https://thaithuyvy.wordpress.com/2009/11/11/d%C6%B0%E1%BB%9Dng-di-khong-d%E1%BA%BFn-20/
– 20-
Hôm sau thì tôi lên đường với Việt và Thu. Thật ba người là ba người riêng rẽ không thể nào kết thành một khối được. Tôi thì không thích Việt, Việt thì đi chung với Thu mà có tôi bên cạnh thì chẳng khác nào gặp một con kỳ đà to tướng. Thu thì thích tôi nhưng lại cảnh giác với tôi, còn tôi thì thích Thu nhưng lại lúc nào cũng sợ Thu phản đối cho nên cái hình tam giác mà ba chúng tôi mỗi đứa là một đỉnh, thật không ai tìm ra nổi cái diện tích và giá trị của mỗi góc độ. Một cuộc hành quân như vậy nếu có gặp địch thì chiến đấu làm sao?
Chúng tôi đổ ra đường cái thì gặp một cụ già. Cụ ấy là cụ Chín Sử. Không rõ làm nghề gì trong ngành giáo dục nhưng cụ nung nấu ý chí về Nam ngay khi ra Bắc. Cụ nói có chết sẽ về Nam mà chết. Vì thế cụ quyết xin về. Những người lãnh đạo xét tới xét lui và sau cùng đã quyết định cho ông già 54 tuổi vượt Trường Sơn bằng cặp chân mỏi gối đùn.
Tôi gặp cụ già ở trạm ba. Lúc đó tôi còn khoẻ lắm, tôi khinh thường núi non đèo dốc, khinh cả túi thuốc trong ba-lô. Ông Chín đã "ăn pan" dọc đường . Mới đi có vài trạm mà cụ đã sưng đầu gối. Hai cái bánh chè của cụ khô hết nước nhờn nên cái khớp xương đầu gối không co giãn như thường lệ được.
Cụ nai nịt theo kiểu cầu thủ đá bóng. Khi đi đường cụ mặc quần đùi, đeo "băng đầu gối" và "băng mắt cá" chỉ thiếu đôi giày đinh nữa là thành cầu thủ. Cụ giắt lá cây từ mắt cá lên tới đầu, chung quanh nón, không để một chỗ nào hở hang mà phi công Mỹ có thể nhìn thấy và nhận định được rằng đó là một con người đang di động.
Trong ba-lô của cụ có không biết bao nhiêu sâm Triều Tiên. Mỗi khi nghỉ thì cụ lấy nguyên củ ra gặm như người ta buồn miệng gặm chơi một củ cải đường nho nhỏ.
Tôi đi vượt ông già không biết bao nhiêu trạm bây giờ mới gặp lại đây.
Tôi nói ngay:
– Chốc nữa cháu sẽ biếu cụ một món ăn đặc biệt.
Lão già nghe nói thức ăn bèn tố khổ ngay:
– Mấy đứa quen mang dùm thức ăn cho tôi rồi đi thẳng luôn phía trước, tụi nó thấy tôi đau mà không gởi trả lại tôi. Thế mới buồn!
Tôi hơi bực:
– Sao cụ lại gởi thức ăn cho người ta mang như vậy?
Cụ già thở dài tỏ ý hối hận:
– Thì nào ai đã đi hai lần trên đường này mà có kinh nghiệm? – Cụ tiếp – Tôi cũng tưởng rằng đường đi dễ dàng, người đi trên đường có thể dừng lại đợi nhau bất cứ lúc nào chớ đâu có ngờ mà nó ác nghiệt như thế này!
Ông già lại thở dài:
– Đường sá gì kỳ cục quá!
Cụ già hôm nay trông thật bết bát. Đôi mắt cụ khép nhỏ lại, ti hí vừa đủ nhìn. Khuôn mặt cụ tóp lại như một miếng cau khô. Những nếp nhăn chứa đầy mồ hôi như một trái khóm chín rục ứ đầy mật sắp tràn ra.
Cây lá giắt đầy mình cụ làm cho cụ trở thành một bụi cây di động trên đường. Mỗi bước đi làm cây lá rung lên xào xạc.
Tôi lại hỏi:
– Như vậy cụ không còn thức ăn nào trong ba-lô hết sao?
– Còn chứ, còn một ít ruốc chà bông, vì nó nhẹ nên tôi để mang lấy. Cha chả! chơi cái mửng này thì hết chỗ chê rồi, nào thịt kho mặn, nào muối trắng, nào muối sả, muối tiêu của bà con làm riêng cho tôi, nào trà Chính Xuân hoa nhài tôi cũng giao hết cho tụi nó mang luôn. Bây giờ tôi thèm một chung trà hết sức, ước gì uống được vài ngụm, tôi có thể lội hằng chục cây số liền như chơi.
Thấy ông già đau khổ, tôi không muốn khơi thêm nữa. Tôi lặng lẽ đi lùi lại phía sau lưng lão. Trên đường này những chuyện bình thường thì ít còn những chuyện kỳ cục thì không sao kể cho hết được. Ngay mỗi một người đi trên đường này cũng đã là một sự kỳ cục quá ư to lớn rồi.
Bỗng nghe tiếng quát:
– Máy …ba….ay..!
Tôi dừng lại dớn dác nhìn, chưa thấy gì cả, chỉ nghe tiếng động cơ mơ hồ. Có lẽ có một chiếc máy bay đang di chuyển về phía này nhưng tàng cây lá um tùm làm gì nó thấy mình được? Vậy mà tôi không thấy ông Chín ở đâu nữa. Tôi sợ ông già đã ngã xuống một cái hố nào bên lề đường mà tôi không hay. Tôi vội kêu lên inh ỏi:
– Ông Chín ơi! ông Chín! Ông…!
– Sụyt! suỵt! Làm cái gì om sòm vậy?
Một tiếng nói thì thầm chen với tiếng lá cây xào xạc bên tôi. Tôi nhìn lại thấy giữa những nhánh cây có hai chấm sáng quắc đang chiếu về phía tôi thì tôi biết là ông Chín đang đứng đó.
Ông Chín đứng nép sát vào một thân cây cổ thụ và chung quanh đầy những bụi cây rậm. Không biết làm cách nào mà ông nhảy thót vào đứng ở chỗ đó nhanh đến thế?
Ông Chín khe khẽ đưa bàn tay rẽ những cành lá và vẫy vẫy tôi:
– Tránh mau! Trá…ánh ! Nó tới rồi!
Thấy tôi cứ đứng im không chịu trốn, ông Chín thò tay ra níu lấy áo tôi lôi vào bụi cây và nói:
– Sao cứ đứng chết ở đó hả? Đồ ôn dịch! Nó thấy là toi cả lũ nghe chưa?
– Thấy sao được mà thấy ông già!
– Sao không thấy? … Chứ … chứ nó thấy mình khó hay mình thấy nó khó?
Tôi đáp:
– Nó thấy mình khó chớ mình thấy nó dễ.
– Nhưng hễ mình thấy nó thì nó thấy mình!
– Ai bảo cụ vậy? – Tôi phát cáu – Cụ làm như nó có phép vậy.
Cụ già cũng không chịu thua:
– Nó không có phép mà bay được trên trời à?
– Nó bay thì nó bay chớ!
Hai người còn cãi thì chiếc trực thăng bay tới. Chỉ có một chiếc thôi. Tiếng động cơ nghe to quá. Pành pạch, pành pạch! Cơ hồ như nó đến ngay trước mặt, trên đầu mình. Ông Chín rút sát vào thân cây.
Tôi thấy bàn tay của ông ta nhè nhẹ kéo những cành lá che lên đầu mình. Dường như ông sợ cử động mạnh máy bay sẽ nghe thấy.
Đã vậy cụ còn giục tôi:
– Đứng nép vào!
Nhưng tôi cố thò đầu ra khỏi thân cây mà nhìn tiếp xem chiếc máy bay đi về hướng nào. Cụ già nắm lấy vai áo tôi mà lôi vào:
– Đã bảo nó trông thấy mà!
– Thấy thấy cái gì? Nó bay tận mây xanh!
Nhưng ông cụ cứ lôi tôi, ấn tôi sát gốc cây và nghiến răng ken két:
– Mây xanh gì! Nó tới kia kìa!
Tôi đánh phải nghe lời ông gì. Tiếng máy bay pành pạch có vẻ như nó quần ở khu vực này.
Ông Chính càu nhàu bên tai tôi:
– Nó trông thấy đồng chí rồi đó, thấy chưa? Khổ quá! Tôi đã bảo hễ mình trông thấy nó, nó trông thấy mình mà!
Nhưng tôi không tin như vậy. Tôi đứng nép vào gốc cây mà ló đầu ra nhìn như lúc nãy. Nó không thể nào thấy được. Tại mình sợ quá, cho nên mình cứ nghĩ là lúc nào nó cũng có thể trông thấy mình.
Tôi chọc tức ông già.
– Tại nó trông thấy cụ chứ!
– Sao trông thấy được?
– Tại vì cụ nhúc nhích!
– Tôi nhúc nhích, nó cũng không thấy được tôi.
– Nó thấy cụ ngụy trang nhiều quá.
– Ngụy trang nhiều thì tốt chứ sao?
– Nhưng khi cụ nghe động cơ thì cụ nhảy phốc vào bụi. Thằng phi công nó biết là có người ta chạy trốn, mặc dù nó thấy có lá cây thôi.
– Hừ! Thằng phi công khôn nhỉ?
– Khôn chứ không khôn thì làm sao nó làm phi công được. Cụ thử nghĩ xem bụi cây gì biết chạy? Đang đi giữa đường lại nhảy phốc vào kia rồi đứng im, không phải người ta là cái gì?
Ông Chín lặng im. Một chốc máy bay đi xa, ông Chín thở dài thườn thượt và nghiêm nghị.
– Đồng chí chủ quan khinh địch quá!
– Không! Tôi không chủ quan. Cụ sợ quá nên cụ đánh giá địch quá cao.
Ông già càng nghiêm nghị hơn lên:
– Nè! Tôi không có đùa đâu nhé!
– Thì tôi cũng nói thật mà! Tôi đâu có chủ quan, tôi chỉ bình tĩnh thôi. Cụ trốn thì tùy cụ, còn tôi không trốn là quyền của tôi.
Ông Chính đưa tay vạch lá và ló hẳn cái mặt mồ hôi ròng ròng ra ngoài và nói:
– Quyền của đồng chí hả? Ở đây không ai hoàn toàn có quyền về mình nghe chưa? Ở đây là tập thể, là chủ nghĩa cộng sản văn minh, mặc dù ở giữa rừng rú nhưng không phải là cộng sản dã man, ăn lông ở lỗ. Không phải ai muốn làm gì thì làm nghe chưa?
Nghe ông già giỡ Các Mác ra để tranh luận về một việc trốn máy bay, tôi suýt bật cười, nhưng sợ cụ già thêm nổi xung lên nên tôi đành nhịn.
Đường càng đi càng dốc.
Lắm lúc anh giao liên đứng ngất ngưởng trên cao quát xuống: "Mau lên các đồng chí ơi!"
Cứ hết một cái dốc, mình vừa thở phào định nghỉ xả hơi lại đến một cái dốc khác rồi cái dốc đó vừa qua thì lại thêm một cái dốc cao hơn nối tiếp. Tôi quát trả lại anh giao liên:
– Mau cái gì được mà mau? Nè tôi nói cho mà biết nghe, chúng tôi là con người hẳn hoi chứ không là máy nghe chưa? Máy kia chạy còn phải nghỉ ngơi cho mát máy, xăng nhớt cho đầy rồi mới chạy tiếp huống chi là người?
Chúng tôi tới trạm lúc mặt trời sắp lặn. Bộ đội đã ngồi đầy đặc cả lối đi và trong rừng . Đáng lẽ họ đi luôn trạm này rồi, nhưng họ phải đùn lại đây vì kẹt đường. Anh giao liên nghe tin đó mà sảng sốt kêu lên:"Kẹt đường rồi à? Kẹt đường rồi à?"
– Kẹt rồi!
– Ai nói?
– Thì tụi tôi ngồi chình ình đây, không kẹt là gì!
Tôi chưa hiểu sự kẹt đường nó quan trọng đến mức độ nào, nhưng nhìn vẻ mặt hớt hãi của anh giao liên thì đoán ra đó là một tai nạn lớn vô cùng.
Anh giao liên chạy bay tới trước vừa chạy tất tả vừa kêu:
– Kẹt thì bỏ mẹ rồi! Gạo đâu ăn?
Chính đó là một đại họa rồi. Từ cái sự không gạo ăn đó sinh ra vô số tai họa khác: trộm cắp, phá tán, đánh cá dưới suối bất kể lộ bí mật v.v…
Ông Chín lần mò tới sau.
Có lẽ thấy chúng tôi chỉ có mấy ngoe hay vì có "chất tươi" nên giao liên đưa thẳng chúng tôi vô trong trạm.
Trạm là một ngôi nhà cao cẳng của người Thượng đã bỏ đi lúc nào. Trước nhà có một cái sân nho nhỏ mòn nhẵn và một lối đi hút vào trong rừng.
Đi tới một trạm mới là cả một niềm vui, chúng tôi cảm thấy đường đi rút ngắn được một quãng dù rằng trên thực tế nó chẳng có là bao. Bởi vì đường không ngay thẳng mà nó lòng vòng, leo lên tuột xuống , có khi đi cả ngày đến chừng quay lại nhìn thì vẫn thấy nơi xuất phát ở ngay sau lưng mình.
Ba đứa chúng tôi không ai bảo ai bèn chui xuống sàn nhà mắc võng. Thiệt là vui khi được ở trong nhà. Tôi còn hiểu thêm rằng, nếu một đoàn người bị đùn lại thì đoàn sau vẫn cứ đi tới, lại đùn. Nếu không thể khai thông đường được thì trạm này sẽ nối liền với trạm kia bằng một sợi dây mà mỗi mắc dây là một con người.
Chúng tôi được nấu cơm trong nhà, khỏi phải che lửa, tắt lửa khi có máy bay tới.
Đó lại cũng là một diễm phúc quá lớn đối với chúng tôi. Trong lúc chúng tôi sửa soạn bếp núc thì ông Chín lại lò dò đi ra rừng. Chập sau ông trở vào với một ôm nhánh cây.
Tôi hỏi:
– Cụ làm gì đó?
– Ngụy trang.
– Ngày mai kẹt đường đâu có đi được mà cụ lo dữ vậy!
Cụ già làm thinh không nói không rằng chi cả, cứ lui cui nhặt những nhánh cây và đi trải khắp mặt sân. Trời đất! Ông già ổng định ngụy trang cho cả cái sân này.
Tôi thấy thương ông già vô hạn. Đúng là một ông già. Một thằng trẻ không thể nào quan tâm đến việc đó dù rằng việc đó có thể gây tai hại chăng nữa.
Ông Chín vừa rải lá trên sân vừa giải thích với chúng tôi rất hùng hồn.
– Tôi hỏi các đồng chí, tại sao ở giữa rừng như vậy lại có một cái nhà và một cái sân? Có thể máy bay nó không biết, nhưng đâu phải chỉ có máy bay do thám mà thôi. Giặc nó còn thả biệt kích nữa chứ, máy bay nó thấy cái nhà và cái sân, cố nhiên nó phải nghi ngờ thì nó sẽ hỏi tụi biệt kích! Như vậy là mình bị lộ ngay.
Ông già giải thích theo lối suy đoán chủ quan của ông ta, nhưng nghe cũng có lý. Vả lại việc của ông không làm mệt nhọc chúng tôi cho nên chúng tôi chấp nhận sự hữu lý của cụ một cách dễ dàng.
Cụ già phủ cả cái sân và phủ luôn cả con đường mòn đi vào rừng. Cụ làm xong việc đó thì trời tối mịt.
Cụ lên nhà. Anh trạm trưỏng và hai anh giao liên cũng không tự ái về sự tự động của cụ già. Tất cả khách lẫn chủ đều tấm tắc khen ông già.
Ông Chín lấy làm khoái chí vì thấy không ai phản đối mình. Ông Chín giải thích thêm:
– Tụi phi công là gớm lắm. Tụi nó có con "mắt thần" hiểu chưa? Ban đêm nó nhìn thấy rõ như ban ngày ấy. Súng phòng không của mình phủ kín lá ngụy trang mà nó nhìn còn thấy đó! Bởi vậy cho nên hễ nó đánh là đánh trúng ngay trận địa chứ không sai bao giờ.
Bữa cơm chiều nay thật là vui vẻ. Chúng tôi nấu xong mang cả lên nhà sàn ngồi ăn quây quần với nhau. Tôi và Thu đem ra một tí lương khô chó mới bào chế ra thết trạm và ông Chín, để tỏ lòng biết ơn trạm đã cho chúng tôi vô ở cùng trạm và để tỏ lòng kính phục Cụ già Ba Tri. Cơm xong chúng tôi vừa ngã lưng ra võng là có hai người tới. Hai người này đi thẳng lên thang làm cái nhà sàn rung rinh.
Sau đó chúng tôi được biết một người là chỉ huy phó và một người là quản lý đường dây.
Anh chỉ huy ném ba-lô xuống sàn nhà và thở phào:
– Kẹt cái kiểu này thì thắt họng!
– Dạ!
– Mỗi ngày mà cứ ùn thêm vài ba trăm con người ta, ùn lại độ năm ngày thì hơn ngàn rưỡi con người ta , mỗi ngày mỗi người một lít gạo lấy đâu ra mà cấp cho họ?
– Dạ! – anh trạm trưởng chỉ có mỗi tiếng "dạ" như để chấm câu cho ông chỉ huy phó.
– Kho bây giờ lại bị tắt không bổ sung được chỉ hôm nay là hết gạo ngay. Bởi vậy cho nên mình phải lo "Xoi" đường ngày. Phải xoi ngay!
Tôi đã từng nghe những tiếng như làm đường, mở đường, nối đường, thông đường v.v… chứ chưa nghe hai tiếng "xoi đường" bao giờ! Nghe cái tiếng "xoi" tôi cũng đã hiểu là sự khó khăn lớn lắm. Bởi vì nếu dễ dàng thì người ta chỉ nói "mở đường" thôi. Vì sự dày đặc của núi rừng, vì tình hình giặc, người ta phải dùng một vật vừa sắc vừa nhọn mà đâm, mà ngoáy rất lâu mới thủng được cho nên mới goị là "xoi".
– Xoi cho thủng, còn xoi không thủng thì chết đói…
Nói vậy rồi ông chỉ huy phó cùng ông quản lý đường dây dắt ông trạm trưởng đi ngay.
– Xoi đường!
Họ đi làm cái nhiệm vụ đó, còn chúng tôi thì nằm lại đây chờ và cảm thấy số phận mình tùy thuộc cuộc đi xoi đó của họ.
Tôi lân la trò chuyện với ông Chín. Tôi được biết thêm rằng ông Chín người ở Gia Định. Ông đã xin về Nam rất nhiều lần, nhưng lần nào ông cũng thất vọng vì tuổi tác của ông. Nhưng ông không thất vọng, ông lo bồi bổ sức khoẻ ngày lại ngày, ông thấy khoẻ hơn lên và ông lại xin về.
Cấp trên thấy quyết tâm của ông rất lớn, vả lại để một lão già ở Miền Bắc cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Thôi thì cho lão đi. Lão ta tới nơi thì lãnh đạo được tiếng sáng suốt, còn nếu lão ta có chết bờ chết bụi thì cũng không làm sao vì đó là nguyện vọng của lão ta mà! Thế cho nên ông Chín được đắc ý và quảy ba-lô đi vào trường đi B để được mang gạch lội bộ trong 3 tháng trước khi thực sự leo dốc trèo đèo.
Ông Chín vui vẻ nói với tôi:
– Trước khi lên đường một ngày, chiếc xe chở đoàn tôi đi chơi bị xe lửa đụng chết hết cả xe, chỉ còn mình tôi sống sót. Bị xe lửa đụng mà không chết thì có lẽ không bao giờ tôi chết nữa!
Ông Chín nói xong rồi mở ba-lô lấy một củ sâm bằng ngón tay ra gọt gọt bỏ cả vào bi-đông rồi châm nước sôi tiếp theo. Ông lắc lắc cái bi-đông:
– Tôi không nhờ cái món này thì tôi chết lâu rồi!
Uống nước xong ông Chín lên võng nằm, còn tôi cũng không xuống sàn nhà làm gì. Lâu lâu mới được nằm ngay lưng trên vạt một đêm, kể cũng sướng, cho nên tôi cứ nằm ngay tay chân ra cho thoải mái mà nghe ông Chín kể chuyện.
Ông Chín không kể chuyện nữa, mà ông tâm sự. Ông nói:
– Bây giờ đến tỉnh tôi chỉ mong ước làm một việc là dạy học trò. Dạy lớp mấy cũng được. Tôi là thầy giáo đã từng dạy 2 thế hệ, dạy cha rồi dạy con. Tôi không thích công chuyện nào hơn dạy học. Tôi ước mong sao đi về tới nơi, tôi được một cái trường học lợp lá núp dưới bóng cây vườn với vài mươi đứa trẻ. Tôi dạy chúng từng chữ, và một hôm nào đó, tôi nhìn ra cửa, có một người lạ mặt đến thăm tôi và tự xưng là học trò cũ của tôi.
Tôi buột miệng nói:
– Tôi là Carnot đây thầy còn nhớ tôi không?
Ông già đang nằm bỗng ngồi dậy đập vào vai tôi một cái rõ đau.
– Đúng! Đúng quá! Đồng chí nói trúng tim đen của tôi. Và đó là phần thưởng xứng đáng nhất của tôi.
Nhưng từ phút vui sướng trở đi, ông Chín không nói động tới việc dạy học nữa. Ông nằm lặng thinh. Một chập sau tôi mới biết ông Chín khóc. Ông sụt sùi rồi hỉ mũi rất to khi ông biết rằng ông không giấu được tiếng khóc đối với tôi.
Ông Chín nghẹn ngào:
– Nhưng tất cả những điều đó chỉ là ước mơ thôi.
– Tại sao vậy Cụ?
– Hừ … hừ… ! vì nó xa vời quá!
– Sao lại xa vời, mình đi hết một phần ba rồi.
– Còn hai phần ba nữa mới tới nơi! – Ông Chín ngưng một chốc – Trong lúc đó thì sức lực của mình đã xài hết ba phần tư rồi, hai điều đó mâu thuẫn hẳn lại với nhau. Lâu nay tôi đã suy nghĩ về việc này, nhưng không tiện nói với ai bởi vì sự sa sút tinh thần của mình sẽ lây sang những người bên cạnh.
Tôi thấy ông Chín chỉ là người đáng thương và đáng kính, một nhà mô phạm trên đường dây gian nan này!
Ông Chín nói tiếp:
– Sở dĩ không trở ra Bắc là vì nếu trở ra thì không có hy vọng đi vào nữa. Thôi thà về gần tới quê hương rồi có gục ngã cũng vẫn hơn là đi xa biệt mù không thấy bóng dáng quê nhà. Dù mình có chết thì cũng chết trên đường về.
Tôi nói, mà không tin ở lời nói của mình:
– Anh em sẽ thay phiên nhau mà dìu Cụ cho đến ranh Nam Bộ chớ!
– Không! tôi không để cho anh em phải nhọc nhằn vì cái thân già của tôi!
Trời đất! Sao hết chuyện này đến chuyện khác mà toàn chuyện thảm não không vậy? Mới vừa đục xong cái mộ bia cho anh bạn không quen ở trạm vừa rồi thì lại đụng ông già tàn phế này.
(xem tiếp tại đây https://thaithuyvy.wordpress.com/2009/11/12/d%c6%b0%e1%bb%9dng-di-khong-d%e1%ba%bfn-21/ )
Đánh máy: Lê Thy
No comments:
Post a Comment