Monday, October 26, 2009

Cảnh sát Mỹ đánh sinh viên Việt

Tháng trước, một nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Việt bị giết tại Đại Học Yale. Tháng này, xem TV thấy chiếu cảnh một du học sinh Việt Nam bị cảnh sát Mỹ đánh đập dữ dội. Sự việc này được báo chí và truyền hình loan tin

San Jose Mercury: 4 San Jose cops put on leave after video shows student beaten (Bốn cảnh sát San Jose bị ngưng công tác sau khi một đọan băng hình chiếu cảnh cảnh sát đánh một sinh viên)

Trích báo Người Việt: Cảnh sát San Jose còng tay, đập dùi cui liên tục sinh viên Việt du học

Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên, người đại diện cho sinh viên Phương Hồ, nói với Người Việt, rằng chính ông là người cung cấp đoạn video quay hình cảnh sát đánh anh Phương Hồ cho báo chí. Ông giải thích lý do là vì "cảnh sát có nhiều điểm sai trái trong vụ này."

Luật Sư Hoàng Duyên cho biết ông đã nói chuyện với một số chuyên gia. Các chuyên gia nói "cảnh sát đã không đúng về mặt thủ tục khi bắt nghi can. Cảnh sát đã sử dụng vũ lực không theo các nguyên tắc đã được huấn luyện." Bên cạnh đó, hình ảnh trong video cho thấy cảnh sát không thể biện minh cho hành động của họ; họ đánh đập một người "đã bị khống chế."

Thêm vào đó, hình ảnh và âm thanh của đoạn video cho thấy Phương Hồ la khóc, có cả tiếng dùi cui kim loại đập vào người. "Tôi cho rằng nhân viên công lực đã đối xử với nghi can như súc vật," Luật Sư Hoàng Duyên nhận định.

"Ðiều này làm tôi sống lại ngày tôi nhìn thấy đoạn video đánh Rodney King trên TV," theo lời ông Roger Clark, một chuyên gia cảnh sát và là một trung úy cảnh sát thuộc sở cảnh sát trưởng quận hạt Los Angeles đã về hưu.

Phát dùi cui đánh sau cùng này đáng bị truy tố tội hình sự, theo lời ông Clark.

Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên nói với Người Việt, rằng "có những điểm tương đồng giữa vụ Rodney King và Phương Hồ." Tuy nhiên, vụ Phương Hồ "có tầm vóc lớn hơn, nghiêm trọng hơn," vì Phương Hồ không có tì vết trong lịch sử nhân thân.

Ông nói "vụ này đi ngược lại nhân quyền, là lý tưởng của nước Mỹ," và ông muốn "bảo vệ lý tưởng ấy."

Trong khi chờ đợi cơ quan trách nhiệm điều tra làm rỏ sự việc, chúng ta học được một bài học từ việc này: Dù nước Mỹ có rất nhiều tự do nhưng hãy xử dụng cái tự do một cách khôn ngoan đúng chừng mực. Lời nói có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Với nhân viên công lực, hảy cẩn thận, đừng ngang bướng một cách vô lý. Họ làm sai, làm không đúng, đừng cải, đừng la hét mà cứ bình tỉnh rồi thưa gửi với cấp trên của họ.




Saturday, October 10, 2009

Giải Nobel Hòa Bình 2009

Là một công dân Hoa Kỳ, tôi hãnh diện có một vị tổng thống đương nhiệm được giải thưởng Nobel. Nhưng, Obama đã làm được gì để được giải Nobel Hòa Bình. Nếu chỉ nói với kêu gọi hòa bình, giải trừ vũ khí nguyên tử, tôi nghĩ cả tỷ người trên hành tinh này, trong đó có tôi, cũng xứng đáng được tuyên dương.

Từ năm 1973, giải thưởng Nobel Hòa Bình đã hết ý nghĩa với tôi khi Kissinger và Lê Đức Thọ cùng được thưởng. Chính hai nhân vật này đã giết chết nền cộng hòa, chế độ dân chủ và sự tự do của một dân tộc. Hàng trăm ngàn người đã tiếp tục chết sau cái ngày gọi là lập lại hòa bình 27 tháng 1 năm 1973. Chết vì đạn pháo kích vô trường học. Chết vì chạy trốn bom đạn. Chết vì đói khát, bịnh tật trên vùng kinh tế mới, trong trại cải tạo. Chết trên đường tìm tự do.

Hãy coi chừng những kẻ nói dóc, nói nhiều, nói ngọt  :)

Saturday, September 26, 2009

Bãi khóa với lại biểu tình

Ngày đầu năm học, giáo chức, sinh viên và nhân viên của gần 10 trường đại học thuộc Viện Đại Học Công Lập California (University of California) đồng loạt bãi khóa (walk out) chống tăng học phí, chống cắt giảm ngân sách. Tăng học phí lên gần 30% cho năm tới thật là nhiều. Đóng tiền học cho con thật là đau. Tôi thông cảm và đồng ý rằng chúng ta cần phải nói lên tiếng nói với vấn đề học phí và ngân sách. Nhưng bải khóa, bỏ dạy, bỏ học là điều không thể chấp nhận được. Tôi đóng tiền học, đóng tiền thuế để con tôi đến lớp và các vị giáo sư, giảng viên đại học là công chức được trả tiền để dạy. Nếu quý vị chê lương thấp, cứ tự nhiên đi kiếm việc khác, kiếm trường nào trả lương cao hơn để dạy.

Kinh tế khó khăn. Dân không có việc làm, tiền đâu để đóng thuế. Nhà xuống giá, bỏ hoang, tiền thuế thổ trạch do đó cũng thất thu. Khi ngân sách của tiểu bang chi nhiều hơn thu, thì phải làm sao? Hổng lẻ tăng thuế? Chỉ một đường là phải cắt. Cắt những gì không cần thiết.  Nếu tôi bị mất việc làm, chắc chắn tôi không thể giúp con tôi học đại học được. Chúng phải nghĩ học để đi làm. Những chi tiêu không cần thiết như Cable TV (truyền hình cáp), internet, cell phones sẽ nằm trong danh sách cắt đầu tiên. Tôi thu nhập ít đi, đừng nói đến chuyện ra ngoài ăn, rồi đi du lịch này nọ. Quần áo mới sẽ không mua. Rách thì vá :D Hổng lẽ đi vay để xài?

Biểu tình chỉ hô khẩu hiệu chung chung, và không đòi hỏi cụ thể là phải cắt giảm thật nhiều lương của các vị lảnh đạo viện trưởng, viện phó, hiệu trưởng, hiệu phó, ... không vạch ra sự phí phạm ngân sách, thì cũng như không.

Chợt nhớ lại hơn 30 năm trước, ở Sài Gòn, mình cũng hào hứng với mấy vụ xuống đường biểu tình với lại bãi khóa để chống tham nhũng. Bố già lúc đó cứ ra rả cả ngày "Lo học đi, không thì đi quân dịch..." Có nghe đâu. Bây giờ, không biết mấy cô cậu nhà mình có bỏ học để tham gia biểu tình không đây?

Trích từ UCLA Daily Bruin:

Justin Tang, a third-year chemical engineering student, said he understands why pay cuts have to be made.

"I understand it's going to suck, but the state of California messed up," Tang said. "It's not the (UC Board of) Regents' fault."

Thursday, September 17, 2009

Xử phạt hành chính

The báo Pháp Luật Thành Hồ http://www.phapluattp.vn/news/trai-khoay/view.aspx?news_id=269729
... Công an xã cho biết Linh nhiều lần bị xử phạt hành chính về hành vi hành hạ vợ.

Hành hạ, đánh đập người khác thường xuyên, cơ quan bảo vệ pháp luật, chỉ có xử phạt hành chính. Tôi không rỏ xử phạt hành chính là chỉ có cảnh cáo hay phạt tiền. Như ở bên Mỹ này, là tên này "ủ tờ" ngay từ lần đầu.

Ở chổ khác, người ta chỉ mặc cái áo, viết vài dòng trên blog để cổ vỏ lòng yêu nước, chống ngoại xâm, chống tiêu cực là bị nhốt tù liền.

Đúng là chuyện trái khoáy.

Friday, September 11, 2009

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau

Đang theo dõi loạt bài phóng sự "Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau"  của báo Tuổi Trẻ, đến hôm nay (10 tháng 9) thì thấy đoạn này:

Thứ Năm, 10/09/2009, 09:21 (GMT+7)

Cùng bạn đọc

TT - Vì lý do ngoài ý muốn, chúng tôi xin tạm dừng hồ sơ "Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau". Chúng tôi sẽ tiếp tục đề tài này vào thời điểm thích hợp. Chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc.

Tuổi Trẻ

(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=336138&ChannelID=406)

Mất hứng. Chán. Vậy là có "sự cố" rồi. Thôi ta cắt và dán hai bài trước làm "kỹ nghệ" dzậy.

Bài 1, ngày 8 tháng 9 http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=335669&ChannelID=89



Thứ Ba, 08/09/2009, 06:31 (GMT+7)

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau

TT - Hơn 35 năm trước, những người con đất Việt đã nhận lệnh vượt trùng dương ra quần đảo Hoàng Sa canh giữ biển trời Tổ quốc. Họ tự hào ra đi trong tâm thế của người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Bây giờ nhắc lại, mắt họ rưng rưng, tim họ nghẹn lại khi Hoàng Sa vẫn còn trong tay nước ngoài.

Quân đồn trú Pháp - Việt chào cờ trên đảo Hoàng Sa

Từ số báo này, Tuổi Trẻ đăng tải hồi ức của những người từng canh giữ biển trời Hoàng Sa 35 năm trước. Thời gian dài trôi qua, nhưng những gì tận mắt họ chứng kiến, những gì họ trực tiếp tham gia không thể phai mờ trong tâm trí.

Kỳ 1:

Hoàng Sa trong ký ức một đảo trưởng

Ông Nguyễn Văn Đức
Cách nay đúng 40 năm, ông Nguyễn Văn Đức đã cùng các cộng sự vượt trùng dương đến với Hoàng Sa. Nhiệm vụ của ông là canh giữ biển trời Tổ quốc với chức vụ là đảo trưởng theo lệnh của Bộ chỉ huy biệt khu Quảng Đà. Lúc đó ông vừa tròn 22 tuổi, là một trong những đảo trưởng trẻ nhất từng làm nhiệm vụ trấn giữ tại quần đảo Hoàng Sa.

1. Mái đầu ông Nguyễn Văn Đức đã điểm muối tiêu của tuổi ngoài 60. Hỏi ngày nào đáng nhớ trong cuộc đời của mình, ông trả lời không chút đắn đo: "Đó là ngày 14-10-1969, tôi nhận được tờ sự vụ lệnh biên chế về trung đội Hoàng Sa ra đảo làm nhiệm vụ dưới chức danh đảo trưởng".

Buột miệng hỏi ông về những lo lắng trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, ông phản ứng: "Tại sao phải lo lắng? Đó là đất của cha ông mình để lại, là máu mủ thân yêu của Tổ quốc nên chúng tôi ra đi như lẽ bình thường, hiển nhiên. Chẳng có chút gì phải lo sợ khi chúng tôi đi trong tâm thế của một người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Khi đó quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, thuộc về người Việt, đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi".

Một ngày cuối tháng 10-1969, ông Đức cùng trung đội Hoàng Sa gồm 34 người và bốn nhân viên khí tượng rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đường làm nhiệm vụ. Sau hơn 24 giờ lênh đênh trên biển, Hoàng Sa thân yêu hiện dần lên trước mắt ông.

Ông Đức nhớ lại: "Lúc đầu biển khá êm, nhưng khi rời đất liền được khoảng hơn 100km thì sóng lớn dần. Từ xa Hoàng Sa hiện lên giữa nền xanh của đại dương. Bao bọc quanh Hoàng Sa là những rạn san hô rộng lớn, vì thế chúng tôi không thể cặp tàu vào được mà phải dùng canô để chuyển quân và quân trang vào đảo. Trên đảo có một tòa nhà lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, cao khoảng 8m, tường dày 2m dành cho đảo trưởng.

Trong phòng làm việc của đảo trưởng có một bức tường ghi tên tất cả những người lính đã ra đây giữ đảo. Và tên của chúng tôi đã được ghi lên đó, đó là niềm vinh dự lớn lao của một người con đất Việt. Xung quanh đảo là những rừng cây, tuy không to lớn nhưng cũng đủ để che chắn nắng gió cho lính đảo. Hình ảnh lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất tuyệt đẹp của Tổ quốc nơi xa đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ y nguyên. Xúc động lắm".

2. Ông Nguyễn Văn Đức kể: "Nhiệm vụ của chúng tôi là đo đạc, báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày. Anh em khí tượng làm nhiệm vụ quan trắc và báo cáo tình hình thời tiết để phục vụ cho tàu bè lưu thông trong vùng. Trang bị vũ trang lúc ấy không nhiều, chỉ có hai khẩu đại liên 50mm nhưng anh em vẫn kiểm soát được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tàu bè quốc tế ngang qua đều tôn trọng chủ quyền của chúng ta, và chúng ta cũng sẵn sàng hỗ trợ tàu bè khi gặp bão tố. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường dùng canô đi qua các đảo lân cận để chơi vì cảnh quan ở đây rất hữu tình. Đảo Cát, đảo Chim, đảo Elbe, đảo Duncan, đảo Drumond... chúng tôi đều đã đặt chân đến".

Tờ sự vụ lệnh quyết định điều chuẩn úy Nguyễn Văn Đức làm đảo trưởng Hoàng Sa tháng 10-1969 trong đợt thay quân thứ 38 của quân đội chính quyền Sài Gòn tại Hoàng Sa - Ảnh: Thế Anh

Trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng gắn bó với mảnh đất xa xôi của Tổ quốc, cựu chuẩn úy Nguyễn Văn Đức kể tiếp: "Khi thủy triều xuống, cả rạn san hô hiện lên tuyệt đẹp như một rừng hoa biển. Mỗi khi nhớ đất liền, anh em lại lấy vài cành san hô bỏ vô chậu, bắt vài con cá nhỏ ngồi ngắm nghía bên tách cà phê đen. Có sống ở đảo mới thấy nhớ đất liền, yêu quê cha đất tổ. Thời tiết ở đây khá ôn hòa nhưng gió mạnh lắm, nhiều khi anh em bị gió đẩy ngã sóng soài. Tuy vất vả, thiếu thốn nhưng anh em thấy vui và hãnh diện khi được trấn giữ biển đảo quê nhà".

Ông nói có hai di tích ở đảo Hoàng Sa ông không thể nào quên. Đó là cái miếu nhỏ ở góc đảo mà anh em lính đảo vẫn thường ra đó để tìm chút an bình giữa sóng gió.

Ông kể: "Mỗi khi sóng to gió lớn hay thấy lòng bất an, anh em chúng tôi thường tìm đến ngôi miếu. Lạ lắm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang khói là cảm giác ở xa đất liền như được gần lại. Hơn nữa, mùi nhang khói như gợi lên những tiềm thức về quê cha đất tổ, nhớ về nguồn cội. Đó là những điều cần thiết để những người con đất Việt như chúng tôi yên lòng nơi đầu sóng ngọn gió giữ gìn biển đảo của cha ông để lại. Cạnh đó là một nghĩa trang có hơn 30 ngôi mộ là hài cốt của những chiến sĩ người Việt ngã xuống vì bệnh tật nơi đảo xa, là nắm xương của những người con Việt đã nằm xuống sau những lần đụng độ với âm mưu xâm lược của ngoại bang.

Ở đó còn có cả hài cốt của những ngư dân từ miền Trung, miền Bắc gặp nạn trên đường mưu sinh. Và cũng có cả những nắm xương của lính nước ngoài bị chúng ta hạ gục khi âm mưu đánh chiếm đảo. Có một điều là chúng tôi không phân biệt địch ta khi họ đã ngã xuống, mỗi ngày rằm hay cuối tháng chúng tôi đều thắp nhang lên những nấm mồ hoang. Có lẽ đó là một nét đặc biệt của người Việt mình, là một hành xử đầy tính nhân văn, "lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn" mà mỗi người Việt chúng ta còn lưu giữ được từ dòng máu Lạc Hồng!".

Bia chủ quyền VN ở Hoàng Sa được dựng vào những năm 1930 (ảnh chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng)

3. Ngày 19-1-1974, ngày quân Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa - một phần máu xương của Tổ quốc VN, là ngày ông Đức cảm thấy đau đớn nhất trong cuộc đời mình. Ông xúc động kể lại: "Khi hay tin Hoàng Sa bị quân Trung Quốc tước đoạt bằng vũ lực, tôi đau đớn đến mức nước mắt không thể chảy được, lòng dạ như ai xát muối. Tôi biết ngoài kia những đứa con của đất Việt sẽ phải đổ máu vì quê hương. Tôi đau vì một mảnh đất tuyệt đẹp và giàu có của nước nhà đã bị ngoại bang vô cớ cướp đoạt. Đó là nỗi đau của một người con đất Việt!".

Là một người từng học và hiểu biết về luật quốc tế, ngay trong ngày Hoàng Sa bị chiếm đó ông đã âm thầm lục tìm lại những tài liệu liên quan, gói ghém cẩn thận nhằm làm bằng chứng chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Đó là tờ sự vụ lệnh đã nhàu nát và úa vàng vì thời gian.

35 năm sau, ông Đức quyết định liên hệ với chính quyền và báo Tuổi Trẻ để cung cấp những bằng chứng quý báu đó. Có lẽ những ai quen biết ông đều không mấy khó hiểu về hành động yêu nước của ông khi biết trong ngày 30-4-1975, ông đã từng xuống tàu để rời Việt Nam, nhưng trong một tích tắc của thời khắc lịch sử ông đã nhảy lại lên bờ, bởi ông biết không nơi đâu bằng quê hương.

Ông Đức lần giở lại tờ sự vụ lệnh năm nào rồi nói: "Chừng nào Hoàng Sa vẫn còn trong tay ngoại bang thì niềm vui vẫn chưa thể gọi là trọn vẹn được. Tôi sợ rằng lớp trẻ sẽ quên mất Hoàng Sa, sẽ quên mất một phần máu thịt của Tổ quốc, sẽ quên mất rằng có rất nhiều người con của đất Việt đã ngã xuống vì Hoàng Sa trong ngày đáng nhớ 19-1-1974". Có lẽ đó không chỉ là điều trăn trở của riêng ông.

THẾ ANH

(còn tiếp)


Bài 2, ngày 9 tháng 9 http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=335863&ChannelID=89


Thứ Tư, 09/09/2009, 16:05 (GMT+7)

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau - Kỳ 2: Biển động

Ông Lữ Công Bảy
TT - Tác giả câu chuyện này là người đã có mặt trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 35 năm trước: ông Lữ Công Bảy - quân nhân trên chiến hạm Trần Khánh Dư HQ-4. Sau ngày giải phóng 1975, ông Bảy vẫn ở lại VN, phục vụ trong lực lượng hải quân quân đội nhân dân VN. Hiện ông là nhân viên bảo vệ của Đài truyền hình VN tại TP.HCM.

>> Kỳ 1: Hoàng Sa trong ký ức một đảo trưởng

Khi tôi ghi lại những dòng hồi ký này, sự việc đã xảy ra 35 năm (1974 - 2009). Đã 35 năm trôi qua, những gì tận mắt tôi đã chứng kiến, những gì tôi đã trực tiếp tham gia trong trận hải chiến với hải quân Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19-1-1974 vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi.

Lúc bấy giờ tôi là thượng sĩ giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 (chiến hạm tối tân nhất của hải quân Sài Gòn thời bấy giờ) với chức danh hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành giám lộ, kiêm hạ sĩ quan phụ tá trưởng khối hành quân.

Với chức danh đó, lúc nào (trong nhiệm sở tác chiến hay hải hành) tôi đều phải có mặt thường xuyên trên đài chỉ huy, thường xuyên bên hạm trưởng Vũ Hữu San (trung tá hải quân). Nhiệm vụ của anh em chúng tôi là ghi lại nhật ký tác chiến, nhật ký hàng hải, xác định vị trí của chiến hạm, đồng thời nhận và chuyển những tài liệu bằng đèn và cờ.

Hôm ấy, ngày 16-1-1974, gió mùa đông bắc thổi mạnh trên biển Đông. Biển động mạnh. Chiến hạm chúng tôi đang tuần tiễu vùng biển Quảng Ngãi từ Sa Huỳnh đến cù lao Ré (đảo Lý Sơn). Đây đã là ngày thứ 14 lênh đênh trên biển. Chỉ còn một ngày nữa chiến hạm sẽ được về Đà Nẵng nghỉ bến, anh em thủy thủ đoàn rộn ràng nghĩ đến ngày được vào đất liền.

Chưa kịp dùng cơm trưa thì từ trung tâm truyền tin đưa lên đài chỉ huy một công điện thượng khẩn: lệnh cho tàu về ngay Đà Nẵng. 17 giờ tàu về đến quân cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa). Hạm trưởng San và đại úy Diên - trưởng khối hành quân, được lệnh lên họp khẩn cấp ở trung tâm hành quân Bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải. Từ trung tâm hành quân, hạm trưởng điện về tàu lệnh cho ban ẩm thực lên bờ đi chợ (tiếp tế lương thực).

20 giờ hạm trưởng San về tàu. Lệnh cấm trại 100% được ban ra. Ban cơ khí chuẩn bị bắt ống để nhận dầu và nước ngọt. Đến 21g, hai chiếc xe GMC chở một trung đội với đầy đủ vũ khí đạn dược xuất hiện. Lần đầu tiên trước mắt tôi được chứng kiến một toán quân mặc quân phục lạ lùng. Sau một hồi dọ hỏi tôi mới biết đây là lực lượng biệt hải. Tôi được lệnh từ đại úy Diên chuẩn bị hải đồ đi Hoàng Sa. 23g, tàu khẩn cấp rời cảng Tiên Sa trực chỉ Hoàng Sa. Tôi cảm giác có một chuyện gì lớn lao sắp xảy ra.

Ngày N+1

11g30 ngày 17-1, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 đã có mặt tại quần đảo Hoàng Sa. Trước đó ngày 16-1, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 do hải quân trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng cũng đã có mặt tại Hoàng Sa.

HQ-4 tiến gần đảo Vĩnh Lạc. Còi tác chiến vang lên, tất cả thủy thủ đoàn đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. 14 giờ, trung đội biệt hải được lệnh rời tàu trên ba xuồng cao su, 20 phút sau trung đội biệt hải đã đổ bộ lên rìa đảo an toàn và nhận lệnh tiến sâu vào đảo lục soát.

Báo cáo từ đoàn quân gửi về: không phát hiện gì ngoài vài nấm mộ hình như mới đắp, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi bằng chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước.

Các chiến sĩ biệt hải được lệnh đào bới các nấm mộ giả lên, hóa ra chẳng thấy xương cốt gì cả. Đây là những nấm mộ ngụy tạo mà ai đó đã dựng lên để chứng tỏ có người Trung Quốc đã sống và chết trên đảo mà thôi. 16g30, lực lượng biệt hải được lệnh rút về tàu.

