https://thaithuyvy.wordpress.com/2009/11/12/d%c6%b0%e1%bb%9dng-di-khong-d%e1%ba%bfn-21/
– 21-
Bộ đội ở ngoài rừng nấu nướng lửa đỏ rực khắp nơi. Anh giao liên đã trở về. Tự nãy giờ anh đi la ó vể việc tắt lửa mỗi khi có máy bay đến. Anh vừa leo lên thang vừa càu nhàu:
– Vô kỷ luật nhất là bộ đội! Ông nội ai bây giờ la hét cũng không nỗi. Máy bay tới bên đít mà thổi còi muốn lạc giọng cũng không chịu tắt lửa cho! Mặc kệ mẹ, tao không thèm la nữa, thí mạng cùi đó. Thằng nào muốn làm gì thì làm!
Ông Chín không tán thành cái thái độ của anh giao liên. Ông ta chúa sợ máy bay, làm sao ông nằm im được với cái cảnh bếp núc lửa khói loạn xạ như vậy?
Ông leo xuống thang và quờ quạng đi ra nhóm bộ đội gần nhất ở ven rừng. Giao liên không cho họ vô tới đây, nhưng họ không nghe, cứ chỗ nào thuận tiện thì họ tới. Thấy ông Chín đi dẹp cái trận "hoả công", anh giao liên phì cười:
– Ông ngoại mà bảo họ nghe, về đây con lạy ông tới sói trán ăn thua!
– Tao không cần lạy!
– Vậy con cõng ông ngoại đi suốt một trạm.
– À, nhớ đấy nghe! Nhớ nghe các đồng chí!
Rồi ông Chín xăm xăm đi thẳng tới nhóm bộ đội đang chụm lửa rần rần ngoài rừng.
Ông Chín dừng lại và ôn tồn cất giọng:
– Tôi xin có ý kiến một chút các đồng chí! Các đồng chí ơi!…tôi xin có ý kiến một chút!
Có người ngước lên nhìn. Có lẽ anh này ngạc nhiên vì ở giữa rừng Trường Sơn lại có một lão già đầu râu tóc bạc như vậy.
Ông Chín nói tiếp:
– Tôi thấy các đồng chí chụm lửa to quá, sợ máy bay nó trông thấy chăng? Yêu cầu các đồng chí chụm ít ít một chút để khi có máy bay ở xa thì tắt cho nhanh, cho kịp. Nó xài toàn phản lực, hễ mình nghe tiếng nó thì nó đã bay qua rồi.
– Không sao đâu cụ, chúng tôi có trực ban hễ có tiếng động cơ là a-lê-hấp chúng tôi ngậm nước phun cái phèo, thế là tắt rụi hết trơn.
Ông Chín vẫn ôn tồn và kiên nhẫn giải thích.
Một giọng đáp lại:
– Thôi bỏ đi bố già, để chúng con nấu ăn cho chóng rồi còn nghỉ ngơi. Mệt bỏ mẹ rồi đây, lại còn huấn từ. Cụ có rổi thì về nằm nghỉ đi.
– Ơ hay! Những người khôn ngoan là những người chịu nghe lẽ phải. Tôi nói thế các đồng chí không nghe ra thì còn chờ đợi cái gì?
Một người nói:
– Tôi đói tôi cần ăn cơm chớ không cần gì hết! Ai quấy rầy tôi, người đó không biết lẽ phải.
Một người khác lại tiếp:
– Đói thì ăn cơm chớ kỷ luật không ăn được. Cụ muốn gì thì về nói với đơn vị cụ! Chúng tôi có cấp chỉ huy của chúng tôi.
Ông Chín vẫn bình tĩnh:
– Vậy thì tôi yêu cầu gặp cấp chỉ huy của các đồng chí để tôi bảo cấp chỉ huy của các đồng chí ra lệnh cho các đồng chí dập lửa.
– Chính cấp chỉ huy của chúng tôi cho phép chúng tôi nấu ăn đấy. Cụ xem, toàn đơn vị nổi lửa mà!
