"Báo chí SG cũ có nhiều từ mà độc giả ngày nay đọc thì thấy cổ lắm, "xe nhà binh", "tư thất", "tư gia"... Nhưng ngôn ngữ hồi đó thuần Việt chứ không bị lẫn tiếng nước ngoài nhiều như bây giờ. Còn quảng cáo thì không nhiều, hầu hết các báo không sống nhờ quảng cáo mà nhờ độc giả" - một nhà báo của SG trước 1975 nhớ lại.
Mỗi tháng khoảng một tuần, ông Y. chạy xe máy tới nhà in Quân Đội 2 và ngồi đó cả ngày để kiểm tra, soát lỗi bản bông của mấy tờ tạp chí do tòa soạn ngoài Hà Nội gửi vào in.
Và rất thường xuyên, ông dùng bút khoanh tròn những từ tiếng Anh xen lẫn trong bài, chi chít như xôi đỗ. Từ "golfer" này phải thay bằng "tay gôn", "gôn thủ" mới là tiếng Việt. Từ "super star" này thay bằng "siêu sao". Từ "computer" này nữa, sao không viết là "máy vi tính"?
"Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng Anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…" - ông Y. nói. "Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu "ba rọi" như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay".
Chợ Bến Thành trước năm 1975. (Ảnh tư liệu, nguồn:
wikipedia.org)
Ông Y. sống cả tuổi trẻ của mình ở Sài Gòn cũ. Ông học ĐH Văn khoa Sài Gòn, ban Anh văn, vừa học vừa đi viết nhật báo rồi chuyển qua làm cho một tạp chí văn nghệ. Còn bây giờ, ông làm biên tập viên "kiêm" sửa morat cho mấy tờ tạp chí tiêu dùng của một tòa soạn ngoài Hà Nội.
Theo ông, ngôn ngữ chỉ là một trong rất nhiều điểm khác biệt giữa báo chí Sài Gòn cũ và báo bây giờ. Nhưng nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt.
Sinh ngữ thành tử ngữ T.T.T., một người làm báo thời Sài Gòn cũ, hiện viết báo tiếng Việt ở nước ngoài, từng bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ biến mất một thứ tiếng Việt mà người Sài Gòn hồi đó dùng, được thể hiện trên báo chí và văn học. Hiện nay, nhiều từ ngữ đã bị quên lãng hoặc rất hiếm được dùng như: sổ gia đình, bằng khoán nhà, gá nghĩa, giáo học v.v.
Đổi lại, kho ngôn ngữ của người miền Nam sau giải phóng được bổ sung thêm rất nhiều "từ vựng": hộ khẩu, đề xuất, quyết sách, bồi dưỡng, kiểm thảo… Từ khi mở cửa nền kinh tế và Internet bùng nổ ở Việt Nam, ngôn ngữ hiện đại càng phát triển, từ mới xuất hiện chóng mặt trong mỗi lĩnh vực chuyên môn cũng như ngoài đời sống.
Những người hoài cổ có thể thấy xót xa cho một thứ tiếng Việt trong quá khứ, giờ sắp thành cổ ngữ hoặc tử ngữ. Nhưng suy cho cùng, ngôn ngữ là thế, luôn vận động và thay đổi cùng cuộc sống, cái mới sinh ra thì cái cũ phải mất đi.
Tiếng Việt của báo chí Sài Gòn cũ giờ chỉ còn được dùng ít nhiều trong làng báo chí hải ngoại, đặc biệt bởi thế hệ cao tuổi. Độc giả trẻ ở Việt Nam ngày nay có thể bật cười khi đọc những câu như: "Tờ Nữu Ước Thời Báo loan tin…".
Thông tín viên và phóng viên Ngoài văn phong, ngôn từ, báo chí Sài Gòn cũ còn rất nhiều điểm khác thời nay. Chẳng hạn về cách tổ chức. Ngoài các phóng viên chính thức, mỗi tờ nhật báo còn có một lực lượng "thông tín viên" (correspondent).
Những người này cũng là ký giả, nhưng chỉ chuyên săn tin vặt. Hàng ngày, họ đạp xe (sang hơn thì chạy vélo-solex hay mobylette) đi khắp thành phố, lượm lặt những tin nho nhỏ dạng "xe cán chó, chó cắn xe"... để bán cho các báo.
Cánh phóng viên thì dường như thời nào cũng vậy, viết bài nộp tòa soạn xong là xả hơi, gặp nhau bàn chuyện nghề chuyện đời, rồi tán dóc, nhậu nhẹt.
Ông Y. nhớ lại: "Làm báo giàu thì nhiều tiền, làm báo nghèo thì ít tiền. Nhiều phóng viên của các tờ báo giàu ăn chơi đế vương lắm, nhảy đầm, bài bạc, có người còn hút sách nữa. Nhưng chính vì thế nên thường không có nhà báo giàu mà chỉ có ông chủ bút là giàu thôi".
Thật ra thời đó chiến tranh nguy hiểm, phóng viên salon cũng nhiều. Vậy nên các tòa soạn mà có được phóng viên trẻ nhiệt tình, chịu khó ra vùng chiến sự để gửi tin bài về thì chủ báo "cưng" lắm.
Bản thân ông Y. cũng hay tới các vùng chiến sự quanh Sài Gòn, thậm chí đến tận miền Trung, nơi được xem là chiến tranh ác liệt nhất như "Nam Ngãi Bình Phú" (Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên), để viết bài phản ánh về cuộc sống khổ cực của nông dân trong thời loạn lạc.
"Hồi ấy tôi trẻ, nên nhiệt tình phơi phới, ham đi. Chứ chiến tranh bom đạn, làm phóng viên chiến trường nguy hiểm lắm. Các nhà báo phương Tây mà tôi biết đều được bảo hiểm rất lớn. Phóng viên bản xứ thì không thế".
Có lẽ đó cũng là một lý do khiến làng báo Sài Gòn cũ không có nhiều phóng viên chiến trường nổi tiếng tầm cỡ thế giới như đồng nghiệp ở AP, UPI, hay Time. Nick Út của AP (nổi tiếng với bức ảnh chụp em bé bị bỏng bom napalm) là một trường hợp hiếm hoi trong lĩnh vực báo ảnh.
Báo Sài Gòn cũ - mỗi tờ mỗi vẻ Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều loại. Có những tờ công khai chống chính quyền Sài Gòn tham nhũng, như Tin Sáng (chủ nhiệm là ông Ngô Công Đức, đã mất năm ngoái tại TP HCM), Điện Tín (cố nhà báo Chánh Trinh tức Lý Quý Chung là cây bút bình luận chính trị sắc sảo của tờ này). Họ châm biếm chính quyền kém cỏi, gọi "Tổng thống Thiệu" là "Tổng thống Thẹo", "Sáu Thẹo", hay Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời Johnson là "Ông già tủ lạnh", chẳng biết sợ. Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, mục "Tin vịt nghe qua rồi bỏ" trên báo Tin Sáng đã có những bài viết trào phúng phê phán chế độ Sài Gòn, rất được độc giả ưa thích. Ngược lại, có tờ báo chống cộng dữ dội. Và cũng có nhiều tờ trung lập, gọi là thuộc "thành phần thứ ba", "đường lối thứ ba" - kêu gọi hòa bình, hòa hợp hòa giải chung chung, không ưa gì chế độ miền Nam nhưng cũng không ra mặt chống đối. Một trong các báo có số bán ra nhiều nhất là Sống của Chu Tử, một tờ khét tiếng chống cộng. Tất nhiên, báo có lượng phát hành cao không nhất thiết là báo hay.
Dĩ nhiên là không thiếu cả những "lá cải" xanh xanh, chuyên đăng tin "xe cán chó", đâm chém, tình tiền, tù tội… được mệnh danh là báo "4T". Và không thể không kể tới một thứ "đặc sản" của báo chí hồi đó: Đã báo ngày thì phải có feuilleton (truyện dài nhiều kỳ, đăng trên báo, sau có thể in thành sách).
Feuilleton có thể là truyện tình cảm xã hội, ly kỳ, éo le, đẫm nước mắt, đặc biệt hấp dẫn giới tiểu thương, hoặc là truyện chưởng, kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung. Nhà văn Việt Nam thời đó cũng có những người viết feuilleton chuyên nghiệp, như Dương Hà, Nghiêm Lệ Quân, Tùng Long...
Ông L.T., một cây bút viết feuilleton thể loại dã sử, nhớ lại: "Viết feuilleton thật ra rất khó vì phải hấp dẫn, ăn khách ngay từ đầu, lại phải liên tục, hàng ngày. Có người viết đồng thời 5 feuilleton cho 5 tờ nhật báo khác nhau, đâm ra lẫn lộn, cho một nhân vật chết mấy tháng rồi lại dựng anh ta dậy. Nhà văn Sơn Nam hồi đó cũng viết feuilleton, nhưng lồng nhiều chuyện về phong tục, tập quán Nam Bộ vào, người đọc thích lắm".
Nhưng cái tên ăn khách nhất hẳn là một gương mặt ngoại quốc: Kim Dung. Ông L.T. bảo, hầu hết các nhật báo ở Sài Gòn đều tranh nhau mua, dịch và đăng tải truyện chưởng Kim Dung. Tờ nào đăng được sớm thì bán chạy lắm. Ví dụ tờ Chính Luận được nhiều người đọc không phải vì có tin tức chính trị - xã hội hay, mà vì mỗi ngày họ đều đăng truyện Kim Dung sớm nhất.
Và những nỗi thất vọng Ở miền Nam trước năm 1975, hầu như các tỉnh không có báo riêng (báo địa phương). Toàn bộ báo chí tập trung ở Sài Gòn. Dân số trong thành phố ngày đó chưa tới một triệu. Vậy nhưng báo chí thì rất nhiều, và theo ông Y. thì báo "thường do các phe đảng hoặc các đại gia nắm, với mục đích phục vụ cho quyền lợi của đảng mình hoặc cho cá nhân thay vì nhân dân".
Vì có nhiều đảng phái chính trị tranh giành ảnh hưởng nên báo chí cũng bị cuốn vào cuộc. Có trường hợp báo chí vừa ca ngợi rùm beng một viên tỉnh trưởng người của đảng này hôm trước, thì hôm sau một tờ báo của đảng khác đã khui ra là ông ta tham ô đến cả tiền cứu trợ cho dân nghèo, nếu bị đưa ra tòa theo luật pháp của chính quyền Sài Gòn thì phải lãnh án tử hình. Phóng viên ngớ người cả loạt.
Ông Y. thở dài: "Thấy mà ngán. Rút cục, nhà báo vô tình trở thành công cụ cho các đảng phái và cá nhân mà thôi".
Đường phố Sài Gòn thập niên 1960. (Ảnh tư liệu, nguồn:
wikipedia.org)
Do kinh tế không phát triển, lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, báo chí Sài Gòn hầu như không chú trọng tới mảng kinh tế hay các chính sách vĩ mô về điều hành kinh tế, chỉ nặng về chính trị, xã hội, văn nghệ, giải trí. Càng về những ngày cuối của chế độ, báo chí càng rệu rã, chia rẽ, không phản ánh hay cổ vũ được cho một lý tưởng chung nào của xã hội.
Tuy nhiên, dù sao nền báo chí miền Nam trước 1975 cũng đã làm được việc ghi lại một giai đoạn trong lịch sử của một nửa đất nước.
Những cây bút sắc sảo năm xưa giờ nhiều người đã mất: Lê Ngộ Châu, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung (Chánh Trinh)… Một số chọn con đường ra nước ngoài, làm báo bên đó, đôi ba người vẫn tiếp tục "cuộc chiến chống cộng" mệt mỏi và vô vọng.
Cây viết truyện dã sử hồi nào, ông L.T., vẫn cầm bút, nhưng tuổi già đã làm sức viết của ông yếu đi nhiều. Về phần mình, ông Y. nghỉ viết báo đã lâu. Phần lớn thời gian, ông vui chơi với cây cá cảnh, ngoài công việc biên tập kiếm sống. "Cây cá kiểng làm tôi thư thái hơn".
Nói rồi ông lặng lẽ cầm cây bút đỏ, đánh dấu những chỗ sai sót trên tập bản bông xếp ngổn ngang trước mặt. Phải làm cho xong trong buổi sáng nay để còn in, ngày kia báo ra rồi.
Đoan Trang