Đến buổi chiều, phòng chiến báo theo dõi qua hệ thống rađa tầm xa đã phát hiện hai mục tiêu trên biển đang di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa. Từ nóc đài chỉ huy, các bộ phận quan sát bằng ống nhòm đã nhìn thấy hai tàu chiến lạ. Trung tâm chiến báo được lệnh theo dõi và báo cáo thường xuyên mọi hoạt động, hướng đi, khoảng cách của hai tàu trên.

Đêm 17 rạng 18-1 là một đêm cực kỳ căng thẳng. Còi nhiệm sở tác chiến báo động suốt đêm. Phía Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. Tàu HQ-4 và HQ-16 dùng tín hiệu cảnh cáo: Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay! Phía Trung Quốc đáp trả, cho rằng Hoàng Sa là của họ.

Tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc chặn đường tàu VN trên đường ra Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

Ngày N+2

Sáng 18-1, chiến hạm HQ-4 của chúng tôi tiến về đảo Cam Tuyền. Lúc 8g, trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ lên đảo. Sau khi lục soát chỉ phát hiện những nấm mộ mới đắp không hài cốt y như ở đảo Vĩnh Lạc.

Đến 11g, đài khí tượng và quân đồn trú đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ Trung Quốc xâm nhập và tiến gần đến đảo Hoàng Sa, tàu HQ 4 và HQ 16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi tiến đến gần tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc, tàu HQ-4 dùng tín hiệu cảnh cáo và đuổi đi nhưng cả hai tàu Trung Quốc cố tình khiêu khích.

Tàu HQ-4 tiến thẳng đến một tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc. Trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm. Tàu được trang bị hai thượng liên (một đằng trước mũi và một đằng sau lái tàu), ngoài ra có rất nhiều súng AK 47. Tàu HQ-4 quyết định áp sát mạn tàu đánh cá Trung Quốc để xua đuổi.

Hai bên đánh nhau bằng... võ mồm. Thấy không tác dụng, tàu HQ-4 lùi ra dùng mũi tàu ủi thẳng vào tàu Trung Quốc, mũi tàu HQ-4 và neo mũi vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái của tàu Trung Quốc. Trước thái độ cương quyết của hải quân VN, họ vội vàng tháo lui. Chiến hạm HQ-16 cũng quyết liệt xua đuổi tàu đánh cá vũ trang còn lại.

Cũng trong sáng 18-1, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5 do trung tá hải quân Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng được lệnh tăng cường ra Hoàng Sa. Cùng đi trên HQ-5 có đại tá Hà Văn Ngạc, được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Hoàng Sa. Ngoài ra, đi theo tàu có một trung đội người nhái (lực lượng đặc biệt của hải quân).

Lúc 15g30 chiều 18-1, lệnh đại tá Ngạc cho ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 sắp đội hình hàng dọc tiến thẳng về đảo Duy Mộng. Khoảng 16g, có hai tàu chiến Trung Quốc bắt đầu khiêu khích, cắt đường ngang mũi HQ-4 và HQ-16. Đội hình bị chia cắt không thể tiến lên được vì các tàu rất gần nhau, các khẩu đại bác sẵn sàng nhả đạn nhưng không ai được lệnh nổ súng.

Đêm 18 rạng ngày 19-1, tàu chiến và tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích, tiến đến gần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc. Tình hình dịu hơn khi tàu Trung Quốc rút lui về hướng bắc.

Đến nửa đêm, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 do thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng đã ra chi viện cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa.

LỮ CÔNG BẢY (còn tiếp)

>> Cùng bạn đọc

Tình hình tại biển Đông đột ngột trở nên căng thẳng vào ngày 11-1-1974 khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang được chính quyền Sài Gòn quản lý, là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, hải quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Trong các ngày kế tiếp, phía Trung Quốc bất ngờ đổ người lên các đảo của Việt Nam. Đến ngày 15-1-1974, quân Trung Quốc đã chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond)...

Ngày 12-1-1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc, đồng thời Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn đã đưa bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa để bảo vệ lãnh thổ. Và trận hải chiến Hoàng Sa đã nổ ra ngày 19-1-1974.

B.T.


Friday, September 04, 2009

Từng người, rồi lại từng người

"Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ... " (Tình Xa - Trịnh Công Sơn)

http://www.esnips.com/doc/39072e31-31e8-4ef3-8802-52caa9263c86/KL2--16.TinhXa

Từng người, rồi từng người, bỏ Verizon nhảy sang AT&T chỉ vì cái iPhone. Đầu năm, mấy thằng bạn thời đại học, ngồi lại với nhau. Đ bảo anh em mình nên làm cái application gì đó cho iPhone để kiếm thêm tiền. Hắn cho xem cái iPhone của hắn. Thích lắm. Thích kiếm thêm tiền. Thích thành công. Nhưng thú thực, hết hứng, để ngồi viết program. Mấy chục năm trước, mình có thể say mê quên hẹn hò, quên ăn, quên ngũ để ôm dàn máy computer. Computer programming là niềm đam mê của mình. Bây giờ: Không, không còn nửa. Bây giờ, có cái gì mơi mới, hứng thú, thì tự mình mầy mò xem qua một chút cho biết, Còn không, kêu đám đàn em. Phải chăng mình đã về chiều hay chán? Hôm nọ, một thân chủ, khách hàng lâu năm, khoe với mình cái iPhone mới. Mình bảo thầm trong bụng, thế là tốn phút trong giờ cao điểm rồi. Mình với ổng không còn mobile to mobile. Từ nay không còn nói thả giàn, nói bất cứ lúc nào, nói bất cứ ở đâu nữa. Thế là:
- I need back to work.
- Ok, bye
Chiều qua, nhận được email của xếp, nhìn thấy "Sent from my iPhone". Mình than thầm, rồi. Từ nay, mình chỉ text hay gửi email cho ổng.

Chơi iPhone hao "địa" quá. Mỗi tháng tốn thêm 30 đô so với cái chương trình bình thường. Không lẻ chơi iPod Touch? Chơi iPod Touch, làm sao mình đọc và viết email, lốc liếc khi đang đi xe hay đi vào vùng sâu, vùng xa. Những nơi không có wi-fi.

Không biết giới lảnh đạo của Apple có nhận ra cái sai lầm khi ký cái exclusive contract với AT&T hay Verizon nhận ra cái lỗi lầm của mình khi từ chối hay đòi hỏi quá nhiều ở Apple khi thương thảo mấy năm trước.

Monday, August 10, 2009

Đạo Đức của Chính Trị Gia

Cuối tuần xuống phố Bolsa, gặp bạn bè. Ai ai cũng nhắc tới chuyện nghị viên Andy Quách, uống rượu lái xe. Tớ bảo bạn bè: "Anh ta coi như xong. Sự nghiệp chính trị của nghị viên thành phố Westminster Andy Quách coi như chấm dứt. Kỳ bầu cử tới có tái cử cũng thất cử. Không ai bỏ phiếu, không ai ủng hộ góp tiền cho quỹ tranh cử. Uống rượu lái xe được coi như một lỗi khá nặng. Ngoài việc bị mất bằng lái xe, có thể bị tù giam.

Ở Mỹ, đời sống cá nhân được tôn trọng tối đa. Những giá trị đạo đức theo văn hóa Đông Phương, theo văn minh Thiên Chúa Giáo có lẽ không còn được tôn trọng nhiều như trước.Chuyện trai gái, hút sách,... là chuyện cá nhân. Công luận có thể dể dãi với người bình thường, với các thương gia, với các tài tử điện ảnh, với văn nghệ sĩ... nhưng với những nhà chính trị, những nhà lảnh đạo cơ quan công quyền, có lẽ hơi khắc khe. Các vị nghị sĩ, dân biểu, thống đốc, thị trưởng thành phố lem nhem một tý về chuyện này, chuyện nọ một tý, dù không phạm luật, họ cũng từ chức vì dư luận. Tổng thống Clinton xém bị truất phế vì chuyện hút xì gà trong tòa Bạch Ốc, nhưng người sẽ kế vị ông, Phó Tổng Thống Al Gore, đã trả một giá rất đắt trong kỳ bầu cử 2000.

Một điễm hay thứ hai liên quan đến chuyện nghị viên Andy Quách lái xe dưới ảnh hưởng của bia rượu là cảnh sát thành phố Westminster cũng còng tay ông lớn của thành phố, nghị viên thành phố, như còng tay một công dân khác. Họ hành xử một cách chuyên nghiệp và độc lập. Biện lý cuộc của hạt Orange (District Attorney hay viện kiểm sát nhân dân) cũng tiến hành thủ tục truy tố theo đúng pháp luật. No one above the law.

Wednesday, July 29, 2009

Học, học nửa, học mãi.

Tui ghét cay, ghét đắng cái lão đầu hói này nhưng ít ra, tôi thấy lão ấy nói đúng. Không biết ông ta có chôm chỉa câu nói này của người khác không. Ngày tui học xong đại học cũng là ngày tui thầm hứa không trở lại trường :) Coi như việc học tạm xong. Ai ngờ, mình còn phải học nửa. Kinh doanh: học. Đi làm công cho công ty khác: học. Kỷ thuật mỗi ngày một khác: học. Học làm người, học cách sống. Lang thang trên mạng, cũng là một cách học. Học để hiểu người khác, để hiểu chính mình, để sống, để tồn tại.

Ở tuổi trung niên này, tóc bắt đầu bạc, da sắp nhăn, cái bụng phình ra, ra vô văn phòng bác sĩ thường xuyên hơn, xách cặp trở lại trường là vấn đề. Vấn đề thứ nhất, học trước quên sau. Vấn đề thứ hai, tiền. Tiền đâu để đóng học phí. Một năm học cũng vài chục ngàn. Có nơi dù có cho học bổng toàn phần, tui cũngkhông dám nhận. Nhận rồi lấy tiền đâu để sống. Tiền đâu để duy trì cái lifestyle mình đang có. Thôi, tiền đó để cho con nó học. Vấn đề thứ ba, thì giờ. Thì giờ đâu cho công việc. Thì giờ đâu cho gia đình. Thì giờ đâu cho trường học. Nhưng mà muốn đổi nghề, muốn bon chen, phải cố gắng thôi. Tháng trước đi thi, thấy mình đâu có lẻ loi. Nhiều người cũng như mình. Nhìn họ, mình biết họ đã một cuộc sống ổn định, có sự nghiệp.

Mấy ngày nay, đi làm về là nôn nóng xem coi có thư không? Ngóng cái thư từ tiểu bang gửi về cho biết mình có đậu hay không. Ngóng để xem mình có may mắn ngáp phải ruồi hay không. Chứ kết quả, mình cũng đoán được là 90% là rớt. Những ngày luyện thi, kết quả không khả quan lắm. Kỳ thi của tiểu bang cho ngành này thuộc loại khó nhất nước, trằn ăn trăn quấn. Sáng thi viết, chiều thi khoanh. Lệnh mở đề thi ban ra là cắm đầu viết viết, khoanh khoanh. Chạy đua với thời gian. Cóc dám ngó nguợc, liếc xuôi. Cô bé tóc vàng ngồi bên cạnh, có cho xem, cũng không dám. Phao phiếc gì ở đây. Rớt đành chịu. Thua keo này, bày keo khác. Gian lận, coi như xong. Hết đường binh. Khỏi thi cử. Khỏi bước vào nghề này.