Ông Chín lặng thinh, ông bực tức lắm. Ông quay về nhà, nói với anh giao liên:
– Đồng chí ra mà bảo họ chứ tôi chịu thôi. Bộ đội gì mà kỳ cục quá, tôi chưa từng thấy bộ đội vô kỷ luật như thế.
Anh giao liên bình tĩnh đáp:
– Như thế là thường đấy cụ ạ! Vô kỷ luật như thế có thấm thía gì. Họ đói là họ bất chấp cả điều lệnh kỷ luật. Khoai sắn của đồng bào họ gặp là cứ đào lấy củ ăn, có khi bị đồng bào bắn tên tẩm thuốc độc chết miệng còn ngậm củ sắn; có khi đói quá họ cướp cả kho gạo; có khi đi mệt quá họ đánh cả giao liên. Ở đâu chứ trên đường này tôi ngán bộ đội lắm. Thấy bộ đội là tôi xanh mặt rồi. Họ ăn cắp ăn trộm, họ không kém thổ phỉ chút nào, chỉ còn cái hiếp dâm nữa thôi! Kỷ luật quái gì, khi họ no nê lành lặn kia mới nói kỷ luật chớ đói meo thế kia thì còn tinh thần nào mà giữ kỷ luật hở cụ? Cháu khuyên cụ nên bỏ đi, chớ có lôi thôi, họ gây chuyện đó.
Quả thật, anh giao liên vừa nói dứt tiếng thì có tiếng chân nặng chịt dưới sân và tiếp theo là tiếng quát:
– Thằng nào ngon muốn gặp tao đâu, xuống đây!
Một giọng khác dịu dàng hơn:
– Xin lỗi các đồng chí, nghe lính tôi nói lại lúc nãy có mấy người đến tìm chúng tôi để dạy chúng tôi việc gì, vậy chúng tôi mong gặp các người ấy ngay bây giờ.
Anh giao liên lẹ chân nhảy phốc cái rột ra cửa sau và lủi vô rừng mất tăm. Chỉ còn lại ông Chín với tôi. Tôi cũng hơi ngán, nhưng ông Chín lên tiếng ngay:
– Tôi đây, dạ tôi đây, các đồng chí ạ. Tôi muốn gặp các đồng chí không phải dạy việc gì đâu mà để thảo luận với các đồng chí một việc thôi. Nếu các đồng chí vui lòng thì xin mời lên đây, ta thảo luận với nhau.
Hai người bộ đội mang súng ngắn bước lên cầu thang, đi thật mạnh trên những nấc thang gỗ làm cho cả cái nhà sàn đòng đưa như võng.
Thu kêu lên eo éo:
– Coi chừng sập nhà chết chúng tôi ở dưới này!
Một người đứng ở giữa cầu thang và cười lên hô hố nghe rất đắc chí:
– Ở đây mà cũng có "chất nhép" nữa he! – Rồi anh không không ngần ngại bấm đèn pin ngay võng của Thu.
Tôi nhỉn qua kẽ sàn nhà. Trong ánh đèn pin tôi trông thấy Thu đã mở mắt và nhanh tay kéo ống quần xuống. Có lẽ Thu đang nằm bóp cái chân đau. Chao ôi! Hai cái đùi của cô diễn viên múa ba-lê thỉnh thoảng lại phơi bày trước mắt tôi mà lần nào cũng hấp dẫn.
Có lẽ anh chàng bộ đội cũng ngây ngất vì cái màu ngà ngọc và cái hình thể khêu gợi của cặp chân ấy. Cho nên anh chàng líu lưỡi, không nói thêm được lời nào nữa.
Khi Thu đã giấu kín đôi chân thì anh chàng kia mới thong thả đi lên. Có lẽ anh ta còn tiếc rẻ cái thực tế quá hấp dẫn đã biến đi quá nhanh, nên cứ rọi đèn xuống sàn nhà.
– Hề ..hề.. chào cụ!
– Chào cụ ạ! Hồi chiều tôi gặp cụ đi ngang qua đơn vị đây mà!
Hai chàng chỉ huy đơn vị bỗng nhiên đổi giận làm vui. Thiệt là may mắn! Ban đầu nghe giọng gay gắt và mát mẻ của họ tôi tưởng nguy to rồi. Thảo nào anh giao liên chẳng khôn hồn biến mất vô rừng như một chú chuột nhắt.
Bây giờ họ vui vẻ đối xử với ông già như vậy là vì sao? Có lẽ vì lão già này có tuổi chăng?
Ông Chín nói ngay:
– Nè! Tôi nói cho các đồng chí biết, nếu địa điểm này bị lộ thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Tôi sẽ viết thơ lên báo cáo với Trung Ương Đảng chớ chẳng phải chơi đâu!
Tôi thấy thời cơ thuận lợi, nên vọt miệng nói tiếp:
– Thật đấy các đồng chí ạ. Ông Chín đây là đồng chí cũ 40 đó, từng hoạt động chung với anh Hai Hùng ở Hốc Môn Bà Điểm. Anh Hai Hùng và đồng chí Phạm Văn Đồng mời ông đến nhà ăn cơm riêng luôn đấy.
Việt ở dưới sàn nhà cũng chêm vào:
– Ông Chín về Nam là do quyết định của Trung Ương. Chính đồng chí Lê Đức Thọ thông qua danh sách đấy và ông Nguyễn Văn Vịnh trưởng ban Thống Nhất tiếp kiến ông Chín trước khi ông Chín lên đường về Nam.
Những loạt tôi và Việt vừa bắn ra là toàn những điều phịa để tôn ông Chín lên, nhưng ông Chín không nhịn được, xua tay lia lịa:
– Đừng có nói đùa, không phải chuyện như vậy đâu, tôi không đồng ý!
Ông Chín càng nghiêm nghị từ chối sự đề cao của tôi và Việt bao nhiêu thì các vị chỉ huy càng không tin lời ông ta bấy nhiêu.
– Đây kìa – tôi trỏ Việt ở dưới sàn nhà – Ông bạn của tôi đã từng tham dự trận Điện Biên Phủ. Cây súng ngắn của anh ta mang là cây súng của Cụ Hồ tặng riêng cho anh ấy, nhưng mà anh ta không có nói cho ai biết. Ở giữa rừng này ai mà biết cái giá trị của ai.
Hai vị chỉ huy nghe tôi giới thiệu mấy nét về hai nhân vật thì nhảy nhổm lên.
Một anh nói ngay xuống sàn nhà:
– Đâu, cây súng lục của Cụ Hồ tặng đâu cho xem chút coi. Ái cha chả! Của quý!
Việt nằm im. Tôi thấy có cơ hội đưa Việt lên mây xanh. Tôi gọi Việt:
– Lên đây chơi, gặp bồ lính cả mà!
– Lên đây xem có quen không?
Viên chỉ huy nói tiếp:
– Tôi cũng có dự Điện Biên đây. Lên nhìn bạn chơi!
Việt rất lẻo mép cho nên mặc dù không biết Điện Biên là cái gì, Việt cũng có hằng trăm chuyện để chứng minh răng mình là chiến sĩ Điện Biên. Việt lò dò leo lên mắt nhắm mắt mở:
– Đâu? Ai là chiến sĩ Điện Biên đâu?
– Tôi, tôi đây!
– Thế à? – Việt nhìn một trong hai người chỉ huy.
Tôi nói tiếp:
– Anh Việt đây là đại uý từ 1954 đấy!
Anh chỉ huy tự xưng là chiến sĩ Điện Biên tỏ vẻ ngạc nhiên và nói:
– Hồi năm 1954 làm gì có đại uý hở đại ca? 1958 mới phong quân hàm mà!
Việt vọt miệng đáp ngay một cách vui vẻ:
– Tiểu đoàn trưởng tạm gọi là đại úy, chớ gì mà thắc mắc các bạn!
Việt tự xưng là tiểu đoàn trưởng từ năm 1954 thì các vị chỉ huy giật mình. Họ xuống nước ngay.
Một người nói rất lễ độ, theo quân phong:
– Báo cáo thủ trưởng, đơn vị bị kẹt đường.
– Tôi biết rồi! – Việt nói một cách thản nhiên.
– Dạ, báo cáo thủ trưởng hôm qua anh em hành quân suốt ngày mệt quá cho nên đói lã, anh em nấu cơm cũng có phần bừa bải.
