Sunday, August 01, 2010

HỢP TÁC HAY KHÔNG HỢP TÁC ?

Cố Lm. OP Đỗ Văn Lực/Viết ngày: 29.07.2007

Thế kỷ 20 ít có vĩ nhân nào có thể sánh với Mẹ Têrêsa Calcutta. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Javier Pérez de Cuéllar từng vinh danh Mẹ : "Bà là Liên Hiệp Quốc. Bà là hòa bình thế giới." Năm 1985, trong Đại Sảnh Đường LHQ, trước khoảng một ngàn cử tọa nổi tiếng, ông TTK trịnh trọng tuyên bố về Mẹ : "Tôi xin giới thiệu với Quý Vị người phụ nữ quyền lực nhất thế giới." [1]

Ai cũng biết Mẹ Têrêsa là một phụ nữ nhỏ nhắn và ốm yếu. Nhưng sự nghiệp của Bà vượt ngoài sức tưởng tượng. Năm 1979, Mẹ Têrêsa đã lãnh giải Hòa Bình Nobel, "vì đã hoạt động để khắc phục sự nghèo khổ và khốn cùng, nguyên nhân đe dọa nền hòa bình." Lúc qua đời, Mẹ Têrêsa đã trối lại một gia tài kếch sù cho Giáo Hội để phục vụ nhân loại : hơn 4,000 nữ tu Thừa Sai Bác Ái, nhóm liên hiệp huynh đệ với 300 thành viên, và trên 100,000 thiện nguyện giáo dân, hoạt động trên 610 tụ điểm truyền giáo trong 123 quốc gia.[2]

Đứng trước những những công việc và thành quả lớn lao đó, ĐGH Gioan Phaolô II tự hỏi và trả lời : "Bởi đâu Mẹ Têrêsa tìm thấy sức mạnh và bền chí hiến mình hoàn toàn phục vụ tha nhân ? Trong thầm lặng, Mẹ đã tìm thấy sức mạnh trong lời cầu nguyện và chiêm niệm Đức Giêsu Kitô, Dung nhan Chí Thánh, Trái Tim Cực Thánh của Chúa."[3] Đức Hồng Y O'Connor, Tổng Giám Mục Nữu Ước, cũng công nhận : "Đối với Mẹ, tất cả quyền lực đều ở nơi Chúa Giêsu, qua Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu. Sức mạnh của Mẹ chính là sức mạnh của cầu nguyện , của hoàn toàn tuân phục thánh ý Thiên Chúa, của tình yêu dành tất cả cho đời sống con người."[4]

Gương Mẹ Têrêsa Calcutta có giúp GHCGVN tìm một hướng đi mới cho công cuộc phục vụ dân tộc không ? Nếu xác tín và sống như Mẹ, chúng ta có đủ ánh sáng cần thiết để chọn lựa con đường hợp tác hay không hợp tác với chế độ hiện tại không ? Làm sao có đủ sức mạnh thi hành sứ mệnh giữa bao nhiêu thách đố hôm nay ?

CẦU NGUYỆN LÀ LẼ SỐNG

Trong đêm tối trần gian, Chúa Giêsu chiếu sáng lên hình ảnh Thiên Chúa như vị Từ Phụ ân cần lắng nghe và đáp cứu con người khi họ cầu nguyện. Cầu nguyện là lẽ sống. Kết quả không phải là những ân huệ vật chất, nhưng là chính Thánh Linh (x. Lc 11:13). Có Thánh Linh là có tất cả. Chính nhờ Người, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và cứu độ nhân loại. Người là tất cả sức mạnh của Thiên Chúa. Thánh Linh là món quà tuyệt vời Chúa Cha ban cho những ai tin tưởng và kiên trì cầu nguyện. Nhận được món quà vô cùng quý giá này, con người sẽ có thể làm mọi sự.

Không cầu nguyện, con người không thể làm gì trên trần gian. Quả thế, "cầu nguyện là một nhu cầu sống còn. Bằng chứng, nếu không để Thánh Linh hướng dẫn, chúng ta sẽ rơi vào ách nô lệ tội lỗi. Làm sao Thánh Linh có thể trở thành 'sự sống' chúng ta, nếu lòng ta xa Người ?"[5] Không có Thánh Linh, tất cả ngôn hành đều là những trò múa rối. Không cầu nguyện, chúng ta không thể nào tồn tại, chứ đừng nói làm được việc gì. Nhưng làm sao cầu nguyện, nếu không có đức tin. Do đó, Chúa Giêsu đưa hai dụ ngôn về người bạn quấy rầy ban đêm và về người cha trần gian so sánh với Cha trên trời. Cả hai dụ ngôn đều ngầm khuyến khích chúng ta phải có lòng kiên nhẫn và tin tưởng vào lòng từ phụ của Thiên Chúa. Đúng như thánh Giacôbê nói : "Đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn." (Gc 1:3)

Trong thực tế, nhiều lúc chúng ta thiếu kiên nhẫn, vì đức tin không đủ mạnh. Nếu đức tin mạnh đủ, chúng ta có thể thưởng thức được tất cả hương vị ngọt ngào và sự sống chan hòa trong lời cầu nguyện. Có thể hiểu phần nào bản chất lời cầu nguyện, vì cầu nguyện có nhiều nét giống chiêm niệm. Mẹ Têrêsa nói : "Theo tôi, chiêm niệm không phải là im lặng trong đêm tối, nhưng là để Chúa Giêsu sống cuộc khổ nạn, tình yêu, và đầy khiêm tốn trong chúng ta, cầu nguyện với chúng ta, hiện hữu với chúng ta, thánh hóa qua chúng ta." [6]

Như vậy, cầu nguyện và chiêm niệm làm cho con người ngày càng giống và nên một với Chúa Kitô. Không sống với Người, chúng ta không thể thấu hiểu bản chất và những đòi hỏi của tình yêu. Tất cả bản lãnh và sức mạnh phục vụ đều bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ Chúa Kitô trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện là bước vào cuộc sống của Chúa, để có thể nhìn thấy và phục vụ anh chị em đang đau khổ trong mọi cơ chế bất công.

CÁCH MẠNG NHUNG

Bất công là nguyên nhân sinh ra mọi tệ trạng xã hội. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới từng nhận định : "Mặc dù không phân tích sâu xa hiện trạng thế giới, nhưng chúng tôi có thể nhận thấy những bất công nghiêm trọng đang thiết lập một hệ thống khống chế, đàn áp và lộng hành khắp nơi để bóp nghẹt tự do và làm cho phần lớn nhân loại không thể tăng trưởng và không có một thế giới công bình và huynh đệ hơn." [7]

Cũng như Mathêu, Luca đặt ở phần mở đầu Kinh Lạy Cha lời cầu xin cho "Triều Đại Cha mau đến." (Lc 11:2) Đây là cốt lõi mọi vấn đề trong Kinh Lạy Cha và là sứ điệp căn bản của Chúa Giêsu và các môn đệ trong Tin Mừng Nhất Lãm. Đó cũng là chủ đề nòng cốt trong lời giảng các Tông đồ (ví dụ Cv 8:12; 19:8). Nước Thiên Chúa không phải chỉ là chủ đề duy nhất được đề cập đến trong Tin Mừng Mathêu, nhưng còn là chủ đề quan trọng trong Tin Mừng Luca nữa.

Dưới ngòi bút Luca, con cháu Abraham (ví dụ Lc 13:10-17; 19:1-10) và những người thừa hưởng lời hứa của Thiên Chúa là chính những "người nghèo của Thiên Chúa," nạn nhân của những cơ chế bất công trong đạo cũng như ngoài đời. Mối phúc thứ nhất dành cho người nghèo Nước Thiên Chúa. Họ nghèo thực sự, chứ không phải chỉ có tinh thần nghèo khó. Nhờ gặp gỡ Chúa Kitô trong lời cầu nguyện các Kitô hữu tiên khởi đã chia sẻ tài sản với những người túng bấn (Lc 6:17-49). Như thế, rõ ràng Nước Thiên Chúa đã có ảnh hưởng sâu xa tới nước trần gian. Giáo hội đã phục vụ Nước Thiên Chúa một cách hữu hiệu trong việc biến cải và thay đổi xã hội.

Khi cầu nguyện cho "Triều Đại Cha mau đến," môn đệ Chúa Kitô đang thực hiện một cuộc cách mạng biến đổi thế giới.[8] Quả thế, "thế giới hôm nay nổi bật với tội bất công nặng nề. Chúng ta vừa nhận thức trách nhiệm, vừa thấy mình không thể lấy sức mạnh chế ngự tội bất công đó. Tình hình đó thúc đẩy chúng ta phải lắng nghe lời Thiên Chúa với tâm hồn khiêm tốn và mở rộng."[9] Bởi đấy, Kinh Lạy Cha đòi chúng ta phải lật đổ bất cứ thứ bất công nào trên thế giới.

Hơn nữa, Kinh Lạy Cha cũng thúc đẩy chúng ta thành lập những cộng đoàn phản ánh trung thực những giá trị Tin Mừng. Vì đã thinh lặng trước sự bất công trong đạo và bị những hứa hẹn sai lạc của đế quốc trần gian quyến rũ, chúng ta không thấy nhu cầu liên kết để hỗ trợ nhau và bàn thảo kế hoạch thay đổi những chế độ tội lỗi. Liên đới với những người đang sống trong hoàn cảnh không thể thực hiện ước nguyện giữa những tương quan cá nhân, phe nhóm và cơ chế. Đó là thách đố đối với những ai đang hưởng lợi từ sự bất công. Đó cũng là đề nghị hay nhất của Kinh Lạy Cha. Bởi thế, càng cần phải thành lập gấp những cộng đoàn đối kháng, đặt nền trên lời cầu nguyện, lời thề sống chết theo công lý và đầy cảm thông. Cộng đoàn như thế sẽ thay thế trật tự xã hội hiện tại.[10]

Khi quy tụ thành cộng đoàn, chúng ta có Chúa Giêsu ở giữa (x. Mt 18:20) để soi sáng cho chúng ta thấy những lý thuyết cực đoan ảnh hưởng tới đời sống trong bốn cấp độ : cá nhân, liên vị, hạ tầng kiến trúc và môi trường. Chúng ta tự hỏi các đường lối hiệp thông khác nhau trên thế giới có phản ánh sự hiệp thông mà Thiên Chúa đòi phải có trong các tương quan giữa con người và các nguồn tài nguyên trên trái đất không. Vấn đề sẽ nổi cộm và làm nhức nhối lương tâm. Cuối cùng chúng ta sẽ đi đến quyết định tìm đường lối nào tốt nhất để sám hối trong mọi lãnh vực đời sống.[11] Sám hối sẽ thay đổi tận nền tảng mọi cơ chế bất công trong xã hội và Giáo hội.

Như thế, Kinh Lạy Cha cổ động công lý trong một thế giới đầy bất công. Bất công đã bóp nghẹt tự do giữa con người và tạo nên chướng ngại cho việc xây dựng một thế giới liên đới hay đầy tình huynh đệ hơn. Bất công làm cho phần lớn nhân loại không được chia sẻ những tài nguyên trái đất. Nếu Kinh Lạy Cha thực sự phát xuất tận đáy lòng, người tín hữu không thể không thấy mọi người đều bình đẳng trước Thiên Nhan. Trong mỗi lời cầu xin, Kinh Lạy Cha đều đảo lộn sâu xa những động lực trần gian. Bởi thế, chỉ khi nào có cái nhìn của Chúa, chứ không phải của thế gian, Kitô hữu mới có thể thực sự đọc Kinh Lạy Cha một cách có ý nghĩa và hiệu lực. Nếu không, dù có đọc cả triệu lần Kinh Lạy Cha, mọi sự vẫn chẳng có gì biến đổi. Cái khó biến đổi nhất là cái tôi, cá nhân hay tập thể cũng vậy. Có bước đầu tiên đó mới có những bước kế tiếp.

ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI

Có một số người vẫn sống trong mơ. Theo họ, cầu nguyện là gặp gỡ Chúa. Đó là lối sống đạo. Đời là đấu tranh, giành dựt, mưu mô. Có lằn ranh rõ rệt. Không thể đem Chúa ra khỏi nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ, Kitô hữu cần khoác bộ áo và khuôn mặt khác. Nếu không, họ sẽ thất bại thê thảm. Giữa cầu nguyện và cuộc sống cần phải có một bước nhảy vọt.

Có đúng như thế không ? Nếu đúng, vô tình họ tự đứng vào phe những người không chung đất đứng với Chúa Giêsu. Những người đó vẫn có mặt trong đạo và ngoài đời. Khi tách biệt đạo đời quá kỹ, con người không còn sống thật với chính mình. Bởi đó, họ dễ trở thành mồi ngon cho đủ thứ chủ nghĩa, từ tình dục đến quyền lực, từ tiền tài đến danh vọng v.v.

Chỉ có đức tin mới giúp chúng ta thấy được mạch nối giữa cầu nguyện và cuộc sống. Thực vậy, "cầu nguyện và sống đạo là hai việc không thể tách rời. Cả hai cùng xuất phát từ tình yêu và sự quên mình vì yêu. Cả hai cùng nhắm đến chỗ hòa hợp với ý định yêu thương của Chúa Cha trong tâm tình mến yêu của người con thảo. Cả hai cùng giúp tín hữu hiệp thông với Thánh Linh để được biến đổi ngày càng nên giống Đức Giêsu Kitô. Cả hai cùng thể hiện tình thương yêu mọi người, bắt nguồn từ tình yêu Đức Kitô đã yêu thương ta."[12]

Thiên Chúa muốn cuộc sống Kitô hữu phải thống nhất. Hơn nữa, Thiên Chúa còn muốn Kitô hữu phải nhập thể và nhập thế như Đức Kitô. Có nhiều người đứng ngoài nhìn vào để lên án những người đang nhập cuộc. Nhập cuộc không chỉ thấy nơi những người trong cuộc. Có khi đang ở trong cuộc mà không nhập cuộc. Chẳng hạn, nhiều người đang sống ở Việt nam cứ tưởng mình đang nhập cuộc và lên án hay thách thức những người đang ở Hải ngoại. Họ tự cho mình là người can đảm vì đã chấp nhận ở lại để sống với chế độ. Họ lên tiếng chê bai những người chỉ biết viết những bài chia sẻ mà không sống Lời Chúa. Họ thách thức những người hải ngoại về Việt nam để tranh đấu cho nhân quyền. Khác với cái nhìn trục lợi về "khúc ruột ngàn dặm," có lẽ họ vẫn coi người Việt Hải ngoại là những kẻ nhát gan, đào tẩu, phản bội tổ quốc và GHCGVN.

Đó có phải là một âm mưu thâm độc nhằm chia rẽ những người ở trong và ở ngoài nước ? Dù sao, cứ giả thiết đó là những vấn nạn thực sự của những người anh em thiện chí, chúng ta cũng cần nhìn nhận một sự thật. Nếu hàng ngày đều đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta đều xác tín mình là anh chị em với nhau, vì cùng chung một Cha trên trời. Những gì đụng tới đồng bào trong nước đều đụng tới đồng bào Hải ngoại. Những dấn thân của tập thể đồng bào trong nước đều là nguồn hứng khởi cho cộng đồng Hải ngoại. Tất cả chỉ là một. Vậy tại sao lại phân biệt và chia rẽ chúng ta ?

Nhiều người tưởng rằng từ quan điểm đến hành động, chúng ta không còn là một nữa. Theo họ, chỉ có những người trong nước mới có những cái nhìn xác đáng và xứng đáng là người con của tổ quốc và GHCGVN. Họ vỗ ngực tự hào chỉ mình mới có bản lãnh sống giữa những thử thách cam go. Trong khi kêu gọi người khác phải "biết tôn trọng nhau và độ lượng hơn,"[13] chính họ lại lên giọng kết án cả một tập thể người Việt Hải ngoại ! Không biết họ có đọc Kinh Lạy Cha hàng ngày không nhỉ ?

Họ còn nói những người bên ngoài đồng hóa quê hương với chế độ. Làm như Việt nam vẫn còn là một xã hội đóng như chế độ Bắc Việt từ 1954-1975 vậy ! Nếu quả thực có cái nhìn thiên lệch đó, hàng năm đã không có hàng mấy trăm ngàn người về Việt nam như thế. Không phải vì yêu chế độ mà chúng tôi về Việt nam đâu !

Riêng về GHCGVN, họ tự cho mình quyền đứng ra bênh vực các GMVN. Đối với họ, những người ngoài nước không biết gì hết. Tất cả mọi việc làm của các GMVN đều đúng cả. Đừng ai đụng chạm tới các đấng bề trên cao cấp của chúng tôi ! Tội chết ! Tất cả hãy đấm ngực ăn năn đi ! Có lẽ họ cần đấm ngực trước, vì đã cố tình "nịnh bợ" quá kỹ khiến các đấng không dám dấn thân đáp ứng nhu cầu bức thiết của đồng bào nữa !

Dựa trên những quyền lợi GHCGVN đang được hưởng từ chế độ, họ hăng say biện hộ cho các GMVN . GHCGVN ngày càng bề thế với đầy đủ vây cánh như vậy, ai chẳng ham ?! Nhưng hiện diện như thế để làm gì ? Sứ mệnh hay phương tiện, thứ nào cần thiết và quan yếu hơn ? Đầy đủ quá có dễ chu toàn sứ mệnh không ? Chúa Giêsu có dạy các môn đệ sắm đầy đủ phương tiện trước khi lên đường truyền giáo không ?

Tại sao cùng sống trong một hoàn cảnh như GHCGVN, nhưng GHPGVNTN lại có hành động khác ? Vấn đề không phải là hợp tác hay không hợp tác. Không thể quay ngược bánh xe lịch sử. Vấn đề là hợp tác tới mức nào và trong những lãnh vực nào, miễn đừng phản bội sứ mệnh Chúa đã trao cho GHCGVN. Giáo hội chỉ là phương tiện phục vụ Nước Trời, chứ không ngược lại. Giáo hội phải hy sinh tất cả để "Triều Đại Cha mau đến." Nếu không, Giáo hội sẽ phản bội Thày mình vì đã không chu toàn sứ mệnh trọng đại đối với dân tộc.

Lạy Cha, xin cho chúng con biết hy sinh cho "Triều Đại Cha mau đến" trên quê hương chúng con. Xin cho chúng con luôn hiệp nhất để chu toàn sứ mệnh lịch sử trong GHVN hôm nay. Amen.


Phụ chú

[1] http://www.famouspeople.co.uk/m/motherteresa.html

[2] ibid.

[3] ĐGH Gioan Phaolô II (2003). Diễn Giảng Cho Khách Hành Hương
Đến Roma Nhân Dịp Phong Chân Phước Cho Mẹ Têrêsa.
http://www.famouspeople.co.uk/m/motherteresa.html

[4](WIL, 31) http://tiengnoigiaodan.net/dacbiet/db_nnqlu.html.

[5] Giáo Lý Công Giáo, số 2744.

[6] Trong trung tâm Thế giới, Thư viện New World.

[7] Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 1971, "Công Bình Trên Thế Giới."

[8] x. Crosby, M. H., The Prayer That Jesus Taught Us, 2002:23.

[9] Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 1971, "Công Bình Trên Thế Giới."

[10] x. Crosby, M. H., The Prayer That Jesus Taught Us, 2002:23.

[11] ibid.

[12] Giáo Lý Công Giáo, số 2745.

[13] http://www.vietcatholic.net/News/Html/45891.htm

No comments: