Wednesday, February 22, 2023

Xuân Vũ - Đường Đi Không Đến – 4 –

Người Đánh Máy: Lê Thy

– 4 –

Những người nằm rải rác chung quanh tôi im lìm. Vài tiếng khua ga-men, vài tiếng ho húng hắng, không ai nói chuyện vói ai, tôi cũng không muốn tìm hiểu họ. Rồi tôi lại thiếp đi trong cơn mê sảng khác.

Khi tôi bừng mắt ra lần thứ hai thì tôi không còn trông thấy ai chung quanh tôi nữa. Đột nhiên tôi nhớ tới Thu, nhớ một cách ghê gớm mà tôi không ngờ tới. Khi có Thu ở bên cạnh tôi không chú ý gì cả, đôi khi còn cau có và bực mình vì sự rên siết bất mãn của Thu, tưởng chừng như không có Thu bên cạnh tôi thì sung sướng lắm. Chẳng dè vắng Thu thì tôi thấy thiếu thốn quá đổi. Nhưng vì không thể đi đâu để tìm Thu và cũng không còn sức há mồm ra mà gọi một tiếng to.

Bỗng nghe có tiếng xì xào ở ngay đầu võng của tôi. Tôi cố lấy hết sự sáng suốt để xem ai đang nói chuyện.

Một người nói:

– Trạm mình đâu có thuốc gì ngoài kí-nin. Đây là cái ải địa đầu do đại tướng Đòn Xóc và Thương Hàn chống giữ mà lại! Ai qua ải mà không khỏi nộp thuế chứ?

Một người khác chép miệng:

– Chịp! Bỏ thì thương mà vương thì tội .. cho mình. Mình lo cho mình còn không nỗi mà định cõng khiêng ai?

– Cái trạm mình là cái trạm "ó đâm". Cứ lâu lâu lại phải chôn một cái xác vô thừa nhận.

Hình như có một người hút thuốc cho nên tôi nghe vài câu lại ngưng một chốc. Câu chuyện lại tiếp:

– Mới cách vài hôm đây mình khiêng thằng y sĩ ăn vỏ khoai mì chết thì hôm nay lại có thằng này.

– Thằng này là thằng nào? – người kia hỏi.

– Thằng nằm trên võng đây chớ còn thằng nào nữa? Thằng này chắc chết quá! Tôi sờ trán nó lúc nãy thấy nó sốt ít nhất là 40 độ, mê man nói sảng cái gì lung tung.

– Ở đàng kia cũng có một thằng nằm liệt, không ai cơm cháo hết. Đoàn điếc gì mà bỏ đồng đội vậy!

– Thằng này có một con nhỏ ở lại nuôi.

– Nuôi cái con khỉ! Con nhỏ văn công trặc chân ở lại đó. Mầy có nuôi rước về mà nuôi! Mẹ kiếp, ở giữa chốn này mà được một con như vậy mày hỉ? Chịp! Chịp!

Hai đứa nó cười hô hố với nhau một chập rồi lại tiếp tục:

– Thằng này chắc ác tính quá!

– Không hiểu tại sao ở đây hễ sốt là hết phân nửa bị ác tính.

– Chịp! Không biết gia đình nó ở đâu.

Rồi thôi, im bặt. Chúng nó biến mất, bỏ tôi nằm lại một mình với câu chuyện của chúng còn vang lên trong tâm trí tôi.

Tôi bình tĩnh vô cùng, bình tĩnh tới mức độ tôi không còn hiểu tại sao tôi lại bình tĩnh đến thế nữa. Bình tĩnh để mà đối chiếu cái bản thân của mình với sự nhận xét của hai thằng kia. Tôi biết tôi chưa chết, khó chết nhưng tình trạng rất nguy kịch. Tôi cũng không muốn nói điều đó cho Thu biết. Để chứng minh một cách hùng hồn là tôi không thể nào chết được và để cho Thu không cảm thấy tôi đã trở thành gánh nặng cho Thu, tôi đưa tay nắm mép võng và cố cất mình lên. Tôi đã ngồi dậy được.

Một cách nặng nhọc, tôi giăng hai tay ra nắm hai đầu võng, cái võng lắc lư làm cho tôi thấy vùng đất trước mặt tôi cũng nghiêng ngữa. Tôi nhắm mắt lại để định thần và cố giữ thăng bằng trên chiếc võng.

Đấy, tôi có làm sao đâu. Tôi vẫn ngồi võng chơi đây, mắt tôi vẫn nhìn chung quanh mọi người và cảnh vật. Đầu óc tôi còn phản ảnh mọi hoạt động bên ngoài. A ha! như vậy là tôi không có việc gì cả. Đồ láo! Tôi đâm ra ghét cay ghét đắng hai thằng vô loại vừa rồi. Chúng chỉ ném ra mấy câu vô trách nhiệm chơi rồi bỏ đi không hề quan tâm đến một kẻ mà chúng cho rằng chắc chết.

Trên rừng này người ta sống chung với những giống vật bốn chân, có lẽ vì thế người ta cũng mất đi quá nhiều nhân tính.

Tôi muốn chứng minh một mức cao hơn nữa rằng tôi không thể chết. Tôi từ từ thò một cái chân xuống đất đặt bàn chân vào chiếc dép đã bị nhiều lá vàng và bùn đất phủ lên. Tôi nhìn theo bàn chân tôi theo cái cử động đó. Tôi nhìn rõ bàn chân, nó nối liền với ống chân tôi bởi cái cổ chân, trên cái cổ chân là ống chân rồi đầu gối, rồi bắp đùi. Tất cả những bộ phận đó được gắn liền vào người tôi bằng cả một hệ thống máu thịt, đúng là cái chân tôi. Vậy bàn chân vừa đặt trên chiếc dép đây cũng là bàn chân của chính tôi chứ đâu phải là bàn chân nào khác. Vậy mà trời ơi, tôi cứ nghĩ là bàn chân của ai chứ không phải là bàn chân của tôi.

ó không giống bàn chân của tôi hôm qua tí nào. Nó gầy khô, nó vừa xanh vừa vàng. Nó đúng là bàn chân của người chết. Nhất là khi tôi đặt bàn chân xuống chiếc dép thì nó không truyền lấy một tí cảm giác nào lên óc tôi.

Tôi vụt nghĩ: tôi đang chết, bắt đầu từ bàn chân?

Và để chứng minh rằng sự thật không phải như vậy tôi lại thọt nốt bàn chân kia vào dép. Quả thật, tôi không có sự hiểu biết gì qua sự đụng chạm của bàn chân vào dép.

Bực mình, tôi đứng phắt dậy để đi, để đi thật nhanh, để đi lại lều của Thu và để làm mọi việc khác với hai bàn chân, hai bàn tay của tôi. Hai cái bàn chân tôi đâu có nghe theo ý muốn của tôi. Chúng cứ cứng đờ ra như cặp chân gỗ, tôi đã ngã quỵ xuống ngay bên võng nhu một cái áo rũ.

Mồm tôi lẩm nhẩm như lời trối trăn sau cùng:

– Đ.m. chúng nó!

Tất cả mọi hệ thống thần kinh tôi đều tê liệt hoàn toàn, nhưng trí óc của tôi hãy còn một đốm ánh sáng bằng đầu cây kim để tôi ý thức rõ rệt rằng tôi nói câu đó – không một tí gì vì mê sảng và bây giờ đây dù cảnh rừng núi đối với tôi đã lùi về dĩ vãng quá xa vời, nhưng tôi vẫn còn nghe lại câu đó với nét mặt của một kẻ hấp hối của tôi lúc bấy giờ.

Tôi biết rằng tôi đang tha thiết muốn sống, mong ước được sống. Tôi sợ tất cả những gì gợi cho tôi cái chết, nhất là cái gì làm cho tôi nhớ tới những cái chết mà tôi trông thấy trên đường này. Ấy vậy mà có những người lại muốn chết, lại tự hủy hoại thân thể họ một cách hết sức tàn nhẫn và ý thức hẳn hoi.

Tôi đã chứng kiến một việc như vậy ở trạm vừa qua.

Số là hôm đó đường dây bị kẹt, khách không đi được cho nên anh giao liên đưa cả đoàn vào một cái khe suối để cho chúng tôi tạm trú.

hiều người thuộc địa dư bảo rằng đây là vùng Ba Na, Ba Ná gì đó, mà cũng không biết đúng hay không đúng. Chỉ biết rằng hằng trăm con người bị nhét vào trong một cái khe suối mà hai bờ suối dốc đứng lên, cây cối rậm rì, không thể nào cư trú được. Cho nên người ta chỉ treo võng ven bờ suối. Nội cái chuyện đại tiện không thôi cũng gây thành hằng trăm vụ cãi nhau hàng ngày. Rồi thì chuyện tát suối bắt cá, chuyện lấy súng bắn cá, chuyện đàn bà con gái tắm rửa, giặt quần áo trên dòng… Sự phức tạp xà ngầu không kể xiết.

Trong cái bối cảnh như vậy thì tôi lại gặp một anh thanh niên chán đời đến mức độ kinh khủng. Ban đầu tôi cũng không rõ chàng ta đang sống trong tâm trạng đó.

Anh ta nằm trên một phiến đá to bằng mặt bàn, chung quanh cắm những cành cây đã héo. Bên cạnh anh ta là một khẩu AK mà nòng súng đã rỉ sét vàng oách. Người và của trông có vẻ xa lạ như không hề có một sự liên quan mật thiết nào với nhau. Tôi vừa đi qua khỏi anh ta, thì có người gọi tôi tới và nói ngay:

– Đồng chí có tài gì, giác ngộ dùm anh ấy với!

– Giác ngộ gì? – Tôi hỏi.

Anh bạn nói với tôi:

– Đồng chí vừa trông thấy cái anh chàng nằm trên phiến đá đó phải không? Anh ta đang tự tử đấy!

Tôi hỏi:

– Tự tử gì? Nằm ngủ ngon lành như thế mà?

Anh bạn lại giải thích tiếp:

– Không rõ anh ta ở đơn vị nào, mà khi tôi vô đây đã trông thấy anh ta nằm ở đấy rồi. Anh ta đã đổi hết tất cả mùng, chăn, vải bạt, dép.. tất cả cái gì đổi được anh ta đều đem ra đổi lấy thức ăn. Không tin đồng chí lại xem cái ba-lô của anh ta xem. Không còn món gì trong đó. Vừa rồi có người kể lại cho tôi nghe rằng anh ta vô xóm người thiểu số ở chung với họ cả tháng trời. Chỉ có cây súng không đổi được nên mới còn đó thôi. Anh ta tự vận bằng cách cứ ngủ trần như vậy cho muỗi đòn xóc cắn cho sốt rét.

Tôi rùng mình. Trời đất! Tự tử thiếu chi cách mà chơi cái trò đó. Thiệt là anh chàng này quá bất công với cái thể xác của chàng ta.

Cho muỗi đòn xóc cắn thì sẽ sốt rét. Đó là điều không thể khác đi được. Ở trong cái khe suối này, không khí dày đặc thán khí như trong một cái hang hoang chưa ai đến. Đá xám xịt, cũng có vẻ mục ra như gỗ mục. Đây là cái ổ sốt rét và thương hàn. Có người vừa sốt vừa bị thương hàn một lúc. Chỉ cần vài chú đòn xóc chui vào màn là mình đủ rước lấy cơn sốt rồi. Bây giờ nhắc lại chuyện muỗi đòn xóc chích, tôi hãy còn rùng mình.

Anh bạn không quen bảo tôi:

– Đồng chí, tôi coi đồng chí có vẻ chính trị lắm. Đồng chí hãy đến tìm lời khuyên dứt cho anh kia bỏ bớt cái tư tưởng bi quan đi. Đến đây đã được một phần đường rồi, hãy ráng chút nữa. Nếu không chịu đi thì xin dừng lại nghỉ, tội gì lại đày đọa tấm thân cha sanh mẹ đẻ của mình?

Tôi đã từng thấy những bộ xương rủ trong hốc núi, những cái xác nằm nguyên trên võng có mắc màn, kiến bu đen hai con mắt nhưng chưa thấy anh chàng nào tìm cái chết kỳ lạ như vậy. Nghe anh bạn nói xong tôi bèn quay trở lại, đến ngay bên phiến đá, tôi ngồi ngay bên con người kỳ cục kia.

Tôi mở đầu bằng câu nói xã giao:

– Này! Anh bạn người Hà Nội phải không? Xa Hà Nội từ tháng nào? Tôi cũng người Hà Nội đây! Dậy nói chuyện chơi.

ghe có người đến quấy rầy, anh thanh niên mở mắt ra một cách nặng nhọc và nhìn tôi, nhưng chỉ nhìn tôi một thoáng rồi nhắm lại ngay dường như sự có mặt của tôi bên cạnh anh ta là thừa, là vô lý.

Tôi nắm chân anh ta và lắc mạnh:

– Dậy chơi mà! Đi, dậy chơi! Ban ngày mà ngủ, sốt chết!

Anh thanh niên buộc lòng phải ngồi dậy. Đầu tóc ủ rủ, mặt mũi hốc hác. Anh ta khẽ lắc đầu, tỏ vẻ chán nản đến cực độ.

Tôi vào đề ngay:

– Tôi đã nghe anh em chung quanh đây kể về anh rõ ràng. Tôi cũng vô Nam chiến đấu như anh, cho nên tôi xin khuyên anh không nên làm như thế, thiệt thân mà còn ảnh hưởng xấu cho đơn vị.

Anh thanh niên vẫn không nhìn tôi và lại lắc đầu. Tôi lại cố thuyết phục anh ta với niềm tin rằng lời lẽ hay ho của mình sẽ dựng anh thanh niên trở đậy, sống như mọi người. Tôi triết lý cuộc sống, lấy kinh nghiệm bản thân, lấy thực tế trên đường dây và lấy cả lý tưởng cao đẹp của thanh niên ra mà tương vào tai anh thanh niên. Tôi nói rất dài, rất là dài. Có thể mất cả tiếng đồng hồ.

Thấy anh ta ngồi lặng thinh, tôi cho rằng anh thanh niên đã thấm bài. Mà thật, đang ngồi lặng lẽ như tượng đá, bỗng anh ta đứng phắt dậy xốc ba-lô lên vai và cầm lấy súng.

Tôi nói tiếp một cách hăng hái:

– Tôi có quen trong trạm, nếu anh có mất hết đồ đạc thì tôi đưa anh vô đó, người ta sẽ cấp lớp mới cho anh. Rồi thì anh trở về đơn vị với anh em.

ói xong, tôi lôi tay anh thanh niên cùng đi.

Tự nãy giờ anh thanh niên không nói một tiếng nào. Dọc đường tôi vẫn thuyết phục anh ta bằng đủ thứ lý luận. Nom anh cũng có vẻ xiêu lòng.