(Ảnh minh họa mượn từ blog Lời Quê)

Hy vọng, ngáp phải ruồi, để khỏi tốn 600 cho kỳ thi tới :)

Tưởng Bở

Cuối tuần, bà xã nói tui rằng có cái chương trình mua xe mới được chính phủ cho tiền. Nghe hấp dẫn quá. Thế là Google. Vô cái web site http://www.cars.gov của chính phủ để tìm hiểu cái chương trình Car Allowance Rebate System (CARS) hay gọi nôm na là Cash For Clunkers ra làm sao. À đổi xe củ lấy xe mới được chính phủ cho từ 3,500 đến 4,500 đô. Cái SUV 8 máy của mình hội đủ điều kiện, còn chạy được, chưa quá 25 tuổi, không bị cầm cố và có bảo hiểm liên tục một năm. Mọi chuyện buôn bán, thủ tục phải thực hiện tại dealer xe, không qua internet. Nhẩm tính với 4 ngàn rưởi của chính phủ cộng thêm tiền dealer tradein khoảng chừng 12, 13 ngàn nửa là cậu con có cái xe. Mình không phải bù thêm nhiều tiền. Trước có hứa với nó là vô đại học là bố cho một cái xế hộp mới.

Trong bụng thầm cám ơn đảng (Dân Chủ) và nhà nước (Obama). Đời đời ghi ơn chủ tịch, í quên tổng thống, Obama vĩ đại :)

Nhầm to. Sau khi đọc kỷ lại và ra ngoài dealer xe để kiểm chứng. Cái SUV uống xăng như uống bia của mình chỉ có 4 ngàn rưởi từ chính phủ. Chính phủ mua lại để đập bỏ làm phế liệu (scrap). Còn dealer mua lại (trade in) để bán, họ trả theo giá blue blook khoảng chục ngàn. Nếu bán được chục ngàn, giử lại để đi cho rồi.

Thằng bé nhà tui nói:
- Để con kêu thằng bạn cho con cái xe củ của nó rồi con mang trade in
- Xe còn chạy được không?
- Dạ, không.
- Vậy thì quên... đi. Chính phủ không mua.

Cuối cùng những cái xe uống xăng như xe của tui cứ việc thoải mái chạy trên đường phố. Tôi muốn góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm. Tôi tự hỏi ai là người thực sự được lợi từ chương trình này? Liệu những người nghèo đi cái xe cà rịch cà tang có đủ tiền để bù thêm khi mua xe hay không? Liệu cái mục tiêu của chương trình là giảm ô nhiểm, tiết kiệm xăng dầu và kích thích kinh tế có đạt được hay không?

Thôi thì có còn hơn không.

Monday, July 27, 2009

Blog ở Facebook

Facebook không chỉ là một mạng xã hội để giao thiệp, trò chuyện, chia sẻ hình ảnh, video nhưng bạn có thể viết blog ở đó, nếu muốn. Ứng dụng Note ở Facebook chính là blog ở Yahoo 360, Blogspot, Multiply, Wordpress. Lúc trước, có lúc tôi viết bài riêng để ở Facebook. Lúc khác, cắt và dán bài của mình từ Blogspot về. Cách này hơi bất tiện. Có nhiều người ở Facebook dùng ứng dụng của Xa Lộ để nhập blog của họ từ Yahoo 360 hay Yahoo 360 Plus về. Phải công nhận Xa Lộ cũng hay khi tạo ra một ứng dụng khá hửu ích như vậy. Tôi cũng thích nhưng trước khi gắn phần ứng dụng (application) từ thành phần thứ ba (third party) vào Facebook, đọc cái này cũng hơi chùn tay:


Thứ nhất, về vấn đề an ninh bảo mật, sự riêng tư. Với tôi, mấy ứng dụng của Facebook như mấy cái quiz, tôi thường "sạo", không bao giờ thành thật trả lời mấy cái quiz :). Cho nên, cái ứng dụng nhập blog của Xa Lộ không ngoại lệ. Với những ai viết blog hơi "nhạy cảm", nên cẩn thận. Thứ hai, Facebook có sẳn ứng dụng của họ rồi. Mình dùng luôn. Việc gì phải gắn lung tung hết ứng dụng này đến ứng dụng kia từ các nguồn khác nhau. Tôi kỵ nhất gắn quá nhiều nhu liệu vào máy điện toán của mình. Nó sẽ làm cho máy điện toán của mình chạy chậm lại. Thứ hai, phần ứng dụng này làm phần ứng dụng kia hư hỏng.

Những hình dưới đây sẽ minh họa tôi dùng phần Note của Facebook như thế nào:


Muốn nhập blog từ nơi khác về, bấm đường dẩn (URL) 'Edit Import Setting' ở góc bên tay phải.


Bạn có thể xem thêm bài viết này và video để biết thêm:

Friday, July 24, 2009

Tổng Thống Obama

Lần đầu tiên, hình như là như vậy, tui gọi Obama là tổng thống, kể từ ngày anh ta tuyên thệ nhậm chức :) Thế là tui change đấy nhé. Tuy tui không chọn Obama là tổng thống của tui. Nhưng, tui tôn trọng lá phiếu của đa số, của các công dân Hoa Kỳ khác trong đó có những bạn trên NET của tui, của con tui. Obama là người đứng đầu chính quyền, là đại diện của nước tui trong bốn năm, là tổng thống của tui. Con tui, nó sợ tui chửi hay buồn nên nó dấu. Nó không dám nói nó bỏ phiếu chọn Obama. Hahaha. Mình biết nhưng cứ lờ đi. Ngay cả cái áo thun của nó có hình Obama, thật ra tui rất muốn liệng vào thùng rác.

Không thích Obama nhưng tui thường dùng Obama là một điển hình để khuyến khích con em tui chăm chỉ học hành. Obama là một điển hình về một cái đẹp của nước Mỹ. Cơ hội cho những ai muốn tiến lên.

Từ ngày Obama lên làm tổng thống Hoa Kỳ, cái hộp điều khiển TV từ xa (remote control) nhà tui, thay hoài. Đúng là đồ Made in China. Tui bấm nút đổi đài liên tục mỗi khi thấy khuôn mặt của Obama trên màn ảnh nhỏ. Hôm qua mấy bạn ảo trên blog, trong "phố rùm" í ới báo cho nhau xem buổi họp báo của tổng thống Obama về chương trình cải tổ y tế. Tui thà xem Dark Blue và Mad Money của Jim Cramer còn hơn là nghe Obama nói dóc :D Tui không tin một người không có thành tích gì về mặt kinh doanh hay lảnh đạo về hành chánh sự nghiệp như Obama có thể làm được điều gì. Ở đời, nhiều khi, hay không bằng hên.

Nói dzậy, chứ vấn đề quan trọng, dính dáng đến quyền lợi của mình, mình đâu dám bỏ lơ :D Việc nước, việc nhà đâu thể bán cái cho người khác. Sáng nay, vô "phố rùm" HN, nghe anh chị em bàn luận về buổi nói chuyện của tông tông teleprompter, vui thì thôi. Đọc lướt bản tin tóm tắt trước khi đi làm: Obama ủng hộ kế hoạch đánh thêm thuế trên những người làm trên một triệu đô để có kinh phí cho chương trình bảo hiểm y tế.

Ừ, đánh thuế chết bỏ tầng lớp giàu có này đi. Nhất là đám ở Hollywood, New York,... Đừng có đụng đến đám tạch tạch xè chúng tôi. Nhưng mà nói dzậy có phải dzậy không? Hay là mấy cha nụi lại vẽ thêm một mớ luật để giúp đám tư bản né thuế và dân đen chúng tôi phải è cổ gánh.

Giờ tui phải đi cầy, nuôi thân, kiếm chút đỉnh để về hưu, rảnh rảnh sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề thời sự này. Trông vào chính phủ, chỉ có nước ngáp gió :D

Tuesday, July 21, 2009

55 Năm Chia Cắt

21 tháng 7 năm 1954 - 21 tháng 7 năm 2009: 55 năm trước đất nước bị chia cắt bởi ngoại bang thành hai miền, hai chế độ chính trị khác nhau, hai ý thức hệ. Hôm nay, đất nước thống nhất, nhưng lòng người vẫn ly tán. Tại sao?

55 năm, Nam Hàn và Bắc Hàn vẫn còn chia cắt về lãnh thổ nhưng họ có thể đứng chung một lá cờ thống nhất trong sinh hoạt thể thao quốc tế. Nam Hàn trở thành một cường quốc khi lảnh thổ vẫn còn sự hiện diện của quân đội nước ngoài. Tại sao?

55 năm, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, vẫn khác biệt nhau về chính trị nhưng có thể làm kinh tế, giao thiệp chung về mặt xã hội. Tại sao?

Saturday, July 04, 2009

Proud to be an American.


Nhìn tấm hình với hàng chử "Proud to be an American", tui hổng biết nói sao. Hảnh diện là người Mỹ thì có. Nhưng tại sao? cái gì làm cho tui hảnh diện? Hảnh diện vì chiều dài lịch sử. So với quê hương củ của tui, thua xa. Hãnh diện vì truyền thống anh hùng, đấu tranh chống ngoại xâm. So với Việt Nam, quê hương tôi với các anh hùng như bà Trưng, bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung, ... thì nước Mỹ hơi ít :D

Nói rằng tui hãnh diện vì kinh tế nước Mỹ hùng mạnh vào bậc nhất. Không hẳn. Nước Mỹ của tôi đang nợ như chúa chổm. Nhưng công ty, những sản phẩm biểu tượng cho nước Mỹ đang phá sản, phải bán cho nước ngoài.

Vậy cái gì làm cho tui tự hào là người Mỹ. Cái gì làm tui cảm thấy sung sướng, an tâm khi giơ cái sổ thông hành (passport) có chử ký của bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ cho nhân viên di trú ở Canada, Mexico, Nam Hàn, Nhật, Hồng Kông?

Phải chăng là vì ngày lể Độc Lập không phải học tập chủ trương chính sách, không phải thi đua, không bị cưởng bách phải treo cờ trước nhà? Phải chăng là tui thoải mái nằm dài ở bải cỏ công viên ngắm trời trăng mây nước và ngoác mồm ra chửi tổng thống Obama và các vị lảnh đạo chính trị mà "no star where" :D

Thursday, July 02, 2009

"Người tốt" đâu cả rồi ?

- Lm. Lê Quang Uy - 29/06/2009



Đầu tháng 5 vừa qua, khi có dịp đến thăm bạn bè cũ Nhóm Mai Khôi ở tiểu bang Virginia, tôi được dẫn đi thăm Viện Bảo Tàng Báo Chí ngay tại thủ đô Washington nước Mỹ. Viện Bảo Tàng được đặt tên với cách chơi chữ, ghép chữ rất khéo: NEWSEUM. Ở đây có nhiều cái lạ, cái hay lắm, tôi không biết làm sao kể cho hết, nhưng có một chi tiết nhỏ nhưng rất thấm thía tôi có thể chia sẻ với mọi người trong bài viết này, đó là một câu thuộc loại danh ngôn được khắc chữ to trên tường như thế này:
"IF A PERSON GOES TO A COUNTRY AND FINDS THEIR NEWSPAPERS FILLED WITH NOTHING BUT GOOD NEWS, THERE ARE GOOD MEN IN JAIL". Tác giả là ông Daniel Patrick Moynihan. Tôi về mở Google để tìm thì biết đây là một thượng nghị sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ, sinh năm 1927, mới mất năm 2003.

Tôi không rành tiếng Anh nhưng xin phép tạm dịch thoát ý thế này: "NẾU NGƯỜI TA ĐẾN MỘT ĐẤT NƯỚC NÀO ĐÓ VÀ ĐỌC ĐƯỢC TRÊN CÁC TRANG BÁO TOÀN LÀ CÁC TIN TỨC TỐT, THÌ ẮT LÀ NHỮNG NGƯỜI TỐT CỦA ĐẤT NƯỚC ẤY ĐANG BỊ NHỐT TRONG TÙ !"

Tôi đã định viết bài này đúng vào ngày 21.6.2009, Ngày Báo Chí Việt Nam, nhưng mà rồi lu bu, để đến bây giờ, tuy trễ hẹn một tuần, nhưng phải nói là giá trị ý nghĩa sâu xa của câu nói này làm chúng ta thấy đau đau, thấy buồn buồn ở trong lòng.

Đau và buồn là bởi hiện tại quanh ta đang có như thế thật. Những "người tốt" ta biết, ta nghe nói về họ, ta lại quý mến cảm phục họ về những việc họ đang làm, bỗng nhiên họ bị bắt với đủ các tội danh xấu xa tệ hại.

Cùng với câu nói vừa nêu trên, ta cũng nhận ra dạo này trên các trang báo và bài viết không theo "lề phải" cũng đang phổ biến một câu nói khác, cũng hết sức thấm thía, ngẫm nghĩ thấy xót xa chua chát, như một lời than thở, một cái chép miệng, lắc đầu ngao ngán. Câu ấy đại để là: "CÁI ÁC VẪN TỒN TẠI LÀ VÌ NGƯỜI TỐT CHƯA LÊN TIẾNG".

Đối với riêng tôi, có thể hiểu đó là một lời chất vấn lương tâm chính mỗi người chúng ta, nếu chúng ta còn muốn tự nhận mình là... "người tốt".

Người tốt trước hết là người không bao giờ làm điều xấu. Nhưng không làm điều xấu thì chưa hẳn đã được xếp vào loại "người tốt". Người tốt còn phải làm được nhiều điều tốt, trong đó có điều tốt quan trọng nhất, đó là làm sao cho cái xấu, nhất là cái ác, bị phát giác, lộ diện, phanh phui tới nơi tới chốn khỏi những lớp vỏ ngụy trang, đóng kịch. Thậm chí, cái ác và điều xấu, nó còn giả vờ là điều tốt mà đánh lừa mọi người. Ví dụ: Người tốt không bao giờ nói dối, nhưng người tốt cũng sẽ phản ứng ngay khi biết được có ai quanh mình nói không đúng sự thật, hoặc ít ra ngăn cản, can thiệp, lên tiếng cảnh báo, khuyên nhủ để sự dối trá không còn đất sống, hơn nữa, người ta sẽ ủng hộ, sẽ bênh vực, sẽ đứng về phía sự thật.

Đây là một trách nhiệm, một sứ mạng mà "người tốt" tự nguyện nhận vào mình, để sống cho mình và cho cộng đồng, chứ không ai có thể áp đặt ép buộc. Lương tâm của "người tốt" dường như tự mặc định sẵn như thế, không cần lý luận gì nhiều và lâu lắc trước một sự việc. "Người tốt" phản ứng nhanh, nhiều khi là phản ứng mạnh trước điều xấu, trước cái ác, gần như là vô điều kiện.

Và cũng phải nói hệ quả của một thái độ sống thẳng băng như thế giữa cuộc sống còn lắm điều lươn lẹo luồn lách, đương nhiên sẽ đẩy "người tốt" vào những hoàn cảnh bi đát. Thiệt thòi về vật chất, bị xúc phạm danh dự, và lắm khi phải chịu cảnh bắt bớ tù đầy oan khiên. Bù lại, tâm hồn "người tốt" luôn được bình an, lương tâm được ung dung thư thái.

Một giá trị khác hết sức lớn lao mà bản thân "người tốt" nhiều khi không ngờ, không nghĩ đến, ấy là cứ hễ có một "người tốt" bị bách hại thì cộng đồng lại dậy lên một sự khâm phục kính trọng kèm theo một sự thương cảm xót xa. "Trời ơi, tội nghiệp quá, ông ấy, chị ấy tốt như thế mà sao lại gặp chuyện khốn khổ thế này !?!" Thế rồi, trong tâm khảm có tiếng nói thúc giục người ta cũng hãy cố gắng mà sống tốt hơn, bớt sợ sệt, thôi không tránh né, để rồi đến một lúc nào đó, người ta cũng sẽ mạnh dạn can đảm phản ứng trước cái xấu, trước điều ác. Vậy là số "người tốt" không giảm đi mà lại tăng lên. "Người tốt" càng bị tiêu diệt áp chế thì lại càng có thêm nhiều "người tốt" khác góp tiếng nói dõng dạc cho cuộc đời.

"CÁI ÁC VẪN TỒN TẠI LÀ VÌ NGƯỜI TỐT CHƯA LÊN TIẾNG". Câu nói này sẽ không còn là "âm tính", là thụ động, nhưng sẽ trở thành một lời cảnh báo, lay động, thức tỉnh, khơi gợi cái "thiện căn ở tại lòng ta", để "người tốt" thấy nhất thiết và cấp thiết phải lên tiếng trước cái ác. Cái ác có thể hoành hành nhưng chắc chắn không thể cứ tồn tại mãi dưới ánh sáng mặt trời của Chân – Thiện – Mỹ.

Bài trích sách Công Vụ Tông Đồ dịp Lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô ( Cv 12, 1 – 11 ) kể lại câu chuyện của cộng đoàn tín hữu tiên khởi:

Vua Hêrôđê vốn là người Do Thái, là đồng bào với Chúa Giêsu và với các Tông Đồ, ấy thế mà lại ra tay ngược đãi Hội Thánh, rồi ra lệnh chém đầu ông Giacôbê. Vua lại được thể, cho bắt luôn ông Phêrô tống ngục, hai tay khóa bằng hai cái xiềng, lính canh bốn toán, mỗi toán bốn người. Hôm sau không khéo ông Phêrô cũng sẽ bị lôi đi xử chém. Bên ngoài, bà con trong Hội Thánh thương quá, xót xa quá, họp nhau lại cầu nguyện khẩn thiết.

Nửa đêm, ánh sáng chói lòa trong ngục, sứ giả của Chúa đến đứng cạnh Phêrô, lay Phêrô thức dậy, bật tung mọi xiềng xích, rồi dẫn Phêrô băng qua hai vọng canh, mở luôn cánh cổng sắt thông ra phố. Ông Phêrô còn đang ngẩn ngơ bàng hoàng thì sứ giả của Chúa biến mất. Cứ như mơ ! Phêrô tuyên xưng: "Bây giờ tôi biết thật sự Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do Thái muốn tôi phải gánh chịu !"


Thế đấy, "Người Tốt" Giacôbê và "Người Tốt" Phêrô đều bị bắt nhốt tù vì đã dám loan báo một "điều tốt", một "tin tốt" ( Phúc Âm – Euaggelion – Évangile – Gospel ) cho toàn dân. Giacôbê thì đã bị xử chém khá sớm ở Giêrusalem, còn Phêrô thì được Chúa cứu nhiều phen, nhưng rồi đến thời đến buổi, cũng bị giết tại Rôma. Nhìn theo góc độ của thế gian, rõ là thất bại, thất bại thảm hại ! Nhưng nhìn với chiều kích Đức Tin, những "người tốt" ấy làm được bao nhiêu là điều tốt, và điều tốt mạnh nhất, dữ dội nhất, là dùng chính cái chết của bản thân mình để định hướng cho Sự Sống của mọi người.

Vấn nạn "người tốt đâu cả rồi ?" thoạt tiên nghe sao mà nản chí quá, nhưng dõi nhìn hành trình của Hội Thánh xuyên qua lịch sử đen tối của thế gian, ta an nhiên xác tín: có một "Người Tốt" nơi vạn "người tốt", ấy là "Người Tốt Giêsu" vẫn đang sánh vai bên ta, mời gọi ta cũng hãy là những "người tốt", mời gọi ta hãy lên tiếng để cái xấu và điều ác bị đẩy lui. Và "Nước Cha trị đến !"

Ngay lúc này, khi Nước Cha chưa trị đến, "Người Tốt Giêsu" bảo ta: "Đừng sợ ! Bình An cho anh em ! Hãy theo Thầy !"

Lm. QUANG UY, Chúa Nhật Lễ Vọng kính Thánh Phêrô và Phaolô, Sàigòn 28.6.2009
(http://dcctvn.net/news.php?id=4165)

Saturday, June 20, 2009

Nhìn lại việc thi tú tài ở Việt Nam trước 1975

Hôm nay đọc ở Đàn Chim Việt Online, một tài liệu nói về chuyện thi tú tài ở Việt Nam trước năm 1975, thấy hay, xin mạn phép tác giả Nguyễn Văn Lục và DCVOnline.net cóp lại nơi đây để làm "kỷ nghệ" một tư liệu lịch sử và chia sẻ với những ai không thể vào đọc trực tiếp tại trang web

Phần 1: http://www.dcvonline.net/php//modules.php?name=News&file=article&sid=6427
Phần 2: http://www.dcvonline.net/php//modules.php?name=News&file=article&sid=6431

Tớ chỉ quan tâm đến vấn đề giáo dục, những chuyện khác, không dám bàn :D



Nhìn lại việc thi tú tài ở Việt Nam trước 1975 (I)

Nguyễn Văn Lục



Việc thi cử ở nước ta đã có một truyền thống lâu đời truyền lại. Miền Nam sau này việc thi cử phần nào cũng tiếp nối cái tinh thần của truyền thống ấy.Thật vậy, nước ta đã có gần 20 thế kỷ dùng chữ Hán kể từ thời Bắc thuộc. Và 10 thế kỷ chữ Nôm đánh dấu thời kỳ tự chủ.
Việc thi cử tính ra cũng được ngàn năm.

Cái truyền thống ấy được Nguyễn Hiến Lê viết lại như sau:
"Ở nước ta hiện nay, số hậu duệ của giai cấp ấy kể ra cũng còn được kha khá, nhưng số người còn giữ được nếp nhà thì hiếm đấy; và tôi nghiệm thấy người nào giữ được cũng có vài nét chung rất dễ nhận ra: không ham danh lợi, chăm nom sự dạy dỗ con cái, yêu nước, thích văn chương, chuộng nghề dạy học và hình như có khiếu dạy học nữa."
(Trích Mười câu chuyện văn chương, Nguyễn Hiến Lê, trang 82).


Quảng trường thi Nam Ðịnh (năm 1897), thí sinh phải tự làm lều và đặt chõng để viết bài
Nguồn: nguyentl.free.fr
Phải chăng truyền thống đó sản sinh ra những người thầy như giáo sư Hoàng Cơ Nghị, Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm hay như thi sĩ Đông Hồ mà lúc chết học trò khắc trên bia hai câu thơ như sau:

Ân sâu nghĩa nặng tình dài
Khóc thầy, khóc mãi, biết đời nào nguôi?


Cũng Nguyễn Hiến Lê viết về thầy Dương Quảng Hàm trong cuốn Hồi ký của ông:
"Tất cả học sinh trường Bưởi không ai không trọng thầy vì vậy. Mà các bạn đồng sự Pháp, Việt cũng quỳ thầy nữa. Thật đáng tiếc, thầy không thọ, mất trong những ngày đầu cuộc kháng chiến ở Hà Nội."
(Trích Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, trang 65).

Giáo dục miền Nam đã tiếp nối cái truyền thống kính trọng ông thầy ấy. Ở miền Bắc thì họ mang thầy ra tố khổ như trong bài viết của Trần Huy Liệu: "Bóc trần quan điểm thực dân và phong kiến trong quyển "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim" (Tập san sử địa, số 6, 1955).

May là cụ Dương Quảng Hàm đã chết sớm.

Và họ bắt học trò phải "Quyết tâm thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng" (Tập san sử địa, số 4, tháng 11, 12-1955, Hà Nội).

Trước đó, khoa cử còn thiếu, các đời Đinh, Lê về trước chưa có thi cử. Việc tuyển chọn người chỉ là tùy tiện, không câu nệ, nhưng lại cũng không có phép tắc gì.

Kể từ năm 1072, đời Lý mới mở khoa thi chọn người tài ra giúp nước.
"Con đường tìm người tài giỏi, trước hết là khoa mục, phàm muốn thu hút người tài năng, thì người làm vua một nước không thể nào không có thi cử"
(Trích Lịch Triều Hiến Chương loại chí (LTHCLT) của Phan Huy Chú, phần mở đầu chương Khoa Mục Chí).

Cái mục đích mở khoa thi đã rõ ràng: Chọn người có tài. Nhưng chọn bao nhiêu? Chọn thế nào?

Đó là cả một vấn đề. Việc thi cử thời xưa còn nhiều điều bât cập như: Cái học từ chương quá, tỉ lệ thi đỗ quá thấp. 1000 người lấy một. Có sĩ tử đã để cả đời đi thi mới đỗ. Ông Đoàn Tử Quang tham dự cả thảy 21 khóa thi từ năm 20 tuổi. Cứ ba năm thi một lần, mãi đến năm 83 tuổi mới thi đỗ. Ông nội Ngô Tất Tố 7 lần đi thi, bố Ngô Tất Tố sáu lần, phần ông Tố hai lần đi thi.

Mặc dầu thi cử khó khăn, nhưng tổ chức thi cử rất nghiêm ngặt. Luật lệ nghiêm minh như ông Đỗ Nhuận viết vào năm 1484:
"Việc lớn trong chính trị của Đế Vương, chẳng gì gấp bằng nhân tài… Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức, cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp."
(LTHCLC, phần Khoa Mục Chí).

Chỉ cần giữ lại mấy chữ: Lấy rộng rãi, cách chọn người công bằng. Đời sau không sánh kịp.

Nếu nhìn lại việc thi cử ở miền Nam, tôi chỉ thấy việc thứ nhất còn chưa ổn, việc thứ hai có lẽ cũng không thua gi việc thi cử đời Hồng Đức cả. Trừ giai đoạn chót của VNCH, việc thi cử xem ra có một số trường hợp bê bối. Đã có dư luận đồn thổi về tình trạng con ông cháu cha, kẻ có tiền của.

Sau này đến đời vua chúa triều Nguyễn, phép tắc thi cử cũng vẫn nghiêm ngặt như vậy. Nhà vua xem xét từng li từng tí việc học của các sinh viên trong trường Quốc Tử Giám.Ta hãy nghe lời phê phán vừa nặng nề vừa cho thấy mối quan tâm của vua Minh Mạng đối với tương lai giáo dục ra sao. Năm 1837, vua ra chỉ dụ:
"Thế mà nhìn lại các học quan chỉ biết chiếu lệ thường khảo hạch cho có, gọi là đã làm xong chức vụ, còn quy trình giảng dạy thi lên lớp, tiến bộ ra sao, trình độ học sinh như thế nào, không lưu ý tới, thì bảo sĩ tử gắng sức ở chỗ nào."
(Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ - Bộ Lễ - Q.192: Học Hiệu).

Thât ra miền Nam có khá nhiều kỳ thi: Thi tiểu học, thi nhập học lớp đệ thất các trường công lập, thi Trung Học Phổ thông dành cho các lớp đệ tứ và thi tú tài 1 và 2. Ở đây chưa kể việc thi trên Đại Học, thi tuyển vào trương chuyên nghiệp như Quốc Gia Hành Chánh, Đại Học sư phạm, các trường Kỹ sư (Phú Thọ) Điện, Công chánh, v.v...

Việc thi cử phần đông tiến hành tốt đẹp.


Chứng chỉ Tú tài
Nguồn: DCVOnline
Tôi chỉ đưa ra một tỉ dụ. Việc thi vào đệ thất các trường công lập khó mà tránh khỏi một số trường hợp quen biết gửi gắm. Nhất là tại các tỉnh. Cho dù có gửi gắm cũng không phải là ăn tiền hay hối lộ. Có thể chỉ vài trường hợp cá biệt, đơn lẻ. Vì thế vẫn bảo đảm được chất lượng thi cử. Bằng chứng rõ ràng tỉ lệ các học sinh trường công thi đỗ thường cao hơn trường tư nhiều vì có sàng lọc rồi. Nếu trường tư thi đỗ đạt tỉ Lệ 20% thì trường công, tỉ lệ thí sinh thi đậu tú tài là 75% đến 85% hoặc hơn thế nữa.
Nếu tuyển sinh đệ thất không minh bạch thì kết quả thi đỗ tú tài ở trường công tỉ lệ thi đỗ đã khác.

Có nhiều lớp, toàn thể học sinh đều thi đỗ. Đặc biệt một lớp ban B, trường Petrus Trương Vĩnh Ký, vào năm 1970, toàn thể học sinh đều thi đỗ hạng Bình trở lên. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp nhà trường dồn học sinh giỏi vào cùng một lớp. Sau này, lớp học này có nhiều học sinh xuất sắc được học bổng, đi du học và thành tài. Và một trong những học sinh ưu tú ấy, hai lần đỗ tú tài 1 và 2 hạng ưu, điểm trung bình toàn bộ các môn phải từ 16 trở lên và hiện nay ngoài công việc chỉ huy ở sở, anh đang giữ trọng trách với một tổ chức phi lợi nhuận.

Việc học còn từ chương

Việc này, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) ngay từ năm 1867 đã phê phán thẳng thừng và dứt khoát, ông viết:
"Nhìn lại sử học của ta ngày nay, 1867, những điều thầy dạy, những điều trò học, toàn là những chuyện xa xưa. Lúc nhỏ thì học văn từ, thơ phú, lớn lên ra làm việc thì lại thấy luật-lịch-binh-hình… Xưa nay, trên thế giới chưa từng nước nào có nền học thuật như vậy... Nếu đem cái công phu cả đời đem tâm trí ra trau chuốt chữ nghĩa mà học những việc hiện tại như trận đồ, binh pháp, đắp thành giữ nước, sử dụng súng ống thì có thể chống được giăc..."
(Trích Nguyễn Trường Tộ - Con Người và Di Thảo, Trương Bá Cần, trang 76, NXB Tp. HCM, 1988).

Rất tiếc những lời cảnh báo về cái học từ chương, "toàn những chuyện xa xưa" không được vua quan để ý tới và kéo dài cho mãi đến bây giờ.

Mặc dầu việc phê phán của Nguyễn Trường Tộ nhằm vào thời kỳ còn nặng nho học, nhưng cái tinh thần ấy vẫn còn rơi rớt lại sau này. Chẳng hạn trong chương trình tiểu học của miền Nam sau này. Học trò tiểu học phải học thuộc lòng các bài địa lý, lịch sử, cách trí. Học thuộc lòng ra rả như cuốc kêu. Kể thật cùng tội. Các lớp trung học, nhất là ban Vạn vật thì Vạn vật cũng là môn học thuộc lòng, môn học đào luyện trí nhớ tốn bao thì giờ công sức mà xét ra ít hữu dụng. Các môn sử ký, địa lý trong cách giảng dạy, trong cách chấm điểm còn nặng tính từ chương, thiếu óc phê bình, thiếu nghị luận. Ngay các bài giảng văn cũng được diễn giải một chiều, ước lệ, có bài bản sẵn, ít đi ra ngoài thông lệ, ít sáng tạo, thiếu cách đặt lại vấn đề, thiếu phản biện.

Nói chung là còn vướng mắc nhiều tinh thần lệ thuộc. Lệ thuộc người xưa, lệ thuộc sách vở và ngay cả lệ thuộc vào ông thầy.

Các lớp dạy luyện thi cho thấy học trò lệ thuộc vào ông thầy như thế nào.

Và đây là một lời dạy khuôn vàng thước ngọc:
"Các người lại không bắt chước người đời xưa sao, hay là chỉ lấy tiếng ư? Học trò tranh nhau mài gọt, gây dựng nhân tài, để làm việc nước, có vậy mới không phụ ý trong việc học, hậu đãi người hiền, mọi người đều phải kính cẩn tuân theo."
(Trích Đại Nam Thực Lục chánh biên).

Đại NamThực Lục chánh biên là sách ghi chép sử triều Nguyễn từ Gia Long đến Đồng Khánh, chia làm nhiều kỳ, mỗi kỳ là một đời vua. Có tất cả 6 kỳ.

Cái học lệ thuộc thầy, lệ thuộc "cours" còn tồn tại ngay ở các đại học. Sinh viên thi đỗ chỉ cần thuộc cours của giáo sư giảng trong lớp.

Thi cử lấy đỗ khá khắt khe.

Tiêu biểu cho sự khắt khe này là hình ảnh Vân Hạc trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố, một sĩ phu tài tuấn, có lương tri, có tài học mà lận đận với thi cử. Nó là bản cáo trạng đối với tổ chức lề lối học hành và thi cử thời xưa, lãng phí nhân tài và chất xám của đất nước.

Người viết đã truy tìm một số kết quả các kỳ thi Trung Học Phổ Thông và tú tài sau 1954 để cho thấy việc thi cử là khắt khe quá. Nhưng kết quả tìm tòi còn chưa được như ý muốn.

Năm 1950, đại học văn khoa Sài Gòn, ở đường Garcerie nay là Phạm Ngọc Thạch mới có 50 sinh viên theo học và 50 dự thính viên. Trường Khoa Học mới có 14 sinh viên đậu chứng chỉ P.C.B, 2 sinh viên đậu S.P.C.N, 3 sinh viên đậu toán đại cương, 2 sinh viên đậu vật lý đại cương. Năm 1954-1955 có 13 bác sĩ, 11 dược sĩ, cử nhân luật 159 và rất tiến bộ đã có 135 người đậu chứng chỉ khoa học.
(Trích Địa chí Văn hóa TPHCM, trang 743-745)

Một học sinh giỏi nhất lớp ở ngoài Bắc vào năm 1948, vậy mà trong học bạ của anh, không có điểm số nào anh đạt trung bình. Xem và đọc để thấy nó vô lý như thế nào!!!

Học bạ 1950
Nguồn: NVL

Giỏi nhất lớp, thông minh mà điểm chưa đạt trung bình? Và đây là nhận xét của giáo sư Dương Thiệu Tống, người đã còn giữ học bạ này của học trò gửi cho làm kỷ niệm. (gs Dương Thiệu Tống, trường Trung Học kiểu Mẫu, Thủ Đức)

Ông nhận xét như sau:
"Điểm nhận xét đầu tiên của tôi là điểm số các môn học ngày xưa sao lại thấp đến thế, ngay cả đối với học sinh đứng nhất lớp như các thí dụ trên đây.
(Trích "Suy Nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại", Dương Thiệu Tống, nxb Trẻ, trang 279-281)

Nhưng câu nhận xét sau đây của giáo sư Dương Thiệu Tống thật hơi lạ.
"Vậy phải chăng các thầy giáo chúng tôi ngày xưa không bị áp lực bởi thi đua đạt thành tích nên có thể cho điểm trung thực hơn? Phải chăng chúng tôi quá khắt khe với học sinh? Hay là học sinh ngày nay giỏi hơn xưa quá nhiều? Tôi xin phép dành các câu hỏi này cho các đồng nghiệp và các trường học của chúng ta suy ngẫm và tìm giải đáp."
(Trích như trên)

Giáo sư đã cho phép dành cho đồng nghiệp tìm ra giải đáp thì tôi xin được thưa với giáo sư như thế này. Giáo sư là thầy của nhiều thế hệ mà bản thân người viết bài này có thể chỉ là hàng con cháu. Giáo sư đã đi du học Hoa Kỳ mang về cái bằng Tiến sĩ giáo dục mà vấn đề cho điểm như trên, giáo sư lại thối thác không cho một giải đáp.

Thưa giáo sư, trồng cây thì phải có quả. Trồng tốt sẽ cho quả tốt. Trồng người cũng gần như vậy. Dạy học thì trò đi thi phải đỗ. Không đỗ thì phần trách nhiệm không nhỏ là do thầy, do chương trình, do xã hội. Điểm phi lý đến nực cười là cho điểm thì đều dưới trung bình mà lại đứng đầu lớp. Không lẽ học trò đều dốt cả? Cho dù thế nào đi nữa thì không có lý nào điểm thì kém, dưới trung bình trong khi lời phê của giáo sư thì nào là giỏi, thông minh, đáng khen. Như vậy thì nên căn cứ vào điểm hay vào lời phê? Lời phê như thế có phản ảnh đúng trình độ học sinh hay không? Giải pháp là xét lại thang điểm và thay đổi thái độ chấm bài, nhất là bài văn, cần kèm thêm các câu hỏi giáo khoa hay trắc nghiệm như sau này Bộ giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã đem ra áp dụng.

Thực ra khó khăn do thi cử và giáo dục thì ở đâu cũng có. Mỗi thời mỗi khó khăn khác. Như tỉnh Québec mà tôi đang ở. Mỗi năm dành 13 tỉ đô la dành cho giáo dục, vậy mà nhiều học trò trung học, ngay cả đại học còn viết đầy lỗi chính tả. Ngay ông Thủ tướng trong bài diễn văn đọc về cải cách giáo dục, người ta tìm ra được 13 lỗi phạm lớn:
"N'est–ce pas le premier ministre Jean Charest, qui dans un discours à l'Assemblée nationale, affirmait vouloir poursuivre ses efforts" pour améliorer la qualité de notre langue commune, le francais" alors qu'il remettait aux journalistes un texte comptant une douzaien de fautes majeures..." (Trích "Le grand mensonge de l'éducation", Luc Germain, Luc Papineau, Benoit Séguin, trang12).

Phải chăng ngay cả ông Thủ tướng Charest trong một bài diễn văn đọc trước Quốc Hội khẳng định trong nỗ lực tiếp tục "Cải tiến phẩm chất tiếng nói chung của chúng ta là tiếng Pháp," vậy mà, chính ông Thủ tướng đã phát cho các nhà báo một bản diễn văn trong đó tính ra có đến 13 lỗi phạm lớn.

Kinh nghiệm đi chấm thi tú tài 2 các bài Triết hay luận Pháp Văn, Anh Văn cho thấy hệ số bản thân người chấm, hệ số tin cậy và sai số do hai giám khảo chấm, cách nhau trung bình hai điểm, có khi là 4 điểm. Thường trước khi bắt đầu chấm, giám khảo ngồi thảo luận "thang điểm". Phần này thì cho bao nhiêu điểm, phần kia bao nhiêu điểm. Sau đó cộng lại các điểm đã cho. Sự sai biệt giữa hai giám khảo chấm cũng một bài là từ hai đến ba điểm, có khi 5 điểm cho thấy việc chấm thi thiếu công bằng, thiếu khách quan. Giả dụ bài Triết ban C, hệ số 4. Cách nhau 3 điểm, nhân 4 trở thành cách nhau 12 điểm. Quá bất công cho học trò, vì nhiều khi chỉ cần một điểm là đủ đỗ?

Kinh nghiệm bản thân khi tôi thi tú tài 2 ban C, chọn Pháp Văn làm sinh ngữ một. Bài thi bắt buộc là một bài luận văn chương Pháp chọn trong các tác giả thế kỷ 19 như Victor Hugo, Alfred de Vigny, Lamartine, Chateaubriand, v.v... Sinh ngữ 2 là anh văn thì gồm có một bài luận luân lý. Cả năm đã học theo chương trình như thế. Nhưng nghe tin đồn là năm nay, giáo sư Nguyễn Văn Lúa, giáo sư Pháp Văn đại học Văn Khoa xuống chấm thi. Không ai bảo ai, một số học sinh sợ ăn điểm một hai gậy của giáo sư Lúa bèn trốn ông, chọn Anh Văn làm sinh ngữ một.

Tên sao trùng với người thế. Gặp ông là lúa đời rồi. Ông nổi tiếng hung thần đánh rớt học trò. Vậy mà được đồng nghiệp kính nể. Anh Văn vốn tôi đã chẳng giỏi gì, phần lớn thời gian tự học lấy trong "Butterfly". Giọng đọc anh văn thì thầy còn đọc trật huống chi trò. Sang Mỹ này vừa chẵn 30 năm mà nói Mỹ vẫn chưa hiểu!!! Sau bài luận văn chương ép uổng đó, từ đó đến nay, tôi không hề dám viết một câu tiếng Anh nào nữa, mặc dầu việc biên khảo hiện nay, phần lớn, tôi đều dựa trên sách viết bằng tiếng Anh.
Nói theo kiểu giáo sư Dương Thiệu Tống, nói Mỹ nó không hiểu thì nó dốt hay mình dốt? Giáo sư Dương Thiệu Tống còn viết bài: Trẻ Chưa Ngoan, Nguyên nhân? Tôi thấy ông thật thà quá. Nguyên nhân chính là cộng sản mà ông cứ nói đâu đâu?

Ông Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Hơn nửa đời hư có kể đi dự thi concours để làm việc cho Pháp, thi mãi không đậu. Ông viết:
"Kỳ nầy, chua cay là rớt số Một, khít nút với người đội sổ. Gặp thầy bói tên Trần Thúc Sanh, coi tay và coi tướng, nói mình về già tốt phúc, năm nay không đậu vì tiểu nhơn ám hại, muốn đậu phải liều như đánh bài thua. Nhưng mình vẫn nhất quyết "Không liều như đánh bài," chỉ còn tự trách còn óc mê tín, tin dị đoan và vẫn đi xem bói." Cuối cùng ông kết luận: "Cám ơn đã được thi rớt."
(Trích Hơn Nửa Đời Hư, Vương Hồng Sển, trang 226-228).

Nói chuyện với mấy vị giáo chức lớn tuổi, họ thường ân hận là trong đời đi dạy, họ đã chấm điểm ngặt nghèo qua. Vì mình mà có đứa phải đi lính, có đứa biết đâu vì thế chết ngoài mặt trận.

Sau đây là kết quả các kỳ thi tú tài 1 và tú tài 2 vào niên khóa 1954-1955 cho thấy kết quả thí sinh thi đỗ là bao nhiêu của hai chương trình Việt và Pháp lúc bấy giờ.


Bảng 1: Kết quả kỳ thi tú tài I và 2, chương trình giáo dục Việt Nam 1953-1954, Sài Gòn-Nam Bộ
Nguồn: Việt Nam niên giám thống kê, trang 126-130

Bảng 2: Kết quả kỳ thi tú tài 1 và 2 chương trình Pháp 1954-1955
Nguồn: Việt Nam niên giám thống kê, trang 126-130


Một vài nhận xét

Tú tài Việt

Đây là năm cuối cùng của việc thi cử trong hệ thống giáo dục của Pháp.

■ Nên nhớ rằng, chính phủ quốc gia chỉ mới công bố chương trình thi lấy bằng Trung Học Phổ thông đệ nhất cấp kể từ 1950. Khóa 1, tháng sáu/1950, khóa 2 vào tháng 9/1950.

■ Vì thế không lạ gì số học sinh trường Việt dự thi ít hơn trường Pháp đến gần một nửa. Điều đó cho thấy việc học chỉ dành cho những người có tiền của, loại con ông cháu cha khác hẳn kỳ thi năm 1955-1956. Trường Petrus Ký, Gia Long mới chỉ bắt đầu mở các lớp đệ thất dạy chương trình Việt, nhưng vẫn duy trì một số lớp chương trình Pháp.

■ Tỉ lệ tú tài 1: thí sinh thi đỗ tú tài 1, Việt Nam, kỳ 1 là 25% cộng cả hai kỳ là 35%. Thấp.

■ Tỉ lệ thí sinh bỏ dự thi tú tài 1, kỳ 2, rất cao. Điều đó cho thấy, người giỏi thì đỗ ngay kỳ đầu, người không học, sau khi thi thử kỳ đầu, không đậu đã bỏ luôn, không dự kỳ khóa hai. Đáng nhẽ phải có hơn 800 dự thi khóa hai, chỉ còn hơn 500 dự thi khóa hai. Đã có khoảng 300 người bỏ cuộc. Cho dù thi lại, tỉ lệ thi đậu chỉ hơn 10% so với kỳ đầu là 25%.

■ Tỉ lệ tú tài 2: Những người thi tú tài 2 đều giỏi vì đã được sàng lọc trong kỳ thi tú tài 1. Vì thế tỉ lệ thi đỗ rất cao so với tú tài 1. 70%. Số lượng những người tham dự kỳ thi tú tài 2, khóa hai cũng rất cao, chỉ vắng mặt vài chục người, vì họ tin rằng họ có thể thi đậu nên không bỏ cuộc.

■ Tỉ lệ thi Trung học đệ nhất cấp đậu cao, đến hơn 50%.

■ Những con số thi cử này sẽ thay đổi nhiều trong các năm tới khi có số đông học sinh di cư vào Nam cũng như các trường trung học mở ra khắp nơi.

Tú tài Pháp

■ Nhận xét thứ nhất là thi tú tài Pháp gay go và khó đỗ hơn tú tài Việt. Vì họ chỉ thi có một kỳ, không có kỳ 2. Tỉ lệ thí sinh thi đậu chỉ đạt 20- 25%. Vì thế sau này không lạ gì, nhiều học sinh đổi sang trường Việt học thi cả hai kỳ thi Việt Pháp. Tại trường Cao Bá Nhạ, gần đường Cống Quỳnh, Trần Hưng Đạo, có một trung tâm luyện thi dành cho học sinh chương trình Pháp thi tú tài Việt. Ai là người đã học trong hai lớp này?

■ So sánh hai bảng thì kết quả thi cử Việt Nam cho đỗ nhiều hơn thí sinh người Pháp. Phải chăng học sinh Việt Nam học giỏi hơn người Phảp, chăm hơn người Pháp? Tôi nghiêng về lý do giám khảo Việt Nam chấm rộng hơn giám khảo Pháp.

Và đó phải coi là một ưu điểm, tiến bộ về phía giám khảo Việt Nam.

Thi cử qua các kỳ thi tú tài 1 và 2 ở miền Nam là công bằng vì tổ chức chặt chẽ và vì lương tâm nhà giáo.

(Còn tiếp)


© DCVOnline

Monday, June 15, 2009

Lê Công Định

Một trong những tin tức nổi bật từ trong nước ra hải ngoại mấy ngày nay là việc luật sư Lê Công Định bị bắt. Một luật sư trẻ, có tài, có tương lai và khá thành công. Nhà ở Phú Mỹ Hưng, quận 7. Văn phòng ở quận 1. Vợ củ là một hoa hậu. Vậy, cái gì đã làm luật sư Lê Công Định bỏ hết tất cả để làm cái công việc nguy hiễm như vậy?

Phải chăng là do lòng yêu nước.

Google trên web, tìm được bài phóng sự này ở báo Tuổi Trẻ. Trong bài có đoạn làm tôi chú ý:
Năm 1989, Định mới ra trường, vào làm việc ở Phòng Công chứng số 1. Ngoài công việc phụ tá cho công chứng viên, Định biết tiếng Pháp nên được giao thêm việc thống kê sắp xếp kho tài liệu dưới tầng hầm của tòa nhà 89 Nguyễn Du. Đó vốn là trụ sở của phòng chưởng khế Sài Gòn trước 1975.

