Sunday, July 30, 2023

“THẬP KỶ" CỦA VIỆT CỘNG.


"Thập kỷ" là một chữ vừa ngu vừa ngốc nhứt; đã được vẹm hủi vô học chế tạo ra. Nhưng cái tội nghiệp là nhiều người Việt nửa người nửa ngợm vô học lại nghĩ là một chữ nên dùng để chứng tỏ ta đây học cao hiểu rộng; từ rừng Trường Sơn mới bỏ ra…
Chữ "từ" cũng là chữ của vẹm hủi tuốt. Người Việt gọi là "chữ" vừa giản dị, vừa trong sáng. Không kệch cỡm "hán nô" như chu"từ"…
1) Thập (什) = 10
2) Niên (年) = năm, tuổi
3) Kỷ (紀) = khoảng thời gian 12 năm (nhất kỷ = 一紀), một thời kỳ, một thời đại (kỷ nguyên = 紀元); ghi nhớ (kỷ niệm = 紀念); phép tắc (kỷ luật = 紀律).
* Ghi chú: hầu hết tất cả các tự điển Hán việt đã có từ trước tới nay đều viết và giải nghĩa rằng: "1 KỶ BẰNG 12 NĂM".
II. NHƯ VẬY TA THẤY:
1) Nhất niên (一年) = 1 năm
2) Thập niên (什年) = 10 năm
3) Nhất kỷ (一紀) = 12 năm
4) Thập kỷ (什紀) = 120 năm
- Ta cũng nhận thấy rằng trên các loại "mạng nhện" đủ kiểu, hay trong những làn "sóng nước" bao la trên Internet người ta cứ "vô tư như người Hà Lội" mà oang oang dùng thoải mái THẬP KỶ (什紀 = 120 năm) để thay cho từ ngữ THẬP NIÊN (什年 = 10 năm), rồi cùng bắt chước đua nhau xài một cách hết sức tận cùng...vô ý thức. Tại sao rứa?
IV. VỀ KỶ (紀) TA CÒN CÓ:
1) Thế kỷ (世紀) = 100 năm
2) Thiên niên kỷ (仟年紀) = 1000 năm
V. CHO NÊN CÓ NGƯỜI LẬP LUẬN RẰNG:
1) 1 thế kỷ = 100 năm 
2) Thiên niên kỷ = 1000 năm
3) Nhất kỷ phải = 1 năm
4) Thập kỷ = 10 năm
- Đúng hay sai? 
- Đa số gốc "khỉ Trường Sơn" hay dùng kiểu THẬP KỶ "120 năm" này thay cho THẬP NIÊN "10 năm". 
- Xấu hổ khi phải dùng chữ "thập niên", nghe không được văn chương tao nhã hay là chúng không có vẻ "nổi cộm" khi dùng "thập kỷ" để ra dáng ta như thuộc hàng...Háng Việt cao xa?
- Nếu cho 1 KỶ là 1 năm, thì sao người xưa không dùng "bách kỷ" để chỉ cho con số 100 năm mà lại dùng từ ngữ là THẾ KỶ? Trong khi đã có "bách niên" để chỉ ra con số 100 năm rồi?
- Và tại sao họ không chỉ dùng "thiên kỷ" hay "thiên niên" để chỉ cho con số 1000 năm, mà lại ráp lại xài cả hai là "thiên niên kỷ"?
- Bởi vì như phần giải thích từ các tự điển Hán Việt nêu trên, KỶ không chỉ cho biết con số về thời gian, mà còn chỉ về một thời kỳ, một thời đại nằm trong khoảng niên lịch của 100 năm hay 1000 năm đó nữa.
- Ta nghe thấy, nhận biết rất rõ ràng và chắc chắn. Thập niên = 10 năm, không cần phải tranh cãi đôi co với nhau hay xảy ra bất cứ sự phản đối từ người hay từ phía nào cả, đúng không?
- Lại không dùng? Cứ phải "thập kỷ" mới...chịu? "Dzậy" là sao? Ha ha ha… ai hiểu được...khỉ?

Saturday, July 29, 2023

Xuân Vũ - Đường Đi Không Đến – 21


https://thaithuyvy.wordpress.com/2009/11/12/d%c6%b0%e1%bb%9dng-di-khong-d%e1%ba%bfn-21/

– 21-

Bộ đội ở ngoài rừng nấu nướng lửa đỏ rực khắp nơi. Anh giao liên đã trở về. Tự nãy giờ anh đi la ó vể việc tắt lửa mỗi khi có máy bay đến. Anh vừa leo lên thang vừa càu nhàu:

– Vô kỷ luật nhất là bộ đội! Ông nội ai bây giờ la hét cũng không nỗi. Máy bay tới bên đít mà thổi còi muốn lạc giọng cũng không chịu tắt lửa cho! Mặc kệ mẹ, tao không thèm la nữa, thí mạng cùi đó. Thằng nào muốn làm gì thì làm!

Ông Chín không tán thành cái thái độ của anh giao liên. Ông ta chúa sợ máy bay, làm sao ông nằm im được với cái cảnh bếp núc lửa khói loạn xạ như vậy?

Ông leo xuống thang và quờ quạng đi ra nhóm bộ đội gần nhất ở ven rừng. Giao liên không cho họ vô tới đây, nhưng họ không nghe, cứ chỗ nào thuận tiện thì họ tới. Thấy ông Chín đi dẹp cái trận "hoả công", anh giao liên phì cười:

– Ông ngoại mà bảo họ nghe, về đây con lạy ông tới sói trán ăn thua!

– Tao không cần lạy!

– Vậy con cõng ông ngoại đi suốt một trạm.

– À, nhớ đấy nghe! Nhớ nghe các đồng chí!

Rồi ông Chín xăm xăm đi thẳng tới nhóm bộ đội đang chụm lửa rần rần ngoài rừng.

Ông Chín dừng lại và ôn tồn cất giọng:

– Tôi xin có ý kiến một chút các đồng chí! Các đồng chí ơi!…tôi xin có ý kiến một chút!

Có người ngước lên nhìn. Có lẽ anh này ngạc nhiên vì ở giữa rừng Trường Sơn lại có một lão già đầu râu tóc bạc như vậy.

Ông Chín nói tiếp:

– Tôi thấy các đồng chí chụm lửa to quá, sợ máy bay nó trông thấy chăng? Yêu cầu các đồng chí chụm ít ít một chút để khi có máy bay ở xa thì tắt cho nhanh, cho kịp. Nó xài toàn phản lực, hễ mình nghe tiếng nó thì nó đã bay qua rồi.

– Không sao đâu cụ, chúng tôi có trực ban hễ có tiếng động cơ là a-lê-hấp chúng tôi ngậm nước phun cái phèo, thế là tắt rụi hết trơn.

Ông Chín vẫn ôn tồn và kiên nhẫn giải thích.

Một giọng đáp lại:

– Thôi bỏ đi bố già, để chúng con nấu ăn cho chóng rồi còn nghỉ ngơi. Mệt bỏ mẹ rồi đây, lại còn huấn từ. Cụ có rổi thì về nằm nghỉ đi.

– Ơ hay! Những người khôn ngoan là những người chịu nghe lẽ phải. Tôi nói thế các đồng chí không nghe ra thì còn chờ đợi cái gì?

Một người nói:

– Tôi đói tôi cần ăn cơm chớ không cần gì hết! Ai quấy rầy tôi, người đó không biết lẽ phải.

Một người khác lại tiếp:

– Đói thì ăn cơm chớ kỷ luật không ăn được. Cụ muốn gì thì về nói với đơn vị cụ! Chúng tôi có cấp chỉ huy của chúng tôi.

Ông Chín vẫn bình tĩnh:

– Vậy thì tôi yêu cầu gặp cấp chỉ huy của các đồng chí để tôi bảo cấp chỉ huy của các đồng chí ra lệnh cho các đồng chí dập lửa.

– Chính cấp chỉ huy của chúng tôi cho phép chúng tôi nấu ăn đấy. Cụ xem, toàn đơn vị nổi lửa mà!

Ông Chín lặng thinh, ông bực tức lắm. Ông quay về nhà, nói với anh giao liên:

– Đồng chí ra mà bảo họ chứ tôi chịu thôi. Bộ đội gì mà kỳ cục quá, tôi chưa từng thấy bộ đội vô kỷ luật như thế.

Anh giao liên bình tĩnh đáp:

– Như thế là thường đấy cụ ạ! Vô kỷ luật như thế có thấm thía gì. Họ đói là họ bất chấp cả điều lệnh kỷ luật. Khoai sắn của đồng bào họ gặp là cứ đào lấy củ ăn, có khi bị đồng bào bắn tên tẩm thuốc độc chết miệng còn ngậm củ sắn; có khi đói quá họ cướp cả kho gạo; có khi đi mệt quá họ đánh cả giao liên. Ở đâu chứ trên đường này tôi ngán bộ đội lắm. Thấy bộ đội là tôi xanh mặt rồi. Họ ăn cắp ăn trộm, họ không kém thổ phỉ chút nào, chỉ còn cái hiếp dâm nữa thôi! Kỷ luật quái gì, khi họ no nê lành lặn kia mới nói kỷ luật chớ đói meo thế kia thì còn tinh thần nào mà giữ kỷ luật hở cụ? Cháu khuyên cụ nên bỏ đi, chớ có lôi thôi, họ gây chuyện đó.

Quả thật, anh giao liên vừa nói dứt tiếng thì có tiếng chân nặng chịt dưới sân và tiếp theo là tiếng quát:

– Thằng nào ngon muốn gặp tao đâu, xuống đây!

Một giọng khác dịu dàng hơn:

– Xin lỗi các đồng chí, nghe lính tôi nói lại lúc nãy có mấy người đến tìm chúng tôi để dạy chúng tôi việc gì, vậy chúng tôi mong gặp các người ấy ngay bây giờ.

Anh giao liên lẹ chân nhảy phốc cái rột ra cửa sau và lủi vô rừng mất tăm. Chỉ còn lại ông Chín với tôi. Tôi cũng hơi ngán, nhưng ông Chín lên tiếng ngay:

– Tôi đây, dạ tôi đây, các đồng chí ạ. Tôi muốn gặp các đồng chí không phải dạy việc gì đâu mà để thảo luận với các đồng chí một việc thôi. Nếu các đồng chí vui lòng thì xin mời lên đây, ta thảo luận với nhau.

Hai người bộ đội mang súng ngắn bước lên cầu thang, đi thật mạnh trên những nấc thang gỗ làm cho cả cái nhà sàn đòng đưa như võng.

Thu kêu lên eo éo:

– Coi chừng sập nhà chết chúng tôi ở dưới này!

Một người đứng ở giữa cầu thang và cười lên hô hố nghe rất đắc chí:

– Ở đây mà cũng có "chất nhép" nữa he! – Rồi anh không không ngần ngại bấm đèn pin ngay võng của Thu.

Tôi nhỉn qua kẽ sàn nhà. Trong ánh đèn pin tôi trông thấy Thu đã mở mắt và nhanh tay kéo ống quần xuống. Có lẽ Thu đang nằm bóp cái chân đau. Chao ôi! Hai cái đùi của cô diễn viên múa ba-lê thỉnh thoảng lại phơi bày trước mắt tôi mà lần nào cũng hấp dẫn.

Có lẽ anh chàng bộ đội cũng ngây ngất vì cái màu ngà ngọc và cái hình thể khêu gợi của cặp chân ấy. Cho nên anh chàng líu lưỡi, không nói thêm được lời nào nữa.

Khi Thu đã giấu kín đôi chân thì anh chàng kia mới thong thả đi lên. Có lẽ anh ta còn tiếc rẻ cái thực tế quá hấp dẫn đã biến đi quá nhanh, nên cứ rọi đèn xuống sàn nhà.

– Hề ..hề.. chào cụ!

– Chào cụ ạ! Hồi chiều tôi gặp cụ đi ngang qua đơn vị đây mà!

Hai chàng chỉ huy đơn vị bỗng nhiên đổi giận làm vui. Thiệt là may mắn! Ban đầu nghe giọng gay gắt và mát mẻ của họ tôi tưởng nguy to rồi. Thảo nào anh giao liên chẳng khôn hồn biến mất vô rừng như một chú chuột nhắt.

Bây giờ họ vui vẻ đối xử với ông già như vậy là vì sao? Có lẽ vì lão già này có tuổi chăng?

Ông Chín nói ngay:

– Nè! Tôi nói cho các đồng chí biết, nếu địa điểm này bị lộ thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Tôi sẽ viết thơ lên báo cáo với Trung Ương Đảng chớ chẳng phải chơi đâu!

Tôi thấy thời cơ thuận lợi, nên vọt miệng nói tiếp:

– Thật đấy các đồng chí ạ. Ông Chín đây là đồng chí cũ 40 đó, từng hoạt động chung với anh Hai Hùng ở Hốc Môn Bà Điểm. Anh Hai Hùng và đồng chí Phạm Văn Đồng mời ông đến nhà ăn cơm riêng luôn đấy.

Việt ở dưới sàn nhà cũng chêm vào:

– Ông Chín về Nam là do quyết định của Trung Ương. Chính đồng chí Lê Đức Thọ thông qua danh sách đấy và ông Nguyễn Văn Vịnh trưởng ban Thống Nhất tiếp kiến ông Chín trước khi ông Chín lên đường về Nam.

Những loạt tôi và Việt vừa bắn ra là toàn những điều phịa để tôn ông Chín lên, nhưng ông Chín không nhịn được, xua tay lia lịa:

– Đừng có nói đùa, không phải chuyện như vậy đâu, tôi không đồng ý!

Ông Chín càng nghiêm nghị từ chối sự đề cao của tôi và Việt bao nhiêu thì các vị chỉ huy càng không tin lời ông ta bấy nhiêu.

– Đây kìa – tôi trỏ Việt ở dưới sàn nhà – Ông bạn của tôi đã từng tham dự trận Điện Biên Phủ. Cây súng ngắn của anh ta mang là cây súng của Cụ Hồ tặng riêng cho anh ấy, nhưng mà anh ta không có nói cho ai biết. Ở giữa rừng này ai mà biết cái giá trị của ai.

Hai vị chỉ huy nghe tôi giới thiệu mấy nét về hai nhân vật thì nhảy nhổm lên.

Một anh nói ngay xuống sàn nhà:

– Đâu, cây súng lục của Cụ Hồ tặng đâu cho xem chút coi. Ái cha chả! Của quý!

Việt nằm im. Tôi thấy có cơ hội đưa Việt lên mây xanh. Tôi gọi Việt:

– Lên đây chơi, gặp bồ lính cả mà!

– Lên đây xem có quen không?

Viên chỉ huy nói tiếp:

– Tôi cũng có dự Điện Biên đây. Lên nhìn bạn chơi!

Việt rất lẻo mép cho nên mặc dù không biết Điện Biên là cái gì, Việt cũng có hằng trăm chuyện để chứng minh răng mình là chiến sĩ Điện Biên. Việt lò dò leo lên mắt nhắm mắt mở:

– Đâu? Ai là chiến sĩ Điện Biên đâu?

– Tôi, tôi đây!

– Thế à? – Việt nhìn một trong hai người chỉ huy.

Tôi nói tiếp:

– Anh Việt đây là đại uý từ 1954 đấy!

Anh chỉ huy tự xưng là chiến sĩ Điện Biên tỏ vẻ ngạc nhiên và nói:

– Hồi năm 1954 làm gì có đại uý hở đại ca? 1958 mới phong quân hàm mà!

Việt vọt miệng đáp ngay một cách vui vẻ:

– Tiểu đoàn trưởng tạm gọi là đại úy, chớ gì mà thắc mắc các bạn!

Việt tự xưng là tiểu đoàn trưởng từ năm 1954 thì các vị chỉ huy giật mình. Họ xuống nước ngay.

Một người nói rất lễ độ, theo quân phong:

– Báo cáo thủ trưởng, đơn vị bị kẹt đường.

– Tôi biết rồi! – Việt nói một cách thản nhiên.

– Dạ, báo cáo thủ trưởng hôm qua anh em hành quân suốt ngày mệt quá cho nên đói lã, anh em nấu cơm cũng có phần bừa bải.

– Tôi biết rồi!

– Dạ sau khi ông Chín bảo anh em thì chúng tôi cho lệnh dập lửa.

Việt cười với giọng kẻ cả dễ dãi với cấp dưới:

– Được rồi, không có vấn đề gì lắm đâu!

Tôi quay mặt vào vách. Tôi chú ý thấy chỉ chập sau thì lửa tắt hết. Té ra Việt chỉ nói chơi vậy mà kết quả. Tôi sợ bỏ lỡ cơ hội nên tôi chêm thêm:

– Đồng chí ấy do Bộ Tổng biệt phái…

– Dạ!

Và hai vị chỉ huy yên chí rằng Việt là cán bộ biệt phái của Bộ Tổng trên đường dây này.

Tôi bảo tiếp hai vị chỉ huy:

– Còn cây súng lục của Cụ Hồ tặng đẹp lắm, nhưng để sáng hãy xem, bây giò tối om xem không rõ.

Anh chỉ huy vừa gật đầu, vừa dạ liền mấy tiếng.

Chập sau hai vị từ giã chúng tôi.. Hai vị lại bấm đèn và quơ xuống dưới sàn nhà một lượt. Chắc hai vị muốn tìm lại đường nét và làn da trắng của cặp đùi đã từng làm cho hai vị sửng sốt mê man lúc nãy.

Tôi nói đưa theo:

– Mai mời hai anh đến chơi, cô Thu là diễn viên ca múa Trung Ương đấy, đi diễn nước ngoài như đi chợ vậy. Mai nếu mấy anh yêu cầu cô Thu sẽ múa hát đủ các bài bản cho đơn vị nghe.

– Ồ, thế tốt quá. Mai chúng tôi sẽ đem biết các đồng chí thịt rừng.

– Thế càng tốt hơn nữa.

Tôi cười một cách đắc ý về cái trò mà tôi vừa ném ra có kết quả bất ngờ.

Hai vị vừa khuất thì cậu giao liên cũng mò vào, áo quần rách tả tơi. Anh ta thở hổn hển và nói:

– Tôi chạy tuôn cả gai góc.

– Chạy đi đâu vậy?

– Sợ các chả đập và đốt nhà.

– Làm gì?

– Tôi bị một lần rồi.. Họ hỏi không có gạo.. Tôi không phải là thủ kho mà lại bị ăn thoi… Tôi thất kinh rồi.

Tôi cười và càng thương hại anh giao liên.

Tôi nói:

– Họ chỉ là Ban Chỉ Huy đại đội thôi, trung úy là thượng số. Còn chúng tôi có ông đại úy mà đại úy hồi 54 kia đấy, sợ gì!

Anh giao liên xuýt xoa:

– Phải dè vậy em đâu có chạy làm gì! Trời đất ơi, hú hồn tôi tưởng mấy ổng phá chòi rồi chứ!

Thu nãy giờ nằm im. Khi nghe tiếng tôi từ trên gác đi xuống, Thu mới nói:

– Đạo diễn hạng nhất!

– Thôi mà!

– Anh tài thật đấy!

Tôi nói để chữa ngượng:

– Tài cái gì! Gặp biến cố thì phải bày đặt ra sáng kiến vậy thôi. hì hì…dù sao mai Thu cũng có khán giả ngưỡng mộ tới hoan hô rồi!

Tôi lên võng nằm. Bao nhiêu chuyện vừa giả vừa thật xảy ra cho một buổi chiều, rồi những chuyện ngày mai mà tôi dự định sẽ xảy tới: kẹt đường hết gạo v.v…

Thu bỗng gọi tôi:

– Anh à!

– Gì em?

– Em không đồng ý mấy anh đóng kịch như thế nữa.

– Tại sao? Cho nó vui mà, kẻo tẻ ngắt, sốt rét nó được dịp làm lung đấy!

– Em thấy thế nào ấy! Chính ông Chín cũng phản đối mà! Ai làm như thế, được cái gì?

– Được lắm chớ. Một là bộ đội tắt hết lửa, em thấy không, hai là mai có thịt rừng ăn, ba là anh giao liên không phải lủi vô rừng rách áo toạt da, bốn là… những việc lợi về sau ai biết?

Cái làn da và đường nét đôi chân của Thu lúc nãy bất thần hiện ra dưới ánh đèn pin xanh ngắt trở lại trong trí tôi như một ảo ảnh. Đôi chân đó, vẫn cứ đôi chân lúc hiện ra trước mắt tôi trên bờ suối, trong một cơn mưa hay trong giây phút bất ngờ nào đó, là một niềm an ủi, một sự khuyến khích đối với tôi. Tôi ngắm nó, tôi âm thầm khao khát nó, tôi yêu nó. Chắc Thu cũng biết như vậy nên Thu càng giữ kẽ với tôi trong từng cử chỉ, từng lời nói, như hai nhà ngoại giao đấu khẩu với nhau, không hề để sơ hở. Cho nên đến lúc này tôi vẫn chưa nói được tiếng gì.

Tôi nhớ có lần Thu ở dưới suối lên, khi đi qua một quãng ướt thì gặp tôi, Thu đưa mũi chân bước mím trên những hòn đá để tránh bị ướt, một tay cầm mớ quần áo đã giặt, một tay xăn quần lên quá gối.

Thu không trông thấy tôi cho nên cứ chậm chạp một cách quí phái tìm những hòn đá trọc để bước, vô tình Thu bị trợt chân, nước tóe lên ướt cả quần, Thu phải vén lên cả nửa đùi để vắt tạm cho ráo nước.

Khi ngẩng lên Thu bất chợt thấy tôi cách đó không xa. Tôi vẫn đứng tần ngần trước mặt Thu, Thứ như vừa đi vừa ngắm nghía vẻ đẹp của đôi chân mình mà hình như lâu nay không có dịp nào rảnh rang nhìn lại chúng.

Gặp tôi bất ngờ Thu hơi ngượng. Cố nhiên tôi cũng không giữ được sự tự nhiên. Rồi hai đứa cùng đi về. Dọc đường Thu cứ để nguyên đôi chân trần quá đầu gối và chốc chốc lại rũ nước trên quần mà kêu lên: "Tai ác cho con suối!"

Còn tôi thì sung sướng một cách âm thầm, thỉnh thoảng tôi liếc sang, nhưng liếc mãi cũng không tiện cho nên, để cho sự liếc của tôi được dễ dàng và công khai, thỉnh thoảng tôi lại kêu lên:"Coi chừng kẻo trợt chân bây giờ! Hòn đá đó trơn lắm!" Tôi chỉ hòn đá mà đôi mắt tôi thì không rời chân nàng.

Làn da trắng vừa xanh mét vừa ướt nước. Những hạt nước còn đeo dính rải rác trên chân nàng như luyến tiếc những giây phút sinh thú của chúng nên chúng cố bám vào đấy như những hạt ngọc để trang điểm cho những vật thể mà sắc đẹp vốn đã thừa. Thu ơi! Nếu tôi được là một hạt nước dính ở chân em! Cái lần đó tôi và Thu đi mãi như thế bên nhau trên quãng đường suối, lặng lẽ với những cử chỉ lập lại mãi của tôi, nhưng Thu và tôi cả hai đều không chán. Tôi thì rất bằng lòng vì cho rằng mình lừa được người con gái để thỏa mãn những thích thú của mình. Còn Thu thì hình như Thu thừa hiểu ý định của tôi nhưng Thu chẳng những không phản đối mà cứ để cho tôi ve vuốt đôi chân nàng với cặp mắt thèm thuồng của tôi.

Bất thần tôi nói:

– Thu ạ, anh yêu đôi chân em quá!

Thu dừng lại và lườm tôi. Tôi nói và cười vui vẻ:

– Uớc gì anh được làm một hạt bụi dưới chân em.

– Em sẽ nghiến nát anh ra.

– Không, anh sẽ bay tung lên và đáp lên tóc lên má em.

Thu đỏ rừ hai má. Thu biết tôi gài bẫy. Nàng mắc cở nhưng nàng rất thích.

(xem tiếp tại đây https://thaithuyvy.wordpress.com/2009/11/14/dường-di-khong-dến-22/ )

Đánh máy: Lê Thy

Friday, July 28, 2023

Hồi Ký - Ông Phó Đốc Sự




Ông Phó Đốc Sự

       Năm 1972 tốt nghiệp ra trường tôi chọn nhiệm sở về tỉnh Kontum. Đa phần sinh viên các khóa mới ra trường đều phục vụ ở các tỉnh xa Sài Gòn hay các tỉnh nhỏ thường được xếp là vùng nước độc, có lãnh tiền phụ cấp và thăng trật nhanh hơn, một năm rưỡi so với hai năm ở các tỉnh lớn, đông dân và tương đối an ninh. Lúc bấy giờ rất hăng hái, lòng tràn đầy nhiệt huyết dấn thân phục vụ đất nước, cho dù đi bất cứ nơi đâu. Hơn nữa khi chọn về những nơi lừng danh chiến trận như Bình Long, Trị Thiên hay Kontum thì toàn thể hội trường anh em vỗ tay hò hét nhiệt liệt tán dương. Chỉ có vậy thôi, cũng đủ để tự hào như người anh hùng sắp ra trận.

       Trước khi rời Sài Gòn tôi ra đường Lê Lợi đi dọc theo vỉa hè để tìm mua một tấm bản đồ tỉnh Kontum cở lớn dùng để treo tường hay lót dưới bàn có phủ kính dày. Ghé qua văn phòng Bộ Nội Vụ nhận sự vụ lệnh và giấy trưng vận Hàng không Việt Nam đi Pleiku. Khi ấy, sau "Mùa Hè Đỏ Lửa" phi trường Kontum bị hư hại nặng chưa được phục hồi nên đường bay chỉ tới Pleiku và sau đó phải đi xe đò tự túc hơn 40 cây số nữa để lên Kontum. May mắn, nhiệm sở có hai chỗ mà anh bạn cùng đi với tôi lại là người quê quán ở đó nên cũng yên tâm.

       Hành lý mẹ xếp chật cứng va li không còn chỗ trống nên một số sách còn gởi trong Ký Túc Xá hôm dọn trả phòng về quê đành phải để lại nhờ bác Giám thị giữ dùm, chờ lần tới về Sài Gòn sẽ lấy. Chỉ nhét duy nhất một quyển "Soạn Thảo Công Văn" của Giáo Sư Lê Thái Ất và một con dấu bằng đồng khắc tên tôi để làm hành trang lên đường.

       Khi nhận nhiệm sở, ban đầu Trung tá Tỉnh trưởng định cử tôi đi làm Phó quận Kontum (Châu thành) nhưng sau đó vì nhu cầu ổn định và tổ chức bầu cử bổ khuyết hầu hết các Ủy ban Hành chánh xã nên đã giữ tôi ở lại làm Trưởng ty Hành chánh thuộc Tòa hành chánh tỉnh. Công việc tương đối bề bộn nhưng Ty có được hai Chủ sự phòng lớn tuổi rất giỏi có thâm niên công vụ gần 20 năm nên mọi vấn đề đều được nhanh chóng giải quyết. Tôi tin tưởng hoàn toàn.

       Công việc hằng ngày vẫn như các cơ quan hành chánh khác, nhưng đặc biệt Ty Hành chánh đảm trách phần vụ công chứng hay thị thực bản sao nên tiếp xúc với dân chúng trực tiếp nhiều nhất. Có hôm nguyên một nhóm nữ sinh lên tòa hành chánh tỉnh chờ xin thị thực bản sao giấy tờ để nộp đơn dự thi Tú Tài 2. Các cô xì xầm ông Trưởng ty trẻ quá. Nói nhỏ nhau nghe.

       - Tốt nghiệp Đại học mà ra chỉ ký tên thôi sao?

       Nhớ hôm đầu tiên khi nhận bàn giao Ty vui lắm. Cả tòa hành chánh ngoài ông Phó Tỉnh trưởng chỉ có ba ông thuộc ngạch Đốc sự và tôi là người trẻ nhất mới ra trường. Không nhìn đâu xa tôi cũng dư biết là cánh nữ thư ký đang dõi theo, cười nói khúc khích mỗi khi tôi đi ngang qua văn phòng. Ngồi chưa hết buổi, cô thư ký phụ trách phần hành duyệt xét văn bản đi thẳng vào bàn giấy Trưởng ty. Bẽn lẽn cô đưa cho tôi xem con dấu ấn ký và môt tờ công văn làm mẫu đã đóng dấu sẵn.

       - Ông Ty xem có vừa đủ khoảng cách để ký tên không ?

       Phía dưới tờ công văn mẫu có in dấu hai hàng chữ màu đỏ như son còn chưa ráo mực.

       Trần Bạch Thu
         Phó Đốc Sự

       Tôi gật đầu hơi hãnh diện, lần đầu tiên trong đời mình có danh phận. Lúc bấy giờ ở tỉnh nhỏ xa xôi, nhất là miền cao nguyên còn rất ít công chức ngạch A. Từ đó tôi nổi tiếng với danh xưng là ông "Phó Đốc Sự" cho dù sau nầy có giữ chức vụ gì hay đi bất cứ nơi đâu trong Thị xã.

       Kontum là tỉnh thuộc loại B tuy lãnh thổ rộng lớn nhưng ít dân, ngoài thị xã gần 35 ngàn người Kinh, còn lại cũng khoảng hơn 40 ngàn người ở các quận, đa số trong các buôn làng người Thượng, nhiều sắc dân khác nhau sống rải rác tận trong rừng sâu. Do đó mà công việc điều hành các hoạt đông về hành chánh thuần túy tương đối thong thả và dễ dàng. Ngày hai buổi ở tòa hành chánh ra là hết việc. Lại nữa, ông Trưởng ty tiền nhiệm là người mẫn cán, sắp xếp công việc rất khoa học và ngăn nắp. Ông đã được Bộ cử đi tu nghiệp bên Mỹ trước khi tôi lên thay thế cho nên công việc đã ít mà đâu đã vào đấy nên rất rộng thời giờ.

       Buổi chiều tối tôi thường hay đi bộ băng ngang qua đường Nguyễn Huệ đến chơi ở nhà thầy Danh, Hiệu trưởng trường Hoàng Đạo, Kontum. Gia đình thầy ngoài vợ còn hai cô em gái hết thảy cả bốn người đều là Giáo sư giảng dạy ở trường Trung học trong tỉnh. Có một hôm thầy Danh và các thầy tụ tập ở nhà ăn uống vui chơi. Được biết tôi có thời gian dạy học ở Trường Tư thục Đồng Nai, Sài Gòn nên thầy Danh  phấn chí bảo:

       - Hay là ông Phó mở lớp luyện thi Tú Tài 2 đi.

       Tưởng là chuyện phiếm nhưng sau đó tôi lại thấy thích nên làm thiệt. Tôi bắt đầu quan hệ với bác Luận, Nghị viên Hội đồng tỉnh nhờ can thiệp với thầy Hiệu trưởng trường Bồ Đề để mượn phòng lớp trống mở lớp luyện thi vào buổi tối. Thế là tôi giăng bảng quảng cáo lớp luyện thi Tú Tài 2 môn Toán, Lý Hóa trước cổng trường Hoàng Đạo, trường trung học công lập duy nhất của tỉnh Kontum.

       Lần đầu tiên ở tỉnh có mở lớp luyện thi ban đêm nên học sinh đến rất đông, chật kín phòng học. Tôi cùng với thầy Danh quyết định tổ chức lớp học theo lối tự quản. Học sinh cử đại diện thu học phí sao cho đủ trang trải chi phí phòng ốc và điện. Còn phần tiền trả cho các thầy tình nguyện chỉ có tính cách tượng trưng. Ban đầu, tôi phụ trách môn Toán kiêm quản lý cùng với các em, còn hai môn Vật lý và Hóa học là do các thầy ở truờng Hoàng Đạo đảm trách. Được một thời gian tôi giao hẳn lại cho các thầy điều hành lớp học cũng như xin giấy phép. Sở dĩ tôi giao hẳn cho các thầy là vì có dư luận trong giới giáo chức đồn đại không tốt. Họ không gọi là lớp luyện thi mà mỉa mai gọi là lớp đêm của ông "Phó Đốc Sự."

       Tiếng lành đồn xa, Linh mục Nguyễn Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Trung học Lê Hữu Từ biết việc tôi làm nên Cha rất ưu ái mời tôi về cộng tác với trường "muốn dạy ở lớp hay sinh hoạt học đường với các em cũng được." Sinh hoạt ở các trường đạo rất chú trọng về phần đạo đức và tôn giáo, đây là một phần không nhỏ trong sinh hoạt của nhà trường. Cha đề nghị với tôi là đến trường vào cuối tuần để nói chuyện về các đề tài nhằm hướng các em về những điều tốt đẹp hơn. Suy nghĩ cẩn thận và có tính thời sự tôi chọn bài thuyết trình đầu tiên ở trường là "Tuổi Trẻ và Ma Túy." Tiếng vang rất lớn nên sau đó Cha mở rộng chương trình cho học sinh toàn tỉnh về trường mỗi chiều thứ Bảy cuối tuần để dự các buổi thuyết trình của tôi và có thảo luận cũng như trả lời các câu hỏi của các em.

       Thêm vào đó, kể từ tháng 7 năm 1973 sau khi tốt nghiệp khóa "Quản trị hành chánh căn bản" ở Viện Tu Nghiệp Quốc Gia, Sài Gòn tôi trở thành giảng viên chính thức của Trung tâm Tu nghiệp tỉnh Kontum. Đáng nhớ nhất là trong một dịp Đại hội Quân Cán Chính được tổ chức tại khu định cư Ngok Long ở ngã ba Tân Phú, tôi được chỉ định thuyết trình về đề tài "Cách mạng Hành chánh." Trước hằng trăm quân nhân, viên chức trong toàn tỉnh, tôi đã trình bày những thay đổi mới trong cách tổ chức và điều hành các cơ sở chính quyền cũng như làm thế nào để tăng hiệu năng phục vụ dân chúng. Hình ảnh ông "Phó Đốc Sự" trẻ, thuyết trình hay và đầy thiện chí đã lan nhanh khắp tỉnh lỵ.

       Tỉnh nhỏ nên càng hoạt động ra bên ngoài thì càng được nhiều người biết đến, nhất là các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo. Đa số dân Kontum theo đạo Thiên chúa nên các khu phố trong thị xã và các làng ven đều có rất nhiều nhà thờ như Nhà thờ Gỗ, Tân Hương, Phương Nghĩa, Phương Quý, Plei Rơhai, Phương Hòa, Kon Rơbang … Sự quan hệ tốt đẹp với các Linh mục cũng đem lại nhiều hiệu quả trong công vụ, đặc biệt là đối với đồng bào Thượng.

       Đến cuối năm công việc rất bề bộn, ngoài phần việc hằng ngày, Ty Hành Chánh còn lo soạn thảo quyển "Địa Phương Chí" tỉnh Kontum mà phần lớn là thu thập tài liệu và thống kê từ các Ty, Sở liên quan trong tỉnh để cập nhật hóa thông tin. Công việc thứ hai là phối hợp với Ty Điền Địa và Ty Lâm Nghiệp để thiết lập hằng năm bản đồ các "Khu vực sinh sống chính của đồng bào Thượng" gởi về Sài Gòn để ban hành Nghị định chính thức qui định những khu vực nầy. Bởi vì vẫn còn theo đời sống du mục nên người Thượng thường mỗi năm đi xa hơn đốt rừng làm rẫy, canh tác ở những khu vực mới, vài ba năm mới trở lại chỗ cũ. Do đó để bảo vệ quyền lợi về đất đai cho họ, chính quyền qui hoạch các khu vực nầy thuộc quyền sở hữu của người Thượng. Cấm mua bán, sang nhượng hay chuyển đổi đất đai dưới mọi hình thức.

       Về nhân sự tại Tòa hành chánh, cuối năm một số viên chức thâm niên được chuyển đổi đi nơi khác nên có sự sắp xếp lại, tôi được đề bạt giữ chức vụ Trưởng ty Kinh tế. Thường thì hai Ty hoạt động mạnh nhất trong Tòa tỉnh là Ty Tài chánh và Ty Kinh tế. Chỉ nhìn thoáng qua thôi, nhân viên ai cũng nhận biết được sự tín nhiệm của cấp trên đối với người đứng đầu của hai Ty nầy. Phần khác, ngoài sự tín nhiệm còn là vấn đề bổng lộc ở đây. Điều hành hoạt động kinh tế, tài chánh toàn tỉnh là một công việc rất phức tạp cả công lẫn tư.

       Kontum là tỉnh địa đầu giới tuyến lại là nơi xa xôi heo hút, chuyển vận khó khăn nên vấn đề tiếp liệu rất phức tạp, nhất là vấn đề gạo cung ứng tại địa phương. Hằng tháng các đại bài gạo ở tỉnh đều xin giấy phép về Sài Gòn để mua gạo theo số lượng do Bộ Kinh tế ấn định với giá tiếp tế chở về tỉnh phân phối và bán lại cho dân chúng. Giá cả do Ủy ban Vật giá tỉnh qui định tùy theo thị trường. Căn cứ vào giá tiếp tế tại Sài Gòn cộng thêm với phí vận chuyển sẽ thành ra giá phân phối tại địa phương.

       Ty Kinh tế có nhiệm vụ hết sức quan trọng là kiểm kê số lượng gạo chở về địa phương có đúng theo như trong giấy phép hay không. Đường xa, phương tiện chuyên chở đắt đỏ nên các thương gia thường tuồn gạo ra thị trường chợ đen bán luôn tại Sài Gòn, nhưng giá cao ngất ngưởng là khi chở về qua những khu rừng vắng, thông đồng với thợ làm rừng bán cho các tay kinh tài của phía Cộng sản. Do đó mà giá gạo thực tế bao giờ cũng rất cao hơn nhiều so với giá phân phối vì gạo luôn luôn hút trên thị trường.

       Trước khi kiểm kê kho gạo của các đại bài trong tỉnh, tôi đã từ chối nhận tiền từ một nhân viên trong Ty qua môi giới của các đại bài gạo. Sau đó, tôi họp tất cả nhân viên Ty và khuyến cáo không được nhận tiền biếu xén từ các thương gia. Không có mối quan hệ bất chính nào dù có kín đáo đến đâu, theo thời gian mà không bị phát hiện.

       Dĩ nhiên, tiếng đồn lan ra khắp nơi, nào là  "ngựa non háo đá" "người hùng giờ thứ hăm lăm" v..v… Nhưng vấn đề là cấp trên sẽ phản ứng ra sao. May mắn, Trung Tá Tỉnh trưởng là người đi lễ Nhà thờ mỗi chiều khi không bận hành quân còn ông Phó Tỉnh trưởng lại là đàn anh hiểu biết cùng thế hệ 40 nên rất đồng tình và có lời khuyên là chậm rải không nên làm mạnh. Một số đại bài gạo bị thu hồi giấy phép kinh doanh và không được cấp giấy phép mua gạo với giá chính thức từ các cơ quan tiếp vận ở Sài Gòn.

       Tình hình sau đó cải tiến thấy rõ, công việc kiểm tra và trình ký sổ gạo hằng tuần tương đối đi vào nề nếp. Gạo tồn kho ở các đại bài gia tăng dần theo đúng qui định. Giá cả gạo thóc ở mức ổn định. Tôi trình cấp trên tháo kho an toàn theo đúng thời hạn để điều hòa thị trường gạo trong toàn tỉnh. Trước đây tỷ lệ hao hụt kho an toàn là 1% thường dành chia riêng cho nhân viên coi kho và các phần hành liên hệ. Hoặc có khi cấp trên chỉ thị miệng dành biếu cho người nầy, người kia khi có quen biết với sếp vài ba bao gạo nên rất khó theo dõi và kiểm soát. Tôi trình với Trung tá Tỉnh trưởng ngoài phần hao hụt thật, số còn dư nên xung vào quỹ xã hội chi dùng chính thức cho các cơ quan từ thiện khi cần. Ông đồng ý và rất hoan nghênh cho nên mỗi khi có tháo kho, các Cha, Thầy ở vùng sâu, vùng xa mỗi nơi về nhận 5, 3 bao gạo trợ giúp. Tuy ít nhưng cũng là một sự thay đổi rất lớn trong quan hệ giữa chính quyền và nhân dân.

       Được gần nửa năm, Trung tá Tỉnh trưởng có yêu cầu cần một ông Phó quận phụ giúp đắc lực ông Thiếu tá Quận trưởng thực hiện các chương trình định cư cho gần 10 ngàn người di tản về từ các vùng chiến sự trước đây như Dakto, Daksut, Tân Cảnh … Tôi tình nguyện.

       Dư luận bên ngoài xầm xì "chắc là bị đì" "một cánh én không làm nổi mùa xuân"  v..v… Hơn nữa, sau hội thảo toàn quốc về cải tổ tại Bộ Kinh tế, các Ty Kinh tế tỉnh sẽ chuyển đổi trực thuộc về Bộ Kinh tế với nhân sự ổn định và quyền hành được xem như là cơ quan tự quản tại địa phương. Vị thế Trưởng ty Kinh tế đang lên, thế mà tôi lại tình nguyện chuyển về quận, nơi đang có nhiều khó khăn, bề bộn không ai muốn đi.     

      Tôi xuống quận nhận nhiệm sở và đồng thời được chỉ định làm Phát ngân viên của quỹ định cư. Chính quyền bắt đầu xây sửa lại các cơ sở hạ tầng cũng như mở mang thêm đường xá ở các khu định cư mới của đồng bào tị nạn.  Khu định cư Ngok Long được thành lập ở ngã ba Tân Phú là nơi tạm trú và sinh hoạt của người định cư lớn nhất. Ngoài công việc thường nhật ở văn phòng quận tôi còn tham gia vào việc cấp phát tiền và phẩm vật cứu trợ cho đồng bào trong các trại định cư hoặc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh trong các buôn làng của người Thượng. Gần thì dùng xe jeep của quận, xa thì liên lạc di chuyển bằng trực thăng. Dân chúng lục đục trở về lại địa phương mua bán, làm ăn ngày càng đông đúc, trường học mở cửa lại cho kịp mùa thi cử.

       Lịch cấp phát tiền định cư được qui định từng khu vực và thời gian hoàn tất chương trình là trong vòng 6 tháng. Sau đó có thể xin trung ương gia hạn thêm 3 tháng, nếu chương trình không thể hoàn tất đúng hạn. Ty Xã hội phối hợp với các cơ quan liên hệ trong tỉnh để kiểm tra lập bảng danh sách người tị nạn từng khu vực, hay từng xã để cấp phát nhu yếu phẩm, gạo, thực phẩm, áo quần, mùng mền. Tôi là phát ngân viên phụ trách nhận và cấp phát tiền cho từng người dân tị nạn căn cứ theo danh sách. Theo luật, Phát ngân viên sau khi có quyết định của tỉnh phải mở một trương mục không lời ở Ty Ngân khố để lưu giữ tiền mặt. Mỗi tuần 3 ngày tôi đi cùng một Ủy ban cấp phát gồm đại diện Hội đồng Tỉnh, Ty Xã hội, Ty Sắc tộc … đến tận nơi phát tiền cứu trợ định cư. Số tiền giải ngân lên đến hằng triệu đồng. Sau 3 ngày phát tiền nếu còn dư lại chưa phát kịp thì ký thác vào trương mục không lời ở Ty Ngân khố.

       Được vài tuần, bác Thông, Trưởng ty Ngân khố tỉnh, buổi sáng trong khi chờ đợi thủ tục để lãnh tiền thường hay mời tôi lên văn phòng cà phê và chuyện vãn. Có hôm bác còn định mời ra quán ăn sáng nhưng tôi từ chối vì sau khi lãnh tiền xong còn phải lo đi đến nơi cấp phát cho sớm. Đôi khi còn phải ra bãi đáp trước để chờ trực thăng đến rước, sợ bị trễ.

       - Ra quán ăn sáng một tiếng đồng hồ thì phát về sớm hơn một tiếng. Bác nói đùa.

       - Tôi không hiểu ý bác.

       Thấy lạ, tôi hơi tò mò nhận lời với bác ra quán ăn sáng với nhau. Khi về, nhân viên Ngân khố vẫn chưa xuất tiền vì chưa có lệnh của ông Trưởng ty. Tôi ra ngoài chờ.

       Sau nầy đúng thật, tôi là Phát ngân viên luôn về sớm và không có khiếu nại của dân chúng bao giờ. Bác Thông thường ra lệnh xuất tiền mới trong kho và nhân viên chỉ đo bằng thước là biết được số lượng nên khi nhận tiền rất chính xác, không mất nhiều thì giờ để đếm. Khi phát cho dân chúng, chỉ xem theo số thứ tự mà rứt ra nên ít sai sót. Dân Thượng rất thật thà khoe với các Cha là ông Phó Thu luôn phát tiền mới và đầy đủ.

       Bác Thông thương và giúp đỡ tôi thật tình. Bác làm Trưởng Kho bạc ở tỉnh từ thời Pháp thuộc. Bác hay khen tôi không phải vì giỏi mà vì công việc tôi làm. Rõ ràng với số tiền lãnh ra hằng tuần lên đến hơn 5 triệu đồng và thời gian phát có thể kéo dài cả tháng trời. Bác chỉ cần xem qua số tiền tôi ký thác vào trương mục không lời là biết ngay, Phát ngân viên làm đúng hay sai. Chỉ cần gian ý mở một vài trương mục có lời bí mật ở các ngân hàng trong tỉnh thì với số tiền ký thác 5, 10 triệu đồng sẽ sinh lời mỗi tháng là bao nhiêu. Bác Thông biết rất rõ. Ngoài ra, bác còn làm Biện ở Nhà thờ Tân Hương nơi Trung tá Tỉnh trưởng đi lễ mỗi chiều. Vì vậy tôi luôn luôn được khen ngợi trong những lần họp báo cáo công tác hằng tháng.

       Trong thời gian đi xuống các làng, xã để cấp phát tiền trợ cấp định cư, thường là tập trung dân chúng ở các trụ sở Ủy ban Hành chánh xã, tôi nhận thấy có nhiều nơi, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa luôn vắng mặt các viên chức phụ trách thông thường như thư ký có khi đến cả ông Phó xã trưởng hành chánh. Cho nên đến kỳ lập sổ lương cho các viên chức xã ấp trong toàn quận, ông Trưởng ban Hành chánh đệ trình danh sách rất đầy đủ, tôi hơi nghi ngờ nên xem lại. Ông nói:

       - Chỉ căn cứ theo danh sách đã có từ trước đến nay thôi ông Phó.

       Tôi im lặng và chờ kiểm tra. Được một vài ngày, ông Trưởng ban cho biết sự thật là trong danh sách có một số đã vắng mặt từ lâu rồi sau chiến cuộc, có thể họ đã theo gia đình di cư đi nơi khác, nhưng sổ lương vẫn làm như cũ và số tiền thặng dư vẫn lãnh ra để chi xài cho các việc khác không chính thức như giao tế, ủy lạo, tiệc tùng hay sửa chữa linh tinh trong quận. Dĩ nhiên, ông nói thật là trong đó cũng có phần quỹ đen cho ông Phó.

       Lúc bấy giờ tôi tự dưng thấy nhớ đến Thầy Bông vô cùng và nhớ luôn bài xã luận đăng trên báo "Cấp Tiến" với tiêu đề "Những con chuột ăn mòn nền Xã." Sau đó tôi trình với Thiếu tá Quận trưởng để gởi danh sách về tỉnh xin giải nhiệm các viên chức không còn làm việc ở các văn phòng Ủy ban xã nữa. Ông Quận trưởng nói:

       - Tùy ông Phó.

       Tôi đã từng chứng kiến nhiều nhân viên ở tòa hành chánh tỉnh giở cơm trưa đem theo trong những gà-men cơm trắng với vài con cá khô hoặc hai, ba lát thịt kho mặn. Tôi lưu ý hỏi thăm, họ vẫn vui vẻ cho rằng như thế cũng tốt và may mắm lắm rồi vì còn có biết bao nhiêu người khác khó khăn hơn nhiều, chưa kể những người lính hằng ngày, cũng ở gần đây thôi không biết đổ máu và sống chết lúc nào. Tôi thật sự cảm kích trước sự suy nghĩ giản dị của những người cùng làm việc chung với nhau ở một nơi mà sự sống và cái chết cận kề trong gang tấc.

       Đến khoảng đầu tháng 9 năm 1974 khi tôi nhận được Nghị định thăng trật Phó Đốc Sự hạng nhì thì tình hình chính trị tại tỉnh cũng bắt đầu sôi động vì sang năm 1975 sẽ có cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới 4 năm Dân biểu Quốc hội. Các đảng phái đang chuẩn bị để đưa người ra tranh cử. Phong trào bài trừ tham nhũng do các Linh mục thành lập ở Sài Gòn lan rộng ra đến tận các tỉnh. Tại Kontum cũng có một Ủy ban Bài trừ tham nhũng do Linh mục Nguyễn Hoàng, Chánh xứ Kon Rơbang làm Chủ Tịch. Dân Biểu đương nhiệm cũng chuẩn bị cho việc tái tranh cử trong nhiệm kỳ tới. Báo chí ở Sài Gòn vào cuộc đăng tin giựt gân ở các địa phương gởi về. Tố cáo tham nhũng là đòn thịnh hành nhất lúc bấy giờ.

       Thiếu tá Quận trưởng Quận Kontum là người hùng trong chiến cuộc "Mùa Hè Đỏ Lửa" đã chỉ huy lực lượng Địa Phương quân phối hợp với lực lượng Nhảy Dù tái chiếm lại Quân lỵ Kontum và sau đó được vinh thăng Thiếu tá tại mặt trận. Tại thời điểm sắp sửa tranh cử nầy, chương trình định cư dân tị nạn tương đối hoàn thành tốt đẹp. Danh tiếng và uy tín của ông Quận trưởng đang lên cao tại địa phương, ông biểu lộ ý muốn ra tranh cử chiếc ghế Dân biểu tại Kontum vào năm 1975.

       Sóng gió nổi lên chính là ở chỗ nầy, các phe phái yếu hơn họp lại đánh phá, họ thu thập các bằng chứng về người cũng như tài liệu gởi về Sài Gòn đăng báo.  Hư thực chưa rõ, nhưng điều hành một chương trình định cư cho gần 10 ngàn người, trong cả năm trời chắc chắn sẽ có nhiều khuyết điểm. Dân Thượng không có giấy tờ hộ tịch và đa số mù chữ nên các hồ sơ chứng minh thanh toán không có chữ ký tên, chỉ toàn là lăn tay. Điểm thứ hai, dân Thượng vẫn còn sống du canh, du cư thường xuyên thay đổi nơi cư trú nên danh sách cấp phát không chính xác, tên tuổi trùng lấp dễ nhầm lẫn, sai sót. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để gởi hồ sơ về cho Ủy ban Bài trừ tham nhũng đăng lên các báo tại Sài Gòn. Cuối cùng, ông Phó Tỉnh truởng và Thiếu tá Quận trưởng Kontum có lệnh về trình diện Bộ Nôi Vụ chờ điều tra.

       Trước khi bàn giao, ông Phó Tỉnh trưởng đề cử ông Trưởng ty Ngân sách, Kế toán có ngạch trật cao nhất trong các anh em Quốc Gia Hành Chánh lên thay. Quân đoàn cử một ông Trung tá Biệt Động Quân lên giữ chức vụ Quận trưởng Kontum. Lúc bấy giờ tôi đang đi công tác ở Sài Gòn và kết hợp nghỉ phép về Mỹ Tho thăm nhà.

       Nhớ hôm trở ra Kontum, khi vừa tới phi trường thì anh bạn, Trưởng ty Công vụ mang xe jeep của quận ra đón, trên đường về nhà, anh bảo rằng tôi đã được Trung tá Tỉnh trưởng ra Sự Vụ Lệnh cử làm Phó Tỉnh trưởng, chỉ chờ tôi về là ký ban hành. Tôi cười ngất vì nghĩ là anh bạn nói giỡn. Nhưng sau đó anh nghiêm chỉnh bảo là sự thật và mọi người đều đã biết.

       - Về nhà thay đồ nhanh lên rồi đến tòa tỉnh trình diện Trung tá ngay.

       Khi lên tới Tòa hành chánh tỉnh, mọi người ngóng nhìn tôi tươi cười và luôn miệng chúc mừng Ông Phó. Bấy giờ tôi mới biết là thật rồi, nhưng trong lòng còn lơ mơ, không biết sự tình ra sao. Cũng hồi hộp lắm.

       Khi lên lầu gặp ông Trung úy Bí thư ở phòng chờ đợi, qua thái độ vui vẻ, bắt tay siết mạnh của viên sĩ quan thân tín nầy tôi tự tin và biết chắc rằng việc gì đã xảy ra. Khoảng vài phút sau,  tôi bước vào văn phòng Tỉnh trưởng. Thật xúc động khi thấy ông bước ra khỏi bàn giấy niềm nở tiến về phía tôi giơ tay siết mạnh. Tôi nói:

       - Kính chào Trung tá.

       - Chào ông Phó tỉnh chứ không phải Phó quận đâu nhé.

       Trở lại bàn giấy, ông kéo học tủ ra, lấy bản Sự Vụ Lệnh còn mới tinh ký trước mặt tôi và gọi đưa qua văn phòng để sao phổ biến gởi khắp nơi. Tôi ngỏ lời cám ơn ông về sự tín nhiệm và đề bạt nầy. Tôi hứa sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

       Sau nầy, sự việc được kể lại là sau khi ông Phó đề cử người thay thế, Trung tá Tỉnh trưởng có tham vấn với một số giới chức thân cận trong tỉnh, cả bên Hội đồng tỉnh, nhưng quan trọng nhất là ý kiến của Cha chánh xứ họ đạo Tân Hương, Luca BT. cùng với các Cha, Thầy. Ngoài ra, Dân biểu đơn vị Kontum cũng có ý kiến.

       Tất cả đều đồng ý đề nghị lên Trung tá Tỉnh trưởng, ông Phó Thu là "người trẻ có khả năng và trong sạch hơn cả." lên thay thế chức vụ Phó Tỉnh trưởng Kontum.

       Sau mấy ngày làm việc cật lực, lễ bàn giao chức vụ chính thức được ký kết vào buổi sáng, buổi chiều tối có mở tiệc lớn trong sân dinh Tỉnh trưởng với sự tham dự đông đảo của hầu hết các Trưởng Ty, Sở trong tỉnh cũng như các sĩ quan Trưởng phòng thuộc Tiểu khu Kontum. Thành phần quan khách gồm ông Chủ tịch Hội đồng tỉnh và các Nghị viên. Các Linh mục, Thượng tọa và Nhân sĩ địa phương cùng với toàn thể nhân viên Tòa hành chánh tỉnh.  

       Phần phát biểu của tôi đầy xúc động, gởi lời cám ơn chân thành đến Trung tá Tỉnh trưởng, đặc biệt là với các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo. Kế đến là phần chúc mừng của các đại diện ban, ngành. Dân biểu đơn vị địa phương Kontum đã hết lời ca ngợi ông Tân Phó Tỉnh trưởng và hy vọng rằng một chương mới tốt đẹp hơn sẽ được mở ra cho tỉnh nhà.

       Trời về khuya thấm lạnh. Gió núi phả về khêu ngọn lửa đốt ở giữa sân làm lan tỏa ra từng đợt hơi nóng đủ ấm cho khoảng không gian chung quanh buổi tiệc. Văng vẳng xa xa tiếng đại bác vọng về vang rền trong màn đêm tịch mịch. Tôi kéo cao cổ áo, cài khuy kín lại mà trong lòng dấy lên một niềm vui rộn ràng khó tả.

       Trần Bạch Thu

Thursday, July 27, 2023

Xuân Vũ: Đường Đi Không Đến – 20


https://thaithuyvy.wordpress.com/2009/11/11/d%C6%B0%E1%BB%9Dng-di-khong-d%E1%BA%BFn-20/

– 20-

Hôm sau thì tôi lên đường với Việt và Thu. Thật ba người là ba người riêng rẽ không thể nào kết thành một khối được. Tôi thì không thích Việt, Việt thì đi chung với Thu mà có tôi bên cạnh thì chẳng khác nào gặp một con kỳ đà to tướng. Thu thì thích tôi nhưng lại cảnh giác với tôi, còn tôi thì thích Thu nhưng lại lúc nào cũng sợ Thu phản đối cho nên cái hình tam giác mà ba chúng tôi mỗi đứa là một đỉnh, thật không ai tìm ra nổi cái diện tích và giá trị của mỗi góc độ. Một cuộc hành quân như vậy nếu có gặp địch thì chiến đấu làm sao?

Chúng tôi đổ ra đường cái thì gặp một cụ già. Cụ ấy là cụ Chín Sử. Không rõ làm nghề gì trong ngành giáo dục nhưng cụ nung nấu ý chí về Nam ngay khi ra Bắc. Cụ nói có chết sẽ về Nam mà chết. Vì thế cụ quyết xin về. Những người lãnh đạo xét tới xét lui và sau cùng đã quyết định cho ông già 54 tuổi vượt Trường Sơn bằng cặp chân mỏi gối đùn.

Tôi gặp cụ già ở trạm ba. Lúc đó tôi còn khoẻ lắm, tôi khinh thường núi non đèo dốc, khinh cả túi thuốc trong ba-lô. Ông Chín đã "ăn pan" dọc đường . Mới đi có vài trạm mà cụ đã sưng đầu gối. Hai cái bánh chè của cụ khô hết nước nhờn nên cái khớp xương đầu gối không co giãn như thường lệ được.

Cụ nai nịt theo kiểu cầu thủ đá bóng. Khi đi đường cụ mặc quần đùi, đeo "băng đầu gối" và "băng mắt cá" chỉ thiếu đôi giày đinh nữa là thành cầu thủ. Cụ giắt lá cây từ mắt cá lên tới đầu, chung quanh nón, không để một chỗ nào hở hang mà phi công Mỹ có thể nhìn thấy và nhận định được rằng đó là một con người đang di động.

Trong ba-lô của cụ có không biết bao nhiêu sâm Triều Tiên. Mỗi khi nghỉ thì cụ lấy nguyên củ ra gặm như người ta buồn miệng gặm chơi một củ cải đường nho nhỏ.

Tôi đi vượt ông già không biết bao nhiêu trạm bây giờ mới gặp lại đây.

Tôi nói ngay:

– Chốc nữa cháu sẽ biếu cụ một món ăn đặc biệt.

Lão già nghe nói thức ăn bèn tố khổ ngay:

– Mấy đứa quen mang dùm thức ăn cho tôi rồi đi thẳng luôn phía trước, tụi nó thấy tôi đau mà không gởi trả lại tôi. Thế mới buồn!

Tôi hơi bực:

– Sao cụ lại gởi thức ăn cho người ta mang như vậy?

Cụ già thở dài tỏ ý hối hận:

– Thì nào ai đã đi hai lần trên đường này mà có kinh nghiệm? – Cụ tiếp – Tôi cũng tưởng rằng đường đi dễ dàng, người đi trên đường có thể dừng lại đợi nhau bất cứ lúc nào chớ đâu có ngờ mà nó ác nghiệt như thế này!

Ông già lại thở dài:

– Đường sá gì kỳ cục quá!

Cụ già hôm nay trông thật bết bát. Đôi mắt cụ khép nhỏ lại, ti hí vừa đủ nhìn. Khuôn mặt cụ tóp lại như một miếng cau khô. Những nếp nhăn chứa đầy mồ hôi như một trái khóm chín rục ứ đầy mật sắp tràn ra.

Cây lá giắt đầy mình cụ làm cho cụ trở thành một bụi cây di động trên đường. Mỗi bước đi làm cây lá rung lên xào xạc.

Tôi lại hỏi:

– Như vậy cụ không còn thức ăn nào trong ba-lô hết sao?

– Còn chứ, còn một ít ruốc chà bông, vì nó nhẹ nên tôi để mang lấy. Cha chả! chơi cái mửng này thì hết chỗ chê rồi, nào thịt kho mặn, nào muối trắng, nào muối sả, muối tiêu của bà con làm riêng cho tôi, nào trà Chính Xuân hoa nhài tôi cũng giao hết cho tụi nó mang luôn. Bây giờ tôi thèm một chung trà hết sức, ước gì uống được vài ngụm, tôi có thể lội hằng chục cây số liền như chơi.

Thấy ông già đau khổ, tôi không muốn khơi thêm nữa. Tôi lặng lẽ đi lùi lại phía sau lưng lão. Trên đường này những chuyện bình thường thì ít còn những chuyện kỳ cục thì không sao kể cho hết được. Ngay mỗi một người đi trên đường này cũng đã là một sự kỳ cục quá ư to lớn rồi.

Bỗng nghe tiếng quát:

– Máy …ba….ay..!

Tôi dừng lại dớn dác nhìn, chưa thấy gì cả, chỉ nghe tiếng động cơ mơ hồ. Có lẽ có một chiếc máy bay đang di chuyển về phía này nhưng tàng cây lá um tùm làm gì nó thấy mình được? Vậy mà tôi không thấy ông Chín ở đâu nữa. Tôi sợ ông già đã ngã xuống một cái hố nào bên lề đường mà tôi không hay. Tôi vội kêu lên inh ỏi:

– Ông Chín ơi! ông Chín! Ông…!

– Sụyt! suỵt! Làm cái gì om sòm vậy?

Một tiếng nói thì thầm chen với tiếng lá cây xào xạc bên tôi. Tôi nhìn lại thấy giữa những nhánh cây có hai chấm sáng quắc đang chiếu về phía tôi thì tôi biết là ông Chín đang đứng đó.

Ông Chín đứng nép sát vào một thân cây cổ thụ và chung quanh đầy những bụi cây rậm. Không biết làm cách nào mà ông nhảy thót vào đứng ở chỗ đó nhanh đến thế?

Ông Chín khe khẽ đưa bàn tay rẽ những cành lá và vẫy vẫy tôi:

– Tránh mau! Trá…ánh ! Nó tới rồi!

Thấy tôi cứ đứng im không chịu trốn, ông Chín thò tay ra níu lấy áo tôi lôi vào bụi cây và nói:

– Sao cứ đứng chết ở đó hả? Đồ ôn dịch! Nó thấy là toi cả lũ nghe chưa?

– Thấy sao được mà thấy ông già!

– Sao không thấy? … Chứ … chứ nó thấy mình khó hay mình thấy nó khó?

Tôi đáp:

– Nó thấy mình khó chớ mình thấy nó dễ.

– Nhưng hễ mình thấy nó thì nó thấy mình!

– Ai bảo cụ vậy? – Tôi phát cáu – Cụ làm như nó có phép vậy.

Cụ già cũng không chịu thua:

– Nó không có phép mà bay được trên trời à?

– Nó bay thì nó bay chớ!

Hai người còn cãi thì chiếc trực thăng bay tới. Chỉ có một chiếc thôi. Tiếng động cơ nghe to quá. Pành pạch, pành pạch! Cơ hồ như nó đến ngay trước mặt, trên đầu mình. Ông Chín rút sát vào thân cây.

Tôi thấy bàn tay của ông ta nhè nhẹ kéo những cành lá che lên đầu mình. Dường như ông sợ cử động mạnh máy bay sẽ nghe thấy.

Đã vậy cụ còn giục tôi:

– Đứng nép vào!

Nhưng tôi cố thò đầu ra khỏi thân cây mà nhìn tiếp xem chiếc máy bay đi về hướng nào. Cụ già nắm lấy vai áo tôi mà lôi vào:

– Đã bảo nó trông thấy mà!

– Thấy thấy cái gì? Nó bay tận mây xanh!

Nhưng ông cụ cứ lôi tôi, ấn tôi sát gốc cây và nghiến răng ken két:

– Mây xanh gì! Nó tới kia kìa!

Tôi đánh phải nghe lời ông gì. Tiếng máy bay pành pạch có vẻ như nó quần ở khu vực này.

Ông Chính càu nhàu bên tai tôi:

– Nó trông thấy đồng chí rồi đó, thấy chưa? Khổ quá! Tôi đã bảo hễ mình trông thấy nó, nó trông thấy mình mà!

Nhưng tôi không tin như vậy. Tôi đứng nép vào gốc cây mà ló đầu ra nhìn như lúc nãy. Nó không thể nào thấy được. Tại mình sợ quá, cho nên mình cứ nghĩ là lúc nào nó cũng có thể trông thấy mình.

Tôi chọc tức ông già.

– Tại nó trông thấy cụ chứ!

– Sao trông thấy được?

– Tại vì cụ nhúc nhích!

– Tôi nhúc nhích, nó cũng không thấy được tôi.

– Nó thấy cụ ngụy trang nhiều quá.

– Ngụy trang nhiều thì tốt chứ sao?

– Nhưng khi cụ nghe động cơ thì cụ nhảy phốc vào bụi. Thằng phi công nó biết là có người ta chạy trốn, mặc dù nó thấy có lá cây thôi.

– Hừ! Thằng phi công khôn nhỉ?

– Khôn chứ không khôn thì làm sao nó làm phi công được. Cụ thử nghĩ xem bụi cây gì biết chạy? Đang đi giữa đường lại nhảy phốc vào kia rồi đứng im, không phải người ta là cái gì?

Ông Chín lặng im. Một chốc máy bay đi xa, ông Chín thở dài thườn thượt và nghiêm nghị.

– Đồng chí chủ quan khinh địch quá!

– Không! Tôi không chủ quan. Cụ sợ quá nên cụ đánh giá địch quá cao.

Ông già càng nghiêm nghị hơn lên:

– Nè! Tôi không có đùa đâu nhé!

– Thì tôi cũng nói thật mà! Tôi đâu có chủ quan, tôi chỉ bình tĩnh thôi. Cụ trốn thì tùy cụ, còn tôi không trốn là quyền của tôi.

Ông Chính đưa tay vạch lá và ló hẳn cái mặt mồ hôi ròng ròng ra ngoài và nói:

– Quyền của đồng chí hả? Ở đây không ai hoàn toàn có quyền về mình nghe chưa? Ở đây là tập thể, là chủ nghĩa cộng sản văn minh, mặc dù ở giữa rừng rú nhưng không phải là cộng sản dã man, ăn lông ở lỗ. Không phải ai muốn làm gì thì làm nghe chưa?

Nghe ông già giỡ Các Mác ra để tranh luận về một việc trốn máy bay, tôi suýt bật cười, nhưng sợ cụ già thêm nổi xung lên nên tôi đành nhịn.

Đường càng đi càng dốc.

Lắm lúc anh giao liên đứng ngất ngưởng trên cao quát xuống: "Mau lên các đồng chí ơi!"

Cứ hết một cái dốc, mình vừa thở phào định nghỉ xả hơi lại đến một cái dốc khác rồi cái dốc đó vừa qua thì lại thêm một cái dốc cao hơn nối tiếp. Tôi quát trả lại anh giao liên:

– Mau cái gì được mà mau? Nè tôi nói cho mà biết nghe, chúng tôi là con người hẳn hoi chứ không là máy nghe chưa? Máy kia chạy còn phải nghỉ ngơi cho mát máy, xăng nhớt cho đầy rồi mới chạy tiếp huống chi là người?

Chúng tôi tới trạm lúc mặt trời sắp lặn. Bộ đội đã ngồi đầy đặc cả lối đi và trong rừng . Đáng lẽ họ đi luôn trạm này rồi, nhưng họ phải đùn lại đây vì kẹt đường. Anh giao liên nghe tin đó mà sảng sốt kêu lên:"Kẹt đường rồi à? Kẹt đường rồi à?"

– Kẹt rồi!

– Ai nói?

– Thì tụi tôi ngồi chình ình đây, không kẹt là gì!

Tôi chưa hiểu sự kẹt đường nó quan trọng đến mức độ nào, nhưng nhìn vẻ mặt hớt hãi của anh giao liên thì đoán ra đó là một tai nạn lớn vô cùng.

Anh giao liên chạy bay tới trước vừa chạy tất tả vừa kêu:

– Kẹt thì bỏ mẹ rồi! Gạo đâu ăn?

Chính đó là một đại họa rồi. Từ cái sự không gạo ăn đó sinh ra vô số tai họa khác: trộm cắp, phá tán, đánh cá dưới suối bất kể lộ bí mật v.v…

Ông Chín lần mò tới sau.

Có lẽ thấy chúng tôi chỉ có mấy ngoe hay vì có "chất tươi" nên giao liên đưa thẳng chúng tôi vô trong trạm.

Trạm là một ngôi nhà cao cẳng của người Thượng đã bỏ đi lúc nào. Trước nhà có một cái sân nho nhỏ mòn nhẵn và một lối đi hút vào trong rừng.

Đi tới một trạm mới là cả một niềm vui, chúng tôi cảm thấy đường đi rút ngắn được một quãng dù rằng trên thực tế nó chẳng có là bao. Bởi vì đường không ngay thẳng mà nó lòng vòng, leo lên tuột xuống , có khi đi cả ngày đến chừng quay lại nhìn thì vẫn thấy nơi xuất phát ở ngay sau lưng mình.

Ba đứa chúng tôi không ai bảo ai bèn chui xuống sàn nhà mắc võng. Thiệt là vui khi được ở trong nhà. Tôi còn hiểu thêm rằng, nếu một đoàn người bị đùn lại thì đoàn sau vẫn cứ đi tới, lại đùn. Nếu không thể khai thông đường được thì trạm này sẽ nối liền với trạm kia bằng một sợi dây mà mỗi mắc dây là một con người.

Chúng tôi được nấu cơm trong nhà, khỏi phải che lửa, tắt lửa khi có máy bay tới.

Đó lại cũng là một diễm phúc quá lớn đối với chúng tôi. Trong lúc chúng tôi sửa soạn bếp núc thì ông Chín lại lò dò đi ra rừng. Chập sau ông trở vào với một ôm nhánh cây.

Tôi hỏi:

– Cụ làm gì đó?

– Ngụy trang.

– Ngày mai kẹt đường đâu có đi được mà cụ lo dữ vậy!

Cụ già làm thinh không nói không rằng chi cả, cứ lui cui nhặt những nhánh cây và đi trải khắp mặt sân. Trời đất! Ông già ổng định ngụy trang cho cả cái sân này.

Tôi thấy thương ông già vô hạn. Đúng là một ông già. Một thằng trẻ không thể nào quan tâm đến việc đó dù rằng việc đó có thể gây tai hại chăng nữa.

Ông Chín vừa rải lá trên sân vừa giải thích với chúng tôi rất hùng hồn.

– Tôi hỏi các đồng chí, tại sao ở giữa rừng như vậy lại có một cái nhà và một cái sân? Có thể máy bay nó không biết, nhưng đâu phải chỉ có máy bay do thám mà thôi. Giặc nó còn thả biệt kích nữa chứ, máy bay nó thấy cái nhà và cái sân, cố nhiên nó phải nghi ngờ thì nó sẽ hỏi tụi biệt kích! Như vậy là mình bị lộ ngay.

Ông già giải thích theo lối suy đoán chủ quan của ông ta, nhưng nghe cũng có lý. Vả lại việc của ông không làm mệt nhọc chúng tôi cho nên chúng tôi chấp nhận sự hữu lý của cụ một cách dễ dàng.

Cụ già phủ cả cái sân và phủ luôn cả con đường mòn đi vào rừng. Cụ làm xong việc đó thì trời tối mịt.

Cụ lên nhà. Anh trạm trưỏng và hai anh giao liên cũng không tự ái về sự tự động của cụ già. Tất cả khách lẫn chủ đều tấm tắc khen ông già.

Ông Chín lấy làm khoái chí vì thấy không ai phản đối mình. Ông Chín giải thích thêm:

– Tụi phi công là gớm lắm. Tụi nó có con "mắt thần" hiểu chưa? Ban đêm nó nhìn thấy rõ như ban ngày ấy. Súng phòng không của mình phủ kín lá ngụy trang mà nó nhìn còn thấy đó! Bởi vậy cho nên hễ nó đánh là đánh trúng ngay trận địa chứ không sai bao giờ.

Bữa cơm chiều nay thật là vui vẻ. Chúng tôi nấu xong mang cả lên nhà sàn ngồi ăn quây quần với nhau. Tôi và Thu đem ra một tí lương khô chó mới bào chế ra thết trạm và ông Chín, để tỏ lòng biết ơn trạm đã cho chúng tôi vô ở cùng trạm và để tỏ lòng kính phục Cụ già Ba Tri. Cơm xong chúng tôi vừa ngã lưng ra võng là có hai người tới. Hai người này đi thẳng lên thang làm cái nhà sàn rung rinh.

Sau đó chúng tôi được biết một người là chỉ huy phó và một người là quản lý đường dây.

Anh chỉ huy ném ba-lô xuống sàn nhà và thở phào:

– Kẹt cái kiểu này thì thắt họng!

– Dạ!

– Mỗi ngày mà cứ ùn thêm vài ba trăm con người ta, ùn lại độ năm ngày thì hơn ngàn rưỡi con người ta , mỗi ngày mỗi người một lít gạo lấy đâu ra mà cấp cho họ?

– Dạ! – anh trạm trưởng chỉ có mỗi tiếng "dạ" như để chấm câu cho ông chỉ huy phó.

– Kho bây giờ lại bị tắt không bổ sung được chỉ hôm nay là hết gạo ngay. Bởi vậy cho nên mình phải lo "Xoi" đường ngày. Phải xoi ngay!

Tôi đã từng nghe những tiếng như làm đường, mở đường, nối đường, thông đường v.v… chứ chưa nghe hai tiếng "xoi đường" bao giờ! Nghe cái tiếng "xoi" tôi cũng đã hiểu là sự khó khăn lớn lắm. Bởi vì nếu dễ dàng thì người ta chỉ nói "mở đường" thôi. Vì sự dày đặc của núi rừng, vì tình hình giặc, người ta phải dùng một vật vừa sắc vừa nhọn mà đâm, mà ngoáy rất lâu mới thủng được cho nên mới goị là "xoi".

– Xoi cho thủng, còn xoi không thủng thì chết đói…

Nói vậy rồi ông chỉ huy phó cùng ông quản lý đường dây dắt ông trạm trưởng đi ngay.

– Xoi đường!

Họ đi làm cái nhiệm vụ đó, còn chúng tôi thì nằm lại đây chờ và cảm thấy số phận mình tùy thuộc cuộc đi xoi đó của họ.

Tôi lân la trò chuyện với ông Chín. Tôi được biết thêm rằng ông Chín người ở Gia Định. Ông đã xin về Nam rất nhiều lần, nhưng lần nào ông cũng thất vọng vì tuổi tác của ông. Nhưng ông không thất vọng, ông lo bồi bổ sức khoẻ ngày lại ngày, ông thấy khoẻ hơn lên và ông lại xin về.

Cấp trên thấy quyết tâm của ông rất lớn, vả lại để một lão già ở Miền Bắc cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Thôi thì cho lão đi. Lão ta tới nơi thì lãnh đạo được tiếng sáng suốt, còn nếu lão ta có chết bờ chết bụi thì cũng không làm sao vì đó là nguyện vọng của lão ta mà! Thế cho nên ông Chín được đắc ý và quảy ba-lô đi vào trường đi B để được mang gạch lội bộ trong 3 tháng trước khi thực sự leo dốc trèo đèo.

Ông Chín vui vẻ nói với tôi:

– Trước khi lên đường một ngày, chiếc xe chở đoàn tôi đi chơi bị xe lửa đụng chết hết cả xe, chỉ còn mình tôi sống sót. Bị xe lửa đụng mà không chết thì có lẽ không bao giờ tôi chết nữa!

Ông Chín nói xong rồi mở ba-lô lấy một củ sâm bằng ngón tay ra gọt gọt bỏ cả vào bi-đông rồi châm nước sôi tiếp theo. Ông lắc lắc cái bi-đông:

– Tôi không nhờ cái món này thì tôi chết lâu rồi!

Uống nước xong ông Chín lên võng nằm, còn tôi cũng không xuống sàn nhà làm gì. Lâu lâu mới được nằm ngay lưng trên vạt một đêm, kể cũng sướng, cho nên tôi cứ nằm ngay tay chân ra cho thoải mái mà nghe ông Chín kể chuyện.

Ông Chín không kể chuyện nữa, mà ông tâm sự. Ông nói:

– Bây giờ đến tỉnh tôi chỉ mong ước làm một việc là dạy học trò. Dạy lớp mấy cũng được. Tôi là thầy giáo đã từng dạy 2 thế hệ, dạy cha rồi dạy con. Tôi không thích công chuyện nào hơn dạy học. Tôi ước mong sao đi về tới nơi, tôi được một cái trường học lợp lá núp dưới bóng cây vườn với vài mươi đứa trẻ. Tôi dạy chúng từng chữ, và một hôm nào đó, tôi nhìn ra cửa, có một người lạ mặt đến thăm tôi và tự xưng là học trò cũ của tôi.

Tôi buột miệng nói:

– Tôi là Carnot đây thầy còn nhớ tôi không?

Ông già đang nằm bỗng ngồi dậy đập vào vai tôi một cái rõ đau.

– Đúng! Đúng quá! Đồng chí nói trúng tim đen của tôi. Và đó là phần thưởng xứng đáng nhất của tôi.

Nhưng từ phút vui sướng trở đi, ông Chín không nói động tới việc dạy học nữa. Ông nằm lặng thinh. Một chập sau tôi mới biết ông Chín khóc. Ông sụt sùi rồi hỉ mũi rất to khi ông biết rằng ông không giấu được tiếng khóc đối với tôi.

Ông Chín nghẹn ngào:

– Nhưng tất cả những điều đó chỉ là ước mơ thôi.

– Tại sao vậy Cụ?

– Hừ … hừ… ! vì nó xa vời quá!

– Sao lại xa vời, mình đi hết một phần ba rồi.

– Còn hai phần ba nữa mới tới nơi! – Ông Chín ngưng một chốc – Trong lúc đó thì sức lực của mình đã xài hết ba phần tư rồi, hai điều đó mâu thuẫn hẳn lại với nhau. Lâu nay tôi đã suy nghĩ về việc này, nhưng không tiện nói với ai bởi vì sự sa sút tinh thần của mình sẽ lây sang những người bên cạnh.

Tôi thấy ông Chín chỉ là người đáng thương và đáng kính, một nhà mô phạm trên đường dây gian nan này!

Ông Chín nói tiếp:

– Sở dĩ không trở ra Bắc là vì nếu trở ra thì không có hy vọng đi vào nữa. Thôi thà về gần tới quê hương rồi có gục ngã cũng vẫn hơn là đi xa biệt mù không thấy bóng dáng quê nhà. Dù mình có chết thì cũng chết trên đường về.

Tôi nói, mà không tin ở lời nói của mình:

– Anh em sẽ thay phiên nhau mà dìu Cụ cho đến ranh Nam Bộ chớ!

– Không! tôi không để cho anh em phải nhọc nhằn vì cái thân già của tôi!

Trời đất! Sao hết chuyện này đến chuyện khác mà toàn chuyện thảm não không vậy? Mới vừa đục xong cái mộ bia cho anh bạn không quen ở trạm vừa rồi thì lại đụng ông già tàn phế này.


Đánh máy: Lê Thy

Rảnh rang bàn lại MÙI MUỒI

Rảnh rang bàn lại MÙI MUỒI
Coi THƠM hay CHÍN, rối nùi phải không?
Tác giả MÍCH LONG

Đại Nam Quấc âm tự vị" không ghi nhận từ ngữ "mùi mẫn" mà chỉ có "muồi mẫn". Cụ thể "muồi", chữ Nôm viết 煤, có nghĩa là chín quá (nói về trái trăng - tức trái cây) và cho ví dụ "muồi mẫn", "chín muồi", "trái muồi", "khóc muồi".
Dựa vào "Đại Nam Quấc âm tự vị", ta có thể thấy nghĩa gốc của "muồi" là trái cây chín quá, chín đến mức tối đa, rồi từ đó mở rộng ra, thành điều gì đó rất say, rất nồng, đạt đến mức say sưa lắm, dữ dội lắm, thí dụ như "khóc muồi", "muồi mẫn".
B. Tự điển Lê Văn Đức ghi:
Muồi: khóc muồi-mẫn; họ đang muồi-mẫn với nhau.
C. "Tự điển Từ ngữ Nam Bộ" của Huỳnh Công Tín cũng không ghi nhận "mùi mẫn" mà chỉ có "muồi mẫn". Huỳnh Công Tín còn giải thích tỉ mỉ hơn hẳn hai công trình kể trên, cụ thể như sau:
- MUỒI:
1/ (Trái cây) chín đã lâu, ở trạng thái mềm, thâm sắp chuyển sang thối rữa.
Ví dụ: Ba trái chuối để muồi thâm kim, ăn hết ngon.
2/ Ở trạng thái cao về chất của một quá trình.
Ví dụ: Mới nói có mấy tiếng mà nó đã tủi thân khóc muồi rồi; Em nó buồn ngủ muồi rồi, gục lên gục xuống kia kìa.
3/ (Ca, đàn) rất điêu luyện, điệu nghệ, êm dịu và truyền cảm.
Ví dụ: Giọng Phương Quang ca bài "Tình anh bán chiếu" cũng rất muồi, đâu thua gì giọng Út Trà Ôn.
4/ Tình tứ, rất tình, say đắm quyến luyến bên nhau.
Ví dụ: muồi ở đâu chớ bọn trẻ bây giờ chúng nó muồi ở giữa đàng giữa sá, trông nó kỳ khôi quá
- Về từ ngữ "MUỒI MẪN", Huỳnh Công Tín giải thích như sau:
"Muồi mẫn" là từ dùng có ý nhấn mạnh để chỉ trạng thái cao, điêu luyện của một quá trình.
Ví dụ: "Giọng ca phải muồi mẫn theo nghĩa là lãng mạn, buông thả tự do nhưng giữ chắc nhịp".
Ví dụ này là Huỳnh Công Tín dẫn theo sách của Sơn Nam.
Điều này có nghĩa là nhà văn Sơn Nam cũng viết "muồi mẫn".
Như vậy hầu hết các tự điển đều ghi nhận từ ngữ muồi mẫn, nhưng dường như chỉ có từ điển (cuốn từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê) viết với chữ "mùi mẫn"?
Vậy ta thử tìm hiểu xem "Từ điển tiếng Việt" của Hoàng Phê có xuất xứ từ đâu:
"Từ điển tiếng Việt - còn được gọi là "Từ điển Hoàng Phê" - là một công trình khoa học do tập thể các nhà khoa học thuộc Viện Ngôn ngữ học - cơ quan nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam biên soạn dưới sự chủ biên của Hoàng Phê. Công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005.
Từ điển tiếng Việt xuất bản lần đầu năm 1988, được tái bản nhiều lần, thu thập và giải thích khoảng 36.000 từ ngữ thường dùng trong đời sống và thường gặp trên sách báo, các từ ngữ phương ngữ phổ biến, các thuật ngữ khoa học - kỹ thuật thông dụng. (trích từ trang quảng cáo "từ điển" của chxhcnvn).
Và các nhà "ngôn ngữ học hàng đầu" này còn "khẳng định" rằng:
MÙI (Danh từ): hơi lan tỏa ra và được cảm nhận, nhận biết bằng mũi.
Ví dụ: Mùi thơm ngào ngạt này phát ra từ phòng bếp.
→ Ý câu này chỉ, hương thơm được xác định bằng mũi và được xác định được tỏa ra từ phòng bếp.
MÙI (Danh từ): rau thơm thuộc họ hoa tán, lá nhỏ hình tròn chia thành các tua, thường dùng làm gia vị. Còn có tên gọi khác là Ngò.
(ML: Cái loại ngò rí (rau mùi) này chẳng có ăn nhập gì với ý nghĩa của chữ MÙI nơi đây, hahaha đưa vào để tỏ ra... hiểu biết rộng?)
Tuy nhiên ở đây, mùi (Tính từ) có nghĩa là hay, có sức lay động và cuốn hút lòng người.
(ML: Tại sao lại có "tuy nhiên"? Và tại sao chỉ có "ở đây?", hahaha tui cũng không rõ)
Ví dụ: Giọng hát của em ấy nghe thật mùi mẫn. (?)
→ Câu này ý chỉ, cô ấy có một giọng hát hay, nghe xao xuyến lòng người.
Cuối cùng các nhà "ngôn ngữ học hàng đầu" của "nhà nước" ra "quyết định" luôn:
"MUỒI MẪN" là một từ sai, nó không có trong từ điển tiếng Việt. (Hết cãi?)
Cho nên có thơ rằng:
MÙI với MUỒI?
Mùi hương, mùi vị, mùi đời
Nụ hôn muồi mẫn, làn hơi thật muồi
Thơ văn, âm nhạc bắp cùi
Thi ca loại ấy "bốc mùi" hay chăng?
Hahaha
Mich Long

https://www.facebook.com/groups/1010963756558765/posts/1044171103238030/

Sunday, July 23, 2023

TÚC CẦU VNCH, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG (Nguyễn Quang Duy)

Tôi sinh năm 1959, vào năm đó lần đầu tiên đội tuyển Túc Cầu Việt Nam Cộng Hòa đoạt huy chương Vàng Đông Nam Á Vận Hội tổ chức tại Thái Lan. 

Tôi lớn lên với nhiều kỷ niệm và học hỏi từ tinh thần túc cầu Việt Nam Cộng Hòa, giờ càng nghĩ càng thấy nhớ thương, ngậm ngùi về thời kỳ vàng son nền túc cầu Việt Nam.

Huyền Vũ có một không hai 

Ngày nay người mê đá banh được xem trực tiếp truyền hình nên khó có thể hình dung được sự đam mê theo dõi các trận đấu qua lời tường thuật trên radio của ký giả Huyền Vũ.

Cứ mỗi trận đấu mà Huyền Vũ tường thuật thì y như khắp hang cùng ngõ hẻm, trên rừng thiêng núi thẳm dân mê đá banh đều bu quanh chiếc radio tưởng tượng những gì đang diễn ra trên sân cỏ.

Không chỉ ở các tiền đồn heo hút gió những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa lắng nghe Huyền Vũ tường thuật, một người theo cộng sản đã kể tôi nghe ngay trong chiến khu bộ đội cũng ham thích theo dõi Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh.

Từ giọng nói vô cùng thu hút người nghe, đến cách sáng tạo ngôn ngữ làm giàu từ ngữ Việt Nam, cách tường trình hết sức độc đáo các trận đấu và và kiến thức về túc cầu có một không hai, đến nay người Việt không có ai có thể thay thế được Huyền Vũ.

Từ ngữ "dzô! dzô! dzô!" mà các dân nhậu mời chúc rượu nhau là do Huyền Vũ sáng tạo, thường xuyên lập đi lập lại khi tường thuật các trận đá banh, riết thành từ ngữ hết sức phổ thông nói đến ai cũng biết.

Huyền Vũ tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh năm 1914 và mất năm 2005, là chủ bút Tạp chí Thể thao hàng tuần và chủ bút báo Nguồn Sống.

Với kiến thức uyên thâm về túc cầu, Huyền Vũ đã hướng dẫn bạn đọc cách chơi, luật lệ túc cầu, đồng thời giải thích cặn kẽ cho bạn đọc về chiến thuật và chiến lược của từng đội, trong từng trận đấu và xây dựng một tinh thần thể thao thắng không kiêu thua không nản.

Về cách viết tôi học được từ Huyền Vũ là luôn luôn có những bạn đọc tuyệt đối ủng hộ một đội banh, cũng như trong chính trị có những bạn đọc luôn ủng hộ một khuynh hướng chính trị, nên khi bình luận người viết không được thiên vị bên nào như thế thì các bài viết mới có giá trị lâu dài và người viết mới giữ được uy tín với bạn đọc.

Vài đoạn tường thuật 

Trên báo Thanh Niên, ngày 24/4/2016, nhà văn Lê Văn Nghĩa coi ký giả Huyền Vũ như một huyền thoại, bởi thế sau hơn nửa thế kỷ ông vẫn nhớ một số đoạn Huyền Vũ tường thuật trong trận đội Việt Nam thắng đội Do Thái 2-0 để được tham dự Thế Vận Hội năm 1964 xin trích dẫn lại như sau: 

"Hôm nay là trận tranh tài túc cầu vòng loại giải vô địch Thế vận hội 1964 giữa hai đội túc cầu Do Thái và Việt Nam. Về đội ta có mặt cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Dương Văn Thà, Phạm Văn Lắm, Phạm Văn Mỹ… Đặc biệt là thủ môn Phạm Văn Rạng, với đôi tay lưỡng thủ vạn năng…

"…thủ môn Phạm Văn Rạng đã đi vào huyền thoại bắt bóng của đội tuyển khi vào năm 1958, trong trận đội tuyển Thanh Niên thi đấu giao hữu với Câu Lạc Bộ vô địch Thụy Điển. Đội bạn, vì đã bị dẫn trước tỷ số nên cố san bằng khung thành của đội tuyển Thanh Niên. Có một đường banh mà không ai mê túc cầu có thể quên được đó là khi trung phong đội bạn là Djupden đánh đầu quả da vào từ góc trái. Cả cầu trường im phăng phắc. Còn trung phong đội bạn giơ cao cánh tay chuẩn bị mừng bàn thắng thì bất ngờ… Phạm Văn Rạng đã búng ngược người như một con tôm, dùng tay đẩy bóng qua xà ngang cứu một bàn thua trông thấy…

"…Mũi tên vàng Thới Vinh bên cánh trái đang lao xuống… lao xuống… Quả da đã đi tới khung thành rồi. Ngôn đang lừa banh, qua rồi. Tam Lang đang đứng đợi bên trong, đưa banh. Tam Lang bỏ cho Đỗ Thới Vinh. Ngôn ở phía sau sẵn sàng "S… ú… t"…, cú sút như trái phá nhưng quả da đụng khung thành bật ra… Ta đã uổng một dịp thắng bằng vàng…

"…Chúng ta còn nhớ lại, tại Đông Nam Á vận hội năm 1959, đội tuyển túc cầu của ta đã đoạt huy chương vàng nhờ công của các tuyển thủ Đỗ Thới Vinh, Hải, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Nhung và không thể thiếu thủ môn vàng Phạm Văn Rạng. Đội tuyển túc cầu xứ chùa Tháp phải chia tay với chức vô địch khi thua đội tuyển túc cầu Việt Nam với tỷ số 1-3. Chính tay thái tử Xiêm trao cho đội tuyển túc cầu Việt Nam chiếc cúp vàng vô địch…

"… Nào bây giờ ta trở lại trận đấu. Quả da đang ở trong chân của Tenkitút. Tenkitút tạt ngang cánh trái cho Mohamet Jali. Jali dẫn banh xuống nhưng bất ngờ, từ phía sau Tam Lang đã bắn ra như một mũi tên… Ô… số 8 của đội Do Thái là Baroak đã kịp thời lao đến cản đường banh của Tam Lang.

"…Tới trước khung thành rồi, Ngầu đang lừa banh, qua rồi, Há đứng đợi bên trong, đưa banh, Há bỏ cho Ngầu, Liêm ở phía sau sẵn sàng, cú sút như trái phá… nhưng quả da đụng khung thành bật ra…

"… Tam Lang lại được banh từ giữa sân, đưa dài lên, cú sút của Tư chéo góc… Dzô! Dzô! Dzô! tuyệt tác. Sân cỏ nổ tung!…

"… Rồi Đực, rồi Rạng với đường banh huê mỹ vặn chéo người cứu một bàn thua trông thấy khiến khán giả choáng váng…".

Từ hồi còn rất nhỏ nhưng tôi đã yêu thích giọng tường thuật của Huyền Vũ, rồi mê đá những trái banh bằng nhựa trên sân xi măng hay trên đường nhựa, đến nay đầu gối vẫn đầy những vết thẹo kỷ niệm thời ấu thơ.

Vài giải thưởng quốc tế khác 

Đến năm 1966, đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa lại đoạt cúp vàng Merdeka, tổ chức tại Mã Lai Á. Đội banh Việt Nam đã liên tiếp hạ Tân Gia Ba (5-0), Nhật (3-0), Mã Lai Á (5-2), Đài Loan (6-1) và thua Ấn Độ (0-1). Cuối cùng Việt Nam vào chung kết thắng Miến Điện (1-0). 

Tại Đông Nam Á Vận Hội kỳ IV năm 1967, đội Việt Nam đoạt huy chương Bạc, khi thắng Lào (5-0), Thái Lan (5-0), nhưng thua Miến Điện (1-2) khi vào chung kết. 

Năm 1973, tại Đông Nam Á Vận Hội ở Tân Gia Ba, đội tuyển Việt Nam lại dành huy chương bạc, sau khi vào chung kết lại thua Miến Điện khi trận đấu chỉ còn 8 phút thì kết thúc, với tỷ số 3-2.

Giải túc cầu Quốc Khánh 

Những trận đấu quốc tế cuối cùng diễn ra trên sân cỏ Việt Nam Cộng Hòa đã bắt đầu từ ngày 1/11/1974 với bảy nước tham dự là Đài Loan, Nam Dương, Cam Bốt, Lào, Mã Lai Á, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam đã thắng Thái Lan (3-2), thắng Lào (1-0), hòa với Đài Loan (1-1), thua Mã Lai Á trận đầu (1-5) nhưng thắng vòng loại (1-0).

Trận chung kết giữa hai đội Nam Dương và Việt Nam có sự hiện diện của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra tại sân vận động Cộng Hòa vào ngày 10/11/1974.

Tôi còn nhớ sau nhiều tiếng đồng hồ sắp hàng mới mua được vé, ngay sau đó đã có người muốn mua lại với giá gấp chục lần, nhưng chúng tôi quyết định không bán, để vào xem trận đấu và ủng hộ đội nhà. 

Mặc dầu là trận đấu kỷ niệm Quốc Khánh với trên 20 ngàn khán giả tham dự, nhưng không có cảnh cờ xí, hình tượng lãnh đạo, phô trương chính trị như ngày nay.

Chưa kể tinh thần không thiên vị khi đội bạn Nam Dương chơi hay vẫn được khán giả Việt Nam nhiệt tình ủng hộ.

Trước trận đấu nhiều người tin rằng đội Nam Dương sẽ thắng và sẽ đoạt huy chương vàng, biết vậy nên ngay từ hiệp đầu đội Việt Nam đã dùng chiến thuật tập trung tấn công nhờ vậy đã ghi được bàn thắng đầu tiên.

Bước sang hiệp nhì đội Nam Dương liên tục phản công, đội Việt Nam quay về thế phòng thủ, nhưng gần cuối trận đấu do sơ hở phía đội Nam Dương, Việt Nam ghi thêm một bàn thắng, nhiều khán giả mừng rỡ ôm nhau nước mắt chảy thành dòng.

Tôi nhớ hôm ấy cả hai đội đều chơi rất đẹp, nhưng có thể vì không phải sân nhà và thời tiết trở lạnh có thể không thích hợp với đội Nam Dương, nên về thể lực đội bạn không giữ được đến phút cuối.

Ngay sau đó là lễ phát thưởng do chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao huy chương cho các đội, mọi người đều vui mừng ở lại sân dự lễ đến phút cuối và dư âm trận đấu vẫn còn cả tháng sau.

Cao trào túc cầu

Ở miền Nam hầu như mỗi tỉnh đều có một đội banh hằng năm đều tổ chức các giải Liên Quân Khu và giải Toàn quốc, thêm vào đó là các đội chuyên nghiệp vang bóng một thời như Quan Thuế, Không Quân, Hải Quân, Tổng Tham Mưu, Tổng Nha Cảnh Sát, Cảng Sài Gòn và Đội tuyển Quốc Gia. 

Túc cầu đã trở thành cao trào tập luyện thể thao, giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần, khắp miền Nam gần như trường trung học, đơn vị quân đội, cơ quan, khu phố nào cũng có đội banh riêng.

Các cầu thủ Việt Nam đều là thần tượng của tôi, nên viết về người này mà không viết về người khác thì quả là thiếu sót, vả lại lâu rồi cũng không nhớ hết, nếu viết e rằng sẽ có những lầm lỗi đáng tiếc.

Đội banh lớp tôi

Nhưng tôi đặc biệt yêu quý cầu thủ Tam Lang, phần vì ông là chồng ca sĩ Bạch Tuyết người mà tôi yêu thích, ông còn là cựu học sinh trường Trương Vĩnh Ký và nhà ở ngay trong sân vận động Lam Sơn nơi đội banh lớp 6-9/4 và 10-12/B2 (1971-77) của chúng tôi thường xuyên tập luyện.

Sân Lam Sơn thuộc khuôn viên trường Trương Vĩnh Ký, một người bạn của chúng tôi là con trai của Bác coi trường có chìa khóa cửa sau thông ra sân vận động nên cứ rảnh là chúng tôi kéo nhau sang sân tập đá.

Đá xong chúng tôi lại kéo sang nhà Dũng mập cạnh bên sân uống nước, nghỉ ngơi, nói chuyện trên trời dưới đất, những ước mong thời tuổi trẻ.

Đội banh có Biền nhỏ con nhất lớp, nhưng nhanh nhẹn, đá banh thì phải nói tuyệt vời, tôi nhớ có một lần đá với một lớp lớn hơn, đội chúng tôi thắng 12-0, riêng Biền đã ghi 10 bàn thắng.

Chúng tôi kháo nhau Biền dân Bến Tre nên từ nhỏ lấy dừa khô thay banh để đá, nhà Biền may banh da nên chúng tôi thường đến để đặt mua banh, Ba của Biền chỉ lấy giá tượng trưng, mấy chục năm nay không gặp lại Biền không biết giờ ra sao. 

Ngoài Biền ra các bạn khác như Dũng mập, Việt Hùng, Hùng Đô, Văn Hùng, Hiệp, Lợi Nhi, Ân, Tuấn, Hồng, Phương, Lỳ, Hồng Hoàng Thượng, Minh, Chánh, Oánh, Huệ và nhiều bạn khác.

So với các bạn tôi nhỏ con, chạy không nhanh, nói chung là đá dở hơn các bạn, thường giữ vị trí hậu duệ, nên thủ môn Huệ luôn miệng réo tên tôi khi banh đến sát khung thành và cuộc đời tôi chưa một lần ghi bàn thắng.

Đôi khi, chúng tôi lên sân vận động Tao Đàn để đấu giao hữu với các trường trung học khác tại Sài Gòn, hay các lớp khác ở chung trường Trương Vĩnh Ký.

Khi ra trường mỗi đứa mỗi nơi, sau hơn 40 năm đứa còn đứa mất cứ nhớ đến đá banh là nhớ đến các bạn, nhớ đến tuổi thanh niên ở miền Nam vùng đất tự do.

Túc cầu dạy cho tôi tinh thần đồng đội, đã chơi phải chơi hết mình, chơi đẹp, chơi đúng luật để giữ tiếng, chơi toàn đội, biết rõ vai trò của mình trong đội banh, còn thắng thua là chuyện bình thường, thắng không kiêu thua không nản.

Tinh thần túc cầu học hỏi được từ Huyền Vũ, từ các cầu thủ Việt Nam Cộng Hòa và từ các bạn bè cùng lớp đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống nơi đất khách quê người, bởi vậy cứ mỗi lần nghĩ đến túc cầu Việt Nam Cộng Hòa tôi lại nhớ đến một thời đầy thương đầy nhớ.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

3/7/2021

Wednesday, July 19, 2023

DƯỚI BÓNG MÁT CỦA LÁ CỜ “BA QUE”

Hoàng  Ngọc Mai
Bài  nầy tôi muốn nói cho những kẻ cứ mỗi lần vén hai cái mép mồm lên nói là phát ra tiếng "Ba Que".
Theo  tôi thấy, thì những kẻ hay dùng cái từ 3/// đó thường còn trẻ, đa số  chưa đến 60, có nghĩa là vào năm 1975 chỉ còn là con nít. Còn những  người lớn tuổi hơn, thậm chí cả đảng viên, họ cũng nói một cách khác.  Ngay cả từ Ngụy Quân và Ngụy Quyền cũng đã được chính  thức gỡ xuống.
Cho  rằng họ là những kẻ "chiến thắng" một cuộc chiến đi, nhưng tâm lý mặc cảm thua kém của họ vẫn thể hiện qua rất nhiều mặt. Những  giá trị của xã hội thời VNCH vẫn còn đó, làm cho kẻ chiến  thắng ăn ngủ không yên. Hằng  triệu người Bắc di cư vào Nam, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Hằng  triệu người khác vượt biển Đông để từ bỏ chế độ CS sau chiến thắng 1975.
Rồi  sau 1975, bao nhiêu triệu người miền Bắc lũ lượt kéo vào miền Nam làm  việc và sinh sống. Hà Nội là thủ đô, được đảng CS chăm sóc trước miền  Nam những 30 cơ mà? Sao  không có làn sóng dân Nam kéo về Hà Nội? Đảng  tuyên truyền rằng nhờ Mỹ đổ tiền vô nên miền Nam phồn thịnh! Sao lại bảo là Mỹ ác lắm đem quân vô giết dân Việt.
Điều nào đúng? - Cả  hai điều sai !
Nói  rằng thiên nhiên miền Nam trù phú hơn. Đó là ngụy biện hoặc là dốt nát.  Kart Marx đã sai  lầm cơ bản ở điểm nầy khi xây dựng lý thuyết Cộng Sản. Theo lý thuyết  đó, đất đai và phương tiện sản xuất là suối nguồn của sự giàu có, nên CS  không cho tư nhân có quyền sở hữu đất đai và phương tiện sản xuất.
Nhưng  thật ra sự phong phú nằm nơi con người, đất  nước nào biết  chăm sóc và trân trọng con người,  đất nước đó sẽ hưởng được sự thịnh vượng. Hãy  so sánh Nam và Bắc Hàn. Nam Việt và Bắc Việt cũng không ngoại lệ.
Miền  Nam lúc nào cũng bị quân CS đánh phá và khủng bố, chính quyền dân chủ  non trẻ với nhiều CS nằm vùng, mà vẫn xây dựng được cuộc sống hài hòa  cho người dân. Phát triển mọi mặt từ kinh tế, giao thông công cộng, y tế  , giáo dục... Đó là lý do tại sao miền Nam  thịnh vượng. Và cái trình độ dân trí đó đã kéo miền Nam vượt lên hẳn so  với Hà Nội.
Rồi những người miền nam liều mình vượt biển để tìm con đường sống trong cái chết. Nếu chẳng  may bị bắt trở lại thì bị tù đầy với tội danh là "phản quốc". Khi họ ổn định cuộc sống nơi nước ngoài,gửi  những đồng tiền do chính sức lao động của họvề  cho thân nhân ở trong nước thì  đảng lại gọi họ là "kiều bào", "khúc ruột ngàn dậm",  nghe sự nịnh nọt trơ trẻn mắc ói! Còn mấy cái mồm tuyên truyền thì kêu  đi ra nước ngoài ăn bơ thừa sửa cặn...Nhờ những đồng tiền "bơ thừa sửa  cặn" đó mà kinh tế VN vượt qua thời kỳ khô cằn do đường lối kinh tế  XHCN, mọi thứ đều quốc doanh hóa, nhà nước quản  lý hết....Đến lúc hết thở, nên nhà nước hết hồn, đành buông xả ra gọi  là "đổi mới" !
Qua  đó, có phải cái bóng mát của VNCH vẫn che cho dân trong những lúc khó khăn đó đến ngày hôm nay?
Vậy đó, Cộng Sản Bắc Việt vi phạm những hiệp ước quốc tế để giành chiến thắng nhưng những giá  trị Nhân Bản của VNCH càng lúc càng âm ỉ đốt nóng những trái tim Việt Nam.
Các  người cứ dùng lời lẽ sấc xược để tỏ vẻ khinh miệt người khác càng làm  lộ rõ các người dốt  nát và kém văn hóa mà thôi. Cộng Sản Chủ Nghĩa là đỉnh cao của Xã Hội  Chủ Nghĩa. Mà XHCN cũng vỡ tan theo liên bang Sô Viết rồi, còn Thiên  Đàng Cộng Sản có nằm mơ cũng không gặp.
Vậy mà các người cố gào 3/// để làm cho mình cao hơn ư? Rất tiếc cái chính  nghĩa Cộng Hòa đó vẫn sáng mãi trong lòng dân Việt, nhất  là nhân dân miền Nam. Có  lẽ phải dùng đến những con số để chứng minh cho thấy cả guồng máy của  nhà nước XHCNVN đã và đang sống dưới bóng mát của lá cờ mà họ gọi là  3/// đó.
Các  người cứ lục tung hết sổ sách của cái gọi là "chính quyền XHCNVN" lên  mà xem tổng ngân sách nhà nước dùng để trả lương cho toàn bộ công nhân  viên chức nhà nước là bao nhiêu. Rồi các người xem con số đó có phải  chưa bằng một nửa số  tiền Việt Kiều gửi về hàng năm, trung bình là 10 tỷ USD, có năm cao hơn. Như vậy các  người không ngủ dưới bóng mát của lá cờ vàng ba sọc đỏ là gì?
Tôi sẽ dẫn giải cho các người thấy, cả nước VN từ sau 1975 đến nay vẫn tiếp tục sống dưới bóng  mát của lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.
Từ  ngày Sài Gòn bị "phỏng giái", (người dân Miền Nam nói như vậy đó, nói  lái là một nét đặc trưng trong văn hóa bình dân của dân nam kỳ), thì một  mặt trận tiêu diệt Văn Hóa miền Nam được phát động rất quy mô và triệt  để. Đó là trận chiến "Tẩy Não" dân Miền Nam,  nhằm loại bỏ tư tưởng và ý thức hệ Tự Do Dân Chủ. Tất cả văn hoá phẩm  từ sách báo đến âm nhạc đều bi tiêu hủy và cấm đoán. Nhưng làm sao trói  buộc được tư tưởng của con người chứ?
Nhà  nhà nộp sách đem đốt, việc nầy không khó, nhưng cấm dân miền Nam hát  những bản nhạc đã in  sâu vào tim vào óc của họ thì quả là không thể được. Khi mọi thứ đã  hoang tàn đổ nát kể cả lòng người dân lành, thì những dòng nhạc trữ tình  khe khẻ quay trở về như làn gió nhiệm mầu xoa dịu bớt cái nổi thống khổ  của đời thường XHCN. CSVN gọi dòng nhạc đó  là "Nhạc Vàng" để cân với dòng "Nhạc Đỏ" sặc mùi chém giết mà giai điệu  và tiết tấu mang đậm sắc thái TC. Nhưng tới hiện tại thì họ trở nên  ganh tị với cái tên gọi đó, vì nó đích đáng và đúng trên nhiều khía  cạnh.
"Nhạc  Vàng" không cổ súy chiến tranh mà chỉ biểu lộ những đau thương của con  người trong thời chiến. Vậy tại sao người ta cấm Nhạc Vàng? Có phải  người ta sợ cái bóng dáng thiên thần dịu dàng và ngọt ngào đầy tình  người sẽ làm hiện thân của Ác Quỷ nổi trội rỏ nét  hơn chăng?
"Nhạc  Vàng" một tòa lâu đài văn hóa Việt Nam Cộng Hòa bất diệt, chẳng những  không hoen rỉ qua thời gian mà còn lóng lánh hơn như một kho báu cho mọi  tầng lớp con dân VN suốt 3 miền và kể cả những kẻ từng lên án, vùi dập  lẩn sợ sệt nó. Bao nhiêu người đã khai thác  cái kho báu vô tận nầy.
"Nhạc  Vàng" loài hoa mỹ miều kiêu sa, mọc lên từ bom đạn chiến tranh, tồn tại  qua bao sự vùi dập, thể hiện tính Nhân Bản của một xã hội đầy tình  người, đáng được trân quý như vàng. Hơn nữa thế kỷ qua, chưa có một đối  thể nào lăm le đứng gần chứ đừng nói là soán  ngôi.
"Nhạc  Vàng", một thứ phụ gia kỳ diệu, không thể thiếu được khi thưởng thức  một ly cà phê ngon hay một chén trà thanh thoát. Một tay guitar và nhạc  vàng luôn là tâm điểm cho những buổi nhậu bình dân.
"Nhạc  Vàng", một loại trầm hương hảo hạng cho bất kỳ cuộc họp mặt nào từ quê  ra tỉnh, từ đám cưới đến đám tang, từ sân khấu đại nhạc hội hàng ngàn  khán thính giả đến quán cà phê dăm ba người cuối phố, thậm chí là niềm  giải trí duy nhất trong chốn lao tù....
"Nhạc  Vàng", là ánh lửa rực rỡ của con Phượng Hoàng hồi sinh từ tro bụi sau  khi những người nhân  danh CSCN đã giết nó bằng mọi khả năng của họ. Ánh lửa đó đã bùng lên,  lan tỏa đến từng trái tim của chính những người mang danh hiệu là Đảng  Viên ĐCSVN, bất luận là ở đâu, Nghệ Tỉnh, Hà Nội hay Sài Gòn!
Nói  mãi về "Nhạc Vàng" VNCH không bao giờ cạn ý.
Nếu  những lời lẽ quanh co trên đây chưa thực sự vẻ ra cái bóng mát của lá  cờ vàng, chưa chứng minh được âm nhạc VNCH là Vàng ròng 24 kara thì tôi  xin được dẩn quý vị vào yếu tố kinh tế của Nhạc Vàng vậy.
Từ  hải ngoại đến quốc nội, bao nhiêu doanh nghiệp phát triển nhờ Nhạc  Vàng, bao nhiêu ca sĩ thành danh và nên sự nghiệp, bao nhiêu người trở  nên giàu có, bao nhiêu công ăn việc làm cho cái kỹ nghệ âm nhạc nầy, từ  thời băng từ, đến đĩa từ, CD, kế đến phong trào  Karaoke, bao nhiêu kỹ thuật viên, phòng thâu, ca nhạc sĩ, cơ sở sản  xuất, phát hành, bán sĩ lẻ, thiết bị âm thanh, ..v.v  và  v.v....
Bao nhiêu Đại Nhạc Hội, tụ điểm ca nhạc... Biết bao nhiêu ca sĩ, từ Bắc chí Nam đã thành triệu  phú đô la nhờ vào cái bị gọi là " Văn Hóa Nô Dịch" đó.
"Nhạc  Vàng" đã tham gia với người dân cả nước trong việc mưu sinh hàng ngày,  từ quán cà phê, đến hang loạt xe đò đường dài, đến anh bán kẹo kéo, đến  những em bán hàng rong hằng đêm trên phố, đến những người hành khất . .  .Lớp học hát , học đàn nở rộ, tiệm sản xuất  đàn guitar gia tăng, quán cà phê nhạc sống, bình dị mà trữ tình ngày  càng phổ biến.
Một  chiếc điện thoại thông minh, một cái mi-crô không dây, khách ngồi uống  nước mía bên vệ đường cúng có thể chia sẻ với nhau một bản tình ca... ấm  áp. Cái bóng mát đó càng ngày càng mở rộng ra trên nhiều lảnh vực của  cuộc sống và địa phưong, lan dần đến tận các  tỉnh miền Bắc... Đó không phải là bóng mát từ nên âm nhạc Việt Nam Cộng  Hòa thì là gì, lửa hỏa ngục chăng?
Tôi  đã thấy, ca sĩ  ĐVH, tranh thủ cho ra mắt 2,3 album nhạc vàng trong  vòng một tháng, hát giành hát giựt, sợ ca sĩ khác hát trước, mất số bán.  Như một tên ăn trộm, khám phá ra kho báu, hốt vội hốt vàng, nhạc vàng  là vàng ròng đó.
Tôi  đã thấy cũng ĐVH hát "Cho một người nằm xuống" , dĩ nhiên là hát để thu tiền, có  bao giờ ĐVH nghĩ đến những trái ngọt nầy do ai vun trồng mà nên? Sao không hát cho người thương binh VNCH còn sống vất vưởng ngày hôm nay. Mang danh một điva, một nghệ sĩ , ĐVH  nếu có tâm hồn nghệ sĩ, sao  không dám một có lần tri ân những người đã nằm xuống để bảo vệ cho thể chế đã sản sinh ra cái kho báu âm nhạc nầy.  Phải chăng vì không có tâm hồn mà chỉ hát vì lòng tham nên bị người đời gọi là Ca Nô ?
Tôi  đã xem video clip của đại ca...sĩ Ngọc Sơn, đại gia từ nhạc vàng, hát trong một hội trường đầy ấp khán  giả là quân đội mặc quân phục đại cán, ngực đầy huân chương "cách miệng". Những ca khúc  nhạc vàng cất cao, cả hội trường đứng dậy, hai tay đưa lên cao, đung đưa theo dòng nhạc....
Các  vị đa số là đảng viên, các vị chắc đã học tập lý luận nhiều lắm, quý vị  có thấy một nghịch lý vô cùng to lớn ở đây không? Hoặc là các vị có  thấy xấu hổ trong lòng không? Cái  mà quý vị diệt tận, giết sạch ngày hôm qua, thì hôm nay ngồi dưới cái  bóng mát của cái "xác khô" VNCH mà chia sẽ hương thơm ngào ngạt của nó.
Các người là kẻ  chiếm và thắng,  các người hành hạ, chà đạp kẻ thất cơ lỡ vận nhiều rồi, chúng tôi không màng, lịch  sử sẽ có lúc trả lại công đạo.
Nếu  quý vị mạt sát VNCH thì móc cổ mà ói ra hết những gì quý vị nuốt vô từ nền văn hóa VNCH đi.
Còn như quý vị trơ trẻn, miệng thì mỉa mai : "đu càng, ba que, quần què" mà giành nhau đưa tay  vào chắm mút, chúng tôi khinh lắm.
Hoàng Ngọc Mai