Khi hai đứa tôi đi qua mặt những người nằm bên bờ suối thì ai nấy đều nhìn tôi với những cặp mắt thán phục. Tôi vô cùng sung sướng vì đã làm được một việc không ai làm nổi. Tôi thấy đau đớn thật sự. Vì sao anh thanh niên này đi tìm cái chết vô lý?

Đến chỗ rẽ, tôi bảo:

– Anh đi theo con đường này độ 30 phút sẽ đến trạm. Anh trình bày hoàn cảnh của anh rồi sẽ được cấp phát. Nhé! Anh nên nghe lời tôi.

Anh thanh niên cũng không nói rằng mà cứ lầm lủi đi theo ngã tôi chỉ. Tôi đứng nhìn theo. Thật là thối cả ruột gan. Cái ba-lô lép kẹp dán sát vào lưng anh ta, cái hộp lon treo ở phía sau bằng một sợi dây kẽm, có lẽ anh dùng để nấu cơm, cứ mỗi bước đi của anh, nó lại đập vào ba-lô đánh cạch một tiếng làm như một thứ nhạc điệu mỉa mai.

Độ nửa giờ sau, khi xong việc tôi trở lại, đi ngang qua đường cũ thì mọi người cười rần lên. Tôi dừng lại và nói một cách tự hào:

– Đó! Các đồng chí có thấy không? Tôi dựng anh ta dậy rồi đó!

– Ừ! Đồng chí công tác chính trị tài thật!

– Từ Hà Nội vô Vĩnh Linh anh ta nhảy tàu 3 lần, đều bị bắt lại hết đó.

Mỗi người nói một câu, nhưng nụ cười của họ có vẻ bí hiểm trêu chọc chứ không tán thưởng việc làm của tôi vừa qua.

Quả thật, khi tôi trở lại phiến đá, thì hỡi ôi, giữa những cành cây khô héo một thân hình héo khô không kém nằm dài đểnh ra đấy với tất cả sự chán chường, bất chấp những cặp mắt của người qua kẻ lại.

Tôi hơi giận, tôi ngồi xuống và nói:

– Tôi đã bảo, sao anh không nghe lời tôi vậy hả anh bạn?

Anh thanh niên lập tức ngồi dậy và nói năng sốt sắn chứ không đến nỗi tệ như lúc nãy. Anh ta nói với tôi những lời tâm sự của một người bạn:

– Tôi thú thật với anh là tôi rất cám ơn anh. Tôi biết anh rất thương tôi. Nhưng tôi đã quyết định rồi, tôi quyết định hy sinh tôi. Tôi biết làm như vậy là bậy bạ, nhưng tôi không muốn cái gì hết, ngoài cái chết. Tôi muốn xem cái chết từ từ đến với tôi, vuốt ve tôi hoặc nhai tôi ngấu nghiến. Tôi bây giờ là một tế bào chết của cuộc cách mạng này. Anh có xem phim "Tiểu Thư Mary" của Liên Xô không? Pê-sô-rin xem cái chết như một sự tất nhiên "như một cổ xe song mã đến rước mình sau buổi dạ hội chán ngán…" Ở đây tôi cũng muốn một sự gì giống giống như vậy…

Anh thanh niên nói tiếp:

– Tôi xin lỗi anh vì lúc nãy tôi đã lừa anh. Tôi nói thật, tất cả những lời anh nói với tôi, lúc đầu tôi đã đều nghĩ tới cả, nhưng tôi ngấy lắm rồi cho nên, để màng tai tôi khỏi bị những lời nói như hòn sỏi rơi vào làm nhức nhối, tôi vờ nghe nghe lời anh, một là cho anh vui lòng, hai là tôi khỏi phải nghe theo.

Tôi không còn nói thêm câu gì nữa. Tôi đành chịu thua trước sự quyết định quá vững chắc của anh thanh niên. Đúng là hết chỗ nói.

Từ đó về sau tôi không gặp lại anh thanh niên đó nữa.

(xem tiếp tại đây)

Đánh máy: Lê Thy

Fw: Đường Đi Không Đến – 3 –

24/10/2009 — Người Đánh Máy: Lê Thy

– 3-

Không hiểu bằng cách nào mà tôi đã theo kịp đoàn tôi trong chiều hôm đó, cố nhiên là tôi đến sau tất cả mọi người. Tôi nghĩ, nếu người ta mà biết được tôi đã cố gắng đến mức độ nào để tới đây thì họ sẽ thưởng cho tôi cái mề-đay bự nhất. Bây giờ viết lại cái ý nghĩ có vẻ mỉa mai này của tôi trên giấy tờ, tôi hãy còn lợm giọng khi nghĩ đến cái vinh quang mà người ta đã dành cho tôi trước khi tôi cất bước lên đường.

Cơn sốt rét đã lắng xuống nhưng sự mệt nhọc thì vọt lên cao độ.

Ai cũng lo công việc của mình, không còn thời giờ để mừng đón tôi, mà cũng lạ thật, tôi đã vất bỏ đi cái thói xấu công thần một cách dễ dàng. Đến nơi, tôi chỉ mong mắc võng và nằm, yên chí rằng trong đêm nay mình không cô độc giữa rừng.

Phần lớn anh chị em đang bận rộn bào chế các món ăn bằng khoai mì, những mẩu khoai mì vụng mà họ đã phải đi trên một tiếng đồng hồ để mót lấy, trên ruộng rẫy mà bộ đội đã nhổ trụi những khẩu phần của họ rồi.

Bây giờ thì thiên hạ bận rộn như ngày có giỗ. Kẻ thì tìm một phiến đá để đập và nghiến mì ra thành bột rồi nặn thành từng bánh đem nướng trên lửa than. Kẻ thì dồn vào trong ống nứa non đem đốt như kiểu người thiểu số nấu cơm nếp giữ nguyên hương nguyên chất. Hoặc kẻ thì vì không đủ sức làm hay vì tính giản dị, cứ đem luộc và ăn ngay.

Lâm đến mắc võng gần bên tôi và hỏi:

– Muốn ăn cái gì tớ làm cho?

Tôi trỏ tay dưới đít võng. Lâm nhìn theo và ngạc nhiên kêu lên khi thấy một củ mì quá ngon lành nằm trườn trườn trên mặt đất.

Tôi nói:

– Cậu muốn làm gì thì làm tùy thích!

Tính Lâm tỉ mỉ và hay vẽ vời. Lâm say sưa nhìn củ mì, cầm nó lên và vuốt ve mà nói:

– Ta nấu chè, chén một bữa đi bạn!

Tôi gắt:

– Làm sao đủ đường mà nấu?

– Mình còn!

– Úy trời đất!

– Ừa, thiệt mà! – Lâm tiếp – Hồi trước khi đi mình có mua thêm 250 gờ-ram. Đó là nhờ thằng bạn cho phiếu mình mua cả tháng của nó. Chớ không thì phải chạy đi mua cái phiếu đó giá cũng em em giá của 250 gờ-ram đường.

Tôi nghe đến chè thì nước miếng nước mồm tuôn ra không kịp nuốt. Thời buổi này giữa Trường Sơn còn 250 gờ-ram đường, không khéo bị "ăn cướp" đánh nhà chớ phải chơi đâu. Nhưng tôi lại lắc đầu:

– Đừng có phí như vậy cậu ạ! Nhỡ có ốm thì lấy gì!

– Thì cậu ốm rồi đấy, còn chờ chừng nào nữa? Hay là mình đâm nhuyễn ra vò viên nấu canh nêm mì chính (tức bột ngọt) rồi ăn cơm cùng với mắm ruốc!

Nói xong Lâm xem như đó là quyết định cuối cùng và sáng suốt nhất. Lâm hăm hở soạn bếp núc của Lâm, vừa hí hoáy vừa hỏi thăm tôi hoặc vừa pha trò để dò xem phản ứng của tôi mà đoán sức khoẻ của tôi.

Còn tôi thì cố gắng ghếch đầu lên mép võng mà trả lời câu được câu chăng với Lâm. Lâm là thằng bạn rất tốt đối với tôi. Chúng tôi quen nhau từ thuở bé, và Ông Trời cứ bắt hai đứa phải gần nhau luôn, không mấy khi xa nhau. Vì thế, gây gỗ, đụng chạm, cự nự nhiều hơn bất cứ đối với ai. Có lần giận nhau hằng năm, nhưng đó là sự hờn giận của những người yêu – tan rồi hợp, hợp rồi tan, và cuối cùng lần này hai đứa lại đi chung trên con đường mà sự vinh quang chúng tôi phải chia nhau gánh đội đến oằn cả vai, còng cả lưng, tối cả mặt mày.

Lâm vừa thổi lửa vừa nói:

– Mình nghĩ thương cô Oanh quá cậu ạ!

Tôi lặng thinh nhưng Lâm không cần sự đáp lại của tôi ở đây. Tôi đã biết thừa cái chuyện của cô Oanh cũng như chuyện của bao nhiêu cô khác. Nhưng Lâm yêu nhất cái tình nghĩa cô Oanh nên vướng bận mãi cho đến ngày ra đi.

– Tao mà còn ở lại năm nay ngoài đó thì nhất định tao lấy con Oanh, không có cách gì khác. Con gái Bắc ngoan, dễ yêu; con gái Nam hồn nhiên, chân thật. Đằng nào cũng hay cả! Ấy chết, con Thu nó có ngồi gần đây thì nó nghe.. nó yêu mình mất.

– À, được rồi. Mai họp đoàn em báo cáo anh phá hoại đoàn kết Nam Bắc nhé! – Thu đang ngồi o bế cái chân đau, vọt miệng đáp ngay.

– Ừ, cứ báo mạnh vào! Cái chân sưng mủ kia kìa không lo mà đắp, mà vặt, mà xoa bóp đi… à mà em có cần anh bóp không nào?

– Cậu bóp thì có mà sưng to thêm! – Một người nhạy miệng đáp, làm tiếng cười nổi lên họa theo.

Một người khác lại nói xen vào to hơn:

– Nào, nhà nữ múa sĩ Ngọc Thu có đồng ý cho võ sĩ Lâm bóp…không?

Anh bạn kéo dài tiếng "bóp" làm cho tiếng cười lúc nãy lại phát lên, chỗ thì rúc rích, chỗ thì sằng sặc. Có người đang ăn phun cả cơm ra ngoài.

– Không bóp thì cũng sưng rồi mà. – Một giọng lè nhè của một ông cụ – Bây giờ coi chừng nó chảy.. nước … trắng nước vàng ra đó!

– Nó sưng lâu quá rồi mà, để nguyên nó cũng chảy!

Câu chuyện pha trò cứ kéo dài mãi, nhưng không làm cho tôi hứng thú chút nào. Tôi loáng thoáng nghe tiếng cười, nhưng đầu óc tôi mơ đến những chuyện khác thiết thực hơn.

Tôi mơ ước có trước mặt tôi có một cái quán bán các thứ dưa chuối, chè đậu, bánh dày, bánh giò rất mất vệ sinh với những đàn ruồi xanh như những đàn phi cơ làm xao động cả buổi trưa.

Làm gì nhiều thế? Tôi chỉ cần một bà lão bán chè xanh dưới một gốc cây bã đậu rợp mát với những cái chén sứt mẽ vằn vện những cốt trà cũ, với những cái tủ kính nhỏ đầy ghét cáu và vỡ nát, bên trong có đựng những chiếc bánh chè lam có rắc một ít đậu phộng và mè rất cứng, mà bình thường ở ngoài đó không bao giờ tôi nghĩ tới việc phải để mắt tới.

Hay tôi lại thèm một ít nước béo cho vào tô phở , chỉ một ít thôi cũng đủ. Tôi như ngửi thấy mùi hương của những bát phở gà với những miếng mỡ mà tôi ưa thích nhất. Những con gà vàng ngậy kinh người treo trong những lồng kính. Tôi thèm tất cả, mơ tất cả những gì có thể cho vào mồm để mà nhai. Đời giản dị chỉ có thế thôi.

Biết bao ý nghĩ trước kia tôi không hề có nhưng một cơn sốt đổ xuống tôi, mang đến cùng với sức nóng và sức rét của nó, bao nhiêu là siêu vi trùng trong tư tưởng. Những ước mơ tôi mang nặng hôm qua bây giờ hoàn toàn phủi sạch.

Nằm ở đây giữa Trường Sơn này với một cơn sốt dài lê thê hàng chục cây sô đường rừng, tôi chỉ còn nghĩ tới một điều cụ thể nhất là cái gì để cho vào mồm và nuốt được.

Tôi chỉ cần một khẩu phần cơm cơ quan ba hào chẳng hạn với cục bột mì sừn sựt với bát ngô sền sệt một thỏi cá tanh rình bằng ngón tay và vài cọng rau muống dai nhách tua tủa những gốc rễ.

Thiên đường ở đâu? Thiên đường của người chiến sĩ vượt Trường Sơn là cái khẩu phần đó đó.

Ba lon gạo tối hậu dành để chống càn buộc thắt ngang trong ruột tượng cũng đã cạn rồi. Có người lượm gạo mục ở dọc đường của ai nứt ruột tượng đổ ra và giũ ruột tượng của mình lấy nốt những hạt gạo còn sót, cho tất cả vào canh cho có mùi gạo tí ti, húp cho cứng gối.

Phiền lòng quá, tủi thân quá!

Đây là chặn đường Kontum có lẽ. Tôi có cái bản đồ con con có hình nước ta nhưng nó bé nhỏ quá, nó chỉ chiếm hết lòng bàn tay tôi thôi, cho nên những địa danh của nó cũng không được ghi đầy đủ. Và không có địa bàn, không có làng, có xứ thổ dân nào, tôi làm sao biết được tôi đang ở cách xa những người tôi vừa chia tay là bao xa và những người tôi sắp được bắt tay là bao xa. Chỉ biết rằng tôi đang đón nhận cái phần thưởng đầu tiên cấp trên gửi tặng tôi là cơn sốt vừa qua cùng với một nồi cháo mì của một thằng bạn khổ – không có cái gì hơn là tấm lòng để giúp tôi.

Bừng mắt ra, tôi thấy rừng vây quanh tôi. Hoàn toàn xa lạ. Cái cảm giác đầu tiên của tôi là tôi đang lọt tõm giữa mênh mông. Và tôi sắp tan ra trong cái mênh mông đó.

Tôi phải mất ít nhất là vài giây để hiểu những sự việc vừa qua kể từ khi Thu chống cái gậy lê chân đi từng bước biến dần trước mắt tôi. Cái hình ảnh đầu tiên tôi nhớ ngay về buổi trưa hôm qua là cái hình ảnh của Thu.

Vì chung quanh tôi không có ai hết cả ngoài Thu.

Nhưng, thế thôi cũng đủ. Hình như Trời còn ngó lại cho tôi. Trời không muốn tôi quá cô đơn giữa cái rừng sâu nầy. Nhưng tôi chỉ hưởng được cái giây phút êm đềm đó trong một thoáng thôi rồi lại rơi vào cái khổ triền miên, cái khổ đeo đẳng, dằng dặc chặt không đứt, bứt không rời của Trường Sơn: đó là cái đi, cái đứng, cái ăn, cái ngủ, cái bệnh, cái tức, cái giận, cái thương, cái ghét … thực là một trăm thứ cái, mà cái nào cũng kỳ cục, khác thường, nó xoi, nó mói, nó cạo, nó gọt tâm tủy con người.

Giữa chúng tôi, hai đứa còn sót lại sau đoàn đây, một đứa Nam, một đứa Bắc, đứa đàn ông, đứa đàn bà, một đứa bệnh, một đứa tật, khác nhau cả, nhưng có điều giống nhau quá là đứa này sầu, đứa nọ cũng rầu.

Thu ngồi quay lưng ra tôi cho nên tôi thức mà Thu không biết. Những đốm nắng vàng vọt rời trên những phiến đá ẩm ướt rêu mốc mà hơi người không làm ấm lại nổi. Tóc Thu hồi còn ở Hà Nội tôi nhớ là đẹp lắm mà. Tóc con gái là đẹp lắm rồi, dù màu vàng hoe hay màu đen huyền, dù kẹp ngang vai hay uốn xoăn cũng đẹp, nhưng hôm nay thì tóc Thu không đẹp nữa rồi. Mắt tôi đâu còn tinh anh để nhìn tóc nàng?

Thu có đôi chân tuyệt đẹp của một diễn viên múa mà tôi chưa từng trông thấy ở bất cứ ai. Tôi thấy Thu là tôi đã nhìn đôi gót chân để mong có thể nhìn lên cao hơn ống chân, cao hơn tí nữa, như có lần tôi đã thấy gần trọn vẹn bộ đùi của Thu khi Thu xăn quần lội qua con suối.

Bây giờ đây đâu phải là tôi quên rằng tôi đã có một dịp hay ho như vậy, đâu phải tôi quên rằng người con gái ngồi trước mặt tôi đó đã có một cặp chân tuyệt mỹ! Nhưng tôi không buồn nghĩ đến cặp chân ấy nữa.

Người ta không còn thì giờ, đúng ra là không còn tâm hồn nào để nhìn cái đẹp nữa. Tôi còn phải dành trí khôn để ước lượng xem phải uống bao nhiêu kí-nin nữa để cắt cơn sốt, xem nếu tôi đi thì có đi nổi không, xem cây gậy của tôi có nặng so với sức lực của tôi bây giờ không, nhất là làm thế nào để cùng với cái cô diễn viên múa kia đuổi kịp theo đoàn v.v.. và v.v…

Và nếu tâm trí tôi có bắt buộc phải nghĩ tới đôi chân đẹp đó chăng đi nữa thì đôi mắt tôi, chúng cũng từ chối.

Chỉ sau vài hôm đi trên đường Trường Sơn thì mắt tôi bắt đầu không thấy núi đẹp như trong thơ nữa. Núi ôm ấp mây, núi quàng khăn tuyết … tất cả những nét đó hình như vô lý. Mắt tôi cứ hau háu như mắt cú vọ để tìm kiếm một cái đọt bứa, một cái mục chuối rừng còn sót lại hay một cái quai dép, một mẩu ni-lông của ai làm rớt dọc đường. Mắt tôi hễ mở ra thì bắt đầu nhìn những hòn đá chơm chởm gập ghềnh chỗ thấp chỗ cao, nhìn những bộ mặt vàng nẫu, những cặp chân cà tong cà teo run run khiêng pháo lên dốc.

Tất cả những gì đẹp đẽ cũng không cần thiết, đúng ra cũng không cần có ở đây.

Và dù là cái đẹp đó là cái riêng của tôi đi nữa, tôi cũng không cần. Tôi không cần nó, tôi không khát nó, tôi không thèm nó. Tôi cần, tôi khát, tôi thèm cái khác: ăn! Ăn cái gì thì ăn, nhưng núi đẹp và cặp chân vũ nữ tuyệt vời kia thì không thay cho món ăn được.

Hình như ánh mặt tôi gọi Thu cho nên Thu quay lại. Tôi không tỏ vẻ ngạc nhiên về sự ở lại của hai đứa và cũng không có vẻ vui mừng vì chỉ có hai đứa ở lại mà thôi.

Thu cố nhấc cái chân què đi tới ngồi phệt xuống bên võng của tôi và thở dài:

– Đoàn đi cả rồi anh!

Tôi nhìn Thu không đáp.

– Khổ quá đi mất!

Tôi cũng không đáp.

– Không biết rồi phải làm sao?

Sự lặng im vẫn kéo dài.

Tôi ngạc nhiên về sự sắt đá của tôi trước những câu than thở đồng cảnh ngộ của một cô gái. Tôi biết tôi phải nén lòng vì nếu tôi nói ra thì tôi sẽ nói những lời không đúng đắn về lập trường, về tình nghĩa, về sự có lý hay vô lý. Nếu tôi nói ra một câu thì những tiếng đầu tiên phải là những tiếng không có văn hoa, văn hoá.

Nhưng chửi ai, văng tục với ai?

– Anh hết sốt chưa? Thu hỏi.

– Qua cơn rồi em ạ!

– Không biết rồi ngày mai em ra sao, anh nhỉ?

– Thu chưa bao giờ bị sốt nên đâu hiểu sốt là thế nào!

Thu ngồi lặng thinh. Bây giờ thì chỉ còn có hai đứa, hai đứa bé mồ côi, khát sữa bú tay.

Một chốc Thu mới nói lại nguyên văn câu nói lúc nãy:

– Đoàn đã đi hết rồi anh ạ!

– Anh biết rồi.

Rồi hai đứa lặng thinh.

Tôi cố mở hai mí mắt nặng nề dày cộm của thằng sốt rét ra mà liếc nhìn chung quanh. Cảnh tượng thật là áo não, buồn thảm, bi đát, đau thương. Tất cả những chữ na ná như thế trong ngôn ngữ Việt Nam gom lại cũng không đủ tả cái cảnh chung quanh tôi lúc bấy giờ.

Những cái cọc hôm qua kín những võng và những tăng, những màn, những cái giàn nhỏ đầy những ba-lô, khăn túi, những cái bếp thì khói lửa tuy phải che đậy từng tí nhưng vẫn ấm áp tươi vui với ánh lửa và hương củi lửa. Tôi nghĩ rằng chỉ có những người đi rừng biền biệt xóm làng như chúng tôi mới hiểu nổi giá trị của lửa.

Hôm qua là cả một không khí hoạt động bánh trái vui nhộn, nhưng hôm nay đây, họ đã đi, mang theo họ cả khung trời. Chưa một lần nào tôi thấy vừa cô đơn vừa buồn tủi như hôm nay.

Thu đưa cho tôi hai mẩu giấy. Tôi không đọc ngay nhưng tôi biết đó là của anh đoàn phó và của Lâm – của Lâm, mảnh giấy tó hơn…

Chung quanh tôi mấy cái võng mắc tòng teng mà dưới mắt giao liên là những cái của nợ, vì những người này thường hay mò vào trạm của họ để căn nhắn, xin xỏ hoặc ỳ ra không chịu đi, tệ hơn nữa có những người nằm ngủ luôn không dậy, họ phải khiêng đi chôn cho khỏi thối trạm, có lẽ đó cũng là những người bị rơi rớt trên đường mà đoàn họ gửi lại núi rừng thiêng này – cũng như lũ chúng tôi đây.

Tôi nhìn xuống cái ga-men của tôi ngay đầu võng. Tôi không buồn nhặt nó lên. Vì cái kỷ niệm chiều hôm qua còn hơi ấm giữa tôi và Lâm sẽ làm cho tôi khổ hơn. Cái bánh làm bằng khoai mì, canh mì nêm bột ngọt… tất cả mâm cổ mà Lâm làm hôm qua, tôi không có thụ hưởng một tí gì. Cái củ mì to tướng của tôi vẫn còn nguyên đó. Vậy là Lâm chỉ dùng mì lượm mót của mình mà thôi. Đó là một nghĩa cử mà tôi phải ghi nhớ. Trên con đường này người ta chơi xấu với nhau từng chút một, nhất là miếng ăn. Miếng ăn là miếng tồi tàn! Lâm đã để lại cho tôi một tí đường trong số 250 gờ-ram của anh ta đang mang theo từ Hà Nội. Tôi không giỡ nắp ga-men ra, nhưng tôi vẫn trông thấy những hạt đường lấp lánh tình bạn. Lâm tốt đến thế đối với tôi vậy mà Lâm vẫn bỏ tôi mà đi với đoàn.

Bất giác tôi đưa mảnh giấy của Lâm lên mắt.

"Mình đi nhé! Thế nào cũng "nằm" lại ở vài trạm trước. Cậu sẽ bắt kịp. Đừng buồn nhé!"

Tôi buông mảnh giấy trên ngực tôi. Tôi nghe nước mắt ứa ra và từ từ trào ra tràn xuống má! Tôi biết Lâm cũng buồn, nhưng tôi hiểu nó lắm. Nó cũng không muốn bỏ tôi mà đi nhưng nó phải đi, và cơn sốt của nó (mà tôi đã thấy trước) bắt nó phải chờ tôi. Rồi lại tới phiên tôi phải bỏ nó mà đi và phải viết những lời như nó viết cho tôi hôm nay.

Thật tình tôi không thấy đói, không thấy buồn, không thấy cái gì cả. Tôi đã hoàn toàn biến thành một khối xương thịt vô tri. Tôi muốn nằm yên rồi chết… nếu không có tiếng the thé của Thu gọi tôi:

– Anh có ăn cháo không em nấu?

Trời ơi! Cái gương mặt của Thu bây giờ sao xấu đau xấu đớn thế? Bây giờ tôi trông thấy mà giật mình, không hiểu tại sao Thu đã xấu ra, hay tròng mắt tôi bị méo mó vì cơn sốt? Đằng nào thì cũng đáng buồn cả.

Tôi giụi mắt nhìn lại. Thực tình Thu xấu đi nhiều quá. Đôi mắt sâu và đôi môi tái nhợt cũng đủ làm cho vẻ đẹp của Thu mất hết sự lộng lẫy ngày xưa rồi. Mà có xưa gì cho lắm? Mới hơn một tháng đây thôi. Hồi ở nhà trường ai cũng ve vãn tán tỉnh nàng. Còn bây giờ người ta xa lánh vì đàn bà ở đây không dùng được vào việc gì cả, ngay như sắc đẹp là cái món ngon lành nhưng ở đâu chứ ở đây thì cũng vô dụng nốt. Mà cũng may, cái đó không còn có ở đây.

Tôi đáp:

– Anh cũng đang đói, từ trưa hôm qua tới giờ đâu có cái gì vô bụng.

Thu soạn cái ga-men của tôi ra. Quả thật Lâm đã để lại cho tôi một nhúm đường cát. Đây là lần thứ hai tôi nhận của Lâm thức ăn. Lần thứ nhất, lúc đó đi được hơn mươi ngày. Anh chị em còn sức. Một hôm trạm mời đoàn vào múa hát phục vụ cho giao liên, không rõ anh chị em được tặng món gì mà khi tan cuộc, Lâm rỉ tai tôi: "Chốc nữa tớ cho cậu món ăn đặc biệt"… Chiều hôm đó khi tôi sắp ăn cơm, Lâm đến gần bên tôi và thừa lúc không ai chú ý, Lâm xộc tay vào túi quần nắm ra một nắm rồi chúm lại rót xuống bàn tay tôi đang xoè ra để nhận lấy.

Tôi chú ý xem là cái gì. Đó chỉ là những hạt đậu phộng rang với muối. Chỉ có dăm hạt thôi vậy mà Lâm phải rót đến hai lần. Lần thứ nhất ba hạt, rồi chắc Lâm cảm thấy còn ít quá, Lâm lại hở mấy ngón tay ra vừa vặn cho hai hạt nữa rơì xuống. Thế cũng đã nhiều, trên đường này.

Mấy hôm sau đổi được mấy trái chuối rừng (giống như chuối hột trong Nam, nhưng trái chuối đầy hột chát ngầm không nuốt được) tôi cũng tuyên bố với Lâm: "Tớ sẽ cho cậu một món đặc biệt". Đợi cho ai nấy đều ngủ hết tôi mới mò sang võng Lâm và dúi vào ngực Lâm một trái chuối rừng.

Bây giờ Lâm cho tôi mấy muỗng đường cát. Chỉ vậy thôi mà nước mắt tôi ứa ra, tôi không chùi kịp.

Thu nhúm lửa với mấy mụn củi nứa đêm qua Lâm còn bỏ lại và hơ mớ cháo khoai mì đủ âm ấm rồi sớt ra cái nắp ga-men trao cho tôi.

Thu nói:

– Bỏ vào một ít đường cho ngọt để ăn anh nhé, chắc anh đắng miệng lắm.

Tôi nâng chiếc nắp ga-men lên, ngửi mùi khói bốc từ mớ cháo, tôi biết rằng trong đó đã có đường rồi. Tôi kê miệng húp một miếng. Quả thật, cháo ngọt. Tôi muốn nuốt vào nhưng không hiểu vì sao, như bên trong như có một cái gì đang tràn ra, đẩy ngụm cháo phọt ra ngoài, tủa ra đầy đất.

Thu vội vã đỡ lấy nắp ga-men và kêu lên:

– Sao vậy anh? Ơ kìa?

Tôi khoác tay ý bảo không có chuyện gì đâu đừng cuống lên. Tôi biết sức khoẻ của tôi mất đi gần hết sau cơn sốt dồn dập khởi đầu từ ban trưa, ngưng một chập rồi lại sốt suốt đêm. Cho nên lúc sáng, đoàn cuốn tăng võng ra đi tôi hãy còn mê man, anh em từ giã tôi không hay biết gì hết.

Tôi định ngồi hẳn dậy, nhưng cái xương sống của tôi cứng đơ cứng ngắt như một khúc xương liền không có khớp. Nhưng tôi quyết không chịu thua, tôi nghếch đầu lên mép võng và lần này đến phiên cái cổ của tôi không giữ được cái đầu tôi nữa. Tôi gục hẳn xuống, mắt tôi nhìn mặt đất xoay vần. Tôi nôn, nhưng trong bụng tôi không có gì để mà nôn!

Thu vội vã ôm đầu tôi đặt vào võng. Bất giác tôi gào lên:

– Đ.m. chúng nó!

Quả tình tôi không thể im lặng lâu hơn được nữa. Đó là kết quả sự đè nén lâu ngày, kết quả của lòng tin bắt buộc.

Tôi thấy ân hận vì đã bôn ba hơn ba mươi ngày để đến đây, trên quãng đường không có cột số, cũng không có tất cả những gì cần thiết tối thiểu cho người đi đường. Nằm giữa chốn đây không có một tấc sắt trong tay, lấy gì bảo vệ thân sống chống lại cọp hùm rắn rít, chống lại những tên "bê quay" đã trở thành thổ phỉ còn hung ác tàn nhẫn hơn cả bọn phỉ mà người ta thường nguyền rủa. (Chữ "bê quay" này chốc nữa thì tôi sẽ giải thích, dẫn chứng với hằng trăm sự việc ly kỳ.)

Cha mẹ tôi sinh tôi ra cho tôi theo cách mạng chín năm chống Pháp rồi cho tôi đi ra Bắc để xây dựng lực lượng đặng trở về Nam thống nhất đất nước với lòng tin tưởng vô biên, có ngờ đâu tôi được đối xử như thế này? Tôi không còn nghĩ đến cái điều vinh quang mà người ta gắn cho tôi lúc tôi sắp ra đi – cái vinh quang chói lọi tưởng chừng bằng tất cả sự vinh quang của dân tộc ta trong thế kỷ đau thương này góp lại – nhưng lạy Chúa, con lạy Đức Mẹ nhân lành, nếu có thể, con xin quỳ gối mà trả lại tất cả cho người đã ban phát cho con, hoặc con xin lấy nó ra làm hiện vật để đánh đổi một sự nhỏ hơn nó gấp vạn lần, đó là tránh cho con cơn sốt sắp tới đây mà con cảm thấy nó đang lù lù đi tới.

Bây giờ tôi mới biết sốt rét rừng, mới hiểu tại sao người Pháp có đồn điền cao su trên rừng luôn luôn bao lưới tất cả các cửa ra vào, tôi hiểu rồi, hiểu rồi, hiểu bằng chính sự chịu đựng của thân xác tôi.

Trời ơi! sốt gì mà sốt vậy! Chỉ một cơn sốt thôi mà tôi cảm thấy tôi không còn cái gì nguyên vẹn trong người cả, từ lá phổi buồng tim, bộ óc cho đến những khớp xương, làn da và đến từng lỗ chân lông một. Tất cả đều hở ra, ọc ạch, xiêu vẹo.

Trời đất ơi! sốt gì mà sốt thế! Chỉ một cơn sốt thôi tôi đã nhìn trời ra màu xám ngoẹt. Từ vui đến buồn, từ buồn đến bi lụy. Tôi bây giờ đang gục xuống dưới cái lưỡi búa bi lụy của chính mình. Tôi chỉ còn nghĩ một điều: hận.

Tại sao người ta ném một cán bộ hai mươi năm chiến đấu, mười lăm tuổi đảng vào khu rừng này mà không cho một bước rút lui phòng thủ, không cho một thứ vũ khí trong tay? Con người là vốn quí nhất, Lê Nin hay Mác đã nói vậy, và Đảng Lao Động cũng lập lại câu đó bất cứ ở đâu.

Thì vỡ lẽ ra ở trên con đường Trường Sơn này cái vốn đó được đem ra xài với sự trân trọng nhất. Như hiện giờ nầy đây, như cái thằng tôi hiện giờ đang nằm đây này!

Mờ mờ trước mắt tôi, Thu vẫn ngồi ủ rủ, không rõ Thu nghĩ gì. Tội nghiệp! Cô nàng chắc hẳn là nhớ Hà Nội lắm. Gái Hà Nội mà! Xa Hà Hội một ngày đã thấy mất đi một tí gì trong người rồi, một tí duyên dáng, một tí lẳng lơ, một cái ý thơ mộng trữ tình do phong cảnh, do sinh khí, do cái đất ngàn năm văn vật gây nên, hiến dâng và thấm vào mà không người con gái Hà Nội nào không có, và không một người con gái nào có.

Thu như con cá nước ngọt bị ném ra biển.

Tôi không nhìn cũng biết cái chân Thu như thế nào rồi. Cái chân ngọc ngà, xoay bật như lò xo trên sân khấu phẳng như mặt hồ Gươm và mịn như nhung. Thu hãnh diện vì cái đẹp của đôi chân, cái tài ba của chúng nhưng bây giờ đây Thu lại nhìn nó như một tai vạ vô cùng. Đây! Thu cũng chính là cái "vốn quí" được sử dụng vô cùng trân trọng đấy!

(xem tiếp tại đây)

Đánh máy: Lê Thy

Saturday, February 18, 2023

Xuân Vũ - Đường Đi Không Đến – 2

– 2-


Bỗng nhiên tôi có cái mặc cảm: mình cũng nằm lại đây, lấy tấm đế cối này làm mộ bia.


Một người đi ngang qua trước mặt tôi, ném một câu cụt ngủn:


– Sốt à?


Tôi khẽ gật đầu, mà hình như tôi chỉ ngồi im, không đáp lại. Tôi nghe cách phát âm thì tôi biết đó là người Nam Bộ. Tôi thấy hơi đỡ khổ, bớt cô đơn, tôi hơi tỉnh lại. Tôi hỏi vói theo:


– Đồng chí ở tỉnh nào?


– Bến Tre – Anh bạn quay lại đáp.


– Tôi ở Mỹ Tho


Tôi trả lời vào một câu không phải là câu hỏi. Tưởng đó là một hòn đá ném xuống vực thẳm không nghe tiếng đáp lại chẳng ngờ lại có âm vang:


– À, có Mỹ Tho đi tới kia kìa.- nói xong anh chàng bước lùi lại và vẫy tay kêu to: – Ê, ê!… có đồng hương đây mau lên – rồi lại hỏi tôi:


– Anh về Ông Cụ phải không?


Tôi gật. Anh bạn lạ mặt kia – một cán bộ quân đội – vỗ đùi kêu to:


– Sướng quá trời đất ơi!


Anh bộ đội nói tiếp:


– Thằng bạn của tôi kia nó ở Mỹ Tho. Mười mấy năm nay nó chưa gửi được một lá thư về gia đình cũng không nhận được một lá thư nào của gia đình. Vợ con nó không biết ra sao. Nghe nói hình như ả đã lấy chồng rồi. Nó buồn lắm, cố nhiên, vợ đi lấy chồng vui sao được nhưng buồn một nỗi nữa là cái tin không biết có đúng vậy không. Nếu rõ vậy thì nó ở ngoài nầy kiếm vợ chẳng khó khăn gì nhưng nếu không phải vậy thì tội nghiệp cho người đàn bà. Người ta chờ đợi thủy chung té ra mình quất ngựa chuối đi mất, khổ quá!


Anh bạn mới quen nói tía lia, vừa nói, vừa bình luận, vừa cười và sầu não với tôi như với một người quen cũ. Anh khoa tay:


– Anh ngồi đây để tôi chạy đi kêu. Nó đang nướng mì ăn đằng kia kìa.


Rồi anh ta chạy phốc đi, một chốc trở lại với một người bạn mới. Anh ta vừa thở vừa nói:


– Nó là Chính Trị Viên tên Thành, còn tôi Đại Đội Phó cũng xin tự giới thiệu luôn. Tôi tên Cu bí danh Tư Ớt vì lúc nào ăn cơm cũng phải có ớt. Anh em còn cho tôi cái tên nữa là Cu Ớt Hiểm- Anh ta nói tự nhiên không có vẻ gì xấu hổ vì cái tên không văn hoa của anh, rồi anh ta vỗ vai tôi và tiếp – Còn đây là anh bạn sốt người Mỹ Tho đang trên đường "về nước"


Thành hỏi tôi ngay:


– Mỹ Tho mà quận nào anh?


– Cái Bè – Tôi đáp.


– Tôi ở châu thành gần bến bắc Rạch Miễu. Anh biết bến bắc Rạch Miễu không?


– Có chớ! Tôi có qua lại vài lần.


Tôi bỗng nhiên thấy tỉnh hẳn lại. Những cái tên đất, tên làng của quê hương không có gì tất cả. Đó là những cái tên bình thường, quá bình thường đi nữa là đằng khác. Nhưng đó là tất cả.


Nhưng ở đây, những bộ mặt xanh nanh vàng, những cặp môi tím ngắt thốt ra những cái tên ấy, run run như da thịt người chạm phải làn điện nhẹ, nó run lên, những âm thanh ấy, như những tiếng đàn bất tuyệt ngân lên và lay động đến tận những nơi sâu xa nhất trong lòng.


Tư Ớt Hiểm cảm thấy bơ vơ khi thấy tôi và Thành không nhắc đến y. Có lẽ vậy! Cho nên y xen vô, tự giới thiệu:


– Còn tôi ở Bến Tre, quận Giồng Trôm, anh có biết không? Từ Mỹ Tho xuống Bến Tre đâu có mấy cây số. Qua bắc Rạch Miểu thế là tới "Bến Tre quốc" rồi!


Tôi đáp:


– Hồi 9 năm tôi có tới đó. Tôi sống ở Bến Tre cũng lâu lắm. Tôi biết rất nhiều. Có phải Giồng Trôm của anh có những làng Tân Hào, Thạnh Phú Đôn, Cái Mít không?


– Phải! Phải nhưng Cái Mít không phải là làng mà chỉ là tên chợ thôi. Chợ Cái Mít nhưng làng Thạnh Phú Đông! Hồi đó tôi ở bên Tân Hương thường chèo xuồng qua Thạnh Phú Đông. Hai cái vàm Tân Hương và Cái Mít gần ngang nhau. Sông Hàm Luông rộng lắm nhưng nó có rất nhiều cồn. Tôi không nhớ hết. Mà không biết mấy chục năm nay cù lão cũ có bồi ra thêm không . Còn cù lao mới chắc mọc lên bít cả con sông Hàm Luông nối liền chợ Tân Hương và chợ Cái Mít nữa là khác.


Đôi mắt Tư Ớt mơ màng ngó mông lên đầu núi, dường như ở sau rặng núi hiểm trở này là quê hương anh, dòng sông đó, cồn đất đó. Tư Ớt nói liên miên, không để ý đến sự chú ý của những người chung quanh nữa.


– Bây giờ mà cho tôi đi về thì tôi đi một mạch tới ngay. Đây đó có bao xa mà về không được, gần hai chục năm rồi. Ở nhà, cha mẹ chết hết mình cũng không hay!


Tôi nhìn cái khuôn mặt buồn bã và vàng sậm của Tư Ớt mà đau xót. Tôi biết y hoạt động rừng núi đã lâu ngày rồi. Nước da của anh xấu quá. Tôi thương Tư Ớt vô cùng, một tình thương bất ngờ, đột biến, sôi lên.


Tôi hỏi:


– Anh không về à?


– Không được về chớ không phải không về đồng chí ạ!


– Tại sao không được?


– Vì người ta không cho.


– Nhưng tại sao không cho mới được chứ ?


– Tại vì người ta nói Đảng Bác chưa cần, tôi ở đây đã 4 năm rồi.


Tôi ngã ngữa ra. Vậy ra có những người như Tư Ớt, cứ ở đây mãi không được về xứ.


– Mình phải đấu tranh chứ!- tôi gắt.


– Đấu thế chó nào được, không đấu thì còn "lon" còn "gáo" mà mang. Đấu thì đi Hỏa Lò và lon gáo rụng hết. Quân đội mà, anh có hiểu không? Anh không nghe nói vụ Thiếu Tá Phan Thanh Nhàn, người Bến Tre, ở Hà Nội à? Cũng vì hăng hái đấu tranh cho quyền lợi anh em đó mà đi tù. Gần chục năm nay rồi. Vợ ở ngoài đi lấy chồng. Anh em có thương tình cũng chẳng dám đi thăm, sợ liên lụy. Đó, kết quả của sự đấu tranh là thế đó .


Tư Ớt thở dài thườn thượt làm cho tôi có cảm giác là y chán chường mọi sự đời đến mức cùng cực, kể cả cái nhiệm vụ thiêng liêng mà anh được giao cho trên đường dây này.


Thành chờ đợi cái chấm câu của Tư Ớt tự nãy giờ. Thành nói:


– Thôi được rồi cha nội! Để cái cồn lá cồn lạp của anh qua một bên đi, để cho tôi nói chuyện với anh bạn một chút.


Thành ngồi xuống bên tôi xòe bàn tay vàng ngoách như vừa nhúng trong nước kí-nin ra và nói:


– Tôi sẽ viết cấp tốc một bức thư với 10 chữ thôi, không nặng đâu đồng chí ạ. Tôi biết các đồng chí đi đến đây là kiệt sứt rồi, một sợi tóc cũng làm nặng thêm một kí-lô. Đồng chí ạ, đồng chí có về tới Mỹ Tho và có dịp đi ngang qua xã Đạo Thạnh thì hỏi dùm tên ông già tôi.. Ờ..ờ… tôi sẽ ghi trong thư kỹ lưỡng, rồi đưa dùm cái thơ nhé. May ra gia đình tôi nhận được thư mà biết tin tôi còn sống. Còn nếu không tìm được thì thôi chẳng quan trọng gì. Đời tôi coi như bài cào bù trất rồi, may ra còn kiếm được hai ba nút, vậy thôi!


Rồi Thành lấy chiếc võng quấn tròn như đòn bánh tét đeo trên lưng và tháo ra buộc vào hai cái cây bên đường rồi dìu tôi lên nằm:


– Nghỉ khỏe đi, bây giờ mới 12 giờ 5 phút thôi, còn sớm chán! Mà đoàn của đồng chí đâu?


– Đi trước rồi!


Thành hơi ngần ngại:


– Vậy làm sao đồng chí theo kịp?


Tôi nói dối để cho Thành yên tâm mà không nói tía lia nữa. Tôi không muốn nói cũng không muốn nghe. Tôi nằm, cơ thể hoàn toàn ngơi nghỉ. Tay chân buông thỏng. Tôi có cảm giác là tất cả những bộ phận trong người tôi không còn ăn khớp với nhau nữa.


Tư Ớt đưa tay sờ trán tôi:


– Cỡ 39, 40 độ!


Tôi bắt đầu run lên. Sốt xong đến rét. Người ta gọi sốt rét mà lại! Cái rét có hình tượng. Nó như con vật có hằng vạn bàn chân li ti chạy từ trong máu, trong tủy tôi toả ra khắp châu thân. Tôi biết rằng đó là cuộc tấn công của những toán vi trùng vào những khối hồng huyết cầu theo như lời bác sĩ giảng, nhưng tôi không tin như vậy. Tôi cứ tưởng như tôi bị nhúng nước lạnh, mà cũng không phải nữa, bởi vì giữa trưa nắng mà đắp chăn vẫn cứ run. Hai tay ôm ngực, hai chân co lên sát bụng, hai hàm răng nghiến chặt, càng co càng rút thì càng run, răng càng đánh bò cạp.


Hai mắt lại nóng bừng như hai hòn lửa và không trông thấy rõ nét một vật gì. Tôi chúi đầu vào mép võng như chỗ tựa để chống lại cơn sốt đang hoành hành.


Tôi nghe loáng thoáng bên tai:


– Tôi nghiệp! Chắc đồng chí mới sốt lần đầu phải không? Ở đây là như vậy đó. Tụi tôi coi sốt như cơm bữa, "phi sốt rét bất thành giải phóng" mà! Kí-nin uống như trẻ cơm nguội có ăn thua gì. Nhiều khi mình sốt mà giống như là giả bộ vậy, đang ngồi chơi bỗng run lên, đang đi bỗng rã rời tay chân mắc võng không kịp mà nằm. Hì, hì.. trong người tụi tôi bây giờ vi trùng sốt rét hàng tá bắt nấu canh chua không hết.


Tôi còn nghe ngòi bút của Thành chạy sột soạt trên mặt giấy, một chốc lại nghe Thành kêu lên gay gắt:


– Nghẹt ngòi rồi! Bực quá! Có bút đó không Ớt?


– Không! Lâu rồi đâu có viết cái gì mà bút với mực.


– Mẹ!…Hồng Hà làm giống in Parker 91 mà dở ẹc. Ngòi viết có hơn tháng đã toè mẹ nó ra rồi.


– Ai bảo mua rồi la?


– Thấy có đứa bảo tốt lắm, nó mua đem về cho bạn bè Miền Nam.


– Ờ, vậy cũng tốt, nó được cái tinh thần.


– Tinh thần gì?


– Tinh thần tự túc tự cường. Ta làm ra ta xài chẳng hơn mua cây bút "Anh Hùng" của Trung Quốc à?


– Chà, chà! Nổi lập trường lên rồi đó hả?


– Khì..khì! Thôi viết đi, hết cơn sốt ông bạn đồng hương lại chỗi dậy đi mất bây giờ!


Thành đập đập mép võng hỏi tôi:


– Đỡ chưa đồng chí? Tôi viết thư rồi đấy! – Thành vừa nói vừa xếp lá thư nhỏ lại bằng một ngón tay và nói – Chỉ có bây lớn đây thôi, không có nặng gì đâu! Coi như nó là miếng giẻ rách vá cái áo cho đồng chí vậy thôi. Tôi cũng biết các đồng chí nặng lắm rồi, nhưng đây là vấn đề tình cảm của mình, tôi không bao giờ quên ơn đồng chí.


Rồi thao thao bất tuyệt, Thành nói:


– Tôi đi bộ đội hồi năm 1947 lận đấy đồng chí ạ! Đánh trận nào ở Mỹ Tho mà không có tôi, cả cái trận đánh với tụi Lê Dương mặt gạch ở Gò Công cũng có tôi. Trận đó hai bên đều hết đạn, đập nhau bằng súng và ôm vật nhau! Cái bọn Lê Dương mặt gạch cái mặt đen thui mà gạch ngang gạch dọc như mặt thớt vậy, cái đầu thì tóc quăn xoắn lại và cặp môi đen sì như cặp đỉa trâu bằng bắp tay nằm ngang. Gớm, trông thấy mà rợn người. Tụi nó đánh gan lắm! Chết bao nhiêu cũng không sợ, cứ nhào vô ào ào ngay họng đại liên, trung liên. Đồng chí có biết Phan Thanh Nhàn không? Nhàn Râu đó! Ông ta đấu tranh với bộ Tổng bị tù đó, ai cũng biết. Ban đầu tôi ở tiểu đoàn của Nhàn Râu, rồi sau này tôi sang Trung Đoàn Đồng Tháp đi lung tung càng ngày xa không về xứ được. Cuộc cách mạng của mình kỳ cục quá. Mới ban đầu mình tưởng chừng vài tháng thì xong, vài tháng không xong, rồi lại đến vài năm. Mới đầu tưởng ra khỏi làng thôi, ai dè đi lên tỉnh rồi đi lên miền, rồi ra Bắc cho tới bây giờ nghĩ tới ngày về mà vô cùng ngao ngán. – Thành nói chậm hẳn lại – Bây giờ thì bọn tôi không còn có ngày về. Vì thế cho nên tôi mới nóng lòng mà gửi bức thư này vậy. Nếu đồng chí có về ngay xã tôi, đến bến đò An Thạnh thì xin hỏi tên ông Hai Trí, đó là Ông già tôi và đưa thư này dùm tôi, tôi cám ơn lắm.


Cái thằng Nam Bộ ít hay nói tiếng cám ơn lắm. Nó cám ơn tự trong lòng, nó nhớ ơn và đợi lúc trả ơn. Ở đây Thành nói cám ơn là chuyện không thường rồi.


Tôi cầm lấy bức thư, đúng ra là mẩu giấy con không có vẻ trang trọng gì hết, nhưng trong đó gói trọn cả một trái tim, một nỗi niềm.


Anh ta khóc chăng? Tôi trông thấy anh ta quay mặt đi, người chính trịnh viên, thằng Thành con Bác Hai Trí ở Mỹ Tho! Có lẽ anh ta đau lắm khi nói những câu trên với giọng run ngập ngừng. Bỗng nhiên Thành quay lại, cố gắng nói giọng bình thường:


– Thôi, chúc đồng chí đi cho tới nơi. Độ hai tháng nữa là cùng, sẽ gặp lại ông già bà già cho ổng bả mừng. Còn tụi tôi thì… – Thành nghẹn ngào nhưng cố nói cho trọn câu – còn tụi tôi thì kể như bỏ xác nơi rừng Lào này đi!


Gương mặt tròn trịa của Thành trông thương hại quá. Đôi má phính không phải vì béo mà vì sỉn, run run theo những tiếng nghẹn ngào của Thành, hai hàng nước mắt của người chính trị viên quê ở Mỹ Tho chảy xuống chầm chậm và càng lúc càng nhiều. Thành vụt đưa mu bàn tay quệt ngang và tiếp:


– Thôi, tạm biệt nhé!


Tôi ấm ức thay cho Thành, cho Tư Ớt và cho tất cả những người miền Nam không được về quê. Tôi hỏi:


– Nhưng các đồng chí sao không được về chứ?


Tư Ớt rất uất và sự uất ức đó dường đã được khơi dậy. Tư Ớt nói:


– Họ bắt chúng tôi cứ ở lẩn quẩn trên con đường chết tiệt nầy xích ra xích vô, lết tới lết lui, thấy các anh em "về nước" mà tủi thân vô cùng. Trước đây tụi mình đâu có muốn đi mà vẫn phải đi, bây giờ mình muốn về thì lại cũng không được về. Không biết cách mạng Lào trở thành căn đày kiếp đọa gì cho lũ Miền Nam tập kết này, và không biết tới bao giờ mới dứt?


Tôi cố đứng dậy khỏi chiếc võng vì tôi đã biết câu chuyện sắp kết thúc.


Đứng dậy xong tôi phải vịn cái cây ở đầu võng, rồi một cách may rủi, tôi chụp lấy cây gậy của tôi lúc nãy không biết ai đã dựng sẵn đó cho tôi và tôi chống gậy lảo đảo đi lại ngồi phệt lên cái đế cối lúc nãy. Bây giờ thì tới phiên Tư Ớt tâm sự, trong lúc Thành bước lại cuốn cái võng. Tư Ớt nói với cái giọng khàn khàn có lẽ vì khát?


– Tôi nhớ từng gốc cây anh ạ! Ở gần nhà tôi có cái gốc cây gọi là cây Quéo, từ ngã ba đi vô độ hơn hai chục cây số. Đi xa ngó về vẫn trông thấy ngọn của nó vượt hẳn lên những rặng vườn. Tôi đi bộ đội được vài năm thì nghe nói bà con ở nhà đã hạ nó xuống để không còn chuẩn cho máy bay bỏ bom nữa. Nghe nói đốn nó phiền phức lắm vì nó là loại cây to bóng mát mà, có Bà ngự, hạ nó xuống đâu phải là chuyện chơi! Thầy pháp phải cúng, phải cầu, bà con phải đốt nhang khấn vái dữ lắm… Dù tôi đã biết người ta hạ cái cây Quéo xuống hơn hai mươi năm nay nhưng mỗi khi nhớ nhà, nhìn những chân vườn xa trước mắt thì tôi lại cứ thấy nó đứng sừng sững trước mặt tôi, trong tâm tư tôi.


Ở đàng kia có một tốp binh sĩ vừa lố dạng. Thành ngoắc ngoắc:


– Đem lại đây, tôi tặng cho ông bạn đồng hương một củ.


Tôi nhìn đoàn người đang khuân vác lôi thôi lếch thếch đi về phía tôi. Miệng tôi đắng như lúc nãy tôi nuốt còn sót một viên kí-nin trong cổ họng tôi, tôi cứ khạc nhổ mãi mà không hết đắng. Bây giờ tôi nghe cái củ của ông bạn đồng hương sắp cho, tôi không biết là củ gì. Củ khoai, củ mì, củ chụp …củ gì cũng ăn được. Vậy là được lắm rồi. Ở giữa chốn này dễ gì ai nhận mang cho ai cái gì, dễ gì ai cho ai món gì ăn được, vậy mà tôi nhận mang cho Thành cả một lá thư. Có lẽ vì vậy mà Thành cho tôi cả một củ…


Một anh bộ đội mặc áo cổ vuông ướt đẫm mồ hôi ở phía trước ngực lẫn sau lưng, gánh một sọt khoai mì, củ nào củ ấy to bằng bắp đùi người lớn (chưa vượt Trường Sơn!). Tôi hết sức ngạc nhiên. Không hiểu sao ở xứ này lại có thứ mì to của đến thế, một người chỉ vác nổi một củ mà thôi.


Hồi ở Hà Nội, tôi nghe các vị trong ban Thống Nhất Trung Ương kể chuyện về rừng mì giải phóng mà mê như một bài thơ xã hội chủ nghĩa trữ tình. Các vị kể rằng ở dọc Trường Sơn có những rẫy mì đã trở thành rừng không thể nào ăn hết nổi. Vì theo tinh thần xã hội chủ nghĩa thì những kẻ ra Bắc vào Nam ngang qua những rẫy xã hội chủ nghĩa đó cứ tha hồ lấy củ mà ăn, nhưng lấy bao nhiêu phải dọn đất trồng lại bấy nhiêu, lâu ngày chầy tháng ăn không hết, vả lại vì tinh thần xã hội chủ nghĩa quá cao cho nên có những đoàn ăn một trồng lại mười, vì thế rẫy mì thay vì eo hẹp lại giờ mở rộng ra mà … thành rừng.


Nghe thì hay quá, nhưng thực tế đâu phải như vậy.


Thành trỏ vào sọt mì ngao ngán nói:


– Tụi tôi sống bằng toàn cái ngữ này! Thỉnh thoảng mới được cơm trắng. Coi vậy mà ăn nhiều hại lắm! – rồi Thành bảo tôi – Anh ăn bao nhiêu cứ lấy mà ăn.


Nhưng tôi thấy lòng vẫn chua xót khi thấy mình vừa ngồi trên cái đế cối. Càng chua xót khi tôi ngồi trên cái đế cối mà lại trước mặt những nhà chỉ huy quân sự.


– Tại sao anh em mình lại vứt cái đế cối như thế này anh?


– Nó vác không nổi nữa thì nó vứt chứ sao !


– Rồi cái nòng làm sao?


– Kê vô đầu gối mà bắn… khì khì… nói đùa vậy chớ cái nòng nó cũng vứt luôn chớ giữ làm gì?


Thành tiếp:


– Đường dốc đường đèo như thế, sức đâu mà vác? Cái này là đế 82 nặng không dưới 50 kí-lô. Rồi còn ba-lô gạo muối nữa lấy sức đâu mà vác? Anh vào một vài chặng nữa rồi mà xem súng đạn nó vứt đầy hai bên đường. Đi không nổi mà vác sắt khối như thế vác làm sao? Có trượt chân ngã, nòng súng đè gã xương sườn, trật khớp xương sống. Lính Trường Sơn! Chậc! Chết còn sướng hơn!


Tôi đánh Pháp 10 năm chưa lúc nào khổ thế này. Cái khổ nhất là cái mất liên lạc cá nước với đồng bào. Ở ngoài kia quan điểm nhân dân này nọ nói nghe mát bụng lắm …"dễ mười phân không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong." nhưng vào đây, lâu nay đồng chí có gặp người dân nào không? Thế cho nên tụi tôi sửa lại: "dễ 10 phân kêu dần không lại, nặng trăm lần khiêng bại cả lưng!" Ở rừng riết rồi xem thấy khỉ cũng đẹp, và tưởng chừng mình cũng hoá thành khỉ nay mai.


Thành bắt tay tôi mãi không muốn rời. Có lẽ Thành muốn truyền đạt những tình cảm của mình về gia đình qua lời nói và hơi thở của tôi. Thành muốn tôi kể lại cho cha của Thành về Thành với những chi tiết đầy đủ nhất trong buổi gặp gỡ hôm nay.


Rồi chúng tôi chia tay.


(Cho đến hôm nay – 7 năm sau cuộc gặp gỡ đó – tôi mới có dịp viết lại cái ký ức về một chặng đường của Trường Sơn mà nét mặt vàng vọt cùng với giọng nói của Thành không hề phai nhoà trong tôi. Tôi viết những dòng này không phải với mực thường mà với thứ mực khác thường. Tôi mong nếu Thành còn sống và đọc được những dòng này. Tôi đã làm tất cả những gì tôi đã hứa với Thành năm đó, chỉ có một điều tôi không làm được là tôi không tìm thấy Ông Hai Trí và cái bến đò Anh Thạnh của Thành. Hơn mười lăm năm tang thương biến đổi mà lại là một thứ tang thương trong chiến tranh, nó bất ngờ và tàn nhẫn vô cùng, tôi làm sao tìm thấy được một cụ già trong cái biển lửa ngút trời của Miền Nam, tôi làm sao tìm thấy cái bến đò nhỏ bé của Thành với những cái rể cây đã mòn vì những bàn chân bước xuống đò – trong lúc mà đến cả rừng già còn hoá thành bãi trắng.


Có lẽ giờ đây, nếu sau 7 năm chịu đựng ở rừng Lào, Thành còn sống sốt thì Thành cứ nghĩ rằng người bạn đồng hương của Thành đã đi về tới nơi và trao thư của Thành cho gia đình Thành ngày đêm mong đợi Thành về. Riêng tôi thì vô cùng chua xót khi nghĩ về những người lính gốc Miền Nam cứ hằng ngày nhìn thấy người ta nối đuôi nhau đi trên đường về Nam, còn mình thì cứ trấn thủ rừng Lào để "Ủm hộ" cách mạng thế giới đang triển khai trên xứ Vạn Tượng. Hằng vạn thanh niên Miền Nam rũ xương trên đất Lào một cách phí uổng, trong lúc gia đình họ không được một mảnh giấy báo tin.


Thành ơi! không biết giờ nầy anh còn sống hay đã nằm yên trong một cuộc chạm súng vô nghĩa lý nào rồi?


Lá thư của anh tôi vẫn còn giữ đây, tôi đã học thuộc từng chữ, nhớ cả tuồng chữ và chữ ký của anh. Lâu nay gặp ai tôi cũng gợi chuyện để may ra tìm thấy cha anh nhưng tôi không hề thấy có ai, không thấy ai nhắc đến cha anh cả. Gia đình của anh ở đâu làm sao tôi tìm được? Củ khoai mì to tướng của anh đã bồi cho tôi bao nhiêu sinh tố, nhưng còn lá thư của anh thì tôi không biết làm sao gởi đi. Tôi mang nó trong người tôi như một món nợ mà tôi phải trả, như một đau khổ của riêng tôi và của hàng chục vạn người cũng như anh sống trong rừng Lào không phải "đêm Nam ngày Bắc" mà "đêm Nam ngày cũng Nam".)


(xem tiếp tại đây)


Đánh máy: Lê Thy
https://thaithuyvy.wordpress.com/

Xuân Vũ - Đưởng Đi Không Đến – 1 –

– 1-


….Bộ đội ở phía sau đi tới. Họ khiêng, họ vác, họ gánh. Lặng lẽ, nặng nề, từng nhóm, từng người, có khi năm bảy chục thước mới có một tốp, một người. Cự ly hành quân chẳng rõ được qui định là bao nhiêu.. Đó là vì Trường Sơn hiểm trở, nhưng trước nhất là vì đôi chân…


Thấy bộ đội đi, tôi và Lâm nhường bước, nép vào đường. Quần áo họ mốc cời, có cái vai áo rách toạc xuống nửa cánh tay, nhiều mái đầu như rú rậm, họ đi ngang đã nghe thấy một mùi chua khét lạ lùng. Nòng súng họ nhét giẽ rách, hoặc để trống hốc, sét rơi ra vàng oách. Nhiều ngườl gánh hẳn hoi bằng một thanh tre tươi. Ba lô một đầu súng và cạt-túc-se một đầu, như gánh những xâu thịt lợn. Người đi sau chót vừa đi vừa rên khừ khừ.


Tưởng đơn vị đã đứt đuôi, tôi sửa soạn cho đoàn của tôi tiếp tục đi nhưng nhìn lại thì thấy đơn vị còn lục tục ở phía sau.


Đột nhiên Lâm hỏi tôi :


– Này về tới Nam Bộ, anh sẽ ăn món gì trước nhất?


– Chè đậu! – Tôi đáp không cần suy nghĩ.


Vì sao tôi không suy nghĩ? Bây giờ, khi nhớ lại, tôi mới hiểu ra rằng đi đường mất calori nhiều quá, lúc nào cũng thèm đường. Đâu chỉ có một kí lô đường cát trắng được phát cho từ Hà-Nội mà đi hơn 1 tháng, trèo đèo lội dốc suốt ngày mà không dám đem đường ra ăn. Đường được xem như một thứ tiên được. Lúc sắp quỵ xuống kìa mới dám nghĩ tới thứ thuốc tiên đó! Cái cách ăn đường cát của những gã chân chỉ lội Trường Sơn đã làm cho nó trở thành tiên dược. Đâu có phải bỏ nó vô nước khuấy cho tan ra rồi uổng, mà phải chờ đến lúc khuya canh vắng, bên cạnh mình không còn ai thức mới sẻ lén mở ba lô ra lấy cái túi đường còn kha khá đó ra rồi mở sợi dây buộc túi đường một cách vô cùng cẩn thận, kẻo người bên cạnh nghe thì chết. Xong, mới bằng một cử chỉ vừa cẩn thận, vừa trang trọng, dốc ngược cái túi lên, tay giữ miệng túi sát vào mồm, tay bóp đít cái túi khe khẽ cho đường chảy vào mồm. Những hạt đường của Cu-Ba anh em (!) lăn trên thành túi ni lông nghe như những hạt sõi lăn trên sườn núi. Đợi đến khi số hạt đường nhất định đã rơi vào mồm thì chủ nhân mới bèn bóp cái miệng túi lại và khãy nhè nhẹ cho những hạt còn vô tình hay cố ý dính lại đấy rơi hẳn vào mồm chủ nhân, rồi mới buộc thắt nó lại. Những hạt đường đã nằm trọng miệng của chủ nhân rất yên trí rằng chúng không bao giờ bị thương, bởi lẽ rất giản đơn là chủ nhân không bao giờ dám nhai, bởi lẽ rất giản đơn nữa là nếu nhai thi đường sẽ chạm vào răng và gây nên những tiếng động và một khi cái tiếng động ấy bị lọt vào tai của một anh chàng 'Vô Ngại Tưởng Quân' nằm bên cạnh thì không chóng thì chầy chủ nhân của túi đường sẽ đau khổ vì bị vị tướng quân này không ngần ngại xỉn… đường. Mà trên đường Trường Sơn này thì những vị vô ngại tướng quân đó ở chỗ nào cũng có.


Vl thế cho nên ăn đường cũng phải cần thận tối đa, nghĩa là để cho những hạt đường tự tan chảy ra trong mồm một cách tự nguyện. Điểm nầy cũng còn thêm một ý nghĩa là như vậy chủ nhân sẽ có đủ bình tỉnh và thời gian mà thưởng thức cái vị ngọt ngào của đường Cu-Ba và nghe tình đồng chí xã hội chủ nghĩa anh em đi vào máu huyết của mình (!)


Nhưng đó chỉ đó là một lối tiêu thụ bình thường – để đề phòng các Vô Ngại tướng quân thôi. Còn nhiều cách khác nữa.


Vì đường nó quý quá làm vậy cho nên khi được Lâm hỏi ăn gì thì tôi đáp ngay rằng "chè". Không phải tiếng nói của lá phổi, cổ họng mà là tiếng nói của tâm tư, của nguyện vọng.


Vì sao? Vì lâu nay, mỗi lần cảm thấy sức khoẻ mình xuống dốc trông thấy một cách thảm hại, tôi chỉ nghĩ có một điều: "Ăn"! Ăn là khoẻ ngay, là đi nhanh, là vượt dốc trèo đèo như gió, là chống được sốt, là lạc quan yêu đời, là tin tưởng Đảng Bác thêm ngay, nhưng ăn thì có cả trăm món, làm sao tạo ra ngay cho được giữa rừng thẳm núi cao này? Chỉ có đường là đơn giản nhất. Nhiều khi tôi chỉ cần nếm một muỗng nhỏ đường mà cảm thấy khoẻ lên rất chóng, như vừa uống thuốc tiên.


Cái tiếng 'chè đậu' của tôi tung ra như một quả khói mù, nhưng đồng thời cũng như một giọt nước mát xối vào mặt mọi người giữa trưa nắng cháy. Những người đứng gần tôi tựa hẳn ba lô vào vách đá cho đỡ nặng đôi vai lắng nghe tôi nói tiếp.


Tôi cảm thẩy tôi thông minh hơn chính tôi ngày thường gấp bội, thông minh hơn cả Tào Tháo khi ông ta thấy binh sĩ khát cháy cổ thì gạt chúng bảo rằng phía trước một có một vườn mơ – nhưng tôi không giống Tào Tháo vì chính tôi cũng thèm chè như mọi người trong đoàn, chứ không như họ Tào hoặc họ này họ khác ngồi mát ăn bát vàng mà xua lũ con cháu vào con đường đi không đến mà bảo rằng sắp đến nơi rồi và sẽ có mâm cao cổ đầy ở cái đích sắp trông thấy đó.


Tôi nói tiếp để phát triển thêm cái mòn chè của tôi :


– Chè đậu trắng, các bạn ạ! Hạt to hơn đầu đũa ăn, hạt lép đã nhặt hết rồi, chỉ còn hạt trộng – tôi nói tiếp – đem nấu với đường móng trâu, chớ không nấu với đường thốt nốt, vì đường thốt nốt hơi chua, để ăn sống thì tuyệt vời còn đem nấu chè thì không bằng đường tán đâu. Nấu phải cho thật ngọt, ngọt gắt cổ họng, nếm vô một miếng là tằng hắng ngay. Đấy.. nấu xong nhắt xuống múc ra từng chén, chén trứng sáo to nhé, rồi mới rưới nước cốt dừa lên – nói đến đây tôi dừng lại nhìn từng người một. Gương mặt người nào người ấy sáng rỡ lên.


Tôi cũng thấy hăng hái hơn lên. Tôi đưa hai tay ra phía trước, hai bàn ấy úp vào nhau làm như đang vắt dừa. Tôi nghiến răng và bóp vặn hai bàn tay vào nhau tỏ vẻ quyết vắt cho thật khô với một sự vui sướng thèm thuồng ác liệt, với sự tưởng tượng trông thấy món chè đặc biệt đang dọn ra trước mắt mình.


Nhưng than ôi! qua cái cử chỉ ấy tôi hiểu rõ sức lực của tôl. Nó đâu còn đủ cho tôi làm cái việc đó. Nói trắng ra là nếu có một trái dừa phải vắt ở giữa lưng Trường Sơn này thì tôi không thể vắt lấy nổi nước cốt. Tôi cảm thấy hai cánh tay tôi rã rời, một sự rã rời làm tôi phải ngạc nhiên.


Giờ đây tôi vẫn còn nhớ hình đáng của hai cánh tay và hai bàn tay tôi lúc ấy. Màu da vàng vì sốt, sạm vì nắng, thâm vì sương gió và chướng khí núi rừng. Tôi không có chữ để gọi chính xác cái màu hổn hợp của ba màu kể trên. Tôi ngậm ngùi, nhưng vì là người có trách nhiệm nên tôi cố giấu sự bi quan, mà vẫn vui vẻ lao theo cái món chè.


Tôi đã "vắt dừa" xong và hăm hở nói tiếp:


– Nước cốt đặc quẹo giống như sữa. Nếm thử một miếng xem, ôi chao béo ngậy. Đây tùy thích của từng người, ai muốn béo thì "thím xực" luôn hai muỗng. Đấy, chè đã dọn ra rồi mời các bạn cùng múc nước cốt dừa rưới lên ai muốn xơi mấy chén cứ xơi… Xơi ngay trong lúc chè hãy còn nóng để cho nước cốt dừa quến vào thành một khối vừa béo vừa ngọt nuốt đến đâu nghe bổ đến đấy!


Lâm nói:


– Riêng tôi thì tôi muốn ăn một chén, còn xin một chén.


– Úy, lố tiêu chuẩn sao?


– Không! Một chén xin sau là để phơi sương, sáng mai dậy tập thể dục nhảy xuống sông tắm rồi lên ăn liền.


– Có súc miệng không? – Một người hỏi.


– Khà.. khà khà.


– Cái thằng nói làm nhớ nhà Má Chín ở Cai Lậy quá!


Chúng tôi ăn chè gió xong, bộ đội cũng vừa dứt đuôi. Tôi bảo:


– Tôi, anh em mình chuẩn bị đi!


Người nào người ấy mặt nhăn như bị, cất ba-lô lên vai, đành để lại bát chè đậu nước cốt dừa ấm hổi phía sau lưng.


Nhưng kìa có một người lê tới cùng đi về một phía với chúng tôi – nghĩa là Miền Nam.


Bất giác tôi ngó xuống đất. Tôi sợ hãi quá. Tôi sợ nhìn thấy tôi trong cái con người ấy. Đó là một người, vâng, đúng là một con ngưòi vì anh chàng có đủ tất cả những gì mà một con người bình thường nhất cũng có, và có cái mà con vật không có, nhưng anh ta không còn giống bất cứ một người bình thường nào trên trái đất, mà chỉ có thể đồng hoá vói chúng tôi trên dãy Trường Sơn này thôi.


Đó là một người gầy đét, gầy nhom, gầy như chiếc que, nói theo tiếng Nam Bộ, ốm tong ốm teo. Nói tóm một câu là gầy đến mức độ không thể gầy được nữa.


Má anh ta không còn thịt, để lòi ra những góc cạnh trên mặt, mắt anh mở thau láu, không phải vì tỉnh táo mà có lẽ vì đôi mi cứng đờ không khép lại được nữa. Bộ răng trên còn nguyên, nhô hẳn ra ngoài càng gây cho mọi người một sự gớm ghiếc của người chết với chiếc môi trên nhếch lên. Trong người anh cái bộ phận không gầy, vì không gầy đi được là bộ răng nầy.


Mái đầu anh che kín dưới làn mũ tai bèo. Vành mũ cong chụp xuống che kín đôi tai, đồng thời như cũng muốn che lấp lấy đôi tai, không cho nó thu nhận bất cứ sự việc gì bên ngoài, vì tất cả sự việc gì bên ngoài cũng không hay ho cả. Nên làm một kẻ mắt mù tai điếc mà lên bước trên con đường tối đại vinh quang nầy.


Còn chiếc mũ nữa, tôi không thể chỉ nói về nó có bấy nhiêu thôi, vì đó là chiếc mũ tai bèo của giải phóng quân "bách chiến bách thắng". Nó có điểm hay là muốn dùng nó làm gì cũng được: khăn lau mồ hôi, giẻ nhắc nồi, thấm chí (mà lại rất thông dụng) chỗ ngồi không đẹp người ta cũng không ngần ngại dùng đến nó. Chiếc nón của bạn này được giữ dính vào đầu anh ta bởi một cái quai nhỏ bằng chiếc đũa choàng qua hầu. Điều đó rất bình thường nhưng ở đây anh bạn lại treo một chiếc khăn lông nhỏ ướt lòng thòng xuống trước ngực như bộ râu vĩ đại của lão già Noël.


Chân anh lê đi, khỏi phải nói, với sự tiếp sức của hai chiếc gậy bằng mây mà hai tay anh cố chống tới đều đều – một thứ chân giả mà trông ra có vẻ có nhiều sức lực hơn đôi chân thiệt của anh ta. Anh ta đi qua trước mặc chúng tôi, không nhìn ai.


Không hiểu anh ta thuộc đơn vị nào, đau ốm từ bao giờ và nhất là anh ta suy nghĩ những gì, khi lê bước chân trên con đường vào Nam theo lệnh của Đảng-Bác giải phóng Miền Nam.


Tôi đã gặp anh ta trên nhiều chặng đường cho nên tôi quen mặt anh ta, nhưng tôi muốn xem đó là một điều gì không có thực mà đó chỉ là một cái bóng, một cái vong hồn vất vưởng hiện lên như một thứ ma quái giữa chốn hoang vu mà thôi.


Bởi vì làm sao lại có thể có một cán bộ, một đội viên hay một dân công với hình hài tư thế và bước đi như vậy được trên con đường tối hậu vinh quang này? Vâng, anh ta đang đi giải phóng Miền Nam trong một cuộc hành quân thần tốc.


Nhưng cuộc đời vẫn công bằng chính trực. Nó không để cho ai phải chịu riêng đau khổ một mình. Cho nên không những trên đường này có ông già Noël mà còn có cả bà Noël nữa.


Bà Noël đó là cô Thu trong đoàn tôi. Cô vừa trật chân bốn hôm nay nhưng cô không dám nằm lại vì sợ cái nỗi đêm khuya thân gái dậm trường, ở giữa núi rừng ma thiêng nước độc và đầy những cọp hùm rắn rết này, một thân gái bồ liễu như cô thì làm sao mà dám nằm lại?


Hơn thế nữa khi ra đi, ông chủ nhiệm ủy ban thống nhất – Trung Tướng Nguyễn Văn Vịnh có đến gặp chúng tôi và bảo rằng đoàn chúng tôi về đến nơi sẽ có Chính Phủ Liên Hiệp, tình hình sáng sủa hơn bây giờ nhiều. Như vậy ai mà nằm lại cho được. Còn một giò cũng phải nhắc cò cò đi tới chớ.


Lâm nhìn tôi và Thu, nói:


– Bà Noël đi trước đi! Đụng đầu mãi mà chẳng có tí quà nào cả!


Thu không cười. Cũng không ai cười. Vì cười cũng là một hình thức vận động làm cho mất nhiệt lượng đi. Đã không cười, Thu lại còn hơi cáu. Thu chống gậy lê cái chân sưng phù đi tới và càu nhàu:


– Buốt tận tủy đây còn quà với cáp!


Tôi thấy thương tâm quá. Với lại cũng có một phần trách nhiệm, nên tôi không nở bỏ Thu rơi lại phía sau.


Cứ bước một bước Thu lại nhăn mặt. Thu phải cân nhắc từng bước một, phải tìm một chỗ phẳng rồi mới từ từ đặt chân lên. Thu sợ tất cả mọi hòn đá trên mặt đường. Mà cái mặt đường vinh quang, đường giải phóng Miền Nam này có chỗ nào là không lởm chởm đá và gai?


Thu quen đi guốc cao gót nhảy múa trên sạp phẳng như mặt hồ Gươm và uốn mình theo những điệu nhạc làm rung động lòng người. Thu quen trình diễn dưới ánh điện rực rỡ và quen nghe những tràng vỗ tay tán thưởng tài nghệ của nàng. Đôi chân của nàng làm bằng sáp chứ đâu phải đúc bằng đồng bằng sắt như chân pháo binh bộ binh.


Ấy vậy mà chưa học xong chương trình múa ba-lê nàng đã xung phong đăng ký vào Nam biểu diễn cho đồng bào Sàigòn xem (!).


Tôi nhìn bàn chân và cổ chân của Thu. Thật đáng ngại. Nó bầm xanh. Thịt da có lẽ đã thối ở bên trong. Nó đang mưng mủ. Tôi nghĩ dại, đời cô văn công ca múa này, thế là hết. Nó mà xì mủ ra, gì chưa biết chớ phải lấy Trường Sơn làm nhà ít nhất là nửa năm.


Anh em khặc khừ qua mặt chúng tôi hết. Tôi cũng không nhớ rõ lúc bấy giờ là bao giờ. Chúng tôi không thích mặt trời, mặt trăng và ngay cả mặt người, người thân đi bên cạnh cũng không thích nhìn nốt. Có gì hay ho đâu?


Chỉ còn tôi và Thu sót lại sau rốt. Tôi thấy Thu không thể đi nổi nữa. Tôi bèn bảo Thu cởi ba-lô đưa tôi mang hộ. Thu không ngần ngại tí nào. Có lẽ nếu tôi không bảo, Thu cũng sẽ nhờ tôi. Ba-lô tôi đã nặng, lại còn đeo thêm dùm người ta. "Ốc không lo phận ốc lại còn làm cọc cho rêu" là thế. Tôi và Thu bỗng trở nên đôi bạn đồng hành khắn khít không phải vì tình cảm mà vì hoàn cảnh.


Vậy là tôi không lo bị cô đơn dọc đường. Nhưng mỗi đứa đau một bệnh. Tôi thì sốt, còn Thu thì què. Đứa nào cũng sợ bệnh mình cứ nặng thêm lên và lo bạn mình chóng lành hơn mình và bỏ mình lại với rùng núi và người ngợm không quen.


Hai đứa chỉ đi một quảng ngắn thì Thu ngôi phệt xuống và kêu nhức. Thu rưng rưng nước mắt và ôm cái bàn chân như ôm một cục than lửa, muốn bốc nó lên mà trái lại không dám sờ đụng nó.


Tôi hỏi trỏng:


– Không ráng lên nổi chút nữa à?


Thu lắc đầu mếu máo. Tôi hơi bực mình nhưng cũng thương tâm. Tôi hỏi:


– Thu có dầu nóng không?


– Không!


– Có thuốc đỏ không?


– Không, anh ạ!


– Có cù-là không?


– Có … nhưng hết rồi!


Tôi bực mình quát to:


– Cái gì cũng không vậy ?


Thu cúi đầu. Thu nhìn hai bàn chân của mình sưng to như một chiếc bánh bò. Đi Trường Sơn không gì đáng sợ bằng sốt rét, không gì quý hơn đôi chân. Thế mà Thu lại đau chân.


Tôi ngồi xuống bên Thu, nhìn cô nàng. Đây là lần đầu tiên từ một tháng nay tôi mới có dịp nhìn kỹ một người con gái, hay đúng ra, nhìn kỹ một con người.


Thu đã biến đổi rất nhiều so với Thu trước đây hơn một tháng. Cái cổ Thu cao lên trông thấy, và những ngón tay thì gầy đi, để lồi lên những đốt xương, còn những ngón chân, hai bàn chân, niềm tự hào của Thu, bây giờ trông đến thảm hại. Tôi không dám nhìn nữa.


Thu tự hào vì đôi chân Thu đẹp. Thu biết rõ điều đó là vì chính nó nâng Thu bay lên như đôi cánh. Cho đến bây giờ tôi mới thấy xót thương. Cứ nghĩ lại cuộc sống trước đây một tháng của Thu thì tôi thấy thương người con gái vô ngần. Chân vũ nữ múa ba-lê mà lại mang ra thử thách với đồi núi, với đá tai mèo Trường Sơn. Hà Nội đã đạt kỷ lục trong lối dùng người của họ. Phải nói thêm rằng lối dùng người tàn nhẫn của họ.


Tôi hỏi Thu:


– Bây giờ em tính thế nào?


– Anh hỏi thế nào là thế nào?


– Nghĩa là … – Tôi ngập ngừng không muốn nói rõ ý. Tôi muốn hỏi nếu đôi chân của Thu không lành thì Thu tính thế nào? Nhưng câu hỏi đó là cây kim sẽ chích vào bọc nước mắt đầy ứa của đôi mắt Thu cho nên tôi lặng thinh và rẽ sang ý khác.


Tôi hỏi:


– Sao em không có chuẩn bị gì hết vậy?


– Anh cũng biết vì sao mà!


– Ờ. Phải! Cái thằng cha bí thư toàn nói láo. Đi Trường Sơn cái gì cũng ..cha Tây. Cứ ăn no phè phè rồi đi như đi dạo. Chặng nào cũng có căng-tin!


Thu thở dài, Thu đưa tay gãi mấy vệt bùn trên bàn chân đau, lại thở dài và lắc đầu. Còn tôi thì cứ căm gan thằng cha bí thư.


Thu ngước lên nhìn tôi và nói:


– Vì cả tin cho nên em đâu có chuẩn bị làm cho cho vô ích. Em còn khuyên bạn em về Hà Nội chỉ nên lượn phố cho bõ những ngày xa cách sắp tới; mình phải đi xa hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, tuy nói là đi giải phóng Miền Nam ắt sẽ có ngày về, nhưng ngày đó là ngày nào ai mà đoán trước cho được. Về Hà Nội thì em mặc áo dài, hết cái này đến cái khác, đi luợn phố cho mệt mới về.


Thu lặng thinh giây lâu rồi mới tiếp:


– Không biết các anh có tình cảm đó không, chứ riêng em thì thật là trẻ con như vậy đó. Nhiều khi em ứa nước mắt, em nghĩ chắc bây giờ mấy cái áo của em chúng nó đang nhớ em lắm. Chậc! bây giờ rủi mà phốc được về Hà Nội thì không dám chường cái mặt ra đâu. Và mặc áo dài đâu có được nữa, nó rộng thùng thình ai mà xem cho?


Thu bị lôi cuốn theo tình cảm của Thu về Hà Nội. Sự thực tôi thấy thương Thu và nhớ Hà Nội. Không biết thương Thu hơn hay nhớ Hà Nội hơn, có lẽ hai tình cảm như nhau, bởi vì trong Thu có Hà Nội mà Hà Nội bao giờ cũng in đậm bóng hình Thu. Tôi còn thương Thu vì càng đi Nam thì Thu càng xa quê, còn tôi thì càng gần. Cuộc đi này có phải chăng chỉ có lợi cho tôi?


Đôi lúc tôi cũng có cái tình cảm lạ kỳ này: tại sao lại bắt Thu phải bỏ nhà trường mà đi trên con đường khổ ải này? Và phải chăng khi ra đi Thu tỏ ra rất tự nguyện, bây giờ đây Thu vẫn còn tự nguyện hành quân và vẫn còn thấy những điều của các vị lãnh tụ nói với Thu là đúng? Nếu thế thì Thu khóc làm chi khi nhìn thấy đôi chân ngọc của mình sưng húp?


Tôi nói với Thu:


– Anh đâu có đồ gì đâu mà mặc đi bát phố như em. Mùa hè thì sơ-mi trăng pôpơlin quần kaki, mùa đông thì cũng thế, thêm một bộ áo bông vĩ đại khoác bên ngoài, nếu có mưa thì trùm một cái áo đi mưa dày mo may bằng hai tấm vải bạt Trung Quốc, đầu trùm một cái kê-pi có tai, thế thôi! Anh ra đi đâu có để lại cho bạn bè cái gì đâu, ngoài đôi giày hả họng và cái áo "tố lãm" của anh?


Thu cười:


– Vậy em tưởng anh có ít nhất vài ba com-lê chứ?


– Làm gì!


– Còn xe đạp anh để lại cho ai?


– Cho anh em trong xưởng Thống Nhất.


– Sao anh lại cho những người công nhân trong xưởng là những người dễ mua xe hơn những người khác?


Tôi phì cười:


– Em ngây thơ quá. Là vì anh chưa mua nổi nghe chưa?


– Anh chưa mua nổi hay là anh chưa có phiếu?


– Chưa mua nổi mà cũng chưa có phiếu em ạ.


– Vậy càng hay, còn em thì thật oái oăm. Lúc mình có tiền thì bình bầu không được phiếu, còn khi có phiếu rồi thì lại hết tiền. Cho nên mãi tới em lên đường chiếc xe đạp vẫn còn năm trong giấc mơ.


Rồi chúng tôi lại đi, càng lúc càng chậm chạp, còn câu chuyện thì cứ nhạt dần.


Hôm qua anh chị em bị một trận mưa suốt dọc đường. Ở rừng núi mà lại đi với giao liên thì làm sao mà nghỉ được, vả lại có nghỉ thì cũng không có chỗ đứng cho nên mưa thì cứ mưa, đoàn cứ phải "can đảm" "anh dũng" xông pha mưa gió vậy. Cho nên bây giờ tôi đã bắt đầu nghe ơn ớn trong nguời rồi. Cơn sốt đến rất nhẹ nhàng dễ biết. Dễ biết hơn nữa vì nó đã đến với tôi nhiều lần và tôi đã cắn răng chằn mắt mà tống cố nó đi một cách hết sức dũng cảm. Nó đi nhưng tôi biết nó sẽ trở lại bởi vì nó biết chắn chắn sẽ có một lần nào đó, tôi sẽ đón lấy nó hoàn toàn. Lần đó là lần này đây.


Hôm qua, đến nơi, sau khi mắc tăng căn võng tôi thay quần áo ngay, và lần đầu tiên trong đời tôi biết kí-nin đắng như thế nào. Rồi tôi nấu cơm ăn xong ngủ cũng rất ngon, sáng dậy trước khi lên đường tôi lại uống thêm hai viên kí-nin loại nặng nữa.


Khi rời Hà Nội tôi định không mang cái túi thuốc của nhà trường cấp cho- cái gói nặng hơn kí-lô và gồm bằng mấy chục thứ thuốc, có cả thuốc trị rắn cắn- vì tôi cho rằng tôi không thể ngã bệnh được với cái quá trình mười hai năm ở Hà Nội, không hề đi bệnh viện của tôi. Chẳng ngờ cái quá trình đó không còn uy lực trên chặng đường này nữa. Với con sốt rét rừng voi cũng ngã.


Miệng tôi bắt đầu thấy đắng, những đốt xương sống như rời ra, tay thấy lười cử động, chân thì cứ lê đi nhưng càng lúc càng chậm, đầu choáng váng và mắt hơi hoa lên.


Nắng loang lổ trên đường đá lởm chởm. Tôi tìm những chỗ nắng mà bước. Nắng chạm vào da tôi, gây nên một phản ứng khó chịu. Tôi cảm thấy gây gây ngần ngật không ấm áp tí nào như mọi khi sau cơn mưa gặp nắng. Lũ vi trùng trong máu tôi, tôi như trông thấy rõ từng chú một như những chú kiến chạy hàng đàn, mỗi chú ngạm một hồng huyết cầu của tôi như mỗi chú kiến tha một hạt gạo. Sự chuyển động của hằng triệu con vật li ti đó làm cho tôi mất thăng bằng, cơn lạnh nổi lên từ trong máu, trong tủy, làm thể nào ánh mặt trời xoá tan đi được?


Các bắp thịt của tôi như bị dãn ra hết không còn sức bật nữa và tôi nghe máu tôi loãng ra như có ai pha nước lã vào đấy. Tôi vung tay gồng mình thoi vào thinh không như bốc-xơ tập võ một mình. Tôi vặn mình sang bên này sang bên kia. Tôi cố vận chuyển tất cả những bắp thịt của tôi để chống lại cuộc tấn công thầm lặng của lũ vi trùng nhưng cuối cùng, tôi đã run lên.


Và cuối cùng tôi phải bảo Thu chờ tôi đi rẽ vào rừng đốn lấy một chiếc gậy. Tôi rút con dao trong lưng ra, một con dao găm, cán gỗ có ngấn, đánh vẹc-ni màu nâu, lưỡi dao dầy như lưỡi búa. Đó là con dao của hợp tác xã xứ xã hội chủ nghĩa rèn, trao cho mỗi con người đi giải phóng Miền Nam, con dao mà chúng tôi đã nguyền rủa ngay từ khi đốn cái cành tre đầu tiên làm đũa. Tôi chọn một cái cây nhỏ, ít nhánh và ngay ngắn trong một bụi của nó. Đó là một thứ cây rất giống cây mật cật của rừng U Minh nhưng thu nhỏ lại còn độ một phần mười. Tôi tưởng nó mềm lắm chỉ độ vài dao là hạ được rồi, chẳng ngờ tôi giạng thẳng cánh tay bổ đến hơn mười lăm phút mà chẳng ăn thua. Đối với một việc nhỏ như vậy còn tính nhầm thay huống gì những chuyện lớn ví dụ như chuyện vượt Trường Sơn này. Tôi nhìn theo con dao, khổ quá cái lưỡi của nó dày ù, tôi đã mài mấy lần, hễ nó càng mỏng, đem đốn cây thì nó lại càng mẽ. Thực tình những người thợ rèn cũng rất đáng thương. Họ đâu có đủ thép pha vào sắt kia. Nhà máy nấu thép ở Thái Nguyên chưa xây xong. Nghe đâu người ta có nấu thử một mẻ tốt lắm đạt yêu cầu quốc tế, không thua thép Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng khổ thay họ chỉ nấu có một mẽ để coi chơi thôi, chớ không nấu nhiều. Thật là bực mình, cũng như tôi rất bực mình khi thấy trong những tủ kính mậu dịch, hàng bán thì ít mà hàng mẫu "miễn hỏi giá và không bán" thì nhiều.


