– 13-
Chúng tôi về đến trạm được một lúc thì anh trạm trưởng và cậu Chân ra chơi. Hai người tỏ vẻ vui mừng khi trông thấy mớ thực phẩm sống của chúng tôi rất phong phú.
Tôi hỏi một cách rất ngây ngô:
– Ở đây sao các anh không đi đổi về dùng?
– Chúng tôi biết chớ, nhưng thú thật với các anh, chúng tôi đâu có cái gì để đổi chác?
Anh trạm trưởng tiếp:
– Các đồng chí thấy đó, ở trong vùng rừng núi này sắt đá gỗ lim còn mục nữa là quần áo. Quần áo của chúng tôi không đủ mặc, lấy gì mà đổi? Tôi làm trạm trưởng gần hai năm chỉ lãnh được một bộ đồ.
Công tác giao liên, các đồng chí coi đó, dầm nước mưa, nước suối suốt ngày, đâu có mấy tháng thì rã hết. Trước kia chúng tôi còn có một bộ nghiêm một bộ nghỉ. Đi về thì thay bộ đồ tác chiến ra treo trên nhánh cây đó, mặc bộ đồ khô vào, sáng hôm sau, bộ kia có khô hay chưa khô cũng cứ tra vào.. Cả năm này tháng nọ như thế. Nhưng bây giờ tụi tôi mỗi đứa chỉ còn một bộ, hễ ướt cởi ra phơi thì phải mặc "bộ đồ da". Anh biết "đồ da" chưa? …
Chúng tôi mừng chưa dứt, Thu chưa hết ngạc nhiên thì lại có chuyện.
Có một cái võng đưa bệnh nhân vào trạm. Hai người khiêng và một người quảy ba-lô cho bệnh nhân.
Anh chiến sĩ quảy ba-lô mặt hầm hầm hỏi chúng tôi:
– Anh biết trạm ở đâu không?
Tôi thấy anh ta không có lễ độ nhưng ở cái xứ này mấy ai có lễ độ với ai, bởi vì ở đây toàn là những người đang bực dọc, thối chí, bất mãn hằn học. Nhưng tôi tiếc gì mà không ném cho hắn một câu trả lời tương xứng với sự quạu quọ của hắn.
– Không!
Anh ta hất hàm bảo hai người khiêng:
– Để xuống nghỉ đi!
Hai người khiêng đã chuẩn bị sẵn cho nên đặt võng xuống giá một cách mau lẹ. Người bệnh vẫn nằm võng lưng không đụng đất.
Anh chàng mang ba-lô cũng trút chiếc ba-lô ra khỏi lưng ném xuống đất và bắt đầu phun ra những câu bực bội.
– Đ.m. mấy thằng giao liên rút vào cái lỗ đếch nào mà tìm mãi không ra thế này? Bình thường thì bảo "nhất trạm nhì trời" mà! Sao hôm nay không ló ra cho gặp mặt, hừ! Nó dẫn mình đi thì nó nói nhẹ nói nặng, nó xem mình không bằng con chó. Bây giờ mình cần nó thì nó chui đi đâu mất hết. Tôi mà còn gặp phen này ít ra là một thoi ba đá.
Anh ta cứ cằn nhằn mãi. Chúng tôi không đáp lại, còn anh trạm trưởng và Chân cũng im thin thít.
Anh kia càng đi đi lại lại tay chống nạnh, miệng la bài hãi:
– Chiến đấu cái đếch gì thế này mà chiến đấu được kia chứ ? Một đại đội hết phân nửa sốt rét. Ngày nào cũng khiêng vài đứa. Còn lính đâu mà chiến đấu? Thuốc men không có, sốt đứa nào nằm lại đứa ấy! Chậc! Trốn mất thôi.
Rồi anh ta bảo hai người kia:
– Trông chừng coi nó thế nào?
Hai người kia giở chăn nghiêng đầu xem người nằm trên võng rồi nói:
– Cũng thế thôi!
– Sốt cái gì sốt ác thế, sốt một người mất bốn người khiêng vậy thì làm sao? Trời!
Chúng tôi vẫn lặng lẽ tính toán công việc của chúng tôi, tức là mần gà mần chó.
Bất thình lình…đoành …đoành…đoành…đoành..!
Anh chàng quân nhân giơ súng lên làm một loạt ngắn, lá lả tả bay xuống quanh chúng tôi.
– Tao bắn gọi giao liên đấy. Không ra thì tao bắn miết, bể ổ nó hết cho coi. Cho mầy giỏi mầy trốn.
Đoành … đoành….đoành!
Anh trạm trưởng vùng đứng đậy với cây súng cạc-bin đã lên đạn lăm lăm trong tay, anh quát:
– Vô kỷ luật! Quân ở đâu vậy hả?
– Ở đâu tao ở. Hỏi làm gì?
– Hỏi đặng trói đầu bây lại.
– Trói cái này này! – Anh chàng quân nhân vừa nói vừa nẩy ngược ra và cười thách thức.
Tôi thấy câu chuyện gay gắt sẽ đưa tới hậu quả rất tai hại. Tôi bèn chạy tới nói với anh trạm trưởng để điều đình, nhưng anh trạm trưởng gạt ngang. Tôi bèn chạy đến anh quân nhân, anh này lại càng làm già. Bên nào cũng có mòng có mỏ cả. Hễ họ gõ với nhau thì mình mệt. Nếu không liên quan đến chúng tôi thì chúng tôi đứng ngoài nhìn, như xem gà đá nhau chơi.
Tôi nói với anh quân nhân:
– Anh đó là anh trạm trưởng đó.
– Vậy hả? – Anh bạn quân nhân cười khoái chí – Vậy ra mấy loạt súng của tôi gởi về làng đâu phải là vô ích.
Rồi anh xếp súng lại đi tới bên anh trạm trưởng giọng hết sức khiêm tốn:
– Chúng tôi biết rằng chúng tôi vô kỷ luật, nhưng không còn cách nào để tìm các đồng chí cho nên chúng tôi đành phải làm như vậy, đồng chí thông cảm cho tôi. Tôi là quân nhân không phải không biết kỷ luật là gì, kỷ luật đường dây càng nghiêm hơn…
Bây giờ tới anh trạm trưởng phùng sè:
– Các anh ẩu quá mà. Tự động vô trạm chúng tôi, đó là một sự trái với nguyên tắc bí mật. Chúng tôi bắt trói ngay các đồng chí bây giờ và đưa vào Bộ Tư Lệnh Quân Khu.
– Dạ, bắt trói cũng được.
– Ít ra các đồng chí phải biết điều chứ. Địa điểm đóng quân của các đồng chí, ai đến nổ súng được không?
– Chúng tôi có việc cần quá đồng chí ạ!
– Cần thì cần chứ!
– Chúng tôi có một bệnh nhân cấp cứu mà không có tí thuốc trong tay.
– Đã đành bệnh! Nhưng chúng tôi đâu phải là hậu cần của các đồng chí? Trạm của chúng tôi đâu phải là bệnh viện của các đồng chí? Hừ! Các đồng chí còn chửi tụi tôi như một lũ hèn nhát – Anh trạm trưởng sôi máu lên – Các anh thử đi đưa khách như chúng tôi xem? Đây chức trạm trưởng đấy, 21 lon gạo mỗi tháng đấy, thằng nào cứ nói miệng tài thì cứ nhảy vào làm chơi. Chiến đấu võ trang của các anh không khó đâu, thằng này đã 8 năm cầm súng chống Pháp. Đừng ỷ có súng trong tay…
Tôi xen vào ngay:
– Thôi hai bên cũng là đồng chí cả vì chưa biết nhau. Vả lại cũng có chuyện gấp!
– Gấp thì gấp, tôi không biết. Đó không phải là việc của tôi, tôi đéo giải quyết. Thằng nào làm gì thì làm!
Thì đúng rồi. Nhứt trạm nhì trời là thế đấy. Ai mà đụng vào đó thì chết, chết ngay.
Bây giờ thì đến anh bạn quân nhân phải xếp giáp qui hàng, không sợ xấu hổ.
Anh ta nói giọng nhũn như bún:
– Đồng chí ạ! Không phải tôi muốn phá nội qui của đường dây đâu mà đang cơn bối rối tôi không tìm được trạm nên tôi phải bắn bừa…
– Anh bắn bừa như vậy, cho rằng anh tìm được trạm đi, rồi còn hậu quả về sau thì sao?
Anh trạm trưởng không gọi đối tượng bằng đồng chí nữa, mà gọi bằng anh. Anh trạm trưởng tiếp:
– Tôi đi làm giao liên dắt đường như làm dâu thiên hạ, cực hơn con chó mà! Đường đi trót lọt thì thôi, lỡ có việc gì thì thiên hạ hăm bắn, hăm đánh đủ thứ trò. Tôi đi làm việc cách mạng tôi chẳng phục vụ riêng cho thằng đéo nào. Phải thì tôi làm, không thì tôi nghỉ. Nếu không thì tôi về nhà vợ tôi nuôi tôi cơm tẻ ngày hai bữa cũng sống vậy!
– Thôi mà đồng chí! – Anh quân nhân càng mềm mỏng – tôi bắn súng với mục đích tìm trạm chứ đâu phải phá các đồng chí.
– Tôi chấp các anh phá tôi. Tôi dời trạm đi cho các anh đui con mắt. Phá đi! Phá đi xem nào!
– Thôi mà, tôi đã nói rồi mà đồng chí cứ chấp nhất mãi.
Đợi anh trạm trưởng hơi dịu dịu, anh quân nhân mới nói đến cái chỗ quan trọng nhất của mình:
– Tôi có một anh chiến sĩ ốm nặng không đi được, tôi nhờ các đồng chí…
Anh quân nhân vừa nói đến đó, anh trạm trưởng gạt ngang:
– Thôi thôi… tôi không có làm mẹ gì hết. Đó không phải là việc của tôi.
– Tôi không dám nhờ các đồng chí trông nom đâu! Chúng tôi xin các đồng chí cho chúng tôi buộc võng gần trạm, còn phần săn sóc thì có hai người kia luôn luôn ở bên cạnh bệnh nhân.
– Rừng thì chỗ nào chẳng buộc võng được, sao các đồng chí không buộc ở ngoài kia?
– Dạ..- Anh quân nhân có lẽ rành tâm lý hay vì công việc cần kíp bắt buộc anh ta phải giả dại qua ải, nên anh nhỏ nhẹ – Tôi xin thú thực với đồng chí rằng, không phải chúng tôi lánh nặng tìm nhẹ đâu, không phải đồng chí mình bệnh rồi bỏ rơi nhưng đơn vị có công tác khẩn cấp không mang bệnh theo được.
– Khẩn cấp à? – Anh trạm trưởng quát.
– Dạ!
– Khẩn cấp mặc kệ anh, tôi không biết. Anh đừng có đem ách giữa đàng mang vào cổ tôi. Tôi không phải trâu của anh nuôi cỏ.
– Dạ tôi đâu dám nghĩ như vậy nhưng kỳ thực là công việc khẩn cấp quá!
– Các anh chỉ giỏi bày đặt!
– Dạ thật mà!
Anh trạm trưởng cười phì:
– Khẩn cấp cái con khỉ!
Anh quân nhân trắng mắt ra nhìn nhưng anh trạm trưởng cứ thản nhiên:
– Các anh treo thì cứ treo. Chỉ có điều là tôi không chịu trách nhiệm, thuốc men tôi không có, người ngợm tôi cũng không .
– Được rồi – Anh quân nhân nói quả quyết – đây là một đồng đội của chúng tôi, chúng tôi không thể bỏ được .
– Cái đó thì tùy lương tâm của các anh, tôi không rõ. Bỏ hay không điều đó không có hại gì cho tôi hết thẩy!
Hai người lính kia coi mòi câu chuyện xuôi xuôi nên đem võng bệnh nhân treo trên hai cái cây cọc ai đã bỏ, rồi căn tăng lên chu đáo.
Anh quân nhân cám ơn trạm rối rít rồi từ giã. Nhưng bỗng một con gà kêu lên quang quác làm cho anh ta quay nhìn lại.
Anh ta đứng lại rồi trở lại.
Mặt trời đã lặn từ lâu. Chúng tôi đang bận rộn với lũ gà chó như bận họp tham mưu tiền phương. Anh quân nhân đến và nói với chúng tôi không chút ngần ngại:
– Tôi xin thú thực với đồng chí là tôi thèm thịt quá. Đồng chí có thể nào chia lại cho chúng tôi một con hay không đồng chí?
Thiệt là khổ tâm, không có gì làm chúng tôi khổ tâm bằng.
– Đồng chí tìm ở đâu mà hay vậy? – Anh ta hỏi.
– Ở trong bản. – Tôi đáp cụt ngủn.
– Cũng gần đây thôi.- Việt tiếp một cách lơ là, không ngó lên và chăm chú nhìn bếp lửa.
Còn tôi thì thấy bối rối quá, không biết làm sao lánh mặt. Tôi biết Thu lẫn Việt không muốn ai nói đến số chiến lợi phẩm của mình.
Tự nãy giờ tôi nghe anh quân nhân và anh trạm trưởng xưng hô với nhau, nhất là tiếng "đồng chí" của anh quân nhân dùng để gọi anh trạm trưởng thật là nhạt nhẽo.
Tôi thừa biết rằng sở dĩ anh gọi anh trạm trưởng là đồng chí là để đạt được mục đích gởi anh bệnh binh chứ chẳng thân thiết gì. Rồi bây giờ anh ta lại dùng cái tiếng ấy đối với tôi nữa, cũng với một mục đích cụ thể khác.
Tôi chưa bao giờ nghe hai tiếng "đồng chí" nó nhạt nhẽo và khó chịu như lúc nầy.
Có lẽ anh ta là một anh cán bộ chính trị cho nên anh ta biết dùng cái tiếng ấy vào những lúc cần thiết.
Tôi còn loay hoay chưa biết trả lời thế nào cho có vẻ chính trị vì tôi là người ít nói láo được trong lúc cần sự nói láo thì Việt đã đóng vai trờ chính trị thật khá. Việt nói:
– Tôi nói thật với đồng chí nhé! – Việt cười hề hề và Việt nói ngọt xớt những lời lẽ có vẻ cảm động- Tôi hiểu ngay là đồng chí cần một con gà để nấu cho bệnh nhân và các đồng chí ăn, tôi có thể chia ngay cho các đồng chí, biếu các đồng chí cũng được đâu có đáng bao nhiêu.
– Vâng, chúng tôi chỉ cần một con thôi – Anh quân nhân vui vẻ trông thấy – Thú thật với đồng chí chúng tôi đi bộ từ Bắc Kạn kia đấy, ba tháng mới tới đây, thấy thịt thèm đi không muốn nỗi.
– Tôi cũng đi bộ từ Hà Nội! (Việt nói dóc)
Việt tiếp:
– Các đồng chí người Bắc mà đi vào Nam giải phóng cho quê hương tôi, tôi cám ơn các đồng chí lắm nhưng ….
Việt nói vòng vo tam quốc để cuối cùng đi đến kết luận là không thể chia thịt được.
Anh quân nhân vừa ngượng vừa thối chí bèn đứng dậy gọi sang mấy người kia cho đỡ khổ.
– Thôi ở đó nghe, tớ về đây! – Rồi anh đứng dậy ra về, không chào hỏi ai hết.
Anh quân nhân vừa đi thì anh trạm trưởng vừa tới. Anh nói:
– Cái tốp này nói gạt tôi, tôi biết mà. Nhưng mặc kệ, không ăn thua gì đến tôi!
Tôi hỏi:
– Nó gạt làm sao?
– Chịp! Cái trò này tôi gặp hoài hoài. Tôi ở đường dây hai năm nay, những trò đó đâu qua mắt tôi được. Họ đem họ bỏ đó rồi đi luôn, coi như trút của nợ cho trạm.
– Nhưng nếu họ muốn bỏ luôn như vậy thì tốt hơn là họ cứ treo võng bất cứ chỗ nào cần gì phải đem vô trạm cho mất công?
Anh trạm trưởng cười, cái cười vừa mỉa mai vừa khinh bỉ:
– Như thế thì dễ quá! Nhưng ở đây nó muốn tìm một đỉểm tựa cho lương tâm, tức là nó đem thằng bệnh vô đây, nếu có người nào trách móc, nó sẽ nói rằng nó đã gửi cho trạm, hai là nó tự lừa nó rằng nó cũng không đến đổi tàn nhẫn với bạn bè đồng chí.
– Thế à?
Vừa dứt câu chuyện thì hai anh khiêng bệnh lại lúc nãy vừa tới. Một anh nói với trạm trưởng:
– Xin phép trạm trưởng cho hai đứa tôi ra ngả ba lấy ba-lô.
– Ba-lô gì mà lấy?
– Ba-lô của hai đứa tôi. Hồi nãy khiêng nặng quá nên chúng tôi giấu tạm ngoài rừng, bây giờ trở lại lấy.
Anh trạm trưởng cười:
– Nhưng tôi đâu có nghĩa gì với anh mà anh xin phép?
– Dạ..anh là trạm trưởng mà.
– Trạm trưởng các anh coi còn thua con c…của các anh, nhằm nhè gì mà xin phép.
Rồi hai người ra đi khuất sau những hàng cây cũng đã bắt đầu mờ trong bóng chiều.
Anh trạm trưởng nói với tôi:
– Để rồi anh xem có y như lời tôi nói hay không? Họ đánh bài chuồn đấy. Họ không trở lại đâu và cuối cùng là chúng tôi phải chôn cái xác nầy, thế thôi!
Anh trạm trưởng nói với một sự lạnh lùng quá sức tưởng tượng:
– Trước đây cũng có mấy người đem tới giao cho tôi một bệnh binh ốm liệt. Họ nói sẽ trở lại chăm sóc . Mình cũng thương tình, thấy ở giữa rừng sâu, lửa ấm nhưng tình người ấm hơn cho nên tôi mới nhận bệnh nhân, chẳng dè họ đi luôn, xem như đã gửi một món đồ thừa không cần lấy lại. Tôi phải nấu cháo cho anh ta ăn suốt tháng trời. Tôi phải nhịn khẩu phần của tôi. Nếu tôi bỏ, tôi không chăm sóc thì đứng về nguyên tắc không ai trách móc gì được tôi hết. Chúng tôi bịnh còn không có thuốc nữa là. Nhưng nếu tôi bỏ thì lương tâm của tôi không yên ổn được. Cuối cùng anh đó cứ nằm mãi, khi ăn được, khi ăn không được rồi chết, không thấy đồng đội trở lại nữa. Chúng tôi chôn anh ta ngay chỗ anh ta nằm. Ít lâu sau chúng tôi dời trạm, bây giờ thì không sao nhớ nỗi nấm mộ kia. Tôi còn giữ tấm chứng minh thư đi Ông Cụ của anh ta.
Anh trạm trưởng tiếp:
– Bây giờ tới anh này. Chắc chắn cũng như trước kia thôi.
Anh trạm trưởng nồi trầm ngâm chốc chốc lại lấy que cời than với một cử chỉ lơ đãng.
No comments:
Post a Comment