– 16-
Trong lúc chúng tôi đang chuẩn bị cơm nước thì có hai vị khách đến, một nam một nữ. Cả hai đều tỏ ra rất thuộc đường rừng và quen cuộc sống ở rừng cho nên họ không cần hỏi chúng tôi một điều gì.
Một người đàn ông trạc 40 tuổi, da đen sạm với chiếc nón nỉ cũ không còn ru-băng sụp đến tận mắt. Anh ta mặc bộ đồ bà ba đen, ống quần thì túm lại cho nên nó phùng ra ở phía trên như y phục của một tay kiếm hiệp. Anh chàng mắc võng xong rồi mới đến giúp cô nàng. Cô ta mắc võng vào đúng hai cái cây của anh "bệnh tư tuởng" vừa mới ra đi. Hai người nói gì với nhau, tôi không nghe rõ, nhưng có vẻ bí ẩn lắm. Gương mặt cô gái không vui không buồn. Cô ta còn trẻ quá, thừa tiêu chuẩn về tuổi tác để làm con anh kia.
Suốt từ khi họ đến, tôi không nghe họ gọi nhau bằng ngôi thứ mà chỉ nói trỏng trỏng suông suông. Có lẽ cô ta là y tá, còn anh kia là cán bộ cao nên cô ta đi theo để phục dịch thuốc men. Cán bộ cao thì phải có gạc-đờ-co chứ! Các cha lớn đi ra thì khác nào ông nghè bái tổ vinh qui. Hay cô kia là con gái ông ta, nhân trong một chuyến về thăm gia đình, anh ta xúc nó theo đi làm cách mạng cho luôn tiện rau nào sâu ấy.
Không hiểu sao từ lúc hai nhân vật nầy xuất hiện ở đây, tôi cứ nghĩ hết giả thuyết này đến giả thuyết khác, không biết vô lý hay có lý, nhưng tôi không dứt tôi ra được khỏi vấn đề.
Tôi còn để ý thấy cô bé hơi bẻn lẻn. Cô không đến trò chuyện với Thu, cũng không ra khỏi tăng. Đến chiều khi được lệnh nấu cơm, thì họ chỉ dọn cơm ra ăn thôi chứ không nấu. Hai người ngồi cả trong tăng cô gái. Anh đàn ông quay lưng hẳn lại phía tôi làm như cố ý che kín cả cô gái và che cả những ý nghĩ của y. Cái lưng to bản của y quả thật là tấm vách tường chắn ngang, thỉnh thoảng tôi mới trông thấy được bàn tay hoặc một mép tóc của cô nàng thôi.
Cái áo của anh ta có lẽ đã mấy ngày không có dịp giặt cho nên mồ hôi đóng thành muối, in hình một tấm bản đồ rất rõ nét.
Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại chú ý người ta kỹ như vậy. Chuyện của người ta mà, đâu có dính dấp tới tôi?
Cơm nước xong, trời vừa tối. Đó là thời khắc thiêng liêng của những kẻ vượt Trường Sơn, đàn ông hay đàn bà kẻ khoẻ người yếu đều yên trí rằng mình sắp được nghỉ ngơi trọn vẹn. Chỉ còn có máy bay hoặc biệt kích mới đáng sợ mà thôi.
Tôi thấy anh chàng từ dưới suối đi lên, ngang qua võng của tôi, tay cầm cái bàn chải gõ gõ vào lòng bàn tay và quay mặt sang bên kia, không nhìn tôi. Anh chàng đã thay chiếc áo bà ba "có in bản đồ" và mặc cái áo thun trắng. Y làm dáng, tôi nghĩ vậy.
Rồi y ta đi vào lều. Tôi ngoài cổ nhìn theo, nhưng cái cử chỉ không được lịch sự cho nên tôi ngồi dậy và lẵng lặng nằm quay đầu lại để được nhìn sang bên kia tự nhiên hơn.
Bỗng Thu gọi:
– Anh còn nước uống không?
– Còn! Bi-đông treo ở đầu võng đây, có uống thì sang.
Tiếng chân Thu đi lào rào trên lá khô. Thu vào lều và rỉ tai tôi:
– Anh có thấy gì không?
– Không!
– Anh thì lúc nào cũng vờ. Đóng kịch tài lắm!
– Lại kiếm chuyện! Kịch với chả kẹt!
– Anh không thấy gì hết hở?
– Không thấy gì cả, ngoài em!
– Xùy! Ghét cái mặt anh quá!
Tôi cười và bảo:
– Thôi về an dưỡng đi.
Thu biết tôi đối xử với nàng rất thân thiết nhưng cũng rất mực thước, cho nên nàng không ngần ngại đến với tôi bất cứ lúc nào. Còn tôi thì cứ ôm cây đàn lòng, lắm lúc ở giữa núi rừng này cũng muốn trổi lên cái cung "mi-nưa" lắm, nhưng lại sợ tiếng đàn ngân lên mà không có tiếng vang, cho nên cứ lên dây, rồi lại so dây, mình chỉ dạo lên cho mình nghe mà thôi.
Khi Thu bước ra khỏi lều, tôi mới thấy rằng nàng đã mang theo với nàng sinh khí trong lều. Tôi thấy tôi chơi vơi, chới với. Tôi gọi nàng như hốt hoảng:
– Thu! Thu lại đây!
– Thôi, em về thôi.
– Bảo lại đây anh nói cái này..
– Mai đã!
– Rồi tối nay có chuyện gì gọi anh không sang lại đâu đấy nhé!
– Anh trả thù em hở? – Nói vậy nhưng Thu đã trở lại đứng ở mép lều của tôi rồi.
Tôi lại kỳ kèo:
– Vào đây! Chuyện bí mật quân sự mà!
– Anh chỉ tài bịa – Thu cũng chìu ý tôi, bước vào đứng ở chân võng.
Tôi có chuyện gì đâu mà nói. Thu đứng im. Có lẽ Thu cũng biết tôi gọi Thu lại để có Thu trong chốc lát. Và Thu trở lại vì nàng cũng thấy cần đến với tôi. Cả hai không nói lời nào, mà trong sự im lặng kia, có hàng ngàn tiếng nói, tiếng nhạc vang lên, tiếng to tiếng nhỏ., tiếng tơ tiếng đồng va chạm, hoà hợp nhau, đuổi bắt nhau, lẫn tránh nhau. Cả một vùng đầy âm thanh đó vây riết lấy hai đứa trong sự xao xuyến, náo nức, chờ mong, đau khổ và hy vọng. Nó như cái túi đã căng đến mức độ chỉ cần một mũi kim chích vào là vỡ toang ra ngập lụt.
Tôi nói:
– Này Thu ạ.
Nhưng khi tiếng nói sắp nẩy lên trên môi tôi, thì tôi lại mím lại và nén nó vào trong. Tôi lại nói sang chuyện khác ngay.
– Ở đây, em ngủ phải coi chừng nhé!
– Coi chừng gì anh?
– Coi chừng người ta ăn cắp bi-đông và dép – tôi tiếp – Bi-đông thì phải treo ở đầu võng, buộc thật chặt, còn dép thì phải giấu ở giữa nóc tăng.
Thu nói:
– Có thể mà cũng gọi. Anh thiệt!
– Còn nữa chứ!
– Em bao giờ cũng bị anh gạt.
– Không, anh bao giờ cũng bị em gạt.
– Lừa gạt hay gạt qua một bên? – Thu hỏi gặn.
– Cả hai!
– Bây giờ anh nói đi, em không gạt, cũng không gạt!
– Thôi, để mai hãy nói.
– Đấy, anh gạt em đấy!
– Không, tại lúc nãy em bảo để mai.
– Em không có sang đây nữa đâu! – Nói vậy nhưng Thu vẫn tần ngần đứng đấy.
Rồi thì đêm. Cái đêm muôn thuở của loài người, cái đêm mang đến cho chúng tôi cùng một lúc sự hãi hùng và sự yên tĩnh.
Đến nửa đêm thì tôi nghe tiếng rên rỉ. Theo thói quen của những người đi trên đường này, nghe chuyện gì thì chuyện, cứ phớt tỉnh Ăng-Lê.
Chuyện gì cũng không ăn thua, miễn nó đừng xảy ra cho mình thời thôi. Nghe tiếng rên tôi tưởng Thu sốt, nhưng lắng nghe kỹ lại thì không phải, vì Thu nằm ở hướng khác. Tiếng rên kia là của một người con gái. À, tôi sực nhớ ra người con gái bẻn lẻn lúc ban chiều. Nét mặt và tất cả những việc làm của cô, tôi chú ý từ chiều, bây giờ sống dậy. Sự nghi ngờ của tôi rất có lý.
Tôi nghĩ: cô sốt sao cái anh chàng chết tiệt kia nằm gần đó mà không lên tiếng?
Tôi bèn bạo dạn kêu lên:
– Ai sốt ai la đó hả?
Hồi lâu tôi không thấy trả lời. Tôi kêu hai ba lần và cùng tôi gọi thẳng người đàn ông mặc áo thun trắng.
– Đồng chí gì ơi !… Cô bạn của đồng chí sốt kia kìa.
Nhưng tôi không thấy ai trả lời trả vốn chi hết. Tiếng kêu của nạn nhân to hơn và rõ hơn:
– Ai cứu tôi với…Ai … ai … cứu tôi!
Tôi ngồi bật dậy và ném sang gã đàn ông:
– Đồng chí ơi! .. dậy mau… ngủ gì như chết vậy?
Người kia vẫn không đáp lại.
Tôi nghe tiếng rên rỉ bi thương quá nên buộc lòng tôi bấm đèn pin lên, rọi kỹ dưới đất, xong tôi mới rút dép trên nóc tăng xuống xỏ chân vào cẩn thận rồi mới từ từ đi sang tăng cô gái. Trời đất ơi! Bây giờ tôi mới bạt vía kinh hồn. Một cảnh tượng bày ra trước mắt tôi mà tôi không hiểu gì cả.
Cái võng bằng ni-lông xanh đứt làm đôi, còn cô gái nằm quằn quại duới đất. Mặt cô gái xanh nhạt ra và đôi mắt trợn ngược lên toàn tròng trắng.
Tôi đứng tần ngần giây lâu. Cô ta gắng gượng nói:
– Ông ta….!
À ra thế. Nhưng nếu thế thôi thì đâu có chuyện gì. Tôi bàng hoàng không biết làm gì nữa. Bất gíác tôi rọi sang lều của người đàn ông kia. Ở chỗ đó không còn tăng mà cũng không còn võng. Vậy ra ông ta đã biến đi rồi, với tất cả đồ lề của ông ta.
Bất thần tôi hỏi:
– Sao võng cô đứt mà cô không ngồi đậy? Ngồi dậy đi!
Người con gái khẽ lắc đầu. Tôi mới để ý thấy rằng quần áo của cô không giữ đúng vai trò của chúng. Thế mà cô ta vẫn không biết điều đó, cho nên cô không sửa sang lại.
Hồi lâu sau, cô mới nói, giọng run run, gắng gượng:
– Ông ta… y..êu…tôi!
Tôi đã hiểu ra rồi. Vì thế nên chiếc võng nó mới đứt làm đôi ra. Dưới sức nặng của hai cây thịt nhún nhảy linh tinh… Tôi phát mọc ốc lên đầy mình. Trước đây, lúc tôi hãy còn đi chung với Phương, nhiều đêm tôi và Phương đã từng dùng chiếc võng làm tổ uyên ương nhưng cũng may là võng của chúng tôi còn mới nên không xảy ra chuyện gì.
Nhờ kinh nghiệm bản thân cho nên nghe cô gái nói thì tôi hiểu vấn đề ngay. Mãi đến lúc sau tôi mới phát giác ra rằng cô gái không ngồi dậy được và hai tay cô cũng không còn cử động bình thường. Thì ra, dưới sức nặng của hai người mà hai người đang ngọ ngoạy thì cái trọng tâm hoạt động dồn xuống theo sức hút của trái đất, cho nên khi cái võng đứt làm đôi thì cái lưng cô gái bị nện xuống đất với một lực to gấp nhiều lần so với sức nặng của chính cô. Và nguy hại nhất là dưới lưng của cô gái có những hòn đá nhọn chĩa lên. Cho nên một trong những mắc xương sống bị dập đi.
Tôi cũng không biết làm gì hơn là bế xốc cô gái lên rồi nhìn quanh quất, không thấy nơi nào có thể đặt cô gái xuống được. Tôi bế cô về lều đặt trên võng của tôi rồi hoả tốc gọi Việt và Thu sang.
Sau khi Thu hiểu ra câu chuyện, Thu cũng đứng chết như trời trồng, không biết làm gì hơn tôi.
– Em chóng mặt quá…! – Thu kêu lên rồi quay trở về.
Tôi biết làm gì với một vết thưong như vậy? Thật oái oăm!
Tôi cũng không còn đủ bình tĩnh để mà chửi rủa tên đàn ông kia.
Tôi nói với Việt:
– Tôi đã đoán ngay từ chiều mà!
– Ghê thật! Võng rơi xuống hòn đá nhọn thì còn gì!
– Ai có ngờ!
– Ông kia lại bỏ đi đâu?
– Trốn chứ còn đi đâu!
Tôi ngồi dựa góc lều cho tới sáng. Việt vào gọi anh trạm trưởng ra. Tôi thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Anh trạm trưởng chửi ỏm tỏi. Anh ta nói oang oang không kiêng nể ai hết:
– Thằng cha này là huyện ủy huyện ẻo gì đó. Nó dắt con nhỏ này đi nhong nhong hết trạm này đến trạm khác, đồ dã man. Chơi cho sướng rồi bỏ con người ta vậy đó. Huyện ủy cái con c….! Dắt qua đây mấy lần rồi, nhưng tôi không biết. Nếu tôi gặp là tôi đuổi đi liền tay.
Anh ta nói luôn một thôi dài:
– Còn cái con nhỏ này nữa. Đồ con gái nhí nhảnh, không biết thân cứ đeo theo cái thằng cha già ngắt như vậy kiếm cái gì? Đồ ngu! Rốt cuộc lại cũng tụi tôi chịu. Hừ!… Đây nè, bậy giờ tụi tôi vác, tụi tôi khiêng đây nè, chứ ai vô đây mà chia với tụi tôi?
Tôi thấy khổ tâm quá, vừa xấu hổ, vừa xót xa. Càng đi càng thấy những chuyện kỳ cục càng nhiều ra. Thật là một tai nạn không ở đâu có.
Anh trạm trưởng sang chỗ cô con gái bị đứt võng rồi trở lại ngay. Anh lắc đầu:
– Đá nhọn như chông mà. Cả trăm kí lô giằn lên, rơi xuống. Đá nhọn mà không gãy xương sống sao được? Gãy xương, tủy chảy ra dính đầy trên đá kia kìa. Ai nấy sang coi dùm một chút! Cái chỗ đó có cô hồn mà không biết, cứ lủi vào!
Cô gái cứ sống trong tình trạng hấp hối như vậy ba ngày không có thuốc men. Đến ngày thứ tư thì tắt thở. Lại cũng anh trạm trưởng và cậu Chân chôn.
No comments:
Post a Comment