Người đánh máy: Lê Thy
– 9-
Tôì nghễnh cổ nhìn về phía bên kia, mơ hồ nghe tiếng cười của Thu và Việt. Họ đang vui vì chuyện gì? Trên cái không gian Trường Sơn này không có gì đáng cho mình cười cả nếu không là cười ra nước mắt. Tôi đang tơ lơ mơ thì có người đến.
Tôi muốn gọi Thu về hay kêu rên lên tỏ rõ sự cần thiết có Thu bên tôi, nhưng cuối cùng tôi vẫn nằm im. Thì cái con người đến bên tôi tự nãy giờ lên tiếng. Không phải Thu mà là cậu giao liên trẻ lúc nãy đã dìu Thu qua suối. Cậu ta tên Chân. Tôi biết tên cậu ta nhờ lúc qua suối, người giao liên kia gọi cậu ta.
Chân đến bên võng tôi và hỏi:
– Anh sốt à?
Tôi khẽ gật đầu, không muốn cử động nhiều cho mệt xác, bởi vì cái câu hỏi đó thừa, và tôi đã trả lời không biết bao nhiêu lần rồi.
Trên con đường này có ai không sốt mà phải hỏi. Nhìn gương mặt hắn, tôi đoán hắn ra đây không phải tìm tôi, mà tìm người khác để "trao đổi tình cảm". Nhưng vì tôi là chỉ huy của cái nhân vật mà hắn muốn gặp kia cho nên hắn phải xã giao với tôi.
Nghĩ vậy tôi từ từ nhắm mắt lại với sự rã rời tận cùng của tâm hồn và của thể xác.
– Anh ạ, anh có ăn cái này được không ?
Tôi mở choàng mắt ra ngay. Khốn nạn thân tôi, thú thật vì nghe tiếng "ăn" mà tôi mở mắt ra, chứ tiếng gì khác thì không mang lại được một kết quả như thế đối với tôi, cho dù tiếng đó là tiếng gì đi nữa.
Cái tiếng "ăn" bây giờ nó quan trọng làm sao, nếu không nói nó là trên hết.
Ai đã đi Trường Sơn đều thấy rõ việc ăn là như vậy. Người ta thèm ăn như một con vật. Các bạn đừng nghĩ rằng tôi bôi nhọ ai hay tôi xỉ vả những người vượt Trường Sơn trong đó có tôi. Đó là một sự thật. Bây giờ tôi quay nhìn lại và xác nhận điều đó một lần nữa rằng đó là sự thật hơn cả mọi sự thật.
Có người thèm ăn quá mà ăn cả tai nấm độc rồi chết, có người ăn vỏ khoai mì mà chết, có người sau những cơn đói khủng khiếp đã ăn quá no, tưởng nứt bụng mà chết, làm y tá phải cho uống thuốc ói ra. Tôi có nghe chuyện một người nọ ăn đến nứt bao tử mà chết.
Ngay như tôi nữa, đã có lần tôi nhặt những hạt gạo rơi trên vết xe thồ để nấu cháo loãng húp cho cứng gối.
Tôi nhìn thấy trong tay của cậu Chân có một cái "ca" (đít bi-đông i-nốc Mỹ) bốc khói. Và tôi ngóc đầu dậy ngay.
Chân nói:
– Em đem ra cho anh cái này.
Tôi ngồi bật dây và nhìn thẳng vào cái hiện vật kỳ lạ ấy không chút ngần ngại.
Chân nói:
– Anh ráng mà ăn. Chỉ có ăn thì mới đi được, còn ngoài ra thì thuốc tiên cũng không giúp được chân anh bước đi nổi đâu!
Vừa nói Chân vừa ấn ca cháo vào tay tôi. Sức ấm của nhôm truyền qua tay tôi, làm tôi tỉnh hẳn dậy. Không phải chỉ vì ca cháo, mà còn vì bất ngờ.
Trên vùng ma thiêng nước độc đầy ma quỷ này có ai lại cho ai một vật gì có giá trị đến thế. Đến đổi bạn thân thiết nhất đời cũng chỉ cho nhau được vài hạt đậu phộng rang.
Vậy mà anh giao liên này đã cho tôi cả một ca cháo nóng. Và lại là cháo thịt lợn. Thế mới lạ lùng .
Cậu giao liên ngồi xuống bên võng đợi tôi ăn. Cậu ta nói:
– Anh ăn đi để em lấy cái ca đem về trả lại cho anh trạm trưởng kẻo mất ảnh la em.
Cậu Chân chờ tôi húp hết ca cháo thì lấy cái ca đem xuống suối rửa rồi trở lên ngồi bên cạnh tôi.
Chân nói:
-Hễ anh ăn được thì thấy khoẻ ngay!
Tôi ngồi ngây ra trên võng. Chao ôi, tôi mất hết mọi cảm giác, tôi không thấy ngon, hay có lẽ vì nó quá ngon tôi không còn biết ngon nữa.
– Phải – Tôi khẽ gật đầu.
Mồ hôi tôi rơm rớm trên cổ và thấm ra ướt cả áo. Ca cháo làm tôi sống lại. Tôi có cảm giác như trong đời tôi chưa bao giờ ăn hai món gì ngon đến thế. Đó là món cháo nấu với ngọn rau, một thứ rau rừng giống như lá dừa nước thu nhỏ lại và những đọt non của nó queo lại như con cuốn chiếu. Nấu nó chung với gạo cho đỡ tốn gaọ. Tôi nói có mặt đèn làm chứng, mặt đèn tắt thì tôi tắt theo. Khi tôi vớt một ngọn rau lên thì chỉ có vài hạt gạo dính theo và khi tôi lấy muỗng quậy lên thì dưới đáy ca lồng lên những hạt gạo nở toè loe không múc được vào lòng muỗng . Như vậy cũng đủ đượm tình đồng chí lắm rồi, huống chi lại còn thêm mấy lát thịt heo.
Chao ôi! thịt heo tươi ở giữa rừng không hiểu làm sao lại có được. Nhưng rõ ràng mắt tôi trông thấy và khi nhai nó giữa những chiếc răng của tôi thì tôi biết đó là thịt heo.
Tôi nhỉn cậu Chân mà bàng hoàng hết cả người, không hiểu tại sao mình lại được cái đặc ân trên đời dưới thế không ai có được như vậy?
Tôi bèn chấp tay lại ngữa mặt lên trời cao thăm thẳm và, trong lòng còn bao nhiêu thành kính tôi vét hết ra mà vái lạy về phương Bắc và nói lên một ngàn lẻ một lần cái câu mà xưa nay tôi chưa hề nói:
– Ơn Bác, ơn Đảng!
Bác đã cho con đi vào con đường tối đại vinh quang này để cho con tận hưởng hương vị sốt rét và chịu đói đến tận cùng, rồi Bác mới cho ca cháo loãng này. Ơn ấy con nguyện kết cỏ ngậm vành! Ngày nào con sống con nguyện đền đáp!
Sau khi húp hết ca cháo và niệm xong mấy câu thần chú ấy, tôi khoẻ hẳn lên (!)
Cậu thanh niên tự nhiên xổ bầu tâm sự:
– Em đang học ở đại học anh ạ! Bỗng nhiên nhà trường bảo Đảng cần thanh niên xung phong, thế là chúng em tình nguyện ra đi bỏ cả sách vở và gia đình. Nhà trường hẹn rằng chỉ trong vài tháng đánh Mỹ xong thì em sẽ trở lại…
Chân ngồi im lặng. Có lẽ cậu ta sắp tố khổ đây. Ừ, thì cứ tố, tôi đâu phải đối tượng mà tôi lo. Người nghe không có tội gì, cứ nói!
Tôi hỏi:
– Thanh niên xung phong thì chỉ đi vài tháng rồi về chứ!
– Vâng, xưa nay vẫn thế!
– Nhưng bây giờ thì không phải vậy, phải không?
– Em nằm đây ngót năm rồi.
Tôi nhảy nhổm người lên.
Bây giờ tôi mới nhìn rõ lại người thanh niên. Tôi biết cậu ta là thanh niên bởi vì tất cả những cậu thanh niên trên đường dây này đều giống như cậu.
Nhưng khi nghe nói hai tiếng ĐẠI HỌC thì tôi giựt mình. Hồi nhớ lại cái khung cảnh trường Đại Học rộn rã tiếng nói tiếng cười, phất phơ nếp áo nếp khăn và mơn mởn những khuôn mặt tươi trẻ tràn đầy sinh lực, thì tôi mới thấy rằng cậu Chân sinh viên Đại Học Hà Nội trước đây một năm hiện đang ngồi trước mặt tôi chỉ còn là một con ngợm. Chân tự nhiên giở mũ lên và nói:
– Anh xem đầu em đây!
Trời đất, sao kỳ cục vậy? Tóc cậu bé đã bạc phơ hết, nói bạc gần hết có hơi quá đáng, nhưng nó đã hoa râm, đúng là hoa râm hay muối tiêu cũng thế.
Một mái tóc bạc như thế trên khuôn mặt non nớt vàng ẽo và cái cổ cao nhòng. Đó, hình dáng của một sinh viên lý tưởng của phong trào ba nhất, ba khoan, hai chống, mười tám xây, ba chục đừng và ở đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên!
Tôi hỏi:
– Sao mà dữ vậy?
– Em chỉ sốt có hai cơn thôi anh mà tóc em ra thế đó.
– Trời đất! Sao mà kỳ cục vậy? – Tôi vói tay sờ mái tóc của cậu thanh niên, để xác nhận thêm lần nữa cái sự thực kỳ quái đó.
Rõ ràng tay tôi sờ đụng những sợi tóc bạc trên mái tóc của cậu thanh niên giữa cuộc đời Trường Sơn này chứ đâu phải là trong vở kịch Lu-ba diễn trên sân khấu nhà hát lớn Hà Nội người ta chào một ông giáo sư già mà nhầm tưởng là Các Mác tái sinh!
Cậu thanh niên Hà Nội ngao ngán:
– Hồi đó đi em tưởng chỉ đi vài tháng rồi về học tiếp, không ngờ mới ban đầu thì chỉ đi tới làng Ho vận tải vũ khí, sau đó ít lâu em ngã sốt. Sau cơn sốt em không còn sức khoẻ để thồ nữa cho nên ban chỉ huy chuyển em qua giao liên.. Họ bảo công tác này sướng lắm, không cần sức khoẻ. Em cũng tin như vậy, định làm vài tháng rồi về. Chẳng ngờ sau khi trở thành giao liên, người ta lại thuyên chuyển em từ trạm này sang trạm kia. Bây giờ thì em biết em đã xa Hà Nội lắm rồi, không biết đường về nữa. Vả lại em cũng không thể về vì người ta không cho.
Thì ra trên đường này còn có những trường hợp bất đắc chí kỳ lạ như vậy nữa! Vậy là trên đường này, những con người đi đi lại lại, súng súng gươm gươm hùng hùng hổ hổ đây đâu có phải đều là tự nguyện đi "giải phóng Miền Nam". Tâm tư của họ vô cùng ly tán, mỗi người một hoàn cảnh, một tư tưởng.
Kiểm điểm lại riêng tôi, từ Hà Nội ra đi, nghe ông Trung Tướng Nguyễn Văn Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Chủ Tịch Ủy Ban Thống Nhất và hơn thế nữa, Ủy Viên Trung Ương Đảng nói chuyện, nghe như Giải Phóng Miền Nam sắp dọn mâm dọn bát ra ăn mừng rồi. Lúc đó tôi cũng phấn khởi lắm. Nhưng chỉ được vài ngày thì cái cục phấn khởi đó bị ngọn đồi "Ngàn linh một" xơi tái mất một phần rồi đến cơn sốt này nó gặm gần hết!
Chân nói:
– Khi em sốt, em cũng như anh bây giờ. Cho nên em hiểu những người sốt. Có thế thôi.
Tôi ngồi lặng thinh mà nước mắt tôi tuôn xuống ròng ròng, tôi không ngăn được. Tôi để cho những dòng nước mắt của một thằng đàn ông 15 tuổi đảng rơi chảy tràn trề trên má, trước mặt một cậu bé. Thế mà tôi không thấy chút xấu hổ, nước mắt của một kẻ tưởng sắp thành dã thú và chung quanh mình toàn là dã thú.
Thật vậy, một vị cán bộ cũng đi trên đường này, trình độ chính trị thừa lá mít, kém lá nho, có cây súng lục không biết lượm ở đâu lúc nào cũng đeo lên trên cần cổ, anh cán bộ đó nói một câu có giá trị xem như lời tuyên bố của Lênin trong Cách Mạng Tháng 10, rằng: "Chung quanh đây (tức Trường Sơn) toàn là loài thú, chỉ có tôi (tức anh ta) là người!" Ghê gớm thật!
Tôi không hiểu nổi tại sao Chân lại cho tôi cả một ca cháo như thế ở chốn này.
Thì ra còn có những con người còn là người, chưa đến nỗi nào!
Chân nói tiếp:
– Khi em dứt cơn sốt em thấy khô hết nhựa sống trong người, em đã trở thành một người khác hoàn toàn. Cho đến một hôm em soi gương mới hay mình bạc hết mái tóc.
Chân nói một cách thản nhiên hết sức. Có lẽ giờ cậu đã quen với mái tóc bạc trên đầu rồi. Nỗi buồn đã đi qua chăng?
Thiệt là hiện tượng lạ, hơn 20 tuổi đâu, vài cơn sốt và mái tóc bạc! Thế này thì cổ kim lịch sử ở đâu có? Hoạ chăng Ngũ Tử Tư tái sanh!
Tôi thương Chân quá! Tôi thấy ân hận tràn lòng. Tôi cứ tưởng ra đây là vì có "chất tươi" mà thôi.
Khi Chân từ giã tôi, tôi mới thấy ca cháo đã thấm vào cơ thể tôi một cách trọn vẹn và viên mãn lạ lùng. Tôi thấy khoẻ hẳn lên. Ước chừng có vài tô cháo xoàng xĩnh như vậy thì tôi sẽ đi được ngay.
Tôi không muốn nghe những chuyện mông lung, tôi muốn "lấy cơ sở vật chất quyết định tinh thần" chứ không phải nói một đằng làm một nẻo.
Việt và Thu kéo lại võng tôi. Thấy tôi có mòi tươi hơn chút, Thu cũng vui lây:
– Có thêm anh Việt, mình đi đường có bạn thì hơn anh nhỉ!
– Ừ, Việt cũng bệnh à câu? – Tôi hỏi.
– Tôi thấy hơi yếu, nên nghỉ lại một vài chuyến nhân tiện chờ anh và Thu đến và cùng đi.
Tôi biết Việt không thích gì tôi cả, trái lại Việt rất ghét tôi. Cái ghen ghét tầm thường của một thằng đàn ông bị con gái chê và yêu đối thủ của hắn. Thế thôi! Bây giờ Việt ở trạm này là để chờ Thu.
Việt hỏi tôi:
– Anh cắt cử được mấy hôm rồi?
– Vài hôm! – Tôi hỏi lại – Sao cậu vô đây được?
– Được chứ!
– Làm cách nào?
– Cho nó vài viên đá lửa.
– À ra thế! – Tôi nghĩ thầm – Chỉ bỏ ra vài viên đá lửa mà vào được chỗ đặc biệt này thì cũng không lấy gì làm khó.
– Vài viên là mấy viên? – Tôi hỏi tiếp.
– Hai viên thôi.
Tôi quên lững đi rằng ở chung quanh đây không có mậu dịch Tiền Phong (như người ta nói !) thì làm sao có đá lửa được. Tôi đã từng đổi một viên đá lửa được một nải chuối, một viên đá lửa cho một miếng bí đỏ. Vậy mà tôi còn những 40 viên đá lửa trong túi áo trên. Tôi bắt đầu quí cái hiện vật này từ khi tôi đổi chác được thức ăn với nó.
Việt ngồi gần bên đầu võng của tôi và hỏi:
– Thế nào! Nhà văn có đầy đủ cảm hứng để xây dựng đề tài chưa?
– Thừa rồi!
– Anh định viết gì?
Tôi hỏi lại Việt:
– Cậu thì viết gì?
– Tôi đã làm xong tập thơ "Trường Sơn vinh quang" gồm hơn 20 bài.
– Nhanh thế?
– Chậc ! Hứng mà!
– Tôi thì nguợc lại. Mất mẹ nó hứng!
– Thế anh chưa viết gì à?
– Từ ra đi đến giờ chưa có lấy một chữ. Giấy mang theo để làm bản thảo nhóm lửa hết rồi.
– Trời đất!
– Thư tình tôi còn đốt nữa là.
– Trời đất!
– Tôi thú thật với cậu điều này nhé!
– Vâng!
– Tôi không còn trí tuệ để nghĩ việc gì ngoài sự ăn. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến ĂN và ĂN!
– Anh là người có tâm hồn và hoải bảo lớn lắm, theo chỗ tôi biết.
Tôi cười nhạt:
– Những thứ ấy tôi đã mang ra đổi chuối, đổi bí hết từ lúc nào rồi.
– Anh nói vậy chớ an tâm ngẫm một tiểu thuyết vĩ đại.
– Đó là do tài tưởng tượng của cậu chớ hiện giờ bút không mực và tim chỉ rung rinh khi nghe tiếng cơm cháo sôi bốc lên thôi!
– Anh đùa thật kỳ cục.
– Tôi nói rất thật.
Lẩm nhẩm một chốc rồi Việt lại tiếp tục câu chuyện văn học. Nói chuyện văn học với Việt thì chẳng khác gõ một cái mõ điếc., nhưng tôi vẫn không lẩn trốn được. Việt hỏi:
– Anh bất mãn nhà xuất bản Quân Độ Nhân Dân lắm phải không?
– Sao cậu biết?
– Biết chớ sao không biết!
– Biết rồi còn hỏi.
– Hỏi để biết thêm!
– Ừ thì nó vậy đó không hơn không kém nghĩa là tôi suýt độp vào mặt thằng cha trung tá Lữ Giang, giám đốc nhà xuất bản Quân Đội. Có thế thôi! – Tôi tiếp: – Cậu nghĩ coi mình mang tác phẩm mình đến cho nó in là do sự mời mọc cầu khẩn lạy lục của nó chớ đâu phải mình đi ăn mày. Hơn thế nữa khi tôi đến nhà xuất bản, thằng cha giám đốc Lữ Giang nó rót nước mời tôi và khen rằng:"đây là lần đầu tiên nhà xuất bản nhận được tác phẩm hay nhất nói về cuộc chiến đấu chống Pháp ở Nam Bộ" và hứa sẽ in trong dịp kỷ niệm Nam Bộ kháng chiến 1962. Tôi yên trí như vậy. Vậy mà rồi dằng dai mãi gần hai năm trời nó bắt tôi sửa đi sửa lại mười tám lần, rồi nó vẫn không in.
Nghe tôi kể xong câu chuyện, Việt bèn hỏi tôi:
– Anh biết tại sao nó không chịu in cho anh không?
– Tại sao?
– Vì nó sợ anh trở thành tư bản.
– Nghĩa là sao?
– Anh không hiểu gì hết à?
– Không! Tôi mà trở thành tư bản thì làm sao mà hiểu được?
– Anh có biết quyển tiểu thuyết của HVB không?
– Quyển gì tôi quên rồi.
– Tôi cũng không nhớ, nhưng đại khái với quyển đó, tác giả lãnh trên 2000$, hai ngàn đồng mua được năm chiếc xe đạp Thống Nhất, một lúc. Trong lúc một cán bộ trung bình phải để dành tiền một năm mới mua được một chiếc thì anh ta có thể mua được ngay năm chiếc, như vậy không là tư bản à?
Tôi phì cười:
– Tư bản kếch xù thế giới !
– Vì thế cho nên nó kiếm cách không in sách của anh, tôi nghe nói dày hơn sách của HVB, anh sẽ có nhiều tiền hơn.- Việt cười khè khè – Do đó anh có thể sắm ruộng, nhà lầu, thuê công nhân và bốc lột công nhân và trở thành đối tượng của cách mạng.
Tôi nghe xong cái lý do đó mà bàng hoàng. Tôi lặng người đi một lúc lâu rồi mới khẽ gật đầu và nói:
– Hèn chi!
– Hèn chi cái gì?
Tôi chẫm rãi kể:
– Số là lúc sắp tập trung vô trường đi B, tôi có lãnh tiền bản quyền một quyển sách được một ngàn đồng. Sau khi mua sắm các thứ, tôi còn dư một ít, với lại tôi bán chiếc xe đạp của tôi được 350 đồng. Như vậy là tư bản chưa?
– Tư bản cá kèo được rồi!
– Tôi nghĩ rằng đi đường sức khoẻ là chính yếu, phải bồi dưỡng sức khoẻ để đi. Bằng bất cứ giá nào, mình cũng phải đi cho tới quê hương mình. Mà muốn có sức khoẻ thì phải có thức ăn và thuốc men. Còn ở Hà Nội ăn ngon được ngày nào thì cứ ăn, còn lại bao nhiêu thì mua thuốc mang theo.
Một anh bạn của tôi cũng là nhà văn được gọi tập trung cùng khoá với tôi cũng đồng ý cái lối sống đó của tôi, cho nên hai đứa mới rủ nhau sớm thì cơm rang, chiều cơm tám giò chả, hết phố Huế đến Phú Gia, rồi Hàng Buồm. Rượu gì cũng uống từ bia hơi tới Mao Đài tửu, đến rượu sâm Triều Tiên.
Tôi và ông bạn nhà văn của tôi đang hưởng thú về cuộc sống có vẻ phiêu lưu giang hồ của mình rất là hiện sinh, thì một hôm, cậu chánh văn phòng của cơ quan rỉ tai bọn tôi: Này các cậu ăn xài làm sao mà công an nó theo dõi đấy!
Tôi ngơ ngác không biết họ theo dõi cái gì. Cậu chánh văn phòng cho biết rằng công an theo dõi tụi tôi là ai mà ăn xài tung hê như thế. Tụi tôi đặt nguyên cái bàn thường trực tiệm cơm tám gìò chả ở phố Huế. Tụi tôi quên rằng các cô mặc bờ-lu trắng toàn là nhân viên công an. Cho nên các cô xem số xe đạp của tụi tôi và biết tụi tôi ở hội nhà văn. Cậu chánh văn phòng phải giải thích cho họ nghe rằng tụi tôi là nhà văn độc thân viết được sách báo rất nhiều mà lại chẳng phải nuôi ai cả, cho nên tiêu xài như thế đó! Kể ra họ theo dõi cũng phải thôi vì người cán bộ bình thưòng ăn cơm chỉ 6 hào một ngày mà tụi tôi mỗi đứa ăn 2, 3 đồng một bữa, bảo sao nó không để ý ?…
Tôi kể xong câu chuyện cho Việt nghe rồi kết luận:
– Thì ra người ta không muốn cho mình sung sướng hơn người thường.
Việt nói:
– Cái đó không có văn kiện nào nói công khai hết, tuy nhiên,những sự việc đó làm cho mình nghĩ như vậy.
Việt lại cười và tiếp:
– Anh in được quyển tiểu thuyết đó rồi anh lấy tiền anh mua nhà, tậu ruộng; không phải là anh phá chánh sách hợp tác hoá nông thôn hay sao? Đảng đang chủ trưởng diệt địa chủ, trấn áp phú nông và kiềm chế trung nông cũ, hướng dẫn trung nông mới đi lên sản xuất tập thể mà anh mua nhà, tậu ruộng như vậy anh là địa chủ rồi!
Thấy tôi làm thinh, Việt lại nói tiếp:
– Anh đã thấy trường hợp của nhà văn PT và NCH đó. Cả 2 vị này sau khi xuất bản sách đã mua nhà tậu ruộng. Điều đó gây một luồng dư luận sôi nổi.
