Saturday, December 26, 2020

AI XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC VINH DANH TRONG PHONG TRÀO DÂN CHỦ TẠI LIÊN XÔ?

https://www.facebook.com/trantrungdao/posts/3930189953671628

Nhân dịp đánh dấu sự sụp đổ của chế độ CS Liên Xô 25-12-1991, trong danh sách dài của những người gây tác động, nếu phải chọn một người để đại diện cho thành phần bị áp bức người đó phải là Ts Andrei Sakharov. Tổng số người chết chỉ riêng dưới thời Stalin được ước lượng khoảng 20 triệu người do nạn đói trong các năm 1932-1933, 1946-1947, chỉ định cư trú 1939-1953, lưu đày Kulaks v.v… Khi trả tự do cho Sakharov, Gorbachev hy vọng ông sẽ ủng hộ các chương trình đổi mới và đóng vai trò một "đại sứ hòa bình" về mặt quốc tế. Nhưng không, Sakharov chọn đứng về phe đối lập để thay đổi một cách căn bản và dứt khoát chế độ CS.
Mời đọc tiếp.

NGƯỜI KHÁCH TRÊN CHUYẾN TÀU ĐIỆN GORKY-MOSCOW
http://www.trantrungdao.com/?p=5266

Ngày 21 tháng 5 là ngày sinh nhật của người khách này, tôi viết một bài ngắn để mừng sinh nhật ông nhưng chỉ viết được phần đầu và vì một lý do riêng phải dừng lại cho đến nay.
Câu chuyện về người khách bắt đầu lúc gần nửa khuya ngày 22 tháng 12, 1986 trên chuyến tàu đêm từ Gorky đến Moscow, Nga.
Người khách 65 tuổi đó không ai xa lại mà chính là Tiến sĩ Andrei Sakharov.
Nhà vật lý nguyên tử nổi tiếng thế giới cùng đi với vợ ông, bà Yelena Bonner, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng châu Âu. Ông vừa được Mikhail Gorbachev trả tự do và trên đường về nhà.
Đoạn đường chỉ 250 cây số nhưng dù rời Gorky 11 giờ đêm, bảy giờ sáng hôm sau tàu mới đến Moscow.
Chuyến tàu đêm phải dừng lại ở nhiều ga nên chắc là Sakharov không ngủ được. Nhiều câu hỏi dội lại trong ý thức ông và nhắc nhở ông một định hướng cho chặng đường còn lại của đời mình.
Andrei Sakharov bị bịnh tim nên vốn thời gian có thể không còn nhiều. Những ngày tháng sắp tới là thời gian quyết định và đầy thử thách dành cho số phận của riêng ông lồng trong số phận nước Nga.
Khi được trả tự do trong thời điểm 1986, hơn ai hết Andrei Sakharov biết hành động của Mikhail Gorbachev không phải vì lòng tốt mà thuần túy chính trị. Mikhail Gorbachev nắm chức tổng bí thư đảng CS Liên Sô gần hai năm chứ không phải mới lên tháng này hay tháng trước.
Gorbachev đang gặp khó khăn và cần Sakharov để giúp mở rộng vây cánh trong giới trí thức ngoài đảng.
Viện Hàn Lâm Khoa Học vẫn dành cho Sakharov một chỗ ngồi đầy trọng vọng với tất cả đặc quyền mà ông được hưởng trước ngày bị bắt.
Nhắc lại, Tiến sĩ Andrei Sakharov từng được tưởng thưởng ba lần danh hiệu "Anh hùng Lao Động", bốn lần "Huân Chương Lenin", "Giải thưởng Lenin", "Giải thưởng Stalin". Mỗi giải thưởng đều kèm theo các giá trị vật chất hàng năm. Tuy nhiên, khi về lại Moscow, ông đã từ chối nhận lại các giải thưởng nêu trên.
