– 7-
Người đánh máy: Lê Thy
Nghĩ quanh nghĩ quẩn mãi rồi cũng không thoát khỏi cái cực hình kéo dài không biết bao giờ chấm dứt: đó là ĐI. Phải đi! Và đi tới nghĩa là không thể lùi lại.
Dù sao thì cũng phải đi. Mà đi bằng cặp chân và cây gậy sau những cơn sốt và nằm ngoài mưa, kể ra cũng không phải là chuyện vui.
Nằm mà nhìn cảnh vật thì trông thấy cái cây, sườn núi cái gì cũng nghiêng như sắp đổ. Còn ngồi mà nhìn thì thấy nó xoay vần. Cây cối và sườn núi như cứ chạy quanh như vây chặt lấy mình.
Mắt tôi quen nhìn cái đầu võng của Thu. Ở trên đó có cái chân đau của Thu gác lên với những băng bó trắng xoá. Màu trắng gây thêm cảm giác buồn của thương tật.
Đôi khi Thu nằm nghiêng qua một bên, tóc xoả xuống chấm đất, như một hình ảnh trữ tình gợi ý thơ. Nhưng thú thật là tóc của Thu, hay gì gì đi nữa cũng không có thể kích động trong tôi một thứ tình cảm gì. Cũng như tôi, cái thân xác hiện tại của tôi chán chường ra trước mặt mọi người, nhưng đâu có gợi lên cho ai một thứ xúc động nào, kể cả sự thương hại. Bằng chứng là hôm nọ hai người nào đó đã cho rằng tôi chết, nhưng cuối cùng họ không thèm đến nhìn mặt tôi và bỏ ra đi như rời một tảng đá, một gốc cây mục.
Mấy hôm rày Thu buồn lắm. Thu đặt vấn đề xin trở về Hà Nội hẳn hoi. Tôi biết vậy nhưng tôi không an ủi nàng bởi vì cái gì to lớn nhất đã vỡ tan rồi.. Nỗi buồn lan ra từ đó.
Có lẽ Thu buồn nhất vì thấy sắc đẹp của mình tan biến đi một cách quá chóng vánh.
Tôi càng sợ soi gương bao nhiêu thì Thu lại soi gương thường bấy nhiêu. Tôi để ý lúc nào Thu cũng nâng chiếc gương lên trước mặt hoặc vuốt sửa tóc hoặc nặn một nốt mụn, hoặc xoa xoa những vết thâm vừa xuất hiện trên gương mặt. Tôi biết Thu thở dài luôn. Có một hôm Thu tưởng tôi ngủ cho nên cô xăn quần lên quá hai đầu gối rồi đưa tay vuốt ve đôi đùi của cô. Đôi chân của Thu cũng như đôi chân của Phương, tôi từng nhìn ngắm, là đôi cánh thiên thần của người diễn viên ca múa. Họ bay bổng lên là nhờ đôi chân.
Nhưng giờ đây chân của họ như đôi cánh cụt, lông lá xơ xác không thể cất lên nổi nữa. Huống chi chân Thu bị sưng và mưng mủ ra thế kia. Thu hết mong ngày vinh quang đến với Thu rồi. Một lần Thu đã tỏ sự đau khổ đó ra cho tôi nghe. Thu bảo rằng: vũ nhờ có cái cổ chân để xoay như cái trục vậy, nhưng giờ đây cái máy xoay đã hỏng rồi, có chửa cũng không như cũ được.
Tôi với Thu bây giờ như hai cây sậy đứng giữa mưa gió, không bên nào có thể tựa vào bên nào và chỉ chờ ngày ngã xuống – tệ hơn cả anh mù và anh què trong bài học thuộc lòng lớp đồng ấu. Họ còn có thể "hợp tác" công sức của họ với nhau, người nầy dùng mắt người kia, người kia nhờ chân người nầy. Còn chúng tôi hoàn toàn không nương tựa vào nhau được.
Thấy Thu nằm im lìm, tôi cất tiếng gọi. Cứ như thói quen, Thu nghe tôi gọi thì in như là chỉ để cho Thu hay rằng tôi sắp sửa sốt và sắp sửa nhờ Thu làm một việc gì, cho nên Thu hỏi lại ngay:
– Anh lại sắp sốt phải không?
– Không, chắc qua giờ đó rồi.
– Cha chả! Anh dứt cơn sốt được hôm nay nữa là hai hôm rồi. Như vậy là mai lên đường…
– Chân em như thế nào mà đòi đi?
– Ở mà chờ cho lành có mà hết cuối năm.
– Chân như thế mà đi thế nào? Đường có tráng nhựa như đường Trần Hưng Đạo đâu.