– Trong giới nhà văn đâu có dư luận gì xấu?
– Khô….ông! Trong giới lãnh đạo …
– Văn nghệ?
– Tôi nghe trong một cuộc họp Hội Đồng Chánh Phủ khi bàn đến đời sống dân chúng, các ổng có đề cập đến sinh hoạt của văn nghệ sĩ. Các ổng bảo là văn nghệ sĩ đang trên đường tư sản hoá. Các ổng nêu trường hợp của nhà văn NQS và anh là những nhà văn trẻ Miền Nam và cho rằng hai nhà văn nầy có sinh hoạt cao nhất ở Miền Bắc, hơn cả thủ tướng và bộ trưởng, vì hai nhà văn này không vợ con lại viết được nhiều sách, phim v.v… Các ổng bảo rằng đó là một hiện tượng không hay trong sinh hoạt xã hội chủ nghĩa, đại khái là một loại tư sản văn chương…!
Tôi cười nhạt:
– Nói vậy chẳng hoá ra trong chế độ xã hội chủ nghĩa của mình cái thiên đường của thế gian trong đó con người sẽ được ăn ngon mặc đẹp, sự sung sướng cá nhân là một điều tối kỵ hay sao?
Câu chuyện vừa đến đó thì Thu đến.
Thu nói ngay:
– Ở đây có bản, đi đổi đồ ăn được, anh ơi!
– Ai bảo?- Tôi hỏi ngay.
– Cậu Chân bảo mà! – Thu tiếp _ cậu ấy bảo rằng có cả lợn.
Tôi chợt nhớ ra trong ca cháo lúc nãy có mấy miếng thịt lợn.
Việt thêm vào:
– Tôi đã biết chuyện đó rồi. Tôi định chờ anh và Thu đến sẽ hợp tác với nhau đi đổi một chuyến, lớp ăn, lớp làm lương khô đi đường.
– Cậu định bao giờ đi? Đi mau đi mau!
– Anh đi được à?
– Tôi phải đi thôi.
– Tôi trông anh còn yếu lắm!
– Nhưng Thu đau chân, vả lại phụ nữ đi vào bản, có việc gì không đối phó được.
Việt biết ngay ý của tôi là ngăn chặn không cho Thu đi chung với Việt, cho nên y vội vã nói ngay:
– Nếu anh đi được thì còn gì bằng! Vậy Thu ở nhà coi đồ đạc, anh em mình đi, đi ngay đi!
Việt nhanh nhẩu trở về lều soạn đồ và quay lại với một mớ áo quần trên tay. Việt nói:
– Tôi định mang bộ đồ bà ba lụa về tới xứ Nam-Kỳ-Cuốc mặc chơi nhưng bây giờ thì những cái ý tốt như vậy đều nhường chỗ cho thịt heo cả.
Thu về soạn đồ và mang lại. Tôi cũng đem đồ theo rất nhiều, có thể nói là mang đi hầu hết ba-lô, kể cả đá lửa. Với cái lý thuyết phải ăn mới mạnh, tôi có ý định sẽ đổi tất cả số quần áo này với một giá bất cần để có cái ăn. Còn cái mặc thì còn cái quần tiều về tới nơi cũng tốt.
Công việc được quyết định và thực hành chớp nhoáng.
Thế là hai đứa tôi lên đường, y như là một cuộc phiêu lưu. Tôi và Việt đi vào trạm để hỏi đường đi nước bước.
Anh trạm trưởng bảo vắn tắt:
– Các anh cứ đi cặp bờ suối này ngược lên mãi, cứ đi mãi là đụng bản. Ở cái bản này cũng có nhiều đoàn đi qua đây, ghé lại đổi chác cho nên họ khôn lắm mình khó lòng gạt họ được như trước đây.
– Cái áo này đổi được cái gì? – Tôi hỏi.
– Tôi cũng không rõ. Tùy cơ ứng biến thôi, nhưng nên nhớ rằng họ biết hỏi tới đồng hồ Wyler và Printania đấy nhé.
Rồi chúng tôi đi.
(xem tiếp tại
Đánh máy: Lê Thy
No comments:
Post a Comment