Thursday, May 07, 2009

Trận Hải Chiến Hoàng Sa - Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại

Tác giả: Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại


Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trên đảo Pattle (Quần đảo Hoàng Sa)

(Trích từ chương 16 : Trận Hải Chiến Hoàng Sa, trong tác phẩm "Can Trường Chiến Bại của Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu Phó Đề Đốc Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà.)

Trích lời Ghi Chú : ... Một trang sử rất hào hùng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà đã được viết bằng xương bằng máu của gần trăm chiến sĩ áo trắng thi hành đúng chỉ thị của vị Tổng Tư Lịnh Quân Ðội cũng là vị nguyên thủ của Việt Nam Cộng Hoà, để chứng tỏ chủ quyền của lãnh thổ Việt Nam, không có áp lực thúc đẩy hay ngăn cản một ngoại bang nào.


Trang chính của báo Chính Luận đăng tin về Hoàng Sa. (Hình góc tay mặt là Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, Hạm Trưởng chiếc HQ 10 Nhựt Tảo, tử trận trong cuộc hải chiến Hoàng Sa)

... Ðúng 8 giờ sáng hôm sau, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn, gồm có Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tổng Tham Mưu Phó; Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lịnh Quân Ðoàn I; Chuẩn tướng Trần Ðình Thọ, Trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu, đến bộ tư lịnh Vùng 1 Duyên Hải bằng xe. Tôi đưa tất cả vào phòng thuyết trình. Tôi trình bày cặn kẽ địa hình địa thế của các đảo Hoàng Sa, lịch sử của các hải đảo này và sau cùng những diễn tiến trong mấy ngày qua và lực lượng quân sự TC và Việt Nam trên biển cũng như trên các đảo. Tôi nhấn mạnh việc chiến hạm Việt Nam cố gắng mời chiến hạm TC rời khỏi lãnh hải một cách ôn hoà nhưng tình hình trong 24 giờ qua cho thấy TC có ý định khiêu khích.

Sau khi nghe tôi trình bày xong, Tổng Thống Thiệu lấy bút giấy ra viết liên tục trong khoảng mười lăm phút. Sau khi viết xong, ông gọi tôi đến trước mặt ông và yêu cầu tôi đọc mấy trang giấy đó. Tổng Thống Thiệu nói : "Anh Thoại đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng cho tôi biết ngay từ bây giờ" (1). Trên đầu trang giấy có mấy chữ "Chỉ thị cho Tư Lịnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải." Những chữ này làm tôi hơi khó chịu vì ông Thiệu không ghi Tư Lịnh Quân Khu I hay Tư Lịnh Hải Quân mà lại đề thẳng chức vụ của tôi. Lúc đó tôi không nghĩ ra rằng với chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Ðội, ông có toàn quyền chỉ thị trực tiếp mỗi đơn vị trưởng trong quân đội. Trong trang chót có đoạn "Chỉ thị cho Thủ Tướng Chánh Phủ". Bản chánh của thủ bút Tổng Thống Thiệu tôi giữ mãi cho đến đầu tháng Năm, 1975, khi tôi bi mất cắp chiếc cặp lúc đến Fort Chaffee ở Arkansas, Hoa Kỳ (2). Tôi chắc chắn bản gởi cho Thủ tướng Trần Thiện Khiêm vẫn còn được lưu lại đâu đó sau khi Sài Gòn thất thủ.

Sau khi trao thủ bút cho tôi, Tổng Thống Thiệu hỏi các vị tướng lãnh bộ binh hiện diện có ý kiến gì không. Không ai trả lời. Ông nói tiếp : "Chúng ta không để mất một tấc đất nào cả (3)".


TT Thiệu rời Bộ Tư Lịnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, sau khi ra chỉ thị về biện pháp đối phó với TC khi hạm đội TC xâm nhập hải phận Việt Nam Công Hoà tại Hoàng Sa (1974).

Tôi cảm thấy là không còn giải pháp nào khác, hoặc tấn công trước hoặc rời khỏi lãnh hải của mình để tránh đụng chạm. Lúc ấy tôi lại nghĩ ngay thủ bút của Tổng Thống. Nếu rời lãnh hải quốc gia (4) bỏ đi là lịnh Tổng Thống sẽ không được thi hành. Rồi tôi sẽ trả lời ra sao với thượng cấp ?