– Đừng có nhắc cái gì của Hà Nội cả, đừng có nhắc. Em van anh nếu anh muốn em đi tiếp đường này thì anh đừng có nhắc cái gì của Hà Nội cả, ngay cả hai tiếng Hà Nội cũng không nhắc. Em không muốn gợi lại những kỷ niệm của Hà Nội, em muốn như Hà Nội là một thành phố không có quan hệ gì với em cả, như Hà Nội không có trong đời sống của em.
– Tại sao vậy?
– Vì nếu nhắc đến Hà Nội, em sẽ quay lại tức khắc! Tức khắc, ngay bây giờ! Em không cần gì tất cả, ngoài Hà Nội.
Rồi Thu ôm mặt khóc nức nở, càng não lòng. Những ý nghĩa và tình cảm của Thu tuy không giống của tôi, nhưng những tình cảm ấy vẫn làm cho tôi suy đồi thêm. Hà Nội đối với tôi không phải là không gắn bó, không kỷ niệm, nhưng có lẽ nó ở lại sau lưng tôi rồi. Trước mặt tôi là Saigon, là Mỹ Tho, là bờ dừa, thửa ruộng thân yêu của tôi.
Dù quê hương tôi có nghèo nàn, hay không có những kỷ niệm tốt đẹp đối với tôi chăng nữa, và tôi ra đi vì những lý do gì đi chăng nữa, thì tôi cũng mong mỏi ngày về. Tôi phải về, tôi không thể nào trở lại. Dù trong lòng tôi có não nề, dù thân xác tôi có rã rời, tôi cũng phải về. Dù có chết tôi phải chết ở nơi gần Saigon nhất.
Tôi gượng gạo nói với Thu, một cách giả dối lộ hẳn ra:
– Em càng yêu Hà Nội thì em càng phải đi Miền Nam. Con đường vinh quang dắt em về Hà Nội là con đường em đang đi đây. Nó sẽ vạch qua Miền Nam Giải Phóng và đưa em về Hà Nội.
Thu phá lên cười quái đản. Giọng cười vừa chế nhạo vừa chán ngán làm cho tôi như bị một cơn gió độc lướt qua. Tôi biết mình nói không thật, không lừa nổi người khác, mong chi lừa được chính mình.
Thu nói:
– Anh có dám lập lại những lời anh vừa nói đó không?
– Để làm gì vậy? Em không nghe rõ sao?
– Em nghe rõ lắm chứ!
– Thế thì anh đâu phải uổng công.
– Anh lập lại để anh nghe.
Tôi lặng thinh, tôi thấy hơi xấu hổ. Tôi nói:
– Đối với anh thì anh phải về Nam em ạ. Anh nghĩ em cũng thế thôi!
– Không! – Thu ngồi bật hẳn dậy – đối với anh khác, đối với em khác chứ! – Thu nhìn quanh quất xem có ai không. Thấy chiếc võng mắc chung quanh đều im lìm, Thu tiếp – Tôi đối với Hà Nội khác anh đối với Hà Nội. Anh với Saigon khác tôi với Saigon. Đành là tổ quốc quê hương, nhưng mỗi con người đều mang trong tim mình một cái gì riêng tư và độc nhất. Tôi ví dụ như ở quê anh có bờ sông, ở quê tôi cũng có, bờ sông Hồng chẳng hạn, nhưng nó không bao giờ giống sông Cửu Long trong anh. Đứng về mặt địa dư, nếu có giống chăng đi nữa, thì dưới mắt anh, dưới mắt tôi, con sông Hồng tuy là một nhưng vẫn cứ là hai vì mắt anh nhìn nó, anh xúc động khác tôi, còn tôi trông thấy nó hằng ngày với phù sa trôi theo sông, với mùa nước lên nước xuống với những kỷ niệm vui buồn của riêng tôi, không giống với ai. Có người nói: "người ta không đi xa quê hương được vì tiếng chim kêu ở đầu rào".
Chính vì thế, anh ạ, mà anh bôn ba về Nam, còn em thì đến chặng đường này, em có những ý nghĩ kỳ lạ…
Thu ngưng lại một giây rồi tiếp ngay:
– Anh nghĩ lại xem, em xin lỗi anh nhé, có phải vì lý tưởng cao siêu mà anh đi về Nam, hay chỉ vì tiếng chim kêu ở đầu rào? Em không phải là đảng viên, cho nên có thể em suy nghĩ lệch lạc…
Tôi ngồi lặng người ra, càng ngạc nhiên về những tình cảm sâu đậm đối với quê hương và sự thông minh của cô gái.
Tôi hỏi Thu:
– Nhưng bây giờ em định thế nào?
– Định thế nào?
– Nghĩa là…
– Em biết anh muốn hỏi em gì rồi – Thu tiếp – Nghĩa là anh muốn hỏi em có đi Miền Nam không chứ gì? Em thú thật với anh rằng em thấy khổ tâm . Vào đó để làm gì? Để ca múa. Em thì chỉ làm được có mỗi việc múa thôi! Không múa được thì em vào đó để nấu cơm à? Miền Nam có cả chị Ba Định tài giỏi như thế, chẳng lẽ lại thiếu người nấu cơm?
Tôi cười không nói được gì.
Thu tiếp:
– Anh xem cái chân của em đây. Bây giờ nó đã thế này vào đến đó thì nó sẽ ra sao? Em đã thành con chim chỉ còn có một cánh thôi anh ạ!
Mặc dù ngồi hơi xa, nhưng vẫn trông thấy những hạt nước mắt long lanh trên khoé mắt Thu. Thu khóc là phải, bởi sự nghiệp của Thu xem như bắt đầu mỏng manh, xám xịt.
Tôi nói:
– Nhưng em trở về sao được? Em thấy từ hôm mình đi đến nay chỉ thấy người ta toàn vào, chứ có ai trở ra đâu? Thời buổi này ai lại đi ra?
– Người nào cũng có lý do. Em cũng có lý do của em.
– Nhưng không ổn đâu em ạ!
– Sao? Anh nói thế nào?
– Giao liên họ đâu có dẫn em đi trở ra.
– Anh đã thấy vấn đề chân cẳng của Phương và của các em từ khi đi được vài hôm. Hồi còn đi chung, đêm nào anh cũng lén đoàn đi ra suối tìm chỗ vắng và nấu nước đổ xuống một cái trũng đã lót sẵn vải ni-lông để cho Phương ngâm chân, có khi phải ngâm cả giờ đồng hồ. Chân dày chân dép đã quen từ bé đến lớn, giờ bỗng nhiên mang dép râu, leo vách đá, làm sao sống được. Ngâm nước nóng cho máu mau tan ra, chứ không nó sưng vù lên như hai cái bánh bò. Nhờ vậy mà Phương ráng đi tới chỗ rẽ xuống Khu 5.
Đêm nào Phương cũng khóc. Anh cố lờ đi, hoặc đôi khi anh phát cáu la ầm lên. Anh bảo đi làm cách mạng thì phải chịu cực khổ chớ phải ở nhà với má hay sao mà sướng được?
Phương đã trả lời ngay: "Em cũng biết làm cách mạng là khổ thật, nhưng cái khổ nầy là cái khổ vô lý, thà bắt em đi tù, em còn sướng hơn vì ở tù là mất tự do nhưng mình biết trước như thế cho nên khi mình mất tự do thì mình không lấy gì làm khổ. Còn cái này mình đi giải phóng Miền Nam mà rốt cuộc mình không làm gì được hết, thậm chí chỉ thêm gánh nặng cho người ta, thử hỏi cái việc đi vô Nam của mình có ích gì?
Đem cặp chân diễn viên múa mà trèo núi thì em nghĩ không có gì vô lý hơn!
Đêm nào anh nấu nước cho Phương ngâm chân, Phương cũng phàn nàn, càng ngày càng nặng lời và day dứt hơn.
Một hôm Phương nói thẳng ra rằng, nếu dè như thế này thì Phương đã không đi. Phương đã nói rất thực lòng. Và đó chính là nỗi lòng của hằng vạn người trên đường này. Nếu biết thế này thì chắc chắn không ai đi. Thà ở lại miền Bắc làm tên cán bộ mất tinh thần, làm tên lính đào ngũ còn hơn.
Tôi hỏi Thu:
– Nếu người ta không đưa Thu trở lại thì sao?
– Ai biết đâu được!
– Phải dự phòng chứ!
– Ở cái xứ này không thể dự phòng cái gì hết. Đang khi tưởng nắng to, mình đi giặt quần ao, thì ùn ùn trời đổ mưa. Đang khi mình tưởng mình sắp sửa ăn một bữa cơm ngon thì lại đổ kềnh ra sốt rét, cũng như biết đâu chốc nữa máy bay chẳng đến rải chất độc xuống vùng nầy?
– Thôi bây giờ đề nghị thế này nhé.
– Anh cứ nói xem.
– Mình cứ vô trạm.
– Vô thế nào được? Trước nhất mình phải biết đường.
– Cái đó thì không lo. Hai hôm nay anh đã chú ý lối ra vào của nó rồi. Ở phía bờ suối có một tảng đá, bước lên tảng đá thì đụng nhằm một nhánh cây ngã ngang rào đường. Giở nhánh cây đó chui qua sẽ thấy một con đường mòn, cứ theo đường đó thì đến trạm.
Thu hỏi vặn:
– Nhưng vào để làm gì?
– Để kiếm một tí thức ăn, thịt rừng chẳng hạn và một mái nhà để núp mưa!
– Anh không biết là họ rất kỵ khách vô trạm họ sao?
Tôi cười:
– Khách cũng tùy. Có loại khách họ rất kỵ, nhưng cũng có loại chúng nó cầu cạnh rước vào nhà mà nuôi như cu cu!
– Anh giỏi có suy luận thôi!
– Anh thực tế lắm em chớ em! – Tôi nói tiếp – Bây giờ như thế này nhé, vào trạm lúc này thân tàn thì dù có cái giấy "A" cũng bị trạm nó tống ra ngoài như thường. Vậy bây giờ chỉ có em vào được.
– Eo ơi! Em sợ đi một mình lắm! Em sợ những cái gì mới lạ huống chi là giữa rừng núi hoang vu này mà em phải đi một mình.
– Ấy! Em sao hay lo xa quá! Anh không bảo em đi một mình đâu. Em đi trước chừng vài ba bước thôi, rồi anh đi theo liền. Nếu anh đi trước thò cái mặt vàng ẽo của anh ra thì nó xua đi ngay. Cho nên em phải đi trước…Hì hì em rõ chưa?
– Nhưng em đâu có giấy tờ mà trình?
– Cần gì! Em sao ngây ghơ qua vậy? Nó trông thấy em thì nó quên tất cả giấy tờ rồi.
– Em chịu thôi! – Thu phụng phịu – Ai làm kỳ cục vậy.
– Có gì mà kỳ cục? Em cứ vào, nó thấy chân em đau, tự nhiên nó xúc động, nó thương hại cô văn công chân yếu tay mềm mà cũng đi giải phóng Miền Nam, tự nhiên nó thương, nó sẽ cho vào trạm ngay.
Thu nói:
– Thôi, anh muốn làm gì thì làm miễn sao cho chân em mau lành và anh hết sốt rét thì thôi!
– Anh không làm mất cái giá trị của em đâu mà sợ! Gặp nguy hiểm thì phải tùng quyền em hiểu không?
Không biết đang trưa hay đã chiều rồi. Nó cứ âm âm lạnh. Ở bờ suối, đá cũng có vẻ mục, chỉ cần động tới là nó rã ra ngay. Còn người thì cứ gây gây sốt. Cứ mỗi lần gió mạnh thì làn da sởn lên rờn rợn. Con người có vẻ mong manh quá. Lúc nào cũng như sắp sốt tới nơi. Tôi nằm yên trên võng có khi hàng mấy giờ liền chỉ để lắng nghe xem cơn sốt có đến với mình không và lúc nào cũng có cảm giác là nó đang đến.
Chung quanh đây, những bệnh nhân rơi rớt lại từ những đoàn khác nhau, vẫn còn nằm nguyên đó. Có người hôm trước thấy còn ngóc dậy nấu nướng, hôm nay thì nằm bẹp. Có người hôm trước nằm liệt trên võng, nay đã thấy ngóc dậy đi đi lại lại. Không ai nói gì với ai. Dường như họ không cảm thấy sự có mặt của những người đồng loại, đồng bệnh bên cạnh họ có lợi ích gì.
Một chặp sau thì quả nhiên có hai cậu giao liên tới. Một cậu băm sáu băm bảy, còn một cậu chừng mười chín hai mươi. Cả hai đều sốt rét da vàng oách nhưng hơi ngả màu xám. Có lẽ họ chịu đựng sốt rét đã quen và cái chướng khí của rừng núi làm cho nước da họ xạm lại.
Hai người vừa đi ngang qua võng tôi vừa càu nhàu:
– Để cho nó chết!
Người kia gắt:
– Để cho nó chết thì chúng mình tù mọt gông bố à!
Cả hai đều xăm xăm đi lại phía võng của Thu.
Tôi bèn gọi giật hai anh chàng lại. Cả đều do dự nhưng tôi ngoắc thật nhanh, có vẻ quan trọng, cho nên hai anh chàng đều trở lại và đến bên tôi.
Tôi bảo ngay:
– Các anh đưa cô kia vào trạm. Nếu không thì có việc gì Trung Ương sẽ khiển trách đường dây này nhé!
Cả hai cậu cùng có vẻ thú vị, mắt sáng rực lên, chờ đợi tôi nói tiếp. Tôi bảo:
– Cô ta là diễn viên múa của Văn Công Trung Ương đó, đã từng đi Liên Xô, Trung Quốc danh tiếng như cồn. Miền Bắc chỉ có vài cô như vậy. Trung Ương gởi vào Nam để biểu diễn ở Saigon đấy. Saigon giải phóng mà không có cô ta biểu diễn thì nguy to.
Trông cách nai nịt của hai anh chàng tôi quả quyết đúng là giao liên: lựu đạn giắt quanh lưng, vải cao su gói ghém rất gọn, khẩu cạc-bin lấp báng đôi buộc bằng dây thun và nhất là hai ống quần quấn "xà-cạp" trông như lính tẩy. Tôi đưa nốt hai anh chàng vào vòng trách nhiệm:
– Cô ta đau chân, nên đoàn đã gởi cô ta lại đây. Mặt khác đã điện về Trung Ương báo cáo. Nếu Hà Nội hay thì sẽ chỉ thị cho trạm xá nào gần đây nhất đến đem cô ta về điều trị!
Cậu trẻ đáp:
– Gần nhất cũng phải hai ngày đường, đồng chí ạ!
– Vậy thì làm sao?
– Dạ trong trạm em y tá xoàng thôi cũng không có!
Tôi đã mừng thầm rồi nhưng hãy còn kỳ kèo:
– Cậu có thể đi rước bác sĩ ờ cái trạm xá gần đây không? Đi hai ngày mà có được bác sĩ chữa chân cho cô thì cũng đáng cái công. Chân của diễn viên múa – mà là diễn viên ưu tú – là chân ngọc chân ngà các cậu có biết không? Ở Liên Xô mỗi diễn viên múa như vậy có một bác sĩ theo để săn sóc đôi chân.
Cái gì chứ cái nghề bịa đặt tán khoét thì tôi học rất nhiều trên đường Trường Sơn này.
Tôi biết rõ rang sở dĩ hai cậu ta nghe lời tôi một cách ngoan ngoãn và kiên nhẫn như vậy là vì bệnh nhân mà trạm của các cậu sẽ rước về là một người con gái đẹp, chứ nếu ngược lại, thì dù cho tôi có là đại tướng đi nữa cũng không khiển nổi hai gã lính núi này.
Phép vua thua lệ làng. Luật lệ đường dây ở đây còn hơn thế nữa. Giao liên hoạt động độc lập, mỗi trạm tự do hùng cứ một giang sơn, muốn làm gì cũng ai hiểu nổi. Có trạm lấy gạo tiêu chuẩn – mà mỗi hạt là một giọt mồ hôi pha máu – đem bán hoặc nuôi heo v.v….
Cho nên trên đường đây , khách sợ nhất là giao liên, Họ bảo: "nhất trạm, nhì trời".
Khách đi đường đừng có dại dột mà động tới các ông trời đó. Các ổng mà ghét anh rồi thì các ổng làm đủ thứ trò để trả thù. Mà các ổng trả thù thì chết. Ví dụ đến một khúc đường tốt, đáng lẽ để cho anh đi thong thả lấy sức thì các ổng lại hô là bãi pháo và hét anh chạy vắt giò lên cổ. Các ổng cho anh chạy hộc máu mồm ra và đồ đạc rơi rớt hết. Hoặc đường mòn không cho đi mà các ổng cho anh lội toàn gai góc, đá tai mèo và thay vì đi 20 phút, các ổng cho anh trèo dốc vài tiếng đồng hồ. Cho nên gọi họ là trời cũng không có gì quá đáng.
Tôi quay sang Thu, nói to với giọng cấp chỉ huy:
– Trong lúc chờ đợi bác sĩ và mưa gió lê thê thế này, hai đồng chí giao liên có ý muốn đưa cô về trạm để cho y tá săn sóc cái chân đau của cô. Cô thấy thế nào?
Thu từ từ ngồi dậy, tóc Thu hơi rối. Thu cau mặt và sẻ thòng cái chân đau xuống đất, nhưng hai cậu giao liên đâu có nhìn cái nơi không đẹp đẽ ấy làm chi. Hai cậu sửng sốt trước gương mặt của cô Văn Công Trung Ương, mặc dù đang ốm đau nhưng vẫn cứ đáng nhìn như thường.
Thu biết tôi đã khơi mào nên nàng tiếp thêm:
-Điện gì mà lâu thế? Mọi lần em ở Mạc Tư Khoa, thưa thủ trưởng, em nói thẳng về Hà Nội được cơ mà. Em nói chuyện 4, 5 phút cũng không ai cắt.
– Đó là chuyện thời bình, còn ở đây là chiến tranh. Nhưng đối với em, Trung Ương cho cái đặc ân đó là quá xá rồi. Chứ ở đây có ai mà được như vậy, em cũng phải thông cảm Trung Ương một chút.
Thu lại nhăn nhó:
– Vậy em đề nghị thủ trưởng cứ cho em nằm lại đây chờ người tới rước, bây giờ em không tài nào đi nổi, thủ trưởng cứ trông đây cho rõ.
Thu đưa chân lên.
Tôi cứ xuýt xoa mãi. Tôi nói:
– Đành rằng Trung Ương sẽ có người tới rước, nhưng bây giờ hai đồng chí trạm có nhiệt tình, em cũng không nên từ chối, phải không hai đồng chí?
