không thể lấy sức mạnh chế ngự tội bất công đó. Tình hình đó thúc đẩy chúng ta phải lắng nghe lời Thiên Chúa với tâm hồn khiêm tốn và mở rộng."[9] Bởi đấy, Kinh Lạy Cha đòi chúng ta phải lật đổ bất cứ thứ bất công nào trên thế giới.

Hơn nữa, Kinh Lạy Cha cũng thúc đẩy chúng ta thành lập những cộng đoàn phản ánh trung thực những giá trị Tin Mừng. Vì đã thinh lặng trước sự bất công trong đạo và bị những hứa hẹn sai lạc của đế quốc trần gian quyến rũ, chúng ta không thấy nhu cầu liên kết để hỗ trợ nhau và bàn thảo kế hoạch thay đổi những chế độ tội lỗi. Liên đới với những người đang sống trong hoàn cảnh không thể thực hiện ước nguyện giữa những tương quan cá nhân, phe nhóm và cơ chế. Đó là thách đố đối với những ai đang hưởng lợi từ sự bất công. Đó cũng là đề nghị hay nhất của Kinh Lạy Cha. Bởi thế, càng cần phải thành lập gấp những cộng đoàn đối kháng, đặt nền trên lời cầu nguyện, lời thề sống chết theo công lý và đầy cảm thông. Cộng đoàn như thế sẽ thay thế trật tự xã hội hiện tại.[10]

Khi quy tụ thành cộng đoàn, chúng ta có Chúa Giêsu ở giữa (x. Mt 18:20) để soi sáng cho chúng ta thấy những lý thuyết cực đoan ảnh hưởng tới đời sống trong bốn cấp độ : cá nhân, liên vị, hạ tầng kiến trúc và môi trường. Chúng ta tự hỏi các đường lối hiệp thông khác nhau trên thế giới có phản ánh sự hiệp thông mà Thiên Chúa đòi phải có trong các tương quan giữa con người và các nguồn tài nguyên trên trái đất không. Vấn đề sẽ nổi cộm và làm nhức nhối lương tâm. Cuối cùng chúng ta sẽ đi đến quyết định tìm đường lối nào tốt nhất để sám hối trong mọi lãnh vực đời sống.[11] Sám hối sẽ thay đổi tận nền tảng mọi cơ chế bất công trong xã hội và Giáo hội.

Như thế, Kinh Lạy Cha cổ động công lý trong một thế giới đầy bất công. Bất công đã bóp nghẹt tự do giữa con người và tạo nên chướng ngại cho việc xây dựng một thế giới liên đới hay đầy tình huynh đệ hơn. Bất công làm cho phần lớn nhân loại không được chia sẻ những tài nguyên trái đất. Nếu Kinh Lạy Cha thực sự phát xuất tận đáy lòng, người tín hữu không thể không thấy mọi người đều bình đẳng trước Thiên Nhan. Trong mỗi lời cầu xin, Kinh Lạy Cha đều đảo lộn sâu xa những động lực trần gian. Bởi thế, chỉ khi nào có cái nhìn của Chúa, chứ không phải của thế gian, Kitô hữu mới có thể thực sự đọc Kinh Lạy Cha một cách có ý nghĩa và hiệu lực. Nếu không, dù có đọc cả triệu lần Kinh Lạy Cha, mọi sự vẫn chẳng có gì biến đổi. Cái khó biến đổi nhất là cái tôi, cá nhân hay tập thể cũng vậy. Có bước đầu tiên đó mới có những bước kế tiếp.

ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI

Có một số người vẫn sống trong mơ. Theo họ, cầu nguyện là gặp gỡ Chúa. Đó là lối sống đạo. Đời là đấu tranh, giành dựt, mưu mô. Có lằn ranh rõ rệt. Không thể đem Chúa ra khỏi nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ, Kitô hữu cần khoác bộ áo và khuôn mặt khác. Nếu không, họ sẽ thất bại thê thảm. Giữa cầu nguyện và cuộc sống cần phải có một bước nhảy vọt.

Có đúng như thế không ? Nếu đúng, vô tình họ tự đứng vào phe những người không chung đất đứng với Chúa Giêsu. Những người đó vẫn có mặt trong đạo và ngoài đời. Khi tách biệt đạo đời quá kỹ, con người không còn sống thật với chính mình. Bởi đó, họ dễ trở thành mồi ngon cho đủ thứ chủ nghĩa, từ tình dục đến quyền lực, từ tiền tài đến danh vọng v.v.

Chỉ có đức tin mới giúp chúng ta thấy được mạch nối giữa cầu nguyện và cuộc sống. Thực vậy, "cầu nguyện và sống đạo là hai việc không thể tách rời. Cả hai cùng xuất phát từ tình yêu và sự quên mình vì yêu. Cả hai cùng nhắm đến chỗ hòa hợp với ý định yêu thương của Chúa Cha trong tâm tình mến yêu của người con thảo. Cả hai cùng giúp tín hữu hiệp thông với Thánh Linh để được biến đổi ngày càng nên giống Đức Giêsu Kitô. Cả hai cùng thể hiện tình thương yêu mọi người, bắt nguồn từ tình yêu Đức Kitô đã yêu thương ta."[12]

Thiên Chúa muốn cuộc sống Kitô hữu phải thống nhất. Hơn nữa, Thiên Chúa còn muốn Kitô hữu phải nhập thể và nhập thế như Đức Kitô. Có nhiều người đứng ngoài nhìn vào để lên án những người đang nhập cuộc. Nhập cuộc không chỉ thấy nơi những người trong cuộc. Có khi đang ở trong cuộc mà không nhập cuộc. Chẳng hạn, nhiều người đang sống ở Việt nam cứ tưởng mình đang nhập cuộc và lên án hay thách thức những người đang ở Hải ngoại. Họ tự cho mình là người can đảm vì đã chấp nhận ở lại để sống với chế độ. Họ lên tiếng chê bai những người chỉ biết viết những bài chia sẻ mà không sống Lời Chúa. Họ thách thức những người hải ngoại về Việt nam để tranh đấu cho nhân quyền. Khác với cái nhìn trục lợi về "khúc ruột ngàn dặm," có lẽ họ vẫn coi người Việt Hải ngoại là những kẻ nhát gan, đào tẩu, phản bội tổ quốc và GHCGVN.

Đó có phải là một âm mưu thâm độc nhằm chia rẽ những người ở trong và ở ngoài nước ? Dù sao, cứ giả thiết đó là những vấn nạn thực sự của những người anh em thiện chí, chúng ta cũng cần nhìn nhận một sự thật. Nếu hàng ngày đều đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta đều xác tín mình là anh chị em với nhau, vì cùng chung một Cha trên trời. Những gì đụng tới đồng bào trong nước đều đụng tới đồng bào Hải ngoại. Những dấn thân của tập thể đồng bào trong nước đều là nguồn hứng khởi cho cộng đồng Hải ngoại. Tất cả chỉ là một. Vậy tại sao lại phân biệt và chia rẽ chúng ta ?

Nhiều người tưởng rằng từ quan điểm đến hành động, chúng ta không còn là một nữa. Theo họ, chỉ có những người trong nước mới có những cái nhìn xác đáng và xứng đáng là người con của tổ quốc và GHCGVN. Họ vỗ ngực tự hào chỉ mình mới có bản lãnh sống giữa những thử thách cam go. Trong khi kêu gọi người khác phải "biết tôn trọng nhau và độ lượng hơn,"[13] chính họ lại lên giọng kết án cả một tập thể người Việt Hải ngoại ! Không biết họ có đọc Kinh Lạy Cha hàng ngày không nhỉ ?

Họ còn nói những người bên ngoài đồng hóa quê hương với chế độ. Làm như Việt nam vẫn còn là một xã hội đóng như chế độ Bắc Việt từ 1954-1975 vậy ! Nếu quả thực có cái nhìn thiên lệch đó, hàng năm đã không có hàng mấy trăm ngàn người về Việt nam như thế. Không phải vì yêu chế độ mà chúng tôi về Việt nam đâu !

Riêng về GHCGVN, họ tự cho mình quyền đứng ra bênh vực các GMVN. Đối với họ, những người ngoài nước không biết gì hết. Tất cả mọi việc làm của các GMVN đều đúng cả. Đừng ai đụng chạm tới các đấng bề trên cao cấp của chúng tôi ! Tội chết ! Tất cả hãy đấm ngực ăn năn đi ! Có lẽ họ cần đấm ngực trước, vì đã cố tình "nịnh bợ" quá kỹ khiến các đấng không dám dấn thân đáp ứng nhu cầu bức thiết của đồng bào nữa !

Dựa trên những quyền lợi GHCGVN đang được hưởng từ chế độ, họ hăng say biện hộ cho các GMVN . GHCGVN ngày càng bề thế với đầy đủ vây cánh như vậy, ai chẳng ham ?! Nhưng hiện diện như thế để làm gì ? Sứ mệnh hay phương tiện, thứ nào cần thiết và quan yếu hơn ? Đầy đủ quá có dễ chu toàn sứ mệnh không ? Chúa Giêsu có dạy các môn đệ sắm đầy đủ phương tiện trước khi lên đường truyền giáo không ?

Tại sao cùng sống trong một hoàn cảnh như GHCGVN, nhưng GHPGVNTN lại có hành động khác ? Vấn đề không phải là hợp tác hay không hợp tác. Không thể quay ngược bánh xe lịch sử. Vấn đề là hợp tác tới mức nào và trong những lãnh vực nào, miễn đừng phản bội sứ mệnh Chúa đã trao cho GHCGVN. Giáo hội chỉ là phương tiện phục vụ Nước Trời, chứ không ngược lại. Giáo hội phải hy sinh tất cả để "Triều Đại Cha mau đến." Nếu không, Giáo hội sẽ phản bội Thày mình vì đã không chu toàn sứ mệnh trọng đại đối với dân tộc.

Lạy Cha, xin cho chúng con biết hy sinh cho "Triều Đại Cha mau đến" trên quê hương chúng con. Xin cho chúng con luôn hiệp nhất để chu toàn sứ mệnh lịch sử trong GHVN hôm nay. Amen.


Phụ chú

[1] http://www.famouspeople.co.uk/m/motherteresa.html

[2] ibid.

[3] ĐGH Gioan Phaolô II (2003). Diễn Giảng Cho Khách Hành Hương
Đến Roma Nhân Dịp Phong Chân Phước Cho Mẹ Têrêsa.
http://www.famouspeople.co.uk/m/motherteresa.html

[4](WIL, 31) http://tiengnoigiaodan.net/dacbiet/db_nnqlu.html.

[5] Giáo Lý Công Giáo, số 2744.

[6] Trong trung tâm Thế giới, Thư viện New World.

[7] Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 1971, "Công Bình Trên Thế Giới."

[8] x. Crosby, M. H., The Prayer That Jesus Taught Us, 2002:23.

[9] Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 1971, "Công Bình Trên Thế Giới."

[10] x. Crosby, M. H., The Prayer That Jesus Taught Us, 2002:23.

[11] ibid.

[12] Giáo Lý Công Giáo, số 2745.

[13] http://www.vietcatholic.net/News/Html/45891.htm

Tuesday, June 08, 2010

Vote all incumbents OUT of office to save America.

Hôm nay tiểu bang California có cuộc bầu cử sơ bộ để chọn các ứng cử
viên đại diện cho đảng của mình ra tranh cử với đảng khác trong cuộc
tổng tuyển cử tháng 11 và biểu quyết các dự luật 13, 14, 15, 16, 17.

Tui là cử tri thuộc đảng Cộng Hòa, nhưng, kỳ này tui bỏ phiếu chống
lai các ứng viên được sự ủng hộ, thừa nhận của ban lảnh đạo đảng. Tất
cả những ứng viên nào đã nắm chức vụ dân cử như dân biểu, nghị sĩ,
thống đốc, phó thống đốc, bộ trưởng ra tái tranh cử, tui nói KHÔNG.
YES 13 để không tăng thuế
YES 16 nhà nước phải được 2/3 dân chúng trước khi xài tiền hay mượn nợ.

Chọn bà Meg Whitman, cựu tổng giám đốc eBay, làm thống đốc tiểu bang.

Chọn bà Carly Fiorina, cựu tổng giám đốc Hewlett-Packard, làm thượng
nghị sĩ đại diện California tại liên bang

Vote all incumbents OUT of office to save America.

Saturday, May 15, 2010

Vạ Tuyệt Thông của Giáo Hội dành cho người theo Cộng Sản

Tác Giả : Tiến Sĩ TRẦN AN BÀI
Thứ Sáu, 07 Tháng 5 Năm 2010 03:22

Hợp tác với Cộng Sản là đương nhiên bị khai trừ khỏi Giáo Hội

Học thuyết Cộng Sản (CS) là một quái thai của nhân loại trong thế kỷ 19 và 20. Bất cứ cá nhân nào, tổ chức xã hội nào, quốc gia nào hoặc tôn giáo nào cũng đều có bổn phận và trách nhiệm tiêu diệt cái quái thai này, để bảo vệ thế giới của con người, vì học thuyết CS không nhằm phục vụ con người mà nhằm tiêu hủy con người.

Các quốc gia Đông Âu đã nhận ra điều này và đã thành công trong việc tiêu trừ nó vào trước lễ Giáng Sinh năm 1989. Điều trớ trêu và đáng buồn là hiện nay trên thế giới chỉ còn 4 quốc gia theo chủ nghĩa CS và Việt Nam lại là một trong số những quốc gia ấy: Trung Cộng, Cuba và Bắc Hàn.

Ngay khi tà thuyết CS ra đời, Giáo Hội Công Giáo (GHCG) là một trong những tôn giáo đã chống lại nó một cách mạnh mẽ nhất. Đức Giáo Hoàng Piô XII vào năm 1949 đã ra Sắc Luật chống chủ thuyết Cộng Sản và tuyên bố áp đặt vạ tuyệt thông cho tất cả những người Công Giáo nào hợp tác với các tổ chức Cộng Sản (The Decree against Communism is a 1949 Catholic Church document (by Pope Pius XII) which excommunicates all Catholics collaborating in communist organizations.) Sắc Luật này đã tạo nên một hậu quả khủng khiếp nhất chưa hề có trong lịch sử GHCG là số người bị khai trừ khỏi GH lên tới cả triệu người. Dù biết rõ hậu quả như vậy, nhưng GH vẫn tiến tới, vì hai học thuyết Công Giáo và Cộng Sản không thể đội trời chung với nhau.

Tưởng cần nhắc lại là Sắc Luật nghiêm khắc này chỉ là để thi hành một Thông Điệp chống Cộng đã có từ năm 1937, với tên là "Divini Redemptoris" (Của Đấng Cứu Thế Thần Linh).

Vào ngày 15-7-1948, báo L'Obsservatore Romano, cơ quan ngôn luận chính thức của Toà Thánh đã đăng tải một Sắc Luật chống Cộng, nhằm công bố vạ tuyệt thông cho tất cả những ai "tuyên truyền các học thuyết Cộng Sản nhằm cổ võ thuyết duy vật và chống báng Kitô giáo". Vào thời điểm đó, Sắc Luật có chủ đích ra vạ tuyệt thông cho các đảng viên Đảng CS Ý.

Có thể nói: ngược dòng lịch sử GHCG suốt 100 năm qua, các vị Giáo Hoàng Piô IX, Lêô XIII, Thánh Giáo Hoàng Piô X, Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Công Đồng Vatican II và Đức Gioan Phaolô II đều liên tục lên án chế độ Cộng Sản một cách mãnh liệt. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ban hành án vạ tuyệt thông cho Fidel Castro, lãnh đạo cuộc Cách Mạng CS Cuba mà CSVN vẫn nhận là anh em nối khố để canh chừng thế giới: "Anh ngủ, em thức". Chỉ có ĐGH Bênêdictô XVI mới lên ngôi được 5 năm và có lẽ đang dồn nỗ lực vào việc phục hồi các Giáo Hội tại Âu Châu và Mỹ Châu, nên đã lơ là trong việc chống lại 3 quái thai CS đang hoành hành tại Á Châu là Trung Quốc, Bắc Hàn và VN thôi.

Các văn kiện của Toà Thánh minh định rằng tất cả những tín hữu nào bảo vệ hay cổ võ học thuyết Cộng sản thì "đương nhiên" bị khai trừ khỏi Giáo Hội. (Q.4 If Christians declare openly the materialist and antichristian doctrine of the communists, and, mainly, if they defend it or promulgate it, "ipso facto", do they incur in excommunication ("speciali modo") reserved to the Apostolic See? R. Affirmative).

Ngoài ra, những tín hữu nào bỏ phiếu cho đảng CS hoặc gia nhập đảng này hoặc viết lách cho các báo chí CS thì cũng cùng chung số phận như vậy.

Tất cả những luật lệ trên cho tới nay vẫn còn hiệu lực, vì chưa hề có một văn thư nào của Toà Thánh hủy bỏ, tu chính hoặc sửa chữa nội dung các Sắc Luật chống Cộng kể trên. Cho nên, một tín hữu Công Giáo - bất kể thuộc thành phần nào: từ Giáo Hoàng, Hồng Y, Tổng GM, Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ nam nữ đến giáo dân - mà hợp tác, ca ngợi, tán đồng học thuyết và chế độ CS dưới bất cứ hình thức nào, đều đương nhiên bị vạ tuyệt thông, tức không còn phải là phần tử trong Giáo Hội Công Giáo nữa.

LẬP TRƯỜNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Thái độ của Hội Đồng Giám Mục VN đối với chế độ CS kể từ khi Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông đặt ách thống trị trên Quê Hương Việt Nam như thế nào? Một cách tổng quát, chúng ta có thể tóm lược lập trường chống Cộng khác nhau của HĐGM/VN như sau:

- Dưới thời Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, Tổng GM Hà Nội, Hội Đồng GMVN không muốn có bất cứ liên hệ nào với Nhà Nước CSVN. Đó là một tinh thần chống Cộng quyết liệt.

- Đến thời Đức Cha Nguyễn Minh Nhật, Giám Mục Xuân Lộc, làm Chủ Tịch HĐGM thì các Giám Mục viết kiến nghị yêu cầu Nhà Nước thỏa mãn các yêu sách của Giáo Hội, ví dụ: xin gia tăng chiêu sinh, tự do truyền chức linh mục, trả lại tài sản cho Giáo Hội, v.v... Các bản kiến nghị đó cũng được gửi cho các cơ quan ngôn luận trong và ngoài nước để tạo sức ép trên Nhà Nước. Kết quả, Giáo Hội không được gì, vì Nhà Nước không bao giờ cứu xét các kiến nghị đó.

- Đến thời ĐC Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Nha Trang, làm Chủ Tịch HĐGM thì cũng có kiến nghị, nhưng không công bố mà đến gặp thẳng các viên chức Nhà Nước để đặt vấn đề. Nói cách khác, HĐGM tìm cách đối thoại thay vì đối đầu. Kết quả là Nhà Nước áp dụng chế độ "Xin-Cho". Trên thực tế, có một vài kết quả trong chế độ "Xin - Cho" này. "Xin" có điều kiện thì "Cho" cũng có điều kiện. Hai bên đều có lợi.

- Khi ĐC Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Đà Lạt, làm Chủ Tịch HĐGM thì chính sách đối thoại vẫn được duy trì và còn được thăng hoa bằng "lý thuyết thực dụng" nữa.

Kể từ khi Hoa Kỳ - Trung Cộng bắt tay nhau và thoả thuận cho Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam và đặt ách thống trị trên toàn lãnh thổ VN, Vatican vẫn thường xuyên gửi các phái đoàn đến thương thuyết với Hà Nội, mặc dù hai quốc gia Vatican và VN chưa thiết lập quan hệ ngoại giao.

Giai đoạn đầu, với Trưởng phái đoàn là Đức Ông Celli, cuộc gặp gỡ đôi lúc rất căng thẳng, đến nỗi có lần đã phải đập bàn đập ghế. Nhưng đến thời Đức Ông Migliore làm trưởng phái đoàn thì bầu không khí có vẻ dịu hơn và cho đến thời Đức Ông Parolin thì cuộc đối thoại mang nhiều nụ cười cởi mở. Mới đây nhất, khi Đức Ông Nguyễn Văn Phương - người liên tục có mặt trong phái đoàn Vatican đối thoại với Ủy Ban Tôn Giáo Nhà Nước - chuẩn bị về hưu thì xuất hiện một khuôn mặt mới, trẻ trung, hoạt bát hơn. Đó là Đức Ông Cao Minh Dung. Có người để ý theo dõi và ghi nhận rằng: Nhà Nước tiếp đãi phái đoàn cũng như cá nhân Đức Ông Dung một cách nồng hậu khác thường. Qua cách ứng xử của Đức Ông Dung với Đức Tổng Kiệt trong những ngày qua, có dư luận còn cho rằng CSVN đã "cài" được Đức Ông vào trong guồng máy của Vatican rồi. Dư luận đúng sai tới đâu thì chưa rõ, nhưng xưa nay, những trò tiểu xảo cài gián điệp của Bắc Việt vào guồng máy VNCH vẫn còn làm nhiều người khiếp sợ!

Người ta thấy rõ bầu khí "đối thoại" giữa Vatican và CSVN cùng chung một nhịp với mối quan hệ giữa HĐGMVN và guồng máy cai trị của Hà Nội.

Tưởng cần phải ghi nhận một điểm khá đặc biệt và rất nghịch thường ở đây là Giáo Hoàng vừa là Giáo Chủ Đạo Công Giáo, kế quyền Thánh Phêrô và Đại Diện Đức Kitô trên trần gian này vừa là Quốc Trưởng của quốc gia Vatican, một quốc gia mà diện tích chỉ rộng bằng khuôn viên Dinh Độc Lập của VNCH thôi. Với quyền uy Giáo Hoàng, các ngài có hàng trăm triệu tín đồ trên khắp thế giới và đã ra vạ tuyệt thông cho hàng triệu tín đồ "thiên Cộng". Nhưng với tư cách Quốc Trưởng Vatican, các ngài chỉ có khoảng 800 công dân mang quốc tịch Vatican, nhưng Sứ Thần Toà Thánh hiện diện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cho nên, mặc dầu Fidel Castro đang mang án vạ tuyệt thông mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn đến thăm, bắt tay Fidel Castro, cử hành Thánh Lễ công khai mà không ai phân biệt được ngài đến Cuba trong tư thế Giáo Hoàng hay Quốc Trưởng Vatican. Biết được điểm nghịch thường này, người ta mới hiểu được tại sao Giáo Hoàng có lúc quyết liệt ngoảnh mặt đi, nhất định không nói chuyện với CS, nhưng có lúc lại tay trong tay, niềm nở với Cộng Sản. Hiểu được nét độc đáo này, người ta mới không thắc mắc tại sao trong khi các giáo dân VN đọc câu kinh của cha Trinh Cát: "Xin cho gia đình con thoát ách Cộng Sản vô thần" thì Chủ Tịch Nhà Nước CS và Thủ Tướng CSVN vênh váo bước vào Điện Vatican bắt tay Đức Giáo Hoàng.

VÀI TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ Ở VIỆT NAM

Lệnh của Giáo Hội cấm hợp tác và ca tụng Cộng Sản vẫn còn hiệu lực, nhưng có vài trường hợp cụ thể đã và đang xảy ra tại VN mà nhiều người vẫn đề cập đến, vẫn thắc mắc, vẫn hoang mang, nhưng rồi vấn đề đâu vẫn còn đó, suốt năm này qua năm khác.

Trường hợp thứ nhất: LM Huỳnh Công Minh là người mang thẻ Đảng CSVN và đã có thời là Dân Biểu trong Quốc Hội của Nhà Nước CS. Theo Luật hiện hành của Giáo Hội, ông Linh Mục Cộng Sản này đương nhiên đã bị dứt phép thông công. Mọi người cùng biết, cả nước đều biết, Giáo Hội La Mã cũng biết. Vậy mà ông vẫn thản nhiên cử hành các bí tích công khai như một linh mục bình thường. Điều đáng nói và quan trọng hơn nữa là ông Huỳnh Công Minh còn được ngồi trong chức vụ quan trọng số 2 của Tổng Giáo Phận Saigon, đó là chức Tổng Quản hay còn gọi là Cha Chính Địa Phận. Chức vụ này quyền uy chỉ sau chức Tổng Giám Mục Saigon thôi. Ở các địa phận khác, chức này được thay đổi thường xuyên, nhưng không hiểu sao ông Huỳnh Công Minh ngồi ở chức này từ suốt 35 năm qua. Đã có người hỏi ĐHY Phạm Minh Mẫn về việc này thì Ngài trả lời: "Khi tôi về nhận chức thì đã có cha Huỳnh Công Minh rồi. Có sao tôi cứ để vậy!" Một câu trả lời được đánh giá là rất "huề vốn"!

Trường hợp thứ nhì: LM Phan Khắc Từ. Ông linh mục này mang biệt danh "linh mục hốt rác", vì ông đã nhân danh những công nhân hốt rác xách động biểu tình gây rối chế độ VNCH để làm lợi cho CS Bắc Việt. Chính ông này đã công khai kể công với Đảng CSVN là ông đã dùng nhà thờ để chế bom đánh Mỹ. Ông cũng có thẻ Đảng CS. Ông đã công khai phế bỏ luật Giáo Hội bắt linh mục phải sống độc thân, vì ông đã có vợ, có con. Ông còn tổ chức ăn thôi nôi con linh đình ngay tại Giáo Xứ Vườn Xoài, nơi ông được bổ nhiệm làm Linh Mục Chánh Xứ. Thời gian ông giữ chức Chánh Xứ cũng lâu như ông Huỳnh Công Minh ngồi ở ghế Tổng Quản vậy. Giáo Xứ Vườn Xoài ở ngay Trung Tâm Saigon và cũng thuộc quyền cai quản của ĐHY Phạm Minh Mẫn.

Không biết đến bao giờ những sự thực chung quanh hai ông linh mục CS bị vạ tuyệt thông mới được phanh phui. Chắc chắn sau lưng hai ông phải có cả một thế lực Búa Liềm, khiến Giáo Hội phải nể sợ. Ngoài ra, các nhà thần học của GHCG sau này phải giải thích làm sao cho những giáo dân đã nhận những phép bí tích từ nơi những ông linh mục đã bị án tuyệt thông này? Những bí tích này có thành không? Tại sao thành? Thành ở chỗ nào? Giá trị của bí tích sẽ phải cắt nghĩa thế nào khi giáo dân cứ lãnh nhận từ tay một người mà họ biết là linh mục đã bị đuổi khỏi Giáo Hội và đã có vợ con? Chính những ông linh mục này cũng biết rõ họ không còn phải là linh mục nữa. Và hơn hết, Tổng Giám Mục Saigon là người đã bổ nhiệm một-linh-mục-không-phải-linh-mục về ban bí tích cho giáo dân, có khác nào Tổng GM Saigon đã cho giáo dân ăn bánh mà biết rằng trong bánh có con bọ cạp. Tổng GM Saigon biết, HĐGMVN biết, Giáo Hội La Mã cũng biết. Nhưng tất cả đều im lặng. Thế nghĩa là sao?

CHÚA THÁNH THẦN SOI SÁNG

Có người giải thích rằng: Mọi việc của Giáo Hội đã có Chúa Thánh Thần soi đường chỉ lối. Các Đấng cầm quyền trong Giáo Hội đều nhận ơn Chúa Thánh Thần cách đặc biệt. Hãy cứ vâng lời và tuân phục, vì Chúa đã chọn các ngài thì Chúa dẫn đường cho các ngài. Đặt vấn đề này ra làm
chi?

Tôi cho rằng luận cứ này là mê tín, phản đạo, xúc phạm tới Chúa Thánh Thần. Mọi tín hữu, dù ở phẩm trật nào trong Giáo Hội, kể cả giáo dân, đều lãnh nhận MỘT BÍ TÍCH THÊM SỨC, MỘT ƠN CHÚA THÁNH THẦN NHƯ NHAU. Chúa Thánh Thần soi sáng cho hết mọi thành phần dân Chúa, trong đó có cả thành phần chiếm đại đa số là giáo dân. Đừng ai tưởng nhầm là chỉ có các chức sắc Giáo Hội mới có ơn Chúa Thánh Thần. Chính nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, tăng sức mạnh, mà các nạn nhân tình dục của một số giáo sĩ mới có can đảm đứng lên tố cáo, trong lúc vẫn có những chức sắc cao cấp trong GH lại cố tình bao che. Hành động bao che tội ác này
mà lại dám biện minh rằng có Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì quả là phạm Thánh, là xúc phạm tới Chúa Thánh Thần, là gán cho Thiên Chúa đồng hành với tội ác. Chính nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động nơi các giáo dân mà những mụn ghẻ (tức những giáo sĩ dâm ô) bị trừ khử khỏi Giáo Hội và làm cho bộ mặt Giáo Hội được xinh đẹp trở lại. Chính nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động nơi các giáo dân mà hình ảnh đẹp của các tu sĩ thanh sạch được rạng ngời, chiếu sáng. Chính nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động nơi các nạn nhân của những vụ ấu dâm mà họ vẫn còn vững vàng tin yêu Giáo Hội và trung thành giữ đạo Thánh Chúa. Như vậy, Chúa Thánh Thần tác động ở khắp mọi thành phần dân Chúa, không nhất thiết phải là ở các chức sắc cao cấp trong Giáo Hội.

Đối với Đảng CSVN, Hồ Chí Minh tự xưng là một đảng viên CS. Ông đã theo chỉ thị của Cộng Sản quốc tế để thành lập Đảng CSVN, gây nên biết bao hệ lụy tang thương cho đất nước và dân tộc này. Những người cầm quyền hiện tại đều là đảng viên CS. Do đó, Giáo Hội VN không có lý do gì để bắt tay, hợp tác và duy trì chế độ này. Giáo Hội Ba Lan đã có một Tổng GM Stanislaw Wielgus, được Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI tín nhiệm, bổ về cầm quyền giáo phận lớn vào bậc nhất Balan là Warsaw. Vậy mà cuối cùng Chúa Thánh Thần đã không soi sáng cho Đức Giáo Hoàng nhận ra con người thâm hiểm, lang sói này, mà lại soi sáng cho Ủy Ban Nhân Quyền Ba Lan phát giác ra một tin động trời là TGM Wielgus trước đây đã từng là gián điệp cho cơ quan tình báo CS Ba Lan. Sau đó, Chúa Thánh Thần cũng không soi sáng cho Đức Thánh Cha thu hồi lệnh bổ nhiệm tên điệp viên Cộng Sản này về giữ chức Tổng GM Warsaw, mà lại soi sáng cho chính đương sự biết nhận tội và từ nhiệm!

Hầu như chắc chắn rằng trong tương lai gần đây, khi Đảng CSVN sụp đổ, người ta sẽ khám phá ra nhiều chuyện động trời nơi Hội Đồng GMVN. Thực tế tang thương tới đâu, chưa rõ. Nhưng hiện tại, đã có rất nhiều điềm báo khác thường về những nanh vuốt Satan Cộng Sản đang hoành hành nơi các chức sắc của Giáo Hội VN. Điển hình là hai trường hợp cụ thể khó hiểu nhất vừa nói ở trên là Huỳnh Công Minh và Phan Khắc Từ, rồi đến văn thư "Cờ Đỏ, Cờ Vàng" của ĐHY Phạm Minh Mẫn; những lời tuyên bố mang tính cách lạc quan hồ hởi giữa Đạo và Đảng của ĐC Nguyễn Văn Nhơn; bài viết "Sự kiện, thông tin và những góc nhìn" đăng trên Web chính thức của Hội Đồng GMVN. Có tin nói bài viết đó là của Giám Mục này, của GM kia. Sự thực chỉ có ĐC Nhơn và tác giả thật của nó biết, nhưng điều chắc chắn khi đọc lên thì đúng là tư tưởng, lời lẽ và mạch văn của một đảng viên Đảng Cộng Sản, chứ không phải của một giám mục chính danh. Chưa hết, một Chủ Tịch HĐGM, 73 tuổi, được bổ nhiệm về làm phó với quyền kế vị cho một Giám Mục, 58 tuổi, mà rồi lại được chính Hội Đồng GM đăng lời chúc mừng rầm rộ, y như là một "chiến thắng" lừng lẫy của một trận chiến cam go? Trong khi đó, GH không có gì để chiến thắng mà chỉ đang phải đối đầu với nhiều tang thương. Có chăng là Đảng CSVN đang reo mừng chiến thắng và chúc mừng nhau mà thôi.

Phải chờ cho đến ngày những tín hiệu bất thường này được giải mã và sự thật được phơi bày trước công luận.

Và ngày ấy chỉ đến khi Đảng CSVN và các bộ hạ của nó bị khai tử.

KẾT LUẬN:

Biến cố GM Nguyễn Văn Nhơn về làm Giám Mục Phụ tá, bề ngoài tưởng rằng Đức Tổng Kiệt được tăng quyền, nhưng bên trong, đó là một sự tước quyền. Trong lúc tôi ngồi viết những dòng này thì tại nhà thờ Chánh Toà Hà Nội đang diễn ra một cuộc chuyển quyền mặt ngoài tưởng như êm ái, nhưng mặt trong rất ngột ngạt. Sở dĩ tôi mường tượng nó ngột ngạt, căng thẳng vì chưa bao giờ Ban Tổ Chức một Thánh Lễ tôn giáo lại "yêu cầu giáo dân khi đến dự lễ không nên mang theo bất cứ một thứ gì không phù hợp với thánh lễ mừng Đức Tổng Phó Nguyễn Văn Nhơn". Có phải Ban Tổ Chức sợ giáo dân mang cà chua, trứng thối đến hay sao? Thì ra, các giáo dân hôm nay chỉ được quyền "mừng" mà không có quyền "buồn" hay "phẫn nộ".

Là một tín hữu tin Chúa, tôi phải tâm niệm rằng Giáo Hội không phải là Đức TGM Ngô Quang Kiệt này hay Đức GM Nguyễn Văn Nhơn nọ. Giáo Hội chính là Bàn Thánh mà TGM Ngô Quang Kiệt và GM Nguyễn Văn Nhơn đang đứng bên nhau, cùng dự một Bàn Tiệc, cùng ăn một Bánh Thánh, cùng uống một Chén Thánh, cùng tôn thờ một Thiên Chúa và phục vụ một Giáo Hội.

Thế nhưng, chiếc Bàn Thánh hôm nay hình như có những đệ tử của Karl Marx và Lénin đang thập thò đâu đó, khiến cho chiếc bàn có vết nứt ra làm đôi: Một bên cười rạng rỡ, có pha lời chúc mừng. Một bên buồn ray rứt, có dòng lệ hoen mi.

Những Sắc Luật ra vạ tuyệt thông cho tín hữu thiên Cộng nằm ngổn ngang trước mặt đã làm tôi thực sự hoang mang khi nghĩ về Tổng Giáo Phận Hà Nội giờ này. Đức TGM Ngô Quang Kiệt phải "chống Cộng" tới mức nào để Toà Thánh cho là không đi quá đà và khỏi bị thay thế theo yêu sách của Nhà Nước VN? Còn Đức GM Nguyễn Văn Nhơn phải "giao hảo" với CS tới mức nào mới không bị "đương nhiên" mắc vạ tuyệt thông để có đủ tư cách kế vị Đức TGM Kiệt?

Tôi chỉ còn biết ngửa mặt lên Trời cầu xin Thánh Thần Chúa ngự đến, ban cho tôi một Đức Tin bằng nửa hạt cải thôi, để tôi có được một giấc ngủ yên hàn đêm nay.

San Jose, ngày 6 tháng 5, 2010 (8 giờ tối)
Tiến Sĩ TRẦN AN BÀI
http://saigonecho.com/main/tintuc/74-features/18259-vatuyetthongchocongsan.html

Friday, May 07, 2010

Thư của dân biểu Cao Quang Ánh

Làm dân biểu phải nghe lời dân biểu, phải nói lên được nguyện vọng của
dân. Mời đọc thư trả lời thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn của dân biểu Liên
Bang Hoa Kỳ Cao Quang Ánh.

Tôi đã nhận văn thư của Ông Thứ Trưởng yêu cầu tôi triệu tập buổi gặp
gỡ với phái đoàn của Ông nhằm xoá tan những "ngộ nhận" giữa cộng đồng
người Mỹ gốc Việt và chính phủ Việt Nam. Ở thời điểm này, tôi phải từ
khước.

Tiền đề cho buổi gặp gỡ nhằm giải toả những điều được gọi là "thiếu
thông tin đúng đắn" là tiền đề sai lầm và chắc chắn không phải là khởi
điểm mang tính cách xây dựng cho việc đối thoại. Những người Việt
quyết định đánh đổi mạng sống để rời bỏ quê hương không hề hiểu lầm về
chính phủ Việt Nam. Họ ra đi vì đã không thể sống dưới một chế độ toàn
trị vốn xem thường quyền con người và tự do tôn giáo, và trừng phạt
những công dân can đảm lên tiếng.

Lịch sử của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam hãy còn in sâu trong ký ức
của nhiều người đã đau khổ vì cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu trong
thập niên 1950 và gần đây hơn là chính sách "trại cải tạo". Đó là chưa
nói đến những người bất đồng chính kiến mà chính phủ của Ông tiếp tục
giam cầm vì họ kêu gọi dân chủ và tự do. Người Mỹ gốc Việt đã chọn lựa
không sống trong một đất nước công an trị nơi mà người dân không có
tiếng nói đối với việc điều hành quốc gia. Quả vậy, phần lớn những
người Việt đến đây đã quyết định trở thành công dân Hoa Kỳ chính vì
Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo đảm một cách rõ ràng quyền tự quyết và tự do
thiên phú của mỗi con người.

Tôi, giống như đa số người Mỹ gốc Việt, mong muốn một Việt Nam giàu
mạnh. Chỉ là điều tự nhiên khi người ta có thiện ý đối với quê hương.
Tuy nhiên, tôi tin rằng khi con người được hành xử quyền suy nghĩ cho
chính mình và nói lên những điều mình nghĩ, thì mới bắt đầu có những
phát kiến thực sự và một Việt Nam tự do sẽ càng hùng mạnh và thêm phồn
thịnh. Trong môi trường ấy, nhiều người Mỹ gốc Việt tài giỏi sẽ hăng
hái tìm cách đóng góp để làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia tốt
đẹp hơn.

Có một số bước mà chính phủ Việt Nam có thể thực hiện để đáp ứng những
quan tâm của người Mỹ gốc Việt, bao gồm:

* Trả tự do cho những tù nhân lương tâm như Nguyễn Văn Đài, Vũ Hùng,
Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và nhiều nữa;
* Trả tự do cho những tù nhân đang bị bắt bớ vì những lý do nguỵ tạo,
như tác giả Trần Khải Thanh Thuỷ;
* Ngưng sách nhiễu những nhà vận động cho dân chủ như Ts. Nguyễn Thanh
Giang và Bs. Phạm Hồng Sơn;
* Hoàn trả tài sản cho các tổ chức tôn giáo và cho phép các tôn giáo
thực hành tín ngưỡng của họ;
* Ngưng mọi hành động phá huỷ các biểu tượng và tài sản tôn giáo, và
những hành động lạm dụng về thể xác và tinh thần đối với các tín đồ;
* Trả tự do cho tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc các sắc dân
thiểu số đã từng bị giam cầm trong nhiều năm;
* Hơn nữa, bồi thường cho các nạn nhân trong vụ Daewoosa American
Samoa theo phán quyết của Toà Thượng Thẩm American Samoa đối với chính
phủ của Ông sẽ chứng minh rằng Việt Nam sẽ tuân thủ nguyên tắc pháp
trị.

Đấy là những bước cụ thể và hợp lý. Là người Mỹ gốc Việt độc nhất phục
vụ tại Quốc Hội, tôi nhất thiết yêu cầu chính phủ Việt Nam chứng tỏ
thiện chí giải quyết những vấn
đề quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ khi đó chúng ta mới
có thể bắt đầu tiến trình hàn gắn những vết thương sâu đậm đã chia cắt
chúng ta và có những cuộc đối thoại cởi mở và chân thành trên những
vấn đề trọng yếu về lợi ích chung.

Cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ nhân
quyền và tự do tôn giáo, lời kêu gọi của Ông Thứ Trưởng đến với cộng
đồng người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục không được đón nhận. Tôi trông chờ
hồi âm của Ông.

Nguồn: http://josephcao.house.gov/News/DocumentSingle.aspx?DocumentID=183777

Wednesday, April 28, 2010

NguoiVietBoston: Ngày 30 tháng 4 Đứng Lên Vì Việt Nam

Dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã phải không ngừng chiến đấu để bảo vệ
quyền tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử. Ở đó, mỗi ngọn núi, mỗi
con sông đã mang đầy chứng tích của những cuộc chiến tranh tự vệ khốc
liệt. Tổ tiên chúng ta đã phải trải qua bao nhiêu chịu đựng gian nan
trong suốt nhiều thế kỷ, sáng xuống biển tìm ngọc trai, chiều lên non
tìm ngà voi châu báu.

Nhưng từ những chịu đựng, từ những máu xương và nước mắt, tinh thần
độc lập, tự chủ đã được khai sinh và lớn lên cùng chiều dài lịch sử.
Nếu không nhờ tinh thần độc lập tự chủ đó, ngày nay Việt Nam không
phải là nước Việt Nam mà là tỉnh Việt Nam, như tỉnh Quảng Đông, Quảng
Tây hay đã chịu chung số phận của Mãn Châu, Nội Mông, Tây Tạng.

Với một lãnh hải dài hơn ba ngàn cây số, với một nguồn dự trữ tài
nguyên thiên thiên phong phú, Việt Nam luôn là miếng mồi ngon cho tham
vọng bành trướng của ngoại bang. Họa bắc phương chưa qua, giặt tây
phương đã đến. Trong suốt gần một thế kỷ trong bóng tối thực dân, hàng
vạn đồng bào thuộc nhiều thế hệ Việt Nam đã bị bắt, tra tấn và hy
sinh. Ngoài một Nguyễn An Ninh để lại thịt xương, một Trần Cao Vân,
một Phan Chu Trinh để lại những bài thơ viết bằng máu và mồ hôi trong
những ngày đập đá Côn Luân, còn có hàng ngàn, hàng vạn đồng bào đã
chết trong âm thầm, không để lại họ tên.

Sau khi vừa thoát ra khỏi ách thực dân. Những ngày tháng thanh bình
trên quê hương không được bao lâu, tiếng súng lại nổ vang. Bộ chính
trị đảng Lao Động Viêt Nam, tên đối ngoại của đảng Cộng Sản Việt Nam,
quyết định Cộng Sản hóa miền Nam bằng vũ lực. Từng đoàn thanh niên
miền Bắc lại phải từ giã mái trường, từ giã gia đình thân thuộc, băng
rừng vượt suối vào Nam để hoàn thành giấc mơ nhuộm đỏ toàn cõi Việt
Nam của Hồ Chí Minh và quốc tế Cộng Sản. Chim rừng Trường Sơn bặt
tiếng hót. Màu hỏa châu thay thế ánh trăng vàng. Tiếng đại bác đêm đêm
đã thay cho tiếng ru ngọt ngào của mẹ. Những chiếc bánh vẻ độc lập, tự
do, hạnh phúc lần nữa được trưng bày giữa căn nhà đổ nát và nghèo đói
Việt Nam.

Trong suốt 20 năm từ sau 1954, quân dân miền Nam, không có một con
đường nào khác hơn là phải chiến đấu để bảo vệ quyền được sống trong
một xã hội họ đã chọn lựa, quyền được nói những điều họ nghĩ, quyền
được sống nơi họ muốn sống, quyền đi nhà thờ, đi chùa họ chọn, quyền
được hát bài hát họ thích. Quân dân miền Nam không chỉ phải bảo vệ
miền Nam mà còn phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn để gìn
giữ vùng trời và vùng biển Việt Nam. Hạt cát Hoàng Sa vẫn còn đỏ màu
máu của Ngụy Văn Thà và hàng trăm chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa
đã anh dũng hy sinh.

Việt Nam Cộng Hòa có một quân lực hùng hậu, tinh nhuệ nhất Đông Nam Á
được chứng minh qua những chiến tích lẫy lừng trong việc bảo vệ An
Lộc, tái chiếm Cổ Thành, trấn giữ Bồng Sơn, Thường Đức v.v…Vâng, nhưng
một đạo quân, dù tinh nhuệ bao nhiêu, các tướng lãnh dù tài ba thao
lược bao nhiêu, trong một cuộc chiến chỉ nhằm mục đích tự vệ và kéo
dài quá lâu, cũng không thể thắng một đạo quân xâm lược, cuồng tín và
không từ chối bất cứ một phương tiện gì để đạt được mục đích thôn tính
miền Nam.

Tháng tư đen 1975 đã đến.

Đối với người Việt Tự Do, ngày 30 tháng 4 mang nhiều ý nghĩa. Trên
bình diện lịch sử ngày 30 tháng 4 là một ngày đen. Ngày những chiếc
tăng T54 do Liên-Xô chế tạo nghiền nát đường phố Sài Gòn thân yêu rợp
bóng me xanh. Ngày những chiếc trực thăng cất cánh từ sân thượng của
những cao ốc. Ngày có những tiếng loa phóng thanh ra lịnh các cấp
chính quyền miền Nam tập trung, trình diện vang lên trên đường phố.
Ngày những Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn,
Nguyễn Văn Long và bao nhiêu người con yêu khác của mẹ Việt Nam đã dò
theo bước chân của Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản,
Nguyễn Tri Phương mà lần lượt ra đi.

Và cũng bắt đầu từ đó. Từ những cửa biển Đà Nẵng, Sài Gòn, Vũng Tàu,
Cam Ranh, Nha Trang sau những ngày tháng Tư, mùa bão lửa, năm 1975.
Những chuyến hải hành vô định trên biển Đông trùng trùng gió bão. Đói
khát. Lo âu. Những địa danh xa lạ bỗng trở thành thân thiết, Camp
Pendleton, Leamsing, Palawan, Pulau Bidong, Sungai Besi, Bataan, White
Head, Panat Nikhom, Galang. Ngửa tay cầm chén gạo tình người. Thank
you, merci, danke, gracias. Tuổi hai mươi, ba mươi, và ngay cả năm
mươi, bảy mươi mới bắt đầu tập nói. Những câu tiếng Anh bập bẹ, những
dòng chữ Pháp, Đức, Tây Ban Nha ngập ngừng.

Nhưng từ vực sâu của đau thương chịu đựng đó, dân tộc Việt Nam đã thức
tỉnh và nhận diện ra kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam không phải là
Pháp hay Mỹ, mà chính là giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, những
kẻ chỉ vì tham vọng quyền lực và quyền lợi đã manh tâm bán đứng dân
tộc, làm tôi mọi cho ngoại bang, rước voi về giày lên mảnh giang sơn
gấm vóc Việt Nam mà tổ tiên chúng ta bao đời gìn giữ.

Những que diêm độc lập tự do dân chủ thật sự đã được thắp lên. Thắp
lên ở nhà thờ Vinh Sơn, thắp lên trong nhà giam Phan Đăng Lưu, thắp
lên ở các trại tù Hàm Tân, Suối Máu, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Thanh
Phong, Thanh Hóa, An Điềm.