Tôi và Ðại Tá Ngạc bàn đi bàn lại nhưng không biết phải làm thế nào và rồi tôi chỉ nói với Ðại Tá Ngạc là khi tình hình quá căng thẳng thì mình phải khai hoả trước để giảm thiểu thiệt hại. Ðại Tá Ngạc đồng ý với tôi là chiến hạm Việt Nam phải khai hoả trước. Tôi nhắc thêm Ðại Tá Ngạc :

"Anh nhớ hãy chỉ thị cho tất cả chiến hạm khai hoả cùng một lúc khi anh bắt đầu khai hoả !" (5) với mục đích phân tán sự phản pháo của địch. Ðại Tá Ngạc trả lời : "Nhận rõ 5 trên 5". Tâm trạng bồi hồi, một cảm giác mà tôi không bao giờ quên, nhưng vì không rõ vị trí của từng chiến hạm, qua máy âm thoại, tôi nói tiếp : "Tuỳ nghi khai hoả khi nào anh sẵn sàng !" Vài phút sau tiếng nổ chát chúa của các hải pháo vang dội trong máy truyền tin, dường như Ðại Tá Ngạc hoặc nhân viên vô tuyến cố tình bấm nút "On" để tôi có thể nghe, làm tôi vừa hãnh diện cho Hải Quân Việt Nam vừa lo sợ cho Hải Ðội của Ðại Tá Ngạc. Giọng Ðại Tá Ngạc rất là bình tĩnh và nhà binh : "Báo cáo đã bắt đầu khai hoả !" Tôi trả lời ngay : "Tôi nghe tiếng súng rồi, anh Ngạc", và sau đó là một sự yên lặng trong khoảng năm mười phút nhưng đối với tôi nó kéo dài như hàng giờ.

... Trận hải chiến thật sự chỉ kéo dài hơn 30 phút. Khi phi cơ của Ðô Đốc Chơn và sĩ quan tuỳ viên của ông, Thiếu Tá Văn Trung Quân, chạm đất tại phi trường Ðà Nẵng thì trận hải chiến đã coi như kết thúc. Chiến hạm Việt Nam không đuổi theo tàu địch mà chiến hạm TC cũng không đuổi theo chiến hạm Việt Nam.

Tôi gọi điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân xin can thiệp với Cố Vấn Mỹ yêu cầu Ðệ Thất Hạm Ðội của Hoa Kỳ vớt các thủy thủ Việt Nam, nhưng dường như họ có được chỉ thị nên không một chiến hạm Mỹ nào đến gần nơi xảy ra cuộc hải chiến.

Với những đe doạ từ phía TC, sự không tham dự của quốc gia mà chúng ta gọi là "đồng minh", sự từ chối của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ trong việc cứu người trôi trên biển, tôi cảm thấy ê chề, đau đớn cho các thủy thủ đang trôi trên biển với những vết thương mà máu ra sẽ là dấu hiệu cho cá mập và trong sự chán nản tột cùng, tôi chỉ thị các chiến hạm bị thiệt hại rời chiến trường để đưa các thủy thủ tử thương và thương binh lên bờ tại Ðà Nẵng.

Trớ trêu nhứt là 23 thủy thủ Việt Nam trôi dạt trên biển được tàu Skopionella của hãng Shell mang quốc kỳ Hoà Lan vớt, ngay sau trận hải chiến. Thương thuyền này đang trên đường từ Hong Kong đi Singapore. Trên tàu, các phu nhân của Thuyền Trưởng và Thuyền Phó chăm sóc các thủy thủ lâm nạn hết sức tận tình và tặng một số quà cho mỗi thủy thủ khi họ được thương thuyền giao lại cho đơn vị của Hải Ðội 1 Duyên Phòng thuộc Vùng 1 Duyên Hải. Lúc ấy các nhân viên Hải Quân tham chiến đặt câu hỏi ai là "đồng minh" của ai ?

Thế là kết thúc một sự xâm lăng bằng võ lực của một cường quốc đối với một quốc gia nhỏ bé.

Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ủy lạo các chiến sĩ can trường bị thương nặng sau trận hải chiến Hoàng Sa, trước khi họ được đưa lên phi cơ rời Ðà Nẵng để về Tổng Y Viện Cộng Hoà tại Sài Gòn.

... Sự hy sinh của các thủy thủ can trường vẫn còn là một bằng chứng bằng xương bằng máu để con cháu chúng ta tranh đấu trước toà án quốc tế để đòi hỏi TC phải giao trả các đảo này cho Việt Nam.

Ai là người Việt Nam cũng có quyền hãnh diện là trận hải chiến Hoàng Sa là một trận hải chiến duy nhất của Việt Nam và của thế kỷ, chống ngoại xâm, và bảy thế kỷ sau khi tướng Trần Hưng Ðạo đánh bại quân Mông Cổ từ phương Bắc, trên mặt nước.

Còn những ai nghĩ là Việt Nam Cộng Hoà còn lệ thuộc Mỹ phần nào thì đây là bằng chứng rõ rệt là việc tấn công lực lượng TC là hoàn toàn do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lịnh, không có sự đồng ý của Hoa Kỳ và không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ dù là nhân đạo tối thiểu như vớt người trôi trên biển cả.