Sáng công tác chuyên môn, chiều làm trong kho tư liệu. Vừa làm vừa tò mò đọc xem thời trước người ta hành xử công việc pháp lý như thế nào. Càng đọc, Định càng sửng sốt khi những kiến thức của một cử nhân luật như mình lại không hiểu hết một văn bản pháp lý của nền hành chính cũ. Trong đầu Định một ý nghĩ lớn dần: trước đây VN từng có một nền văn minh pháp lý rất chuẩn mực.

Tuesday, June 09, 2009

Một đá chọi bốn chim

Mấy tháng trước cứ ấm ức: Tại sao cái thằng Wordpress hổng cho mình gửi bài bằng email. Hôm nay, lục lọi mãi mới thấy:
http://en.blog.wordpress.com/2009/05/12/post-by-email/

Trước đây mình chỉ có thể đăng bài qua email tới Blogspot và Multiply.
Mail-to-Blogger
Can I post on my Multiply site by sending an e-mail?

Rồi mò mẫm ở trên internet, mình biết cách để Facebook tự động nhập blog của mình vào phần Facebook Notes.
Importing Blogger into Facebook Notes

Từ giờ trở đi, mình có thể một đá chọi bốn chim: Blogspot, Facebook, Multiply và Wordpress. Sân chơi nào cũng có mặt. (Bon chen :D) Viết một lần có bốn bản, không phải tốn công cắt và dán vô từng nơi. Không phải lo dọn nhà. Không lo mấy ông chủ đất dịch vụ blog đóng cửa. Kế tiếp, cố viết cho hay, cho vui.

Chú ý: Bạn nào bắt chước mình, dùng email post bài, nhớ cẩn thận. Nếu không, ai đó dùng email để gửi bậy bạ vô blog ngoài ý muốn, kẹt :)

Monday, June 08, 2009

Dọa kiện UBND xã vì thiếu... gái chưa chồng

Phóng sự này VTC News đăng từ hôm 20 tháng 5, hôm nay mới đọc. Không có vợ, đôi khi cũng sướng mà. Việc gì phải khẩn trương thế?  :D

Dọa kiện UBND xã vì thiếu... gái chưa chồng
20/05/2009 9h59 (GMT+7)

(VTC News) - Mới đây, do bức xúc chuyện con trai mình không lấy được vợ, mấy ông bố bà mẹ kéo lên UBND xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) dọa kiện các lãnh đạo vì tội… "nối giáo cho giặc".

 

> Chuyện về những đám cưới "tàu nhanh" và hôn lễ trong... đêm

> "Chém" gia đình cô dâu tới 100 triệu đồng vì công... làm mối

 

Anh Hoàng Văn Phú, Trưởng Công an xã Đại Hợp cho biết, người dân trong xã có "truyền thống" xuất ngoại từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

 

Ngày đó, những người xuất ngoại chủ yếu là nam thanh niên có khả năng đi biển. Họ thường đi thuyền dọc ven biển Trung Quốc rồi nhập cảnh trái phép vào Hồng Kông.

 

Hàng chục cô gái xếp hàng cho đàn ông Hàn Quốc chọn.

 

Tính đến nay, xã Đại Hợp đã có hơn 3.000 lượt người xuất cảnh và có tới 1.000 người đã xuất cảnh ra nước ngoài. Ngoài những đối tượng xuất cảnh trái phép, đi lao động nước ngoài, số còn lại hầu hết là chị em phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông…

 

Cả xã Đại Hợp có 2.500 nhân khẩu, thì có tới gần 700 phụ nữ xuất ngoại lấy chồng. Tuần nào trước cổng UBND xã cũng thay tấm biển mới niêm yết danh sách những cô gái lấy chồng ngoại.

 

Cứ năm nhiều bù năm ít, tính ra, trong vài năm gần đây, có đến 50% phụ nữ đến tuổi lấy chồng đã xuất ngoại tòng phu. Điều đó đồng nghĩa với việc 50% số đàn ông ở Đại Hợp có nguy cơ ế vợ, nếu không đi "ăn cỏ đồng khác".

 

Có một điều thực tế là sự mất cân bằng giới đang diễn ra rất nghiêm trọng ở Đại Hợp. Các nam thanh niên ở đây rất khó lấy vợ.

 

Phần lớn thời gian trong năm thanh niên ở Đại Hợp lênh đênh trên những chuyến tàu đánh bắt xa bờ. Chỉ những ngày con nước, sóng to gió lớn là họ ở nhà. Tranh thủ thời gian ít ỏi này họ kéo nhau đi hỏi vợ.

 

Tuy nhiên, khi đến nhà các cô gái tìm hiểu, bố mẹ các cô đã "phục" sẵn ở cửa bảo: "Em nó có nơi có chốn rồi, anh đi tìm hiểu chỗ khác nhé!". Thực tế, con gái họ chưa có nơi chốn nào cả. Những ông bố bà mẹ này nói vậy vì đang nhờ mối tìm cho con gái mình một tấm chồng Hàn Quốc.

 

Lực lượng công an xã  tiếp xúc, tuyên truyền cho các ông bố, bà mẹ về mặt trái của việc lấy chồng ngoại để tránh những "sự cố" có thể xảy ra.

 

Để lấy được vợ, thanh niên Đại Hợp phải đi tìm hiểu ở các xã khác, huyện khác. Thậm chí, đã có rất nhiều đám cưới mà chú rể là người Đại Hợp, còn cô dâu ở tít trên Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu… 

 

Mới đây, do bức xúc chuyện con trai mình không lấy được vợ, mấy ông bố bà mẹ kéo lên UBND xã Đại Hợp dọa kiện các lãnh đạo vì tội… "nối giáo cho giặc". Các cụ yêu cầu không được cho con gái ra nước ngoài lấy chồng nữa.

 

Anh Hoàng Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp hiểu tâm trạng các cụ, song nếu không xác nhận cho họ kết hôn khi họ có đủ thủ tục theo luật hôn nhân, thì họ sẽ kiện anh ra tòa. 

             

Bại liệt, nghiện ngập, phạm pháp… cũng OK!

 

Phần lớn các cô gái ở Đại Hợp cứ 15-16 tuổi là bỏ học, đi tập nấu ăn, đến khi đủ tuổi kết hôn là "tậu" chồng ngoại. Anh Tiến đã từng hỏi một cô gái có ý định lấy chồng Hàn Quốc rằng: "Tiêu chuẩn của người đàn ông để em lấy làm chồng là gì?". Cô nàng lớn lên từ cây lúa, củ khoai này vô tư trả lời: "Chồng phải có lương ít nhất 5 triệu một tháng cháu mới lấy!". Với tiêu chuẩn đó, mấy cô gái quê mùa này không thể lấy được chồng Việt mà phải lấy chồng ngoại.

 

Những bi kịch đằng sau tình trạng lấy chồng nước ngoài kiểu mua bán được báo chí đăng tải rất nhiều, và được dán ngay trước UBND xã, song các cô gái vẫn ôm mộng xuất ngoại.

 

Có một thực tế là đã xảy ra rất nhiều bi kịch và nước mắt xung quanh chuyện lấy chồng ngoại.

 

Trong đám cưới của cô Y. ở thôn Quần Mục, không ít người đã nhỏ lệ xót thương khi chứng kiến cảnh mọi người phải xốc nách chú rể khiêng đi vì "cụ" bị bại liệt. Rồi cô D. nhắm mắt theo một anh chồng nghiện, từng có tiền án tiền sự, đã từng có 4 đời vợ, một với người trong nước, 3 với các cô gái Việt.

 

Nhiều ông bố bà mẹ vì mong con được lấy chồng ngoại đã "cắm" sổ đỏ nhà cửa, bán trâu bò, vay nặng lãi… 

 

Tuy nhiên, theo ông Tiến, đến thời điểm này, chỉ có chừng 10% các cô gái xuất ngoại lấy chồng đạt được mục đích kinh tế, lại có cuộc sống hạnh phúc, phần lớn là gặp bi kịch. Rất nhiều ông bố bà mẹ vẫn đang ngồi trên đống lửa vì cả năm trời không liên lạc được với con gái.

 

Nhiều cô gái ở đây biết rằng lấy chồng ngoại không khác gì đem cuộc đời mình ra đánh xổ số.  Vậy tại sao các cô gái vẫn nuôi mộng lấy chồng ngoại?

 

Theo ông Tiến, mục tiêu của các cô gái không phải được sống hạnh phúc với chồng, mà để được sống ở xứ lạ giống như trên phim ảnh. Do đó, chồng có già cả, xấu xí thế nào với họ cũng không quan trọng.

 

Để lấy được vợ Việt, những ông chồng ngoại này phải bỏ ra một số tiền rất lớn, hàng chục ngàn USD. Mất nhiều tiền, sợ mất vợ, nên họ thường nhốt vợ trong nhà, giữ hết các giấy tờ tùy thân, không cho đi làm.

 

Những cô gái Việt lấy chồng ngoại thường có toan tính khác, nên không thể chấp nhận cuộc sống như một oshin, do đó, chỉ sống với chồng thời gian ngắn, họ liền tìm cách bỏ chồng, hoặc trốn ra ngoài kiếm việc làm.

 

Qua thống kê, có đến 80% các cô gái lấy chồng Hàn Quốc đều bỏ chồng chỉ trong thời gian rất ngắn. Có nhiều vụ mấy ông chồng nước ngoài quỳ lạy van xin các cô gái Việt đừng bỏ mình, song các cô nhất định cứ bỏ, cứ tìm cách trốn.

 

 

 

Họ thường trốn ra ngoài tìm việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp, hoặc làm thuê trong các cửa hàng. Phần lớn các cô gái Việt làm việc trong các tiệm uốn tóc, làm móng tay, móng chân…

 

Khi kiếm được vài trăm triệu, có được lưng vốn thì họ ra đầu thú với cảnh sát, sẽ được trục xuất về nước.

 

Có một thực tế, hiện có rất nhiều cô gái từng lấy chồng nước ngoài, sau khi có tiền về nước sống hoang phí, ăn mặc lố lăng, quần áo xẻ trên xẻ dưới, tóc tai, móng tay móng chân nhuộm xanh nhuộm đỏ… đã ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa xóm làng. Lớp trẻ lớn lên, thấy sự hào nhoáng đó lại tiếp tục đua đòi lấy chồng ngoại.

 

Có một chuyện khá bức xúc với chính quyền xã, đó là hiện tượng sinh con thứ ba diễn ra rất nhiều trong xã. Mỗi năm, có đến cả chục trường hợp sinh con thứ ba. Những trường hợp này thường rơi vào các gia đình đã gả hết con cho người nước ngoài và những gia đình sinh toàn con trai, muốn kiếm thêm một cô con gái để gả ra nước ngoài những mong đổi đời.

 

Điều buồn hơn là nơi đây đã xuất hiện những đứa con lai không có bố. Cuộc đời của những đứa trẻ này sẽ rất thiệt thòi và nó chính là hậu quả lâu dài của những cuộc tình toan tính.

 

Phạm Ngọc Dương


(http://www.vtc.vn/phongsukhampha/doa-kien-ubnd-xa-vi-thieu-gai-chua-chong/214493/index.htm)

Quê hương ơi sao vẫn còn xa

Ngày xưa, nghe bài hát này chỉ cảm ti tí :D phê. Bây giờ 30 năm xa quê, sao phê quá. Thấm đến tận cùng nổi nhớ quê nhà.

Huế Sài Gòn Hà Nội - Khánh Ly and Trịnh Công Sơn
"Huế Sài Gòn Hà Nội Quê hương ơi sao vẫn còn xa. Huế Sài Gòn Hà Nội bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ. Việt Nam ơi còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau..."
http://www.youtube.com/watch?v=UZQ2bWPofwE