Tại miền Bắc, những tướng lãnh, những cán bộ cao cấp một thời là trụ
cột trong triều đình Cộng Sản như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Trần Xuân
Bách, những cán bộ lãnh đạo của phong trào Cộng Sản miền Nam như
Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Nguyễn Văn Trấn, dù trễ còn hơn không, đã gióng
lên tiếng nói trước thảm họa đen tối mà dân tộc Việt Nam đang bị chìm
sâu.

Tại miền Nam, các lãnh đạo Phật Giáo, Công Giáo, Hòa Hảo như Đại lão
Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đức Giám Mục Nguyễn Kim Điền, Hòa Thượng
Thích Quảng Độ, cụ Lê Quang Liêm v.v.. đã công khai phản đối nhà cầm
quyền Cộng Sản vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Các phong trào
cách mạng dân tộc nhân bản, bằng nhiều hình thức khác nhau, võ trang
và không võ trang, ôn hòa và cứng rắn, đã bùng nỗ tại nhiều nơi.

Các cấp lãnh đạo trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tuy đã bị tước
đoạt vũ khí, bị đày ải trong các trại tập trung khắp ba miền đất nước
nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu dưới hình thức khác. Ngoại trừ một số rất
nhỏ bị khuất phục, đại đa số, vẫn giữ được nhân cách, khí tiết và niềm
tin vào chính nghĩa tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam. Họ bước ra
khỏi cổng trại tù không phải như những người sống sót mà là những
người chiến thắng.

Tức khắc sau khi được nhận định cư tại Mỹ qua chương trình HO, dù thể
lực đã cạn dần sau nhiều năm bị đầy đọa, những người lính Việt Nam
Cộng Hòa đã cùng với đồng bào đến trước, tiếp tục đấu tranh vì lý
tưởng tự do dân chủ mà bao nhiêu đồng đội của họ đã đổ máu để giữ gìn.
Mặt trận mới không diễn ra bằng súng đạn nhưng bằng sự tiếng nói, bằng
thái độ. Mặt trận mới không diễn ra ở Dakto, Bình Long, Quảng Trị hay
Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn, Thanh Phong, Thanh Hóa, Hàm Tân, Tiên Lãnh,
Suối Máu, An Điềm… mà bằng các phượng tiện truyền thông dân chủ.

Ba mươi lăm năm. Thời gian trôi trên giòng sông đời bất tận. Những mái
tóc xanh nay đã bạc, những khổ đau chồng chất đã vơi đi, nhưng ý thức
dân tộc, khát vọng dân chủ tự do không già đi, không yếu đi theo tuổi
tác mà mỗi ngày đã mạnh hơn, mỗi ngày có thêm nhiều chất liệu trẻ
trung và hy vọng hơn.

Các thế hệ trẻ Việt Nam trong cũng như ngoài nước đã đứng lên đáp lời
sông núi, tiếp tục hành trình của thế hệ cha anh. Hình thức đấu tranh
của thời đại hôm nay có thể khác với hình thức của 35 năm trước,
phương pháp đấu tranh có thể khác với phương pháp của 35 năm trước, vũ
khí đấu tranh có thể cũng khác với vũ khí của 35 năm trước, nhưng mục
đích cuối cùng: tự do, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng cho dân tộc
Việt Nam vẫn không thay đổi.

Việc bỏ tù hàng loạt các trí thức trẻ như luật sư Lê Thị Công Nhân,
luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Quốc Quân, luật sư Lê Chí Quang,
bác sĩ Phạm Hồng Sơn v.v và mới đây như luật sư Lê Công Định, kỹ sư
Trần Huỳnh Duy Thức, kỹ sư Nguyễn Tiến Trung v.v.. chỉ chứng tỏ sự
tuyệt vọng của nhà cầm quyền Cộng Sản, và như chúng ta đang thấy trong
những tuần qua, càng bắt bớ, càng bỏ tù, ngọn lửa yêu nước trong tuổi
trẻ càng bùng cháy cao hơn.

Cuộc vận động dân chủ ngày nay không phải là môi trường chỉ dành riêng
cho những người ly khai khỏi mọi ràng buộc, dâng hiến trọn vẹn cuộc
đời cho lý tưởng tự do dân tộc như cha ông chúng ta đã làm ngày trước
mà diễn ra ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi ngành nghề và mọi người đều có thể
tham gia.

Cuộc tranh đấu ngày nay không bắt đầu từ những trận đánh lớn ngoài mặt
trận như trong thời chiến mà bắt đầu từ công việc nhỏ của mỗi chúng ta
đang làm; không bắt đầu từ cấp cao xuống cấp thấp, từ trung ương đến
địa phương mà bắt đầu từ trong hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình,
thôn xóm, trường học, quận huyện, thành phố và tiến dần đến phạm vi
toàn xã hội.

Mỗi người Việt Nam yêu nước, trong hay ngoài nước, vận dụng mọi điều
kiện thuận lợi của mình, chủ động tạo nên một mặt trận riêng nhưng
nhằm theo đuổi mục tiêu chung là cô lập, bào mòn, tẩy chay và cuối
cùng loại bỏ cơ chế chính trị độc tài, độc đảng, mở đường cho công
cuộc phục hưng toàn diện Việt Nam, giành lại Hoàng Sa, Trường Sa từ
tay Trung Cộng.

Vũ khi mạnh nhất của thời đại hôm nay là Đoàn Kết Dân Tộc. Với sức
mạnh Đoàn Kết Dân Tộc, chúng ta mới có khả năng bảo vệ được chủ quyền
và lãnh thổ Việt Nam. Bằng sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc chúng ta mới có
khả năng vượt lên những hệ lụy quá khứ để hướng vào tương lai tươi
sáng cho đời đời con cháu mai sau. Bằng sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc
chúng ta mới có khả năng phục hồi sự kính trọng Việt Nam trong lân
quốc cũng như trong bang giao quốc tế.

Dân tộc Việt Nam vẫn là một Việt Nam độc lập sau một ngàn năm bắc
thuộc. Dân tộc Việt Nam vẫn là một Việt Nam tự do sau một trăm năm
dưới ách thực dân, dân tộc Việt Nam sẽ chiến thắng Cộng Sản độc tài.
Ngọn lửa vô thần đã tàn lụi trên phần lớn trái đất và sẽ tàn lụi tại
Việt Nam.

Ba mươi lăm năm là một quảng đường dài. Chúng ta đã hơn một lần trể
hẹn với non sông, nhưng không phải vì thế mà không còn cơ hội nào
khác. Cơ hội vẫn còn đó nếu chúng ta biết đoàn kết, thấy được hướng đi
chung của dân tộc và thời đại. Chúng ta có nhiều quá khứ nhưng đất
nước chỉ có một tương lai, đó là tương lai tự do, dân chủ, nhân bản và
khai phóng cho những ai, sau những điêu tàn đổ vỡ, còn biết nhận ra
nhau, còn biết yêu thương mảnh đất thiêng liêng, vinh quang và thống
khổ Việt Nam.

NguoiVietBoston
http://nguoivietboston.com/?p=24012