– Tôi biết rồi!
– Dạ sau khi ông Chín bảo anh em thì chúng tôi cho lệnh dập lửa.
Việt cười với giọng kẻ cả dễ dãi với cấp dưới:
– Được rồi, không có vấn đề gì lắm đâu!
Tôi quay mặt vào vách. Tôi chú ý thấy chỉ chập sau thì lửa tắt hết. Té ra Việt chỉ nói chơi vậy mà kết quả. Tôi sợ bỏ lỡ cơ hội nên tôi chêm thêm:
– Đồng chí ấy do Bộ Tổng biệt phái…
– Dạ!
Và hai vị chỉ huy yên chí rằng Việt là cán bộ biệt phái của Bộ Tổng trên đường dây này.
Tôi bảo tiếp hai vị chỉ huy:
– Còn cây súng lục của Cụ Hồ tặng đẹp lắm, nhưng để sáng hãy xem, bây giò tối om xem không rõ.
Anh chỉ huy vừa gật đầu, vừa dạ liền mấy tiếng.
Chập sau hai vị từ giã chúng tôi.. Hai vị lại bấm đèn và quơ xuống dưới sàn nhà một lượt. Chắc hai vị muốn tìm lại đường nét và làn da trắng của cặp đùi đã từng làm cho hai vị sửng sốt mê man lúc nãy.
Tôi nói đưa theo:
– Mai mời hai anh đến chơi, cô Thu là diễn viên ca múa Trung Ương đấy, đi diễn nước ngoài như đi chợ vậy. Mai nếu mấy anh yêu cầu cô Thu sẽ múa hát đủ các bài bản cho đơn vị nghe.
– Ồ, thế tốt quá. Mai chúng tôi sẽ đem biết các đồng chí thịt rừng.
– Thế càng tốt hơn nữa.
Tôi cười một cách đắc ý về cái trò mà tôi vừa ném ra có kết quả bất ngờ.
Hai vị vừa khuất thì cậu giao liên cũng mò vào, áo quần rách tả tơi. Anh ta thở hổn hển và nói:
– Tôi chạy tuôn cả gai góc.
– Chạy đi đâu vậy?
– Sợ các chả đập và đốt nhà.
– Làm gì?
– Tôi bị một lần rồi.. Họ hỏi không có gạo.. Tôi không phải là thủ kho mà lại bị ăn thoi… Tôi thất kinh rồi.
Tôi cười và càng thương hại anh giao liên.
Tôi nói:
– Họ chỉ là Ban Chỉ Huy đại đội thôi, trung úy là thượng số. Còn chúng tôi có ông đại úy mà đại úy hồi 54 kia đấy, sợ gì!
Anh giao liên xuýt xoa:
– Phải dè vậy em đâu có chạy làm gì! Trời đất ơi, hú hồn tôi tưởng mấy ổng phá chòi rồi chứ!
Thu nãy giờ nằm im. Khi nghe tiếng tôi từ trên gác đi xuống, Thu mới nói:
– Đạo diễn hạng nhất!
– Thôi mà!
– Anh tài thật đấy!
Tôi nói để chữa ngượng:
– Tài cái gì! Gặp biến cố thì phải bày đặt ra sáng kiến vậy thôi. hì hì…dù sao mai Thu cũng có khán giả ngưỡng mộ tới hoan hô rồi!
Tôi lên võng nằm. Bao nhiêu chuyện vừa giả vừa thật xảy ra cho một buổi chiều, rồi những chuyện ngày mai mà tôi dự định sẽ xảy tới: kẹt đường hết gạo v.v…
Thu bỗng gọi tôi:
– Anh à!
– Gì em?
– Em không đồng ý mấy anh đóng kịch như thế nữa.
– Tại sao? Cho nó vui mà, kẻo tẻ ngắt, sốt rét nó được dịp làm lung đấy!
– Em thấy thế nào ấy! Chính ông Chín cũng phản đối mà! Ai làm như thế, được cái gì?
– Được lắm chớ. Một là bộ đội tắt hết lửa, em thấy không, hai là mai có thịt rừng ăn, ba là anh giao liên không phải lủi vô rừng rách áo toạt da, bốn là… những việc lợi về sau ai biết?
