Wednesday, February 23, 2011

Bình luận về bài báo của Tuần Việt Nam: Sự thật về sự kiện Hoàng Sa 1974

Qua bài báo của Tuần Việt Nam "Sự thật về sự kiện Hoàng Sa 1974"
(http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-22-su-that-ve-su-kien-hoang-sa-1974), báo chí của nhà nước CHXHCNVN không còn gọi chính quyền VNCH là "ngụy quyền" Sài Gòn như trước đây. Đó là điểm tiến bộ thứ nhất. Điểm tiến bộ thứ hai là bây giờ mới nói lên một sự thật. Dù muộn màng nhưng vẩn còn hơn không.

Trích đoạn từ Tuần Việt Nam:

Trận hải chiến sinh tử tháng 1/1974

Bất chấp thực tế chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành cuộc xâm lược quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 khi nó đang được quản lý bởi Chính quyền Sài Gòn.

Từ đầu tháng 1/1974, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động khiêu khích quân đội của Chính quyền Sài Gòn đang đồn trú, thực hiện sự quản lý trên quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 11-1-1974 khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang được chính quyền Sài Gòn quản lý, là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, hải quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Ngày 12-1-1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc

Ngày 16/1/1974, Chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên bố với những bằng chứng rõ ràng về pháp lý, địa lý, lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo. Đồng thời Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn đã đưa bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa để ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa của lực lượng vũ trang Trung Quốc nhưng với thái độ ôn hoà, kiềm chế.

Ngày 18/01/1974, Trung Quốc tăng viện thêm quân, chiến hạm tới quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 19/01/1974, Trung Quốc và Việt Nam Cộng hoà đã có trận hải chiến ở khu vực đảo Quang Hoà.

Ông Lữ Công Bảy, người đã có mặt trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 35 năm trước trong vai trò là thượng sĩ giám lộ trên chiến hạm HQ-4 hồi tưởng lại: "Đúng 8g30, phía Trung Quốc nổ súng trước. Một loạt đạn đại liên và cối 82 bắn vào đội hình người nhái Việt Nam làm hai binh sĩ tử thương và hai bị thương. Nhưng chỉ huy phía Việt Nam không thể ra lệnh cho các tàu nổ súng vì lực lượng người nhái đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm.

Đúng 10g20, bốn chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16 đồng loạt khai hỏa. Như đã chuẩn bị trước, hạm trưởng Vũ Hữu San ra lệnh "bắn". Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung lên bần bật vì trúng đạn, vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa.

Chiến hạm HQ-4 chạy uốn lượn như con rắn, hết sang phải lại sang trái nên đã tránh được loạt đạn đại bác của đối phương. Thế rồi các cột nước bùng lên, đạn rít xung quanh tàu vèo vèo. Một mảnh đạn phạt lủng đài chỉ huy, văng ra trúng chân trung úy Roa đang cố gắng theo dõi tàu Trung Quốc qua màn hình rađa. Thượng sĩ nhất giám lộ Ry trúng mảnh đạn nơi cánh tay trái. Hạ sĩ giám lộ Phấn, xạ thủ đại liên 30 trên nóc đài chỉ huy, bị thương nơi ngực, máu thấm đỏ cả áo. Tiếng la ơi ới của các anh em bị thương vọng lên đài chỉ huy.

Trong bộ đàm tôi đã nghe tiếng bạn tôi, trung sĩ nhất giám lộ Vương Thương, báo cáo: HQ-10 đã bị trúng đạn, hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử thương, hạm phó Thành Trí trọng thương ngay bụng. Hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ trên đài chỉ huy đều bị tử thương và bị thương rất nặng" (Trích Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau: 30 phút và 35 năm - Nguồn: Tuổi Trẻ).

Trận hải chiến chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. 74 binh sỹ Việt Nam Cộng hòa đã hi sinh.

Ngày 20/01/1974, Trung Quốc đã điều động thêm máy bay oanh tạc các đảo VNCH đóng giữ. Tính đến thượng tuần tháng 02/1974, Trung Quốc đã tạm chiếm quần đảo Hoàng Sa và thiết lập căn cứ quân sự tại đây.

Ngay sau khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa do VN quản lý, ngày 19-1-1974 và 14-2-1974 chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên cáo về việc Trung Quốc "xâm lăng trắng trợn bằng quân sự" và tái khẳng định về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa.

Ngày 20-1-1974, ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn cũng đã gọi điện và gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo an và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.

Wednesday, February 02, 2011

Tôi Đi Tìm Lại Một Mùa Xuân

Sáng tác: Đoàn Nguyên

Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi
Mùa xuân đã rơi vào dĩ vãng
Mà xuân nay vẫn còn dư hương

Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Gặp nhau khi pháo vang cuối đường
Tay khép áo xanh nhìn không nói
Lạc hồn về cõi tiên nào đây

Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Sợ khi tan biến bao kỷ niệm
Sợ áo xanh phai màu năm tháng
Sợ xuân chưa hết mà đông sang

Nên tôi tìm lại một mùa xuân
Người xưa không biết lạc phương nào
Không biết khi xuân về trên áo
Màu xanh năm đó còn xanh không

Ngày xanh niên thiếu qua mất rồi
Khi cuối thu mùa đông vẫn rơi
Khi áo xanh đã vượt sông dài
Khi pháo rơi dưới thuyền hoa rồi
Còn xuân này thương nhớ khôn nguôi

Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Dù không mong đến chuyện tương phùng
Dù tháng năm trôi vào xa vắng
Và xuân nay khác biệt xuân xưa

Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân năm đó chưa thấy lại
Tôi vẫn đi trong chiều xuân tái
Tìm để mà tìm như thế thôi