Vâng, thép trong con dao găm này không đủ làm cho con dáo bén đến độ cần thiết cho người đờì, nói đúng chữ nghà nghề là con dao non. Cũng như những kẻ đi trên con đường này khi mới xuất phát thì tưởng mỗi người như một lưỡi gươm linh, chém một nhát là rụng đầu đối phương, nhưng khi đi được ít chặng thì cái lưỡi gươm đó bỗng nhiên trở thành non nhão lạ thường, cũng như con dao găm nầy đốn mãi không ngã đến cái cây lớn hơn ngón tay cái.


Tôi lôi được cái gậy ra đường thì tay chân rụng rời. Thu biết tôi sốt. Tôi mà đi gậy là chuyện không thường. Thu hỏi:


– Anh sốt phải không?


Tôi gục đầu giữa hai đầu gối và không đáp.


Chung quanh tôi, trời đất tối sầm lại. Đốn một cái cây, đó là cái thước đo sức mạnh khỏe của tôi. Tôi quá tự tin cái sức khỏe của mình. Trên đường đi tôi luôn luôn nhắc nhở anh em không nên uống nước suối sống nhưng chính tôi lại làm việc đó một cách vô cùng hồn nhiên. Tôi ngủ ít khi nằm gọn trong màn vì màn mắc trên võng thì tù túng quá, tôi luôn luôn thò đầu ra ngoài. Đó là hai cách rước vi trùng sốt rét vào mình nhanh chóng và nhiều nhất. Vì thế, là người khỏe nhất đoàn, tôi lại là người ngã ngựa sớm nhất của đoàn.


Bây giờ thì tôi không còn cần gì hết. Tôi không muốn cử động, không muốn ai động đến tôi. Nếu tôi ví một cách chính xác thì tôi là một cái bánh tráng nhúng nước treo trước gió. Tôi chỉ muốn nằm quặp xuống đây gối đầu lên một hòn đá, và hoá đá luôn. Tôi muốn lịm đi rồi chết hẳn không biết đau đớn gì càng tốt.


Nhưng tôi là đứa cháu của Bác và Đảng, và con yêu quí của nhân dân Miền Nam, là bạn của Ốt-Trốp-Xơ-Ki nhân vật anh hùng của Thép Đã Trui, thì làm sao có tư tuởng lạc hậu như thế được.


– Đi anh, đi – Thu giục tôi.


Tôi cố ngóc cổ dậy và mở mắt nhìn. Chung quanh tôi như tẩm kí-nin một màu vàng oách. Tôi chống tay lên cái đầu gối đứng đậy với sự giúp sức của Thu. Thu đã mang lấy ba-lô của nàng, không để cho tôi mang giúp nữa. Quả tình là bây giờ tôi yếu hơn Thu, và bây giờ tôi mới biết thế nào là cơn sốt.


Chúng tôi lê chân đi với nhau, chậm chạp như nhau và đau đớn rên siết như nhau.


– Anh sốt lắm phải không?


– Như có lửa trong máu – tôi tiếp – nhưng đối với anh thì sốt dễ chịu hơn rét.


Tôi sợ Thu chần chờ bận bịu với tôi nên tôi bảo:


– Em đi trước đi!


– Em đi với anh chứ.


– Không nên lướng vướng với kẻ ốm. Thu cứ đi đi.


– Cả đoàn không ai ở lại đây hết.


– Được rồi, chừng nào tôi tới thì tôi tới.


Tôi biết Thu là cô gái rất đôn hậu, ăn ở có tình nghĩa, Thu rất khổ tâm vì Thu không giúp được gì tôi trong buổi này.


Hôm Thu ngã trặc chân không đi được thì chính tôi là người đề ra ý kiến đầu tiên khiêng Thu đi. Ý kiến đó được đề ra, trước tiên trong chi bộ bị phản đối dữ dội nhưng tôi đã cương quyết giữ ý kiến của tôi bằng nguyên tắc tổ chức, bằng tình cảm và bằng cử chỉ thực tế. Tôi đã xung phong đi chặt cây đòn đầu tiên và khiêng chặng đầu tiên. Sau đó thì mọi người dù bất mãn cũng phải kê vai vào đòn khiêng.


Thu thấy tôi đứng dậy và liếc nhìn tìm chỗ ngã lưng thì Thu sa sầm mặt lại:


– Anh ở lại một mình thì làm sao?


Tôi cứ lặng lẽ ngồi phệt xuống đất như một tảng đá bị đứt giây rơi xuống đất.


Thu không nở rời tôi. Nàng hỏi:


– Em còn nước đây anh có uống không?


Nước ở trên đường Trường Sơn mà sao không uống. Có bao giờ ai dám mời ai. Đã không mời lại còn giấu và không bao giờ dám nhận mình còn nước dù nước khua lỏng bỏng trong bi-đông đó. Nước là máu đối với người, là thuốc bổ đối với cơ thể, ai đi cho máu và đem thuốc bổ của mình cho người khác bao giờ? Ấy vậy mà Thu cho tôi, cho tôi một cách thật sự, thật tình và tôi thì không dám nhận.


Tôi nói:


– Anh không khát em ạ!


– Sao lại không khát. Anh đang sốt, anh cần nước hơn em.


– Bao giờ khát anh sẽ xin…


Thu mở nút bi-đông và ngồi xuống để kê miệng bi-đông vào miệng tôi. Thu không cởi cái bi-đông ra được vì khi mang đồ đạc, Thu cũng như mọi người đều mang bi-đông vào trước rồi mới quàng ruột tượng và các món khác chồng lên. Đó là một sự cố ý, để khỏi bị mất bi-đông (mất vì rơi rớt, vì bỏ quên hoặc bị ăn cắp) và để mỗi khi nâng bi-đông lên miệng của chính mình cũng khó khăn và vì thế người ta sẽ ít uống nước.


Thu ngồi xuống một cách khó khăn vì chân đau nhưng Thu đành chấp nhận một sự hy sinh con con. Thu ngồi trên một chân và đưa bi-đông vào mồm tôi. Tôi vẫn lắc đầu, tôi thấy cơn khát tan biến đi mất.


– Cám ơn em!


Rồi tôi bảo:


– Thôi em cứ đi trước đi cho kịp đoàn (mặc dù tôi biết không thể nào Thu bắt kịp) còn anh thì ngồi tại đây…- Tôi bi quan đến nỗi muốn nói rằng: nằm lại đây và làm phân bón cho cây Trường Sơn thêm xanh và đỉnh Trường Sơn thêm cao, cho vinh quang của Bác và Đảng cao ngất và chói lòa khắp biển Đông. Nhưng tôi tốp lại cái ý nghĩ đó kịp thời và tôi nói với giọng lạc quan hơn–…anh nằm lại đây đến mai anh sẽ tiếp tục đi, sốt một cơn có nghĩa lý gì!


Thu càng bận bịu tôi càng giục càng gắt gỏng và cuối cùng có lẽ Thu nhận ra rằng tôi nói đúng nên Thu đi.


Trên Trường Sơn này bỏ nhau là chuyện tất nhiên. Người bỏ đi hình như cũng không ân hận gì hết. Còn người bị bỏ lại cũng không – hoặc không nên – lấy đó làm buồn, vì cái luật chung là ai cũng là kẻ bị bỏ rời và ai cũng sẽ bỏ rơi người khác, cho nên cuối cùng rồi không ai ân hận, không ai trách ai.


Vì ở lại làm gì? Thuốc men thì đứa nào cũng có, còn nấu cơm nấu cháo thì dễ dàng thôi, ai mà chẳng tự làm lấy được? Nếu rủi có chết thì cứ nằm đấy vài hôm rồi cũng rã tan.


Tôi nhìn Thu chống gậy lê bước trên con đường nhấp nhô những hòn đá. Tôi nghĩ đến một màn múa tuyệt đẹp trên sân khấu nhà hát lớn thành phố Hà Nội, cũng đôi chân ấy, nhưng giờ đây nhiều khi qua suối, tôi được nhìn rõ hơn – đôi chân đẹp nhất Hà Nội.


Rồi Thu khuất hẳn trong mắt tôi. Tôi gục đầu xuống trên hai đầu gối, môi thấy khô khan. Tôi đã không uống ngụm nước của Thu mời – tôi cũng không hiểu tại sao – trong lúc tôi đang khát cháy cả ruột gan, có lẽ vì tự ái và tự trọng.


Tôi định gục đầu ngồi như thế cho đến bao giời thì đến, nhưng tôi ngồi chưa yên thì tôi đã ngạc nhiên: cái mặt phẳng mà tôi ngồi tự nãy giờ, ô hay không phải bằng đá núi mà là bằng sắt. Nhưng tại sao lại có một tảng sắt to thế nằm giữa chỗ này? Câu hỏi đó làm cho tôi tỉnh dậy và bắt đầu tìm hiểu. Sự tìm hiểu đó kéo dài không quá cái tích tắc thì tôi đã nhận ra đó là cái đế súng cối. Nó bằng sắt thép thật. Đáng lẽ nó phải được nâng niu lau chùi và luôn luôn ở những nơi thích đáng nhưng vì nó bị vứt ở đây cho nên nó mới ra nông nỗi ấy. Nó mất hết chức năng, mất hết giá trị. Ai đi qua cũng dẫm lên, ai muốn ghé đít ngồi thì cứ ghé. Mấy ai còn nhìn ra nó như tôi. Mà dù có nhìn ra nó đi nữa thì phỏng tôi đã làm được việc gì đối với nó? Nó đã rỉ sét. Màu sét làm cho nó tiệp với màu đất nâu. Tôi bỗng thấy tỉnh người và tôi chua xót nghĩ đến số phận của tôi một cách duy tâm, rằng sự "gặp gỡ" giữa tôi và cái đế cối này là một điềm gở cho tôi. Tôi vốn là một con người hay suy nghĩ thì làm sao tôi không suy nghĩ cho được khi tôi ngồi ở đây mà sốt.


Anh binh sĩ nào đã vứt cái đế cối xuống đây? Cái đế súng cối này đã từ trên vai một binh sĩ nào tuột xuống đây? Nó không muốn rơi xuống đây nhưng vì người ta vứt nó xuống nên nó phải nằm ở đây, nhưng binh sĩ đó tên gì? Ở đâu? Anh ta đã vác cái khối sắt này từ bao lâu và anh ta đã nghĩ gì khi trút cái quả núi con này xuống đây?


Trời ơi! Tôi không hiểu được cái sức lực nào đã chuyển nỗi cái đế cối 82 ly qua những dãy núi trùng điệp này. Trong khi tôi chỉ mang có một cái ba-lô đựng toàn của riêng tôi, nghĩa là những đồ ăn, đồ ngủ mà chỉ tôi xài, không ai có quyền động tới. Trong khi mà tôi tìm từng những mẫu giấy trong cái vỏ lưỡi lam, và tất cả những đồ vật có sức nặng bằng cái nút áo trở đi để giảm chính. Trong khi mà tôi chỉ mang giúp cho anh bạn chí thân của tôi một cái áo mỏng nặng không đến 300 gờ-ram và chỉ trên một quảng đường ngắn thì anh chiến sĩ này đã vác, ngoài cái ba-lô của anh ra, cả cái đế cối này, một cái món đồ vật của anh nhưng không phải là của anh, không phải trên một quảng đường mà là suốt cả con đường.


Đừng ai chê trách anh, đừng ai buộc tội anh. Tôi xin làm biện hộ sư cho anh tới cùng. Anh chiến sĩ ấy là con người, anh ta phải biết suy nghĩ, phải có lương tri, vì thế anh ta đã vứt cái gánh nặng đó đi. Anh vứt nó đi là phải. Bất cứ anh bộ độ con cháu Cụ Hồ nào trên đường Trường Sơn này vứt súng đi cũng đều không đáng chê trách. Người ở ngoài cuộc không thể hiểu được con người đã lao lực như thế nào. Tôi chua xót nghĩ đến cái vai gầy không còn thịt đã bị cái đế cối kia cạp cho tận xương, tới cái xương sống nhu lưng đê sông Hồng uốn lượn nao núng vào mùa nước đổ, tới hai hàng xương sườn nỗi vòng lên và suýt bật tung ra mỗi lần chiếc đế cối kia, vì một cử động nhanh hoặc bất thường, đè nặng xuống vai anh ta hơn, tới hai cái chân cũng bị những mảnh đá tai mèo róc hết thịt để lộ ra những chiếc xương cong dưới sức nặng cũng của chiếc đế sắt và mỗi bước đi, những cái khớp xương cứ khua lụp cụp như những ổ đạn của những chiếc xe lâu ngày không vô mỡ bò, tới những ngón chân như những cây gậy toè đầu đã để lại máu trên những phiến đá. Tôi nghĩ đến những bộ phận của con người bình thường nhất từ cái tóc, từ cái tai cho đến cái răng, cái mũi của anh chiến sĩ, quả tình đáng thương hại. Anh ta là một người không còn giống người nào trên trái đất kể cả tôi, là đồng bào, đồng hành, đồng chí của anh. Tôi vụt đứng dậy vì không hiểu sao tôi lại nghĩ rằng cái đế cối này là một nấm mộ dưới đó là một bộ xương đang rã ra và vong hồn còn treo lơ lửng đâu đó trên những cành cây trên đầu tôi.


Anh chiến sĩ đã không trút khỏi cái khối nặng của Bác và Đảng đặt trên lưng anh vì anh đi giải phóng Miền Nam với cái đế cối kia mà. Anh đã vấp ngã, tôi nghĩ vậy. Mà khi cái đế cối kia sau khi đã nằm chễm chệ trên lưng anh mấy tháng trời, nó nhân dịp đó mà trả ơn cho anh bằng cách là đè anh bẹp dí như một chiếc rập nhẹp đề một con chuột. Và trung thành với chủ nó cho đến giờ phút cuối cùng, cái khối sắt ấy đã lấy thân ra làm nấm mộ che đậy sương gió cho anh.


Tôi chua chát nghĩ đến nhân vật anh hùng của truyện dài Paven Coóc-sa-ghin trong "Thép Đã Trui". Vâng, thép trong xứ Việt Nam cũng đã trui như thế đấy và con người được gắn thêm cái danh hiệu vinh quang "đi giải phóng Miền Nam" cũng đã được trui như thế ấy.


(tiếp theo tại đây)

Đánh máy: Lê Thy
https://thaithuyvy.wordpress.com/