Gorbachev cần Sakharov có uy tín để ủng hộ cho hai chính sách chính sách Cải Tổ Kinh Tế (Perestroika) và Cởi Mở Văn Hóa Chính Trị (Glasnost). Trao trả tự do cho Sakharov là một bằng chứng cụ thể cho thế giới thấy chính sách "cải tổ" và "cởi mở" của Gorbachev đang được tiến hành.
Gorbachev cần Sakharov, giải Nobel Hòa Bình 1975 và có ảnh hưởng quốc tế để đóng vai trò đặc sứ hòa bình với Tây phương. Tên tuổi của Sakharov trên quốc tế được biết còn nhiều hơn tại Liên Sô. Không chỉ nhiều giải thưởng khoa học và nhân quyền mang tên Sakharov mà tại Mỹ cả phim ảnh cũng được dựng để vinh danh ông.
Nhưng Gorbachev đã lầm. Bổng lộc không mua được Sakharov và danh vọng không làm ông thay đổi.
Trên chuyến xe lửa từ Gorky về lại Moscow, Sakharov chỉ nghĩ đến một con đường, một buổi sáng, đó là lộ trình dân chủ và bình minh tự do cho đất nước Nga sau 69 năm dưới chế độ đôc tài toàn trị CS.
Thay vì làm việc cho Gorbachev hay với Gorbachev, Sakharov đã hợp tác với những người đang chống lại Gorbachev như cựu ủy viên Bộ Chính Trị Boris Yeltsin, sử gia Yuri Afanasyev, Thị trưởng Moscow Gavril Popov, học giả Viktor Palm để thành lập một liên minh đối lập.
Năm người này có quá khứ, nghề nghiệp, tham vọng và cá tính khác nhau. Chẳng hạn Yuri Afanasyev là nhà nghiên cứu sử, Boris Yeltsin là cựu đảng viên CS cao cấp, Viktor Palm là học giả người Estonia và Sakharov là nhà vật lý nguyên tử. Họ lãnh đạo khối chống độc tài CS gồm 566 đại biểu còn khá ô hợp trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Nga vừa được bầu.
Mục tiêu duy nhất của nhóm năm người này là giới hạn độc quyền lãnh đạo đất nước của đảng CS Liên Sô cụ thể là xóa bỏ điều sáu hiến pháp, tương tự như điều bốn trong hiến pháp CSVN.
Sau đó nhóm lãnh đạo cánh đối lập với đảng CS có thể lập đảng chính trị riêng và thậm chí chống nhau nhưng trong thời điểm 1988, họ rất đoàn kết.
Họ biết rằng chỉ có đoàn kết và dứt khoát bám lấy những mục tiêu cụ thể mới thắng được bộ máy cai trị CS được tổ chức tinh vi với hàng ngũ cán bộ đầy kinh nghiệm sau bảy chục năm cầm quyền.
Tiếc thay bịnh tim đã cướp đi của phong trào dân chủ Nga một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Nhà vật lý nguyên tử và nhà tranh đấu cho quyền làm người Andrei D. Sakharov qua đời tối ngày 14 tháng 12, 1989 thọ 68 tuổi.
Hàng trăm ngàn người dân Nga đã đến tiễn đưa ông. Mikhail Gorbachev và toàn bộ Bộ Chính Trị đảng CS Liên Sô đến cúi đầu trước linh cửu ông.
Andrei D. Sakharov ra đi nhưng để lại cho các phong trào dân chủ tại các nước độc tài nhiều bài học lớn trong đó gồm (1) đoàn kết qua hành động, (2) có thái độ chính trị dứt khoát, (3) có mục đích đấu tranh cụ thể và (4) theo đuổi lý tưởng phụng sự nhân quyền.
Với xu hướng các nhà dân chủ trở thành lãnh đạo các quốc gia cựu CS như tại Tiệp, Ba Lan, các nước Baltics, các nhà phân tích tin rằng, còn sống ba năm nữa, Andrei D. Sakharov với tư tưởng dân chủ, tự do, nhân bản, sẽ trở thành tổng thống của Cộng Hòa Nga và nếu vậy khuôn mặt chính trị thế giới sẽ khác hơn nay nhiều.
Trần Trung Đạo

No comments: