Saturday, July 01, 2023

XUÂN VŨ - MẠNG NGƯỜI LÁ RỤNG - 5


Đêm xuống nặng nề ảm đạm đến chết người. Chúng tôi đã xa Hà Nội ngót bốn mươi ngày. Cứ hễ đêm đến là sự sợ hãi tăng lên. Bởi vì đêm thường có chuyện bất ngờ mà chẳng làm sao đối phó được.

Và đêm nay chúng tôi đụng phải sự bất ngờ đó. Vào lúc gần nửa đêm, Họa sĩ Núi bỗng nhiên ngâm thơ:

Đường đá chập chồng đồi cao thấp
Núi vẫn đôi mà anh thiếu… em!

Tôi đang thức trăn trở vì cái dạ dày đồng khởi. Có lẽ vì mấy cục thịt khỉ ngoan cố chăng. Đau thì cắn răng chịu chứ không kêu ai mà cúng không có thuốc. Còn mấy chục viên át-pi-rìn nhưng không dám uống, sợ hết, khi cần chính nó thì lại không có. Tham thực cực thân, quả có đúng !

Tôi đâm ra hối hận vì đã nuốt càn ba cái thịt con khỉ chết oan. Nhưng ai lại có thể tự chế mình trong một tình huống như vậy ? ..

Tôi nằm nhìn dãy gà mèn mập mờ ngoài lều, trong đó nằm yên giấc ngàn thu những cái xương khi đã được cụ Hoàng ta gọt rửa sạch những gân và thịt còn sót ở những đầu xương. Cụ ta hăng hái tuyên bố nấu cao vậy thôi chứ thực cự thì chắc không ai có đủ kiên nhẫn và có sức nấu. Phải hai ba ngày đêm liền chi đó thì mới có thể biến mớ xương này tan ra nước chứ đâu phải như nấu cơm nấu cháo. Rồi còn phải pha chế nó mới thành cao… khỉ!

Đang nằm suy tính tìm sáng kiến giúp cụ Hoàng thì nghe ông họa sĩ trẻ ngâm thơ. Giọng ngâm khá hay, nó uốn éo ngắt quang rất đúng điệu và lại đúng chữ nữa. Đặc biệt lại có một sự chơi chữ đầy ý nghĩa trong câu cuối "Núi" vẫn "Đôi." Đôi là người yêu của Núi. Có lẽ hai câu thơ này chàng ta đã làm để tặng người yêu, nhưng sao lại "thiếu em?"

Như vậy chắc Núi ứng khẩu ngâm lên.

Nghĩ đến đây, tôi rùng mình. Thằng bé này sắp theo ông theo bà đây! Tôi nghĩ vậy vì lúc còn đi chung với Năm Cà Dom, anh ta có nói cho tôi biết đại khái về sốt ác tính. Đặc tính của nó là bệnh nhân nóng đến phát khùng và nói nhảm. Chỉ trong vòng từ ba đến năm ngày thì ác bệnh nhân bị vi trùng đột nhập. Có khi nằm liệt câm luôn rồi chết nhưng cũng có khi nói năng tỉnh táo như người thường. Tình trạng này rất ít xảy ra nhưng hễ xảy ra thì chắc chết. Người bị sốt ác tính ít khi sống sót, nếu có thì cũng trở thành phế nhân. Chứng bịnh ngặt nghèo này vừa mới thấy xuất hiện ở núi rừng, hiện ở Hà Nội người ta đang nghiên cứu cho nên chưa có cách chữa trị hiệu quả. Cách tốt nhất là làm cho bệnh nhân xuống nhiệt độ. Nhưng đó là nói chuyện ở Hà Nội, trong các bệnh viện cơ, còn ở đây lấy gì ?

B12 của Phẩm đem ra cho tụi này có thể giúp Núi khá lên lắm nhưng lại không có kim và ống chích. Chẳng lẽ lại đập ra mà uống ư?

Bên lều của Núi, tiếng ngâm thơ lại lè nhè:

Anh muốn đưa em đến cổng trường
Cho đời em hiểu nghĩa yêu đương
Ngờ đâu sóng gió đời tôi đã
Giam hãm thân trong bốn mảnh tường.

Trời đất, y như người khỏe. Nó còn nhớ thơ Tố Hữu, bài Tặng Nàng Trinh Nữ. Trong đêm tối mịt mùng, giữa rừng sâu câm lặng, tôi tưởng như nghe tiếng tình yêu. Tôi đập võng quát:

– Núi ! Núi !

-…

– Núi, Núi ! Ngủ đi ! Khát nước không?

Biết chăng em hỡi lòng anh hận
Anh đã. . . chẳng đưa em đến cổng trường

Nó lại ngâm tiếp nhưng lần này lại sai một chữ. Có lẽ vỏ não của nó bi vi trùng tấn công nên hư hỏng rồi. Nó chỉ còn như cái máy ghi âm cũ được quay lại được khúc nào hay khúc ấy, cho nên không phản ứng với những câu hỏi của tôi.

Tôi cố trắc nghiệm thêm:

– Mày có muốn uống cao khi không Núi ? Mày có định sáng mai hành quân không Núi?

Lần này nó không ngâm thơ nữa, cũng không ư e. Tôi sợ quá bèn đập võng kêu Hoàng nhạc sĩ.

– Anh Bảy ? Anh Bảy ! Anh có nghe không ?

– Có, tao nghe tự nãy giờ.

– Làm sao anh?

– Còn biết làm sao ! -Một chốc- Để sáng coi chứ bây giờ thì chịu thôi. Không có cách gì !

Cả hai nằm chờ sáng để xem cái chết đến với bệnh nhân chứ chẳng phải để chữa chạy bệnh tật.

Tôi không có trách nhiệm gì với Núi. Tôi cũng chỉ là một kẻ vượt Trường Sơn bi bỏ rơi như nó. Những thằng bi bỏ rơi tự dán ghép lại với nhau bằng một thứ hồ đặc biệt muốn dính bao lâu thì dính, muốn rã lúc nào thì rã như đối với một tên đồng hành tôi đã kể ở trên kia.

Núi vẫn Đôi anh thiếu em !

Câu thơ đó có thể là lời trăn trối của nó ! Tôi đang miên man suy nghĩ thì bỗng đâu trời gầm to làm tôi giật mình suýt bật ra khỏi võng. .

Chớp nhoáng nhì nhằng một chập rồi mưa đổ như trút ở vùng này mưa thường đến nhanh, to và kéo dài. Có lẽ hơi nước từ biển Đông trôi lên đây bi núi chặn lại và rơi xuống thành mưa, không phải châu du đi đâu, nên giọt mưa hơi mặn mặn.

Tôi ngồi bật dậy và bước xuống đất giật ngay mấy sợi dây căng lều rồi ôm ba lô ngồi lên.võng trùm chiếc lều lên. Đó là kinh nghiệm chống mưa đêm trên đường này. Nếu không mở lều thì gió sẽ giật đứt hết các góc buộc dây căng, có thể nó bi xé toạc ra làm nhiều mảnh. (Vài đứa trong đoàn đã bi rồi. Chúng nó phải dùng kim chỉ vá víu bậy bạ xài đỡ). Cái kinh nghiệm này cũng đắt giá như kinh nghiệm chặt của người đi biển khi gặp gió to có thể lật úp thuyền.

Nếu không mở lều cứ nằm võng thì càng bị ướt và lều bị xé nát, còn trùm kiểu này thì cũng ướt nhưng ướt ít hơn và chắc chắn không bi hư hao tài sản. Ngoài ra chiếc ba lô cũng như chủ nó sẽ khỏi dầm mưa. Ba lô mà ướt thì sáng mai hành quân chủ nó sẽ mang nó như "đeo đá" trên lưng vậy.

Tôi ngồi trên võng với chiếc lều phủ kín mà nghe mưa nện trên đầu như những ngón tay gõ loạn trên phím dương cầm. Nhưng sự hưởng lạc đó không kéo dài được bao lâu: Nước mưa từ hai đầu võng trút xuống đáy võng. Vì võng kaki nên nước đọng lại và dâng lên dần, Số nước chảy ra chậm hơn số nước xuống cho nên nửa người tôi bị ngâm trong nước. Lâu lâu tôi phải đè mép võng nghiêng qua để trút nước ra. Đó là một cách chống úng của dân Trường Sơn bắt chước theo kiểu hợp tác xã "nghiêng đồng đổ nước thay trời làm mưa" do báo Đảng phổ biến.

Chống úng như vậy không nhớ được mấy lần thì trời tạnh. Tôi mừng quá tốc tấm ni lông ra, bước xuống đất, vừa mắc chiếc ba lô lên đầu võng vừa hỏi:

– Anh Bảy có ướt không? – Tôi ngó bốn bề thì thấy nhiều chiếc lều bị gió lật, có cái bị tốc hẳn treo trên nhánh cây, có chiếc một đầu thì chụp lên võng một đầu lại còn treo trên cành cây giống như chiếc xuồng chìm còn nghếch mũi lên. Té ra không có mấy người rút kinh nghiệm như tôi. Cũng có thể họ biết nhưng họ lười, cứ năm lỳ ra, tới đâu hay đó. Nhất định là họ bị ngâm trong cái võng nước như con mắm sống. Tiếng "mắm" trong ý nghĩ làm cho tôi nhớ đến cách làm hạ nhiệt độ của ông Tôn Thất Tùng trước khi đưa bệnh nhân lên bàn mổ.

Và tôi nghĩ tới thằng Núi. Tôi vội vàng bước sang với ý nghĩ hãi hùng: Nó đã chết trong cơn mưa đêm qua.

Tấm tư ni lông nâu của nó đứt cả dây căng một bên che bít cả chiếc võng. Tôi buộc căng lại và nhìn nó. Các bạn hãy tưởng tượng cảnh vật nào hiện ra trước mắt tôi. Thằng Núi nhắm tít đôi mắt. Và cả người nó ngâm trong nước. Chiếc võng kaki hữu nghị không biết của nước bạn nào tặng, vải thật tất. Nước mưa không rỉ ra được nhiều, cho nên nó như nằm trong chiếc xuồng nước ngập lé đé đến be.

Tôi sờ đầu nó và kêu thét lên:

– Anh Bảy! Anh Bảy ! Thằng Nú…úi!!

Ngữ tốc lều chạy sang, Hoàng vọt tới. Thằng bé chỉ còn thoi thóp thở. Chúng tôi nhìn nhau. Tót sờ trán sờ ngực nó lần nữa. Như tìm được một phát minh mới, tôi nói:

– Nhiệt độ nó xuống rồi. Sờ coi !

Ba bàn tay chìa vào mình vào đầu Núi:

– À à nó nguội bộn !

– Chắc bình thường rồi !

– Coi chừng nhiệt độ xuống quá thấp lại phải hơ lửa cho coi!

Chúng tôi bàn luận oang oang rồi đi đến kết luận khá rõ rệt là nhờ ơn Trời mưa móc nên thằng nhỏ đã xuống nhiệt độ rất nhiều. Nhưng vẫn còn mê man, gọi không thưa, cũng không mở mắt.

Chúng tôi cứ để cho hắn tắm biển nước mưa như thế.

Cái cục nợ thứ hai là Thu. Thu trông bèo nhèo như cơn gà té mương. Lúc nào cũng rên rẩm xuýt xoa cái chân đau. Bây giờ lại càng thê thảm.Lều của Thu rách toạc một góc. Đây là một vấn đề. Vá thì không có chất liệu để vá, còn buộc túm góc thì cái lều không thành cái lều như trước nữa.

Dù sao ban ngày thì phải cuốn lều và võng. Bữa nay thì phải phơi võng cho khô để tối ngủ. Rồi còn cái ba lô nữa. Tuy được bảo vệ kỹ lưỡng như thế nhưng không còn một vật gì khô. Áo quần, chăn màn phải lôi ra cả tìm nơi kín đáo mà căng ra, trông như những cửa hàng chợ trời trình bày của quí. Tất cả khách đều làm y một kiểu cho nên cái chợ trời kéo dài cả cây số.

Ai có món gì muốn giấu cũng phải xổ hết bầu tâm sự hết ra cho người khác xem. Nếu cái ba-lô là tâm tư của mỗi người thì mỗi lần mưa trời đều bắt những người Trường Sơn này phản tỉnh, phản tỉnh một cách thật thà, muốn che giấu cũng không che giấu được.

Không có món gì khô và không có món gì còn nguyên, cũng như tư tưởng và tình cảm con người. Tất cả đều rã bèng – từ những lưỡi dao cạo râu tới những trang ký sự viết lỡ dở, từ những mớ bông gòn tới những viên ký-nín trong túi thuốc cá nhân được bọc ni lông hai lần. Tội nghiệp chiếc máy ảnh mà tôi đã mang trên lưng lâu nay đã tróc hư, nay càng hư tróc. Các thứ đều phải được phơi khô trước khi tôi dồn chúng trở vào cái "bao tử trâu".

Qua một đêm mưa, con người già hẳn lên. Tôi nghe như có tóc bạc và nhìn Hoàng nhạc sĩ tôi thấy tóc anh ta như bạc hơn nhiều.

Tôi nói:

– Thế này thì mai làm sao hành quân anh Bảy!

Hoàng Việt hiểu tôi muốn nói gì, nên lắc đầu:

– Cứ giữ "nguyên tắc" cũ thôi.

– Bỏ nó lại đây thì nó chết mất !

– Vậy làm sao bây giờ ?

– Nó có mạnh thì cũng hai tuần lễ mới leo núi dược, ấy là nói trường hợp nó được bồi dưỡng, còn như tình trạng hiện giờ thì có hai tháng nó cũng chưa lại sức. Ngược lại càng sụp xuống thêm. Nói tới đó, tôi thấy càng đau khổ.

Những đồ vật bi ướt không đáng kể, cái vật đáng kể nhất là ruột tượng gạo. Gạo còn có một nửa ruột tượng bị ngâm nước suốt đêm, bây giờ lấy tay bóp đã thành bột. Cố phơi nắng để cứu vãn tình thế nhưng không kết quả.

Ngữ là tay hay chế biến thức ăn, nên đề ra một kết hoạch cấp tốc để giải quyết mớ gạo mắc mưa kia. Bọc từng nắm vào ni lông dùng đá đập cho nát ra rồi phơi để dự trữ. Chỉ có cách đó mới giữ được lâu, băng không thì phải ăn cho hết ngay, nếu để tới ngày mai nó sẽ sình và phải bỏ.

Thế là mỗi một người đều biến thành một cái nhà máy xay bột mà số lượng bột được sản xuất chưa được hai cân.

Nhưng trong lúc thi hành ý kiến của Ngữ thì có người gặp khó khăn. Ông nhạc sĩ đổ số một về dương cầm và sáng tác ở Bungai tưởng hòn đá cũng nhẹ nhàng như ngón dương cầm của chàng nên bọc gạo vào mảnh ni-lông dùng làm áo đi mưa rồi phệnh cật lực một nhát. Ni- lông vỡ, gạo tóe ra. Ông nhạc sĩ nổi doá nói mát:

– Ê nè Ngữ, mày đem cái sáng kiến của mày thi đua với các sáng kiến của nhà máy dệt kim 8 tháng 3 được đấy!

– Sao thế hả?

– Ngó đây nè, đổ mẹ nó cả chén gạo lộn với đất, sỏi làm sao lượm lên ?

– Nện khẽ thôi bố!

– Nện khẽ cũng không được đâu. Mày bọc gạo bằng cái giống gì đó?

– Bằng ống quần !

– Cái thằng! Sao không phổ biến cho người ta với .

– Tự động thay đổi kế hoạch lấy chứ ai biết ông cần gì.

– Thủng mẹ nó cái áo mưa của tao rồi !

Thế là mọi người thất kinh, bên bỏ ni lông xoay qua kế hoạch dùng ống quần làm "cối" để giã gạo.

Gạo giã nát xong rồi, tôi và Hoàng vốn vụng về nên chỉ biết đem ra phơi khô, riêng Ngữ thì nhồi thành bánh rồi thái ra như con phở, còn Thu thì tay mềm thân yếu lại khuấy hồ bỏ tí đường cát, cái mớ đường mà mỗi đứa được phát cho hai lạng rưỡi khi xuất phát. Tôi và Hoàng đã gần hết từ lâu, nhưng Thu thì còn đến những nửa hộp. Cũng may Thu đựng nó trong hộp, nếu không thì cũng đã tiêu ra nước… đường rồi.

Thu hơi ngại vì mình còn được cái của quý đó. Chẳng có lẽ tình đồng chí đồng đội đồng hành đồng bệnh ngọt ngào trong các bài học ở trường đi B như vậy mà trong tình hình thiếu chất ngọt này, nó lại đâm ra nhạt phèo. Thấy Thu không được tự nhiên khi giở nắp hộp ra xúc tí đường cho vào nắp gà mèn khuấy khuấy, tôi nói:

– Thu cất cho kỹ để bồi dưỡng cái chân. Tụi anh chân cẳng khỏe cả, không cần đường!

Kỳ thực thì nghe mùi đường phảng phất tí ti trong không khí tôi thèm phát khóc lên được. Mấy hạt đường của mẻ hồ làm ta nhớ đến cái ba lô của tháng họa sĩ trẻ.

Tôi nói với Ngữ:

– Cậu có rỗi phơi đồ đùm cho nó chút !

– Vâng, để em xong việc của em đã!

– Cậu xem nó còn đường khuấy cho nó tí.

– Nó không có đường đâu anh ạ !

– Tại sao vậy?

– Khi lãnh xong nó gởi về cho gia đình vợ chưa cưới của nó !

– Trời đất!

– Nó nghĩ và nó khỏe như vâm, cày hợp tác xã nó kéo còn nổi mà anh. Em cũng vậy, em đâu có ngờ vô đây sức khỏe tiêu tán nhanh đến thế!

Cái hiệu phở của Ngữ làm mọi người tiếc ngẩn tiếc ngơ: Nếu còn tí nước hầm con khỉ gió thì hay quá. Hôm qua lại chê đem đổ hết, chi ăn cái xác. Bây giờ cần để làm nước dùng nấu phở thì không còn chút nào. Thế mới biết cái gì cũng có thời thế của nó, dùng sai chỗ không bật giá trị lên được như cái anh nhạc sĩ tài hoa kia…

Đi vô con đường này anh ta chửi đổng toàn gamme majeure với dấu biến thượng. Nhiều lúc leo mệt quá, anh quát:

– Ê, tụi bây nói với giao liên đằng trước đi chậm chậm nghe. Con người không phải là máy, không phải là thú vật ! Địt mẹ chứng nó, đi đứng gì như thế này !

Nhìn ông nhạc si ngồi bên gốc cây cặm cụi vá tấm tămg bị gió giật rách đêm qua tôi hết biết nói sao. Tôi kiếm chuyện đùa:

– Bây giờ mà rủi gặp chi Bảy ở đây thì làm sao anh Bảy?

Hoàng nhạc sĩ cười giọng Tenor một tràng dài tưởng chừng vô tận. Rồi nói:

– May chứ sao lại rủi, chú e…em!

– Còn thấy đường xỏ chỉ không?

Hoàng nhạc sĩ giơ cây kim lên rồi cười:

– Mới sốt dăm cơn mà nhìn cái gì cũng vàng khè.

– Vấn đề không phải là vàng hay trắng mà là có xe chỉ luồn kim được không?

– Cũng tạm được chớ! Hớ! Hớ hớ ớ!

– Vá rồi đi ăn phở khi nghe ! Thằng Ngữ nấu gần xong rồi .

– Mẹ ! Cái món phở này, hiệu Tư Lùn cá thể ở ga Hàng Cỏ nghe qua cũng chạy tét.

– Nè, rồi cái vụ nấu cao của anh có tính thực hiện không? ?

– Thực hiện chớ! – Hoạng ngó về phía mấy cái gà mèn còn treo đó – Để tao trút ra phơi rồi mang tới trạm tao nấu cho mày coi.

– Ừ để rồi coi.

Bỗng thằng Núi rên lên làm mọi người giật mình. Nó còn nói rõ từng tiếng:

– Khát nước !

Cả thằng Ngữ lẫn tôi đều đứng bật lên và chạy lại. Trời đất ơi ! Thằng nhỏ đã mở mắt. Trời cứu nó rồi. Mi mắt nó chớp chớp. Đôi môi nó mấp máy. Tiếng nó thều thào:

– Uống nước !

Ngữ chụp lấy chiếc bi đông trên đầu võng lắc lắc, nghe còn tí nước, Ngữ mở nút kê miệng bi đông vào mồm Núi khe khẽ rót.

Núi thở khì một tiếng rồi nhắm mắt. Tôi hoảng vía, vì nghĩ là nó hồi dương một chút rồi đi luôn. Ngữ vừa đậy nắp bi đông vừa hỏi:

– Mày uống nữa thôi Núi ?

Mi mắt Núi động đậy rất khẽ.

– Nè, nước nè, nghe không?

Mi mắt Núi lại động đậy như trước. Môi nó hé mở.

Ngữ nghiêng bi đông rót nhẹ và hỏi:

– Nữa thôi ?

Núi ngậm miệng lại. Ngữ lại hỏi:

. Mày có lạnh không?

Núi không đáp.

– Mày biết ai đây không?

Núi cũng không đáp.

Chúng tôi bàn đến việc thay quần áo cho Núi, nhưng câu chuyện không ngã ngũ. Tôi là kẻ đã từng trông thấy tận mắt mấy bệnh nhân được Bác sĩ Tùng hạ nhiệt độ bằng cách cho vô bồn nước đá, tôi cho là nhờ bi ngâm trong võng nước mưa mà Núi tỉnh dậy tí ti và nhiệt độ thì không cao hãi hùng như hôm qua – Nhiệt độ vừa mới xuống, nếu bệnh nhân thay đổi môi trường, nó có thể lên cao trở lại.

Nhưng Ngữ và Hoàng thì cho là nếu để Núi nằm trong sự ướt át, cá võng lẫn quần áo, và dưới nắng như thế sẽ bi cảm dễ dàng nhất là cơ thể của Núi đang kém sức đề kháng.

Cuối cùng phe Ngữ thắng thế. Hai người thay quần áo cho Núi với sự vắng mật có hạn đinh của Thu.

Núi là người đã vẽ Thu nhiều nhất trên đường này. Hai bên tỏ ra rất yêu nghệ thuật hội họa.

(xem tiếp tại đây)
Đánh máy: Lê Thy


No comments: