26/10/2009 — Lê Thy
- 5 -
Bây giờ là tháng năm, con én ở vùng rừng núi nầy không thấy đưa thoi dệt mộng cho ai cả bởi vì màu trời thâm thấp chì chì như cái bát xám ngắt úp lên trên đầu chúng tôi, lúc nào cũng cho chúng tôi cái cảm giác là trời sắp tuôn xuống những trận mưa tràn trề ngập lụt.
Cơn sốt vẫn kéo dài. Lỗ chân lông của tôi hở ra hút nước vào làm cho thân thể tôi giống như một cục cơm mắc mưa vậy. Tôi cũng không còn biết so sánh thân thể tôi với cái gì cho đúng. Tôi chỉ cảm thấy nó sắp rả ra từng mảng một.
Như vậy là tôi ngã sốt vào những ngày cuối xuân 1966, một cái năm còn đầy những dư âm của các trận Bình Giả, Đồng Xoài, Pleime… , cái năm đầy sự kiện lịch sử của nước ta, vào những ngày tôi hy vọng sẽ được nhìn thấy lại quê hương và gia đình tôi trên mặt đất.
Cơn sốt đang hoành hoành tôi vô kể. Trong tôi mùa xuân đang chống lại cơn sốt, còn cơn sốt thì muốn vươn tới tràn ngập mùa xuân. Cuộc vật lộn của những "kẻ ngoại lai" đó làm cho tôi rã rời tứ chi.
Đêm qua tôi nằm giữa mưa. Các bạn ơi, ai đã đi rừng đi núi, hãy cùng tôi nhớ lại những đêm mưa rừng. Chao ơi! Mưa gì mưa thế, mưa nặng hạt, mưa mau, mưa dai dẳng, mưa mịt mùng. Giữa một cái trời mưa như vậy mà con người nằm im chịu dưới một cái tăng bốn bề gió táp. Mưa tạt hết hướng nầy đến hướng khác. Có bao giờ giọt mưa rơi thẳng góc xuống nóc tăng cho mình nhờ. Bao giờ nó cũng rơi xiên, rơi xéo lọt vào màn, vào võng mình. Cho nên tấm tăng căng trên đầu mình cũng chỉ là một mái nhà tượng trưng, một thứ vinh quang cụ thể của cấp trên ban cho mình mà dù muốn dù không mình cũng phải hưởng (!).
May sao tôi còn một người bạn, ngoài Thu. Người nầy cũng nằm một võng với tôi, không nói những lời tâm sự mà những câu lập trường, những câu hứa hẹn chiến thắng ngày mai.
Thật khó mà tưởng tượng được rằng tôi đã trải qua những cơn mưa như vậy. Mưa vây kín cả người tôi rớt vào ngực và mặt tôi những giọt băng giá và vào tâm tư tôi những đau buồn vô hạn. Cây trên rừng bắt đầu gãy đổ rắc rắc ầm ầm quanh tôi không ngớt. Tôi lại bị cái tai nạn trời giáng đó đe dọa. Tôi phải dựng cả cái thính giác tôi dậy để lắng nghe để đối phó hoặc để trốn thoát nếu tôi cảm thấy trời giáng xuống cái con người bất hạnh của tôi.
Tôi nhìn ra trời. Thấy gì đâu, một màu đen dày đặc như một bức tường sơn hắc ín dựng ngay trước mũi tôi. Suối bắt đầu tràn nước đổ ầm ầm dưới chân tôi. Tôi không trông thấy nhưng tôi biết ở trên tảng đá mà anh em thường tới đó múc nước hoặc giặt giũ, nước đang cuộn lên trắng xoá.
Tôi thấy tôi bé lại như một hạt mưa rơi xuống từ vô tận, vỡ ra và trôi theo cái dòng nước sôi ấy. Và đời tôi đâu còn biết bám tựa vào đâu nữa.
Người bạn của tôi như muốn uốn nắn lập trường tư tưởng của tôi đã không ngớt nói với tôi: "Các đồng chí là những người yêu quí của Miền Nam, đi giải phóng Miền Nam khỏi sự áp bức bốc lột của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng là chính quyền Saigon. Các đồng chí mang trên vai sứ mạng vĩ đại của dân tộc. Chiến thắng đã ló dạng kia rồi!"
Từ lâu tôi không còn thích nghe những lời na ná như vậy nữa. Tôi cũng không còn suy nghĩ theo cái Kim Chỉ Nam đó nữa. Tôi đã nghĩ theo cái sự thông minh mà cha mẹ tôi đã cho tôi, chớ không phải là kẻ nào khác, dù kẻ đó nó là ai đi nữa.
Người bạn này, tôi mang theo cũng là một sự bất đắc dĩ, bởi vì không ai muốn đeo trên lưng, vác y trên vai, hoặc đèo y bên hông mình nữa. Tất cả đều chán chê y cho nên y mới còn ở lại đây mà làm bạn với thằng bất đắc chí này.
Nói vậy nhưng cũng có nhiều lúc y cho tôi những lời an ủi, những tiếng tơ lòng khá êm dịu. Chính vì thế, chính vì có những khi y nói khác hẳn tiếng nói của Đảng mà tôi còn giữ y lại bên người tôi cho đến ngày hôm nay.
Hay tôi cứ nói quách ra rằng đó là cái ra-đi-ô "ết-tăng-đa" mà nhà trường đã phát cho chúng tôi trước khi lên đường. Một cái ra-đi-ô trăng-si-to như vậy ở Hà Nội đâu có phải dễ kiếm. Ít ra anh phải đi ngoại quốc và với mọi sự khéo léo luồn lọt thì anh mới mang nó nhập nội miền Bắc được.
Ấy vậy mà nằm trong tay tôi giờ đây, chưa chắc tôi sẽ giữ nó đến ngày mai. Cái bộ pin Văn Điển trong ruột nó hầu như đã hết điện, cũng như những con người đi tới đây thì hết sinh lực vậy.
Hai tiếng Văn Điển đến với tôi trong lúc này thật là điều không hay ho chút nào. Bởi nó gợi lên cho tôi cái tên của một bãi tha ma: nghĩa trang Văn Điển.
Cái khí lạnh của Trường Sơn cùng với cái khí âm của nghĩa trang Văn Điển đè nặng, vây riết lấy tôi.
Hiện lên trước mặt tôi hàng ngàn ngôi mộ với những tấm mộ bia cái thấp cái cao, cái mới cái cũ, cái xanh cái vàng. Đó là nơi gửi xương thịt của một số cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc.
Ngoài đó những người bệnh tật hoặc có tuổi hết mong ngày về xứ thường than thở với bạn bè :-"Chắc tao phải ở lại Văn Điển rồi!"
Tôi thì tôi không phải ở lại Văn Điển nhưng tránh khỏi cái Văn Điển của Hà Nội, tôi lại phải nhìn thấy cái Văn Điển của Trường Sơn, cái thứ Văn Điển không có mộ bia và không có khói hương trống kèn . Hay nói đúng ra Trường Sơn giờ đây đã trở thành một Văn Điển kéo lê thê hằng ngàn cây số.
Chao ôi! Trong một cơn mưa mả nảy lên trong tôi bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu dằn vặt. Bất giác tôi nghĩ đến chiếc xe tang với những nét sầu tủi của Huy Cận : "… thì ngựa ơi đi nhịp đầm chó nhảy, kẻo thân đau chưa quên nệm giường đời. Ai đi đưa xin đưa đến tận nơi…" Chập chờn trước mắt tôi một cái đám ma …
Nghĩa là người chết được nhiều người đưa đi tới phần mộ, cũng có những người đi nửa chừng rồi trở lại.
Còn tôi, nếu tôi nhắm mắt lịm luôn giữa cơn mưa này thì ai hay? Ai đưa? Ai quay lại và đưa tôi về đâu ? Cái nơi tôi muốn đến thì ngoài tôi ra không ai đưa tôi đến được, còn cái nơi tôi đến được lại là cái nơi tôi không muốn đến. Chết đi giữa lúc trong lòng còn mang nặng bao nhiêu hoài bảo về quê hương, về sự nghiệp thì xót xa quá.
– Chắc thằng này chết !
Câu đó lại văng vẳng bên tai tôi như một sự đánh giá xác thực vô cùng về bệnh trạng của tôi. Trời mưa ghê quá, đang khi tôi thèm nắng ấm, thèm nhìn thấy mấy con gà mổ lúa trên sân, những chú gà con liu chiu lít chit bên mẹ, thì tôi lại phải chịu đựng một cơn mưa dai dẳng nhất vào một đêm dài nhất của đời tôi.
Không biết tôi vặn đài hồi nào mà tiếng nói từ trong loa cứ rì rì, tiếng của người con gái cố hò hét, nhưng đã mõn hơi, giống như một tiếng nói thoát ra từ một nấm mộ hoang đâu đây. Tiếng nói là dấu hiệu của sự sống nhưng ở đây nó lại làm cho tôi nghe cái chết đến càng gần hơn.
Tôi nằm trên chiếc võng kaki dày cộp như da trâu này ngày đêm không lúc nào khô ráo vì trời cứ mưa lê thê, mưa rất to. Sốt mà nằm trên chiếc võng như vậy có lẽ không nên thuốc gì, nhưng nếu tôi không nằm ở đó thì tôi nằm ở đâu? Không thể có nơi nào khác cho tôi nằm cả. Cho nên tôi phải nằm trên cái võng ướt đó mà thôi.
Thu đã dời võng nàng lại gần tôi, hai cái võng song song nhau. Khi tôi tỉnh ra nàng kể lại rằng có lần tôi mê sảng bò xuống bờ suối mà uống nước rồi nằm gục trên bờ suối đó. Nếu nàng không trông thấy thì không hiểu tôi sẽ ra sao? Chính ra cũng không phải nàng trông thấy mà một gã nào đó trông thấy và gọi nàng ra. Không biết làm sao mà Thu dìu tôi lên được với cặp chân bất đồng của nàng? Gã nào đó trông thấy tôi nằm đó cũng không buồn ngó tới. Cuộc đời ở đây đã đi đến sự vô lý cùng tột.
Tại sao sốt mãi mà không cắt được cữ sốt ?
Tại sao phải ăn lạt hằng tháng trời, không có tí muối ? Anh phấn đấu muốn đi, anh không thể đi nổi. Đó là chưa nói tới chứng bệnh phù thũng mù loà đến với anh. Nhiều người đã trở thành quáng manh, chỉ cần có vài viên dầu cá thì mắt sáng lại, nhiều người thũng chỉ cần vài chục viên sinh tố là khỏi ngay. Thế mà không có. Không có thật tình.
Sự hy sinh là một điều cao quý. Đến một mức độ mà con người còn chấp nhận thì nó còn là một sự cao quý nhưng một khi bắt buộc người ta phải chịu đựng quá sức thì nó trở thành một sự dã man.
Nằm giữa mưa, giữa đêm dày đặc như vậy mà nghe một bài xã luận của đài Bắc Kinh như tôi vừa nói trên kia thì cả một sự đại bất hạnh cho một anh cán bộ giải phóng. Tôi đâu có muốn nghe, nhưng từng tiếng nói của cô xướng ngôn viên cứ rơi vào màng tai tôi như những hạt sỏi rơi trên mặt trống căng thẳng. Những tiếng dội của nó bốc lên tận não cân của tôi vốn đã vàng úa vì kí-nin làm cho nó phải suy nghĩ- những sự suy nghĩ bắt nguồn từ bài chửi trên đây, những sự suy nghĩ vơ vẩn lẩn quẩn, cùng quẫn, miên man không dứt mạch , không có câu giải đáp.
Mưa vẫn rơi. Những hạt mưa nặng tâm tư rơi trên nóc tăng lộp độp rào rào không át nổi tiếng nói ri rỉ từ đài phát thanh Bắc Kinh do cái ra-đi-ô này truyền lại cho tôi.
Con suối từ chân tôi cứ tràn trề. Nước đổ ầm ầm. Những thân cây từ trên nguồn cuốn phăng phăng theo nước chảy xuống tìm lối thoát va vào những gộp đá làm nên những tiếng động kinh hồn. Nước như bị chặn lại ở quảng hẹp nên nó gào lên như sôi, như giận.
Giận ai hỡi suối ngàn? Từ nguồn, mi lao xuống như một thằng điên, thằng dại. Lao đầu vào tất cả nhưng không vỡ sọ nát đầu, mi vẫn còn sống nhăn ra với những nụ cười trắng xoá, kiêu ngạo khinh đời. Mi giận nỗi gì, mi ức nỗi gì? Chẳng những người ta xua mi đi trên con đường thiên lý này mà chính mi cũng tự nguyện tự hào vì đi theo tiếng gọi thiêng liêng. Sinh lực của mi bồi đắp da thịt cho cỏ cây, cho cả người và vật, làm vinh thân phì gia hàng nghìn kẻ cao sang quyền quý.
Khi mình còn tràn trề sinh lực hữu ích cho đời thì thiên hạ đến với mi, quỳ gối bên mi mà uống lấy, mà múc lấy nguồn sống của mi ban phát cho họ với lòng quảng đại vô biên. Và chính họ cũng không cần biết ơn kẻ đã làm lợi cho họ vì họ luôn luôn nghĩ rằng Trời sinh mi ra để làm lợi cho họ mà thôi. Nhưng đến khi sức mi đã cùng, lực mi đã kiệt thì chẳng ai còn nói tới mi nữa. Họ dẫm trên người mi, không hề biết đây chính là kẻ làm giàu cho họ, vun bồi cho cái ghế của họ lên cao chót vót. Mà đúng vậy, họ đến với mi làm gì khi mà họ không còn hút của mi một chút sinh lực nào nữa? Vì vậy suối ơi! Khi mi còn thanh xuân, còn tràn trề sinh lực thì đừng phung phí nó, đừng có bốc tếu, đừng có dễ nghe lời. Người đời lợi dụng vô cùng. Maxime Gorki đã từng nói: "Vinh quang thay con người! Hai tiếng nghe vang vang kiêu hãnh…." Nhưng cũng chính ông ta đã viết rách toạc cả mặt giấy trắng: "… Chó đểu là con người!" Người ta biết tính vui bộc lộ sôi nổi của mi. Người ta chỉ dí một phát điện vào cái lòng "tự hào" của mi thì mi ào ào tuôn ra tất cả lưu lượng của mi không chừa lấy một giọt để nuôi thân. Rồi một ngày kia khi đã dốc cạn cả sức trai ra rồi thì mi chỉ còn là bộ xương rắn chết khô ngoằn ngoèo ở giữa sườn dốc chân núi trước những con mắt lạnh nhạt ngó nhìn.
Tôi nghĩ miên man vô bổ và phản động quá nữa là đằng khác nhưng tôi không thể bắt tôi dừng – nhất là trong một đêm mưa cô đơn mà hai lỗ tai phải hứng đầy những tiếng chửi. Chửi nhau, điều đó đâu có gì hấp dẫn, nhưng những lời qua tiếng lại động đến trái tim tôi, một trái tim đã tím bầm vì bị nhồi nặn, dằn vặt, ê chề chỉ còn lại một tí mảnh tươi hồng để nuôi sống cái cơ thể tàn rụi của tôi.
Nhưng giờ đây cái mảnh hồng huyết cầu ấy cũng đã bị đám siêu vi trùng nuốt phăng đi vào cái dạ dày trăm túi của chúng. Những hạt mưa to rơi lộp độp trên nóc tăng làm cho tôi có cảm giác đó là những tràng bom B52, mà tới đây may phước cho tôi chưa được nếm lần nào.
Nhưng Lạy Chúa tôi, không có tràng bom nào ác liệt hơn những lời chửi rủa hằn học của cô xướng ngôn viên đài Bắc Kinh. Cô ta đang thay mặt cho hàng chục triệu đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Hoa nói tiếng nói Mao Chủ Tịch, kết tội Chủ Tịch Lưu Thế Kỳ – một người có 50 tuổi đảng giờ đây trở thành tên phản đảng. Thật khó hiểu hơn cả những chuyện Tào Mạnh Đức thích khách Đổng Trác, chuyện Bàng Quyên chặt chân Tôn Tẩn và chuyện Ravaillac ám sát Heri IV.
Ở thế giới Tư Bản, và ở thế giới Cộng Sản cũng vậy thôi: chuyện gì mà không có thể xảy ra?
Và rồi dần dần người ta cũng hiểu. Cũng như 10 năm trước đây Mao Trạch Đông và Krouchev choảng nhau, tốn hao đến hằng tấn nước bọt, rồi tốn hằng suối lệ và máu. Chuyện đó làm kinh ngạc năm châu một thời nhưng bây giờ thì nó có còn làm ai chú ý nữa đâu. Sự đời hễ thiêng liêng hoá quá rồi ra sẽ trở thành hèn kém quá. Nên giữ con người ở vị trí của loài vật hai chân mà thôi. Thật là một điều mong muốn Voltaire nói, được đi bằng bốn chân.
(xem tiếp tại đây)
Đánh máy: Lê Thy
No comments:
Post a Comment