Cái làn da và đường nét đôi chân của Thu lúc nãy bất thần hiện ra dưới ánh đèn pin xanh ngắt trở lại trong trí tôi như một ảo ảnh. Đôi chân đó, vẫn cứ đôi chân lúc hiện ra trước mắt tôi trên bờ suối, trong một cơn mưa hay trong giây phút bất ngờ nào đó, là một niềm an ủi, một sự khuyến khích đối với tôi. Tôi ngắm nó, tôi âm thầm khao khát nó, tôi yêu nó. Chắc Thu cũng biết như vậy nên Thu càng giữ kẽ với tôi trong từng cử chỉ, từng lời nói, như hai nhà ngoại giao đấu khẩu với nhau, không hề để sơ hở. Cho nên đến lúc này tôi vẫn chưa nói được tiếng gì.
Tôi nhớ có lần Thu ở dưới suối lên, khi đi qua một quãng ướt thì gặp tôi, Thu đưa mũi chân bước mím trên những hòn đá để tránh bị ướt, một tay cầm mớ quần áo đã giặt, một tay xăn quần lên quá gối.
Thu không trông thấy tôi cho nên cứ chậm chạp một cách quí phái tìm những hòn đá trọc để bước, vô tình Thu bị trợt chân, nước tóe lên ướt cả quần, Thu phải vén lên cả nửa đùi để vắt tạm cho ráo nước.
Khi ngẩng lên Thu bất chợt thấy tôi cách đó không xa. Tôi vẫn đứng tần ngần trước mặt Thu, Thứ như vừa đi vừa ngắm nghía vẻ đẹp của đôi chân mình mà hình như lâu nay không có dịp nào rảnh rang nhìn lại chúng.
Gặp tôi bất ngờ Thu hơi ngượng. Cố nhiên tôi cũng không giữ được sự tự nhiên. Rồi hai đứa cùng đi về. Dọc đường Thu cứ để nguyên đôi chân trần quá đầu gối và chốc chốc lại rũ nước trên quần mà kêu lên: "Tai ác cho con suối!"
Còn tôi thì sung sướng một cách âm thầm, thỉnh thoảng tôi liếc sang, nhưng liếc mãi cũng không tiện cho nên, để cho sự liếc của tôi được dễ dàng và công khai, thỉnh thoảng tôi lại kêu lên:"Coi chừng kẻo trợt chân bây giờ! Hòn đá đó trơn lắm!" Tôi chỉ hòn đá mà đôi mắt tôi thì không rời chân nàng.
Làn da trắng vừa xanh mét vừa ướt nước. Những hạt nước còn đeo dính rải rác trên chân nàng như luyến tiếc những giây phút sinh thú của chúng nên chúng cố bám vào đấy như những hạt ngọc để trang điểm cho những vật thể mà sắc đẹp vốn đã thừa. Thu ơi! Nếu tôi được là một hạt nước dính ở chân em! Cái lần đó tôi và Thu đi mãi như thế bên nhau trên quãng đường suối, lặng lẽ với những cử chỉ lập lại mãi của tôi, nhưng Thu và tôi cả hai đều không chán. Tôi thì rất bằng lòng vì cho rằng mình lừa được người con gái để thỏa mãn những thích thú của mình. Còn Thu thì hình như Thu thừa hiểu ý định của tôi nhưng Thu chẳng những không phản đối mà cứ để cho tôi ve vuốt đôi chân nàng với cặp mắt thèm thuồng của tôi.
Bất thần tôi nói:
– Thu ạ, anh yêu đôi chân em quá!
Thu dừng lại và lườm tôi. Tôi nói và cười vui vẻ:
– Uớc gì anh được làm một hạt bụi dưới chân em.
– Em sẽ nghiến nát anh ra.
– Không, anh sẽ bay tung lên và đáp lên tóc lên má em.
Thu đỏ rừ hai má. Thu biết tôi gài bẫy. Nàng mắc cở nhưng nàng rất thích.
(xem tiếp tại đây https://thaithuyvy.wordpress.com/2009/11/14/dường-di-khong-dến-22/ )
Đánh máy: Lê Thy
No comments:
Post a Comment