Tôi đưa hai cậu đến lều của Thu và nói ngay:
– Điện về tới Trung Ương ít nhất là hai ba hôm rồi. Chắc chắn như vậy. Nhưng còn từ Trung Ương điện vào đây phải vòng qua Khu 5 rồi Khu mới cho người tới. Và theo hai đồng chí này nói thì trạm xá gần đây nhất cũng mất hai ngày đường.
Thu lại cau mặt nhẹ nhàng:
– Khổ quá!
– Khổ thật! Nhưng biết làm sao bây giờ. Cũng may là có hai đồng chí đây… Bây giờ một mặt cứ vào trạm nằm, một mặt mình chờ Trung Ương.
Hai cậu giao liên thấy Thu quan trọng đến nỗi chân đau mà phải điện về Trung Ương, mà Thu lại gọi tôi là thủ trưởng thì tôi quan trọng đến chừng nào nữa? Cho nên hai anh chàng nài nỉ xin mời chúng tôi về trạm. Tôi cũng thừa biết rằng sở dĩ tôi quan trọng là vì tôi chỉ huy một cô gái đẹp. Thế thôi!
Cuối cùng Thu "nhận lời" vào trạm.
Những người nằm chung quanh đều nghễnh cổ lên nghe câu chuyện của chúng tôi. Có lẽ họ lấy làm ngạc nhiên về sự quan trọng của cô diễn viên múa, hay lấy làm lạ sự đãi ngộ đặc biệt đối với Thu, một bệnh nhân xoàng trong khi cả bọn họ đã nằm liệt mà có ai thèm để mắt tới cho đâu!
Nhưng ở đây không thể đối xử nhân đạo với ai hết, không thể bỏ qua một cơ hội để chụp lấy những quyền lợi bất ngờ, nhất là quyền lợi về vật chất: một mẩu cơm, một chỗ ngủ hay một viên thuốc. Ở đây người ta quen tàn nhẫn với nhau, quen lấn lướt nhau, quen hơn thua tranh chấp với nhau từng tí một có khi chỉ để được một mẩu cơm cháy. Chao ôi, thế thì tôi và Thu đâu có gì phải nghĩ suy cho mệt đối với những người bệnh đang nằm ngoài mưa kia khi chúng tôi được trân trọng rước vào trạm.
Tôi thú thật rằng tôi cũng chẳng xấu hổ chút nào. Họ có hiểu đâu là múa, đâu là Trung Ương, đâu là Liên Xô gì gì…Tôi thấy cần phải nói dối nhiều hơn nữa, hay hơn nữa để họ tin, để cuối cùng tôi được ngủ yên không ướt, được ăn no, hết sốt rét. Tóm lại trong một chữ: "sống". Thế thôi! Ai muốn lý tưởng hoá cuộc trường kỳ lội bộ trên con đường kỳ cục này thì hãy cứ nhảy vào, ngay cả người đã lấy xương máu người khác để vạch ra đường này nữa, hãy vào, nhảy vào đi, rồi sẽ thấy.
Rồi sẽ thấy cái lý tưởng mà họ đặt ra cho những người khác tôn thờ sẽ chẳng bằng nắm cơm thiu hay những ngụm nước trong bi-đông trên con đường này.
Chớ ai trách tôi nói dối, tôi lừa gạt. Từ ngày tôi đi lên đường Trường Sơn tôi nói dối tất cả. Bạn tôi hỏi: còn muối không, tôi nói đã hết. Ai hỏi tôi: mệt không, mệt ít tôi nói mệt nhiều. Ai hỏi tôi gì gì tôi cũng tìm cách nói dối, trừ khi nói thật có lợi hơn nói dối thì tôi mới nói thật. Tôi thấy mọi người đều nói dối rất hồn nhiên, ngay cả những người lớn nói những chuyện tày trời, nói lừa nói đảo, thì việc gì mình thẳng ruột ngựa cho thiệt thân.
Một người quảy ba-lô và đồ phụ tùng cho Thu. Họ tỏ ý miễn cưỡng giúp đỡ tôi nhưng tôi lập tức chối từ vì sợ lạm dụng lòng tốt của họ.
Đi được một quãng thì phải qua suối. Chao ôi đó là một vấn đề khó khăn gian khổ (nhưng nhất định thắng lợi!). Tôi gài vấn đề ngay:
– Chân của cô Thu bị ướt có thể bị nhiễm trùng đấy!
Thu chống gậy đứng dừng lại bên bờ suối. Bóng Thu in dưới nước lăng tăng theo những gợn sóng bỗng nhiên làm tôi bồi hồi.
Tôi chợt nghĩ: Nếu không có tôi đề ra chủ trương khiêng Thu đi mấy ngày đầu và nếu bây giờ không có tôi ở đây thì Thu sẽ ra sao. Đêm khuya thân gái dậm trường.
Cậu giao liên trẻ bảo:
– Để tôi chặt cây bắt cầu cho chị qua.
Tôi gạt ngay:
– Đi đất còn không vững nữa là đi cầu!
– Thế thì chặt đòn khiêng.
– Gì mà phải khiêng, có mấy bước thôi, nhảy phốc cái là qua bên kia ngay. Chậc!
Tôi ngắm nghía một lúc rồi hăm hở lột ba-lô cùng thắt lưng ra trao cho cậu trẻ và bảo:
– Cậu mang hộ tôi.
– Chi vậy?
– Để tôi cõng cô ấy sang cho mau.
Cả hai đều nhìn tôi. Tuy không nói ra, nhưng họ đều cho tôi định làm một chuyện không thể làm được.
Tôi giục:
– Lại đây Thu. Anh cõng em qua. Chần chờ ở đây mưa trút xuống ướt như chuột bây giờ.
Thu chần chờ, không nói không rằng, vẻ mặt buồn hiu. Có lẽ Thu ngao ngán đến cực độ con đường vinh quang này. Đường gì mà đường vậy. Đi không được, đứng không có bóng mát. Còn mưa thì nhánh đổ đâm lòi ruột. Đêm ngủ thấp thỏm sợ kẻ gian phi ăn cắp dép và bi-đông.
Thu lắc đầu cương quyết:
– Nhiễm trùng thi nhiễm, em lội qua thôi!
Tôi quát to:
– Tôi ra lệnh cho đồng chí phải để tôi cõng!
Thu rơm rớm nước mắt.
Cậu giao liên trẻ đau khổ ra mặt. Còn anh kia thì nhìn tôi, chắc anh ta biết tôi cái thân còn không muốn nổi, tôi mà cõng Thu thì sẽ dìm Thu ngay xuống nước.
Anh này bảo cậu trẻ:
– Thôi em cõng chị ấy đi!
Cậu trẻ ửng vành tai, ngó xuống.
Thu hất mái tóc ra phía sau như để lấy lại bình tĩnh. Còn tôi thì tôi đã thấy kết quả nắm chắc trong tay rồi. Tôi nói tiếp giọng nhỏ nhẹ:
– Thu không nên e ngại. Thu coi cậu ấy như em của Thu vậy. Vả lại có gì đâu, chân Thu đau, còn cậu ấy thì tự nguyện giúp Thu như giúp một người yếu đuối hoạn nạn.
Thật là khóc hổ người, cười ra nước mắt.
Cậu giao liên trẻ khom lưng xuống và Thu chậm chạp bước tới với chiếc gậy, đôi mắt Thu không rời bàn chân đau đang chọn những chỗ phẳng để đặt xuống một cách vô cùng thận trọng.
Thật là não lòng, chua cay, tủi hận. Đó, phương tiện di chuyển thương binh của bọn tôi như vậy đó, có hơn gì thời Bà Trưng Bà Triệu hay không? Vậy mà phình bụng chơi với phản lực trực thăng. Đánh với thằng giặc nó đi hành quân máy bay, chở cả gà quay và giấy vệ sinh theo. Nó toàn bay trên đầu; còn mình thì cứ ngóng cổ cò lên mà dòm và phản đối bằng mồm, chuyên môn chui rút lén lút, một đóm lửa cũng không dám nhóm, một làn khói cũng phải quạt cho tan. Hỏi chiến thắng lấy đâu mà có?
Thu đang đi bỗng dừng lại. Thu lắc đầu nguầy nguậy:
– Thôi anh à! Để em lội tốt hơn. Chả sao đâu, có ướt thì lát nữa khô!
Cậu giao liên trẻ nhìn Thu. Có lẽ từ lâu nay cậu ta chưa thấy người con gái nào đẹp như vậy. Cậu ta đã tự nguyện cõng Thu qua suối, nhưng dù sao cậu cũng hơi ngượng.
Còn anh kia thì không giục thêm tiếng nào nữa, có lẽ y thấy cũng hơi kỳ kỳ cho Thu.
Tôi không biết làm sao nữa. Đã lỡ đến đây rồi không lẽ lại bảo thôi, nhưng nếu không giục thì chưa chắc Thu đã nhận lời. Chính tôi cũng thấy nó làm sao ấy.
Thu đứng nhìn dòng nước ra dáng suy nghĩ lung lắm. Bỗng Thu kêu lên:
– Em đã có cách rồi anh ạ!
– Làm sao?
Thu làm thinh đi lại chỗ cậu giao liên trẻ đứng, lấy cái ba-lô và mở ra lấy một tấm vải mủ. Xong Thu ngồi xuống xăn quần lên rồi không nói không rằng Thu quấn chặt tấm vải mủ chung quanh bàn chân sưng của Thu.
Vậy là Thu có lối thoát. Hai anh giao liên đều hoan nghênh cái sáng kiến của Thu, nhưng có lẽ cả hai cùng tiếc rẻ … cơ hội để giúp đỡ người ngọc qua suối, để lấy đó làm các nhịp cầu giao cảm về sau.
Cái sáng kiến đó thực hiện xong một cách chậm chạp, nhưng chắc chắn. Thu hỏi tôi, sau khi đã nai nịt kỹ lưỡng bàn chân đau:
– Như thế này nước vô được không anh?
Tôi nói:
– Nếu lội qua nhanh thì nước vô không kịp còn lội chậm thì nhất định nước vô ngay.
Thu không nói gì, nàng chống gậy chậm chạp đi xuống mí nước rồi bước xuống nước.
Tôi cảm thấy tê buốt đến tận tủy. Nhưng Thu cứ từ từ đi ra dòng suối.
Thu từ từ xăn quần cao lên cho khỏi ướt. Làn da trắng nuốt làm cho tôi thấy mà phải chạnh lòng. Trắng quá đi mất từ gót chân trở lên vẫn cứ một màu trắng như tuyết, như bông bưởi.
Có lẽ Thu hơi ngượng nên thu không xăn nhanh mà chờ cho nước đến đâu Thu xăn lên đến đó. Có khi Thu phải dừng lại mà xăn để khỏi trượt ngã . Tôi cũng chờ nàng một cách tự nhiên. Thu không hề biết tôi đã dừng lại để nhìn đôi chân của nàng. Hai cậu giao liên cũng đưa mắt xoáy vào mục tiêu ấy.
Bỗng đùng !… Thu đang lội vụt trợt chân ngã xuống nước. Rõ tai hoạ thật! Hai người giao liên bương bả chạy tới. Tôi cũng cuống lên nhưng không thể đi nhanh được, vì tôi vừa dứt cơn sốt. Người sốt tối kỵ là trầm mình dưới nước. Tôi đã cố gắng hết sức để lội xuống nước. Những lỗ chân lông của tôi hở ra, hút nước vào tận tủy, cả người tôi tê dại, buốt lên, mất hết cảm giác.
Một chàng sốt rét lại muốn nâng đỡ một người bệnh thì làm sao? Cho nên tôi đã trượt chân và ngã xuống nước trước khi tới với Thu. Một cậu giao liên đã tới nơi và đỡ Thu dậy. Thu ướt loi ngoi. Thu nhìn tôi có vẻ buồn nản, trách móc hờn tủi. Tất cả tình cảm của một con người hay một con vật bị hy sinh đổ ra cái nhìn đó.
Cậu giao liên trẻ quàng tay qua lưng Thu, còn một tay thì nắm tay Thu một cách tự nhiên để đưa Thu đi tới. Hình như Thu cũng vui lòng về cái cử chỉ ấy
Thu ướt đẫm. Quần áo dán sát vào người. Bây giờ tôi mới biết rằng trong máu tôi còn nhiều hồng huyết cầu. Bởi vì tôi nhìn Thu, tôi thấy Thu đẹp và dường như tôi thấy hơi tiếc sao tôi không đến kịp để đỡ Thu.
Rồi cuối cùng Thu cũng qua được con suối. Sang đến bờ kia, Thu ngồi phệt xuống đất mà thở dốc. Mặt Thu tái lại trông tội nghiệp hết sức. Tôi vội vã đến mở những lớp ni-lông trên chân Thu ra. Thiệt là khốn nạn. Cái bàn chân thon nhỏ bây giờ tôi mới nhìn tận mắt. Nước lọt qua những kẽ hở ni-lông ướt cả vết thương. Những ngón chân đã quen những mặt phẳng và nhung lụa giờ đã tòe ra, móng xước lên và trầy trụa, tím ngắt.
Thu nhìn tôi săn sóc bàn chân cho Thu với vẻ hài lòng dễ chịu. Hơn tháng nay trên đường đá tai mèo này đâu có ai ngó ngàng tới Thu. Ai lo thân nấy! Còn lũ đàn ông vốn nịnh đầm, nhất là đối với các nữ văn công thì cũng quên bẵng đi cái đức tính thiên phú đó . Lâu nay đi chung với họ (các cô nữ văn công ấy) tôi nhiều lúc hay bực mình về sự yếu đuối, sự chậm chạp, sự nhỏng nhẽo của họ hơn là cảm thấy thơ thới vì sự tươi mát của họ mà ai cũng thích khi còn ở ngoài kia trong cuộc sống bình thường.
No comments:
Post a Comment