Sau này rất nhiều sách vở báo chí bình luận về hải đảo Hoàng Sa và trận hải chiến và phê phán nhiều, kẻ kể công người buộc tội, riêng tôi thì chúng ta không nên quên là dù chúng ta có bốn thủy thủ đoàn can trường tham gia cuộc hải chiến nhưng các chiến hạm của ta vừa cũ kỹ (từ Ðệ Nhị Thế Chiến) không có đầy đủ vũ khí tối tân kể cả đầy đủ phương tiện cấp cứu và cũng không có một lực lượng trừ bị để tăng cường khi cần. Việc súng bất khiển dụng bất thần hoặc đạn bạn bắn trúng bạn là chuyện không sao tránh khỏi trong mọi chiến trận dù là trên đất liền, trên không trung hay trên mặt biển trong lúc chạm địch.

Ðại Tá Hà Văn Ngạc, vị hải đội trưởng trầm lặng, các Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà, Vũ Hữu San, Phạm Trọng Quỳnh, Lê Văn Thự cùng thủy thủ đoàn cũng như các người nhái và biệt hải tham dự trận Hoàng Sa xứng đáng là những anh hùng của Quân Lực Việt Nam.

Hải đội Việt Nam Cộng Hoà nổ súng chỉ là một hành động "tượng trưng nhưng cứng rắn" để chứng tỏ sự bảo vệ chủ quyền các đảo Hoàng Sa chớ không có mục tiêu hủy diệt hải đội của TC.

Tổng Thống Thiệu bị ở trong thế "chẳng đặng đừng". Không phản ứng gì hết thì lịch sử sẽ kết tội hèn nhát mà đụng độ với Hải Quân của một cường quốc như TC thời bấy giờ là một quyết định táo bạo và can trường.

Tinh thần yêu nước không cần được biểu lộ bằng những lời tuyên bố mát tai của những chính trị gia mà được biểu lộ, một cách cảm động và hùng hồn nhất, bởi những thủy thủ của toán đổ bộ của tuần dương hạm Lý Thường Kiệt vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 19/01/1974 tại Hoàng Sa trên xuồng cao su, khi 15 chiến sĩ Hải Quân can trường đồng ca bài "Việt Nam, Việt Nam" khi thấy chiến hạm TC bị trúng đạn của chiến hạm Việt Nam. Bài hát này cũng là bài hát cuối cùng của Hạ Sĩ Nguyễn Văn Duyên vì sau 10 ngày trên biển cả, ngày thì nóng cháy da, đêm thì lạnh thấu xương, hết lương thực, hết nước uống, đuối sức, anh Duyên đã trút hơi thở cuối cùng khi trôi dạt về tới Qui Nhơn.

Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại

Ghi Chú :

(1) Nguyên văn lời Tổng Thống
(2) Tôi hy vọng bản văn gởi Thủ Tướng Khiêm còn được tồn trữ một nơi nào đó
(3) Theo lời trung tá Lê Thành Uyển tuộc Bộ Chỉ Huy Hành Quân Biển có mặt tại phòng họp
(4) Việt Nam Cộng Hoà tuyên bố là 12 hải lý cách bờ biển. Quốc Tế thường công nhân 3 hải lý.
(5) Mặc dù được toàn quyền và biết rằng hải đảo Hoàng Sa thuộc trách nhiệm của Tư Lịnh Quân Khu 1 (chớ không phải của Tư Lịnh Hải Quân) nhưng trước khi ra lịnh khai hoả tác giả vẫn trình Trung Tướng Trưởng để báo cáo tình hình và gọi điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân để tìm Ðô Ðốc Chơn để báo cáo rẵng việc nổ súng không sao tránh khỏi. Bộ Tư Lịnh Hải Quân cho biết Ðô Ðốc Chơn hiện đang dự một buổi lể cùng Tổng Thống ở Ðàlạt và Bộ Tư Lịnh không biết ông sẽ về lại Sàigòn hay ra thẳng Ðànẳng. Khi đô đốc Chơn đến Căn Cứ Hải Quân Ðànẳng tôi trình Ðô Ðốc Chơn là tôi và Ðại Tá Ngạc quyết định tấn công trước để tránh thiệt hại Ðô Ðốc Chơn lặng thinh khi nghe tôi báo cáo một sự việc đã rồi và chưa bao giờ Ðô Ðốc trách cứ thẳng với tôi là chỉ thị khai hoả trước là một quyết đinh sai. Tôi chỉ xác nhận là tôi trực tiếp nói chuyện vô tuyến với Ðại Tá Ngạc đến giây phút cuối trước khi súng nổ. Cũng nên ghi rõ là khi Ðại Tá Ngạc giữ chức Hải Ðội Ðặc Nhiệm tại Hoàng Sa, ông thuộc quyền chỉ huy hành quân trực tiếp của Vị Chỉ Huy Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm 231/1 tức Tư Lịnh Hải Quân Vùng 1 Duyến Hải.

No comments: