Monday, January 04, 2021

Trôi Theo Vận Nước

Tác giả: Trường Sơn Lê Xuân Nhị

- Mày biết không, tăng nó bò qua khỏi phòng tuyến đầu, gần đến độ tao có thể nghe được tiếng máy nổ, tiếng xích sắt khua động rầm rầm. Tao biết nó vào gần lắm nhưng không cho lính bắn. Phải chờ cho nó đến thật gần, gần nữa, đến lúc thấy không thể trật được, tao mới cho bắn. Làm sao trật được, lính tao bắn lật gọng một chiếc ngay tại chỗ này...
Thiếu úy Mai văn Thành, đại đội phó đại đội 3 tiểu đoàn 2, trung đoàn 45, sư đoàn 23 bộ binh hãnh diện nói với tôi câu đó vào một buổi chiều mùa đông năm 1972 tại ven thành phố Kontum. Nhìn thằng bạn cùng lớp, cùng chung nhiều sở thích trong bộ đồ xanh bộ binh với cặp bông mai đen nhánh nơi cổ và con ó đeo trên cánh tay đang thao thao bất tuyệt, lòng tôi dâng lên niềm cảm phục lạ lùng. Nó đó chớ ai nữa, thằng Mai văn Thành đẹp trai dạo nào của trường La San Ban Mê Thuột bây giờ đã làm một ông quan con bộ binh ngang tàng, biết uống la de chửi thề "đù mẹ" ngon lành, biết kiểm soát tác phong và cử động, cái gì cũng ra dáng một "cấp chỉ huy của quân đội".
Lần chia tay nhau ở niên học cuối cùng lớp đệ nhị đến nay dễ có đến gần bốn năm. Giữa một nơi ngút ngàn khói lửa như quê mình, nơi mà mạng sống của những thằng lính được tính từng ngày thì bốn năm quả là một thời gian dài. Tôi biết nó đi lính sau tôi vài tháng và về sư đoàn 23 bộ binh từ lâu nhưng mãi đến hôm nay mới có dịp gặp nó. Từ ngày tôi đi lính đến nay, ngoại trừ thời gian 6 tháng vừa qua là biết được chút ít mùi chiến trận, còn thì chỉ ngồi lê la hết quân trường này đến quân trường khác. Trong khi đó, thằng bạn tôi đã "giày vẹt gót áo sờn vai thấm lạnh" trên khắp các nơi của vùng II chiến thuật. Sự gian khổ và nguy hiểm còn đọng dấu phảng phất trên khuôn mặt nó.
– Mày biết không, đù mẹ tăng của nó ăn phải một trái M-72 đâu có nhằm nhò gì. Đù mẹ nó quay pháo tháp lại quạt chết gần hết một tiểu đội của thằng Hưng. Tụi tao phải dộng thêm ba bốn trái nữa mới chịu nằm thẳng cẳng. Đù mẹ chính tao cũng nhảy ra khỏi miệng hầm. Tại mình chưa bao giờ đụng tăng nên chưa biết chỗ bắn, phải như bây giờ thì tao bảo đảm, hai trái mà không gục thì tao nghỉ ăn lương chính phủ…
Mùa hè vừa qua, Bắc quân chơi ta pi canh xì phé cuối cùng. Thua thấy mẹ. Bây giờ là mùa Đông, gần Noel gần tết rồi, lại còn dở trò tấn công đợt II, đợt III, đợt con c… gì nữa đây không biết. Phan Nhật Nam đã viết: "Người lính chiến Việt Nam đã chiến đấu và đứng vững như một phép màu". Tôi thấy người thiếu úy bộ binh đang đứng trước mặt tôi quả là vững như một phép màu.
– Mày biết không, nếu không có chuẩn tướng Lý Tòng Bá ở Kontum này thì thành phố cũng bị mất mẹ nó rồi. Tụi nó tràn vô tới hàng rào bộ tư lệnh sư đoàn, ông Bá ra lệnh cho lính văn phòng, lính tham mưu, lính thương bệnh binh, lính gì cũng ôm súng ra giao thông hào hết. Chính ổng ôm M-16 cùng mấy sĩ quan đi kiểm soát từng giao thông hào, chỉ chỗ cho đặt từng trái mìn claymore… Ông tướng này ngon thiệt…
Ông quan con bộ binh khui thêm hai chai bia, nhắc người lính đưa thêm vài cục nước đá rồi rót đầy ly tôi. Tôi nói:
– Ngày xưa đi học, tụi tao gọi mày là "Thành biết không" vì mỗi lần mở miệng, mày phải phụ đề câu "mày biết không". Đi lính đã mấy năm, mày không bỏ được tật đó à? Thằng Thành cười:
– Làm sao bỏ được. Cũng vì cái câu này mà tao bị phạt tơi bời ở trường bộ binh Thủ Đức. Nó nâng ly bia:
– Uống đi thằng …giặc lái. Nói thiệt, ngày tao nghe tụi nó đồn là mày về không quân, tao cũng buồn vì nghĩ rằng một thằng mất dậy như mày mà đi chùi rửa tàu bay thì uổng đời trai. Té ra mày cũng lái được phi cơ … Tôi cất giọng buồn buồn:
– Lái đầm già đâu có ngon lành gì mày? "Mày biết không…" như tao mà chính phủ cũng kéo đầu vào cho lái tàu bay thì đủ biết là nước mình bây giờ khan hiếm nhân tài cỡ nào. Thằng Thành cười:
– Nói mày đừng buồn, lúc mới nhìn thấy mày trong bộ đồ phi công, tao hết muốn đánh giặc. Đù mẹ tụi tao sở dĩ đánh giặc "tới" được là nhờ có mấy chiếc tàu bay trên trời. Tưởng phi công chúng mày oai hùng lắm, nào ngờ nhìn thấy thằng phi công như mày tao đâm ra …"mất cả niềm tin."
Cho rằng đã kê tôi được một câu hay, thằng Thành cất tiếng cười hề hề sảng khoái. Tôi cau có:
– C… đù mẹ lâu ngày mới gặp nhau mày cũng vẫn còn chứng nào tật nấy như hồi còn đi học, chỉ khoái chơi thiên hạ. Còn mày …
Tôi suy nghĩ một câu phản pháo nó nhưng kiếm mãi không ra. Không ra hay tôi không nỡ? Nhìn thằng bạn đen đủi trong bộ đồ trận màu xanh, tôi thấy thương nó quá. Thương như thương một người anh em ruột thịt cùng sống chung trong một gia đình và phải lớn lên trong cảnh nghèo khó. Cái gia đình đó là quê hương Việt Nam. Ngoài thằng Thành và tôi, còn không biết bao nhiêu người trai trẻ khác đã bỏ nhà mặc áo lính ra đi, bỏ lại phía sau nhiều thứ: Tuổi trẻ, niềm vui, hạnh phúc, người tình v.v… Nó nâng ly bia, vẫn nụ cười ngang tàng sảng khoái:
– Đù mẹ mày biết không, lâu quá rồi, kể từ ngày rời ghế nhà trường tao mới kê được một câu cho ra hồn. Bạn bè nhà binh cũng nhiều nhưng không phải như bạn bè hồi còn đi học…
Rồi nó phóng mắt nhìn ra ngoài lều chỉ huy, nơi màn đêm đang bao phủ rừng núi trùng điệp của vùng tam biên hiểm ác, giọng chùng hẳn xuống:
– Đù mẹ mày biết không, đi đánh giặc tháng này qua tháng khác tao không có thì giờ để suy nghĩ, lúc nào cũng chỉ lo giữ mạng sống nên không buồn được. Về lại thành phố, có thì giờ rảnh rang là thấy buồn kinh khủng… Tôi đột ngột hỏi nó:
– Mày còn "liên lạc" với Hạnh không?
Tôi dùng chữ "liên lạc" để dò đường vì đã ba bốn năm không gặp nó, không biết giữa người con gái tên Hạnh và nó có còn gì với nhau không? Thời buổi chiến chinh, ai biết được chuyện gì xảy ra?
Thằng Thành cười. Nó rút bóp đưa tôi coi một tấm hình. Dưới ánh sáng mập mờ của ngọn đèn pin dã chiến, tôi nhìn thấy cảnh 2 đứa chúng nó đang ngồi gần nhau trên chiếc Honda bên một bờ suối. Tôi nhận ra ngay tấm hình này, chính tay tôi chụp vào một buổi chiều. Phải, một buổi chiều như hàng vạn buổi chiều khác của tuổi học trò mà đến bây giờ tôi mới nhận ra đó là những buổi chiều vàng. Hồi ấy, Hạnh học trường trung học công lập, chúng tôi học trường thày dòng. Hạnh chẳng những đẹp và khéo léo lại bạo ăn bạo nói nên đã trở thành đối tượng của bao nhiêu bài thơ của bọn chúng tôi lúc ấy. Thơ tỏ tình thì khỏi nói, ngày nào vào lớp mà chẳng thấy có thằng mắt ngầu đỏ vì suốt đêm thức trắng để viết thư cho nàng. Vậy mà cả mấy năm trời, Hạnh đâu có thèm chấm đứa nào đâu. Có đứa lại còn bị một vố đau ra gì như thằng Khuê. Từ lâu, nó là một thằng học giỏi, làm thơ hay lại là con nhà giàu đẹp trai nên chắc ăn lắm. Một ngày, nó vào lớp khoe ùm lên với chúng tôi là nó vừa gởi cho em Hạnh một lá thư. Xưa nay, học trò gởi thư tán tỉnh ai thì giấu kỹ như mèo giấu cứt, để ngộ nhỡ có bị người ta khước từ thì cũng đỡ mất mặt với thiên hạ. Thằng …học giỏi này có lẽ tự tin quá đáng nên mới huênh hoang như vậy. Nó còn khoe là em Hạnh nhận thư nó mà "Mắt chớp mau đầy vẻ cảm động" làm chúng tôi muốn lên ruột. Nhưng vài ngày sau thì chúng tôi hả hê ngay. Lá thư của nó được sao làm nhiều bản, gởi trả lại trường chúng tôi. Độc đáo hơn, bản chính được bỏ vào bì thư, dán tem cẩn thận gởi về nhà cho bố mẹ nó được dịp thưởng thức văn chương của cậu con trai. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho nó nhưng thằng Khuê bỏ học gần cả tuần mới dám vác mặt vào. Nhìn thấy nó, chúng tôi đâm thương hại. Những thằng học giỏi quá thường lẩm cẩm để bị con gái đá cho những phát chết người như vậy. Đau khổ quá, vài ngày sau nó làm được một bài thơ rất hay mà mãi đến bây gìờ tôi vẫn còn nhớ được vài đoạn như sau: Anh làm thơ ngày anh mười sáu tuổi,
Lời thơ ngây vụng dại đến vô duyên
Gởi cho em mà em chẳng hồi âm,
Anh tức giận mang thơ mình ra đốt…
Đốt tất cả mà tình không cháy được,
Nên dù buồn anh cũng vẫn yêu em,
Vẫn làm thơ nhưng chỉ để mình xem
Rồi đau khổ cháy âm thầm trong mắt…
Lúc ấy tôi cứ thắc mắc là thơ phú của con nhà Khuê mùi như vậy mà không làm cho Hạnh động lòng được thì bọn dốt nát và quê mùa như chúng tôi làm sao tán nổi em? Sau ngày đó, thằng Khuê lại chí thú học hành như muốn trốn chạy hiện tại trong cái biển sách cao ngất trời của nó. Vì vậy, ngày xưa nó đã giỏi, bây giờ lại giỏi gấp trăm lần…
Và tôi không hiểu trong trường hợp nào, cái bóng áo dài kiêu sa chết người đó lại ngã vào tay thằng bạn thân nhất và phá phách nhất lớp của tôi: Thằng Thành. Những buổi chiều đệ nhị, dù bận bù đầu với đèn sách, bốn năm đứa chúng tôi vẫn xoay ra được một mớ thì giờ để xách xe gắn máy đi du ngoạn cảnh núi rừng. Và lần nào cũng vậy, hễ có thằng Thành là phải có em Hạnh đi cùng. Thường thường các cuộc đi chơi, nếu có tí …con gái dự vào thì sẽ vui lên gấp bội phần. Hạnh của Thành thì khỏi nói, nàng vui tươi đùa giỡn giữa chúng tôi như một cành hoa giữa đàn bướm. Lúc nào cũng gần vừa đủ bên Thành để người ta biết rằng nàng là của Thành, nhưng cũng không xa cách với chúng tôi quá làm chúng tôi buồn… – Mày vẫn còn …với em?
Thằng Thành gật đầu, nụ cười nó xót xa:
– Còn. Em vẫn còn thương tao. Hai ông bà già em bây giờ hết ghét tao rồi…
Tôi chỉ biết chuyện tình của chúng nó đến cuối niên học năm đó là hết vì sau khi đậu tú tài, biết sức mình sẽ chẳng qua nổi cái tú hai nên tôi từ giã gia đình dọt về Sài gòn tính chuyện đi lính. Những đứa khác đều ở lại tiếp tục học hành và từ đó, tôi mất liên lạc luôn với chúng nó. Tôi hỏi:
– Lúc tao đi thì mày còn tiếp tục ôm sách tới trường mà. Mày được hoãn dịch, tại sao phải đi lính?
Thằng Thành lắc đầu, rót thêm bia. Nó ngồi suy tư một lúc thật lâu mới nâng ly, lắc lắc cho mấy cục nước đá chạy đều trong ly trước khi uống cạn. Nó thở dài, âm thanh nghe thật não nùng: – Tại tao ngu!
– …
– Mày biết không, lúc mày đi rồi, vào một dịp nghỉ hè, tao đưa em …lên giường. Thì ra vậy, nhưng tôi cũng chưa hiểu hết:
– Mừng cho mày, cả trường chỉ có mình mày là được diễm phúc đó. Mày nhớ thằng Trực thường nói là nó chỉ cần được hôn được Hạnh một cái rồi đem nó ra bắn nó cũng chịu… Nhưng như vậy có gì là ngu? – Số tao xui, em có bầu.
– Bầu thì cưới.
– Làm sao được. Mày phải ở trong hoàn cảnh tao hồi đó mới hiểu được. Nhà cả hai đứa đều nghèo, lấy nhau về rồi lấy gì mà ăn. Hơn nữa, ai lại cho hai đứa học trò chúng tao cưới nhau? – Vậy là mày quất ngựa truy phong?
– Không!
Giọng thằng Thành rã rời:
– Tao bắt Hạnh phá thai!
Tôi nốc một hơi cạn ly bia mình đang cầm, cố gắng nhìn thật sâu vào đôi mắt thằng bạn thân thiết ngày xưa. Nó bối rối nhìn xuống đất như không chịu nổi ánh mắt của tôi. Thật sự, tôi chẳng có tư cách gì để trách cứ nó, không hiểu nó nghĩ gì nhưng thấy nó buồn quá. Quen nó bao năm, tôi chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt nó thảm sầu như tối hôm nay. Tôi rót thêm bia cho nó. Thằng Thành từ từ nói tiếp:
– Xong việc đó, em đau nằm liệt giường hết mấy tháng, tưởng đi luôn rồi. Ba má Hạnh rồi cũng biết hết mọi chuyện. Mày nghĩ coi, tao còn lòng dạ nào để cắp sách tới trường nữa. Có lần tao đã tính tự tử… Thằng Thành mồi điếu thuốc:
– Mày biết không, năm đệ nhất chương trình nặng nề như vậy mà bỏ học mấy tháng thì làm sao rút kịp? Giữa năm, tao kiếm ra một giải pháp đẹp cho cả hai: Đi lính. Tao biết mình đã phá nát đời Hạnh, tao muốn đi xa để Hạnh có thể xây dựng lại cuộc đời. Mày biết không, thầy Dung ngày xưa có nói một câu là vết thương dù trầm trọng đến đâu rồi cũng có ngày sẽ lành. Thời gian sẽ hàn gắn được tất cả, sẽ trả lại cho Hạnh những gì tao đã cướp đoạt nơi nàng. Tao biết Hạnh đẹp và thông minh, nàng sẽ tìm lại được mùa xuân thứ hai của đời mình. Mùa xuân đó, đáng buồn thay, sẽ chẳng có hình bóng của tao. Mày biết tao yêu Hạnh như thế nào… Lại một ngụm bia nữa:
– Một buổi chiều trời mưa… mày biết cao nguyên mình trời mưa nó buồn như thế nào, tao đến nhà thăm Hạnh. Ông già Hạnh thấy mặt tao là muốn phang chổi vào đầu nhưng tao lấy hết can đảm nói với ổng là tao đến từ giã Hạnh lần cuối. Ổng cho tao vào nhà thăm Hạnh. Mày biết Hạnh nói gì với tao không? – Nói gì?
– Hạnh bảo Hạnh tha thứ cho tao, và câu nói cuối cùng, nàng vừa nói vừa khóc ngất: "Em yêu anh mãi mãi…" – Mày có nói Hạnh là mày đi lính?
– Có. Tội nghiệp Hạnh, nàng cầm tay tao rồi lịm đi trong tiếng khóc, năn nỉ tao đừng đi. Mày biết không, tao tưởng đến để từ giã nàng, không ngờ lại làm nàng buồn thêm. Tối đó, tao ra đi, chân bước mà lòng như chảy ra, trái tim nặng trĩu u sầu. Nếu ai hỏi tao có buổi chiều nào thê lương nhất trong đời, tao phải nói là buổi chiều đó.
Tôi nhớ có lần về lại quê cũ cách đây khoảng 2 năm, ngồi uống bia trong một quán cóc, vô tình nhìn thấy Hạnh đi qua với hai người bạn, tôi chạy ào ra la lớn: "Hạnh, Hạnh …."
Hạnh dừng bước, nhận ra tôi, nàng chạy đến ôm chầm lấy, tình cảm tự nhiên như bạn bè thân thiết lâu ngày gặp lại. Tôi thấy nàng bạo dạn hơn, mặt tuy còn phảng phất nét buồn nhưng vẫn đẹp như ngày nào. Hạnh khen tôi "đẹp trai ra" và nhất định đòi "để Hạnh giới thiệu nhỏ bạn cho". Tôi chưa kịp hỏi han về Thành thì nàng đã kiếu từ, quên luôn cả chuyện giới thiệu mà nàng vừa nhắc đến.
– Mày biết không, tao đã tưởng đi lính là xa Hạnh được, ai ngờ ra trường lại về đúng sư đoàn 23 bộ binh. – Mày gặp lại Hạnh?
– Bộ tư lệnh đóng tại đó mà, muốn trốn cũng không được, mà mày biết không, người ta nói "tình cũ không rủ cũng lại"… Tôi hỏi:
– Hạnh còn yêu mày không?
Mặt ông sĩ quan bộ binh rạng rỡ, mắt ngời sáng:
– Vẫn như ngày nào.
– Vậy thì có chó gì đâu mà phải buồn quá vậy?
– Những ngày đầu gặp lại sau một thời gian xa vắng, chúng tao quấn vào nhau như hai con sâu. Nàng khóc, nàng kể cho tao nghe hết. Đù mẹ mày biết không, có đi xa như vậy mới hiểu thằng nào là bạn tốt, thằng nào chỉ chực chờ mình đi xa để tán tỉnh đào mình. Tôi ngạc nhiên:
– Bạn bè tụi mình có những thằng mất dậy đến thế à?
– Có vài đứa nhưng tao không trách tụi nó. Dù gì Hạnh cũng vẫn là gái chưa chồng, tao lấy tư cách gì cấm đoán chúng nó.
Tôi thấy may phước cho mình vì đã đi xa từ lâu. Nếu còn ở lại, nhìn bóng dáng Hạnh lẻ loi và đẹp trổi lên như con thiên nga cô đơn giữa bày vịt chắc gì tôi đã chẳng quên nghĩa bạn bè mà đến tán tỉnh nàng. Tôi lại càng thấy phục thằng Thành hơn, thấy nó độ lượng và chín chắn quá.
– Nhưng Hạnh đâu có chịu đứa nào, nàng coi tất cả như bạn. Ba mẹ nàng hầu như cũng đã quên chuyện xưa cũ, cho phép tao tới nhà chơi… Mà muốn ngăn cản cũng không được vì nhà nàng bây giờ mở tiệm ăn, bán đồ nhậu. – Đẹp như Hạnh mà làm chiêu đãi viên thì khách khứa vào đông phải biết?
– Còn phải hỏi, cây si mọc đầy nhà, mọc từ ngoài cửa mọc vào tới trong quầy tính tiền. Có đứa còn bày đặt làm thơ đề trên bàn để tặng Hạnh như kiểu tụi mình ngày xưa ấy mà. Hạnh khoe tao ngày nào cũng bán được vài chục ngàn… – Thơ bọn ngố bây giờ làm có hay hơn thơ của thằng Khuê hồi xưa không? Thằng Thành cười:
– Hay c…, báo hại Hạnh và mấy đứa em phải lấy "ô đờ ja ven" ra chùi cả buổi. Thằng Thành đột nhiên đứng dậy, lấy cây Colt .45 nơi ghế đút vào bụng:
– Mày có mắc đái chưa, để tao dắt ra ngoài đi đái với tao. Lính nó gài mìn tùm lum, mày đi lạng quạng nó nổ văng mất …dái thì từ "giặc lái" sẽ trở thành "lặt giái" như lời Việt Cộng thường gọi chúng mày… tôi đứng dậy, làm thêm một ngụm bia rồi vuốt miệng khề khà:
– Đù mẹ mấy thằng Việt Cộng là vua chơi chữ, thằng nào muốn lặt thì cứ tới đây, tao chấp cả bác Hồ của chúng nó… Nhưng mất cái gì thì được chứ mất cái đó thì chẳng thà chết sướng hơn.
Tôi theo thằng Thành bước ra khỏi lều của bộ chỉ huy đại đội. Uống từ chiều đến giờ đã sáu bảy chai rồi nên bước chân tôi có phần nghiêng ngã. Ngoài trời vùng miền Tam biên tối tăm mù mịt. Len lỏi giữa một mớ hầm hố, giao thông hào một lúc, chúng tôi ra tới hàng rào phòng thủ. Tôi vừa đi theo nó vừa cằn nhằn:
– Đù mẹ đi đái mà cũng khó khăn vậy à? Đời người có bốn cái thú, ăn ngủ đ… ỉa, bộ binh tụi mày xem ra chẳng được cái nào cả. Thằng Thành trả lời:
– Đây là chỗ dưỡng quân rồi mà còn khốn nạn vậy đó thằng con trai. Ở chiến trường, còn thê thảm hơn nữa.
Chúng tôi dừng bước, đứng trên một ngọn đồi, khoan khoái cho nước trong người chảy ra. Thằng Thành nói:
– Mày biết không, mỗi lần đứng đái như thế này tao luôn luôn nhớ đến một khúc phim xi nê đã coi lúc nhỏ, cái phim cầu sông "Quai" gì đó. Thằng lính Nhật đứng trên cầu đái xuống, trúng vào mặt thằng lính biệt kích Anh Quốc. Thằng này chỉ còn nước nằm im mà nghe nước tiểu chảy trên đầu mình. Đã bao nhiêu lần, tao tự hỏi có khi nào tao đái trúng vào mặt một thằng đặc công Việt Cộng nào đó đang nằm im trốn dưới hàng rào không? Tôi cười:
– Lính mình đi chơi đĩ tùm lum, mang đủ thứ bệnh trong người, thằng Việt Cộng nào vô phúc bị đái vào mặt nếu không chết thì cũng mù. Hai đứa cùng cười lên sằng sặc. Thằng Thành nói:
– Đù mẹ cho đáng đời. Ai biểu lính Cộng Hoà không chịu đi mà lại đi lính Việt Cộng.
Trên đường trở về, cơ thể thoải mái nhẹ nhõm, chúng tôi sóng bước bên nhau. Tôi móc bao thuốc rút một điếu tính mồi lửa nhưng con nhà Thành nhanh tay dựt lấy cái hộp quẹt:
– Bố cho con xin, lát nữa vào lều hẵng hút. Mày đốt lửa lên là pháo nó ập vào đây chạy không kịp bây giờ.
Tôi hoảng hốt bỏ điếu thuốc vào túi, thầm phục thằng bạn. Mới ngày nào đây nó còn là một anh học trò ngơ ngáo, chưa biết cây M-16 tròn méo ra sao mà bây giờ đã kinh nghiệm chiến trường đầy mình. Nó nói tiếp:
– Mày biết không, tụi tao và tụi nó canh chừng nhau từng ly từng chút. Giữa rừng núi, chỉ cần một ánh lửa nhỏ lóe lên là cũng đủ trở thành mục tiêu cho bao nhiêu cây pháo. Tiệc đang vui, tao không muốn xuống hầm. – Mày có lần nào bị pháo như vậy chưa?
– Như cơm bữa. Pháo thì nhằm nhò mẹ gì, có lần chúng nó đánh đặc công mới ngán…
Chúng tôi đã trở lại lều. Tôi mồi điếu thuốc, thằng Thành gọi người lính nướng thêm con khô mực và lấy thêm bia. Tôi hỏi nó: – Lần đó đánh đặc công ra sao?
– Đù mẹ nhớ lại còn lạnh gáy. Mày biết không, nếu tiểu đoàn trưởng tao không có tiêu lệnh chống đặc công thì lính mình bắn vào nhau cũng đủ tan hàng rồi. Cũng một đêm như thế này, tụi tao đang yên giấc thì chúng nó lọt vào trại được. Mấy thằng gác quờ quạng làm sao không biết mà để chúng cắt cổ chết tươi. Cũng may là tiểu đoàn tao đã được thực tập chống đặc công cách đó mấy ngày. Mới đầu, tụi tao cũng hoảng vía lên, không biết giặc có bao nhiêu đứa, và tính chơi trò gì. Chúng nó thằng nào cũng ở trần, mò mẫm đi trong bóng tối.
Hễ tụi nó rờ trúng ai có mặc áo là cứ dao mà lụi lút cán. Tụi tao cũng đâu có ngu? Bắn vài trái sáng lên, nhìn cái là biết liền. Đù mẹ thế là phe ta cũng bắt chước lột áo ra ở trần rồi theo đúng tiêu lệnh cứ nằm yên một chỗ. Sau đó thì có gì là khó? Hễ thằng nào mò mẫm lạng quạng thì nó là địch, cứ phơ chết mẹ nó ra. Gần sáng, tụi tao bắt sống được hai thằng, bắn chết tại chỗ 7 thằng. Ba tổ tam tam mà. Chỉ tội mấy thằng lính gác bị cắt cổ, có đứa dãy đành đạch mà có ai dám ra cứu? Ra để ăn đạn à?
Chiến tranh quả thật tàn nhẫn. Tôi cũng không ngờ một thằng học trò cách đây vài năm chưa dám cắt cổ một con gà như thằng Thành mà bây giờ nói chuyện chém giết tỉnh bơ ngon lành như ngày xưa chúng tôi kể chuyện xẩy ra trong xi nê. Đời phi công chúng tôi cũng sống trong cảnh lửa đạn tưng bừng nhưng có bao giờ nhìn được những cái xác chết do mình gây ra. Tự nhiên, tôi nhìn xuống bàn tay nó và nhớ đến câu thơ đã đọc được ở đâu đó: "Bàn tay anh vấy máu quân thù…" Thằng Thành lại rót thêm bia:
– Uống đi mày… lâu ngày gặp lại nhau uống một lần cho nó đã, không biết bao giờ mới có một ngày như hôm nay. – Lần cuối cùng mày về Ban mê thuột hồi nào?
– Cách đây hơn sáu tháng.
– Lâu vậy mày?
– Nghĩ lại tao mới thấy buồn cho thân phận. Mày biết không, chẳng thà đi hành quân trong rừng, tuy cực khổ và trách nhiệm nặng nề, đầu óc lại không có lúc nào rảnh rang nên mình không biết suy nghĩ, không biết so sánh, không biết buồn, không biết mình cũng là một con người như bao nhiêu người khác… Về dưỡng quân, nhìn lại cuốn lịch mới thấy giật mình, mới thấy mình bị thiệt thòi nhiều quá… – Mày có ghé thăm Hạnh?
– Có. Gặp nhau bao giờ cũng vui hết nhưng khi chia tay mới là buồn. Lần nào Hạnh cũng khóc hết nước mắt. Tao thấy tội nghiệp Hạnh quá. Mấy biết không, tao chẳng còn gì để cho Hạnh cả, trong khi đó, nàng có rất nhiều: sắc đẹp, sự thông minh v.v… Hạnh vẫn thương yêu tao và vẫn săn đón tao như ngày nào. Mày biết không, Hạnh còn biên thư cho tao đều đều nữa. Tao sống được, chiến đấu được là nhờ bởi những lá thư này. Nói thật với mày, ngày quen Hạnh, tao cũng không ngờ nàng thương tao đến như vậy. Tôi làm một ngụm bia, cười cười:
– Vậy là chuyện tình của mày dù có tí đau thương nhưng cuối cùng vẫn có đoạn kết như phim Ấn độ, thế nào cũng phải có màn "cưới ciếc" rồi mới hết phim được. Anh chị Thành chừng nào cho em uống rượu mừng đây? Nhưng Thằng Thành không cười. Nó lắc đầu buồn bã:
– Chắc chẳng bao giờ.
– Mày nói giỡn?
– Mày biết không, ông già bà già tao có đến nói chuyện với ba má Hạnh. Bên nhà Hạnh bảo tao nên chờ vài năm. Tôi phẫn nộ giùm thằng Thành rất mau:
– Chờ C… đù mẹ bộ chê lính sao?
– Mới đầu, tao cũng chửi thề tùm lum như mày nhưng rồi nghĩ lại, mình thấy không thể trách họ được? – Tại sao?
– Nếu mày có con gái, mày đâu muốn gả con mày cho một thằng lính bộ binh nghèo khổ với số lương không đủ mua bao gạo và không biết sẽ mặc sơ mi gỗ lúc nào, ấy là chưa nói đến chuyện một năm ở nhà chỉ có năm mười ngày… – Mày nói đúng nhưng đó chưa phải là cái cái lý do gần nhất. – Lý do gì?
– Cái tiệm của nhà Hạnh. Nhà Hạnh đâu có khá giả gì, bây giờ mở cửa tiệm, nhờ Hạnh mà khách khứa vào như điên, mỗi ngày thu vô mấy chục ngàn. Hỏi mày, nếu gả Hạnh đi thì thằng chó nào nó thèm vào mà trồng cây si nữa, tiệm chỉ còn nước đóng cửa.
Thằng Thành gật gù, liếc nhìn tôi như nó đã biết những điều đó nhưng không tiện nói ra. Tôi tiếp:
– Nhưng mày đừng quên là cả nước Việt Nam bây giờ, ngoại trừ mấy thằng ba tàu và mấy thằng thương gia tham nhũng, ai có con mà không đi lính? Đù mẹ ở Việt Nam bây giờ mà không gả cho con cho lính thì gả cho ai?
– Dĩ nhiên là trước sau gì người ta cũng phải kiếm một thằng con trai nào đó mà gả phứt đi cho rồi, nhưng cứ chờ để nếu nó bắt được một thằng công chức hay kẹt lắm là thằng lính văn phòng vẫn còn đỡ hơn là thằng lính tác chiến bộ binh như tao…
Đêm bây giờ đã khuya lắm. Mắt hai đứa đã bắt đầu ríu lại. Thằng Thành nhìn đồng hồ rồi làm hết ly bia, đứng dậy. Nó đeo giây ba chạc và súng ống vào rồi chụp cây M-18 trong góc lều thảy cho tôi:
– Mày thủ cây này để lỡ có chuyện gì còn lo thân được. Tao phải đi một vòng kiểm soát đại đội coi chúng nó gác gỏng như thế nào, lát nữa trở lại. Đù mẹ để du kích nó xông vào đây thì xệ với mấy thằng không quân tụi mày lắm. Trước khi bước ra, nó chỉ tôi cái giường bố:
– Nếu tao về trễ, không chờ được, mày cứ việc leo lên đó mà ngủ. Nghe đạn pháo kích, cứ chạy thẳng hướng này, thấy cái hầm đó không, của ban chỉ huy đại đội, cứ phóng vào đó là ăn tiền. Nhớ xách cây M-18 theo, đù mẹ súng lục của chúng mày bắn không chết Việt Cộng đâu.
Người lính truyền tin đeo máy vào theo gót ông thầy dọt ra ngoài. Còn lại mình tôi trong cái lều chỉ huy vắng vẻ, ngồi độc ẩm chừng 15 phút, tôi cảm thấy buồn ngủ không chịu được. Nốc cạn ly bia, tôi cởi đôi giày rồi ôm cây M-18 phóng lên giường bố. Tuy uống rượu đã say nhưng hình ảnh cuộc đột kích thằng Thành vừa kể làm tôi thấy lạnh gáy, bèn ngồi dậy xỏ giày vào, lên đạn cây súng, khóa an toàn lại cho chắc ăn rồi nằm ngủ ngon lành…
Hôm sau, trời chưa sáng tôi đã thức dậy để chuẩn bị đi ké chiếc xe đốt tiếp tế về lại Kontum. Còn dư chút thì giờ, thằng Thành bịn rịn mời tôi một ly cà phê. Chúng tôi ngồi im lặng trong lều hút thuốc lá, suy nghĩ mông lung. Tôi không biết nó suy nghĩ gì nhưng tôi suy nghĩ về nó, về những thằng trai trẻ Việt Nam như nó và tôi phải bỏ nhà, bỏ người tình, bỏ cả cuộc đời đàng sau để mặc áo nhà binh ra đi. Mỗi lần đầu điếu thuốc nó rít đỏ lên, tôi để ý cặp mắt thằng bạn mình vừa hào hùng vừa có vẻ xót xa.
Có tiếng động cơ của chiếc xe đốt từ xa chạy tới. Tôi uống hết ngụm cà phê, đứng dậy: – Tao đi! Mày ráng giữ mình.
Thằng Thành dụi điếu thuốc, bước theo tôi:
– Không biết chừng nào mới gặp lại mày.
– Mày có nhắn gì với Hạnh không, tao thỉnh thoảng cũng ghé về Ban mê thuột hoài? – Khỏi. Tụi tao vẫn liên lạc thư từ với nhau.
Chiếc xe "đốt" lăn bánh rồi, nhìn lui, tôi vẫn còn nhìn thấy thằng Thành đứng yên trên ngọn đồi trọc, đen sẩm giữa bầu trời còn mờ sương buổi sáng. Lòng tôi chợt dậy lên những quá khứ êm đềm của ngày xưa còn đi học…
Chừng năm sau, trong một phi vụ tăng phái Banmêthuột, tôi lại gặp thằng Thành tại quán nhà Hạnh. Cái thú vui duy nhất của những thằng bạn mặc áo lính lâu ngày gặp nhau luôn luôn là uống rượu. Bữa tiệc tao ngộ bất ngờ càng có vẻ đậm đà hơn với sự góp mặt của Hạnh. Nhìn hai đứa ngồi sát bên nhau, tôi thấy chúng nó xứng đôi vừa lứa quá. Thằng Thành lúc này đã mang lon Trung úy, vẻ phong trần làm cho khuôn mặt vốn đã đẹp trai của nó càng trở nên lẫm liệt lạ thường. Nó cười nói huyên thuyên, bắt tôi cụng ly lia lịa. Tôi đoán cuộc tình của nó chắc đã có gì thay đổi. Quả thực, sau vài chai bia, cu cậu xì tin vui ra: – Mày biết không, nói cho mày mừng, tao sắp sửa làm đám hỏi với Hạnh. Tôi cụng ly với nó:
– Nhất mày. Nói thật, nhìn cái bản mặt của mày lúc mới bước vào đây, tao đã đoán vậy. Thành phố này sẽ có khối đứa thức trắng đêm để làm thơ thất tình. Nền thi ca Việt Nam lại sắp sửa có vô số kiệt tác bất hủ mới…
Hạnh cúi đầu dấu một nụ cười mà tôi không hiểu là hãnh diện hay mắc cỡ. Thằng Thành nói: – Như thằng Khuê dạo nào?
– Tao nghe nói nó bây giờ đang du học ở Canada…
Tôi nhìn Hạnh:
– Hồi đó sao Hạnh chơi ác quá vậy? Thơ người ta biên tỏ tình, không thích thì vất đi, tại sao lại phải sao làm nhiều bản để phát hành cho cả trường đọc?
Hạnh cười, liếc mắt nhìn Thành. Tôi chợt khám phá ra cái liếc mắt này là con dao sắc đã giết chết không biết bao nhiêu trái tim của đàn ông.
– Tại Hạnh ghét cái tính kênh kệu của anh ấy. Cứ tưởng nhà giàu đẹp trai học giỏi là ngon lành lắm… – Cũng nhờ Hạnh mà giờ này nghe nói nó đã đỗ Kỹ sư hàng không bên Gia nã Đại. Chờ cho đến lúc Hạnh bỏ vào nhà trong, tôi khều thằng Thành: – Ông bà già Hạnh đổi ý rồi à? Hồi nào vậy?
– Cách đây vài tháng thôi. Nghĩ cũng tội, hai ông bà cũng thương tao lắm đấy chứ, nhưng xưa nay còn ngần ngại vì vẫn thương con gái mình hơn, sợ nó đeo khăn tang. Bây giờ hòa đàm Ba lê ký rồi, ổng bả nghĩ giặc sắp yên nên mới nhận lời…
Nhắc tới Hiệp ước Ba lê, tôi thấy nhói trong tim. Hiệp ước c… gì mà lại để cho bọn quân xâm lược đóng lại miền Nam. Tôi cụng ly chúc mừng nó, nói bâng quơ: – Mày nghĩ sẽ có hòa bình thật à?
– Hòa bình c… Để rồi mày xem, tụi nó nghỉ ngơi chừng vài năm rồi sẽ chơi một cú cạn láng cho coi, cái kiểu như năm 1972 đó… Tôi nói đùa:
– Biết vậy thì mày phải làm sao mà cưới Hạnh cho sớm. Để lâu quá hai ông bà thay đổi ý kiến thì mất công làm lại từ đầu. Thằng Thành không cười theo câu pha trò của tôi. Trán nó nhăn lại đầy vẻ tư lự.
Mẹ Hạnh dọn món cá hấp ra rồi kéo ghế ngồi chung với chúng tôi. Hạnh lăng xăng dọn chén đũa, điệu bộ y hệt một người vợ hiền. Tôi không ngạc nhiên lắm khi nghe thằng Thành gọi mẹ Hạnh là "Mẹ". Tôi hỏi: – Mày về phép hay làm gì?
– Tiểu đoàn đổi về đóng ở đây đã mấy tháng rồi, hy vọng ở được càng lâu càng tốt, nhưng cũng vẫn không biết sẽ đi lúc nào.
Món cá hấp thật là độc đáo. Hai thằng nhà binh cứ luôn tay gắp, mồm nhai lia lịa, chẳng cần giữ ý tứ hay lịch sự gì cả. Thỉnh thoảng, chúng tôi ngừng tay, nâng ly nói với nhau "Dô đi mày", uống cạn ly rồi lại hăm hở thò đũa ra gắp tiếp. Hai mẹ con Hạnh chỉ ăn uống cầm chừng, dường như họ cảm thấy thích thú hơn khi nhìn chúng tôi ăn. Hạnh khéo léo cuốn những cái cuốn thật đẹp để lên dĩa cho tôi và Thành. Cầm cái cuốn do Hạnh cuốn trong tay, tôi thấy thằng bạn mình tốt số quá. Nàng đã đẹp, thông minh, lại khéo léo và chung tình như vậy thì bốn chữ "Công Dung Ngôn Hạnh" không thiếu chữ nào. Các cụ đồ nho ngày xưa cũng chỉ mong có được người vợ như vậy là cùng chứ mấy.
Tôi chỉ biết gia đình Hạnh sơ sơ, và ngày xưa hơi có ác cảm khi nghe Thành kể chuyện họ không muốn cho Hạnh cưới nó, nhưng sau bữa ăn hôm đó, tôi nhận thấy mẹ Hạnh thật là hiền. Hiền như bao nhiêu người mẹ Việt Nam khác. Tôi còn biết là bà rất thương thằng Thành. Đúng như lời nó nói, bà chỉ lo cho con thôi chứ đâu phải bà có ý định muốn gả con gái cho bọn nhà giàu hay chỗ quyền quý như người ta thường nghĩ. Suốt bữa ăn, bà cứ hỏi "Tụi con thấy rồi giặc có yên không?". Lần nào thằng Thành cũng trả lời: "Yên chứ má, dân mình nghèo quá, khổ quá rồi, đã đến lúc được trời ngó lại."
Đêm đó, lần đầu tiên kể từ ngày xa ghế nhà trường, tôi thấy thằng Thành sung sướng thật tình. Nó cười nói huyên thuyên, rót rượu cho tôi lia lịa. Có lần, như tràn ngập trong biển hạnh phúc, nó nâng ly nói với tôi giọng khề khà: "Mày biết không, mình cứ ăn hiền ở lành, đời mình rồi sẽ có lúc được trời ngó lại." Niềm vui của nó hình như cũng lây sang tôi. Tôi dụ khị nó: – Hôm nào đám cưới mày, mày cho tao đi phù rể được không?
Thằng Thành vỗ vai tôi quả quyết:
– Bắt buộc. Tao phải nói với Hạnh kiếm mấy cô phù dâu thật đẹp để cho xứng đôi với mày.
Chúng tôi lại cụng ly. Dọn dẹp chén đĩa xong, Hạnh vô nhà trong lấy ra cây đờn ghi ta đưa cho tôi:
– Bây giờ là đến phần nhạc yêu cầu. Từ ngày anh đi lính, Hạnh chưa được nghe anh hát, anh hát cho Hạnh nghe một bài đi.
Đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới có một dịp họp mặt vui như hôm nay. Gì chứ hát hỏng thì tôi thích lắm, chẳng cần khách sáo liền dạo đờn, "đi" liền bản Tuyết Trắng. Hết bài, Hạnh khen tôi rối rít nhưng thằng Thành cười:
– Tao chán mấy thằng không quân nhà mày, hễ có ca nhạc có nhảy đầm mà chúng mày không lôi bản Tuyết trắng ra để …hành hạ thì đem đầu tao ra chặt. Hỏi thật mày, có một bài hát, nhai đi nhai lại mãi mà không biết chán à? Tôi hùng dũng chống chế:
– Có một bài nhai đi nhai lại còn đỡ hơn không, vậy bộ binh tụi mày có bài gì?
– Tụi tao dân tứ chiếng, bài gì cũng hát được. Đưa đờn đây, để tao hát một bài tặng người vợ sắp cưới. – Bản gì?
Tiếng dạo đờn vang lên dịu dàng. Tôi chịu thua thằng Thành cái khoản này. Nó nhìn Hạnh: – Hạnh muốn anh hát bản gì?
– Tùy anh, nhưng lâu quá Hạnh không nghe anh hát "Tình nhớ".
Phải công nhận, nó đờn và hát hay hơn tôi. Tiếng hát và tiếng đờn của nó như ôm kín lấy chúng tôi. Hạnh nhắm nghiền mắt như uống từng lời ca của người chồng sắp cưới. Tôi uống bia và đốt thuốc lá liên miên cho đến khi hết bài.
Chưa kịp để ai vỗ tay, thằng Thành lại dạo đờn. Lần này, nó cất tiếng hát: "Anh, hỡi anh ở lại Charlie… anh hỡi anh giã từ vũ khí…" Không khí trong nhà tự nhiên bỗng trở nên buồn kinh khủng. Hình ảnh oai hùng, hình ảnh của chiến tranh, chết chóc tự nhiên trở về. Giọng nó nghe như khóc nấc lên khi hát đến đoạn: "Anh, cũng anh vừa ở lại một mình, vừa ở lại một mình, Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành…" Tôi thấy Hạnh chớp mắt thật mau, ướt sũng không hiểu vì thương nhớ người anh hùng đã ra đi hay nghĩ đến những ngày mai đầy bất trắc.
Xong bản nhạc, thằng Thành gác đờn không hát nữa. Một bầu không khí im lặng bao trùm tất cả. Không ai nói với ai, nhưng hình như mọi người đều cảm thấy mình đang sống trong một giai đoạn cam go của đất nước. Hiệp ước "Hoà bình trong nhục nhã" vừa được ký, người Mỹ gỡ được khúc xương mắc trong cuống họng là lấy lại được các tù binh của họ. Bây giờ, họ có thể rảnh tay cuốn gói ra đi. Ai dám bảo đảm giặc Cộng sẽ tôn trọng hiệp định này? Tiền viện trợ cắt, vật giá leo thang hàng ngày, tương lai quê hương thấy mập mờ quá… Hạnh đột ngột phá tan bầu không khí:
– Hạnh đề nghị tụi mình đồng ca đi.
– Ý kiến hay. Hát bài gì?
– Bài gì các anh thích nhất?
Tôi suy nghĩ. Bài gì chúng tôi thích nhất nhỉ? Nhạc tình cảm? Chán bỏ mẹ. Hát về Lính? Cũng chán phèo. Về chiến tranh? Buồn thảm quá. Tôi muốn hát một bài nào có thể để đem tình thương, đem hy vọng, đem tin yêu trở lại vào lòng chúng tôi như thưở nào còn đi học. Nhìn bên trái tôi, Mẹ Hạnh ngồi nặng chĩu ưu tư. Trước mặt tôi, khuôn mặt thằng Thành hằn lên nét mệt mỏi của chinh chiến, và bên cạnh nó, Hạnh ngơ ngác như con chim non sắp sửa rời tổ. Tôi nhớ đến một bài đồng ca của Phạm Duy mà chúng tôi thường hát năm đệ nhị. Phải rồi, bài "Trả lại tôi tuổi trẻ". Tôi đề nghị. Tất cả đều đồng ý. Thằng Thành nói:
– Có ai còn nhớ hết không?
– Ăn nhằm gì, nhớ khúc nào hát khúc đó.
Tôi dạo đàn rồi cất tiếng, cả bọn vừa vỗ tay vừa hát theo: "Trả lại tôi là tuổi trẻ mênh mông, chúng mình như lúa reo trên ruộng đồng. Dù mưa tuôn, dù bão cuốn, bông lúa vàng cuồn cuộn gió đưa lên, dù bom rơi, dù súng tới, bông lúa vàng vượt lửa khói lên ngôi… Trả lại tôi là tuổi trẻ yên vui, dẫu rằng đang chiến tranh hay hoà rồi…"
Tuy thuộc câu còn câu mất, nhưng bài hát ngày hôm đó là một bài đồng ca hay nhất trong đời tôi. Tâm hồn chúng tôi tự dưng sống dậy những ngày xưa yêu dấu cũ. Mười bảy tuổi, đời chúng tôi quả thực như "lúa reo trên ruộng đồng."
Chúng tôi đã lớn lên để thấy "dù mưa tuôn, dù bão cuốn", đứa nào chết đã chết. Người còn sống, chấp nhận hy sinh và hăng say chiến đấu để thấy cuộc đời chúng tôi vẫn như "bông lúa vàng cuồn cuộn gió đưa lên…" Không phải chỉ bọn trẻ mới thấy cảm động, chính mẹ Hạnh cũng chảy hai hàng lệ khi chúng tôi hát đến câu: "Trả lại tôi là tuổi trẻ vô tư, chúng mình như lũ chim trong rừng già… Rừng âm u, đầy ác thú, chim biết lừa được rừng rú vây quanh…" Và khi đến đoạn: "Trả lại tôi là tuổi trẻ bao dung, chúng mình như gió khơi nơi mịt mùng… Dù non sông, còn cháy nóng… tha thứ nhiều để lòng thấy tin yêu…" tôi thấy nước mắt Hạnh chảy ra. Nàng để yên vậy cho đến hết bài…
Năm ấy tôi vừa tròn 21 tuổi. Sinh ra và lớn lên trong khói lửa, đó là lần đầu tiên trong đời, tôi thấy xót thương cho tuổi trẻ Việt Nam…
Khoảng tháng sau, tôi nhận được thiệp mời dự đám hỏi của thằng Thành. Cầm tấm thiệp trong tay, tôi cảm thấy mừng cho nó. Sao bao nhiêu sóng gió rồi cuối cùng hai đứa cũng được ở bên nhau, như lời nó nói: "Rồi sẽ cũng có lúc mình được trời ngó lại…". Hồi ấy, dù hiệp ước hòa bình đã ký nhưng cuộc chiến càng ngày càng trở nên khốc liệt. Giặc mở một loạt tấn công tại nhiều nơi để thử chân cẳng của quân ta sau ngày Mỹ rút. Tôi bận đi hành quân lu bù nên không về ăn đám hỏi nó được. Muốn mua gởi cho hai đứa một món quà nhỏ cho đúng đạo bạn bè cũng chẳng có tiền, đành làm lơ luôn. Một buổi sáng đi lên tăng phái cho Ban mê thuột, tôi xách xe chạy ra quán Hạnh tính ăn sáng và nhân tiện để thăm hỏi nhưng tiệm đã đóng cửa. Tôi đoán già đoán non rằng tiệm phải đóng cửa vì khách tới tiệm để thưởng thức …Hạnh chứ đâu phải món ăn, nay Hạnh đã là hoa có chủ rồi thì ai thèm tới nữa. Tần ngần, đã toan bỏ đi thì Hạnh từ trong nhà chạy ra gọi tôi. Chúng tôi mừng rỡ hỏi chuyện nhau. Tôi hỏi: – Quán Hạnh đóng cửa hồi nào vậy?
– Mấy tuần rồi!
Và như đoán được những gì tôi suy nghĩ trong đầu, nàng nói luôn:
– Không phải như anh nghĩ đâu. Tại ba Hạnh được đổi về Nha Trang, nhà Hạnh phải dọn xuống đó. Nhà cửa đã bán được rồi, hôm xuống Nha Trang mướn nhà Hạnh kiếm anh quá trời mà không gặp. – Kiếm để làm gì?
– Để … nhờ anh chở Hạnh đi thuê nhà.
Tôi cười:
– Bạn bè đối với nhau tốt nhỉ?
Hạnh cười tỉnh bơ:
– Không nhờ anh thì nhờ ai? Người ta nói quen bạn 3 năm nhờ trong một ngày mà.
Tôi chịu thua Hạnh về cái khoảng ăn nói thẳng ruột ngựa như vậy, chả sợ gì cả. Rồi Hạnh mời tôi vào nhà, tôi từ chối vì có phi vụ cần phải cất cánh sớm. Nhớ đến cái thiệp mời ăn đám hỏi mà chưa gởi quà, tôi bối rối hỏi:
– Hôm nọ nhận được thiệp mời của Hạnh mà không về được, uổng quá. Đám hỏi vui không?
Hạnh chớp mắt thật mau như muốn dấu một vẻ chua cay nào đó vừa bốc lên từ đáy lòng:
– Đám hỏi gởi thiệp đi khắp nơi mà cuối cùng phải hủy bỏ. Anh Thành bận đi hành quân, không xin phép về được. Tôi thấy quặn đau trong ruột. Hạnh tiếp luôn:
– Cả tháng sau, anh Thành ghé thăm nhà được một ngày, ba mẹ cho tụi này làm đám hỏi luôn. Buồn cười lắm, buổi sáng anh Thành về, buổi chiều làm đám hỏi liền. Gấp vậy nên đâu có mời được ai, chỉ có vài người thân trong gia đình. Ngay tối hôm đó, tụi Hạnh đang ngồi nói chuyện trước sân nhà thì có xe díp nhà binh đến đón ảnh đi liền, nghe nói tiểu đoàn đụng nặng lắm ở đâu đó…
Tôi tưởng tượng đến cảnh ly biệt đau lòng đó của thằng Thành. Nhà Hạnh lại sắp sửa dọn đi, biết chừng nào hai đứa mới được gặp nhau? Đời lính khổ thật. Tôi đổi đề tài: – Chừng nào Hạnh về Nha Trang?
– Tuần sau. Hạnh xin mẹ ở lại đây cho gần gũi anh Thành nhưng ba không chịu. Ba bảo đợi đến lúc cưới xin xong thì muốn làm gì thì làm nhưng bây giờ thì "tại gia phải tòng …bố". Tôi lấy giấy biên vội cho Hạnh cái địa chỉ ở Nha Trang rồi từ giã:
– Hôm nào về Nha Trang nhớ ghé tôi chơi. Nếu tôi chở được thằng Thành từ Pleiku về tới Nha Trang thì Hạnh trả công tôi cái gì? – Một chầu cá nướng và một chai Martel.
– Nhất Hạnh.
Người tài xế sang số chiếc xe díp lao đi. Hạnh vẫy vẫy tay chào tôi. Lúc xe quẹo ở ngã tư đường, vô tình nhìn lại, tôi vẫn còn thấy Hạnh đứng đó nhìn theo. Tôi biết kỷ niệm của những ngày xưa còn đi học và lần gặp gỡ ngắn ngủi lần trước vừa sống dậy trong lòng nàng. Trong một quê hương khói lửa, sự đau khổ không chừa một ai. Nó làm nát lòng người lính trẻ, làm chảy máu trái tim những cô gái dịu hiền. Suốt ngày hôm đó, tôi suy nghĩ miên man về cái đám hỏi của thằng Thành. Tội nghiệp nó, không biết giờ này nó đang lê đôi giày đinh ở một xó xỉnh nào đó của quê hương…
Tính thì dễ vậy nhưng Hạnh dọn về Nha Trang rồi mà cả năm tôi chỉ gặp được có vài lần. Cuộc đời lính …phi công của tôi, một tháng thì 15 ngày đã phải đi biệt phái ở những vùng địa đầu giới tuyến. Những ngày còn lại ở phi đoàn cũng bay từ sáng đến tối mịt mới mò về, rồi còn bạn bè, còn đào địch, còn bao nhiêu chuyện lỉnh kỉnh khác nữa chờ đợi, thì giờ đâu đi thăm ai? Cuộc chiến ác liệt quá, không biết sống chết lúc nào nên chúng tôi chủ trương "ăn chơi chết bỏ." Tôi cũng chả còn bao giờ gặp được thằng Thành. Gặp Hạnh một lần, nàng nói Thành chưa bao giờ được về thăm Hạnh. Chưa làm vợ lính mà thấy nàng đã có vóc dáng và ăn nói đúng điệu vợ lính. Cái gì cũng lo, ngày nào cũng chờ, và cặp mắt thì càng ngày càng trũng xuống, buồn thăm thẳm. Nhìn nàng, tôi tự hỏi nếu thằng Thành không phải là lính thì cuộc tình hai đứa sẽ đẹp biết bao? Cả hai đều đẹp, đều thông minh, đều tài giỏi. Tôi cũng chẳng giúp được gì vì thân phận mình lo còn chưa xong, biết giúp đỡ ai.
Rồi một buổi sáng kinh hoàng, Việt Cộng đem ba sư đoàn bộ binh, mấy trung đoàn pháo và chiến xa bất thình lình tấn công và tràn ngập Banmêthuột. Quân ta chống cự anh dũng nhưng cuối cùng bị đè bẹp. Là một phi công, tôi biết rõ lực lượng phòng thủ của quân mình tại đây. Một trung đoàn bộ binh và một liên đoàn Biệt Động Quân làm sao chống nổi một lúc ba sư đoàn địch? Một lần nữa, các chiến sĩ bộ binh lại đem máu đào của mình ra để sửa chữa những lỗi lầm của cấp chỉ huy. Tôi vừa biệt phái từ Phù Cát về thì được tin Banmêthuột hoàn toàn thất thủ sau gần một tuần lễ giao tranh đẫm máu. Quân ta rút về lập phòng tuyến mới ở Phước An. Có đi bay đánh giặc mới biết cái phòng tuyến này trước sau gì cũng bị tràn ngập vì lính đã mất tinh thần. Mất vợ lạc con, chẳng còn ai có tinh thần để chiến đấu nữa. Tệ hơn, mọi người đều nói với nhau về cái tin đồn: "Ông Thiệu ký mật ước giao cao nguyên cho Việt Cộng để giữ đất từ Nha Trang trở vào." Đã có mật ước trao đất với nhau thì đánh đấm làm c… gì nữa, chết uổng mạng. Tuyến phòng thủ Phước An chưa bị một trái pháo, lính đã thay phiên nhau bỏ chạy.
Lữ đoàn III Dù từ miền trung về nửa đường được lệnh khăn gói lên bố trí đèo Khánh Dương, con lộ duy nhất dẫn về Nha Trang. Cả nước Việt Nam bàng hoàng rúng động, nhìn đâu cũng thấy những khuôn mặt tang tóc sầu thảm. Một trong những khuôn mặt tang tóc sầu thảm nầy là Hạnh. Một tối, nàng đến tìm tôi.
Dĩ nhiên, câu hỏi đầu tiên của Hạnh là có gặp Thành ở đâu không. Sư đoàn 23, sư đoàn lừng danh đã từng đánh tan nát sư đoàn 320 giặc, làm chúng tán đởm kinh hồn năm 1972, nói theo danh từ của chính phủ mình là đang tái phối trí nhưng thật ra là đã bị tan nát tả tơi. Tan mau đến nổi tin tức chưa tới tai dân chúng được. Quan quân lính tráng chạy hỗn loạn mỗi người một nơi, biết đường nào mà kiếm. Tôi đau khổ nhìn Hạnh, ráng kiếm một câu nói nào đó để trấn an nàng nhưng nghĩ không ra. Hạnh khóc sưng cả mắt, không nói được lời nào. Lúc chia tay, tôi hứa nếu gặp thằng Thành, sẽ chở nó về Nha Trang cho Hạnh. Tôi nói chỉ để mà nói vì tàu bay khả dụng hành quân còn chưa đủ thì kiếm ra tàu bay ở đâu mà chở nó về. Hạnh nghẹn ngào nói "Anh ráng giúp Hạnh" rồi chia tay.
Ngày hôm sau giặc đã kéo được một ít quân về gần đèo Khánh Dương, tập họp để chuẩn bị tấn công vào "tuyến máu" của Nhảy Dù. Phi cơ khu trục Việt Nam, như những con diều hâu bị thương, nhào xuống đánh bom tới tấp vào chúng. Hết hợp đoàn này đến hợp đoàn kia bay lên nhào xuống, biến khu tập trung quân của giặc thành một biển lửa kinh hoàng. Tôi biết trước sau gì chúng cũng sẽ mò tới Khánh Dương được, chúng tôi chỉ muốn mua thời gian cho Nhảy Dù có thì giờ chuẩn bị. Trong khi đó, lính Nhảy Dù của ta lẹ làng và bình thản đào hố cá nhân, bố trí các điểm phòng ngự, chuẩn bị cho một trận tranh hùng mà ai cũng biết sẽ rất là khốc liệt. Trận tranh hùng bi thảm và oai dũng cuối cùng của lữ đoàn III dù.
Lính của sư đoàn 23 nếu chạy về được đến Khánh Dương, đều bị Nhảy Dù tước hết khí giới, chất lên GMC chở về trại lính ở Đồng Ba Thìn để chờ tái phối trí.
Hôm ấy, vừa đáp xuống phi trường Dục Mỹ, tôi gặp thành Thành trong đám "bại quân" đó. Hai đứa gặp nhau mừng rỡ nhưng nghẹn ngào. Thằng Thành bây giờ, vẫn còn bộ đồ nhà binh bạc màu với cặp bông mai đen trên cổ aó nhưng nó không còn là nó nữa. Nó như người đã chết rồi. Mặt nó thảm sầu và đau đớn đến độ tôi không dám nhìn thẳng vào mắt nó. Nó đờ đẫn bàng hoàng, mãi một lúc lâu sau mới nói với tôi được một câu: – Mày biết không, tao đâu ngờ sẽ có ngày như hôm nay!
Tôi kéo nó vào chỗ nghỉ ngơi của phi hành đoàn. Tôi tò mò muốn hỏi nó chuyện gì đã xảy ra nhưng thằng Thành chỉ lắc đầu, mắt ngầu đỏ lên, nghiến răng uất hận:
– Nói thật với mày, tao còn sống nhưng cũng như đã chết rồi. Nếu tao chết, ít nhất tao cũng đã chết như một người lính. Rồi tự nhiên, tôi thấy hai hàng nước mắt chảy dài trên má nó:
– Nhục quá mày ơi. Nhục quá… Mùa hè năm 72, chúng nó đông như vậy, tăng nhiều như vậy mà tụi tao còn đánh cho banh ra, xác nằm đầy, chất đống mấy lớp… Vậy mà bây giờ không còn cầm được cây súng…
Tôi không biết nói gì, nhưng không có can đảm nhìn nó khóc. Trái tim tôi như rướm máu, lòng dạ đau đớn bồi hồi.
Chúng tôi ngồi nói chuyện chừng 10 phút, thằng Thành không hề nhắc đến Hạnh một câu. Bỗng nó đứng dậy: – Mày để tao đi.
– Tan hàng rồi, đi đâu?
– Sư đoàn tao đang gom góp tàn quân ở Đồng Ba Thìn. Tao về đó lãnh súng ống và bản đồ để sống mái với bọn Việt Cộng này một lần chót. Tôi kéo nó ngồi xuống, nói:
– Mày mới bị …tan hàng, tâm hồn còn giao động, đừng có vội làm gì? Người ta đem lính về đó vì sợ tàn binh làm loạn, muốn gom lại một chỗ cho dễ kiểm sóat. Tin tao đi, còn lâu mày mới được phát súng ống để chỉ huy lại. Thằng Thành cương quyết:
– Tao không thể bỏ lính tao được, tụi nó đang chờ tao ngoài đó.
– Có ai bảo mày bỏ lính đâu. Nếu giờ này mày vẫn còn lạc trong rừng thì sao? Tao muốn mày về Nha Trang vài ngày để nghỉ ngơi, thăm Hạnh một chút rồi đi cũng được. Tao hứa tao sẽ chở mày lên Đồng Ba Thìn khi mày muốn.
Tôi phải năn nỉ một lúc lâu nữa, đưa nhiều lý luận chứng minh thằng Thành mới xiêu lòng. Tôi thấy nó hơi lạ kỳ vì chưa một lần nghe nó nhắc đến tên người vợ sắp cưới mà chỉ nhắc đến mấy người lính trong đại đội. Trước khi nhận lời, nó còn nhìn tôi hỏi:
– Tao cám ơn lòng tốt của mày, nhưng có phiền gì mày không? Tao không muốn phiền ai hết. Tôi phát cáu:
– Phiền c… gì? Đù mẹ bạn bè thân thiết với nhau cả đời rồi chứ có phải xa lạ gì đâu mà phiền?
– Được! Tao về Nha Trang vài ngày với mày nhưng mày hứa phải kiếm cho tao được cái này? – Cái gì?
– Kiếm tao một trái lựu đạn. Loại mini càng tốt.
Tôi hoảng hồn. Một ý tưởng chết chóc chợt nảy ra trong đầu tôi. Ông trung úy bộ binh vừa thua trận này muốn gì đây? Tôi hỏi: – Để làm gì?
Thằng Thành trả lời bình thản, mắt nhìn lên bầu trời thăm thẳm:
– Để tao tự xử lấy tao. Tao thề không để cho chúng nó bắt sống tao. Đù mẹ tao mà chết thì cũng phải có vài thằng chết theo tao.
Tôi đang phân vân thì nó cúi đầu xuống nghiêm nghị nhìn tôi, ánh mắt tóe lửa ra. Quen nhau từ ngày còn đi học, tôi biết tính thằng này. Nó nói là nó làm.
– Cái đó thì dễ, nhưng mày phải chờ về tới Nha Trang đã. Mày sắp lên phi cơ, không ai cho đeo lựu đạn theo! – Nhưng mày phải hứa với tao.
– O.K. Tao hứa.
Nửa tiếng sau, tôi gởi được thằng Thành theo một chiếc trực thăng về Nha Trang. Chiều đó, tôi lái xe Honda ra khỏi cổng phi trường, có thằng Thành ngồi sau lưng. Tới đường lộ, tôi móc túi đưa cho thằng Thành một trái lựu đạn mini:
– Tao năn nỉ mãi mới xin được của Nhảy Dù trái mini này, tụi này quí lựu đạn hơn vàng. Nhưng tao mong là mày sẽ không bao giờ phải dùng tới nó.
Thằng Thành cầm trái lựu đạn trong tay như người ta nâng niu một món đồ quí. Một lúc sau, nó nói với tôi: – Bây giờ tao mới thấy …thoải mái.
Tôi lắc đầu, không hiểu nó được. Đường Độc Lập dọc bờ biển chiều nay trời như cũng muốn nhuốm màu tang tóc. Tôi nhớ đến cách đây chừng mười năm, tôi và thằng Thành về Nha Trang thi lấy bằng Trung Học. Mỗi chiều, chúng tôi thường ra bờ biển kêu một chai coca để có cớ ngồi ngắm biển cho đến tối mịt mới về. Tuổi thơ yêu dấu sao trôi đi nhanh quá, như một giấc mộng. Tôi hỏi: – Mày muốn về nhà tao tắm rửa rồi đi thăm Hạnh hay muốn đi thăm Hạnh trước? – Mày chở tao tới nhà Hạnh liền bây giờ đi.
– Mày không muốn tắm rửa thay quần áo coi cho được chút à?
– Được c… Tao không muốn dấu diếm gì cả. Tao muốn Hạnh nhìn thấy thằng lính bộ binh bại trận nó như thế nào.
Chiếc xe Honda vừa thắng trước nhà Hạnh thì cả nhà ùa ra. Tôi thấy có cả ba Hạnh, vốn là một người "khô khan" cũng chạy ra mừng rỡ. Hạnh ôm chầm lấy thằng Thành khóc ngất trên ngực nó. Ông già Hạnh cũng vồn vập, mỗi người hỏi một câu làm thằng Thành không biết phải trả lời ai trước.
Tôi xin kiếu từ đi về nhưng ba Hạnh nhất định không cho, đành bước vào nhà. Mẹ Hạnh hối mấy đứa con đi mua thức ăn về để làm tiệc "ăn mừng." Ba Hạnh làm một hành động làm chúng tôi ngạc nhiên: Ông khui chai rượu cognac, rót đầy ba ly. Trước khi để thằng Thành đi tắm, ông nâng ly và nói với chúng tôi:
– Đàn ông mình thường khô khan, ít khi bộc lộ tình cảm ra ngoài nên bác có điều này muốn nói với hai con từ lâu nhưng chưa bao giờ có dịp. Hôm nay, nhân ngày trở về từ cõi chết của Thành, bác muốn nói với chúng con rằng bác, cả gia đình bác, đều thương yêu và ngưỡng phục những người lính như chúng con. Bác không có con trai lớn nên không hiểu sự đau thương của những người cha có con đi lính đánh trận. Chúng con đáng thương quá. Chúng con đem cái quí nhất của cuộc đời là mạng sống ra để chiến đấu với quân thù cho những người như bác đây còn được sống an lành và lo làm ăn buôn bán. Sau ngày Banmêthuột thất thủ, bác mới thấy rằng xã hội Việt Nam mình hèn quá, ích kỷ quá, nhu nhược quá. Trong lúc những người như Thành, như con đang cực khổ ngoài trận chiến thì ở hậu phương chỉ biết lo ăn chơi, lo làm giàu. Nhiều khi, bác tự hỏi, nếu một ngày nào đó, tất cả chúng con chán nản bỏ súng, cho giặc cộng nó tràn về thành phố thì có ai còn được thảnh thơi để lo làm giàu hay lo ăn chơi… Trên đời này, có nhiều cái người ta được hưởng mà không biết giá trị của nó. Có bao giờ các con gặp một người mù, hay một người cụt chân cụt tay chưa? Khi mình nhìn thấy những thiếu thốn của họ, đó là lúc mình nhận ra những gì mình có là một đặc ân, một hạnh phúc. Bác là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên trong lúc đất nước chiến tranh mà vẫn chưa bao giờ nghĩ đến cuộc chiến. Bác cứ tưởng đó là bổn phận của chánh phủ, của mấy ông nhà binh phải lo… Cho đến ngày hôm nọ, Banmêthuột bị thất thủ, bác biết ra thì đã quá muộn rồi. Chúng tôi im lặng nghe ông nói. Ông ngừng một chút rồi nghẹn ngào:
– Thôi, Thành, con về được coi cũng như là một đại phúc của nhà mình, bác uống mừng con…
Chúng tôi uống cạn ly. Thành theo Hạnh vào nhà trong lo thay quần áo và tắm rửa, tôi ngồi lại với ba Hạnh nơi phòng khách. Ông rót tiếp ly rượu thứ hai: – Con thấy thấy tình hình thế nào?
Đây là một câu hỏi rất là thừa thãi lúc này mà tôi thấy gặp nhau ai cũng hỏi. Tôi lắc đầu chán nản:
– Tụi nó đem ba sư đoàn đánh úp Banmêthuột. Xong Banmêthuột rồi, chúng nó đang kéo quân hết về đây. Nhảy Dù đang làm phòng tuyến mới ở Khánh Dương… – Phòng tuyến Nhảy Dù có vững không con?
– Dĩ nhiên phải là vững, Nhảy Dù mà. Muốn qua được phòng tuyến này chúng nó cũng phải trầy vi trốc vẩy… – Nhưng liệu chúng có qua được không?
Tôi chua chát:
– Mười đánh một, không chột cũng què. Nhảy Dù ngon lắm nhưng con thấy một lữ đoàn làm sao cự nổi ba sư đoàn. Nếu không được tăng viện, đồi Khánh Dương rồi cũng sẽ trở thành đồi Charlie của đại tá Bảo như ngày nào…
Ba Hạnh cúi đầu bối rối. Trán ông nhăn lại với những suy nghĩ. Tình hình ngày càng trở nên bi đát. Cuộc rút quân của Quân đoàn II từ Pleiku đã biến thành cuộc chạy loạn vô trật tự. Lính bắn nhau, lính làm loạn v.v… Ông lại hỏi tôi về mớ tin đồn: – Nghe nói mình chỉ giao Cao Nguyên cho Việt Cộng thôi mà?
Tôi nốc một hơi cạn ly rượu, lắc đầu:
– Nói thật với bác, con cũng chỉ mong vậy, nhưng đi bay, con không thấy có dấu hiệu nào là giặc sẽ ngừng lại hết.
Rồi tôi không muốn nghĩ đến hiện tại, đến ngày mai nữa. Bi thảm quá. Lúc ấy lòng tôi cũng bàng hoàng bối rối chẳng kém gì ông. Nhà tôi ở Banmêthuột, không biết gia đình giờ này sống chết ra sao. Trong tình trạng này, cái có thể làm được là an ủi lẫn nhau, là ráng tìm một niềm tin nào đó để tin vào và …uống rượu.
Lúc thằng Thành trở ra thì tôi đã làm đến ly rượu thứ ba hay thứ bốn gì đó. Tôi ngồi vào bàn ăn đối diện với thằng Thành. Sát bên nó, dĩ nhiên là Hạnh. Thằng Thành mặc một bộ đồ dân sự cắt rất đúng thời trang của em trai Hạnh. Tôi để ý thấy nó cất trái lựu đạn trong túi áo trên. Và tôi bỗng giật nẩy mình khi nhìn thấy một vẻ gì khác lạ rất khó hiểu trên khuôn mặt u buồn của nó. Ánh mắt nó như chứa đựng một điều gì bí ẩn mà tôi không thể nào hiểu nổi. Không biết có ai để ý đến chi tiết này không, nhưng tôi thì áy náy vô cùng. Tôi nhớ đến lúc nhìn thấy nó khóc chiều nay và câu nói: "Nếu tao chết thì sẽ có vài thằng chết theo tao…" Tôi lắc đầu, xua đuổi ý nghĩ, rót rượu mời nó và ba Hạnh. Rồi chúng tôi cầm đũa. Bữa tiệc bất ngờ mừng thằng Thành trở về từ cõi chết mà sao tôi có cảm giác như đang dự bữa tiệc chia ly, không khí tang tóc bao trùm khắp nơi.
Bữa ăn được nửa chừng, tôi bỗng tìm ra câu trả lời của sự bí mật trên khuôn mặt thằng bạn trẻ khốn khổ: Nó đã trở nên bình thản lạ thường. Cái bình thản của kẻ tử tội sắp sửa lên máy chém. Tôi bỗng rùng mình, buông đôi đũa xuống, không ăn uống gì nổi nữa. Tôi hối hận vô cùng vì đã cho nó trái lựu đạn.
Bữa ăn qua mau. Không phải chỉ có tôi mà mọi người hình như chẳng còn ai thiết ăn uống gì. Suốt từ đầu bữa ăn, tôi đoán Mẹ Hạnh có điều gì quan trọng muốn nói riêng với thằng Thành nên khi chén bát vừa dọn đi, tôi đứng dậy xin kiếu từ đi về nhưng bị thằng Thành giữ lại. Nó chỉ chai rượu: – Còn một góc nữa, mày cưa hết với tao rồi về cũng được.
Thấy cả nhà như cũng muốn giữ mình lại nên đành ngồi xuống. Mẹ Hạnh bắt đầu cất tiếng, giọng rất nhẹ nhàng từ tốn: – Con tính …tương lai thế nào?
Câu trả lời của thằng Thành làm cả nhà chưng hửng:
– Ngày mốt con đi.
Hạnh gào lên:
– Anh đi. Đi đâu?
Thằng Thành trả lời mà mắt vẫn lơ đãng ngó xa xa:
– Anh đi về trình diện với sư đoàn.
Hạnh bật khóc. Ba Hạnh xoay đầu đi, cố dấu vẻ bối rối. Mẹ Hạnh cố gắng nói, giọng nghẹn ngào:
– Con còn muốn đi đâu nữa? Hết rồi, chẳng còn gì cả. Con không thấy bây giờ lính tráng chạy mỗi người một phương, còn ông tướng nào, còn quân đội nào nữa mà con muốn đi trình diện…
Thằng Thành không nói gì, bình thản rót thêm một ly rượu, uống cạn. Mẹ Hạnh tiếp:
– Con nghe lời mẹ đi. Bây giờ ai cũng chạy lấy thân cả, đâu có ai tìm xét bắt bớ gì mà sợ? Con cứ ở đây nghỉ ngơi chừng vài tháng đã, coi tình hình đến đâu rồi đi trình diện cũng được…
Cả nhà nhìn thằng Thành chờ câu trả lời. Phải có những giây phút như thế này mới biết cái tình thương người ta dành cho nó. Thằng Thành bất chợt đưa ngón tay rờ rờ trái lựu đạn trên túi áo trái, mồi điếu thuốc lá. Nó thở khói lên trần nhà rồi cúi đầu tư lự, chưa thèm nói gì. Giọng mẹ Hạnh lại tiếp tục, lần này gần như năn nỉ:
– Con phải hiểu, bây giờ ra đi, nếu con chết, chết cho ai? Chiến tranh đến nước này thì coi như đã gần tàn rồi. Mẹ biết tính khí con, không bảo con đào ngũ, mẹ chỉ muốn con ở đây nghỉ ngơi chừng vài tháng thôi rồi đi trình diện cũng còn kịp…
Hạnh lại khóc. Ba Hạnh đứng dậy, bỏ lên lầu. Hình như đó là giải pháp hay nhất cho ông lúc này. Thằng Thành vẫn chưa thèm mở miệng. Tôi rót thêm rượu, nói gượng gạo:
– Mày nghĩ lại đi, tao thấy bác nói đúng. Sư đoàn 23 tan hàng rồi, không còn ai chỉ huy nữa đâu mà đòi đi trình diện. Như tao đã nói với mày hồi chiều, người ta chỉ muốn gom lính lại cho chúng nó khỏi làm loạn thôi. Giờ này ai chỉ huy nữa mà đòi đi? Như kiếm ra được người đồng minh, mẹ Hạnh hứng chí nói thêm một tràng nữa.
Bà lý luận rất sắc bén và rất đúng. Lần này, thằng Thành vừa nghe vừa gật gù cái đầu làm bà càng thích hơn; chắc thằng con rể ngông cuồng vừa đổi ý? Khi bà vừa dứt lời, thằng Thành nhìn bà, nói bằng một giọng bình thản, lễ độ: – Thưa mẹ, mẹ tha lỗi, ngày mốt con đi.
Tôi lắc đầu chán nản, nhìn thấy hai hàng nước mắt chảy dài xuống đôi má bà. Hạnh không còn khóc nữa, chỉ cúi đầu im lặng. Rồi, như tôi lúc nãy, hình như mẹ Hạnh vừa cảm nhận được cái vẻ bình thản của người tử tội trên khuôn mặt nó, nên cất giọng buồn buồn: – Con muốn đi cũng được nhưng con cho phép mẹ nói cái này?
– Mẹ cứ nói.
Bà vừa nói vừa khóc:
– Mẹ muốn chúng con thành thân với nhau trước khi con đi. Ngày mai làm đám cưới cũng được. Làm nhỏ thôi, mời một vài người thân chung quanh đây đến là được rồi…
Cả nhà im lặng. Ngay chính tôi cũng ngạc nhiên về cái đề nghị này. Thằng này tốt số quá, tan nát tả tơi đến như vậy mà cũng có người muốn gả con gái cho. Mà để làm gì chứ? Tôi không thể nào hiểu nổi. Hạnh ngước nhìn Thành chờ đợi. Đúng ra, cả nhà đang nhìn nó chờ đợi. Thằng Thành lắc đầu, mặt nhăn lại, cất giọng nghe rất buồn:
– Con cám ơn mẹ, nhưng con thấy con không còn xứng đáng với Hạnh nữa… – Con bảo sao?
– Ngày xưa, dù mang một cấp bậc rất nhỏ là Trung úy, con vẫn là một sĩ quan của quân đội, còn có tương lai, có cuộc đời trước mặt. Nhưng bây giờ con chỉ là một thằng lính bại trận, không tương lai, không nơi nương tựa. Con không muốn làm khổ Hạnh nữa… Nếu mai mốt có bề gì, chỉ có mình con là người khổ…
Mọi người như chết điếng khi nghe thằng Thành nói. Tôi cũng không ngờ nó coi chuyện tan hàng của sư đoàn 23 ghê gớm như vậy. Phải chăng những tháng ngày hành quân cực khổ nơi rừng sâu núi thẳm đã biến nó trở thành một thứ người khác? Mẹ Hạnh nói mà như gào lên, nức nở:
– Con, con ơi, con đừng nói nhảm. Con bại trận với ai chứ với gia đình này không có nghĩa gì cả. Ai cũng bỏ chạy hết rồi, mẹ muốn hai đứa con thành thân rồi ở lại đây với ba mẹ, chờ tình hình khá khá một chút rồi đi cũng được… Tướng tá quân lính, ai cũng bỏ chạy hết rồi, con đi trình diện làm gì… Thằng Thành ngắt lời bà bằng một giọng gay gắt:
– Mẹ đừng nói hai tiếng "bỏ chạy" nữa. Chỉ một vài thằng tướng tá hèn bỏ chạy thôi, không phải ai cũng bỏ chạy hết. Ít nhất, con không bỏ chạy… Rồi mắt nó bỗng long lên, hai hàm răng nghiến lại:
– Con đã không bỏ chạy, đã chiến đấu tới người lính cuối cùng của đại đội con… Nếu chạy thì người lính mang máy của con đã không bị một trái B-40 đứt làm hai khúc ngay trước mặt con. Chết rồi mà mấy ngón tay vẫn còn nắm chặt ống liên hợp… Nếu chạy thì chuẩn úy Phước Trung đội trưởng của con đã không dàn hàng ngang chuẩn bị xung phong để bị một tràng đại liên cứa đứt nguyên cặp giò… Y tá đại đội hết thuốc, cả đến giọt alcol cũng không còn. Đau đớn quá nó năn nỉ con bắn vào đầu nó một phát để được giải thoát. Nhưng ai có đủ can đảm để giúp nó? Nếu hèn mà bỏ chạy thì chúng con đã không đứa thì cõng nó, đứa kia ôm cặp giò chạy theo vượt mấy cây số đường rừng… Cuối cùng, nó chết đau đớn trên tay con, máu chảy thấm sang ướt luôn cả áo quần con. Chết mà mắt không nhắm được, vẫn trợn trừng đầy uất hận. Đào vội cái hố phủ xác nó xong, nếu bỏ chạy thì chúng con đã không quỳ xuống lâm râm khấn vái: "Hồn mầy có linh thiêng phù trợ cho tụi tao thắng được trận này, lấy lại Banmêthuột, tụi tao sẽ trở lại đây bốc mộ mầy về…" Mẹ thấy đó, chúng con đâu có bỏ chạy…
Thằng Thành lắc đầu, hai giòng nước mắt chảy dài trên gò má. Mẹ Hạnh cũng rưng rưng nước mắt. Có lẽ bà không ngờ câu nói vô tình đã làm tổn thương danh dự người lính trẻ. Bà nghẹn ngào cúi đầu. Cả nhà im lặng. Hạnh cầm tay người tình khốn khổ, không nói lên lời.
Bây giờ tôi mới thấy hiểu thằng bạn mình hơn. Sáu năm đắm chìm trong máu lửa và cuộc thảm bại của sư đoàn 23 đã biến nó thành một con người khác. Giọng thằng Thành lại cất lên, lần này từ tốn và bình thản:
– Mẹ cho phép con nói một lời tâm tình cuối cùng, dứt khoát: Con cám ơn tấm lòng tốt của ba mẹ ở giờ phút này, dù biết rằng con đã mất hết chẳng còn gì nhưng lại muốn cho con lập gia thất với Hạnh. Ơn nghĩa này con và gia đình con sẽ chẳng bao giờ quên…
Mọi người hồi hộp chờ đợi câu kết luận. Nó mồi điếu thuốc, thở khói lên trần nhà: – Nhưng con không thể cưới Hạnh được.
Hạnh khóc nấc lên. Giọng thằng Thành mau hơn, dồn dập:
– Không phải con muốn làm anh hùng. Con chỉ làm chuyện phải làm. Nếu "trời còn ngó lại," hôm nào đó giặc yên, con sẽ trở về để sống cuộc đời mà con hằng mơ ước từ bấy lâu nay, đó là: Sống với Hạnh.
Lần này thì mẹ hai mẹ con Hạnh cùng khóc vì ai cũng biết thằng Thành ít khi nào đùa giai như vậy.
Không muốn ngồi nhìn thêm cảnh đau lòng này, tôi bối rối đứng lên lí nhí mấy lời từ giả. Thằng Thành tiễn tôi ra cửa: – Ngày mốt mày trở lại đón tao.
Tôi ráng gỡ gạc:
– Mày nhất định đi thật?
Thằng Thành quắc mắt nhìn tôi, thoáng vẻ bất mãn với câu hỏi vừa rồi. Tôi bối rối lắc đầu: – Mày tính lại đi, tao thấy mày hùng vô lý quá…
– C…, dẹp ba cái trò tình cảm rẻ tiền đi. Đù mẹ mày có đến chở thì chở, còn không thì tao tự đi lấy một mình. Nó đẩy tôi ra cửa như xua đuổi:
– Tao chờ mày đến 10 giờ sáng ngày mốt. Mày không ra tao đi một mình. Biết không thể nói gì hơn được, tôi bắt tay nó:
– Mày hiểu ban ngày tao còn phải đi bay, để đến tối mốt được không?
– Tối mốt thì chỉ có đi nhậu chớ đi trình diện chó gì được. Tao chờ mày đến 10 giờ sáng, mày không đến tao đi một mình. – Tao sẽ cố gắng đến.
Tôi lên xe Honda đạp máy, không ngờ rằng đó là lần cuối cùng tôi gặp thằng Thành. Hai hôm sau, tôi phải đi bay nên không đến đón nó được. Tối đó tôi hớt hải chạy đến thì thằng Thành đã đi rồi. Nhà Hạnh tiêu điều như có tang. Tôi không gặp Hạnh, chỉ nói chuyện bâng quơ với ba nàng vài câu rồi từ giả ra đi.
Tình hình biến chuyễn mau hơn tôi nghĩ. Tuần sau, "tuyến máu" của Nhảy Dù bị tràn ngập. Trong những giây phút cuối cùng đó, những người lính Dù đã anh dũng đem máu đào ra để gìn giữ từng tấc đất, từng con đường của quê hương. Rồi Nha Trang mất, phi đoàn tôi di tản về Sàigòn. Ngay đến cả thân mình lo còn chưa xong, tôi quên mất chuyện thằng Thành. Một tháng sau, cả miền Nam sụp đổ, tôi may mắn qua Thái Lan được vào ngày 30/4. Chỉ trong vòng 3 ngày, tôi đã đến trại tị nạn Phi Luật Tân, chuẩn bị làm thủ tục đi Mỹ. ° ° °
Mười hai năm sau, một hôm đi làm về, giữa những cái thư, tôi nhìn thấy cái phong bì màu xanh gởi từ Pháp sang với cái tên người gởi lạ hoắc. Nhìn dòng chữ, tôi biết đó là chữ con gái. Tôi đoán phải là thư từ Việt Nam gởi tay cho những người đi đoàn tụ vì tôi đã nhiều lần nhận được thư kiểu này.
Mở tủ lạnh, khui một lon bia, tôi ra ngồi nơi bàn cơm rềnh rang tận hưởng cái giây phút rất tình cảm: đọc thư của những người thân viết từ Hỏa Ngục Việt Nam. Lá thư như sau:
Banmêthuột ngày .. tháng …năm 1987,
Anh Nhị mến,
Nhỏ bạn đi đoàn tụ bên Pháp, Hạnh biết địa chỉ anh nên nhờ gởi lá thư này cho anh. Hạnh đi bán hàng mỗi sáng, đường đi ngang qua nhà anh. Thỉnh thoảng Hạnh cũng ghé thăm bà cụ anh. Bà cụ dễ thương và hiền hậu lắm. Chính bà cụ cho Hạnh địa chỉ của anh đó, lại còn bảo: "Con gởi thư sang, bảo nó gởi cho con một ít quà. Con nói bác nói thì thế nào nó cũng gởi…" Nhưng Hạnh phải chặn trước là Hạnh không gởi lá thư này cho anh để xin quà đâu nhá. Hạnh cấm anh gởi bất cứ một cái gì về cho Hạnh.
Trước hết, theo đúng thủ tục nhà binh, để Hạnh hỏi thăm sức khoẻ anh và gia đình anh. Bà cụ có đưa hình cháu Yvonne cho Hạnh coi. Xinh quá. Anh vẫn sống vui vẻ? Hôm nào "sản xuất" đứa thứ hai. Nếu có, cho Hạnh xin tấm hình.
Phần thứ hai dài hơn, đó chuyện nhà Hạnh. Khi Nha Trang thất thủ, ba Hạnh quyết định ở lại để chờ anh Thành. Chờ mãi chẳng thấy và sau đó Sài-Gòn thất thủ. Những ngày đó thật là kinh khủng. Hạnh đi tìm kiếm anh Thành khắp nơi nhưng không gặp. Rồi ba Hạnh bị bắt đi trình diện, đem theo mười ngày lương khô. Hạnh nghĩ ông phát ngôn đài phát tuyến nói lộn chữ "năm" thành chữ "ngày" vì mãi mười năm sau ba Hạnh mới được về. Khi ra đi thì là con người mà về thì không còn là người nữa mà chỉ là một xác chết.
Ba Hạnh vừa đi được hai tuần thì có một nhóm người đến đuổi cả nhà Hạnh ra ngoài. Họ bảo căn nhà mà ba mẹ Hạnh mua bằng sự dành dụm của cả đời mình là nhà của nhân dân, phải trả lại cho nhân dân. Không nơi nương tựa, gia đình Hạnh đành lên xe trở về nơi thanh bình yêu dấu cũ: Banmêthuột. Phải, Banmêthuột, đất dấu yêu của tuổi học trò. Gia đình Hạnh vào tá túc trong gia đình một người bà con. (Nhà chú Kiên ấy mà). Tội nghiệp, có những lúc mình bị xuống chó như vậy mới thấy tình người là quý.
Vừa lên Banmê là Hạnh tới nhà anh Thành liền. Má anh Thành vừa nhìn thấy Hạnh là khóc ngất lên, bảo: "Hạnh ơi là Hạnh, con về đây mà thằng Thành con bác đâu rồi?" Lúc đó thì Hạnh mới biết là họ mù tịt tin tức anh Thành còn hơn mình. Hạnh kể cho hai bác chuyện đêm cuối cùng tại Nha Trang. Hạnh cũng quên một chi tiết quan trọng khác nữa là lúc ấy Hạnh đã có mang bé Long. (Anh biết tối đó, mẹ Hạnh làm lơ cho hai đứa Hạnh ngủ chung.)
Trong lúc tìm kiếm, Hạnh tập tểnh theo mẹ đi buôn bán. Anh biết buôn gì không? Đủ mọi thứ, từ cà phê cho đến khoai mì, từ dầu lửa cho đến than. Hạnh từ nhỏ chỉ ăn no rồi đi học, bây giờ xông vào chỗ chợ búa như con nai lạc vào thành phố. Lúc này ai cũng nhảy vào nghề đó cả nên cạnh tranh khó khăn vô cùng. May mà có mẹ đi theo chỉ bảo chứ không thì Hạnh đã bị người ta lừa lấy hết vốn liếng từ lâu rồi. Nhưng chỉ vài thàng thôi là Hạnh học được hết mánh lới, còn chì hơn cả mẹ nữa. Bây giờ thì Hạnh để mẹ ở nhà, Hạnh đi buôn một mình được rồi.
Anh Thành vẫn biệt tăm cho đến khoảng 7 năm sau, một buổi sáng, có một người đến gõ cửa nhà Hạnh rất sớm. Hạnh mở cửa ra nhìn thấy một người đàn ông già ốm xanh xao như bộ xương cách trí với khuôn mặt sầu thảm đang đứng trước nhà. Mới đầu, Hạnh cũng nghĩ và hy vọng là anh Thành trở về nhưng chỉ nhìn qua là Hạnh biết không phải. Hạnh lại tưởng là một người hành khất đến xin cơm (Việt Nam bây giờ ăn mày nhiều lắm) và hơi ngạc nhiên vì hành khất đâu có đi làm ăn sớm vậy nhưng cũng tính móc hầu bao cho anh ta một vài đồng thì "bộ xương cách trí" ấy lên tiếng: – Cô Hạnh, tôi là Giáo bạn của Thành đây. Hạnh nhớ tôi không?
Không biết anh còn nhớ anh Giáo không, cũng trung úy bộ binh mà anh Thành hay dắt đến nhà Hạnh chơi đó. Hạnh nhận ra ngay và suýt nữa thì kêu lên một tiếng kêu sửng sốt mừng rỡ. Sau bẩy năm mà anh Giáo đến tìm Hạnh tất phải biết tin tức anh Thành. Hai người ôm nhau nửa đau thương, nửa vui mừng. Hạnh hỏi liền về tin tức anh Thành. Anh Giáo lắc đầu buồn bã, cho biết anh bị ở tù cải tạo mới ra tuần trước, phải lật đật lên kiếm Hạnh và gia đình anh Thành để thông báo tin này. Hạnh linh cảm anh Giáo đem đến cho Hạnh một tin buồn. Thôi, niềm hy vọng cuối cùng vừa lóe ra đã bị tắt ngúm. Mặt anh Giáo đanh lại như để cố lấy hết can đảm, ảnh lắc đầu nhìn Hạnh nói như muốn khóc: – Ông Thành chết rồi.
Lúc mới mất nước mà nghe được câu đó thì ắt Hạnh đã té xỉu rồi nhưng hôm ấy Hạnh thấy bình tĩnh lạ thường. Có lẽ anh Thành đã sống lại rồi chết đi trong lòng Hạnh mỗi ngày suốt 7 năm qua nên Hạnh không còn cảm giác nữa. Anh Giáo nói tiếp:
– Nhưng ông Thành chết đẹp lắm, không phải trong tù như nhiều thằng trong chúng tôi.
Hạnh mời anh Giáo vào nhà kể chuyện. Ngồi bên ly cà phê do mẹ Hạnh pha, anh Giáo kể là chính mắt anh ấy thấy anh Thành nổ lựu đạn tự sát chết ngày Nha Trang thất thủ. Không ai có thể ngăn cản anh ấy được. Anh Giáo nói anh Thành kỹ lắm, đi bộ ra bờ biển, xuống nước đến ngực rồi mới rút chốt lựu đạn. Máu loang lổ cả một vùng biển, đứng từ xa còn nhìn thấy. Đêm trước, ảnh tâm sự với lính rằng nếu mình chết ngoài bờ biển, sóng sẽ kéo xác mình ra khơi. Chết trên biển, khỏi cần chôn cất mà vẫn được gọi là thủy táng. Còn chết trên đất liền nếu không được chôn cất tử tế, oan hồn không siêu thoát được.
Tội nghiệp anh Thành lắm, trước khi ra đi, ảnh móc hết tiền túi chia đều cho anh em. Anh Thành bảo: "Bàn cờ đã đến lúc cần phải xoá đi làm lại ván khác. Mình sinh nhằm thời này thì đành chịu số mạng, đành phải trôi theo vận nước." Anh Thành nói ảnh phải chết là vì đã đọc "Trại đầm đùn" nên biết rằng tính ngang tàng của ảnh không thể nào sống sót được trong tù cộng sản được. Ảnh còn nói: "Mình sinh nhằm thời loạn, mặc áo nhà binh để lập công danh, giang sơn cơ đồ nghiêng ngã nửa chừng, thì đành chết trong bộ đồ nhà binh chứ không thể chết trong bộ quần aó tù được…"
Viết đến đây, nước mắt Hạnh lại chảy ra đầm đìa. Anh thấy tờ giấy nhạt nhòa không, nước mắt của Hạnh đó.
Anh Giáo còn nói là "Chết như ông Thành vậy mà sướng, ra đi một cách thanh thản, trong vinh dự, còn được mặc bộ đồ nhà binh bọc thây mình, còn được bạn bè nhắc nhở. Ở trại cải tạo nhiều người cũng chết, nhưng chết trong đau đớn và nhục nhã vô cùng…"
Anh Giáo quả quyết với Hạnh là anh Thành đã được thủy táng. Sóng đã kéo anh Thành ra biển đúng như lời mơ ước cuối cùng của ảnh. Nói xong anh Giáo đứng lên chào cả nhà để ra đi. Hạnh xin biếu anh ấy một ít tiền gọi là đền ơn nhưng anh ấy bảo để dành tiền đó mà mua nhang đèn cúng anh Thành. "Mấy người chết trẻ mà lại "uổng tử" như ông Thành linh lắm, cô cầu cho anh hồn ông Thành về phù trợ chúng tôi." Hạnh thắc mắc không biết tại sao ông ta lại dùng chữ "phù trợ chúng tôi"? Mãi sau này Hạnh mới biết là ông ta đã tham gia một nhóm kháng chiến phục quốc…
Hôm ba Hạnh về sau 10 năm tù ngục, bắt cả nhà ngồi kể chuyện ở ngoài cho ba nghe. Kể chuyện bị mất nhà, mẹ bị người ta quỵt tiền, chuyện phải lang thang cực khổ nơi đầu đường xó chợ, ba ngồi lầm lì không có ý kiến gì. Hình như ba em đã đoán được những chuyện như vậy sẽ xẩy ra. Nhưng khi nghe tin anh Thành chết, ba Hạnh đã đứng dậy ôm mắt khóc rống lên thảm thiết mà nói rằng: "Ôi, Thành ơi, tre già chưa bị mục mà măng non vừa lú lên sao đã bị đốn rồi… " Em không ngờ ba em lại thương anh Thành đến như vậy.
Thư đã dài, còn nhiều chuyện muốn nói nhưng đành phải "au revoir". Nếu anh có biên thư về cho Hạnh, xin đừng nhắc đến chuyện này. Vì đây là lá thư tay nên Hạnh viết được nhiều chuyện, nếu qua bưu điện thường chắc Hạnh không thể dài dòng như vậy.
Còn một chi tiết này cũng khá quan trọng mà Hạnh quên nói: Từ đó đến nay, Hạnh vẫn ở vậy mà không tái giá. Có vài đám đến hỏi nhưng Hạnh từ chối, và ba mẹ cũng chẳng nói gì. Hạnh chỉ muốn giữ một hình ảnh oai hùng duy nhất của anh Thành trong trái tim Hạnh mà thôi. Thời này chẳng còn anh hùng nữa vì anh hùng đều bị chết hay bị ở tù cả, ra đường chỉ toàn thấy khỉ và vượn! Chán lắm.
Anh cho Hạnh dừng bút. Mục đích lá thư này là để thông báo cho anh biết là chồng Hạnh, anh Thành đã "Vị Quốc Vong Thân". Ngày giỗ của ảnh là ngày 16 tháng 3 âm lịch. Nếu bên đó có còn biết lịch Việt Nam, và nếu còn nhớ đến người bạn đã cùng với anh một thời chiến đấu anh dũng, xin đốt cho chồng em một cây nhang.
Cuối thư, Hạnh xin phép được nhắn anh đôi lời: Thứ nhất, Hạnh cấm anh không được gởi bất cứ một thứ gì về cho Hạnh. Nhà Hạnh đủ ăn. Nếu Hạnh cần Hạnh sẽ gởi thư xin đàng hoàng. "Nhỏ này không biết mắc cở đâu. Hạnh mà". Thứ hai, Hạnh mong anh và các bạn bè anh, những người đã từng một thời cầm súng chiến đấu, xin đừng quên những cái chết như cái chết của chồng em, của một triệu người lính khác âm thầm ra đi trong bao nhiêu năm qua. Những người này đã chết cho các anh được sống, cho các anh được thảnh thơi ở đất tự do. Nếu các anh bên Hải Ngoại không làm được gì để tôn vinh họ, thì ít nhất, xin các anh cũng đừng phỉ nhổ lên những xác chết này bằng cách về Việt Nam để ăn chơi trên xương máu và nỗi đau thương của dân tộc mình… Chỉ có vậy thôi! Chúc anh và toàn thể gia quyến được mọi điều hạnh phúc. Thân mến,
Hạnh.
Tái bút: Nếu anh có gặp anh Khuê bên đó, cho Hạnh gởi lời xin lỗi về cái thư năm nào. Nói với anh Khuê rằng Hạnh bây giờ lam lũ nên già đi và xấu lắm rồi, vô tình thấy Hạnh anh Khuê chắc phải thét lên kinh hoàng. Vì già rồi và buồn nhiều nên Hạnh thèm đọc thư bạn bè lắm, nếu anh ấy muốn gởi thư cho Hạnh thì cứ việc, Hạnh hứa sẽ không gởi bản sao cho …bà xã anh Khuê đâu.
Tái tái bút: Ba mẹ gởi lời thăm anh, cả bé Long nữa. Cháu năm nay mười một tuổi rồi, tánh tình ngang tàng giống bố lắm.

Trường Sơn Lê Xuân Nhị